June 1, 2020

Đường về nô lệ (1)


 A. Hayek 

Đường về nô lệ

Phạm Nguyên Trường dịch

Bản dịch năm 2019, kỉ niệm 70 năm ra đời tác phẩm này

Tặng những người xã hội chủ nghĩa thuộc mọi đảng phái

Hiếm có khi tự do, dù ở hình thức nào, lại đột nhiên biến mất.

David Hume
Tôi tin rằng lúc nào tôi cũng yêu tự do; nhưng ở thời đại mà chúng tôi đang sống, tự do là thứ mà tôi nguyện phụng sự
A. de Tocqueville
The Road to Serfdom - Wikipedia

Milton Friedman

Lời giới thiệu 

(nhân dịp năm mươi năm xuất bản)
Cuốn sách này đã trở thành tác phẩm kinh điển thực sự: đây là cuốn sách dành cho tất cả những ai quan tâm đến chính trị một cách rộng rãi nhất và ít thiên lệch nhất của từ này, thông điệp trung tâm của nó sẽ sống mãi với thời gian và có thể áp dụng cho vô vàn hoàn cảnh cụ thể khác nhau. Hiện nay, trong chừng mực nào đó, nó còn liên quan đến Hoa Kỳ nhiều hơn cả khi được công bố lần đầu vào năm 1944 và đã gây chấn động dư luận vào lúc đó.

Gần một phần tư thế kỉ trước (năm 1971) tôi đã viết lời giới thiệu cho lần xuất bản cuốn Đường về nô lệ bằng tiếng Đức nhằm minh hoạ tính vĩnh cửu của thông điệp mà Hayek đã gửi tới cho chúng ta. Lời giới thiệu đó cũng có thể được áp dụng cho lần xuất bản kỉ niệm năm mươi năm ra đời tác phẩm kinh điển này của Hayek. Để khỏi phải đạo văn của chính mình, tôi xin trích dẫn toàn bộ bài viết trước khi đưa thêm vào một vài lời bình luận[1].

“Suốt nhiều năm liền, tôi thường hỏi những người tin vào các nguyên tắc của chủ nghĩa cá nhân xem họ đã rời bỏ chủ nghĩa tập thể chính thống của thời đại chúng ta như thế nào. Trong nhiều năm, câu trả lời thường gặp nhất chính là cuốn sách mà tôi đang có vinh dự viết lời giới thiệu này. Tác phẩm xuất sắc và hùng hồn của Giáo sư Hayek là ánh sáng soi đường cho các nam nữ thanh niên từng phục vụ trong các lực lượng vũ trang trong thời gian diễn ra Thế chiến II. Kinh nghiệm vừa trải qua đã giúp họ nâng cao nhận thức về giá trị và ý nghĩa của quyền tự do cá nhân. Ngoài ra, họ đã chứng kiến tổ chức tập thể hoạt động trên thực tế. Đối với họ, những lời dự báo về hậu quả của chủ nghĩa tập thể đã không đơn thuần là khả năng có tính giả thuyết mà là thực tế nhãn tiền mà bản thân họ đã trải qua trong thời gian tại ngũ.

“Đọc lại trước khi viết lời giới thiệu, một lần nữa, tôi lại cảm thấy kinh ngạc trước cuốn sách tuyệt với này: tinh tế và lập luận chặt chẽ song lại dễ hiểu và sáng sủa, đầy triết lý và trừu tượng, song cũng rất cụ thể và thực tế, sâu sắc và đầy lý tính, song cũng rất sinh động bởi những lý tưởng cao cả và một ý thức mạnh mẽ về sứ mệnh. Không có gì ngạc nhiên khi nó gây được ảnh hưởng lớn như vậy. Cuốn sách còn gây ấn tượng mạnh đối với tôi, vì hôm nay thông điệp của nó cũng cần thiết như khi nó xuất hiện lần đầu - chuyện đó nói sau. Nhưng đối với tuổi trẻ thời nay, thông điệp của nó không mang tính trực tiếp hay thuyết phục bằng các nam nữ thanh niên đọc nó khi nó xuất hiện lần đầu. Những vấn đề của chiến tranh và điều chỉnh thời hậu chiến được Hayek dùng minh hoạ cho chủ đề trung tâm bất diệt của ông, cũng như những thuật ngữ của chủ nghĩa tập thể thời đó được ông dùng làm dẫn chứng cho lời khẳng định của ông về bầu không khí trí tuệ vốn là những điều quen thuộc đối với thế hệ thời hậu chiến và đã tạo được mối quan hệ gần gũi giữa tác giả và độc giả của cuốn sách. Ngày nay, những ảo tưởng của chủ nghĩa tập thể tương tự đang lưu truyền rộng rãi và được củng cố thêm, nhưng hậu quả trực tiếp thì có khác, thuật ngữ cũng đã khác nhiều. Hiện nay chúng ta ít nghe nói đến “kế hoạch hoá tập trung”, “sản xuất để tiêu dùng”, nhu cầu “quản lý một cách có ý thức” các nguồn lực xã hội. Thay vào đó là chuyện về khủng hoảng đô thị - người ta nói chỉ có thể giải quyết bằng các chương trình rộng lớn của chính phủ; là chuyện về khủng hoảng môi trường - người ta bảo là do những doanh nhân tham lam, những người phải làm tròn trách nhiệm xã hội chứ không “chỉ” điều hành các doanh nghiệp của mình để kiếm tối đa lợi nhuận và cũng đòi hỏi, như người ta nói, những chương trình rộng lớn của chính phủ; là chuyện về khủng hoảng tiêu dùng - những giá trị giả được kích thích bởi các doanh nhân tham lam nhằm kiếm lợi nhuận thay vì thực hiện trách nhiệm xã hội và dĩ nhiên, cũng cần các chương trình rộng lớn của chính phủ nhằm bảo vệ người tiêu dùng, ít nhất là để anh ta không tự làm hại mình; là chuyện về khủng hoảng phúc lợi hoặc nghèo đói - ở đây thuật ngữ vẫn là “nghèo đói giữa cảnh giàu sang”, mặc dù tình trạng nghèo đói hiện nay phải được coi là sung túc khi khẩu hiệu này lần đầu tiên được sử dụng một cách rộng rãi.  



 Đường về nô lệ | Tủ sách Tinh hoa
 Đường về nô lệ NXB Tri thức 2009

“Bây giờ, cũng như lúc đó, việc khuyếch trương chủ nghĩa tập thể bao giờ cũng đi kèm với những lời thề bồi trung thành với các giá trị của chủ nghĩa cá nhân. Nhưng kinh nghiệm với các chính phủ lớn đã củng cố thêm xu hướng trái ngược này. Đã diễn ra những cuộc phản đối rộng khắp chống lại “giới quyền uy”, những đòi hỏi vang lên khắp nơi về quyền tự do “làm những việc riêng”, quyền được có lối sống riêng, đòi chế độ dân chủ tham gia. Nếu chỉ nghe chủ đề này, người ta có thể tin rằng ngọn triều của chủ nghĩa tập thể đang rút lui còn chủ nghĩa cá nhân thì đang dâng lên. Hayek đã chứng minh một cách đầy thuyết phục rằng, các giá trị này chỉ có thể tồn tại trong xã hội dựa trên các nguyên tắc của chủ nghĩa cá nhân. Chúng chỉ có thể thành tựu trong chế độ tự do, nơi hoạt động của chính phủ được hạn chế trước hết cho việc tạo lập khuôn khổ, trong đó các cá nhân được tự do theo đuổi các mục tiêu của mình[2]. Muốn có chế độ dân chủ mà mọi người đều có thể tham gia thì cách duy nhất là phải tuân theo cơ chế thị trường tự do.

“Đáng tiếc là, quan hệ giữa mục đích và phương tiện vẫn thường bị nhiều người hiểu sai. Nhiều người tuyên bố trung thành với các mục tiêu cá nhân chủ nghĩa, nhưng lại ủng hộ các phương tiện của chủ nghĩa tập thể mà không nhận ra mâu thuẫn. Người ta thích tin rằng các tệ nạn xã hội là do những người xấu gây ra còn nếu những người tốt (giống như chúng ta, dĩ nhiên rồi) nắm được quyền lực thì mọi việc sẽ tốt. Quan điểm này chỉ đòi hỏi cảm tính và thói tự mãn, những thứ vừa dễ kiếm vừa dễ thỏa mãn. Để hiểu tại sao những người “tốt” khi có quyền lực lại làm những điều ác, trong khi những người bình thường, không có quyền lực, nhưng có khả năng hợp tác một cách tự nguyện với những người xung quanh lại làm được nhiều việc thiện, đòi hỏi phải phân tích và tư duy, đặt cảm tính xuống dưới lý trí. Chắc chắn đấy sẽ là lời đáp cho câu hỏi huyền bí: vì sao chủ nghĩa tập thể với nạn độc tài và sự nghèo đói rõ ràng do nó gây ra lại được nhiều người coi là ưu việt hơn so với chủ nghĩa cá nhân với sự tự do và sung túc cũng rất rõ ràng. Luận cứ ủng hộ chủ nghĩa tập thể thật đơn giản nhưng là những luận cứ sai lầm, đấy là luận cứ cảm tính trực tiếp. Còn luận cứ ủng hộ chủ nghĩa cá nhân thì tinh tế và phức tạp; đấy là luận cứ lý tính gián tiếp. Đa số người ta lại có khả năng tư duy cảm tính phát triển hơn khả năng tư duy lý tính, ngay cả những người tự coi là trí thức cũng thế, đối với những người này thì đấy phải coi là hiện tượng ngược đời hay hiện tượng đặc biệt. 

“Ở phương Tây, cuộc chiến đấu giữa chủ nghĩa tập thể và chủ nghĩa cá nhân đã diễn ra như thế nào trong suốt một phần tư thế kỉ (bây giờ phải nói là nửa thế kỉ) qua, sau khi tác phẩm vĩ đại của Hayek được xuất bản? Thế giới công việc và thế giới tư tưởng đưa ra những câu trả lời hòan tòan khác nhau.

“Trong thế giới công việc, năm 1945 những ai trong chúng ta từng bị phân tích của Hayek thuyết phục đều chẳng nhìn thấy gì khác hơn là sự phát triển một cách đều đặn vai trò của nhà nước lấn át vai trò của cá nhân, là việc thay thế dần sáng kiến và kế hoạch cá nhân bằng sáng kiến và kế hoạch của nhà nước. Nhưng trên thực tế, phong trào này đã chẳng tiến được mấy, cả ở Anh, ở Pháp cũng như ở Hoa Kỳ. Còn ở Đức đã diễn ra những phản ứng quyết liệt nhằm thoát khỏi việc kiểm soát thời quốc xã và có một bước tiến vượt bậc về phía chính sách tự do trong lĩnh vực kinh tế.

