April 8, 2011

Thị trường tự do có làm băng họai các giá trị đạo đức hay không?

Đây là cuộc thảo luận do Quĩ JOHN TEMPLETON FOUNDATION tổ chức. Vấn đề được đem ra bàn thảo là: Chủ nghĩa tư bản, dựa trên quyền tự do trao đổi, đã bị mang tiếng là hệ thống dã man và phi đạo đức, đấy là nơi mà mỗi người đều chỉ quan tâm đến lợi ích của riêng mình, sẵn sàng phản bội, lừa bịp nhằm giành lợi thế trong cuộc cạnh tranh. Liệu xã hội tư bản chủ nghĩa có dứt khóat dẫn tới suy thóai đạo đức hay không? Thị trường tự do có tương thích với các giá trị đạo đức hay không, nó sẽ phá hủy hay khuyến khích những giá trị này? Một số nhà kinh tế học, triết học và chính khách có tiếng của Mĩ và Nga đã tham gia cuộc thảo luận. Ý kiến của họ rất đa dạng, Phạm Nguyên Trường blog sẽ lần lượt dịch và giới thiệu.

Bài 13
  
Garry Kasparov: Có, nhưng … các hệ thống khác còn tệ hơn.

Phạm Nguyên Trường dịch

Bản chất của con người là lúc nào cũng muốn được nhiều hơn, thị trường tự do tạo điều kiện thực hiện những ham muốn như thế nhưng lại không bảo vệ được những người kém may mắn. Nhưng những cố gắng nhằm ngăn chặn những nhu cầu và ước muốn cơ bản này của con người lại dẫn tới những tội ác còn lớn hơn nhiều. Lịch sử nước Nga trong một trăm năm qua, từ các Sa hoàng qua thời Xô Viết đến chế độ đầu sỏ của Putin hiện nay, có đủ các bằng chứng cần thiết cho điều vừa nói. 

Thị trường tự do là lò tôi luyện cạnh tranh, nó có thể làm bật ra những nét tính cách xấu xa nhất của con người. Cạnh tranh bao giờ cũng khốc liệt, và khi sự sống còn đã được đặt lên chiếu bạc rồi thì làm gì còn chỗ cho đạo đức nữa. Nhưng bắt chước Churchill – dù còn nhiều khiếm khuyết – vẫn có thể nói rằng thị trường tự do vẫn ưu việt hơn tất cả các thể chế kinh tế đã từng thấy trên đời.

Mới nhìn thì có vẻ như rõ ràng là hệ thống dựa hoàn toàn vào tính tư lợi nhất định sẽ đưa người ta đến những hành động vô luân. Trong cuộc tranh giành đỉnh cao – chiến thắng đối thủ, kiếm được nhiều tiền hơn, mua được ngôi nhà to hơn – chỉ cần dừng lại trong giây lát để giúp người anh em là ta đã bị những người thiếu tế nhị hơn bỏ xa rồi. Làm sao mà trong thị trường tự do lại có thể tồn tại mối quan tâm về lợi ích của những người đồng bào của mình?
 Nhưng mặc cho bản chất có vẻ như khá tàn nhẫn của các lực lượng thị trường chưa được kiểm soát, vẫn có hai cách để các lực lượng thị trường có thể cải thiện phúc lợi của xã hội, tương tự như các qui luật khách quan hình thành nên những loài sinh vật có khả năng thích nghi cao nhất, mà Darwin đã tìm ra. Thứ nhất, nếu đức hạnh được xã hội coi trọng thì người ta sẽ được lợi khi thực hành và ủng hộ cho những hành vị đạo đức. Có vẻ như công ty chẳng được gì khi đem tiền lời ra làm từ thiện chứ không đầu tư nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của mình. Nhưng chúng ta biết rằng việc đó có thể cải thiện được hình ảnh của công ty và như vậy cũng có nghĩa là cải thiện được khả năng cạnh tranh của họ. Trong nền kinh tế thị trường tự do, danh tiếng phụ thuộc vào dư luận xã hội và có thể mang lại cho người ta lợi ích vật chất.
 Thứ hai, khi xã hội (hay chí ít là đa số các thành viên của nó) đã đạt được tình trạng mà ta có thể gọi là dư giả, khi mà không còn ai phải sợ chết đói nữa, thì người ta có thể hưởng thụ một món xa xỉ là đức hạnh. Không có ai lại đi giật miếng bánh mà con mình đang cần ăn để đem cho con người khác. Tất cả chúng ta đều được tự nhiên phú cho đức hạnh, nhưng nó phải lùi lại trước yêu cầu cấp bách: trở thành khá giả. Khi đã giàu có rồi thì có thể làm từ thiện.
 Dĩ nhiên là cả hai qui tắc này đều có những ngoại lệ, nhưng chúng chỉ củng cố thêm những lí lẽ ủng hộ thị trường tự do mà thôi. Khi không còn cạnh tranh thì đạo đức không mang lại cho người ta lợi ích thương mại. Những hành động cướp bóc của bọn đầu sỏ - sống dựa vào nhà nước - đang cai trị nước Nga hiện nay thể hiện rõ điều đó. Bè lũ đang nắm quyền cai trị đơn giản là không cần biết người ta đang nghĩ gì về chúng.
Những nước giàu tài nguyên thiên như như Saudi Arabia và Nga có thể tạo ra được nhiều của cải mặc dù đấy là những nền kinh tế chỉ huy và tệ tham những hoành hành. Nhưng sự thừa mứa không cần phải giải trình như thế – trước người làm công, trước cổ đông  người và người tiêu dùng (hay cử tri, xin nói thêm như thế) – sẽ dẫn tới những hành vi tham nhũng đủ mọi kiểu. Hầu như tất cả các nước đang hưởng lợi từ việc giá nhiên gia tăng đều sử dụng các khoản thu nhập giời ơi đó vào việc đàn áp giới bất đồng chính kiến và giữ cho bằng được những chế độ hà khắc nhất thế giới.
 Những người quí trọng tình làng nghĩa xóm thường hành động một cách hợp đạo lí. Các công ty phát triển nhờ lòng trung thành của nhân viên, thiện chí của người tiêu dùng và sự ủng hộ của các nhà đầu tư cũng làm như thế (nhưng phải thành thật mà nói rằng họ chỉ hành động đúng đạo lí khi cần mà thôi). Các chính phủ sống bằng sự tham gia và tiền thuế của người dân cũng làm như thế.  Như vậy là, mặc dù việc theo đuổi tư lợi có thể dẫn đến suy đồi, nhưng thị trường tự do lại tạo ra động cơ để người ta hành động hợp đạo lí. Các hệ thống khác không có những động cơ cụ thể như thế.
Trong thế kỉ XX những người không tưởng tin rằng thiên đường xã hội chủ nghĩa toàn cầu nhất định sẽ xuất hiện. Trong khi quan sát những sự quá lạm thảm khốc của cuộc cách mạng công nghiệp, nhất là ở Anh và Mĩ,  họ liền tưởng tượng ra một tương lai, trong đó hài hòa sẽ thay thế cho đấu tranh và sự hợp tác bất vị lợi sẽ thay thế cho cạnh tranh khốc liệt. Đấy là phản ứng của những người có lương tâm trước những đau khổ do các lực lượng của thị trường tự do thiếu kiểm soát mang lại, đấy cũng là lúc tài sản dư thừa chưa đạt mức tới hạn. (Hiện nay cũng có thể nói rằng hàng tỉ người trên thể giới còn sống trong cảnh bần hàn và biện luận rằng chúng ta chưa giàu đến mức có thể giao phó sự thịnh vượng của chúng ta cho thị trường tự do). Những nhà tư tưởng này tin chắc rằng nhất định phải có con đường tốt hơn, dẫn vào một xã hội đức hạnh hơn.
 Nhưng giấc mơ xã hội chủ nghĩa không chỉ là hậu quả của sự bất bình với hiện trạng của chủ nghĩa tư bản. Nó còn là niềm tin vào bản chất đức hạnh của con người nữa. Những người mộng mơ này tin rằng khi có điều kiện và có học vấn thì người ta sẽ hi sinh những quyền lợi trực tiếp của mình cho sự nghiệp cao cả hơn. Đến lượt nó, điều đó chắc chắn sẽ tạo ra số lượng của cải nhiều đến mức ai cũng no đủ và sẽ đặt dấu chấm hết cho nhiều đau khổ của con người.
 Có thể là trong cái thế giới mà người ta thích cuộc sống hài hòa và an phận hơn là cạnh tranh và thành đạt thì sẽ ít đau khổ hơn. Nhưng không có thế giới nào như thế cả. Chúng ta là sản phẩm của cuộc đấu tranh sinh tồn có từ thời thượng cổ. Phủ nhận bản năng của chúng ta là hiểm họa cực kì nghiêm trọng. Nếu thị trường không tự do thì chắc chắn là ai đó – một người hay một nhóm người - đã kiểm soát nó. Chạm trán với ước muốn thành đạt mang tính tự nhiên của con người, lòng khát khao bình đẳng đầy học thức kia sẽ biến thành bình đẳng trong vòng nô lệ. Động cơ nội tại thúc đẩy những hành động hợp đạo lí được thay bằng chỉ thị và trừng phạt. Củ cà rốt được thay bằng cây gậy.
 Tôi đã sống nửa đời trong chế độ như thế ở Liên Xô. Ở đấy khát vọng của mọi người đều bị đàn áp hay được hướng vào mục tiêu vĩ đại của toàn dân tộc. Nhưng không có sự tham gia tự nguyện của người dân thì việc áp đặt hay ép buộc đạo đức từ trên xuống sẽ không thể thành công nếu không làm cái việc là phá hoại ý chí tự do của chính họ. Kết quả là Liên Xô cũng như tất cả các nước cộng sản khác đã nhanh chóng thoái hóa thành chế độ toàn trị và khủng bố.
 Vô chính phủ không phải là phương án thay thế; xã hội mà không có chế độ pháp trị, thiểu số không được bảo vệ cả trong lĩnh vực chính trị, tôn giáo và kinh tế thì đấy là xã hội không ra gì. Vì vậy mà thay thế cho nó phải là hệ thống trong đó tự do cá nhân kết hợp với động cơ thúc đẩy người ta hàng động hợp đạo lí. Kinh tế thị trường tự do cùng với chế độ dân chủ, cũng là thị trường tự do của các tư tưởng là hệ thống gần gũi nhất với điều tôi vừa nói bên trên.
 Như vậy là thị trường tự do có thể làm băng hoại các giá trị đạo đức. Bản chất của con người là lúc nào cũng muốn được nhiều hơn, thị trường tự do tạo điều kiện thực hiện những ham muốn như thế nhưng lại không bảo vệ được những người kém may mắn. Nhưng những cố gắng nhằm ngăn chặn những nhu cầu và ước muốn cơ bản này của con người lại dẫn tới những tội ác còn lớn hơn nhiều. Lịch sử nước Nga trong một trăm năm qua, từ các Sa hoàng qua thời Xô Viết đến chế độ đầu sỏ của Putin hiện nay, có đủ các bằng chứng cần thiết chứng minh cho điều vừa nói.
 Garry Kasparov là cựu vô địch cờ vua thế giới và hiện là người đứng đầu liên minh dân chủ có tên là Một Nước Nga Khác. Ông là tác giả cuốn sách viết về quá trình ra quyết định với nhan đề: How Life Imitates Chess. Garry Kasparov hiện sống ở Moskva.

No comments:

Post a Comment