Phạm Nguyên Trường dịch
Đọc phần 1 ở đây
Lý thuyết của
Marx và Engels đặt nền móng cho cương lĩnh của Hiệp hội Công nhân Quốc tế, vẫn
thường được gọi là Quốc tế I, do họ lập ra ở London vào năm 1864 nhằm chuẩn bị
cho người lao động ứng phó với cuộc khủng hoảng tư bản chủ nghĩa đang đến gần.
Tổ chức này đã bị chia rẽ ngay từ đầu bởi những cuộc tranh cãi bất tận giữa
những người xã hội chủ nghĩa và những người vô chính phủ. Mặc dù những người vô
chính phủ và những người xã hội chủ nghĩa có chung mục đích là xã hội phi giai
cấp, không còn chính phủ và cùng coi cách mạng bạo lực là phương tiện, nhưng họ
lại khác những người xã hội chủ nghĩa ở ba điểm. Những người vô chính phủ cho
rằng không chỉ công nhân công nghiệp mà nông dân không có ruộng và những người
vô nghề nghiệp cũng là lực lượng tiềm tàng của cách mạng. Thứ hai, những người
xã hội chủ nghĩa cho rằng giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa cộng sản có một
giai đoạn chuyển tiếp (đôi khi vẫn được gọi là “chuyên chính vô sản”), đấy là
giai đoạn mà giai cấp cầm quyền mới sử dụng sức mạnh cưỡng bức của nhà nước
nhằm tước đoạt giai cấp tư sản và tiến hành quốc hữu hoá tư liệu sản xuất.
Trong khi đó, những người vô chính phủ phủ nhận mọi hình thức nhà nước, họ tiên
đoán rằng “chuyên chính vô sản” sẽ biến thành phương tiện nô dịch mới, lần này,
là do những người trí thức giật dây vì quyền lợi của chính họ. Cuối cùng, nếu
những người xã hội chủ nghĩa tin vào sự tiến bộ diễn ra một cách tự nhiên trong
nền kinh tế tư bản chủ nghĩa và chính sự tiến bộ này sẽ dẫn tới cách mạng thì
những người vô chính phủ lại kêu gọi “hành động trực tiếp”, nói cách khác, tấn
công ngay lập tức vào hệ thống hiện hành.
Thời gian đã
chứng tỏ rằng, những người vô chính phủ đã dự đoán đúng cả ba vấn đề: các cuộc
cách mạng xã hội không bùng nổ trong các nước công nghiệp mà diễn ra trong các
nước nông nghiệp, còn “chuyên chính vô sản” thì biến nhà nước cộng sản thành
một nền chuyên chính vĩnh cửu của những người không phải là công nhân đối với
những người lao động chân tay và tầng lớp nông dân. Cách mạng Bolshevik vào năm
1917 ở Nga là kết quả của cuộc tấn công trực diện vào chính phủ của một nước,
nơi chủ nghĩa tư bản còn đang ở trong giai đoạn phát triển ban đầu.
Như vậy nghĩa là,
hoá ra trên thực tế, tất cả các dự đoán của Marx đều sai, ngay từ khi Marx còn
sống, điều đó ngày càng trở nên rõ ràng và sau khi ông mất thì trở thành sự kiện
không thể tranh cãi.
Mặc dù chủ nghĩa
tư bản đã trải qua những cuộc khủng hoảng mang tính chu kì, nhưng khủng hoảng
có thể dẫn tới sụp đổ thì chưa. Đấy là nhờ một phần ở các bộ luật chống độc
quyền, phần khác là nhờ sự phát triển của kỹ thuật, mở ra khả năng mới cho các
doanh nghiệp nhỏ, phần nữa là nhờ sự phát triển không ngừng của lĩnh vực dịch
vụ, một lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng nhanh hơn ngành công nghiệp chế biến,
quá trình tập trung tư bản và sản xuất đã không dẫn đến việc bóp chết các xí
nghiệp nhỏ và chỉ còn lại các tập đoàn khổng lồ. Sự ra đời của các công ty cổ
phần lại góp phần vào việc tái cấu trúc tài sản của xã hội.
Những người lao động cũng
không trở thành nạn nhân của quá trình bần cùng hoá.
Ngay trong giai đoạn Marx chấp bút Tư bản luận, ở Anh đã có những bằng
chứng chứng tỏ rằng tiền lương của người lao động đã gia tăng, nhưng Marx đã lờ
đi. Một sự kiện còn quan trọng hơn, đấy là
các chương trình an sinh xã hội do chính phủ tài trợ. Các nước dân chủ
đã công nghiệp hoá lo lắng về những bước tiến của những người xã hội chủ nghĩa
trong việc tổ chức của người lao động, cũng như việc các đại biểu của họ trúng
cử vào quốc hội, đã phải ban hành các đạo luật về bảo hiểm thất nghiệp và bảo
hiểm y tế, cũng như các ưu tiên ưu đãi khác, không để giai cấp công nhân bị
chìm đắm mãi trong cảnh bần hàn. Đức là nước đầu tiên bước chân lên con đường
ấy, Đảng Dân chủ Xã hội Đức là một đảng rất mạnh, có thể giành được đa số trong
quốc hội. Cùng với việc nhiều nước châu Âu theo gương Đức, công nhân cũng ngày
càng quan tâm hơn đến việc giữ nguyên hiện trạng (Status-Quo), họ không còn
nghe theo lời hiệu triệu cách mạng của những người xã hội chủ nghĩa nữa: họ có
thái độ hoàn toàn ngược lại với khẳng định của Tuyên ngôn cộng
sản rằng, “giai cấp vô sản không có tổ quốc”. Người lao động đã không
còn là vô sản theo nghĩa ban đầu của từ này nữa, nghĩa là không còn là giai cấp
chỉ có nhiêm vụ sinh con (cu li) cho nhà nước nữa. Người lao động coi trọng
hoạt động công đoàn hơn, họ chấp nhận trật tự tư bản chủ nghĩa và hướng tất cả
cố gắng của mình vào việc giành miếng bánh to hơn từ lợi nhuận mà chủ nghĩa tư
bản mang lại. Như vậy là, người lao động đã trở thành một phần của chính cái hệ
thống mà những người Marxist muốn họ lật đổ.
Vì tất cả những lý
do đó, cách mạng đã không nổ ra ở bất cứ nước tư bản chủ nghĩa phát triển nào:
trong suốt một trăm năm sau khi Marx qua đời, những cuộc cách mạng như thế chỉ
diễn ra, theo đúng dự đoán của những người vô chính phủ, tức là trong các nước
thuộc Thế giới Thứ ba, những nước có nền kinh tế tư bản vừa mới thành hình, với
khối quần chúng nông dân không có hoặc có rất ít ruộng đất và chế độ độc
tài.
Các khiếm khuyết
của học thuyết Marxist sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu nó vẫn nằm trên giấy như một
sơ đồ lý luận. Nhưng, vì đây còn là một cương lĩnh hành động, cho nên, ngay khi
các dự đoán của nó mới dường như là sai - chuyện này đã trở nên rõ ràng ngay
sau khi Marx mất năm 1883 – thì những người xã hội chủ nghĩa và sau đó là chính
những người cộng sản, dù vẫn tuyên bố trung thành với học thuyết, đã bắt đầu
xem xét lại học thuyết của Marx. Trong các nước dân chủ phương Tây, việc xét
lại này thường chỉ làm giảm đi tinh thần cách mạng và đưa chủ nghĩa xã hội đến
gần hơn với chủ nghĩa tự do mà thôi. Kết quả là sự xuất hiện của phong trào dân
chủ xã hội. Ngược lại, trong các nước Đông Âu và các nước thuộc Thế giới Thứ ba,
việc xét lại lại làm nổi rõ thêm thành tố bạo lực trong chủ nghĩa Marx. Chủ
nghĩa cộng sản đã xuất hiện như thế đấy. Còn chủ nghĩa Marx nguyên chất, không
pha tạp thì chưa được chấp nhận ở bất kì đâu như một cương lĩnh chính trị vì nó
không phù hợp với thực tế.
_________
Quốc tế I tan rã
vào năm 1876, nhưng được tái sinh vào năm 1889, sau khi Marx đã qua đời. Đấy là
Quốc tế II, tổ chức tập hợp các đảng xã hội chủ nghĩa của tất cả các nước
(không còn những người vô chính phủ nữa), với hạt nhân là Đảng Dân chủ Xã hội
Đức. Cách mạng trên các biểu ngữ, tiệm tiến trong thực tế, trước Thế chiến I,
Quốc tế II đã giữ thế thượng phong trong chính sách của những người xã hội chủ
nghĩa. Cương lĩnh chính thức của tổ chức này, thường được gọi là Cương lĩnh
Erfurt, được thông qua vào năm 1891, tuyên bố rằng quyền lợi của nhà nước “tư sản”
và quyền lợi của giai cấp công nhân là không thể dung hoà, người công nhân
không có trách nhiệm gì đối với đất nước: họ chỉ trung thành với giai cấp mình
mà thôi. Cương lĩnh khẳng định tình đoàn kết quốc tế của những người lao động
và tính tất yếu của cách mạng, một cuộc cách mạng sẽ đập tan chủ nghĩa tư bản
và giai cấp tư sản trên toàn thế giới.
Không phải tất cả
những người xã hội chủ nghĩa đều chấp nhận cương lĩnh cấp tiến này. Trên khắp
châu Âu, đã vang lên những lời cảnh báo rằng điều kiện sống của giai cấp công
nhân sẽ được cải thiện bằng các biện pháp chính trị và kinh tế chứ không phải
bằng một cuộc cách mạng bạo lực. Jean Jaurès, một đảng viên xã hội người Pháp
tiên đoán:
Giai cấp vô sản
sẽ giành được quyền lực không phải bằng một cú bùng nổ bất ngờ của công tác cổ
động chính trị, mà phải dựa vào việc tổ chức công khai, có phương pháp, lực
lượng của mình trong điều kiện của chế độ dân chủ và phổ thông đầu phiếu. Xã
hội của chúng ta sẽ tiến dần đến chủ nghĩa cộng sản không phải bằng cách đập
tan chế độ tư bản mà bằng quá trình củng cố lực lượng của giai cấp vô sản một
cách thường xuyên và liên tục.
Ủng hộ mạnh mẽ
nhất cho đường lối này là Tổ chức Fabian ở Anh, trong đó có những thành viên
vốn là những danh nhân văn học như George Bernard Shaw và Herbert George Wells.
Cương lĩnh của tổ chức này yêu cầu “thuyết phục” đất nước giải thoát khỏi chủ
nghĩa tư bản bằng cách quốc hữu hoá nền công nghiệp; cũng như các nhà xã hội
chủ nghĩa tiền Marxist, những người Fabian cũng hướng đến lương tâm của dân
tộc.
E. Bernstein là
người tiến hành một cuộc công kích táo bạo nhất vào các nguyên lý và cương lĩnh
của chủ nghĩa Marx. E. Bernstein là một yếu nhân của Đảng Dân chủ Xã hội Đức,
người đặt nền móng cho “chủ nghĩa xét lại” trong phong trào xã hội chủ nghĩa. Bernstein
từng sống nhiều năm ở Anh và đã từng tiếp xúc với phong trào Fabian. Cuối những
năm 1890, ông kêu gọi những người dân chủ xã hội cải tiến lý thuyết của mình
cho phù hợp với thực tiễn là chủ nghĩa tư bản chưa thể sụp đổ, còn quần chúng
lao động cũng không rơi vào cảnh bần hàn. Vẫn tin vào chủ nghĩa xã hội, nhưng tương
tự như Jaurès, ông coi đấy là kết quả của quá trình phát triển kinh tế và chính
trị một cách hoà bình trong lòng chủ nghĩa tư bản.
Đảng Dân chủ Xã
hội Đức, đảng mạnh nhất và có ảnh hưởng nhất ở châu Âu phủ nhận lý thuyết xét
lại của Bernstein và tiếp tục đi theo cương lĩnh cách mạng, được thông qua tại
Erfurt. Nhưng, trên thực tế, đảng này lại làm chính những điều mà Bernstein bảo
vệ, tức là dành nhiều sức lực cho phong trào công đoàn và các cuộc bầu cử vào
quốc hội. (Mãi đến năm 1959, đảng này mới chính thức ly khai chủ nghĩa Marx).
Như vậy là, trong
giai đoạn sung sức nhất, tức là khoảng một phần tư thế kỷ trước khi nổ ra Thế chiến
I, phong trào xã hội chủ nghĩa ở phương Tây, trên thực tế, đã từ bỏ cách mạng
bạo lực và chuyển sang phương pháp cảo tạo xã hội một cách hoà bình, tuy về mặt
lý luận, không phải lúc nào họ cũng nói như thế. Phong trào giữ vững niềm tin
vào tình đoàn kết quốc tế của những người lao động. Quốc tế II cho rằng, công
nhân tất cả các nước đều là anh em và nhiệm vụ cao cả nhất của họ chính là ngăn
chặn các cuộc chiến tranh mà chủ nghĩa tư bản cố tình gây ra. Đề tài này thường
được đưa ra thảo luận tại các cuộc hội nghị của Quốc tế. Người ta đã đưa ra
nhiều đề nghị nhằm ngăn chặn chiến tranh, cũng như đã thảo luận về những hành
động cần phải làm nếu chiến tranh vẫn cứ bùng nổ. Nghị quyết được thông qua tại
Hội nghị ở Stuttgart vào năm 1907 (có V. Lenin và L. Martov, hai nhà Marxist
hàng đầu của Nga, tham gia) kêu gọi, trong trường hợp xảy ra chiến tranh, “phát
động quần chúng và bằng cách đó đẩy nhanh quá trình sụp đổ của chính quyền tư
sản”, nói cách khác, biến chiến tranh giữa các nước thành nội chiến giữa các
giai cấp. Trong hội nghị tiếp theo vào năm 1910, các đại biểu thống nhất thông
qua nghị quyết đòi các nghị sĩ xã hội chủ nghĩa biểu quyết phản đối ngân sách
chiến tranh.
Nhưng hoá ra các
đảng viên xã hội chủ nghĩa, cũng như Quốc tế II của họ không đủ sức ngăn chặn
sự bùng phát của cuộc chiến tranh trên toàn châu Âu vào mùa hè năm 1914. Những
câu chuyện về một cuộc tổng đình công chẳng đưa đến đâu. Hơn thế nữa, cả những
người dân chủ xã hội Đức lẫn các đảng viên xã hội chủ nghĩa Pháp, trái ngược
với những thề bồi trước đây, đều biểu quyết thông qua ngân sách chiến tranh và
bằng cách đó, đã làm mất uy tín của chính tư tưởng về tình đoàn kết quốc tế của
giai cấp vô sản. Lòng trung thành với tổ quốc hoá ra cao hơn tình hữu ái giai
cấp; A. Hitler và B. Mussolini, hai kẻ mị dân và rất háo danh, sau khi chiếm
được chính quyền dựa vào cơ sở cương lĩnh hợp nhất giữa chủ nghĩa xã hội và chủ
nghĩa dân tộc, đã không bỏ qua sự kiện này.
Số phận của Quốc
tế II đã được định đoạt khi nó không có khả năng thực hiện những lời hứa chống
chiến tranh của mình. Chiến tranh rồi cũng qua đi, các đảng xã hội chủ nghĩa
vẫn còn tồn tại, nhưng họ ngày càng gắn bó với đất nước của mình hơn.
Sự nghiệp của
quốc tế xã hội chủ nghĩa chuyển từ phương Tây, lúc đầu là sang Nga và sau đó là
sang các nước ngày càng xa phương Tây hơn.
No comments:
Post a Comment