Báo chí nhà nước Việt Nam có thuộc tính không bao giờ chỉ trích và tấn công những người đứng đầu chính quyền, nhưng luôn sốt sắng thông tin về việc báo chí Mỹ và phương Tây chỉ trích và tấn công mạnh mẽ những người đứng đầu các quốc gia này. Tại sao lại thế?
Ông Bob Woodward với tác phẩm "Fear: D. Trump in White House". Ảnh: Lite
Mấy ngày gần đây, hệ thống báo chí nhà nước đang rầm rập thông tin về cuốn sách Fear: D. Trump in White House - Nỗi sợ: D. Trump trong Nhà Trắng của nhà báo Bob Woodward- người hai lần được giải thưởng báo chí uy tín nhất thế giới Pulitzer. Có cảm giác, luồng thông tin này định hướng đến người đọc một nhận thức: Donald Trump là một vị tổng thống tồi tệ. Có thật vậy không?
Mới vào nghề báo được 01 năm, Bob Woodward đã đoạt giải Pulitzer với loạt bài điều tra về vụ Watergate (nên nhớ, trong thực tế báo chí Mỹ, bài điều tra nhiều khi chỉ là bản tin 500 chữ). Donald Trump không phải là tổng thống duy nhất bị Bob Woodward phơi bày trên trang sách. Năm 2001, B. Woodward đã viết cuốn Plan of attack- Kế hoạch tấn công, cáo buộc TT Bush đã dẫn đến chiến tranh Iraq. Năm 2012, B. Woodward viết cuốn The Price of politics- Cái giá của chính trị, viết về TT Obama với những chính sách tài chính tồi tệ. Làng báo Mỹ gọi Bob Woodward là hung thần của các tổng thống.
Tại sao tổng thống thống Mỹ lại là đối tượng chỉ trích, tấn công của Bob Woodward? Rất đơn giản, một nhà báo giỏi chỉ có thể khẳng định được mình thông qua các chỉ trích người quyền lực nhất nước Mỹ chứ không phải là chỉ trích những quan chức làng nhàng. Luật pháp tiến bộ và tự do báo chí ở Mỹ đảm bảo cho việc chỉ trích ấy, không bỏ tù hoặc sách nhiễu người viết sách báo. Hơn nữa, các cuốn sách chỉ trích bao giờ cũng mang đến cho người viết rất nhiều tiền.
Và có một thực tế hiển nhiên là, không có một tổ chức nhà nước nào hay một tổ chức phi chính phủ nào ở Mỹ được thành lập hay chỉ định để thẩm định tính ĐÚNG- SAI trong các cuốn sách của Bob Woodward. Cũng như các cuốn sách xã hội khác, các cuốn sách của Woodward chỉ là HAY- DỞ, BÁN CHẠY- KHÔNG BÁN CHẠY, không có chuyện ĐÚNG- SAI, CHÍNH XÁC- KHÔNG CHÍNH XÁC.
Làm cho tổng thống hay các chính trị cao cấp điên đầu là ước muốn cháy bỏng của các nhà báo Mỹ. Tìm ra đôi điều vụn vặt hoặc nhiều hơn thế để chỉ trích tổng thống hay các chính trị gia cao cấp là khao khát tột cùng của các nhà báo Mỹ. Một đơn vị truyền thông không đủ can đảm để chỉ trích tổng thống là một đơn vị truyền thông không có uy tín đối với công chúng. Và còn một điều đặc biệt khác, trong nhận thức của người dân Mỹ, nếu tổng thống Mỹ không bị báo chí chỉ trích, đó là một tổng thống yếu hèn không đủ phẩm chất để ứng phó và xử lý rủi ro.
Tháng 12-2017, TT Donald Trump cũng bị báo chí đồng loạt chỉ trích với những ngôn từ hết sức mạnh mẽ mà những bạn đọc ở xứ sở không có tự do báo chí không thể tưởng tượng được.
Vào lúc 9 giờ 30 ngày 13-12-2017( giờ New York), một tờ báo lớn của Mỹ là USA Today đã ngay lập tức tấn công trực diện vào TT Trump bằng cách cho đăng tải bài xã luận “Sự đê mạt của Trump liệu có chạm đáy”. Đây là bài xã luận được coi là điển hình- tiêu biểu trong các bài xã luận chỉ trích và tấn công tổng thống từ trước đến nay, và đây là những đoạn tấn công tiêu biểu với lời văn mạnh mẽ( chú thích: những câu trước…….. là những câu không trích dẫn).
“Sự đê mạt” của Trump liệu có chạm đáy?
...Tổng thống mà gọi thượng nghị sĩ là gái điếm thì không đáng dọn dẹp nhà vệ sinh trong thư viện của tổng thống Obama hay đánh giày cho George W. Bush: Quan điểm của chúng tôi
…Đây không phải là nói về những khác biệt trong chính sách mà chúng ta thường gặp với tất cả các tổng thống hay sự thất vọng của chúng ta về một số quyết định của họ. Cả Obama lẫn Bush đều thất bại theo nhiều cách khác nhau. Họ không giữ được lời hứa và nói dối, nhưng không ai nghi ngờ thái độ lịch sự của họ.
Mặt khác, Donald Trump là người khủng khiếp có một không hai. Hành vi kinh tởm của ông ta có tính hủy hoại đối với công tác quản trị được mọi người chia sẻ, dựa trên các giá trị chung và sự đồng ý của người bị trị.
Ông ta đối xử với Gillibrand hạ đẳng đến mức nào không làm ai ngạc nhiên. Trong quá trình vận động tranh cử, khi bị cáo buộc về hành vi quấy rối tình dục hoặc lạm dụng tình dục phụ nữ trong quá khứ, phản ứng của Trump là coi thường những người cáo buộc ông ta. Tháng 10 năm ngoái, Trump nói rằng trong hàng chục năm qua, ông ta chưa bao giờ lôi Jessica Leeds lên máy bay: “Xin hãy tin tôi, cô ấy không phải là sự lựa chọn đầu tiên của tôi, tôi có thể nói với các vị như thế”. Trump chế nhạo một người tố cáo khác, cựu phóng viên của tờ People, Natasha Stoynoff, “Xin hãy kiểm tra Facebook của cô ta, rồi các vị sẽ hiểu”. Những người nổi tiếng và các chính trị gia cũng từng bác bỏ các cáo buộc, nhưng không người nào hành động theo lối hạ đẳng đến mức nói rằng những người cáo buộc họ chưa hấp dẫn đến mức được sờ mó.
Tổng thống Mỹ Donald Trump từng bị 350 tờ báo của cả Mỹ lẫn Anh lên án cuộc tấn công nhằm vào báo chí của ông. Canok
…Trump tỏ ra khinh thường những lời cáo buộc về đạo đức, mà tất cả các vị tổng thống trong thời gian gần đây đều phải dè chừng. Ông ta không chịu khai báo lợi tức để đóng thuế, viện cớ là đang kiểm toán. Ông không chịu đưa doanh nghiệp nhiều tỷ USD vào tín thác mù (giao cho người khác toàn quyền quản lí – ND) và khăng khăng nói rằng đưa doanh nghiệp vào tay các ông con trai thì cũng thế.
Đấy là chưa nói đến việc ông ta coi những người ủng hộ thuyết cho rằng người da trắng là ưu việt là “những người rất tuyệt vời”, việc tha cho một cảnh sát trưởng vô luật pháp khi tay này bắn một giám đốc FBI đáng kính, và thúc Bộ Tư pháp điều tra những kẻ thù chính trị của ông ta.
Thật choáng váng khi biết rằng chỉ có sáu thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa kêu gọi vị tổng thống bất nhất của chúng ta từ chức.
Quốc gia này không tìm kiếm và cũng không mong đợi có các tổng thống hoàn hảo, và một số vị chắc chắn là có nhiều khiếm khuyết. Nhưng một vị tổng thống thể hiện thái độ không tôn trọng sự thật, không tôn trọng đạo đức, không tôn trọng những trách nhiệm căn bản của công việc và không có thái độ lịch thiệp đối với người khác là không có khả năng thực hiện được những điều kiện làm cho nước Mỹ trở thành vĩ đại”. (Bài xã luận USA TODAY, nguyên bản tiếng Anh: https://www.usatoday.com/…/trump-lows-ever-hit-r…/945947001/).
Không chỉ có nhà báo Bob Woodward chỉ trích và tấn công D. Trump. Nhà báo Michael Wolff vào đầu năm 2018 này cũng đã xuất bản cuốn sách Fire and Fury-Bão lửa và cuồng nộ, mô tả Tổng thống Trump như "một đứa trẻ to xác tỏ ra biết tuốt, không thích lắng nghe mà chỉ thích nói, thích được nịnh nọt, dễ bị tác động, hay thay đổi, không thích đọc bất cứ thứ gì, chỉ xem TV hoặc ảnh, thích trả thù ai làm trái ý, hay quyết định bốc đồng và nực cười, thích nói linh tinh trên Twitter...".
Với một nền báo chí có tự do không giới hạn, không chỉ TT Trump mà gần như hầu hết các đời tổng thống của Mỹ đều bị báo chí Mỹ chỉ trích và tấn công ở cấp độ này hoặc cấp độ khác tùy thuộc vào sự tiến bộ của công nghệ và tần suất xuất hiện của tổng thống trước công chúng. Tiếp nhận chỉ trích và các tấn công một cách bình tĩnh và khéo léo là cách ứng xử có trách nhiệm của tổng thống đối với báo chí nói riêng và đối với đất nước nói chung. Vào giữa năm 2016, trong chuyến công du đến Việt Nam, TT B. Obama đã nói:” Tôi bị chỉ trích hàng ngày, và điều đó làm cho tôi và nước Mỹ trở nên mạnh mẽ hơn”.
Chung sống với tự do báo chí không hề dễ dàng gì nhưng tổng thống và công dân Mỹ không thể sống nếu không có một nền báo chí tự do. Bởi vì tự do báo chí giúp họ có thông tin để tiến bộ, giàu thêm tri thức để nhiều thêm sức mạnh.
Bao giờ báo chí Việt Nam biết chỉ trích và tấn công những người đứng đầu đất nước?
Nguồn: Việt Nam Thời Báo
No comments:
Post a Comment