173. European Convention for the Protection of Human rights and Fundamental Freedom – Công ước châu Âu về Nhân quyền, tên chính thức là Công ước bảo vệ Nhân quyền và các quyền Tự do căn bản. Công ước châu Âu về Nhân quyền là hiệp ước quốc tế nhằm bảo vệ nhân quyền và các quyền tự do căn bản ở châu Âu. Công ước được soạn thảo năm 1950 bởi Ủy hội châu Âu (Council of Europe) vừa mới được thành lập - có hiệu lực từ ngày 3/9/1953. Tất cả các nước thành viên của Ủy hội châu Âu đều là các bên ký kết Công ước và người ta hi vọng rằng các thành viên mới phê chuẩn Công ước ngay khi có cơ hôi sớm nhất.
Công ước này chủ yếu là để bảo đảm các quyền dân sự và chính trị, trong đó có quyền sống (Điều 2), quyền không bị tra tấn (Điều 3), quyền được tôn trọng cuộc sống riêng tư, gia đình (Điều 8), quyền tự do tư tưởng, tự do lương tâm và tôn giáo (Điều 9), quyền tự do thể hiện (Điều 10), quyền tự do lập hội (Điều 11).
Công ước này lập ra Tòa án Nhân quyền châu Âu (European Court of Human Rights - ECHR). Bất cứ người nào cảm thấy quyền của mình bị các nước ký kết Công ước xâm phạm đều có thể đưa vụ việc ra Tòa án này. Các nước liên quan phải có nghĩa vụ thi hành phán quyết về những vi phạm. Uỷ ban các Bộ trưởng của Ủy hội châu Âu giám sát việc thi hành những phán quyết này, đặc biệt là đảm bảo việc thanh toán cho nguyên đơn số tiền bồi thường thiệt hại. Những khoản bồi thường do ECHR áp đặt có thể là lớn, năm 2014, nước Nga bị buộc phải bối thường cho những cổ đông cũ của công ty Yukos là hơn 2 tỉ dollar.
Công ước châu Âu về Nhân quyền có nhiều Nghị định thư, đây là những tu chính án, nhằm điều lại khuôn khổ của Công ước, ví dụ, Nghị định thư 13 quy định việc bãi bỏ hoàn toàn án tử hình
174. European Council - Hội đồng châu Âu. Hội đồng châu Âu là cơ quan ban hành những quyết các phương hướng chính trị tổng quát và các ưu tiên của Liên minh Châu Âu.Hội đồng bao gồm các nguyên thủ quốc gia hoặc chính phủ của các quốc gia thành viên EU, cùng với Chủ tịch Hội đồng Châu Âu và Chủ tịch Ủy ban Châu Âu (European Commission). Đại diện Cấp cao về chính sách An ninh và Đối ngoại của Liên minh cũng tham gia các cuộc họp Hội đồng. Ban đầu, năm 1975, đây là hội nghị thượng đỉnh không chính thức, Hội đồng Châu Âu được chính thức hóa thành một tổ chức vào năm 2009 khi Hiệp ước Lisbon có hiệu lực.
Mặc dù, Hội đồng châu Âu không có quyền hạn chính thức về lập pháp, nhưng đây là cơ quan chiến lược (và giải quyết khủng hoảng), quyết định những phương hướng chính trị tổng quát và những ưu tiên của Liên minh châu Âu. Ủy ban châu Âu (European Commission) vẫn là cơ quan duy nhất có quyền đệ trình các dự thảo luật pháp, nhưng Hội đồng châu Âu có thể thúc đẩy trong việc hướng dẫn chính sách lập pháp. Các cuộc họp của Hội đồng châu Âu – vẫn được gọi là Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu - họp ít nhất 2 lần trong 6 tháng, thường là tại tòa nhà Europa ở Bruxelles. Quyết định của Hội đồng thường được thong qua theo lối đồng thuận.
175. European Court of Human Rights - Tòa án Nhân quyền châu Âu (xem Công ước châu Âu về Nhân quyền)
176. European Court of Justice - Tòa án Công lý Châu Âu. Tên chính thức là Tòa án Công lý của Liên minh châu Âu, là toà án tối cao của Liên minh châu Âu, là một trong những thể chế quan trọng của Liên minh châu Âu, có nhiệm vụ giải thích luật Liên minh châu Âu và đảm bảo việc áp dụng luật Liên minh châu Âu một cách công bằng đối với tất cả các quốc gia thành viên. Được thành lập vào năm 1952, đặt trụ sở tại Luxembourg, Tòa án Công lý châu Âu bao gồm 27 thẩm phán, đại diện cho 27 quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu. Phụ thuộc vào tính chất quan trọng của từng vụ việc mà hội đồng xét xử sẽ có từ 3, 5 đến 13 thẩm phán.
Tòa án Công lý châu Âu là tòa án tối cao của Liên minh châu Âu trong những vấn đề liên quan đến luật pháp của Liên minh châu Âu. Không thể yêu cầu Tòa án Công lý châu Âu đưa ra những quyết định thay cho tòa án của các quốc gia thành viên, nhưng các toà của quốc gia thành viên có thể đưa vấn đề pháp lý có liên quan đến luật pháp của Liên minh châu Âu để Tòa án Công lý châu Âu tư vấn. Tuy nhiên, tòa án của các quốc gia thành viên bắt buộc phải tuân thủ cách giải thích luật của Tòa án Công lý châu Âu. Tuy vậy, chỉ có tòa án tối cao của các quốc gia thành viên mới bắt buộc phải đưa vấn đề liên quan đến luật pháp của Liên minh châu Âu lên Tòa án Công lý châu Âu để nhận tư vấn. Hệ thống các điều ước quốc tế của Liên minh châu Âu cho phép Tòa án Công lý châu Âu quyền hạn đối với toàn thể quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu. Tòa án Công lý châu Âu đồng thời giữ vai trò trọng tài xử lý các vấn đề pháp lý liên quan đến các thể chế khác của Liên minh châu Âu và có nhiệm vụ giám sát quyền hạn hợp pháp của các thể chế này trong phạm vi đã quy định. Tòa án Công lý châu Âu đang phát triển mạnh mẽ với số lượng không ngừng gia tăng của các vụ việc cũng như trên phương diện ngân sách. Năm 2008, Tòa án Công lý châu Âu đã thụ lý hơn 1300 vụ việc, một con số kỉ lục.
Tòa án Công lý châu Âu có 27 thẩm phán cùng với 1 luật sư quốc gia. Các thẩm phán và luật sư quốc gia được chỉ định thông qua sự nhất trí của các chính phủ các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu với nhiệm kì 6 năm có thể tái bổ nhiệm. Các hiệp ước đòi hỏi thẩm phán của Tòa án Công lý châu Âu phải là những chuyên gia pháp lý có tư cách cá nhân hoàn toàn độc lập cũng như đủ khả năng chuyên môn theo quy định của từng quốc gia thành viên và được đề cử bởi những người có thẩm quyền. Trên thực tế, mỗi quốc gia thành viên đề cử một thẩm phán và sự đề cử đó phải được các quốc gia thành viên còn lại phê chuẩn. Chủ tịch của Tòa án Công lý châu Âu được bầu bởi các thẩm phán với nhiệm kì 3 năm có thể tái bổ nhiệm. Chủ tịch Tòa án chịu trách nhiệm điều khiển các phiên xét xử cũng như các cuộc thảo luận, đồng thời chỉ định các vụ việc cần xem xét cho các phòng ban đặc trách.
Tòa án Công lý châu Âu có thể tổ chức các phiên họp toàn thể dưới hình thức một hội đồng xét xử lớn (Grand Chamber) gồm 13 thẩm phán hoặc các hội đồng xét xử nhỏ hơn gồm 3 hoặc 5 thẩm phán. Các phiên họp toàn thể rất hiếm khi diễn ra và phần lớn hội đồng xét xử chỉ gồm 3 hoặc 5 thẩm phán. Mỗi hội đồng xét xử sẽ bầu ra chủ tịch hội đồng xét xử có nhiệm kì 3 năm đối với hội đồng xét xử gồm 5 thẩm phán hoặc 1 năm đối với hội đồng xét xử có 3 thẩm phán. Chỉ trong những vụ việc có tính chất đặc biệt được quy định trong các hiệp ước, Tòa án Công lý châu Âu mới tổ chức hội đồng xét xử gồm tất cả các thẩm phán. Tính chất đặc biệt của một vụ việc, ngoài những quy định trong các hiệp ước, còn có thể do chính Tòa án Công lý châu Âu tự đánh giá và quyết định. Thông thường, Tòa chỉ tổ chức các hội đồng xét xử lớn khi một bên trong vụ việc là quốc gia thành viên hoặc một trong các thể chế chính trị của Liên minh châu Âu yêu cầu hoặc Tòa xét thấy đó là những vụ việc phức tạp và quan trọng. Tòa án Công lý châu Âu hoạt động trên nguyên tắc thống nhất ý kiến, nghĩa là phán quyết của tòa không bao gồm những ý kiến thiểu số
nội dung rất hay
ReplyDelete