May 23, 2019

Chiến tranh lạnh Mĩ- Trung: Hậu quả toàn cầu

Nourien Rounini

Phạm Nguyên Trường dịch

Những hành động khởi đầu như cuộc chiến tranh thương mại giữa Mĩ và Trung Quốc đang nhanh chóng leo thang thành một trận đấu quyết tử nhằm tranh giành quyền thống trị thế giới về kinh tế, công nghệ và quân sự. Nếu các nhà lãnh đạo hai nước này không thể quản lý được quan hệ mang tính quyết định trong thế kỷ XXI một cách có trách nhiệm, toàn thế giới sẽ phải trả giá cho thất bại của họ.


Mấy năm trước, tôi tham gia một phái đoàn phương Tây đến thăm Trung Quốc và đã gặp Chủ tịch Tập Cận Bình tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh. Khi nói chuyện với chúng tôi, Tập [Cận Bình] khẳng định rằng Trung Quốc sẽ trỗi dậy một cách hòa bình, và các quốc gia khác – đặc biệt là Mĩ - không cần phải lo lắng về “Bẫy Thucydides” (theo tên nhà sử học Hy Lạp từng ghi lại nỗi sợ hãi của Sparta về Athens đang trỗi dậy), làm cho chiến tranh giữa hai nước trở thành không thể tránh khỏi. Trong tác phẩm, xuất bản năm 2017, nhan đề: Destined for War: America and China Escape Thucydides’ Trap?” (tạm dịch: Chiến tranh là không tránh được: Mĩ và Trung Quốc có tránh được Bẫy Thucydides?), giáo sư Đại học Harvard, Graham Graham Allison, đã ra soát lại 16 cuộc cạnh tranh giữa cường quốc mới nổi và cường quốc đã được củng cố, và thấy rằng 12 cuộc cạnh tranh đã dẫn đến chiến tranh. Không nghi ngờ gì rằng, Tập [Cận Bình] muốn chúng tôi chú ý vào bốn trường hợp còn lại.

Mặc dù hai bên đều nhận thức được “Bẫy Thucydides” - và thừa nhận rằng không phải cái gì xảy ra trong lịch sử cũng sẽ xảy ra trong tương lai - Trung Quốc và Mĩ dường như đang rơi vào chính cái bẫy đó. Mặc dù chiến tranh nóng giữa hai siêu cường trên thế giới dường như vẫn còn rất xa vời, chiến tranh lạnh dễ xảy ra hơn.

Mĩ lên án Trung Quốc vì đã gây ra những căng thẳng hiện nay. Từ khi tham gia Tổ chức Thương mại Thế giới vào năm 2001, Trung Quốc đã gặt hái được những lợi ích của hệ thống thương mại và đầu tư toàn cầu, trong khi không chịu thực hiện các nghĩa vụ của mình và “ăn bám” vào luật lệ của hệ thống này. Mĩ cho rằng, Trung Quốc đã giành được những lợi thế một cách bất công – bằng cách ăn cắp tài sản trí tuệ, buộc các công ty phải chuyển giao công nghệ, trợ cấp cho các công ty trong nước và sử dụng những công cụ khác của chủ nghĩa tư bản nhà nước. Đồng thời, chính phủ Trung Quốc ngày càng độc tài hơn, biến đất nước này thành một quốc gia giám sát như Orwell đã từng mô tả (ý nói tác phẩm 1984 – ND).

Về phần mình, người Trung Quốc ngờ rằng mục tiêu thực sự của Mĩ là ngăn không cho họ vươn lên hơn nữa hoặc không cho họ thể hiện sức mạnh và ảnh hưởng hợp pháp của mình ở nước ngoài. Theo quan điểm của người Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới (tính theo GDP) sẽ tìm cách mở rộng sự hiện diện của mình trên trường quốc tế là hoàn toàn hợp lí. Và các nhà lãnh đạo khẳng định rằng chế độ của họ đã cải thiện phúc lợi vật chất cho 1,4 tỷ người Trung Quốc nhanh rất nhiều so với các hệ thống chính trị bế tắc ở phương Tây từng đạt được.

Dù lập luận của bên nào mạnh hơn thì căng thẳng về kinh tế, thương mại, công nghệ và địa chính trị đang leo thang có thể là không thể tránh được. Những hành động khởi đầu như cuộc chiến tranh thương mại có nguy cơ leo thang thành tình trạng thù địch không bao giờ dứt. Hiện tượng này được thể hiện trong Chiến lược an ninh quốc gia của chính quyền Trump: Coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chiến lược, phải ngăn chặn trên tất cả các mặt trận.

Theo đó, Mĩ đang hạn chế một cách quyết liệt những khoản đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào các lĩnh vực nhạy cảm và theo đuổi những hành động nhằm đảm bảo thế thượng phong của phương Tây trong các ngành công nghiệp chiến lược như trí tuệ nhân tạo và 5G. Mĩ đang áp lực các đối tác và các đồng minh để buộc những nước này không tham gia Sáng kiến Nhất Đái Nhất Lộ, một chương trình khổng lồ của Trung Quốc trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng trên khắp khu vực Á-Âu. Mĩ cũng đang gia tăng các cuộc tuần tra của Hải quân ở Biển Hoa Đông và Biển Đông, tức là những khu vực mà Trung Quốc thể hiện thái độ hung hăng hơn trong việc khẳng định những yêu sách lãnh thổ rất đáng ngờ của nước này.

Chiến tranh lạnh Trung-Mĩ có thể gây ra những hậu quả thậm chí còn nghiêm trọng hơn cuộc Chiến tranh Lạnh giữa Mĩ và Liên Xô trước đây. Trong khi Liên Xô là cường quốc suy tàn với mô hình kinh tế thất bại, thì chẳng bao lâu nữa Trung Quốc sẽ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới, và sẽ tiếp tục phát triển thêm. Hơn nữa, Mĩ và Liên Xô rất ít khi buôn bán với nhau, trong khi Trung Quốc đã thâm nhập hoàn toàn vào hệ thống thương mại và đầu tư toàn cầu, và cụ thể là đã xoắn xuýt chặt chẽ với Mĩ.

Do đó, cuộc chiến tranh lạnh toàn diện có thể kích hoạt giai đoạn mới của quá trình phi toàn cầu hóa, hoặc ít nhất là chia nền kinh tế toàn cầu thành hai khối kinh tế không tương thích với nhau. Trong cả hai trường hợp, buôn bán hàng hóa, dịch vụ, vốn, lao động, công nghệ và dữ liệu sẽ bị hạn chế nghiêm trọng, và lĩnh vực kỹ thuật số sẽ trở thành “mạng tách biệt”, các “nút” của phương Tây và Trung Quốc sẽ không kết nối với nhau. Hiện nay, khi Mỹ đã áp đặt những biện pháp trừng phạt ZTE và Huawei, Trung Quốc sẽ tìm cách nhằm đảm bảo rằng những gã khổng lồ công nghệ của mình có thể tìm được đầu vào ở trong nước hoặc ít nhất là từ các đối tác thương mại thân thiện với họ mà không phụ thuộc vào Mỹ.

Trong thế giới bị chia rẽ này, cả Trung Quốc và Mĩ đều muốn tất cả các quốc gia khác sẽ “nhất biên đảo”, trong khi hầu hết các chính phủ khác sẽ tìm cách “đu dây” nhằm duy trì mối quan hệ kinh tế tốt với cả hai bên. Nói cho cùng, nhiều đồng minh của Mĩ hiện nay làm ăn (buôn bán và đầu tư) với Trung Quốc nhiều hơn so với Mĩ. Nhưng, trong nền kinh tế tương lai, khi Trung Quốc và Mĩ kiểm soát theo cách của mình quyền truy cập vào công nghệ quan trọng như AI và 5G, thì “đu giây” rất có thể sẽ trở thành bất khả thi. Tất cả các nước đều sẽ phải lựa chọn, và thế giới cũng có thể bước vào tiến trình phi toàn cầu hóa kéo dài.

Dù có xảy ra bất cứ chuyện gì, quan hệ Trung-Mĩ sẽ là vấn đề địa chính trị quan trọng nhất trong thế kỉ này. Cạnh tranh ở mức độ nào đó là không thể tránh khỏi. Nhưng, lý tưởng là, hai bên sẽ quản lí công cuộc cạnh tranh này với thái độ xây dựng, tạo điều kiện cho hợp tác trong một số vấn đề và cạnh tranh lành mạnh trong những vấn đề khác. Trên thực tế, Trung Quốc và Mĩ sẽ tạo ra trật tự quốc tế mới, với sự thừa nhận rằng cường quốc mới đang lên (chắc chắn) sẽ có vai trò trong việc định hình thành các quy tắc và thiết chế toàn cầu.

Nếu không quản lí được quan hệ này - Mĩ tìm cách cản phá quá trình phát triển của Trung Quốc và ngăn chặn nước này vươn lên, còn Trung Quốc thì thể hiện một cách hung hăng sức mạnh của mình ở châu Á và trên toàn thế giới - cuộc chiến tranh lạnh toàn diện chắc chắn sẽ xảy ra và có khả năng xảy ra cả chiến tranh nóng (hay một loạt cuộc chiến tranh ủy nhiệm). Trong thế kỉ XXI, “Bẫy Thucydides” sẽ nuốt chửng không chỉ Mĩ và Trung Quốc, mà còn nuốt sống cả thế giới.

Nouriel Roubini, giáo sư tại NYU’s Stern School of Business, và Giám đốc điều hành của Roubini Macro Associates, kinh tế gia cấp cao về các vấn đề quốc tế trong Hội đồng Cố vấn kinh tế của Nhà Trắng trong Chính quyền của Tổng thống Clinton. Ông từng làm việc cho IMF, Cục Dự trữ Liên bang Mĩ và Ngân hàng Thế giới.

Đã đăng trên Việt Nam Thời Báo

Nguồn project-syndicate

No comments:

Post a Comment