“Điều gì đã tạo ra sự ngăn chặn bất ngờ như thế đối với chủ nghĩa tập thể? Tôi tin rằng có hai lực lượng đóng vai trò chủ yếu. Thứ nhất, và đây là điều đặc biệt quan trọng ở Anh, cuộc xung đột giữa kế họach hóa tập trung và tự do cá nhân, đề tài chính của Hayek, đã trở thành hiển nhiên, đặc biệt là khi nhu cầu cấp bách của kế họach hóa đã dẫn đến cái gọi là chỉ thị về “kiểm soát tuyển dụng”, theo đó, chính phủ có quyền phân phát cho người dân công ăn việc làm. Nhưng truyền thống tự do và các giá trị của tự do vẫn còn đủ mạnh ở Anh, cho nên khi xảy ra xung đột thì người ta sẵn sàng hi sinh kế họach hóa chứ không hi sinh tự do cá nhân. Sự thiếu hiệu quả của chủ nghĩa tập thể chính là lực cản thứ hai. Chính phủ đã tỏ ra không có khả năng quản lý các doanh nghiệp, không có khả năng tổ chức các nguồn lực để có thể đạt được các mục tiêu đề ra với giá phải chăng. Nó bị sa lầy trong sự hỗn lọan vì các thủ tục quan liêu và thiếu hiệu quả. Nhiều người tỏ ra thất vọng đối với tính hiệu quả của chính phủ trung ương trong việc quản lý các chương trình.

“Đáng tiếc là việc ngăn chặn chủ nghĩa tập thể lại không ngăn chặn được sự phình lên của chính phủ; đúng hơn, nó đã hướng sự phình lên này vào một kênh khác. Chính phủ không còn chú tâm vào hoạt động sản xuất nữa, mà chú tâm vào việc điều tiết một cách gián tiếp các doanh nghiệp được cho là của tư nhân và còn chú tâm hơn vào các chương trình chuyển giao của chính phủ, bao gồm thu thuế của một số người nhằm bao cấp cho một số người khác - tất cả đều nhân danh công bằng và xóa đói giảm nghèo, nhưng trên thực tế lại tạo ra sự hỗn độn đầy mâu thuẫn và thất thường của những khỏan bao cấp cho những nhóm lợi ích đặc biệt. Kết quả là phần thu nhập quốc dân bị chính phủ sử dụng ngày càng gia tăng.

“Trong thế giới tư tưởng, đối với những người tin vào chủ nghĩa cá nhân, kết quả còn đáng thất vọng hơn. Ở một khía cạnh nào đó, đây là điều đáng ngạc nhiên nhất. Kinh nghiệm trong một phần tư thế kỉ qua đã khẳng định một cách mạnh mẽ sự sáng suốt của Hayek: điều phối hoạt động của con người thông qua quản lý tập trung và thông qua sự hợp tác tự nguyện là hai con đường dẫn tới những hướng hòan tòan khác nhau: con đường thứ nhất đưa ta trở về thời kì nô lệ, còn con đường thứ hai dẫn tới tự do. Kinh nghiệm đó cũng một lần nữa khẳng định chủ đề thứ hai: quản lý tập trung là con đường dẫn người dân bình thường tới đói nghèo; còn hợp tác tự nguyện là con đường dẫn tới sung túc.

“Đông và Tây Đức gần như có thể cung cấp cho ta một thí nghiệm khoa học được kiểm soát. Đây là những người cùng một dòng máu, cùng một nền văn minh, có cùng kĩ năng và trí thức, nhưng đã bị tai họa của chiến tranh tách thành hai mảnh; hai mảnh đó đã áp dụng những phương pháp tổ chức xã hội hòan tòan khác nhau, một bên là quản lý tập trung, bên kia là kinh tế thị trường. Kết quả thật rõ ràng. Đông Đức chứ không phải Tây Đức phải xây bức tường để ngăn chặn người dân bỏ nước ra đi. Một bên bức tường là chuyên chế và nghèo đói, còn bên kia là tự do và phồn vinh.

“Ở Trung Đông, Israel và Ai Cập cho ta thấy một sự tương phản giống như Đông và Tây Đức. Ở Viễn Đông, Malaysia, Singapore, Thái Lan, Đài Loan, Hồng Công và Nhật Bản - tất cả đều chủ yếu dựa vào thị trường tự do – là những nước thịnh vượng, dân chúng tràn trề hi vọng; khác hẳn với Ấn Độ, Indonesia và Trung Quốc cộng sản - những nước dựa chủ yếu vào kế hoạch hóa tập trung. Một lần nữa, chính Trung Quốc cộng sản chứ không phải Hồng Công phải canh gác biên giới để người dân không thể đào thoát được.

“Mặc cho sự xác nhận rõ ràng và đầy kịch tính luận điểm của Hayek như thế, bầu không khí trí tuệ ở phương Tây, sau một giai đoạn hồi sinh ngắn ngủi của các giá trị tự do trước kia, lại bắt đầu chuyển động theo hướng ngược lại hoàn toàn với tự do kinh doanh, cạnh tranh, sở hữu tư nhân và chính phủ hạn chế. Có một thời gian, điều Hayek mô tả về thái độ trí thức có vẻ như đã trở thành lỗi thời. Hôm nay, lời cảnh báo của nó còn chính xác hơn là cách đây chừng một thập niên. Không thể hiểu được vì sao sự phát triển lại đi theo hướng đó. Chúng ta đang cần một cuốn sách mới của Hayek, một cuốn sách sẽ soi sáng sự phát triển của trí tuệ trong một phần tư thế kỉ qua, như cuốn Đường về nô lệ trước đây đã làm được. Tại sao các tầng lớp trí thức khắp mọi nơi đều tự động đứng về phía chủ nghĩa tập thể - ngay cả khi họ đang hô những khẩu hiệu của chủ nghĩa cá nhân – phỉ báng và bôi nhọ chủ nghĩa tư bản? Vì sao các phương tiện truyền thông đại chúng khắp mọi nơi đều bị quan điểm này chi phối?

“Dù có giải thích như thế nào, thì sự kiện là sự ủng hộ ngày càng gia tăng của giới trí thức đối với chủ nghĩa tập thể - tôi tin đấy là sự thực – làm cho cuốn sách của Hayek hôm nay cũng hợp thời như lúc nó xuất hiện lần đầu tiên vậy. Hi vọng rằng lần xuất bản mới ở Đức- nước dễ lĩnh hội nhất thông điệp của cuốn sách - cũng tạo được ảnh hưởng như đã từng tạo ảnh hưởng trong lần xuất bản đầu tiên ở Anh và Mỹ. Cuộc chiến đấu vì tự do phải giành được hết thắng lợi này tới thắng lợi khác. Những người xã hội chủ nghĩa thuộc mọi đảng phái, những người mà Hayek đề tặng cuốn sách sẽ phải bị thuyết phục hay bị đánh bại một lần nữa, nếu họ và chúng ta còn muốn làm người tự do”

Đoạn áp chót trong bài giới thiệu của tôi cho lần xuất bản bằng tiếng Đức là đoạn duy nhất không còn hoàn toàn đúng nữa. Sự sụp đổ của bức tường Berlin, sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản sau bức màn sắt và sự thay đổi của nước Trung Quốc đã thu gọn những người bảo vệ chủ nghĩa tập thể theo chủ nghĩa Marx thành một nhóm nhỏ, nhưng cố kết trong các trường đại học phương Tây. Hôm nay, mọi người đều thừa nhận rằng chủ nghĩa xã hội đã thất bại, chủ nghĩa tư bản đã thành công. Song sự chuyển đổi rõ ràng của giới trí thức sang cái có thể gọi là quan điểm của Hayek lại dễ gây ngộ nhận. Trong khi người ta nói về thị trường tự do và sở hữu tư nhân - hiện nay chuyện này được tôn trọng hơn là việc bảo vệ laisser-faire* chưa hoàn chỉnh cách đây vài thập niên - phần lớn giới trí thức vẫn gần như tự động ủng hộ sự mở rộng quyền lực của chính phủ nếu nó được quảng bá như là biện pháp bảo vệ các cá nhân khỏi bị ảnh hưởng của các công ty lớn xấu xa, xoá đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường hay thúc đẩy “bình đẳng”. Cuộc thảo luận đang diễn ra về chương trình chăm sóc sức khoẻ quốc dân là một thí dụ điển hình. Các nhà trí thức có thể học thuộc lời nhưng vẫn không biết hát.

*Laissez Faire là lý thuyết hay hệ thống chính quyền ủng hộ tính tự chủ trong lĩnh vực kinh tế, tin rằng chính quyền càng ít can thiệp vào quản lý kinh tế thì càng tốt. Khái niệm này được cho là có xuất xứ từ quan điểm vô vi của Lão Tử  - ND.
Ngay từ đầu tôi đã nói rằng hiện nay, “trong chừng mực nào đó”, thông điệp của cuốn sách “còn liên quan đến Hoa Kỳ nhiều hơn cả khi đã gây chấn động dư luận … hơn nửa thế kỉ trước”. Giới trí thức lúc đó có thái độ thù địch với chủ đề của cuốn sách hơn là hiện nay, nhưng thực tiễn lúc đó lại phù hợp với nó hơn là hiện nay. Chính phủ sau Thế chiến II nhỏ hơn và ít chỉ đạo hơn hiện nay. Chương trình Xã hội Vĩ đại của Tổng thống Johnson, bao gồm Chăm sóc Y tế và Hỗ trợ Y tế, các đạo luật Không khí trong lành và Người Mỹ Tàn tật của chính quyền của tổng thống Bush vẫn còn ở phía trước, chưa nói đến biết bao vụ bành trướng khác của chính phủ mà Reagan, trong tám năm cầm quyền, chỉ có thể làm chậm lại chứ không thể đảo ngược được. Chi tiêu của chính phủ Hoa Kỳ, cả trung ương lẫn địa phương, đã tăng từ 25% tổng sản phẩm quốc dân năm vào 1950 lên thành 45% vào năm 1993.   
Ở Anh, tình hình cũng gần như vậy, theo một nghĩa nào đó thì còn kịch kính hơn. Đảng Lao động, trước đây công khai là đảng xã hội chủ nghĩa, hiện đứng về phía thị trường tự do tư nhân; còn Đảng Bảo thủ, đã từng chấp nhận cai trị theo chính sách xã hội chủ nghĩa của Đảng Lao động, đã thử làm ngược lại và ở mức độ nào đó, dưới thời Margaret Thatcher, đã thành công trong việc giảm thiểu quy mô sở hữu và điều hành của chính phủ. Nhưng Thatcher đã không thể kêu gọi một sự ủng hộ rộng rãi của quần chúng cho các giá trị tự do như sự ủng hộ dẫn đến việc rút bỏ chỉ thị về “kiểm soát tuyển dụng” ngay sau Thế chiến II. Và trong khi diễn ra quá trình “tư nhân hóa” nhiều doanh nghiệp nhà nước, thì phần thu nhập quốc dân bị chính phủ sử dụng đã tăng lên và chính phủ cũng đưa ra nhiều chỉ thị hơn.

Nói rằng ở cả hai bên bờ Đại Tây Dương chúng ta đang rao giảng chủ nghĩa cá nhân và tư bản cạnh tranh, nhưng lại đang thực hành chủ nghĩa xã hội thì cũng chỉ là phóng đại một chút mà thôi.

Ghi chú về lịch sử xuất bản*

Hayek bắt đầu viết Đường về nô lệ vào tháng 9 năm 1940 và cuốn sách được xuất bản lần đầu tiên tại Anh vào ngày 10 tháng 3 năm 1944. Hayek ủy quyền cho bạn ông là tiến sĩ Fritz Machlup, một người tị nạn Áo lúc đó đang có một sự nghiệp xuất sắc trong giới hàn lâm Hoa Kỳ và đã được nhận vào làm việc tại Văn phòng chăm sóc tài sản của người nước ngòai ở Washington D. C. từ năm 1944, kí hợp đồng với một nhà xuất bản Mỹ. Trước khi đưa đến Nhà xuất bản của trường đại học Chicago (University of Chicago Press), cuốn sách đã bị ba nhà xuất bản ở Mỹ từ chối, vì hoặc là họ tin rằng sẽ không bán được và có ít nhất một trường hợp, coi cuốn sách là “không phù hợp đối với một nhà xuất bản có danh tiếng”[3]. Không nản chí, Machlup đưa những trang in thử của bản in ở Anh cho Aaron Director, nguyên là thành viên của Khoa kinh tế trường đại học Chicago (University of Chicago Economics Department), ông này mới quay lại trường và giảng kinh tế ở Trường Luật (Law School). Sau đó Frank H. Knight, một nhà kinh tế học xuất sắc của Trường nhận được một tập in thử và trình cho Nhà xuất bản của trường đại học Chicago với đề xuất của Director rằng Nhà xuất bản nên in cuốn sách.

* Đọan này chủ yếu dựa trên nghiên cứu của Alex Philipson, Giám đốc xúc tiến sản phẩm của Nhà xuất bản của trường đại học Chicago

Nhà xuất bản kí hợp đồng với Hayek để được quyền xuất bản ở Mỹ vào tháng 4 năm 1944, sau khi đã thuyết phục ông thực hiện một vài thay đổi nhằm “Để phù hợp với Hoa Kỳ… chứ không phải là trình bày trực tiếp cho số lượng độc giả hạn chế ở Anh”, John Scoon, lúc đó là biên tập viên của nhà xuất bản, hồi tưởng lại. “Đầu tháng 4, tức khỏang thời gian kí hợp đồng xuất bản tại Mỹ, chúng tôi bắt đầu nghe dư luận về cuốn sách ở Anh, cuốn sách được xuất bản ở bên đó vào ngày 10 tháng 3. Đợt đầu chỉ in có 2.000 cuốn, nhưng đã bán hết trong vòng một tháng. Nó được trích dẫn tại quốc hội và trên báo chí, một vài tờ báo ở đây cũng bắt đầu nhắc tới cuốn sách, nhưng chúng tôi vẫn chưa biết chắc ở Mỹ nó sẽ có sức hấp dẫn đến mức nào. Sự thực là, ngay trước ngày xuất bản, chúng tôi vẫn chưa khuấy động được nhiệt tình của các nhà sách, ngay cả ở New York”[4].

Lần xuất bản đầu tiên ở Chicago là vào ngày 18 tháng 9 năm 1944, in 2.000 cuốn, với lời giới thiệu của Chamberlain, một kí giả và nhà phê bình sách chuyên viết về kinh tế đã nổi tiếng ngay từ lúc đó. “Bài điểm sách đầu tiên chúng tôi thấy”, Scoon nói tiếp, “là bài của Orville Prescott đăng trên tờ New York Times ra ngày 20 tháng 9 năm 1944, một bài viết vô thưởng vô phạt và gọi nó là “một cuốn sách mỏng đầy giận dữ và chán ngắt”, nhưng trước khi thấy bài của Henry Hazlitt trên trang bìa tờ Sunday Times Book Review chúng tôi đã đặt in đợt hai 5.000 cuốn nữa. Trong vài ngày chúng tôi đã nhận được đề nghị cho phép dịch sang tiếng Đức, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Hà Lan và các thứ tiếng khác, ngày 27 tháng 9 chúng tôi đặt in đợt ba 5.000 cuốn nữa, ngày hôm sau lại đẩy lên 10.000 cuốn…

“Đầu tháng 10, nhiều kho sách trống rỗng, chúng tôi bận túi bụi với việc in ấn, đóng sách, gửi và phân phối cho khách hàng cả ở Mỹ lẫn Canada… Ngay từ đầu mọi người đã phấn chấn lắm rồi, nhưng việc tiêu thụ thì lúc lên lúc xuống…

“Cảm giác cay đắng về cuốn sách tăng lên cùng với thời gian và mỗi lần cuốn sách gây thêm được ấn tượng thì cảm giác cay đắng cũng lại càng cao thêm. (Người ta thường hành động một cách thiếu suy nghĩ, sao họ không đọc nó để xem Hayek thực sự nói gì!”. Nhận xét của Scoon đến nay vẫn còn đúng.

Tháng 4 năm 1945, tờ the Reader’s Digest xuất bản ấn phẩm rút gọn và hơn 600.000 bản rút gọn đã được Câu lạc bộ Sách Trong Tháng phân phối hết. Dự đóan được nhu cầu sau khi Digest xuất bản ấn phẩm rút gọn, cũng như đợt lưu giảng của Hayek dự kiến vào mùa xuân năm 1945, Nhà xuất bản đã dàn xếp một số lượng in lớn trong lần in thứ bảy. Nhưng vì thiếu giấy nên lần in này bị giới hạn ở 10.000 ấn phẩm và Nhà xuất bản buộc phải giảm kích thước xuống thành lọai sách bỏ túi. Một cuốn trong lần xuất bản này hiện đang nằm trong thư viện của tôi. 

Trong 50 năm kể từ khi xuất bản, Nhà xuất bản đã bán được hơn 250.000 cuốn, 81.000 cuốn bìa cứng và 175.000 cuốn bìa mềm. Ấn bản bìa mềm được Nhà xuất bản của trường đại học Chicago ấn hành lần đầu vào năm 1956. Lawrence, con trai của Hayek thông báo rằng gần hai mươi bản dịch ra các ngôn ngữ khác được cấp phép xuất bản. Ngòai ra, các bản dịch chui, không có phép cũng được lưu hành ở Nga, Ba Lan, Czech và có thể cả các ngôn ngữ khác, khi Đông Âu còn nằm sau bức màn sắt. Không nghi ngờ gì rằng các trước tác của Hayek và đặc biệt là tác phẩn này, đã là nguồn trí tuệ quan trọng góp phần phá vỡ niềm tin vào chủ nghĩa cộng sản ở bên kia bức màn sắt, cũng như ở bên phía chúng ta.

Sau khi Bức tường Berlin sụp đổ mới có điều kiện xuất bản công khai cuốn sách trong các nước thuộc Liên Xô và các chư hầu của Liên Xô cũ. Tôi biết từ nhiều nguồn khác nhau nói rằng mối quan tâm về các tác phẩm của Hayek nói chung và cuốn Đường về nô lệ nói riêng đã có sự gia tăng đột biến ở các nước này.

Từ khi Hayek mất vào năm 1992, ngày càng có nhiều người công nhận ảnh hưởng của ông đối với các chế độ cả cộng sản lẫn không cộng sản. Các nhà xuất bản của ông có thể vững tin tiếp tục bán tác phẩm xuất chúng này chừng nào mà tự do ngôn luận còn chiếm ưu thế, tuy đã bị xói món phần nào kể từ khi Hayek chấp bút cuốn sách này, song chính nhờ cuốn sách mà tự do ngôn luận đã được củng cố thêm.     

                                                                                                Stanford, California.
                                                                                                Ngày 14 tháng 4 năm 1994.


Lời giới thiệu cho lần tái bản năm 1976

Cuốn sách này được chấp bút trong thời gian rảnh rỗi từ năm 1940 đến năm 1943, khi tôi đang còn bận tâm chủ yếu đối với các vấn đề lý thuyết kinh tế thuần tuý, nó đã đột ngột trở thành xuất phát điểm cho công việc trong lĩnh vực mới kéo dài hơn ba mươi năm sau đó của tôi. Sở dĩ có bước thử nghiệm đầu tiên trong đường hướng mới là vì tôi cảm thấy bất mãn với cách diễn giải hoàn toàn sai lầm đặc trưng của phong trào Quốc xã* trong các giới “tiến bộ” ở Anh. Tôi đã viết một bản ghi nhớ gửi cho Sir William Beveridge, lúc đó là Giám đốc Trường kinh tế London và sau đó là bài báo trên tờ Contemporary Review vào năm 1938, rồi theo yêu cầu của Giáo sư Harry G. Gideonse của Trường Đại học Chicago tôi lại mở rộng bài báo thành xuất bản phẩm trong loạt Sách mỏng về Chính sách Công của ông và cuối cùng, khi phát hiện ra rằng tất cả các đồng nghiệp người Anh có thẩm quyền hơn trong lĩnh vực này đang bận tâm với các vấn đề khẩn thiết hơn của cuộc chiến, tôi đành miễn cưỡng mở rộng thành tiểu luận này. Mặc cho sự thành công bất ngờ của cuốn sách - lần xuất bản không hề được dự liệu trước ở Mỹ còn thành công vang dội hơn cả ở Anh - một thời gian dài tôi vẫn không cảm thấy vui. Mặc dù tôi đã tuyên bố thẳng ngay từ đầu rằng đây là cuốn sách chính trị, đa số các nhà khoa học đồng nghiệp với tôi nói rằng tôi đã sử dụng năng lực của mình trong một lĩnh vực không thích hợp, và tự tôi cũng cảm thấy không thoải mái khi nghĩ rằng kiến thức của tôi không cho phép viết về những vấn đề bên ngoài lĩnh vực kinh tế kĩ thuật. Tôi sẽ không nói về sự phẫn nộ mà cuốn sách đã gây ra trong một số giới, hay sự khác biệt lạ lùng trong cách tiếp nhận ở Anh và Mỹ, chuyện này tôi đã nói trong Lời giới thiệu cho xuất bản phẩm bìa mềm ra lần đầu tiên ở Mỹ cách đây hai mươi năm. Với mong muốn thể hiện tính chất của phản ứng lan tràn lúc đó, tôi chỉ nhắc đến một triết gia nổi tiếng, xin được giấu tên, ông này đã viết thư cho một triết gia khác để trách cứ là đã ca ngợi cuốn sách đầy tai tiếng “mà dĩ nhiên là (ông ta) không đọc” này!

*Nazi (Nazism) hay National Socialism (tiếng Đức Nationalsozialismus) là những từ chỉ hệ tư tưởng và hoạt động của Đảng Nazi dưới thời Adolf Hitler. Cũng như chính sách của chính phủ Nazi Đức từ năm 1933 đến năm 1945, cũng gọi là Đế chế thứ III. Để cho nhất quá từ Nazi sẽ được dịch thành quốc xã, còn National Socialism thành chủ nghĩa xã hội quốc gia - ND.

Mặc dù tôi đã tìm mọi cách để quay về với kinh tế học đích thực, tôi vẫn không giải thoát khỏi cảm giác rằng những vấn đề tôi đã bắt tay vào một cách hoàn toàn tình cờ lại chứa đựng nhiều thách thức và quan trọng hơn là lý thuyết kinh tế, và nhiều vấn đề tôi đề cập đến trong bản phác thảo đầu tiên cần được làm rõ và trau chuốt kĩ lưỡng hơn. Khi viết cuốn sách này, tôi vẫn chưa giải thoát hoàn toàn khỏi những định kiến và tín điều chi phối dư luận chung, thậm chí tôi còn chưa biết cách tránh tất cả những rối rắm của các thuật ngữ và khái niệm thịnh hành lúc đó mà sau này tôi mới ý thức được một cách thật sự rõ ràng. Việc thảo luận những hậu quả của chính sách xã hội chủ nghĩa mà cuốn sách này thử làm dĩ nhiên là sẽ không đầy đủ khi chưa miêu tả một cách thích đáng những điều mà một thị trường vận hành một cách phù hợp đòi hỏi và có thể đạt được. Kết quả đầu tiên của những cố gắng nhằm giải thích bản chất của chế độ tự do là cuốn sách quan trọng với nhan đề The Constitution of Liberty – 1960 (Hiến pháp của tự do), trong đó tôi trình bày lại và làm cho học thuyết về chủ nghĩa tự do cổ điển thế kỉ XIX trở thành nhất quán hơn. Sau khi thấy rằng việc nói lại vẫn còn bỏ sót những vấn đề quan trọng chưa được giải đáp, tôi lại phải nỗ lực thêm nhằm đưa ra câu trả lời của riêng mình trong tác phẩm gồm ba tập với nhan để Law, Legislation, and Liberty (Luật, Luật pháp, và Tự do), tập đầu được ấn hành vào năm 1973.

Tôi tin rằng trong hai mươi năm qua tôi đã học được nhiều thứ liên quan đến các vần đề được thảo luận trong cuốn sách này, mặc dù tôi không nghĩ rằng đã đọc lại nó một lần nào trong suốt thời gian đó. Bây giờ đọc lại đ viết Lời giới thiệu, tôi không còn cảm thấy hối tiếc nữa, mà lần đầu tiên còn cảm thấy tự hào, đặc biệt là sự sáng suốt đã mách bảo tôi viết lời đề tặng “Tặng những người xã hội chủ nghĩa thuộc mọi đảng phái. Thật vậy, mặc dù trong thời gian qua, tôi đã học được nhiều điều mà khi chấp bút cuốn sách này tôi chưa biết, tôi vẫn thường lấy làm ngạc nhiên là tôi đã nhìn thấy nhiều đến thế ngay từ bước khởi đầu mà tác phẩm sau này đã khẳng định; và mặc dù những nỗ lực của tôi sau này là phần thưởng xứng đáng hơn cho một chuyên gia, tôi hi vọng thế, tôi vẫn không ngần ngại giới thiệu cuốn sách được viết từ những ngày đầu này cho quảng đại quần chúng độc giả, giới thiệu cho những ai chỉ muốn làm quen bước đầu với đề tài mà tôi tin vẫn là một trong những vấn đề đáng lo ngại nhất mà chúng ta cần phải giải quyết.

Độc giả có thể hỏi, phải chăng điều này có nghĩa là tôi sẵn sàng bảo vệ tất cả các kết luận chính của cuốn sách, câu trả lời là nói chung là khẳng định. Hạn chế quan trọng nhất tôi phải nhắc đến là trong thời gian qua, thuật ngữ đã thay đổi và vì vậy những điều tôi viết trong cuốn sách có thể bị hiểu lầm. Khi tôi viết cuốn sách này, chủ nghĩa xã hội chỉ có nghĩa là quốc hữu hoá các phương tiện sản xuất và kế hoạch hoá tập trung. Theo nghĩa đó thì, thí dụ, Thuỵ Điển hiện nay ít tính chất xã hội chủ nghĩa về mặt tổ chức hơn nước Anh hay nước Áo, mặc dù Thuỵ Điển lại được coi là nhiều xã hội chủ nghĩa hơn. Đấy là do hiện nay chủ nghĩa xã hội có nghĩa chủ yếu là tái phân phối một cách mạnh mẽ thu nhập thông qua thuế khoá và các thiết chế của nhà nước phúc lợi. Đối với kiểu chủ nghĩa xã hội loại này, các tác động mà tôi thảo luận trong cuốn sách xảy ra chậm hơn, gián tiếp hơn và không toàn diện bằng. Tôi tin rằng kết quả cuối cùng thì vẫn thế, mặc dù quá trình đưa đến kết quả như thế, không hoàn giống như cuốn sách này mô tả.

Người ta thường viện dẫn một cách thiếu căn cứ rằng tôi tuyên bố là mọi trào lưu theo hướng xã hội chủ nghĩa đều nhất định sẽ dẫn đến chế độ toàn trị. Mặc dù có mối nguy như thế, nhưng đây không phải là điều cuốn sách nói. Cuốn sách đưa ra lời cảnh báo rằng, nếu chúng ta không sửa đổi các nguyên tắc trong chính sách của mình thì sẽ xảy ra một số hậu qủa rất không hay, mà hầu hết những người ủng hộ những chính sách đó cũng không muốn.

Tôi cảm thấy mình sai vì đã không nhấn mạnh đúng tầm quan trọng kinh nghiệm của chủ nghĩa cộng sản ở nước Nga - sai lầm có thể tha thứ được nếu ta nhớ rằng lúc đó nước Nga là đồng minh chiến tranh của chúng ta - lúc đó tôi cũng chưa giải thoát khỏi tất cả những tín điều của chủ nghĩa can thiệp đương thời và kết quả là đã đưa ra một số nhượng bộ khác nhau mà bây giờ tôi nghĩ là không chính đáng. Dĩ nhiên là tôi cũng chưa nhận thức được một cách đầy đủ rằng trong một số lĩnh vực nhiều việc đã tồi tệ đến mức nào. Thí dụ, tôi vẫn còn coi là một câu mang tính tu từ khi hỏi nếu Hitler nắm được quyền lực vô giới hạn theo đúng các thủ tục hợp hiến “ai dám nói rằng ở Đức vẫn có chế độ pháp quyền?” để rồi sau đó mới biết rằng các Giáo sư Hans Kelsen và Harold J. Laski và có thể còn nhiều luật gia theo đường lối xã hội chủ nghĩa và các nhà chính trị học đi theo đường lối của những tác gia đầy ảnh hưởng này đã ủng hộ chính điều đó. Nói chung, việc nghiên cứu các xu hướng tư duy và thiết chế đương thời đã làm gia tăng sự quan ngại và lo lắng của tôi. Ảnh hưởng của các tư tưởng xã hội chủ nghĩa và niềm tin ngây thơ vào những ý định tốt đẹp của những kẻ nắm giữ quyền lực toàn trị đã không ngừng gia tăng kể từ ngày tôi viết xong cuốn sách này.

Một thời gian dài tôi đã lấy làm tự ái vì bị mọi người coi cuốn sách như một tác phẩm về thời sự trong giai đoạn đó, chứ không phải là một tác phẩm khoa học thực sự. Sau khi kiểm tra lại những điều đã viết lúc đó dưới ánh sáng của công tác khảo cứu những vấn đề đặt ra lúc đó trong suốt ba mươi năm qua, tôi không còn tự ái nữa. Mặc dù cuốn sách có thể chứa những điều mà lúc đó tôi không thể chứng minh một cách thuyết phục, nó vẫn là một cố gắng thực sự trong việc đi tìm chân lý, cái chân lý mà tôi tin rằng đã tạo ra sự sáng suốt giúp cho ngay cả những người không đồng tình với tôi tránh được mối nguy hiểm chết người.

F. A. Hayek


[1] Der Weg Zur Knechtschaft: Den Sozialisten in allen Parteien, © 1971 (cho lần xuất bản mới) Verlag Moderne Industrie AG, 96895 Landsberg am Lech. Đây là lần xuất bản đầu tiên ở Đức, mặc dù bản dịch tiếng Đức Đường về nô lệ đã được xuất bản ở Thuỵ Sỹ vào năm 1948.
[2] (Chua thêm năm 1994) Tôi sử dụng thuật ngữ tự do (liberal) giống như Hayek đã dùng trong cuốn sách này, cũng như trong lời giới thiệu cho lần xuất bản bìa mềm vào năm 1956 (xem bên dưới), tức là theo nghĩa ban đầu của thế kỉ XIX là chính phủ hạn chế và thị trường tự do, chứ không phải theo nghĩa đã bị làm cho sai lạc đi, gần như ngược lại, ở Hoa Kì.
[3] Xin đọc Lời giới thiệu của Hayek cho lần xuất bản bìa mềm năm 1956
[4] Thư gửi C. Harley Gralan, ngày 2 tháng 5 năm 1945.

1 comment: