June 30, 2020

GIẤU TAY: VẠCH TRẦN VIỆC ĐẢNG CỘNG SẢN TRUNG QUỐC ĐANG TÁI ĐỊNH HÌNH THẾ GIỚI NHƯ THẾ NÀO

Clive Hamilton & Mareike Ohlberg

Trong hình ảnh có thể có: văn bản cho biết 'CLIVE HAMILTON MAREIKE OHLBERG FOREWORD BY CHARLES BURTON HIDDEN HAND EXPOSING HOW THE CHINESE COMMUNIST PARTY IS RESHAPING THE WORLD'

Nguyễn Trung Kiên trích dịch

*

TRẠNG THÁI TÂM LÝ CHIẾN TRANH LẠNH CỦA ĐCSTQ

Một trong những công cụ hùng biện ưa thích của Đảng-Nhà nước Trung Quốc để làm chệch hướng sự chỉ trích là buộc tội những người chống đối là theo ‘chủ nghĩa chống cộng’ hoặc có ‘tư duy Chiến tranh Lạnh’. Hoa Xuân Oánh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao, thường sử dụng thuật ngữ “tư duy trò chơi có tổng bằng không”. Năm 2019, tờ 'Thời báo Hoàn cầu' tuyên bố rằng tập đoàn thiết bị viễn thông khổng lồ của quốc gia, Huawei, đã trở thành nạn nhân của ‘chủ nghĩa chống cộng trong công nghệ cao’. Lưu Hiểu Minh, Đại sứ Trung Quốc tại Vương quốc Anh, đã mô tả các cuộc tập trận nhằm bảo vệ tự do hàng hải của Mỹ ở Biển Đông là “ngoại giao pháo hạm, được thúc đẩy bởi tâm lý Chiến tranh Lạnh”. Ngay cả những lời lên án về hồ sơ nhân quyền đầy ghê tởm của Trung Quốc cũng bị Bắc Kinh từ chối do bắt nguồn từ cùng một tư duy.


Sự buộc tội về việc mang tâm lý Chiến tranh Lạnh thường được lặp lại ở phương Tây. Vào tháng Ba năm 2019, tại một hội nghị chuyên đề toàn cầu tại Đại học Bắc Kinh, Susan Shirk, Phó Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao trong chính quyền của Tổng thống Clinton, đã cảnh báo về một ‘Nỗi sợ hãi chủ nghĩa cộng sản’ đầy mơ hồ tại Mỹ nhằm chống lại Trung Quốc. Theo Shirk, một ‘bản năng bầy đàn’ đang khiến người Mỹ nhìn thấy các mối đe dọa từ Trung Quốc ở khắp mọi nơi, với những thảm họa tiềm tàng.

Điều này không chỉ đáng tiếc vì nó thường xuyên loại bỏ các mối quan tâm chính đáng, mà còn đẩy mỉa mai, bởi vì rất ít người bị ám ảnh mãnh liệt bởi tâm lý Chiến tranh Lạnh hơn là chính giới lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, và dưới thời Tập Cận Bình, kiểu tư duy này đã đạt đến một tầm cao mới. Vào tháng 12 năm 2012, với tư cách là Tổng Bí thư mới của Đảng, Tập đã đưa ra lời cảnh báo rằng Trung Quốc, mặc dù tăng trưởng kinh tế cao, nhưng không nên quên những bài học rút ra từ sự sụp đổ của Liên Xô. Ông xác định ba sai lầm đặc biệt của đế chế Liên Xô khiến nó sụp đổ chỉ sau một đêm. Đầu tiên, các nhà lãnh đạo của Đảng Cộng sản Liên Xô đã thất bại trong việc kiểm soát quân đội. Thứ hai, họ đã thất bại trong việc kiểm soát tham nhũng. Thứ ba, bằng cách từ bỏ hệ tư tưởng chủ đạo của mình, đặc biệt là dưới thời Mikhail Gorbachev, Đảng Cộng sản Liên Xô đã xóa bỏ rào cản xâm nhập ý thức hệ của ‘các thế lực thù địch phương Tây’. ĐCS Liên Xô đã tự đào mồ chôn mình.

Đối với các nhà quan sát sắc sảo, vốn cho rằng bài phát biểu của Tập là dấu hiệu đầu tiên cho thấy hy vọng ông sẽ trở thành một nhà cải cách theo đuổi chủ nghĩa tự do - tiếp tục mở cửa Trung Quốc và cho phép nước này hòa nhập vào trật tự quốc tế, thực tế sẽ chứng minh rằng họ sai lầm.

Vào tháng Ba năm 2019, tạp chí lý thuyết hàng đầu của ĐCSTQ, ‘Cầu thị’ [Tìm kiếm sự thật] đã xuất bản một đoạn trích từ một bài phát biểu khác của Tập vào tháng Một năm 2013 trước 300 Ủy viên Trung ương Đảng. Chủ đề của nó là ‘phát huy và phát triển chủ nghĩa xã hội’, và ông nói với các cán bộ rằng mặc dù hệ thống Trung Quốc cuối cùng sẽ chiến thắng hệ thống tư bản, nhưng họ phải chuẩn bị cho sự ‘hợp tác và đấu tranh lâu dài giữa hai hệ thống’. Ông nhắc lại cảnh báo rằng lý do chính khiến Liên Xô sụp đổ là ‘họ đã phủ nhận hoàn toàn lịch sử của Liên Xô và lịch sử của Đảng Cộng sản Liên Xô; họ phủ nhận Lenin và Stalin; họ bị mắc vào một thứ ‘chủ nghĩa hư vô về lịch sử” [nghĩa là chỉ trích quá khứ của Đảng] và tạo ra sự hỗn loạn cho ý thức hệ của họ’.

Những lời của Tập không chỉ là lời nói hoa mỹ; chúng đã được tiếp thu và đưa vào hành động. Vào tháng Tư năm 2013, Trung ương Đảng đã chuẩn bị một thông cáo có tiêu đề ‘Thông báo về tình trạng hiện tại của lĩnh vực ý thức hệ’, còn được gọi là Tài liệu số 9. Bản thông cáo khét tiếng này, được phân phát cho các cán bộ lãnh đạo từ cấp tỉnh trở lên, nêu ra bảy ‘khuynh hướng tư tưởng sai lầm’ không còn được phép ủng hộ - nền dân chủ hiến định kiểu phương Tây, ‘giá trị phổ quát’, xã hội dân sự, chủ nghĩa tân cổ điển, các nguyên tắc báo chí phương Tây, chủ nghĩa hư vô về lịch sử, và sự nghi ngờ bản chất xã hội chủ nghĩa của chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc. Đảng đã chính thức từ chối nền dân chủ và quyền con người phổ quát, và ngay sau việc lưu hành thông báo là một cuộc đàn áp gay gắt đối với những người phản đối đầu tiên tại Trung Quốc. Tài liệu số 9 chỉ là khởi đầu cho nỗ lực đổi mới của ĐCSTQ nhằm xóa bỏ những tư tưởng mà nó tin rằng sẽ đe dọa đến quyền lực của nó. ĐCSTQ dường như đang đi theo một dụ ngôn vốn được gán cho Stalin: ‘Các tư mạnh hơn nòng súng. Chúng ta sẽ không để kẻ thù có súng, tại sao chúng ta lại để chúng có tư tưởng?'.

Vào tháng Mười năm 2013, một bộ phim tài liệu nội bộ, có khả năng do Học viện Quốc phòng của Quân Giải phóng Trung Quốc sản xuất, mang tên ‘Cuộc chiến câm lặng’, đã bị rò rỉ. Bộ phim dài 90 phút này lặp lại cáo buộc rằng Hoa Kỳ đang cố gắng mang lại sự thay đổi chế độ thông qua ‘sự xâm nhập ý thức hệ’ tại Trung Quốc. Nó nhắm tới các tổ chức phi chính phủ nước ngoài như Quỹ Ford, cũng như các học giả Trung Quốc ‘tự diễn biến’ - đại diện cho một ‘mối đe dọa từ bên trong’. Sau vụ rò rỉ, tờ 'Thời báo Hoàn cầu' đã cố gắng trình bày bộ phim tài liệu này như là quan điểm của một vài học giả quân sự theo chủ nghĩa dân tộc. Các chiến dịch mạnh mẽ chống lại ‘tư tưởng phản động’ tại các trường đại học Trung Quốc, việc siết chặt kiểm soát truyền thông và ban hành đạo luật mới, chẳng hạn như Luật về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài vào năm 2018 vốn đã hạn chế nghiêm trọng các hoạt động của các tổ chức phi chính phủ quốc tế, tất cả đều lặp lại cảnh báo trong ‘Cuộc chiến câm lặng’, trình bày về việc ĐCSTQ giải quyết các mối đe dọa về ý thức hệ đối với Đảng.

Tuy nhiên, hầu hết các nhà quan sát phương Tây tiếp tục phớt lờ bản chất ý thức hệ sâu sắc trong chế độ của Tập, và điều này mới chỉ đang dần thay đổi. Vào tháng Tám năm 2017 John Garnaut, cựu phóng viên thường trú Bắc Kinh và cố vấn cho chính phủ Úc, người có hiểu biết sâu sắc về hoạt động của Đảng, đã có một bài phát biểu nội bộ cho các quan chức cấp cao của Úc đưa về tư tưởng của Stalin và Mao. Trong khi Tập Cận Bình đã nhấn mạnh ý thức hệ hơn những người tiền nhiệm, Garnaut chỉ ra rằng bước ngoặt thực sự xảy ra vào năm 1989, khi các nhà lãnh đạo Đảng bị sốc bởi các cuộc biểu tình của sinh viên ở Quảng trường Thiên An Môn và sử dụng bạo lực để đàn áp những người biểu tình. Và năm tháng sau, họ thậm chí còn bị khủng hoảng sâu sắc hơn bởi sự sụp đổ của Bức tường Berlin, điều này đã gây ra sự sụp đổ của khối Xô-viết hùng mạnh. Họ bắt đầu tập trung vào “sự an ninh ý thức hệ” như một phần không thể thiếu để đảm bảo cho an ninh của chế độ. Như Anne-Marie Brady đã chỉ ra, những sự kiện này đã thúc đẩy Đảng mở rộng ồ ạt các hoạt động tuyên truyền và truyền bá ý thức hệ. Trọng tâm chính là truyền bá chính trị ở trong nước, bao gồm việc ‘giáo dục lòng yêu nước’ ở các trường học Trung Quốc và ngăn chặn ‘các tư tưởng thù địch’ thâm nhập vào Trung Quốc.

Năm 1990, Joseph Nye đưa ra khái niệm ‘quyền lực mềm’. Đối với các nhà lãnh đạo trong Đảng, ý tưởng của ông là bằng chứng cho thấy nước Mỹ đã lên kế hoạch làm suy yếu Trung Quốc về mặt tư tưởng. Các trích đoạn từ cuốn sách ‘Bound to Lead’ của Nye gần như ngay lập tức được dịch sang tiếng Trung và được Nhà xuất bản Ngoại văn Quân sự xuất bản vào tháng Một năm 1992. Trong lời nói đầu, các biên tập viên của quân đội giải thích rằng họ đã ‘trân trọng mời’ các dịch giả chuyên nghiệp của Bắc Kinh dịch nó sang tiếng Trung nhằm nhanh chóng vạch trần kế hoạch của Mỹ. Họ thông báo cho độc giả rằng Nye đang đề xuất tăng cường dòng văn hóa và ý thức hệ vào Trung Quốc, Liên Xô cũ và Thế giới thứ Ba để khiến các nước này chấp nhận hệ thống giá trị của Mỹ. Nước Mỹ đang lên kế hoạch tiếp tục thống trị thế giới không chỉ về mặt chính trị, mà cả về văn hóa và tư tưởng, và người dân Trung Quốc cần phải hiểu rằng cuộc đấu tranh chống lại âm mưu ‘diễn biến hòa bình’ của Mỹ sẽ kéo dài, phức tạp và dữ dội.

Tư tưởng rằng Trung Quốc đang phải đối mặt với một cuộc chiến sinh tử chống lại các thế lực thù địch phương Tây, vốn đang cố gắng gây ra sự hỗn loạn ở Trung Quốc, đã trở thành thủ cựu trong ĐCSTQ. Năm 2000, Sa Kỳ Quang, một quan chức thuộc Văn phòng Tuyên truyền Đối ngoại, mà khi giao dịch với nước ngoài lại có tên là Văn phòng Thông tin Hội đồng Nhà nước, đã đi xa đến mức cho rằng phương Tây đã tham gia vào ‘Thế chiến thứ Ba không khói’ chống lại Trung Quốc từ mười năm trước. Nói cách khác, ‘lật đổ về mặt ý thức hệ’ không được coi là một mối nguy hiểm trừu tượng. Phong trào Hoa hướng dương 2014 ở Đài Loan và Phong trào Dù vàng của Hồng Kông trong cùng năm được hiểu là âm mưu của phương Tây nhằm gây bất ổn cho Trung Quốc. Vì vậy, các cuộc biểu tình ở Hồng Kông bắt đầu vào năm 2019, với đám đông khổng lồ diễu hành vì các quyền tự do dân chủ.

Kể cả sự kết nạp của Trung Quốc vào Tổ chức Thương mại Thế giới vào cuối năm 2001 cũng như sự phụ thuộc ngày càng tăng của nó với các nền kinh tế phương Tây cũng không làm giảm bớt những lo lắng về sự xâm nhập của ý thức hệ. Sự chứng kiến các cuộc cách mạng Màu đầu tiên ở Đông Âu từ năm 2000 đến năm 2004 đã khiến ĐCSTQ hoang tưởng hơn. Đảng đã thực hiện một loạt các nghiên cứu về sự sụp đổ của Liên Xô. Năm 2004, Đảng lần đầu tiên thừa nhận rằng sự tiếp tục nắm quyền lực của nó là không chắc chắn. Đảng bắt đầu nhận ra rằng nó cần tiến hành các biện pháp chính danh hóa một cách đáng tin cậy và lâu dài, hơn là bám vào sự hiệu quả của nền kinh tế - vốn có thể thất bại, và chủ nghĩa dân tộc - vốn có thể gây phản tác dụng nếu Đảng không thể đáp những kỳ vọng của các công dân mang tinh thần dân tộc chủ nghĩa cực đoan.

Các nhà lãnh đạo Đảng đã thấy rằng, mặc dù với ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc, nhưng nó vẫn thiếu sức mạnh để định hình cuộc tranh luận quốc tế - đó là, định hướng cách mà các quốc gia khác nghĩ về Trung Quốc, hệ thống của nó và vai trò của nó trên thế giới. Đối với công luận quốc tế, Đảng kết luận, “phương Tây mạnh và Trung Quốc yếu”. Điều đó phải thay đổi; nó cần ‘sức mạnh diễn ngôn’ và một hình ảnh để phù hợp với trạng thái của nó.

‘TUYÊN TRUYỀN QUY MÔ LỚN RA BÊN NGOÀI’

Năm 1993, Vương Hỗ Ninh, một giáo sư trẻ của Đại học Phúc Đán tại Thượng Hải, người từng thăm một số đại học tại Mỹ vài năm trước, đã nhập khẩu khái niệm ‘quyền lực mềm’, và trong một bài báo trên Tạp chí Đại học Phúc Đán, ông đã giới thiệu ý tưởng này cho một nhóm các học giả về quan hệ quốc tế tại Trung Quốc. Ban đầu ‘quyền lực mềm’ được coi là thứ cần phải chống lại, sau đó khái niệm này lại được xác định lại là thứ mà Trung Quốc có thể tự triển khai. Năm 2017, Vương bất ngờ được Tập Cận Bình trực tiếp đưa vào cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng, Ủy ban Thường vụ gồm bảy thành viên của Bộ Chính trị. Là một trong những chiến sĩ xung kích đáng tin cậy nhất của Tập, và chính thức là người quyền lực thứ năm ở Trung Quốc, Vương là người phụ trách chính về ý thức hệ của Trung Quốc, phụ trách công tác tuyên truyền và tư tưởng.

Vương Hỗ Ninh đang triển khai nhiệm vụ này được nhiều thập niên. Trong các giai đoạn trước đó, việc tái định hình sự ủng hộ quốc tế cho ĐCSTQ cùng với các tư tưởng và chính sách của nó đã cấu thành nên một phần trong nhận thức của Đảng về cách Trung Quốc có thể trở thành một cường quốc toàn cầu mà không gặp phải sự kháng cự từ các cường quốc đã xác lập. Sau đó, vào tháng 12 năm 2003, trong một bài phát biểu công khai, Tổng Bí thư Hồ Cẩm Đào tuyên bố rằng “tạo ra một môi trường dư luận quốc tế thuận lợi” là quan trọng “cho an ninh quốc gia và ổn định xã hội của Trung Quốc”. ĐCSTQ đã áp dụng cách tiếp cận toàn xã hội để tuyên truyền về Trung Quốc ra nước ngoài, được gọi là ‘tuyên truyền quy mô lớn ra bên ngoài', bằng sự tham gia trực tiếp của nhiều Ban trong Đảng cũng như nhiều công dân Trung Quốc cùng thực hiện nỗ lực tuyên truyền đối ngoại.

Để ĐCSTQ cảm thấy an toàn, thông điệp của nó cần phải trở thành ‘huyên náo trong thời đại chúng ta’. Động lực đối nội đằng sau công việc này nhằm đạt được tính chính danh toàn cầu, định hình lại trật tự toàn cầu và chỉ đạo các cuộc đối thoại toàn cầu không làm cho nó trở nên ít tự phụ hơn. Ngược lại, thực tế là nó gắn liền với an ninh của chế độ, có nghĩa rằng đây là ưu tiên số một của Đảng.

Nếu các khái niệm về sự xâm nhập ý thức hệ và một cuộc Chiến tranh Lạnh mới về các tư tưởng là một chủ đề nhất quán từ những năm 1990, thì các cách thức mà Đảng cố gắng vô hiệu hóa các mối đe dọa đã thay đổi đáng kể và trở nên hung hăng hơn nhiều. Đầu năm 2005, trong một bài báo có tiêu đề ‘Về tuyên truyền ra bên ngoài và việc củng cố năng lực cai trị của Đảng’, một nhà lý luận của Đảng đã giải thích cách định hình lại dư luận quốc tế có thể giúp ngăn chặn sự phá hoại của ĐCSTQ ở trong nước. ĐCSTQ mô tả sự tuyên truyền mà Trung Quốc nhắm vào người nước ngoài là “đội tiên phong của [cuộc đấu tranh] chống lại ‘diễn biến hòa bình’”; nó đã giúp làm mất uy tín những thông điệp của các thế lực thù địch trước khi chúng vào Trung Quốc.

Cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009 được các nhà lãnh đạo Đảng và các học giả Trung Quốc xem là cơ hội để Trung Quốc trở thành một tiếng nói có ảnh hưởng toàn cầu, và cũng là cơ hội để đưa ra mô hình kinh tế chính trị Trung Quốc như một sự thay thế cho trật tự phương Tây. Các nhà phân tích của Đảng nhấn mạnh cuộc khủng hoảng đã cho thấy những điểm yếu của việc bãi bỏ quy định tài chính và thiếu sự giám sát. Họ lập luận, để so sánh, những cuộc cải cách cẩn thận hơn của Trung Quốc có thể ngăn chặn một cuộc khủng hoảng như vậy. Điều này dẫn đến cuộc thảo luận rộng rãi đầu tiên trong giới học thuật Trung Quốc về ‘mô hình Trung Quốc’ như là một sự thay thế toàn cầu cho các mô hình quản trị phương Tây.

Dưới thời Tập Cận Bình, những nỗ lực này đã đạt tới một chất mới. Trong khi các thế hệ lãnh đạo trước đây tránh sử dụng thuật ngữ ‘mô hình Trung Quốc’, ĐCSTQ hiện đang công khai quảng bá cái mà họ gọi là ‘điển hình Trung Quốc’ và ‘trí tuệ Trung Quốc’ sang các nước khác. Trong Đại hội Nhân dân toàn quốc năm 2019, Colin Linneweber, một người Mỹ làm việc cho hãng thông tấn nhà nước chính thức của Trung Quốc, Tân Hoa Xã, tuyên bố rằng ‘có một sự thừa nhận rộng rằng nền tảng cho sự thành công của Trung Quốc là hệ thống dân chủ’ của nó. Trong chuyến thăm Paris năm 2019, Tập Cận Bình đã đưa ra ‘điển hình Trung Quốc’ và Sáng kiến Vành đai và Con đường như là giải pháp cho sự xói mòn của lòng tin và sự hợp tác trong cộng đồng quốc tế.

Như tổ chức National Endowment for Democracy đã lập luận, các cường quốc độc tài như Trung Quốc không dựa vào quyền lực mềm mà dựa vào ‘quyền lực cứng’, gia tăng ảnh hưởng bằng cách cưỡng chế và thao túng. Thật vậy, điều này thể hiện trong các cuộc tranh luận của Trung Quốc về vấn đề này, vốn luôn quan tâm đến khía cạnh ‘quyền lực cứng’ hơn là ‘quyền lực mềm’.

Sẽ là một sai lầm khi tự mãn về những nỗ lực của ĐCSTQ nhằm thúc đẩy ‘nền dân chủ với đặc điểm Trung Quốc’, và các khái niệm khác mang đặc điểm Trung Quốc (nhân quyền, hệ thống pháp luật, v.v.) hoặc tin rằng những nỗ lực này hẳn sẽ thất bại vì hệ thống đó thiếu sự hấp dẫn. Thực tế , phần lớn đối tượng tuyên truyền mang tính mục tiêu của ĐCSTQ tại các nước đang phát triển và ở phương Tây không biết nhiều về Trung Quốc ngoài những thành tựu kinh tế. Một số người tin rằng các chính phủ và phương tiện truyền thông phương Tây đã ‘bóp méo về Trung Quốc’. Những đối tượng khác, như các cuộc điều tra gần đây cho thấy, quan tâm hơn đến chính thể chuyên chế, và một số điểm mà ĐCSTQ nhấn mạnh trong các cuộc đối thoại thực sự có thể mang lại sự cộng hưởng họ, khi Đảng khai thác các cuộc khủng hoảng trong các nền dân chủ để minh họa cho sức mạnh của Trung Quốc. Brexit và cuộc bầu cử Donald Trump năm 2016 đều bị đưa ra làm dẫn chứng cho tuyên bố rằng nền dân chủ chắc chắn dẫn đến sự hỗn loạn và kém hiệu quả.

ĐẢNG CAI TRỊ

Vào tháng Bảy năm 2021, Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ tròn một trăm tuổi. Nó đã phát triển từ hơn một chục đảng viên vào năm 1921 lên 90 triệu đảng viên, với lực lượng quân sự gồm 2 triệu quân nhân, và vô số các tổ chức đang cố gắng kiểm soát mọi khía cạnh của xã hội Trung Quốc. Nó có một bộ máy nhà nước cho phép nó xuất hiện trên trường quốc tế về các đặc trưng dường như có vẻ bình thường với phần còn lại của thế giới. Tuy nhiên, trong cuộc tranh luận về ảnh hưởng của Trung Quốc trên thế giới, nhiều người phương Tây đã thích nghi với sự tồn tại của ĐCSTQ

Một trong những thách thức lớn nhất trong việc đối phó với Trung Quốc chính là sự thiếu hiểu biết chính trị này của những người đối thoại bên ngoài Trung Quốc, đặc biệt là khi kết hợp với sự gia tăng của các tổ chức đầy ảnh hưởng có liên kết với Đảng vốn luôn che giấu mối quan hệ của họ với Đảng. Cộng đồng quốc tế đã luôn không hiểu được vai trò toàn diện của ĐCSTQ tại Trung Quốc. Để hiểu được Đảng chiếm ưu thế ở mức độ nào trong tất cả các tổ chức khác, hãy lưu ý rằng Quân Giải phóng Trung Quốc KHÔNG PHẢI là quân đội quốc gia, mà là lực lượng vũ trang của ĐCSTQ. Giám đốc điều hành của các doanh nghiệp nhà nước được chỉ định bởi Ban Tổ chức Trung ương của ĐCSTQ. Truyền thông Trung Quốc không thuộc sở hữu nhà nước mà thuộc sở hữu của Đảng, với sự kiểm soát từ bộ máy tuyên truyền của ĐCSTQ.

Quá nhiều người phương Tây thường nói về Trung Quốc như thể ĐCSTQ không tồn tại, nhưng tập trung vào Đảng là không thể thiếu đối với bất kỳ sự hiểu biết nào về thực thể chính trị mà chúng ta đang đối phó. Ảnh hưởng của Trung Quốc ở nước ngoài, như chúng ta đã thấy, là sự mở rộng các mục tiêu trong nước của Đảng, một sự thích ứng của các chiến lược và các cơ quan trong nước. Những hành động này chỉ có ý nghĩa khi được nhìn qua lăng kính về tính khác biệt và lịch sử của ĐCSTQ.

So với thời điểm thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, các tổ chức và người dân Trung Quốc đã được tiếp xúc với người nước ngoài tự do hơn. Tập Cận Bình đã đảo ngược xu hướng nới lỏng dần này. Tại Đại hội Đảng lần thứ XIX vào năm 2017, ông đã sử dụng một trích dẫn nổi tiếng của Mao để giải thích vai trò của Đảng ở Trung Quốc: ‘Chính phủ, quân đội, xã hội và trường học, Bắc, Nam, Đông và Tây - Đảng thống trị mọi thứ’. Đây không phải là những lời trống rỗng. Nửa năm sau, tại cuộc họp thường niên năm 2018, Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc đã công bố một loạt các thay đổi cho thấy một số tổ chức chính phủ đã giải thể và sáp nhập vào các cơ quan của Đảng. Mỗi phái đoàn được phép rời khỏi Trung Quốc đều có ít nhất một quan chức của Đảng với nhiệm vụ rõ ràng là theo dõi tất cả các thành viên khác của phái đoàn.

ĐCSTQ là một đảng Lêninit được thành lập với mục đích cụ thể là trở thành ‘đội quân cách mạng tiên phong’ của nhân dân Trung Quốc. Như vậy nó được thành lập như là một tổ chức trung ương, thâm nhập tất cả các phần của xã hội Trung Quốc và ở bên trên tất cả các tổ chức khác, bao gồm cả các cơ quan quân sự và nhà nước. Các tổ chức quan trọng và quyền lực nhất liên quan đến công việc gây ảnh hưởng luôn là một phần của bộ máy quan liêu của Đảng, chứ không phải chính phủ Trung Quốc, hoạt động như một nhánh mở rộng của ĐCSTQ. Ban Tuyên giáo, Ban Liên lạc Quốc tế và Ban Công tác Mặt trận Thống nhất đều là các tổ chức của Đảng.

Nhiệm vụ của Ban Công tác Mặt trận Thống nhất là liên lạc với tất cả các lực lượng bên ngoài ĐCSTQ, chẳng hạn như các tổ chức tôn giáo được công nhận và các nhóm lợi ích khác. Nó cũng có nhiệm vụ hướng dẫn khoảng 50-60 triệu Hoa kiều ở nước ngoài. Ranh giới giữa công việc trong nước và nước ngoài bị xóa nhòa vì các mối liên hệ về huyết thống và kinh doanh của các Hoa kiều.

Để so sánh, Ban Liên lạc Quốc tế chịu trách nhiệm liên lạc với các đảng chính trị ở nước ngoài. Nó làm việc như một loại ‘radar’ để xác định các chính trị gia nước ngoài tiềm năng sẽ thắng cử và nắm quyền. Tháng Năm năm 2018, Tập đã có bài phát biểu nhấn mạnh sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đối ngoại của Trung Quốc. Như Anne-Marie Brady chỉ ra: ‘Sự thay đổi này cho thấy chương trình nghị sự về chính sách đối ngoại mang tính cách mạng và đầy tính thích ứng của ĐCSTQ hiện đang được hợp nhất với các hoạt động chính sách đối ngoại chính thống hơn của nhà nước Trung Quốc, như thương mại, đầu tư và các cuộc họp ngoại giao cấp cao. Lần cuối cùng hai khía cạnh này hợp nhất với nhau là vào thập niên 1940, trước khi ĐCSTQ lên nắm quyền.’

Tất nhiên, các cơ quan nhà nước tiếp tục tham gia vào công việc gây ảnh hưởng, nhưng chúng đều chịu sự kiểm soát chặt chẽ của Đảng, phục vụ lợi ích của Đảng và thi hành các mệnh lệnh mà Đảng giao cho chúng. Trong khi một số nhà lãnh đạo trước đó đã cố gắng tách Đảng và nhà nước và giảm dần vai trò của ĐCSTQ xuống một vài chức năng cốt lõi, Tập Cận Bình đã quyết định đảo ngược xu hướng này.

Điều này cũng đúng với nền kinh tế. Các doanh nghiệp tư nhân từ lâu đã buộc phải thành lập các chi bộ của Đảng, nhưng chỉ dưới thời của Tập, mệnh lệnh này một lần nữa buộc phải thực thi rộng rãi. Tất cả các công ty lớn và vừa, bao gồm các doanh nghiệp nước ngoài, đều được yêu cầu thành lập các chi bộ Đảng trong doanh nghiệp của họ. Trong khi các tập đoàn hoạt động trên phạm vi quốc tế, như Huawei, Alibaba và Tencent, đã nỗ lực rất nhiều để thể hiện sự độc lập của họ với ĐCSTQ, khoảng cách giữa các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhà nước ở Trung Quốc đang dần thu hẹp.

MẶT TRẬN THỐNG NHẤT

Không thể hiểu được hoạt động gây ảnh hưởng của ĐCSTQ ở phương Tây nếu không hiểu về công tác mặt trận thống nhất của ĐCSTQ, mục tiêu của nó là tạo ra, cùng thực hiện và ép buộc các Hoa kiều bên ngoài Đảng thành lập một “mặt trận thống nhất” - hoặc liên minh các nhóm Hoa kiều để hành động theo cách phù hợp với lợi ích của Đảng - và làm suy yếu những kẻ mà Đảng chỉ định là kẻ thù. (Lưu ý rằng chúng tôi đề cập đến các nhóm Mặt trận Thống nhất, viết hoa, nếu chúng thuộc mạng lưới các tổ chức của Ban Mặt trận Thống nhất và các nhóm mặt trận thống nhất, viết thường, nếu công việc ảnh hưởng của họ nằm dưới sự bảo trợ của Đảng và các tổ chức có liên hệ với Đảng).

Chiến lược mặt trận thống nhất được lấy cảm hứng từ lý thuyết Lênin. Được phát triển vào thập niên 1920 và được đưa vào thực tế trong cuộc nội chiến vào những thập niên 1930 và 1940, mục tiêu của nó là giành chiến thắng trước các đảng nhỏ hơn và các dân tộc thiểu số. Như Anne-Marie Brady nói, đó là về việc ‘vượt mọi khó khăn để hình thành được liên minh rộng lớn nhất có thể để làm suy yếu ‘kẻ thù chính’ ’. Mao Trạch Đông mô tả công tác mặt trận thống nhất là một trong ba “vũ khí ma thuật” của ĐCSTQ. Sau khi thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, chiến lược lớn này cùng các cơ quan có liên quan trong bộ máy Đảng tiếp tục được sử dụng để kết nạp và khuất phục các dân tộc thiểu số và các tôn giáo, và để duy trì sự ủng hộ của các nhóm độc lập và bị gạt sang bên lề.

Đảng coi chiến lược mặt trận thống nhất là một khoa học, dựa trên các nguyên tắc cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin đã được điều chỉnh khi áp dụng vào thực tiễn. Các nhà lý luận của Đảng đã phát triển một tập hợp các lý thuyết về mặt trận thống nhất bao gồm các lĩnh vực như đảng chính trị, các trí thức ngoài Đảng, các nhóm dân tộc, tổ chức tôn giáo, các công ty tư nhân và cộng đồng Hoa kiều ở nước ngoài. Năm 2015, Bộ Giáo dục đã phê duyệt một chương trình sau đại học về ‘Nghiên cứu Mặt trận thống nhất’, và Đại học Sơn Đông đã cấp bằng cho lứa sinh viên tốt nghiệp đầu tiên vào năm 2018.

Được giám sát bởi Ban Công tác Mặt trận Thống nhất của ĐCSTQ, công việc này được thực hiện bởi một mạng lưới rộng lớn của các cơ quan Đảng, và các tổ chức liên kết với Đảng, và tạo thành cốt lõi của hoạt động gây ảnh hưởng và can thiệp ở nước ngoài của Đảng. Công việc của Ban Công tác Mặt trận Thống nhất không bị giới hạn trong các hoạt động của Ban này, mà là trách nhiệm của mọi Đảng viên.

Công tác mặt trận thống nhất được tăng cường khi Tập Cận Bình trở thành Tổng Bí thư vào năm 2012. Phát biểu vào năm 2014 về nhiệm vụ đối với Hoa kiều, ông tuyên bố: ‘Chỉ cần các Hoa kiều ở nước ngoài đoàn kết lại, họ có thể đóng vai trò không thể thay thế trong việc hiện thực hóa ‘Giấc mộng phục hung Trung Hoa’ bởi họ yêu nước và có nhiều vốn, tài năng, các nguồn lực và các mối quan hệ kinh doanh.’ Nâng lên ‘một cấp độ tham vọng mới’, công tác mặt trận thống nhất đã được định hình thành một ‘vũ khí ma thuật’ thậm chí còn mạnh mẽ hơn Mao tưởng tượng, đặc biệt là tại các quốc gia có lực lượng Hoa kiều tương đối đông đảo và thành công.

Trong những năm gần đây, công tác mặt trận thống nhất ngày càng được định hướng theo hướng thúc đẩy một quan điểm thiện cảm hơn về Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa trong dòng chủ lưu tại các quốc gia phương Tây. Những nỗ lực để hình thành suy nghĩ và thái độ này chủ yếu được hướng vào giới tinh hoa nhằm chống lại nhận thức tiêu cực về sự cai trị của ĐCSTQ và làm nổi bật những mặt tích cực. Như chúng ta sẽ thấy, những người phương Tây có ảnh hưởng muốn tham gia vào văn hóa Trung Quốc hoặc làm quen với các doanh nhân Trung Quốc có thể thấy rằng tổ chức mà họ đang giao dịch là một phần bí mật trong cấu trúc mặt trận thống nhất của Đảng mà các tổ chức này đang cộng tác.

Các nhà lãnh đạo chính trị là một mục tiêu tự nhiên, vì vậy, để tạo lợi thế trong các cuộc bầu cử, họ muốn tham gia với cộng đồng Hoa kiều tại địa phương của họ. Hoạt động của mặt trận thống nhất đặc biệt phổ biến ở các hội đồng hương và các nhóm sinh hoạt văn hóa cũng như trong trong cộng đồng doanh nghiệp của Trung Quốc, bao gồm các Phòng Thương mại của Trung Quốc, nơi các hoạt động gây ảnh hưởng đã được tăng cường bởi sự tăng trưởng nhanh chóng trong thương mại và đầu tư. Giám đốc điều hành các doanh nghiệp phương Tây hoan nghênh các cơ hội làm quen và làm việc với các doanh nhân Hoa kiều. Các mục tiêu hoạt động của mặt trận thống nhất hướng vào cộng đồng doanh nghiệp là để thu thập thông tin nhằm cung cấp cho các lãnh sự quán của Trung Quốc và nuôi dưỡng các mối quan hệ nhằm phát triển các mối thiện cảm với Trung Quốc. Nhiều nhân vật kinh doanh hàng đầu của phương Tây hiện đang đóng vai trò là cái loa cho thông điệp của Bắc Kinh tới chính phủ của họ và công chúng rộng lớn hơn, nhất là cảnh báo về sự ‘làm tổn hại mối quan hệ’, và nguy cơ bị trả thù khi những tuyên bố được đưa ra có thể khiến Bắc Kinh thất vọng.

Hoạt động gián điệp có thể không rơi vào vòng xoáy của các hoạt động gây ảnh hưởng nước ngoài bởi vì ở phương Tây, các điệp viên ăn cắp bí mật vì lợi ích quân sự và chiến lược. Nhưng các hoạt động gián điệp của Trung Quốc được tích hợp chặt chẽ vào các hoạt động gây ảnh hưởng của Bắc Kinh. Thông tin về cuộc sống cá nhân, tình trạng sức khỏe, các mối liên hệ chính trị và xu hướng tình dục của các nhà lãnh đạo, doanh nhân, hiệu trưởng các đại học và những người có ảnh hưởng tới công luận ở phương Tây được sử dụng để xây dựng hồ sơ cá nhân và đôi khi để ép buộc các mục tiêu. Các hoạt động của công tác mặt trận thống nhất chuyển thông tin cho các cơ quan tình báo của Trung Quốc và ngược lại.

ĐỘI MŨ KÉP VÀ MANG MẶT NẠ KÉP

Khi người nước ngoài không nhận ra vai trò bao trùm của ĐCSTQ và bị nhầm lẫn về đối tượng mà họ đang đối phó, đó không chỉ là lỗi của họ; ĐCSTQ đã tích cực cố gắng gây xáo trộn. Một chiến thuật hàng đầu sử dụng nhóm tiền tiêu. Tại các nước phương Tây, hàng trăm tổ chức của Hoa kiều đã được thành lập, mỗi tổ chức có liên kết trực tiếp hoặc gián tiếp đến mạng lưới do Ban Công tác Mặt trận Thống nhất điều phối. Chúng có thể có mục đích chính trị rõ ràng, chẳng hạn những người thực thi nhiệm vụ ‘đoàn tụ hòa bình’, nhưng thường xuyên hơn là các nhóm kinh doanh, hiệp hội nghề nghiệp hoặc các tổ chức văn hóa và tổ chức cộng đồng. Rất đáng nhấn mạnh ở đây rằng tính chất bí mật của công tác mặt trận thống nhất thường gây khó khăn cho việc xác định chúng, ngay cả khi người ta hiểu rõ hoạt động của công trác mặt trận thống nhất.

Ngoài ra, trong các cấu trúc chính thức của ĐCSTQ, điều phổ biến là các cá nhân thường đeo nhiều mặt nạ khác nhau, và các tổ chức thường dùng nhiều cái tên khác nhau, tùy thuộc vào tình thế. Ví dụ, Trịnh Tất Kiên, người xây dựng tư tưởng về “sự trỗi dậy hòa bình” của Trung Quốc, được giới thiệu một cách đa dạng như là “một nhà tư tưởng Trung Quốc”, là chủ tịch của Diễn đàn Cải cách Trung Quốc (‘một tổ chức học thuật phi chính phủ và phi lợi nhuận’), và như một “cố vấn cho các nhà lãnh đạo của Trung Quốc”. Từ những vị trí này, ông đã kết bạn với một loạt các nhà lãnh đạo chính trị và các trí thức trên toàn cầu. Các tên gọi của ông đều gây hiểu lầm, bởi các vị trí khác nhau của ông mô tả chính xác hơn nhiều vị trí thực sự ở trong ĐCSTQ, và ông là một cán bộ rất cao cấp, rất đáng tin cậy. Từ năm 1992 đến năm 1997, Trịnh giữ chức Phó Ban Tuyên giáo Trung ương của ĐCSTQ, và từ năm 1997 đến năm 2002, ông giữ chức Phó Hiệu trưởng Trường Đảng Trung ương Trung Quốc (trên thực tế, ông là người lãnh đạo cao nhất của trường này). Và ông cũng là ủy viên hàng đầu của Hội nghị Tham vấn Chính trị Nhân dân Trung Quốc.

Một ví dụ khác, Lã Kiến Trung là ủy viên của Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc và là Chủ tịch Phòng Thương mại Quốc tế Con đường tơ lụa. Nhưng ông cũng tự giới thiệu mình là Chủ tịch Hội đồng quản trị của Tập đoàn đầu tư công nghiệp văn hóa đô thị Đại Đường Khê, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Quốc tế của Trung Quốc, Phó Chủ tịch Quỹ Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc, hoặc Chủ tịch Hiệp hội Quảng bá văn hóa Trung Quốc tại Thiểm Tây.

Mặc dù trò chơi hai mặt này được thiết kế để che giấu thân phận với người nước ngoài, nhưng nó cũng có một lợi thế ngoài ý muốn: nó cho phép chúng ta tái định vị một cách thô sơ nơi một tổ chức cụ thể nằm trong bộ máy quan liêu của Trung Quốc. Thông thường, nếu một người đồng thời là chủ tịch của tổ chức B và phó chủ tịch của tổ chức A, thì tổ chức này sẽ chịu sự lãnh đạo trực tiếp của tổ chức kia. Trong một số trường hợp, A và B chỉ đơn giản là các tên khác nhau cho cùng một tổ chức. Chẳng hạn, cho đến gần đây, người đứng đầu Hiệp hội Liên lạc Hữu nghị Quốc tế Trung Quốc đồng thời giữ chức vụ Phó Trưởng phòng Liên lạc của Tổng cục chính trị thuộc Quân Giải phóng Trung Quốc, gợi ý một sự liên kết về mặt thể chế.

Dưới cái tên Văn phòng Thông tin Hội đồng Nhà nước, cơ quan này tổ chức cuộc họp báo của Chính phủ, và thường và hành động như thể nó là một phần của chính phủ chứ không phải là Đảng, như người ta có thể nhận thấy. Tuy nhiên, trong nội bộ, nó được gọi là Văn phòng Tuyên truyền Đối ngoại của ĐCSTQ và các nguồn tin chính thức của Trung Quốc xác nhận rằng nó nằm dưới sự lãnh đạo của Đảng, cụ thể là Ban Tuyên giáo Trung ương (kể từ cuộc đại cải cách thể chế lớn nhất vào năm 2018).

Những hành vi đội mũ kép và mang mạ kép này là bình thường ở Trung Quốc, và đôi khi ĐCSTQ dựa vào sự thiếu hiểu biết của người nước ngoài để che giấu sự kiểm soát của mình. Ví dụ, vào năm 1997, một học viện mới được giao nhiệm vụ thực hiện công tác mặt trận văn hóa ở nước ngoài đã được thành lập trong Viện Chủ nghĩa xã hội Trung ương, một trường đào tạo nghiệp vụ mặt trận thống nhất trực thuộc Ban Mặt trận Thống nhất. Nhận thức được rằng một cái tên có từ ‘chủ nghĩa xã hội’ trong đó sẽ là ‘bất tiện’ trên phạm vi quốc tế, ĐCSTQ dùng cái tên Học viện Văn hóa Trung Quốc để giao dịch ở nước ngoài.

Phương tiện truyền thông của Trung Quốc và các tổ chức khác có liên quan đến tuyên truyền ra bên ngoài đã được hướng dẫn để tránh tự coi mình là cơ quan chính phủ (càng không tự coi là cơ quan của Đảng) khi giao dịch với nước ngoài và ‘xuất hiện dưới hình thức doanh nghiệp’. Chẳng hạn, Văn phòng Ngoại ngữ của ĐCSTQ, tương tác với thế giới bên ngoài dưới ‘cái tên thương mại’, Tập đoàn Xuất bản Quốc tế Trung Quốc (CIPG).

Như chúng ta sẽ thấy, Quân Giải phóng Trung Quốc và Bộ An ninh Nhà nước cũng sử dụng các tổ chức mặt trận để thu thập thông tin tình báo. Trong một số trường hợp, chẳng hạn như Hiệp hội Liên hệ Hữu nghị Quốc tế Trung Quốc, đều có liên kết đến Quân Giải phóng Trung Quốc và Bộ An ninh Nhà nước. Tuy nhiên, Bộ An ninh Nhà nước sử dụng các doanh nhân làm người liên hệ trung gian với người nước ngoài, và cũng sử dụng các tổ chức nghiên cứu như Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Thượng Hải làm mặt trận để tiếp cận họ.

NHÂN DÂN CÙNG VỚI BẠN BÈ VÀ KẺ THÙ CỦA HỌ

Các mặt trận khác để gắn kết với người nước ngoài là các tổ chức nhân dân. ‘Nhân dân’ và ‘tình hữu nghị’ của họ với người nước ngoài là những khái niệm có ý nghĩa đặc biệt trong chính trị Trung Quốc - những ý nghĩa mà ít người ở phương Tây hiểu được. Khái niệm hữu nghị đầy tính giễu cợt và cơ hội chủ nghĩa của của Đảng đã được Tập Cận Bình giải thích vào năm 2017, ông đã nói với các cán bộ rằng những người bạn của họ bên ngoài Đảng không phải là ‘tài nguyên cá nhân của riêng họ’, mà nên trở thành ‘những người bạn vì Đảng’ hay ‘vì lợi ích cộng đồng’. Ông tiếp tục nói, ‘Tất nhiên, tình bạn bên ngoài Đảng sẽ phát triển thành tình bạn cá nhân. Nhưng tình bạn cá nhân phải tuân thủ nhiệm vụ vì lợi ích công cộng. Nguyên tắc, kỷ luật và quy tắc phải được duy trì.’

Cuốn sách năm 2003 của Anne-Marie Brady, ‘Khiến cho nước ngoài phục vụ Trung Quốc’ là một hướng dẫn không thể thiếu để hiểu hệ thống ‘tình bạn bên ngoài’ do ĐCSTQ phát triển. Bà viết rằng tình bạn chính trị là ‘một ứng dụng của các nguyên tắc mặt trận thống nhất để chia rẽ kẻ thù bằng cách tập trung vào các mâu thuẫn và thống nhất tất cả các lực lượng có thể thống nhất được xung quanh một mục tiêu chung’. Theo ngôn ngữ của ĐCSTQ, ‘tình bạn’ không đề cập đến một mối ràng buộc cá nhân mật thiết, mà là một mối quan hệ chiến lược. Thuật ngữ về tình bạn của Đảng ‘là một phương tiện để vô hiệu hóa tâm lý đối lập và sắp xếp lại thực tế’. Brady viết, những người bạn nước ngoài là những người sẵn sàng và có thể thúc đẩy lợi ích của Trung Quốc.

Ở Trung Quốc, các tổ chức dân sự không bao giờ độc lập mà luôn gắn vào hệ thống Đảng thông qua các tổ chức mặt trận thống nhất. Giống như ở Vương quốc Anh, nơi mà không có tổ chức cộng đồng nào có thể sử dụng từ ‘hoàng gia’ trong tiêu đề của mình mà không có sự cho phép chính thức, ở Trung Quốc, không có nhóm cộng đồng nào bao gồm các từ ‘nhân dân’ hoặc ‘hữu nghị’ trong tên gọi của mình mà không có sự chấp thuận của Đảng.

Những từ khác nghe có vẻ lành tính, như ‘nhân từ’, ‘hòa bình’, ‘phát triển’, ‘hiểu biết’ và ‘đoàn kết’, được sử dụng trong tên gọi nhằm xác định các tổ chức mặt trận thống nhất do Đảng kiểm soát. Hiệp hội Hữu nghị Nhân dân Trung Quốc với Nước ngoài, Hội đồng Thúc đẩy Thống nhất Quốc gia Hòa bình và Hiệp hội Liên hệ Hữu nghị Quốc tế Trung Quốc là các ví dụ tiêu biểu.

Trong bài tiểu luận năm 1937, ‘Về mâu thuẫn luận’ (论矛盾), Mao đã định nghĩa hai loại – ‘mâu thuẫn trong nhân dân’ (人民内布毛盾) và ‘mâu thuẫn giữa nhân dân và kẻ thù của nhân dân’ (迪沃毛顿). Tư tưởng về nhân dân và kẻ thù của nhân dân có thể nhận thấy ở nhiều dạng khác nhau, ở cả cấp độ trong nước và quốc tế. Trong bài phát biểu tại Hội nghị Công tác Quốc gia về Tuyên truyền và Tư tưởng năm 2013, Tập Cận Bình đã xác định ba khu vực trong lĩnh vực tư tưởng Trung Quốc: đỏ (thành trì của ĐCSTQ), xám (trung dung) và đen (dư luận tiêu cực, khu vực ‘kẻ thù’). Tập đã chỉ thị cho Đảng giữ vùng đỏ, vươn ra vùng xám để kết hợp nó vào vùng đỏ và chiến đấu với vùng đen. Trong cách tiếp cận về quan hệ quốc tế của mình, ĐCSTQ chia người nước ngoài thành những người đã thông cảm với Đảng; các thành phần “trung dung chính trị”, là mục tiêu chính của công tác gây ảnh hưởng; và những người cứng rắn không thể bị thuyết phục.

Khi giải quyết về vấn đề tranh luận và bất đồng chính kiến, ĐCSTQ một lần nữa xác định ba loại cho các vấn đề gây tranh cãi, mỗi loại đòi hỏi một cách tiếp cận khác nhau: các vấn đề học thuật, các vấn đề gây hiểu lầm (được định nghĩa là ‘vấn đề nắm bắt ý thức hệ’) và các vấn đề chính trị. Các vấn đề học thuật là những vấn đề mà Đảng chưa vạch ra một vị trí rõ ràng. Do đó, nó cho phép thảo luận và trao đổi cởi mở hơn về những điều này, mà theo sự xác định của của Mao, là ‘mâu thuẫn trong nhân dân’. Loại thứ hai, các vấn đề gây hiểu lầm, là những vấn đề mà ĐCSTQ có lập trường rõ ràng về những gì là đúng nhưng Đảng cho rằng những người bất đồng là không có ý đồ chống đối hoặc gây nguy hiểm. Trong những trường hợp này, ĐCSTQ cố gắng thuyết phục bằng cách kiên nhẫn giải thích theo quan điểm chính thống. Theo thuật ngữ của Mao, những vấn đề gây hiểu lầm này là ‘mâu thuẫn trong nhân dân’.

Loại thứ ba, các vấn đề chính trị, bao gồm những vấn đề mà ĐCSTQ đã xác định một vị trí chính xác nhưng ‘thế lực thù địch’ trong và ngoài nước đang cố gắng làm suy yếu bằng cách cố ý truyền bá sự giả dối. Khi Đảng xác định đó là những vấn đề mang mục đích xấu hoặc hành động có mưu tính, thì các cá nhân hoặc nhóm cá nhân bảo vệ những vấn đề này sẽ bị coi là ‘kẻ thù’ và cần phải được bác bỏ một cách chắc chắn. Dưới thời Tập, các nhà lý luận của Đảng đã tập trung ngày càng nhiều vấn đề vào các vấn đề chính trị này.

Tư tưởng về ‘hành động có mưu tính’ được sử dụng để phân loại các hành động chính trị. Khi các nhóm khẳng định rằng một cuộc biểu tình là tự phát, họ làm như vậy để tránh cho hoạt động của họ bị gắn ‘mác’ chính trị, và bị lãnh đạo bởi các thế lực thù địch, hoặc ‘những bàn tay đen’. Và ĐCSTQ thường dán nhãn cho các cuộc biểu tình ủng hộ ĐCSTQ là mang tính ‘tự phát’ để khẳng định trước trước rằng Đảng đã dàn xếp hoặc ngầm khuyến khích các cuộc biểu tình này. Chẳng hạn, năm 2019, Tổng lãnh sự quán Trung Quốctại Auckland, New Zealand đã ca ngợi “lòng yêu nước tự phát” của các sinh viên từ Trung Quốc đại lục, vốn đã tấn công những người biểu tình ủng hộ Hồng Kông tại Đại học Auckland. Ngược lại, ĐCSTQ gán cho những cuộc biểu tình mà Đảng không đồng ý là ‘không xảy ra một cách tự phát’ và được ‘dàn xếp’ bởi ‘các thế lực thù địch nước ngoài’.

Điều quan trọng là, khi phải đối mặt với ‘mâu thuẫn trong nhân dân’ và ‘mâu thuẫn giữa nhân dân và kẻ thù của nhân dân’, không có giới hạn nào cho những gì ĐCSTQ có thể thực hiện. Đảng sẽ làm bất cứ điều gì có thể để ngăn chặn ‘kẻ thù của nhân dân’, những người không có bất kỳ quyền gì. Trong các không gian tư tưởng của ĐCSTQ, những người này cản trở tiến trình của lịch sử loài người và do đó cần phải được xử lý bằng bất kỳ phương tiện cần thiết nào. Sự khác biệt giữa nhân dân và kẻ thù của nhân dân được Đảng sử dụng để biện minh cho sự đối xử cực kỳ tàn bạo của Đảng đối với những người bất đồng chính kiến và những ‘kẻ gây rối’ khác, như các luật sư bảo vệ nhân quyền và các học viên Pháp Luân Công. Nói một cách dễ hiểu, sự khác biệt giữa “mâu thuẫn trong nhân dân” và “mâu thuẫn giữa nhân dân và kẻ thù của nhân dân” đã chính thức được đưa lại vào các quy định của Đảng dưới thời Tập Cận Bình.

QUY TẮC 5% VÀ NỀN NGOẠI GIAO THẦM LẶNG

Vậy làm thế nào phân chia giữa ‘nhân dân’ và ‘kẻ thù của nhân dân’ trong toàn bộ dân chúng? Mao tuyên bố rằng ‘95% người dân là tốt’; nghĩa là, họ đứng về phía nhân dân và do đó đứng về phía ĐCSTQ, bởi Đảng là ‘đội quân tiên phong của nhân dân’. Hệ thống chính trị của Trung Quốc nổi tiếng với việc thiết lập các tỷ lệ, và tuyên bố này về 95% đã ảnh hưởng tới các phong trào ở trong nước suốt thời kỳ Mao, khi hạn ngạch dành cho những người ‘xấu’ bị thanh trừng thường được đặt ở mức 5%. Phán quyết chính thức về phong trào Thiên An Môn vẫn là “một số ít người khai thác tình trạng bất ổn của sinh viên để khởi động một cuộc hỗn loạn chính trị có kế hoạch, có tổ chức và được dự tính trước”.

Kiểu đóng khung này cũng phổ biến trong môi trường quốc tế. Vì Trung Quốc là tốt, và đại đa số người dân là tốt, nên không thể có một số lượng lớn người dân chống lại Trung Quốc. Tuyên truyền của Bắc Kinh nói chung thể hiện Trung Quốc phù hợp với những gì đa số thế giới nghĩ. Bất cứ ai phản đối ĐCSTQ đều phải mặc định là thiểu số. Chẳng hạn, để đáp lại một lá thư yêu cầu phóng thích người Canada Michael Kovrig và Michael Spavor bị ĐCSTQ giam giữ, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao đã viết trên ‘Nhân dân Nhật báo’: “Nếu mỗi người dân Trung Quốc đều gửi thư ngỏ tới các nhà lãnh đạo Canada, tiếng nói của họ sẽ vang dội hơn và chắc chắn sẽ tham gia với TIẾNG NÓI CHÍNH THỐNG của cộng đồng quốc tế, vốn đang bảo vệ công lý. MỘT SỐ ÍT NGƯỜI đứng sau bức thư ngỏ đang cố tình tạo ra một không khí hoảng loạn”.

Khi chính phủ Úc đã hủy thị thực cư trú vĩnh viễn của doanh nhân Hoàng Hướng Mặc dựa trên tư vấn của tình báo, ông nói với Thời báo Hoàn cầu rằng “nhóm chống Trung Quốc [ở Úc] chỉ LÀ MỘT SỐ RẤT ÍT người”. Đại sứ quán Trung Quốc tại Thụy Điển đã đưa ra tuyên bố vào năm 2019, trong đó họ than thở rằng “một số RẤT ÍT người” tự nhận là chuyên gia về Trung Quốc để truyền bá tình cảm chống Trung Quốc của mình. Và theo một phát ngôn viên của chính phủ Trung Quốc, sẽ là ‘vô ích khi MỘT SỐ ÍT NGƯỜI HỒNG KÔNG hợp tác với các lực lượng nước ngoài để can thiệp vào các vấn đề Hồng Kông’.

Số người thực sự phản đối chính sách của ĐCSTQ, dù ở trong nước hay nước ngoài, đều không thành vấn đề - ĐCSTQ sẽ luôn tuyên bố đó chỉ là một nhóm nhỏ, vì điều này mang tính sống còn đối với việc khẳng định tính chính danh của Đảng. Tuy nhiên, đặc biệt là trong bối cảnh quốc tế, nơi Đảng không còn độc quyền về thông tin, kiểu đóng khung này đòi hỏi những người phản đối chính sách của ĐCSTQ phải giữ im lặng khi không bị tấn công trực tiếp. Nếu họ lên tiếng thay mặt cho những người bị tấn công, điều đó sẽ mâu thuẫn với sự tường thuật của Đảng. Điều này giải thích tại sao ĐCSTQ đã thúc đẩy mạnh mẽ tư tưởng rằng nền ngoại giao thầm lặng đằng sau hậu trường có hiệu quả hơn so với ngoại giao bằng phát ngôn. Thật không may, nhiều người trên thế giới đã rơi vào mưu đồ này, và cho phép bản thân mình bị ĐCSTQ thao túng.

Trong tranh chấp trên Biển Đông vào 2016, tường thuật chính thức của ĐCSTQ là giới tinh hoa ở Hoa Kỳ (kẻ thù của nhân dân) đã thao túng Philippines (mà, vốn là một quốc gia ở các nước đang phát triển, mặc định là một phần của ‘nhân dân’) đưa ra một yêu sách cho tòa án quốc tế ở The Hague. Hoa Kỳ là người cầm đầu trong khi người Philippines bị lừa dối hoặc bị ép buộc. Câu chuyện tương tự đã được sử dụng trong trận chiến về sự tham gia của Huawei vào mạng 5G, nơi Hoa Kỳ được Trung Quốc miêu tả là kẻ chủ mưu duy nhất của một ‘cuộc chiến chống lại Huawei’ một cách bất công, đang đấu tranh bởi những động cơ thầm kín.

Mặc dù có số lượng nhỏ, nhưng các thế lực thù địch có thể có tác động lớn nếu chúng thành công trong việc lừa dối hoặc thao túng người dân và ĐCSTQ coi các lực lượng này là một phiên bản đen tối của chính nó - một nhóm nhỏ đủ thông minh để thao túng người khác, nhưng sử dụng sức mạnh của nó để đánh lạc hướng hơn là dẫn dắt mọi người đi đúng hướng, như ĐCSTQ tuyên bố.

Liên kết với ý tưởng rằng 95% người dân là tốt và do đó về phía Đảng là hành động chính trị tuyên bố lòng trung thành của một người với ĐCSTQ. Như David Shambaugh giải thích, ở Trung Quốc tuyên bố ‘trung thành’, bằng cách lặp lại một khẩu hiệu cụ thể hoặc cụm từ chính trị khác, là một “hành động chính trị, mang tính tu từ, và quan trọng”.

Tập quán ‘tuyên bố về long trung thành’ cũng trở nên phổ biến hơn đối với người nước ngoài. Ví dụ, ĐCSTQ yêu cầu các cam kết bằng lời nói lặp đi lặp lại từ các nhà đối thoại nước ngoài liên quan đến ‘Chính sách Một Trung Quốc’, mỗi lần lặp lại làm tăng thêm ý nghĩa về tính chính danh của Đảng. Các thành viên của Mạng lưới các tổ chức nghiên cứu độc lập ‘Con đường tơ lụa’ phải tuyên bố rằng họ cam kết ‘một sự hiểu biết chung rằng Sáng kiến Vành đai và Con đường là một nỗ lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thế giới’. Dù họ có biết hay không, những tổ chức nghiên cứu độc lập quốc tế này - bao gồm Chatham House, Elcano Royal Institute và German Development Institute, trong số nhiều tổ chức khác - đang tham gia vào các hoạt động ‘hô khẩu hiệu’. Lặp đi lặp lại từ ngữ của người khác để thể hiện lòng trung thành chính trị vốn không được biết đến trên thế giới, nhưng lại rất phổ biến ở Trung Quốc dưới thời cai trị của ĐCSTQ.

Trong ‘Về mâu thuẫn luận’, Mao đã đưa ra một lập luận khác tiếp tục định hình suy nghĩ của ĐCSTQ. Các nhóm người có thể là đồng minh trong một tình huống, được xác định theo thời gian, địa điểm hoặc vấn đề, và lại biến thành đối thủ chính trong tình huống khác. Đối thủ toàn cầu lớn nhất của Trung Quốc hiện nay là người đứng trước “xu hướng lịch sử không thể cưỡng lại đối với xu thế đa cực hóa” - Hoa Kỳ. Cuộc xung đột này được phân loại là một cuộc xung đột giữa ‘nhân dân’ và ‘kẻ thù của nhân dân’, có nghĩa là Hoa Kỳ không thể chiến thắng. Vậy tại sao sau đó, ĐCSTQ vẫn cố gắng giành chiến thắng trước các nhóm lợi ích công cộng và cụ thể của Mỹ? Bởi vì Mỹ chỉ là kẻ thù khi nhìn vào sự cân bằng quyền lực trên toàn thế giới. Trong chính xã hội Mỹ, chỉ có một ‘số lượng nhỏ’ là kẻ thù thực sự, lực lượng thoái trào của lịch sử thế giới; phần lớn là một phần của “nhân dân”. Một số người sau có thể đã bị lầm lạc trong suy nghĩ của họ, nhưng miễn là ĐCSTQ tiếp tục kiên nhẫn giải thích sự thật cho họ, họ có thể chiến thắng, trái ngược với những người cố gắng giữ vững sự thống trị của Mỹ và từ đó chống lại “xu hướng lịch sử không thể cưỡng lại đối với xu thế đa cực hóa”, một uyển ngữ ám chỉ sự suy tàn của Mỹ.

CÁC QUY TRÌNH VẬN HÀNH CỦA ĐCSTQ

Theo quy định, ĐCSTQ cố gắng không đối kháng với quá nhiều người cùng một lúc, đặc biệt là khi hành động trong tình huống mà phần lớn mọi người phản đối quan điểm của Đảng. Nếu một số quốc gia làm điều gì đó mà ĐCSTQ không thích, họ thường sẽ chỉ trích một hoặc hai quốc gia, như một thử nghiệm hoặc một biện pháp ngăn chặn các quốc gia khác. Trong một số trường hợp, nó thậm chí sẽ im lặng hoàn toàn. Điều này dựa trên niềm tin rằng 95% còn lại vẫn là đồng minh tiềm năng; nó cũng giúp đảm bảo rằng phần lớn mọi người không cảm thấy bị áp lực bởi ĐCSTQ.

Một quy tắc làm việc khác được Mao nêu ra cho công tác mặt trận thống nhất được thể hiện trong khẩu hiệu ‘ngoài tròn, trong vuông’ (外元内房). Có thể dịch theo cách khác là “sự vững chắc của các nguyên tắc, sự linh hoạt của chiến lược”, cách tiếp cận này cho phép một số nhượng bộ nhất định được thực hiện cho các mục đích chiến lược, miễn là các nguyên tắc quan trọng nhất không bị phá vỡ.

Một nguyên tắc nữa cho thấy sự linh hoạt của ĐCSTQ là thực tiễn chiến lược cho phép một số lực lượng thân thiện mạo hiểm chỉ trích để Đảng có được sự tín nhiệm. Được biết đến như là ‘sự giúp đỡ lớn với một chút xấu xa’ (xiao ma da bangmang), tư tưởng xuất phát từ quan sát của ĐCSTQ về các tờ báo dưới thời Quốc dân Đảng trước năm 1949. Bằng cách chỉ trích những người Quốc dân đảng về những vấn đề nhỏ trong khi ủng hộ họ trên những vấn đề lớn, báo chí đã nỗ lực thể hiện sự khách quan và cân bằng của mình, mặc dù đã đứng trong vùng ảnh hưởng của Quốc dân Đảng. Ngày nay, cách tiếp cận của ĐCSTQ với tờ ‘Bưu điện Hoa Nam buổi sáng’ (thuộc sở hữu của Tập đoàn Alibaba từ năm 2016) nên được hiểu là áp dụng nguyên tắc ‘sự giúp đỡ lớn với một chút xấu xa’ này. Tờ báo này có thể công khai chỉ trích Đảng một cách mạnh mẽ.

Thực tế là rất nhiều doanh nhân ở phương Tây đang kiếm được tiền trong giao dịch với Trung Quốc, hoặc hy vọng sẽ kiếm được tiền ở Trung Quốc, khiến cho các nhóm vận động hành lang hùng mạnh của ĐCSTQ đang hoạt động rất hiệu quả ở phương Tây. Một vài gợi ý từ các quan chức Trung Quốc về mối quan hệ đã diễn ra tốt đẹp như thế nào thường đủ để thúc đẩy các nhóm doanh nghiệp hoặc các tỷ phú nhằm gây áp lực cho chính phủ của họ không làm gì để làm phật lòng Bắc Kinh; chiến thuật này được gọi là ‘nhất thượng tất chính’ [一上必正] (nghĩa đen là “sử dụng kinh doanh để gây áp lực cho chính phủ”). Các ví dụ nhiều vô số - các nhà điều hành các tour du lịch tới đài Đài Loan diễu hành trên đường phố vì Bắc Kinh đã cắt giảm số lượng khách du lịch từ Trung Quốc, các ông trùm khai thác mỏ tại Úc kêu gọi Canberra không đưa ra tuyên bố về cái chết của nhà văn bất đồng chính kiến Lưu Hiểu Ba, và các tổ chức kinh doanh tại Mỹ đã gây áp lực buộc Donald Trump phải chấm dứt chiến tranh thương mại. Thông thường, các nhóm kinh doanh sẽ hành động trước, trước khi Bắc Kinh đưa ra các đe dọa.

Trước khi lên nắm quyền ở Trung Quốc vào năm 1949, ĐCSTQ đã buộc phải rút lui khỏi các thành phố và thiết lập các căn cứ ở nông thôn. Sau đó, nó đã kết hợp những bài học rút ra từ điều này trong chiến lược “dùng nông thôn để bao vây các thành phố” (农村包围城). Khẩu hiệu này không nên được hiểu chỉ theo nghĩa đen; tư tưởng ở đây là đi đến những khu vực mà kẻ thù của ĐCSTQ đang yếu hoặc hoạt động không tốt, rồi phát triển lực lượng ở đó và sau đó sử dụng lực lượng này để bao vây thành trì của kẻ thù. Về mặt toàn cầu, ĐCSTQ coi ‘nông thôn’ trong khẩu hiểu này như là ‘các nước đang phát triển’. Điều đó có nghĩa là, các nước đang phát triển được coi là một khu vực trong đó tương đối dễ dàng để ĐCSTQ thiết lập ảnh hưởng của nó. Một khi đủ các nước đang phát triển đứng về phía Trung Quốc, ĐCSTQ sẽ dễ dàng loại bỏ quyền lực của các nước phát triển hơn.

Một tư tưởng tưởng tương tự được thể hiện trong khẩu hiệu ‘sử dụng địa phương để bao vây trung tâm’ (地方包围中央), hoặc chuyển từ ngoại vi sang trung tâm, từ nhỏ đến lớn, từ ngoài rìa đến trung tâm. Đây là một chiến lược gây ảnh hưởng ở nước ngoài đã được thử nghiệm và kiểm định của ĐCSTQ, với các phương tiện truyền thông thuộc sở hữu của Đảng như Tân Hoa Xã hay các công ty Trung Quốc như Huawei. Bằng cách chiến thắng các nhóm nhỏ hơn ở ngoài lề, vốn thường dễ bị thuyết phục hơn, các thể chế liên kết của ĐCSTQ dần dần tiến về phía dòng chính. Nguyên tắc này, được ghi nhận trong suốt cuốn sách này, giúp giải thích sự nhấn mạnh của Bắc Kinh đối với các chính quyền địa phương và các mối quan hệ hữu nghị với các thành phố ở phương Tây. /.

*

VỀ CÁC TÁC GIẢ

Clive Hamilton (1953) là một trí thức vị đại chúng người Úc, và là giáo sư về Đạo đức đại chúng tại Trung tâm Nghiên cứu Triết học ứng dụng và Đạo đức đại chúng (CAPPE), đồng thời là cố vấn cho chính phủ Úc về các vấn đề biến đổi khí hậu. Ông cũng là một nhà bình luận đầy ảnh hưởng trên các kênh truyền thông Úc về các vấn đề liên quan đến chính sách công.

1 comment: