November 23, 2021

THIỀN ĐÀM VỀ TU KHẨU

 

Mở bài



David Hawkin viết (tác phẩm Power vs. Force, trang 309) “Vạn vật trong vũ trụ đều phát ra một tần số cụ thể hoặc trường năng lượng cực nhỏ vĩnh viễn được lưu lại trong lĩnh vực ý thức. Do đó, mỗi người hoặc sinh vật đã từng sống và bất cứ điều gì liên quan đến họ, trong đó, bất kì sự kiện, suy nghĩ, hành động, cảm giác hoặc thái độ nào đều được vĩnh viễn ghi lại và có thể được truy xuất tại bất kỳ thời điểm nào trong hiện tại hoặc tương lai”.

Mời đọc thêm Chuyện con khỉ, con bướm và ông quan hiểu rõ đạo lý.

Thân bài

Nói lời chân thành mà mình cho là đúng vẫn tạo khẩu nghiệp

David Hawkin viết (tác phẩm Power vs. Force, trang 309): “Hàng triệu lần hiệu chỉnh được thực hiện trong suốt nhiều năm nghiên cứu đã xác định được phổ giá trị tương ứng chính xác với các thái độ và cảm xúc được mọi người công nhận, được khu biệt hóa bằng các trường năng lượng điểm hút đặc thù, tương tự như trường điện từ hút mạt sắt”. Và ông chia ý thức của con người thành 17 tầng, từ 20 (Nhục nhã) tới 700-1.000 (Chứng ngộ). Người ở tầng ý thức thấp không thể hiểu được hoặc hiểu sai điều mà người ở tầng ý thức cao hơn một mức coi là chân lý. Còn người ở tầng ý thức cao hơn một mức lại coi đấy là những thứ nhảm nhí, nói ra hay thảo luận chỉ mất thì giờ. Mời đọc Các tầng ý thức của con người.

Bây giờ, giả sử B ở tầng ý thức cao hơn A, C lại ở tầng ý thức cao hơn B. B nói ra một điều gì đó mà anh ta coi là chân lý, rất tâm đắc. A ở tầng thấp hơn có thể hiểu sai điều B nói và làm theo cách hiểu sai đó. Như vậy B đã vô tình tạo ra khẩu nghiệp. Đấy là lý do người xưa bảo rằng cần phải tu khẩu.

Nhưng không cần đến như thế. Chỉ cần A và C có ý nghĩ tiêu cực về ý kiến của B (mà chắn chắn là có) cũng đã có thể tạo ra hậu quả tai hại rồi. Năng lượng của ý nghĩ xuất phát từ tầng ý thức 100 (tiêu cực) thường nằm trong khoảng từ  log 10-800.000.000 đến 10-700.000.000 microwatts [xin đọc là 10 mũ trừ 800 triệu, 10 mũ trừ 700 triệu microwatts), nghĩa là rất nhỏ. Nhưng nếu nhớ lại rằng con bướm vỗ cánh ở rừng Brazil có thể tạo ra trận bão tuyết ở Phần Lan thì ta sẽ thấy năng lượng của những ý nghĩ tiêu cực đó hoàn toàn không phải là nhỏ. Chúng còn kết hợp với nhau và với những năng lượng của ý nghĩ tiêu cực của A và C về những sự việc khác, cũng như kết hợp với năng lượng của những ý nghĩ tiêu cực của 7 tỷ người trên thế gian thì hậu quả có thể khủng khiếp tới mức nào. Và năng lượng này được ghi lại, có thể được truy xuất ra và có thể tạo ra ảnh hưởng tiêu cực tới toàn thể nhân loại, trong đó có A, B, C.

Lời nói chẳng mất tiền mua, Lựa lời mà nói cho vừa long nhau

Giả sử một buổi sáng nào đó ta quát mắng hay phê phán gay gắt một cách bất công một người phụ thuộc vào ta, ví dụ, con, em, hay nhân viên dưới quyền. Vì là người phụ thuộc, họ không dám cãi lại nhưng trong lòng thì rất ấm ức, tức giận. Mà ấm ức, tức giận, trước hết là có hại cho sức khỏe; sau nữa, có thể dẫn tới không làm chủ được hành động của mình và thế là hỏng việc hay tai nạn giao thông… Tất cả đều có thể xảy ra. Nếu là người tương đối nhạy cảm, ta có thể phát hiện được rằng mình đã gián tiếp gây những việc làm sai hay tai nạn của người kia.

Thế chưa phải đã hết. Người bị oan kia có thể trút cơn giận dữ của mình sang những người khác. Một dãy dài các F0, F1, F2… Fn, n có thể là vô tận. Nhưng nếu sắc xuất mắc Cùm Tàu của các F1, F2,.. Fn ngày càng giảm dần, thì dây chuyền nóng giận mà ta tạo ra không chắc đã giảm dần mà có thể còn tăng đột ngột ở một mắt xích nào đó. Thế là có thể xảy ra cãi nhau, đánh nhau, tai nạn giao thông, thậm chí chết người. Mà những sự kiện này có thể xảy ra ở khoảng cách rất xa, và khá lâu sau khi những lời giận dữ vô cớ của ta được phát ra và ta không có cách nào biết được rằng mình đã gián tiếp gây ra những sự kiện đó.

Đấy là chưa nói tới những lời bộc phát khi cáu giận với người ngoài, ví dụ, va chạm trong khi tham gia giao thông hay tranh chấp trên mạng xã hội..v..v.. Những lời nói buông lung trong lúc cáu giận với người ngoài có thể gây ra tai họa tức thời, kết quả là kẻ sứt đầu mẻ trán, kẻ bị tù tội…

Ngày xưa người ta chỉ giao tiếp với những người trong xóm trong làng và mọi sự đều diễn ra một cách chậm chạp, ảnh hưởng tiêu cực của ngôn từ không lớn như bây giờ mà người ta đã có câu: “Lời nói, đọi máu”; hiện nay không gian chúng ta giao tiếp của chúng ta rất rộng, hành động của chúng ta diễn ra rất nhanh; cho nên “đọi máu” không còn là ẩn dụ nữa, mà có thể thành sự thật nhãn tiền.

Đi đâu mà vội mà vàng

Gần đây có người đưa lên mạng xã hội đề bài kiểm tra toán lớp 2: Một người nuôi 30 con vịt, vừa rồi người đó bán đi MỘT SỐ VỊT. Hỏi người đó còn bao nhiêu con vịt? với lời bình mở đầu: Bài toán lớp 2 mang tính thách thức phụ huynh học sinh. Và kèm theo đó là vô số Comment phê phán gay gắt, thậm chí thóa mạ hệ thống giáo dục nước nhà.



Người viết nghĩ rằng cả người đưa bài kiểm tra này lên mạng cũng như những người bình luận theo hướng tiêu cực bài kiểm tra này đều không hiểu rõ hoàn cảnh ra đề. Người viết cho rằng trước khi có bài kiểm tra này, thày/cô giáo đã cho các em học sinh làm 1 bài có nội dung đại khái như sau: Nhà A nuôi 10 con gà/vịt/ngan/ngỗng.., gần đây mẹ A bán 1 số con. Mỗi lần mẹ A có thể bán mấy con? Mỗi lần bán sẽ còn lại mấy con? Học sinh có thể nói: bán 1, bán 2… bán 10 con. Và thế là học sinh biết làm tính 10 trừ 1, trừ 2… tới trừ 10. Tương tự như học bảng cửu chương. Nếu giỏi nữa, thày/cô giáo có thể dùng X thay cho 1, 2… và thế là các cháu mường tượng được phương trình bậc nhất 1 ẩn. Dù không nói tới X thì bài toán này cũng đòi hỏi tư duy thông minh hơn thời tôi học lớp 2 trường làng.

Cho dù bạn không đồng ý với kịch bản tôi vừa trình bày thì tôi vẫn nghĩ rằng những nhận xét theo lối tiêu cực, thậm chí sỉ vả hệ thống giáo dục của chúng ta cũng không làm cho nó tốt lên. Hơn thế nữa, những năng lượng tiêu cực mà chúng ta xả ra sẽ được vũ trụ ghi lại và một lúc nào đó có thể được truy xuất và gây ra những ảnh hưởng rất tiêu cực lên tất cả chúng ta. Tôi nghĩ rằng trong mọi trường hợp, những lời nhận xét đầy từ bi, hòa ái sẽ dễ đi vào lòng người hơn những lời phê phán gay gắt. Và xin hãy luôn luôn tâm niệm rằng: “Vạn vật trong vũ trụ đều phát ra một tần số cụ thể hoặc trường năng lượng cực nhỏ vĩnh viễn được lưu lại trong lĩnh vực ý thức. Do đó, mỗi người hoặc sinh vật đã từng sống và bất cứ điều gì liên quan đến họ, trong đó, bất kì sự kiện, suy nghĩ, hành động, cảm giác hoặc thái độ nào đều được vĩnh viễn ghi lại và có thể được truy xuất tại bất kỳ thời điểm nào trong hiện tại hoặc tương lai”.

Lời nói đúng, đúng đối tượng mà vẫn thành sai

Phật gia giảng: “Người tu Phật phải luôn luôn giữ chánh niệm, luôn luôn sống trong hiện tại; đừng để quá khứ giày vò, ví dụ, đừng mãi khóc than rằng trước đây còn trẻ, còn nghèo không biết báo hiếu đúng mức cha mẹ, hay đứa con này ngoan thế, xinh thế mà vì không có tiền, không chăm sóc đúng cách nên nó chết oan… Ôi sao tôi khổ quá… Đừng có tự giày vò mãi như thế, vì như thế thì tâm bất an, làm sao tu được? Mà chúng sinh lăn lộn trong lục đạo luân hồi trong không biết bao nhiêu kiếp. Kiếp này có thể là con, kiếp sau có thể là cha mẹ không chừng. Một khi nhắm mắt xuôi tay, còn làm sao nhận ra ai là mẹ cha, ai là con cái nữa”. Đại khái như thế.

Người thực tâm cầu đạo hiểu rằng nói như thế không có nghĩa là phải bỏ việc thờ cúng cha mẹ tổ tiên, vì tục thờ cha mẹ tổ tiên có trước khi đạo Phật được truyền vào Việt Nam, có trước khi ông bà, cha mẹ mình có mặt trên cõi đời này, cho nên có thể mình không tin rằng thờ cúng là báo hiếu, nhưng mình cũng không thể phản đối, càng không thể vì thế mà làm cho gia đình bất hòa, anh em lục đục, hang xóm chê cười. Mình có thể giữ thái độ đạm bạc, nhưng không bao giờ can thiệp. Mà thế là đúng.

Còn người có nhận thức kém thì lại không nghĩ tu Phật là tu tâm, mà lại nghĩ đến những hình thức biểu hiện bên ngoài. Thế là về nhà kiên quyết đòi phá bỏ bàn thờ, phát ngôn bừa bãi, không ai hiểu nổi. Những hành động như thế chẳng những làm cho tâm mình bất an, mà còn phá hoại Phật pháp.

Thế là một câu nói đúng Pháp Lý, và dường như hướng đến đúng đối tượng cần nghe. Nhưng kết quả lại khác nhau một trời một vực.

Người ta nói: “Lời nói không mất tiền mua/Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Lựa rồi mà vẫn không ăn thua.

Lời nói đúng, tùy đối tượng mà thành sai hay đúng

Phật gia giảng: “Người không vì mình, trời tru đất diệt” cũng đưa người ta tới những quan niệm hoàn toàn khác  nhau.

Đối với người tầm đạo thì “mình” là linh hồn/nguyên thần/Phật tính/bản lại diện mục của con người, nói theo ngôn ngữ hiện đại thì đấy chính là phần mềm, còn cái cơ thể vật lý này chỉ là phần cứng của cái máy tính mang tên là “con người” mà thôi. Không có linh hồn/nguyên thần/bản lại diện mục/Phật tính/phần mềm thì cái “máy tính người” này chỉ là một cái xác và sẽ thối rữa ngay lập tức. Linh hồn/nguyên thần/bản lại diện mục không phải là thứ được sinh ra trên trái đất này, mà được sinh ra ở đâu đó bên trên kia, nơi mà các Kitô hữu cho rằng Chúa đã thổi linh hồn vào cục đất mà Ngài nặn ra theo hình ảnh của chính Ngài.

Do đó, người tầm đạo cho rằng “vì mình” là phải tu cái tâm của mình, để tìm ra linh hồn/nguyên thần/Phật tính/bản lại diện mục của mình, với mục đích là giải thoát/viên mãn/chứng ngộ để được vãng lai vào cõi niết bàn hay được trở về bên Chúa, và sẽ không còn phải trôi lăn trong lục đạo luân hồi này nữa. 

Còn đối với phàm phu tục tử theo chủ nghĩa duy vật tầm thường thì “mình” chính là cái cơ thể này, với đầu mình và tứ chi, cái gọi là linh hồn chẳng qua chỉ là hoạt động của các tế bào thần kinh mà thôi. Đối với họ, sống ngày nào biết ngày đó, chết là hết.

Do đó, phàm phu tục tử cho rằng “vì mình” là hưởng thụ càng nhiều càng tốt. Họ tìm đủ thứ của ngon vật lạ, rượu quý, gái tơ… để hưởng lạc cho thỏa mãn cái xác phàm của mình. Nhưng muốn có tiền để hưởng lạc thì phải tìm cách bóp nặn, bóc lột đồng bào của mình (xin mở ngoặc để nói rằng tôi không có ý thóa mạ những người làm ăn và giàu có một cách chân chính), phải kết bè kết đảng để chiếm đoạt chức vụ mà họ không xứng đáng giữ, rồi hối lộ, đút lót, giết người, hàm oan người vô tội… Tóm lại, để bồi bổ cho cái xác phàm của mình, không tội ác nào mà họ không thể phạm.

Nhưng người có đức tin tôn giáo lại cho rằng hành xử như thế là tạo nghiệp và sẽ phải trả bằng những cách khác nhau như tái sinh trong lục đạo luân hồi, bị đọa vào địa ngục với những hình phạt như bẻ xương, móc mắt, rút răng hay bị nấu trong vạc dầu..v.v..

Thế là, một câu nói mà có hai cách hiểu hoàn toàn trái ngược nhau. 

Kết luận

Như vậy là, không chỉ những lời lẽ cộc cằn thô lỗ bộc phát khi nóng giận có thể mang lại hậu quả không hay mà hầu hết những phát ngôn có một chút gì đó mang tính tư “tư tưởng” đều có thể bị người khác hiểu sai, dẫn đến những ý nghĩ sai, lời nói sai và hành động sai. Và tất cả đều được phản ánh vào xã hội nhân loại. Phản ánh có thể ngay lập tức hoặc là có độ trễ nào đó, nhưng nhân đã gieo rồi thì quả nhất định sẽ phải gặt. Chỉ là lâu hay mau mà thôi.

Thế thì cần phải bịt miệng lại hay sao? Câu trả lời là: Không.

Vả lại ông Trời đã ban cho con người cái miệng để ăn và nói thì nhất định phải nói rồi.

Nhưng khi nói, luôn luôn phải nhớ rằng ông Trời cho con người hai mắt, hai tai, nhưng chỉ cho một cái miệng; mà cái miệng lại làm hai nhiệm vụ là ăn và nói. Thế có nghĩa là ông Trời muốn con người nghe và nhìn nhiều hơn nói.

Và sau khi đã biết rằng mỗi người đều có tầng ý thức/nhận thức khác nhau, thì khi nói cần phải chú ý tới ba sự kiện cực kì quan trọng sau đây.

Thứ nhất, điều mà ta tưởng là sự thật hay chân lý, chỉ là sự thật hay chân lý đối với ta tại khoảnh khắc đó và trong bối cảnh đó mà thôi. Nó không phải là sự thật hay chân lý đối với người đang nghe ta nói. Và nếu ta học tập/tu tập để vươn lên được tầng ý thức/nhận thức cao hơn thì điều mà hôm nay được coi là sự thật hay chân lý lúc đó lại trở thành tầm thường, chán ngắt. Cách đây mấy ngàn năm Lão Tử đã viết: “Đạo khả đạo phi thường đạo”; tức là Đạo/Chân lý mà nói ra được thì không phải là Đạo/Chân lý vĩnh hằng. Dân gian thể hiện nhận thức sâu sắc này bằng một câu chuyện rất giản dị: Thày bói mù sờ voi. Khi đã hiểu rằng điều ta nói không phải là sự thật hay chân lý chung cuộc thì giọng nói của ta không còn có vẻ quyết đoán và gay gắt như thể “đúng rồi”, mà sẽ ôn hòa, nhu thuận, dễ lọt tai hơn.

Nếu nhân loại nhận chân được sự kiện này thì đã tiết kiệm được biết bao nhiêu thời gian tranh cãi, bất hòa, chiến tranh, xung đột và xương máu.



Thứ hai, khi có ý kiến xung đột với mình thì nên dừng lại ngay. Bởi vì người có ý kiến khác ta có thể ở tầng nhận thức thấp hơn hay cao hơn ta. Người thấp hơn ta không hiểu được ta, tranh cãi với họ chẳng những vô ích mà còn có hại. Lời nói, ánh mắt hay cử động cơ thể của ta có thể bị cho là coi thường họ; “vạ từ miệng mà ra” chính là đây. Nếu được diện kiến người có tầng ý thức cao hơn thì nên chú ý lắng nghe và luôn luôn phải tâm niệm rằng mình chỉ có một cái mồm, nhưng có những hai cái tai và hai con mắt.

Thứ ba, không có hai người có tầng ý thức/nhận thức và hoàn cảnh giống nhau, cho nên chớ bao giờ tự nhiên nói với người khác: “Nếu tôi là bạn/anh/ông….”. Tức là đừng tự nhiên khuyên nhủ người khác bất cứ chuyện gì. Còn nếu được tham vấn thì cũng đừng nên nói một cách dứt khoát thế này hay thể kia, mà chỉ nên gợi ý phương án giải quyết.

Xin minh họa bằng câu chuyện sau đây. A và B là hai bạn thân. Một ngày kia B tham vấn A về việc có nên bỏ vợ hay không. A nghe rõ câu chuyện và phán: Bỏ ngay. Ai ngờ B thuật lại câu chuyện giữa 2 người cho vợ mình nghe. Thế là A bị vợ B chửi cho một trận và đòi phải trả cấp kì món tiền mà A đang nợ.

Đạo lý của câu chuyện này là: A đã can thiệp vào việc riêng của bạn. Trong trường hợp này, nếu muốn làm quân sư, A chỉ nên nêu ra một loạt câu hỏi, đại loại như: Vợ mày ngoại tình chưa? (Y/N); Vợ mày có bỏ bê con cái không? (Y/N)… Sau đó nói rằng mày nên lập ra một bảng câu hỏi với những câu trả lời Y/N, rồi mày tự suy nghĩ và quyết định, chứ không được giải quyết thay cho bạn.

Kết luận của phần kết luận này là: Ta không nắm được chân lý chung cuộc, cho nên không được khẳng định dứt khoát và có ý kiến gay gắt như thể “đúng rồi” về bất cứ chuyện gì; ý kiến của ta có thể chưa thật chính xác, nhưng lời nói ôn hòa, nhu thuận vẫn dễ lọt tai người nghe hơn.

P/S: Những điều trình bày bên trên không phải có ý dạy đời mà chỉ như đoạn nhật kí, tôi ghi lại để tự nhắc mình. Tôi cũng mới nhận thức được những điều này sau khi đã qua tuổi “cổ lai hy”. Friend nào thấy tôi còn khiếm khuyết trong “tu khẩu” xin nhắc ngay nha. Cám ơn.

 

 

1 comment: