July 22, 2019

SỐ PHẬN CỦA VIỆT NAM (Phần 2)

Chương II, Tác phẩm Vạc Dầu Châu Á (trang 96 – 124)


Một quan chức Bộ Ngoại giao cho biết: “Khi nói đến Biển Đông, thái độ của Trung Quốc là rất đáng lo ngại, điều đó là luôn hiện hữu trong tâm trí của nhân dân chúng tôi”. Chuẩn Đô đốc Nguyễn Viết Nhiên, Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân nhân dân Việt Nam gọi đường lưỡi bò là “vô lý”. Trong cuộc gặp tại trụ sở hải quân ở cảng Hải Phòng - nơi từng hứng chịu nhiều trận dội bom của Hoa Kỳ từ năm 1965 đến 1972, Chuẩn Đô đốc Nhiên đem đến cho tôi một sự thể hiện khác đầy quyết tâm của người Việt. Bên cạnh ông là một bức tượng bán thân lớn của Hồ Chí Minh và một tấm bản đồ rất lớn hiển thị tất cả các yêu sách chủ quyền đang tranh chấp trên “Biển Đông” theo như cách gọi được lặp lại nhiều lần của ông. Trong bốn mươi lăm phút trôi qua, ông chú giải về từng hành động quân sự của Trung Quốc ở các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa : đặc biệt là việc tiếp quản phần phía tây của quần đảo Hoàng Sa vào năm 1974 từ tay chính quyền Sài Gòn sắp sụp đổ. Ông cho rằng đường lưỡi bò là một “giấc mộng lịch sử” của Bắc Kinh hơn là một yêu sách pháp lý của Trung Quốc. Ngoài việc trở thành một vấn đề tranh luận trong chính nội bộ chính quyền Bắc Kinh, nó cuối cùng có thể sẽ được nhượng lại toàn bộ hoặc một phần trong các cuộc đàm phán trong tương lai. Tuy nhiên, người Trung Quốc, bằng cách xây dựng một lực lượng hải quân biển xanh và chỉ huy nền kinh tế Đông Á như cách họ làm, vẫn có thể tiến tới thống trị biển Đông giống như Hoa Kỳ đã thống trị vùng biển Ca-ri-bê vào thế kỷ XIX. Đại tá Lê Kim Dũng giải thích rằng chính sự phát triển kinh tế của Trung Quốc - nhưng bị chậm lại - sẽ dẫn đến sự hiện diện hải quân rõ rệt hơn ở biển Đông, cùng với sự thèm muốn khai thác các nguồn năng lượng ở đó. Bằng cách tuyên bố ý định giữ vững lập trường của mình khi đối mặt với diễn biến mới nổi này, Việt Nam đang khơi dậy một chủ nghĩa dân tộc - với tất cả sức mạnh kiên cường của nó – với lần cuối cùng được phô diễn là trong suốt thời gian của các cuộc chiến tranh trên đất liền cách đây hàng thập kỷ.

Người Việt nói với tôi hết lần này đến lần khác rằng Biển Đông biểu thị tầm quan trọng cao hơn nhiều chứ không chỉ là một hệ thống các tranh chấp lãnh thổ : nó là nút giao thương mại hàng hải toàn cầu, có ý nghĩa thiết yếu đối với nhu cầu năng lượng của Hàn Quốc và Nhật Bản và là nơi Trung Quốc một ngày nào đó có thể kiềm chế sức mạnh của Mỹ ở châu Á. Việt Nam thực sự nằm ở trung tâm lịch sử và văn hóa của khu vực mà các nhà hoạch địch chính sách thời chính quyền Tổng thống Barack Obama có xu hướng gắn nhãn “Ấn Độ - Thái Bình Dương ” - Ấn Độ cộng với Đông Á.

Không có gì minh họa tốt hơn cho khát vọng của người Việt muốn trở thành người chơi chính trong khu vực bằng việc họ mua sáu tàu ngầm lớp Kilo tiên tiến nhất từ Nga . Một chuyên gia quốc phòng phương Tây nói với tôi rằng vụ mua bán này là không khôn ngoan cho lắm. “Người Việt sẽ cảm thấy thực sự sốc khi họ nhận ra chỉ riêng việc duy trì những tàu ngầm này sẽ tốn kém đến nhường nào”. Quan trọng hơn, Việt Nam sẽ phải đào tạo thủy thủ của mình để sử dụng các tàu ngầm đó, một nhiệm vụ của cả thế hệ. “Để đối phó với tàu ngầm Trung Quốc, lẽ ra họ tốt hơn nên tập trung vào cuộc chiến chống tàu ngầm và phòng thủ cận bờ”. Rõ ràng, Việt Nam đã mua những chiếc tàu ngầm này như là các mặt hàng tạo thanh thế, để minh chứng cho tính nghiêm túc của họ. Theo chuyên gia quốc phòng này, người Việt đang “kinh hãi” trước việc Trung Quốc xây dựng một căn cứ tàu ngầm hạt nhân bí mật trên đảo Hải Nam ở Vịnh Bắc Bộ .

Gói thỏa thuận về tàu ngầm trị giá nhiều tỷ đô la Mỹ (USD) với Nga bao gồm việc nâng cấp Vịnh Cam Ranh trị giá 200 triệu USD, một trong những cảng biển nước sâu tốt nhất ở Đông Nam Á nằm chắn ngang các tuyến hàng hải trên Biển Đông và là một căn cứ quan trọng cho các hoạt động của quân đội Mỹ trong cuộc chiến tranh tại Việt Nam. Người Việt đã tuyên bố rằng mục tiêu của họ là sẽ mở cửa Vịnh Cam Ranh cho các lực lượng hải quân nước ngoài. Ian Storey - một nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Xin-ga-po nói rằng một ngầm ý của Việt Nam là việc đại tu Vịnh Cam Ranh sẽ “tăng cường quan hệ quốc phòng với Mỹ và tạo điều kiện cho sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Đông Nam Á như là một đối trọng với sức mạnh đang lên của Trung Quốc”. Vịnh Cam Ranh đóng vai trò hoàn hảo trong chiến lược “các địa điểm chứ không phải căn cứ” của Lầu Năm Góc, theo đó các tàu và máy bay Mỹ có thể thường xuyên ghé thăm các tiền đồn quân sự nước ngoài để sửa chữa và tiếp tế mà không cần các thỏa thuận đặt căn cứ chính thức mang tính nhạy cảm về chính trị. Các hạm tàu hải quân Mỹ - tàu sân bay , tàu khu trục , tàu tiếp tế và tàu bệnh viện - đã và đang đến thăm các cảng Việt Nam trên cơ sở định kỳ. Ngô Quang Xuân , Phó Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại, đã thẳng thừng rằng: “sự hiện diện của Mỹ là cần thiết cho một môi trường hàng hải tự do ở Biển Đông”.

Một mối quan hệ đối tác chiến lược trên thực tế giữa Mỹ - Việt, thực ra mà nói đã được công bố từ hồi tháng 7 năm 2010 tại một cuộc họp Diễn đàn Khu vực ASEAN ở Hà Nội , thời điểm Ngoại trưởng Hillary Clinton đã tuyên bố rằng Hoa Kỳ có “lợi ích quốc gia” ở Biển Đông, rằng Hoa Kỳ sẵn sàng tham gia vào các nỗ lực đa phương để giải quyết các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông và các yêu sách hàng hải phải dựa trên các đặc điểm địa hình đất: đó là, phần mở rộng của thềm lục địa, một khái niệm bị vi phạm bởi đường lưỡi bò hoặc đường đứt đoạn lịch sử của Trung Quốc. Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì đã gọi những phát biểu của bà Clinton “gần như là một cuộc tấn công vào Trung Quốc”. Các quan chức Mỹ về cơ bản chỉ biết nhún vai về các bình luận của Dương Khiết Trì. Có lẽ không có dấu hiệu nào thể hiện mức độ gần gũi của Washington đối với Việt Nam tốt hơn là việc ký tắt một thỏa thuận năng lượng hạt nhân dân sự ba tháng trước đó, một thỏa thuận về mặt lý thuyết sẽ cho phép các công ty Mỹ giúp xây dựng các nhà máy năng lượng nguyên tử tại Việt Nam.

Thực tế là, không một quốc gia nào đang bị sự trỗi dậy của Trung Quốc đe dọa nhiều như là Việt Nam. Hãy xem xét cách tiếp cận của Việt Nam đối với ASEAN. Họ nói với tôi, mặc dù người Việt muốn ASEAN sẽ mạnh mẽ hơn để đối trọng với Trung Quốc, nhưng họ cũng rất thực tế. Họ biết rằng chính sức mạnh của chủ nghĩa dân tộc ở châu Á - trái ngược với chủ nghĩa hậu dân tộc trong nhiều thập kỷ ở châu Âu – cản trợ sự hợp nhất của các quốc gia thành viên ASEAN. Một quan chức giải thích “ASEAN thậm chí không phải là một liên minh hải quan – điều khiến ASEAN chỉ là một khối thương mại ở mức rất thấp”. Tại Bộ Ngoại giao , với vẻ đẹp trang nhã của lớp nệm phủ nhung màu đỏ, bộ tách trà lấp lánh và thiết kế nội thất kiểu phương Đông - Pháp, tôi nhiều lần được tham vấn về đại chiến lược của Trung Quốc; mà theo ý kiến người Việt, chiến lược đó chính là trì hoãn tất cả các cuộc bàn thảo đa phương với ASEAN về các tranh chấp Biển Đông trong khi Bắc Kinh ngày càng lớn mạnh về quân sự, đồng thời tìm kiếm sự nhượng bộ từ các quốc gia Đông Nam Á riêng lẻ thông qua các cuộc đàm phán song phương - hay nói cách khác, chia để trị. Các quan chức quốc phòng Việt Nam nói với tôi, Hải quân Trung Quốc vốn đã lớn mạnh hơn hải quân của tất cả các nước ASEAN cộng lại.

Nhưng Việt Nam hoàn toàn không tách rời với Trung Quốc để gắn bó với Hoa Kỳ. Việt Nam quá phụ thuộc vào (và gắn kết chặt với) Trung Quốc nên không thể làm điều đó. Như lời giải thích của chuyên gia người Úc Carlyle Thayer , các mối quan hệ quân sự Việt - Trung đã phát triển song song với các mối quan hệ Việt - Mỹ. Trong khi Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, thì Việt Nam nhập khẩu nhiều mặt hàng từ Trung Quốc hơn bất kỳ nước nào khác – ví dụ như vải bông, máy móc, phân bón, thuốc trừ sâu, linh kiện điện tử, da, một loạt các mặt hàng tiêu dùng khác. Nền kinh tế nơi đây chỉ đơn giản là không thể vận hành mà không có Trung Quốc, ngay cả khi Trung Quốc gây cản trở cho sự phát triển của nền sản xuất địa phương bằng cách làm tràn ngập thị trường Việt Nam với các sản phẩm giá rẻ. Hơn nữa, các quan chức Việt luôn khắc sâu về tính bất đối xứng địa lý trong hoàn cảnh của mình: như họ nói, nước xa không dập được lửa gần. Sự kề cận của Trung Quốc và thực tế rằng Hoa Kỳ ở cách xa nửa vòng thế giới đồng nghĩa với việc Việt Nam phải chấp nhận chịu đựng sự sỉ nhục như là sự tàn phá môi trường đi kèm với hoạt động khai thác bô xít của Trung Quốc ở vùng Tây Nguyên tươi đẹp của Việt Nam, một dự án cũng giống như những dự án khác trên khắp đất nước chủ yếu sử dụng lao động người Trung Quốc hơn là lao động người Việt. Ông Nguyễn Tâm Chiến , nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nói với tôi: “chúng tôi không thể di dời được, về mặt thống kê chúng tôi như là một tỉnh của Trung Quốc”.

Do việc Liên Xô đã không giúp đỡ Việt Nam năm 1979, Việt Nam sẽ không bao giờ hoàn toàn tin tưởng vào một sức mạnh ở xa xôi. Ngoài vấn đề địa lý, người Việt không tin cậy Hoa Kỳ ở một mức độ cơ bản nhất định. Một quan chức nói với tôi rằng đơn giản là Hoa Kỳ đang suy giảm; ông tuyên bố, tình trạng đó trở nên tồi tệ hơn do sự quan tâm rất lớn của Washington với Trung Đông hơn là với sự trỗi dậy của Trung Quốc ở Đông Á. Mặc dù một phân tích như vậy là mang tính tư lợi, nhưng nó có thể vẫn đúng; hay nói đúng hơn, chỉ đúng một phần. Ngoài ra còn có nỗi lo sợ rằng Mỹ sẽ bán đứng Việt Nam vì lợi ích của một mối quan hệ nồng ấm hơn với Trung Quốc: Ông Xuân, Phó Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại, đề cập cụ thể đến việc Tổng thống Nixon mở đường tới Trung Quốc đã mang lại bối cảnh địa chiến lược cho cuộc xâm lược Việt Nam của Trung Quốc. “Điều đó có thể xảy ra một lần nữa”, ông lắc đầu thất vọng. Trái lại, người Việt Nam muốn Hoa Kỳ sẽ là một diễn viên có óc thực tế lạnh lùng hơn trong các vấn đề quốc tế giống như chính họ vậy. Một quan chức của chính quyền cộng sản nói với tôi “vấn đề nhạy cảm trong các cuộc thảo luận của chúng tôi với người Mỹ là dân chủ và nhân quyền ”. Người Việt sống trong nỗi lo sợ rằng một ngày nào đó, vì Quốc hội , truyền thông và các nhóm gây áp lực khác ở Washington mà người Mỹ có thể bán đứng Việt Nam như cách người Mỹ đã làm vài lần đối với các nước chuyên quyền và dễ bị đảo chính khác, ví dụ như: Thái Lan , Uzbekistan và Nepal. Người Việt chú ý đến sự lưỡng lự trước đây của Washington để cân bằng với Trung Quốc trong nhiều thập kỷ ở Myanmar vì sự vi phạm và hồ sơ nhân quyền của Rangoon . “Giá trị cao nhất nên đặt lên sự đoàn kết dân tộc và độc lập. Chính quốc gia, không phải là cá nhân, làm cho bạn tự do”, ông Lê Chí Dũng , một Phó Vụ trưởng của Bộ Ngoại giao , nói với tôi, cố gắng để giải thích về triết lý chính trị của đất nước ông.

Trong thực tế, sự tồn tại của chế độ cộng sản khi đối mặt với chủ nghĩa tư bản không thể kiểm soát của Việt Nam một phần là nhờ những phẩm chất dân tộc chủ nghĩa của đảng cộng sản, đã điều hành đất nước trong các cuộc chiến tranh chống Pháp, Mỹ và Trung Quốc. Ngoài ra, tương tự như trường hợp Tito ở Nam Tư và Enver Hoxha ở An-ba-ni, Hồ Chí Minh là một nhà lãnh đạo tự thân đi lên từ trong nước chứ không phải do một đội quân xâm lược áp đặt cho Việt Nam, khác với nhiều nhà cầm quyền cộng sản khác. Hơn nữa, những người cộng sản Việt Nam đã luôn cố tô vẽ những điểm tương đồng giữa Tư tưởng Hồ Chí Minh và Nho giáo , với sự tôn trọng dành cho gia đình và chính quyền. Ông Lê Chí Dũng của Bộ Ngoại giao nói “chủ nghĩa dân tộc bắt nguồn từ Nho giáo”. Neil Jamieson viết về “đặc tính ‘chuyên chế’ chung ấy của người Việt Nam”, là sự tiếp nhận một vài “trật tự đạo đức cơ bản, mang tính quyết định trên thế giới”. Điều này, đến lượt nó, có liên quan đến ý tưởng về chính nghĩa, điều có thể được hiểu một cách tương đối như là nghĩa vụ xã hội của một người đối với gia đình và nhóm đoàn kết lớn hơn của người đó.

Tuy nhiên, một lý do khác tại sao chủ nghĩa cộng sản vẫn tồn tại ở đây chính là vì tầm quan trọng của nó đang dần biết mất và do đó một cuộc nổi dậy trong lúc này là không cần thiết; mặc dù, tất nhiên, sẽ có một sự trả giá cho việc cải cách không đầy đủ. Việt Nam đang ở trong một tình huống tương tự như của Trung Quốc: dưới sự cầm quyền của một Đảng Cộng sản có tất cả ngoại trừ việc từ bỏ chủ nghĩa cộng sản và có một khế ước xã hội ngầm với dân chúng, trong đó đảng cộng sản đảm bảo các mức thu nhập bền vững hoặc cao hơn trong khi người dân đồng ý không phản kháng quá mức. (Việt Nam cuối cùng có thể không bị tách rời khỏi Trung Quốc, vì họ đều dấn mình vào cùng sự thử nghiệm độc đáo: mang sự giàu có tư bản đến với các nước do đảng cộng sản nắm quyền).

Hãy suy nghĩ về nó, đây là một xã hội đã trải qua thời kỳ từ những cuốn sổ lương thực đến tận hưởng một trong những sự thặng dư gạo lớn nhất thế giới trong một phần tư thế kỷ. Việt Nam gần đây đã đạt được những điều kiện về thống kê để trở thành một quốc gia thu nhập trung bình thấp với GDP bình quân đầu người là 1.100 USD. Thay vì chỉ có một nhân vật duy nhất để thù ghét với hình ảnh xuất hiện trên các bảng quảng cáo, giống như trường hợp ở Tuy-ni-di , Ai Cập , Syria và các nước Ả-rập khác, thì ở đây lại có một bộ ba lãnh đạo thiếu cá tính – Tổng bí thư đảng, Chủ tịch nước và Thủ tướng – bộ ba lãnh đạo đã đem lại mức tăng trưởng GDP trung bình hàng năm 7 % trong thời gian từ năm 2002 đến năm 2012. Thậm chí bất chấp những khó khăn của cuộc Đại suy thoái năm 2009, nền kinh tế nội địa ở đây vẫn tăng trưởng 5,5 %. Một nhà ngoại giao phương Tây cho biết “đây là một trong những thành tích xóa đói giảm nghèo ấn tượng nhất trong lịch sử thế giới”. “Họ đã đi lên từ chiếc xe đạp đến xe máy”. Điều đó với họ có thể là dân chủ . Và thậm chí nếu nó không phải thế, người ta có thể nói rằng những chế độ chuyên quyền của Việt Nam và Trung Quốc đã không tước đoạt nhân phẩm của người dân theo cách mà các chế độ chuyên quyền của Trung Đông đã làm. Một cựu lãnh đạo chính trị cấp cao Việt Nam nói với tôi “các nhà lãnh đạo Trung Đông đã nắm quyền quá lâu và duy trì tình trạng khẩn cấp trong nhiều thập kỷ, nhưng điều đó không xảy ra ở đây”. “Tuy nhiên, chúng tôi lại có các vấn đề giống như ở các nước khu vực Trung Đông đó là tham nhũng, khoảng cách thu nhập rất lớn và thất nghiệp trong thanh niên cao”. Nỗi ám ảnh về mùa Xuân Ả-rập không khiến Đảng Cộng sản ở đây lo ngại bằng nỗi ám ảnh về cuộc nổi dậy của sinh viên vào năm 1989 tại Trung Quốc, thời điểm lạm phát ở Trung Quốc tăng cao như ở Việt Nam cho đến thời gian gần đây, tệ tham nhũng và thói con ông cháu cha theo cảm nhận của người dân là ngoài tầm kiểm soát: trường hợp này lặp lại với Việt Nam. Nhưng các viên chức trong đảng cũng lo ngại về việc cải cách chính trị có thể hướng lái họ trở lại con đường của Việt Nam Cộng hòa trước 1975, lúc đó những chính phủ yếu kém, chia nhiều phe cánh đã là một nguyên nhân chính cho sự sụp đổ của nhà nước đó; hoặc đối với Trung Quốc cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, với chính quyền trung ương yếu kém dẫn đến sự thống trị của nước ngoài. Do đó, các quan chức Việt công khai ngưỡng mộ Xin-ga-po : một nhà nước hầu như gắn với chế độ độc đảng đã tạo ra chính phủ kỷ luật và trong sạch, điều mà một chế độ tham nhũng tràn lan của Việt Nam vẫn còn lâu mới đạt được.

Mô hình Xin-ga-po hiện ra rõ nét trước mắt tôi tại Khu công nghiệp Việt Nam - Xin-ga-po , nằm cách hai mươi dặm bên ngoài thành phố Hồ Chí Minh hay Sài Gòn như nó vẫn thường được gọi bởi tất cả những người không thuộc giới viên chức chính phủ. Tôi nhìn thấy một thế giới tân tiến của tương lai với những con đường cắt vuông góc được chăm sóc và bảo trì rất hoàn hảo, trong một môi trường an ninh được kiểm soát, 240 hãng sản xuất từ Xin-ga-po, Ma-lai-xia , Đài Loan , Hàn Quốc , châu Âu và Hoa Kỳ đang sản xuất gậy đánh gôn hạng sang, vi mạch, dược phẩm, giày dép cao cấp, thiết bị điện tử hàng không vũ trụ và nhiều thứ khác. Trong giai đoạn phát triển tiếp theo, những khu căn hộ sang trọng được lên kế hoạch sẽ xây dựng ngay ở khu sản xuất cho phép các lao động nước ngoài sinh sống và làm việc nơi đây. Một quản lý nhà máy của Mỹ tại khu công nghiệp này nói với tôi rằng công ty của ông đã chọn Việt Nam cho các hoạt động công nghệ cao của công ty thông qua một quá trình sàng lọc: “Chúng tôi cần chi phí lao động thấp. Chúng tôi không muốn đặt nhà máy ở Đông Âu hay châu Phi [nơi không có nguyên tắc đạo đức trong công việc của châu Á]. Ở Trung Quốc, lương đã bắt đầu tăng lên. In-đô-nê-xia và Ma-lai-xia là các nước theo đạo Hồi và điều đó khiến chúng ta rời bỏ. Thái Lan gần đây đã trở nên bất ổn. Vì vậy, Việt Nam hiện lên trước mắt chúng tôi: nó giống như Trung Quốc cách đây hai thập kỷ, đang ở ngưỡng cửa của sự bùng nổ”. Ông nói thêm: “Chúng tôi cho nhân viên của chúng tôi ở Việt Nam thực hiện các bài kiểm tra trí thông minh tiêu chuẩn. Họ đạt điểm số cao hơn so với các nhân viên của chúng tôi tại Mỹ”.

Ngoài ra còn có ba khu công nghiệp Việt Nam - Xin-ga-po khác trong cả nước, với mục tiêu là mang đến Việt Nam mô hình phát triển doanh nghiệp đảm bảo sạch bóng, xanh tươi về môi trường và được quản lý tốt của Xin-ga-po. Chúng nằm trong số bốn trăm khu công nghiệp trên khắp Việt Nam, từ Bắc vào Nam; tất cả đều cùng thúc đẩy các giá trị về sự phát triển và tính hiệu quả theo kiểu phương Tây ở những chừng mực khác nhau. Các siêu đô thị hiện có của Sài Gòn và hành lang Hà Nội - Hải Phòng không thể được tái sinh hoàn toàn, những vấn đề của chúng không thể được loại bỏ hoàn toàn: tương lai chính là các thành phố mới sẽ giúp giảm bớt áp lực dân số đối với các thành phố cũ. Sự hiện đại thật sự đồng nghĩa với phát triển vùng nông thôn sao cho sẽ có ít người hơn muốn di cư vào các thành phố. Các khu công nghiệp này, với Singapore như là mô hình mẫu, là những điều sẽ giúp thay đổi vùng nông thôn Việt Nam. Bởi vì mục đích tổng thể của chúng là sự tự lập hoàn toàn, chúng mang lại cơ sở hạ tầng riêng biệt, như điện và nước, cũng như cơ chế một cửa cho các công ty nước ngoài xin giấy phép chính phủ.

Trong khi Việt Nam đã thống nhất về chính trị thông qua việc những người cộng sản miền bắc Việt Nam chiếm lại Sài Gòn và đổi tên thành Thành phố Hồ Chí Minh vào năm 1975, thì chính lúc này đây, thông qua các khu công nghiệp và các phương tiện phát triển khác, Việt Nam đang dần thống nhất về mặt kinh tế và văn hóa, thông qua một tiêu chuẩn sản xuất toàn cầu mà đang kết nối Hà Nội và Sài Gòn. Bởi vì giai đoạn phát triển mới nhất này đòi hỏi nguồn đầu vào trực tiếp từ các con hổ kinh tế châu Á khác, Việt Nam đang ngày càng trở nên hội nhập với phần còn lại của khu vực và do đó trở nên dễ chịu hơn với sự xói mòn một phần chủ quyền mà một ASEAN tương lai vững mạnh hơn có thể mang lại.

Ông Đặng Thành Tâm , một trong những doanh nhân hàng đầu của Sài Gòn, nói với tôi rằng “tinh thần dân tộc chủ nghĩa của người Việt Nam chỉ quyết liệt đối với Trung Quốc, một kẻ thù lịch sử, chứ không phải đối với bất kỳ nhà nước nào khác trong khu vực”. Ông Tâm, ngồi bên một bàn làm việc trống trải trong khi đang sử dụng hai chiếc điện thoại thông minh gần như cùng một lúc, tiêu biểu cho một Sài Gòn mới, vì nó không còn đóng vai trò một thủ phủ chính trị vào năm 1975, nên từ đó về sau Sài Gòn đã hoàn toàn dành hết tiềm lực cho hoạt động kinh doanh. Trong khi Hà Nội là Ankara của Việt Nam, thì Sài Gòn là Istanbul của Việt Nam. Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn của ông Tâm đại diện cho hơn một tỷ đô la vốn đầu tư vào các khu công nghiệp, viễn thông, sản xuất và khai thác mỏ. Ông đã khởi động hai mươi lăm khu công nghiệp dọc hành lang Bắc - Nam của đất nước. Ông nói với tôi “tương lai là sự phi tập trung hóa gắn liền với một chính phủ có khả năng đáp ứng nhiều hơn và cùng với đó là một tỷ lệ sinh ở mức cao so với dân số đang già hóa của Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc”.

Ông tiếp tục. “Tính minh bạch và trách nhiệm giải trình là những chìa khóa để biến Việt Nam thành một cường quốc tầm trung”, ông ám chỉ đến sự tương quan về hàng hải với Thổ Nhĩ Kỳ và Braxin . “Và điều đó, trên hết, đồng nghĩa với một sự cải thiện đáng kể trong hệ thống luật”. (Thật vậy, để Việt Nam khắc phục tình trạng ảm đạm kinh tế mà nước này đã trải qua gần đây sau những thập kỷ tăng trưởng ấn tượng, sự cải cách sâu sắc ở tất cả các cấp là cần thiết.)

Trong khi tại Hà Nội bạn nhiều lần được nghe Việt Nam hy vọng đến nhường nào về việc sẽ trở thành một nhà nước trung tâm và một cường quốc khu vực, thì tại Sài Gòn, bạn nhận được minh chứng thực sự về điều đó. Mọi thứ đều có một quy mô lớn hơn so với ở Hà Nội, với những con đường rộng lớn, hai bên đường là những cửa hàng hàng hiệu sáng bóng, đại lý ôtô sang trọng cùng các tòa nhà cao tầng phủ thép và kính. Những tiệm rượu phô trương và các nhà hàng cao cấp còn lưu giữ nét sôi nổi hơi tinh quái, chịu ảnh hưởng từ Pháp của một thành phố thuộc địa Pháp trước đây. Khách sạn Continental , khung cảnh cho phần lớn cuốn tiểu thuyết Người Mỹ thầm lặng (The Quiet American) năm 1955 của Graham Greene và là nơi thường trú của các phóng viên nước ngoài trong cuộc chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam, đã bị che lấp hoàn toàn giữa nét quyến rũ mới và những khách sạn cao tầng mang thương hiệu mới – bất chấp những trụ cột kiểu tân cổ điển và nét tinh hoa từ chiếc bánh cưới trắng mang cảm giác rộng rãi của khách sạn vừa thì thầm vẻ duyên dáng vừa gào thét về quá khứ.

Sài Gòn của quân lính Mỹ cách đây gần nửa thế kỷ từng có 2,5 triệu người và GDP bình quân đầu người 180 USD; thì giờ đây có dân số tám triệu người, GDP bình quân đầu người là 2.900 USD. Sài Gòn chiếm một phần ba GDP của cả nước, mặc dù chỉ chiếm một phần chín dân số Việt Nam . Cuối cùng, một trăm tỷ đô la sẽ được chi tiêu ở đây cho một trung tâm thành phố mới đang được lên kế hoạch bởi một công ty Boston, với nét nổi bật là một tòa nhà hàng trăm tầng, năm cây cầu và đường hầm mới. Một công ty Nhật Bản đang xây dựng một hệ thống tàu điện ngầm dưới lòng đất gồm có sáu tuyến. Các cán bộ thuộc Viện Nghiên cứu Phát triển ở Sài Gòn nói với tôi rằng họ đang nhấn mạnh sự phát triển “bền vững”: một mô hình “xanh” trong một hệ thống “khu vực - toàn cầu”. Quy hoạch vùng nghiêm ngặt sẽ được giới thiệu, cùng với đó là những hạn chế việc sử dụng xe máy và xe ôtô riêng ở các trung tâm thành phố mới và cũ khác nhau. Nhưng một lần nữa, mô hình Tập đoàn Xin-ga-po lại được viện dẫn trong câu chuyện về một thành phố “đẳng cấp thế giới” nhưng thiếu tính thẩm mỹ, với một sân bay và trung tâm vận tải hàng không mới cho khu vực Đông Nam Á và một cảng biển có công suất lớn hơn.

Hà Nội quan tâm đến những kỳ vọng về địa chính trị và quân sự; Sài Gòn thì quan tâm đến sự thịnh vượng mang tính tư bản mà nếu không có nó, những kỳ vọng trên không bao giờ có thể thành hiện thực. Đại Sài Gòn phải trở thành một bản sao của Xin-ga-po để Việt Nam có thể giữ vững lập trường trước Trung Quốc, một nước áp bức và là kẻ thù lịch sử của Việt Nam. Đó là thông điệp được gửi gắm ở đây.

Tất nhiên, Đại Sài Gòn vẫn còn là viễn cảnh cần thời gian dài mới có thể đạt được. Việt Nam hiện đang phải vật lộn với một cuộc khủng hoảng kinh tế tương tự như ở Trung Quốc: trong khi cả hai đảng cộng sản đã mang lại cho người dân những thành tựu ấn tượng về mức sống trong những thập kỷ gần đây, sự tiến bộ hơn nữa đòi hỏi phải cải cách sâu sắc và tự do hóa chính trị, điều sẽ đặt ra những thách thức lớn hơn bao giờ hết.

Trong khi đó, các nhà lãnh đạo cộng sản Việt Nam đang cố gắng dựa vào đặc tính người Phổ, chính sách kinh tế mang tính tư bản hà khắc và sự kiểm soát chính trị chặt chẽ của họ để kiên quyết bảo toàn nền độc lập quốc gia trước Trung Quốc. Họ biết rằng, không giống như các nước trong mùa Xuân Ả-rập , quốc gia của họ phải đối mặt với một kẻ thù bên ngoài đích thực (tuy gần gũi về ý thức hệ), điều có thể giúp làm dịu cơn khát chính trị của người dân. Nhưng, giống như Ấn Độ , họ rất cẩn trọng về bất kỳ một thỏa thuận hiệp ước chính thức với Hoa Kỳ. Để chắc chắn, nếu sự cần thiết về một hiệp ước quốc phòng với Hoa Kỳ có nảy sinh, thì điều đó sẽ cho thấy rằng tình hình an ninh ở khu vực Biển Đông thực sự bất ổn hơn nhiều so với hiện nay. Trong mọi trường hợp, định mệnh của Việt Nam và khả năng của nước này không để Trung Quốc Phần Lan hóa (gây tác động, chi phối về mặt chính sách-người dịch), sẽ nói nhiều đến năng lực của Mỹ trong triển khai sức mạnh ở Thái Bình Dương trong thế kỷ XXI giống như định mệnh của Việt Nam đã cho thấy trong thế kỷ XX.

Hết Chương II


No comments:

Post a Comment