Phạm Nguyên Trường dịch
Năm 2017, Chủ tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình, tuyên bố rằng khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa kỉ niệm một trăm năm ngày thành lập, năm 2049, thì nước này phải là “quốc gia xã hội chủ nghĩa hiện đại, vĩ đại”, với nền kinh tế tiên tiến. Nhưng những biện pháp đã được lên kế hoạch nhằm bóp nghẹt Hong Kong sẽ làm cho mục tiêu này trở thành hoàn toàn bất khả thi.
Mặc dù việc leo thang nhanh chóng bạo lực ở Hong Kong dường như là đáng sợ rồi, nhưng tình hình có thể sẽ xấu hơn rất nhiều. Thông cáo của Hội nghị Trung ương lần thứ tư của Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) cho thấy Chủ tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình, đang lên kế hoạch kìm kẹp chặt chẽ hơn nữa cựu thuộc địa của Anh bằng bất cứ giá nào. Ông ta nên chuẩn bị, giá phải trả sẽ là cực kì đắt.
Thông cáo có hai cam kết đáng lo ngại. Thứ nhất, chính quyền trung ương Trung Quốc sẽ “kiểm soát và cai trị” (guanzhi) Hong Kong (và Ma Cao) bằng cách sử dụng “tất cả các quyền lực được hiến pháp và Luật cơ bản, cũng như bản Hiến pháp-nhỏ xác định địa của Hong Kong trao cho [họ]”. Thứ hai, chính quyền sẽ “xây dựng và cải thiện hệ thống pháp lí và cơ chế thực thi để bảo vệ an ninh quốc gia” trong cả hai khu vực hành chính đặc biệt này.
Vài ngày sau hội nghị, khi toàn văn nghị quyết của Ủy ban Trung ương được công bố thì kế hoạch của Đảng Cộng sản Trung Quốc nhằm khẳng định quyền kiểm soát đối với Hong Kong đã trở nên rõ ràng hơn. Chính quyền trung ương Trung Quốc dự định thay đổi quy trình bổ nhiệm Đặc khu trưởng và các quan chức chủ chốt của Hong Kong, đồng thời cải cách hệ thống cai trị phù hợp với cách diễn giải Luật cơ bản do Ủy ban Thường vụ Đại hội Nhân dân Trung Quốc đưa ra. Hơn nữa, Trung Quốc sẽ giúp củng cố năng lực thực thi pháp luật của Hong Kong và đảm bảo rằng chính quyền thành phố sẽ ban hành luật pháp nhằm tăng cường an ninh quốc gia. Trung Quốc cũng sẽ giúp Hong Kong hội nhập hơn nữa vào kinh tế với đại lục và mở rộng các chương trình “giáo dục” nhằm nuôi dưỡng “ý thức dân tộc và tinh thần yêu nước”, đặc biệt là cho công chức và thanh niên.
Mặc dù các chi tiết của kế hoạch vẫn chưa được làm rõ, nhưng dường như rõ ràng là các nhà lãnh đạo Trung Quốc có ý định rút hết ruột gan Luật cơ bản, nhằm nắm quyền kiểm soát trực tiếp hơn việc bổ nhiệm các quan chức chủ chốt, làm suy yếu hoặc xóa bỏ tính độc lập tư pháp của Hong Kong, hạn chế các quyền tự do dân sự và đàn áp bất đồng chính trị, kể cả bằng cách nhồi sọ ý thức hệ. Nói cách khác, họ đã quyết định từ bỏ mô hình “một quốc gia, hai hệ thống”, mà Đặng Tiểu Bình hứa sẽ duy trì trong vòng 50 năm sau khi Hong Kong trở về với chính quyền Trung Quốc vào năm 1997.
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc phải biết rằng họ sẽ đối đầu với phong trào phản kháng đầy sức mạnh. Trong khi một số bước ban đầu sẽ được tiến hành tại Bắc Kinh, những biện pháp quan trọng nhất của kế hoạch đòi hỏi phải hành động ngay ở Hồng Kông. Và nếu các cuộc biểu tình đang diễn ra chứng tỏ một điều gì đó, thì đấy là người dân Hong Kong sẽ không đầu hàng khi chưa chiến đấu.
Trên thực tế, trước đó, năm 2003, Trung Quốc đã tìm cách buộc hội đồng lập pháp Hong Kong thông qua luật an ninh quốc gia, nhưng hơn nửa triệu người đã xuống đường phản đối, buộc chính phủ phải rút lại dự luật. Tương tự như thế, năm 1012, những cố gắng của Trung Quốc trong việc khởi động “giáo dục lòng yêu nước” ở Hong Kong bằng cách thay đổi nội dung sách giáo khoa lịch sử đã làm dấy lên cuộc bạo loạn của phụ huynh và học sinh, buộc chính phủ phải lùi bước.
Khi Đảng Cộng sản Trung Quốc tìm cách kiểm soát Hong Kong, có khả năng sẽ nổ ra các cuộc biểu tình lớn hơn, thậm chí là bạo lực hơn. Thành phố sẽ tiếp tục rơi vào tình trạng hỗn loạn và trở nên không thể kiểm soát được. Nhưng, có thể các nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng muốn như thế: đấy là cái cớ để triển khai lực lượng an ninh và áp đặt bộ máy kiểm soát trực tiếp lên thành phố này. Theo nghĩa này, Hội nghị Trung ương lần thứ tư có thể là bước khởi đầu của sự kết thúc của Hong Kong mà chúng ta từng biết.
Điều mà Tập [Cận Bình] và Đảng Cộng sản Trung Quốc dường như không hiểu là cách tiếp cận như thế sẽ làm họ bị đau đớn đến mức nào. Rốt cuộc, Trung Quốc có thể sẽ mất nhiều kênh tiếp xúc với hệ thống tài chính toàn cầu khi các nước xem xét lại quan hệ của họ với Hong Kong dưới sự cai trị trực tiếp của Trung Quốc.
Hiện nay, nếu cũng được Thượng viện thông qua thì dự luật do Hạ viện Mĩ đã thông qua sẽ giao cho Bộ Ngoại giao trách nhiệm mỗi năm đều phải xác định xem Hong Kong có giữ được quyền tự chủ để biện minh cho địa vị đặc biệt trong giao dịch theo luật của Mĩ hay là không. Khi chính quyền trung ương Trung Quốc chà đạp lên các quyền của Hong Kong, nhiều chế độ dân chủ phương Tây – trong đó có cả những nước đã ngần ngại ủng hộ những cố gắng của Tổng thống Mỹ, Donald Trump, trong việc kiềm chế Trung Quốc - có thể sẽ ủng hộ những biện pháp trừng phạt kinh tế toàn diện.
Rõ ràng là đây sẽ là quá trình phát triển mang tính phá hoại đối với Tập [Cận Bình] và Đảng Cộng sản Trung Quốc - tính chính danh của họ phụ thuộc vào tăng trưởng kinh tế và liên tục cải thiện mức sống của người dân. Nhưng ở một đất nước mà những người lãnh đạo hàng đầu không chấp nhận bất đồng chính kiến, thì sẽ chẳng có mấy biện pháp bảo vệ đủ sức ngăn chặn quá trình ban hành những chính sách tồi dở.
Năm 2017, Chủ tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình, tuyên bố rằng khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa kỉ niệm một trăm năm ngày thành lập, năm 2049, thì nước này phải là “quốc gia xã hội chủ nghĩa hiện đại, vĩ đại”, với nền kinh tế tiên tiến. Hội nghị toàn thể lần thứ tư nhắc lại mục tiêu này. Nhưng nếu chính quyền trung ương Trung Quốc bội ước với Hồng Kông, mục tiêu đó có thể sẽ trở thành một giấc mơ xa vời.
Bùi Mẫn Hân (Minxin Pei) là Giáo sư về quản trị tại Claremont McKenna College và là cộng tác viên trưởng không thường trú tại German Marshall Fund of the United States. Tác phẩm Tư bản thân hữu của ông đã được dịch ra tiếng Việt
Đã đăng trên Việt Nam Thời Báo
Nguồn Project-Syndicate
No comments:
Post a Comment