September 21, 2018

Nghiên cứu Chính Trị Bình Dân (2)

Phần II

Chính quyền và nhà nước

Trong phần II này, chúng ta bàn đến đối tượng nghiên cứu trung tâm của chính trị học, đó là nhà nước và nhà nước trong quan hệ với công dân, tức là chính quyền.

Chương I

Định nghĩa chính quyền

Có nhiều cách định nghĩa chính quyền, nhưng định nghĩa của Austin Ranney có lẽ là chuẩn xác nhất: “Chính quyền là một tập hợp các cá nhân và thiết chế với chức năng làm ra (ban hành) thực thi luật pháp trong và cho một xã hội”.


Như vậy, chính quyền là tổ chức. Nhưng chính quyền khác với tổ chức thông thường ở các điểm sau:


CHÍNH QUYỀN:

1. Quyền lực bao trùm lên toàn xã hội
2. Tư cách thành viên là không tự nguyện
3. Quyền lực độc đoán, không thể có lệ làng
4. Là tổ chức duy nhất trong một quốc gia có quyền ban hành luật pháp, cưỡng chế thi hành luật và xử lý người vi phạm pháp luật.

Trong khi TỔ CHỨC bình thường:

1. Quyền lực chỉ áp đặt đối với thành viên của tổ chức
2. Tư cách thành viên là tự nguyện
3. Quyền lực không độc đoán
4. Trong một quốc gia, ngoài chính quyền, không tổ chức nào có quyền ban hành luật, cưỡng chế thi hành luật và xử lý người vi phạm pháp luật.

Xin lưu ý đến đặc điểm thứ 4: Chính quyền là tổ chức duy nhất trong một quốc gia có quyền ban hành luật pháp, cưỡng chế thi hành luật và xử lý người vi phạm pháp luật.

Chương II

Tính chính danh

Chính danh, nôm na là được/có quyền làm việc mình làm, được/có quyền nói những điều mình nói. Cách đây hơn 2 ngàn năm Khổng Tử đã bảo:

“Danh bất chính tắc ngôn bất thuận, ngôn bất thuận tắc sự bất thành, sự bất thành tắc lễ nhạc bất hưng, lễ nhạc bất hưng tắc hình phạt bất trúng, hình phạt bất trúng tắc dân vô sở thố thủ túc”, ý nói, danh không chính tắc thì ngôn không thuận, ngôn không thuận thì sự sẽ không thành, sự không thành thì lễ nhạc không hưng thịnh, lễ nhạc mà không hưng thịnh thì hình phạt sẽ không thỏa đáng, hình phạt không thỏa đáng thì dân sẽ bối rối, không biết phải làm gì mới phải.

Ngày nay, chúng ta hiểu chính danh là niềm tin phổ biến của các thành viên trong xã hội rằng quyền lực của chính quyền hay đảng cầm quyền là đúng, chính đáng, hợp lý, hợp pháp vì thế, dân chúng phải phục tùng.

Nhà xã hội học nổi tiếng người Đức, Max Weber (1864-1920), cho rằng có ba cách làm cho chính quyền có tính chính danh:

1. Nhờ truyền thống (cha truyền con nối)
2. Nhờ sức hấp dẫn của lãnh tụ
3. Nhờ được thành lập hợp pháp và hợp lý.

Ta sẽ xem xét từng trường hợp:

1. Chính danh nhờ truyền thống

Đấy là các vương triều phong kiến ngày xưa. Hiện nay vẫn còn các chính thể, vương triều cha truyền con nối như Anh, Bỉ, Hà Lan, Tây Ban Nha, Thái Lan, Nhật Bản… Những vương triều này được coi là có tính chính danh vì được công nhận từ lâu trong lịch sử, tính danh được truyền lại từ các triều đại trước. Dân chúng các nước này chấp nhận chính thể đương thời vì đấy là truyền thống.

2. Nhờ sức hấp dẫn của lãnh tụ

Đấy là các chính thể được công nhân là chính danh vì có các lãnh tụ được dân chúng sùng bái và cá nhân đó giữ vai trò lãnh tụ, lãnh đạo. Ví dụ, Napoleon (Pháp), Mussolini (Italy), Hitler (Đức), Lenin, Stalin, (Liên Xô), Mao Trạch Đông (Trung Quốc), Hồ Chí Minh (Việt Nam), Fidel Castro (Cuba)…
Nói cách khác, những chính quyền đó được công nhân là chính danh vì có một gương mặt cá nhân có sức hấp dẫn to lớn đối với dân chúng, được ca ngợi là cha già dân tộc… Chừng nào nhân vật ấy còn được sùng bái chừng đó chính thể còn có tính chính danh. Khi lòng kính trọng của nhân dân dành cho nhân vật đó chấm dứt thì chế độ cũng sẽ sụp đổ.

Đấy cũng là lý do của tệ sùng bái cá nhân lúc người đó cỏn sống và những phong trào “học tập và làm theo” khi nhân vật đó đã trở thành người thiên cổ. George Orwell gọi là “lấy người chết áp đặt cho người sống”.

3. Chính danh nhờ họp pháp và hợp lý

Đó là những chính quyền có được tính chính danh nhờ:
- Được thành lập một cách hợp pháp và hợp lý
- Có hiến pháp, luật pháp giới hạn quyền lực của nhà nước để chính quyền không xâm phạm quyền tự do của công dân
- Có nhà nước pháp quyền, tam quyền phân lập, các chức vụ nhà nước đều có nhiệm kỳ và được bầu trong những cuộc bầu cử công bằng và tự do
Tất nhiên là tất cả các chính quyền đều nhận mình là “chính danh nhờ hợp pháp và hợp lý”. Tất cả các chính thể đều nhận mình là dân chủ, tự do. Không chính thể nào nhận mình là độc tài phi dân chủ.

Hiện nay, các học giả còn bổ sung thêm một kiều chính danh nữa:

4. Chính danh nhờ thành tựu về kinh tế và/hoặc đạo đức cũng như năng lực bảo vệ chủ quyền quốc gia.
Đảng cộng sản Trung Quốc đang tìm mọi cách xây dựng và giữ gìn tính chính danh của mình tho cách thứ 4 này. Nếu kinh tế Trung Quốc sụp đổ thì tính chính danh của Đảng cộng sản cũng tiêu vong.

5. Xây dựng, củng cố tính chính danh của mình.

Như bên trên đã nói: Ngày nay, chúng ta hiểu chính danh là niềm tin phổ biến của các thành viên trong xã hội rằng quyền lực của chính quyền hay đảng cầm quyền là đúng, chính đáng, hợp lý, hợp pháp vì thế, dân chúng phải phục tùng.

Xin nhấn mạnh từ “niềm tin” trong định nghĩa này. Như vậy có nghĩa là, về bản chất, chính quyền có tính chính danh là bởi vì nhân dân tin rằng chính quyền ấy cầm quyền là đúng. Điều này cũng hàm ý: Quan trọng là niềm tin, một chính quyền muốn tạo ra và duy trì tính chính danh thì phải làm cho dân chúng có niềm tin ấy.

Bằng cách nào? Có thể bằng bạo lực, đe dọa và khủng bố, để ép người dân phải tin “chính quyền này mạnh lắm và họ cầm quyền là đúng”. Cũng có thể bằng tuyên truyền và lừa dối. Thường thì họ kết hợp cả hai: Bạo lực và tuyên truyền dối trá.

Tà quyền hay ngụy quyền thường dùng bạo lực và tuyên truyền dối trá. Còn chính quyền trong thời hiện đại thì xây dựng tính chính danh theo cách thứ ba – Chính danh nhờ hợp lý và hợp pháp – hoặc cách thứ tư – Đạt được những thành tựu kinh tế vượt trội so với khu vực và thế giới.

6. Phá hủy tính chính danh của lực lượng đối lập

Với những nhà nước độc tài, muốn duy trì ách cai trị vĩnh viễn, thì song song với việc củng cố tính chính danh của mình là việc phá hủy tính chính danh của lực lượng đối lập. Bằng cách tuyên truyền sâu rộng trong dân chúng thấy những người đối lập không xứng đáng tham gia chính trị, không đủ tư cách, không đủ năng lực, tài đức…. Tóm lại, tất cả các chế độ sẽ thực hiện là phá hoại hình ảnh của lực lượng đối lập, ra sức cô lập và cách ly họ khỏi nhân dân.

Những người hoạt động hay nghe nói về hoạt động của lực lượng đối lập đều biết rõ những biện pháp mà chế độ độc lài thực hiện.

Vấn đề là những người đối lập phải giữ gìn, không để hình ảnh của mình bị hoen ố bởi những hành động có thể là vô tình trong sinh hoạt đời thường và không được phá hoại uy tín và hình ảnh của nhau.

Chương III

Nhà nước

Rộng hơn khái niệm chính quyền là khái niệm nhà nước. Nó có hai nghĩa, tức có hai cách hiểu về khái niệm này.

CÁCH HIỂU 1: NHÀ NƯỚC LÀ QUỐC GIA

Theo James Garner, nhà nước là một cộng đồng người chiếm hữu một lãnh thổ xác định, hoàn toàn không chịu sự kiểm soát từ bên ngoài, và sở hữu một chính quyền có tổ chức mà tất cả cơ dân sinh sống trong lãnh thổ đó đều phải phục tùng.
Định nghĩa của Garner bao gồm đủ bốn yếu tố căn bản của nhà nước: con người (dân), lãnh thổ (đất), chính quyền và chủ quyền.

1. Dân
Người ta hay nói phải có nhà nước mới có công dân (người mang quốc tịch nước đó). Nhưng cũng phải có dân mới có nhà nước.

2. Lãnh thổ
“Không có đất thì không có nước”. Không có một lãnh thổ xác định thì không có nhà nước, nói cách khác, không tồn tại nhà nước không có lãnh thổ.

3. Chính quyền trong quan hệ với nhà nước
Chính quyền, như chúng ta đã thấy trong định nghĩa bên trên “Chính quyền là một tập hợp các cá nhân và thiết chế với chức năng làm ra (ban hành) thực thi luật pháp trong và cho một xã hội”. Ở đây, trong quan hệ với nhà nước, chính quyền là công cụ, là bộ máy để thông qua đó nhà nước tồn tại và thực thi các chức năng của nó và mọi người dân có thể chung sống với nhau. Nói cách khác, chính quyền là cỗ máy vận hành của nhà nước.

Nhà nước có những chức năng: Đảm bảo trật tự an ninh trong xã hội, quốc phòng, thực thi công lý, thúc đẩy thịnh vượng về kinh tế và phát triển. Các nhà nước văn minh thời hiện đại không có chức năng “trấn áp các thế lực phản động trong nước”.

Nhà nước và chính quyền là hai khái niệm khác nhau: Nhà nước rộng hơn chính quyền, nhà nước bao gồm cả chính quyền lẫn dân, còn chính quyền thì không có dân. Chính quyền có thể thay đổi, nhưng nhà nước thì vẫn còn nếu duy trì được bốn yếu tố: dân, đất, chính quyền, chủ quyền. Như vậy, yêu nước không đồng nghĩa với yêu một chính quyền hay chính thể cụ thể nào.

4. Chủ quyền

Chủ quyền hay quyền tối cao là quyền ra quyết định cuối cùng và là quyền cao nhất, không còn quyền lực nào cao hơn.

Có 2 loại chủ quyền: Đối nội và đối ngoại
- Chủ quyền đối nội: Nhà nước có quyền lực tối cao đối với tất cả các công dân của nó.
- Chủ quyền đối ngoại: Nhà nước độc lập khỏi bất kỳ sự kiểm soát nào từ bên ngoài lãnh thổ của nó.
Theo định nghĩa của Garner, nhà nươc (tiếng Anh: State) và quốc gia (nation) là đồng nghĩa, đều bao gồm 4 yếu tố: dân, đất, chính quyền và chủ quyền.

CÁCH HIỂU 2: NHÀ NƯỚC LÀ CHÍNH QUYỀN

Ở Việt Nam khi nghe thấy từ “nhà nước” người ta thường nghĩ ngay tới chính quyền, ví dụ như cụm từ quen thuộc: “Đảng và Nhà nước”. Ở Việt Nam cách hiểu này phổ biến hơn cách hiểu thứ nhất.

MỘT VÀI KHÁI NIỆM KHÁC.

Trong tiếng Anh có thuật ngữ nation-state, thường được dịch là “quốc gia dân tộc”, tác giả cho rằng nên dịch là “nhà nước độc lập” hay “quốc gia độc lập”.

Nhà nước (state) khác đất nước (country): Nhà là thực thể chính trị, pháp lý; trong khi đất nước là thực thể mang tính văn hóa-sắc tộc. Nhà nước phải có chủ quyền, trong khi ngay cả khi nhà nước mất chủ quyền thì dân chúng ở một vùng lãnh thổ nào đó vẫn có thẻ coi là mình cùng một “nước”.
Từ “dân tộc” trong tiếng Việt có hai nghĩa.

1. Nhân dân: Trong câu “Dân tộc VN là một”, hàm ý toàn thể nhân dân VN
2. Dân tộc, sắc tộc, ví dụ khi nói: “dân tộc Kinh”, dân tộc thiểu số…”.

Hết phần II

Xin chào và hẹn gặp lại

No comments:

Post a Comment