June 3, 2018

Luật an ninh mới đầy nguy hiểm của Việt Nam

Phạm Nguyên Trường dịch

Luật an ninh mạng mới của Việt Nam ít nói về an ninh mà nói nhiều về kiểm soát. Bộ luật mới là cuộc tấn công trực diện vào quyền tự do thể hiện.
Trong khóa họp mùa hè này, các nhà lập pháp Việt Nam sẽ bỏ phiếu thông qua luật an ninh mạng mới. Dự luật đòi các công ty phải lưu trữ dữ liệu người sử dụng Việt Nam trên các thiết bị đặt tại Việt Nam. Các công ty như Facebook và Google hiện không lưu trữ dữ liệu này ở nước sở tại. Cách làm này được gọi là “bản địa hóa dữ liệu”. Bản địa hóa dữ liệu đã được thực hiện ở các nước, ví dụ như Trung Quốc. Luật pháp cũng sẽ yêu cầu các công ty internet hoạt động tại Việt Nam mở văn phòng tại chỗ.

Bộ Công an Việt Nam (MoPS) nhấn mạnh rằng bộ luật này là nhằm bảo vệ các quyền lợi kinh tế của Việt Nam. Họ khẳng định rằng các trung tâm dữ liệu khu vực sẽ tạo thêm nhiều việc làm trong lĩnh vực công nghệ thông tin cho người lao động Việt Nam.

Những người ủng hộ bộ luật này cũng nhấn mạnh rằng nó sẽ ngăn chặn, không cho các công ty Internet trốn thuế. Các công ty công nghệ có thể trốn thuế bằng cách lưu trữ dữ liệu người sử dụng ở nước ngoài. Luật mới sẽ chấm dứt việc chuyển dữ liệu miễn phí ra khỏi Việt Nam. Luật mới sẽ đòi hỏi rằng sau khi chính phủ chấp thuận thì các công ty mới có thể chuyển dữ liệu ra nước ngoài. Ngoài ra, luật mới còn buộc các công ty internet mở văn phòng ở trong nước.

Kiểm duyệt và kiểm soát là trọng tâm của dự luật


Mặc cho những lời tuyên bố của chính phủ, kiểm soát là trung tâm của bộ luật mới. Với dữ liệu được bản địa hóa, chính phủ sẽ có quyền truy cập vào dữ liệu của người dùng Việt Nam. Các bộ luật hiện hành cho phép chính phủ buộc các công ty công nghệ chuyển dữ liệu của người sử dụng cho họ.

Sự hiện diện của các văn phòng ở trong nước cũng sẽ tạo cơ hội cho chính phủ đe dọa người sử dụng Internet. Facebook và Google hiện đang có văn phòng ở Singapore. Khi các văn phòng này chuyển về Việt Nam, chính phủ có thể gây áp lực, buộc các công ty phải kiểm duyệt chặt chẽ hơn. Họ cũng có thể áp lực, buộc các văn phòng này tiết lộ danh tính những người bất đồng chính kiến.

Lời tuyên bố nói rằng bản địa hóa dữ liệu sẽ mang lại việc làm cũng là phóng đại. Cơ sở lưu trữ dữ liệu và các hoạt động đi kèm gần như hoàn toàn tự động. Số lượng công việc mới sẽ chẳng đáng là bao. Ví dụ, cơ sở của công ty Apple ở Bắc Carolina chỉ tạo ra 50 chỗ làm việc mà thôi.

Chẳng những không thể tăng cường mà bộ luật mới có thể làm suy yếu an ninh mạng của Việt Nam. Dữ liệu của người dùng chỉ an toàn khi cơ sở hạ tầng kỹ thuật số của đất nước an toàn. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật số của Việt Nam không phát triển như các nước châu Âu và Singapore. Bản địa hóa dữ liệu sẽ giúp tin tặc dễ dàng đánh cắp dữ liệu của người sử dụng.

Facebook và Google phản đối dự luật nhưng chỉ để bảo vệ quyền lợi của mình mà thôi

Facebook, Google và các công ty internet khác phản đối dự luật này. Tuy nhiên, còn quá sớm để gọi những công ty này là những người bảo vệ tự do ngôn luận.

Từ giữa năm 2017 đến nay, Facebook đã báo cáo 22 trường hợp bị ngăn chặn nội dung ở Việt Nam. Người khổng lồ công nghệ này cho rằng nội dung bị ngăn chặn vì vi phạm luật pháp nước sở tại. Facebook cũng đã cung cấp cho chính phủ Việt Nam dữ liệu người sử dụng bốn lần rồi.

Google cũng đã ngăn chặn những bài viết bài bác chính phủ. Năm 2017, chính phủ Việt Nam đã yêu cầu YouTube xóa 6.500 video.

Tin xấu cho những người hoạt động nhân quyền

Các nhà hoạt động chẳng có mấy người ủng hộ trong cuộc chiến đấu vì tự do ngôn luận trên không gian mạng. Một nhóm có tên là Liên minh Internet Châu Á (AIC) đã tìm cách đưa những lo lắng của mình tới Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Tuy nhiên, những hạn chế về nội dung không được đưa ra thảo luận.

Tháng 4 năm nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua dự luật. Dự luật được đưa ra cho Quốc hội biểu quyết trong khóa họp mùa hè này. Người ta cho rằng nó sẽ được thông qua.

Chính phủ đang tìm cách khuếch trương những bộ luật mang tính đàn áp về không gian mạng được cải trang thành chính sách kinh tế. Ngược đời là, an ninh mạng của Việt Nam sẽ không chắc chắn như trước. Việc bản địa hoá dữ liệu sẽ làm mất đi tình trạng nặc danh của người sử dụng và đe dọa những người phê phán chính phủ. Không gian cho những lời phê phán trên mạng ở Việt Nam đang bị đe dọa. Những ngày đen tối đang đến gần.

Đã đăng trên Việt Nam Thời Báo

Nguổn Aseantoday

No comments:

Post a Comment