March 26, 2018

Diễn từ nhận giải dịch thuật tác phẩm 1984 (không được đọc)

Thưa quý vị và các bạn!

Lễ trao giải Văn Việt, 2018

Ngay sau khi Thế chiến II kết thúc, George Orwell đã tự hỏi rằng nước Anh sẽ ra sao nếu nó rơi vào một trong những tín điều độc tài đã và đang thống trị thế giới suốt nửa đầu thế kỷ XX. Đó là lý do để ông chấp bút tiểu thuyết phản địa đàng (dystopia) trứ danh mang tên 1984. Chữ “dystopia” vốn bắt nguồn từ thuật ngữ “utopia” được học giả Sir Thomas Moore đề xướng trong tác phẩm cùng tên, ra đời năm 1516. Nếu utopia (Địa đàng trẩn gian) biểu thị một xã hội lý tưởng, nơi mà mọi thứ đều hoàn hảo và đáng mơ ước, thì dystopia hoàn toàn ngược lại: nó là xứ phản địa đàng đáng sợ.

1984 chính là đổi lại hai chữ số cuối cùng của 1948, là năm mà tác phẩm này được chấp bút. Lúc đó, đối với George Orwell, 1984 là tương lai rất xa vời. Ở thời tương lai đó, thế giới được chia thành 3 siêu cường là Eurasia, Oceania và Estasia. Các sự kiện trong cuốn tiểu thuyết này diễn ra ở Oceania, một trong 3 siêu cường thống trị thế giới. Lúc đó nền kĩ nghệ đã tiên tiến tới mức đủ sức nâng cao đáng kể đời sống của người dân, người ta có thể chỉ phải làm việc mỗi ngày vài giờ, ai cũng đủ ăn, ai cũng có thể được sống trong những ngôi nhà đầy đủ tiện nghi…v.v.. Nhưng làm như thế là trái với học thuyết mà ba siêu cường này tôn thờ: Đấy là giữ mãi xã hội đẳng cấp và bảo đảm quyền lực vĩnh viễn cho tầng lớp mà tác giả gọi là Đảng. Một nhân vật trong cuốn tiểu thuyết này nói “Đảng tranh giành quyền lực chỉ vì quyền lực. Chúng tôi không quan tâm đến hạnh phúc của kẻ khác, chúng tôi chỉ quan tâm đến quyền lực. Không phải là tài sản, không phải sự xa hoa, không phải sống lâu, không phải hạnh phúc: chỉ có quyền lực, quyền lực thuần tuý… Chúng tôi biết rằng không có ai giành chính quyền để rồi sau sẽ từ bỏ nó. Quyền lực không phải là phương tiện, quyền lực là mục đích. Không ai đi thiết lập chuyên chính để bảo vệ cách mạng, người ta làm cách mạng để thiết lập chuyên chính”.

1984, NXB Giấy Vun

Và vì vậy mà họ luôn luôn gây chiến với nhau. Mục đích của chiến tranh không phải là tranh giành lãnh thổ, tài nguyên hay thị trường mà là tiêu diệt số sản phẩm thặng dư và giữ nguyên tình trạng tâm lí mà xã hội phân chia theo đẳng cấp cần. Nếu ai cũng giàu có thì tài sản không còn tạo ra khác biệt nữa. Dĩ nhiên, có thể tưởng tượng được xã hội, trong đó tài sản, theo nghĩa tài sản và tiện nghi mà một cá nhân có quyền sử dụng, sẽ được phân phối hoàn toàn đồng đều, trong khi quyền lực lại nằm trong tay một đẳng cấp ưu tú. Nhưng trên thực tế, xã hội như vậy không thể ổn định lâu dài được. Vì nếu mọi người đều có thì giờ nhàn rỗi và không phải lo đến miếng cơm manh áo nữa thì cái đám đông quần chúng, những người do nghèo mà hoá ra hèn, sẽ học đọc học viết và biết cách suy nghĩ bằng chính cái đầu của mình; và một khi điều đó xảy ra thì không chóng thì chày họ sẽ nhận ra rằng, cái đẳng cấp đặc quyền kia chẳng được tích sự gì và họ sẽ lật đổ chúng. Rút cục, xã hội phân chia theo đẳng cấp chỉ có thể tồn tại trong nghèo đói và dốt nát.

Vấn đề là làm sao giữ cho nền công nghiệp làm việc hết công suất, nhưng tài sản của thế giới thì vẫn không tăng. Hàng hóa phải được sản xuất, nhưng không được phân phối. Chỉ có một cách – đấy là chiến tranh, chiến tranh triền miên.

Bản chất của chiến tranh là tiêu diệt, không nhất thiết phải là con người, mà là sản phẩm do con người làm ra. Chiến tranh là đập tan thành từng mảnh, đốt thành tro bụi, hay nhấn chìm xuống đáy đại dương những thứ có thể được dùng nhằm nâng cao mức sống người dân và như vậy, cuối cùng, sẽ làm cho họ thông minh hơn. Ngay cả khi vũ khí không bị phá huỷ trên chiến trường thì việc sản xuất thêm vũ khí cũng là biện pháp khả dĩ để người dân tiếp tục làm mà không tạo ra bất kì sản phẩm tiêu dùng nào. Về nguyên tắc, các chiến dịch bao giờ cũng được tính toán sao cho chúng có thể tiêu huỷ tất cả những sản phẩm thặng dư, chỉ để lại vừa đủ cho những nhu cầu cần thiết tối thiểu của dân chúng. Nhưng trên thực tế, nhu cầu của dân chúng bao giờ cũng bị hạ thấp, kết quả là thường xuyên thiếu thốn, ngay cả những vật dụng cần thiết nhất, nhưng điều đó lại được coi là có lợi. Đấy là một chính sách đã được cân nhắc kĩ: giữ ngay cả các nhóm đặc quyền đặc lợi trong vòng nghèo túng, vì sự khốn khó chung sẽ làm cho những ưu đãi nhỏ trở thành quan trọng và như vậy, càng làm tăng khoảng cách giữa các nhóm với nhau.

Nhưng nghèo đói và chiến tranh vẫn chưa đủ. Muốn giữ mãi xã hội đẳng cấp thì cần phải làm 6 việc nữa:

Bước 1: Thao túng lịch sử bằng cách sửa chữa quá khứ để chứng tỏ rằng Đảng và lãnh tụ luôn luôn đúng theo khẩu hiệu: “Ai làm chủ quá khứ, người đó sẽ làm chủ tương lai; ai làm chủ hiện tại, người đó sẽ làm chủ quá khứ”

Bước 2: Bóp méo ngôn ngữ. Ngôn ngữ bị phá hủy và bị xuyên tạc. Bộ hòa bình thì tiến hành chiến tranh, Bộ sự thật thì tung tin bịa đặt, Bộ tình yêu thì tra tấn, Bộ ấm no thì giữ dân chúng trong tình trạng chết đói. Ngôn ngữ là phương tiện tư duy, khi ngôn ngữ bị bóp méo thì người ta không thể nào tư duy mạch lạc được.

Bước 3: Kiểm soát tư tưởng. Ở Oceania, đời sống tinh thần của người dân bị nhồi nhét bằng những tờ báo lá cải (gần như không có gì khác ngoài thể thao, tin tội phạm, và chiêm tinh học) và những bộ phim đầy nhục cảm để quần chúng không còn quan tâm tới tới chính trị hay lịch sử nữa.

Không chỉ kiểm soát tư tưởng bằng cách hạn chế thông tin, Đảng còn bóp méo mọi thông tin hòng phục vụ cho sự an toàn của chế độ. Trong 1984 có đoạn như sau “Nhưng thực ra, anh vừa sửa các số liệu của Bộ Ấm no vừa nghĩ, đây cũng không phải là giả mạo. Đơn giản chỉ là thay một tài liệu nhảm nhí này bằng một tài liệu nhảm nhí khác mà thôi. Cũng có khả năng là chẳng ai biết đã sản xuất được bao nhiêu đôi giày và chẳng ai cần biết làm gì. Tất cả những điều người ta biết là: quý nào cũng sản xuất được hằng hà sa số giày, nhưng có thể một nửa dân chúng Oceania vẫn phải đi chân đất.”

Bước 4: Giám sát hành vi
Xuyên suốt cuốn tiểu thuyết, nơi nào Winston Smith, nhân vật chính của chúng ta, có mặt cũng dán đầy các áp phích nhắc nhở rằng “ANH CẢ ĐANG QUAN SÁT BẠN”.

Khuôn mặt Anh Cả xuất hiện ở khắp nơi khiến Winston bị ám ảnh: “đôi mắt ấy vẫn đang theo dõi. Nó theo dõi từ mặt đồng xu, từ con tem, từ bìa sách, từ các biểu ngữ, từ vỏ bao thuốc lá – từ khắp mọi nơi. Đôi mắt dõi theo khắp nơi và giọng nói cũng bao trùm khắp chốn. Cả khi ngủ lẫn khi thức, cả lúc ăn lẫn lúc làm, cả trong nhà lẫn ngoài đường, cả trong phòng tắm lẫn trên giường ngủ – không chỗ nào thoát. Ngoài mấy phân khối bên trong hộp sọ ra thì không có gì là riêng tư hết.”

Màn hình vô tuyến được lắp mọi chỗ, nó có thể giám sát tất cả cử động của con người và ra lệnh cho người ta điều chỉnh hành vi. Ở các khu vực công cộng còn có cả máy ảnh và thiết bị ghi âm dày đặc đến nỗi một tiếng thở dài cũng có thể bị Cảnh sát Tư tưởng để ý.
Trong khi đó, trẻ con được khuyến khích theo dõi cha mẹ và báo cáo nếu chúng phát giác thấy có điều gì đáng ngờ trong hành vi hoặc thái độ của cha mẹ chúng, còn hàng xóm thì dòm ngó lẫn nhau để tố giác bất cứ lúc nào.

Bước 5: Gieo rắc nỗi kinh hoàng

Bằng những vụ tra tấn, ghế điện, đòn roi, không chỉ đáng ghê tởm trước cảnh tượng lũ chuột đói bị đem thả lên mặt Winston Smith trong Phòng 101 bên dưới tầng hầm của Bộ Tình yêu, mà còn đầy ám ảnh khi Winston gào lên rằng “hãy làm thế với Julia!”. Nỗi sợ hãi làm người ta phản bội nhau, phản bội cả những người thân yêu nhất mà có lúc tưởng như không thể nào phản bội được.

Bước 6: Tạo ra kẻ thù.

Kẻ thù là tác nhân cố kết nhân tâm. Emmanuel Goldstein, người đứng đầu tổ chức gọi là Huynh đệ, mà cũng có thể đây chỉ là tổ chức do Đảng tự bịa ra, luôn luôn là đối tượng của hai phút hận thù, của tuần lễ hận thù. Ngoài ra, Eurasia và Eastasia là những cường quốc thù địch có thể gây chiến bất cứ lúc nào, khiến người dân Oceania luôn trong trạng thái bất an trước chiến tranh.

Người ta làm tất cả những việc đó là để đàn áp tư tưởng, đúng hơn là, xóa sổ tự do tư tưởng, nhưng chính xác thì phải là xóa sổ luôn tư tưởng. Nếu làm được như thế thì Đảng sẽ mãi mãi và luôn luôn đúng và cái xã hội quái thai đó cũng sẽ trường tồn đến muôn đời sau.
Là người có lương tri, Winston Smith – nhân vật chính của tác phẩm, một cán bộ của Bộ sự thật, nhưng lại chuyên làm công việc xuyên tạc lịch sử - không chấp nhận sự kiện đó. Anh bắt đầu chống lại nó bằng cách khôi phục lại trí nhớ của mình và luôn luôn tự nhắc mình rằng 2 + 2 nhất định phải là 4, dù Đảng có nói thế nào thì cũng không thể thay đổi được sự kiện hiển nhiên đó. Cũng tương tự như nhà thơ Phùng Quán, cách đây 60 năm, đã từng viết:

Yêu ai cứ bảo là yêu
Ghét ai cứ bảo là ghét.
Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét.
Dù ai cầm dao doạ giết
Cũng không nói ghét thành yêu.

Và trong quá trình khôi phục lại sự thật, dù chỉ cho chính mình, dù biết rằng đấy là công việc vô vọng, Winston Smith đã gặp và yêu Julia, một cô gái bề ngoài tưởng như rất yêu Đảng, rất chính thống, nhưng thâm tâm lại rất căm thù Đảng, căm thù dối trá.
Nhưng, họ đã bị Đảng phát hiện. Bị tra tấn dã man đến mức họ đã phản bội nhau. Tác phẩm kết thúc với một tương lai đầy u ám, khi nhân vật chính của chúng ta đầu hàng vô điều kiện và đã yêu Anh Cả, hiện thân của Đảng.

Câu chuyện này hẳn đã gợi lên trong tâm trí chúng ta sự kiện là ở đâu đó, một thời nào đó đã từng có một cái gì đó gần giống như thế. Nhưng thật may là cái gần giống như thế chưa chiếm được cả thế giới. Muốn tồn tại nó phải tạo ra xung quanh mình một bức màn sắt, nội bất xuất, ngoại bất nhập, cả con người lẫn tin tức. Nhưng chỉ cần một vài lỗ thủng trên bức màn sắt, đủ để người dân biết rằng ở ngoài kia, bên ngoài bức màn sắt vây quanh họ, một con chim hét nào đó có thể gửi tiếng hót vào thinh không – biểu tượng của quyền tự do vô vị lợi - mà không sợ bị ghi âm và không sợ một nhân viên nào đó của Bộ sự thật nghe lén là bức màn sắt đã sụp đổ tan tành. Và lúc đó, những người lạc quan nhất đã hồ hởi, phấn khởi tin rằng bức màn sắt sẽ không bao giờ xuất hiện nữa, từ nay chắc chắn là tất cả mọi người, ở tất cả mọi nơi đều có thể:

Yêu ai cứ bảo là yêu
Ghét ai cứ bảo là ghét.

Song, thưa quý vị, thái độ lạc quan như thế dường như là quá sớm.

Nhân danh an ninh và an toàn, tất cả các nước, kể cả những nước dân chủ và tự do nhất đều tăng cường những biện pháp theo dõi các công dân của mình, cả trong đời thực cũng như trên mạng. Và ở gần chúng ta nhất, theo ước tính của IHS Markit (Information Handling Services Markit – công ty chuyên cung cấp thông tin và phân tích), thì hiện Trung Quốc có 176 triệu camera chuyên theo dõi hành vi của các công dân, kế hoạch là năm 2020 sẽ có 450 triệu camera được lắp đặt khắp nơi để theo dõi 1,3 tỷ người, tức là cứ 3 người thì có một camera an ninh. Theo Văn phòng An toàn Công cộng Bắc Kinh (Beijing Public Safety Bureau), 100% dân chúng Bắc Kinh hiện đã nằm trong tầm giám sát của hệ thống camera này. Không những thế, Trung Quốc hiện đang có kế hoạch gọi là chấm điểm độ tin cậy xã hội của công dân. Tất cả những dữ liệu, từ những món hàng người dân mua trong các siêu thị, tài khoản ngân hàng, các khoản vay ngân hàng, những thứ họ xem, họ đọc, họ viết và chia sẻ, thậm chí những mối quan hệ, cả ngoài đời lẫn trên trên mạng, đều được thu thập và được chương trình chấm điểm đánh giá độ tin cậy. Những người có điểm tin cậy cao có thể dễ dàng xin chiếu khán đi châu Âu hay Mỹ, còn những người có điểm tin cậy thấp có thể không được đi máy bay hay tàu hỏa ngay cả ở trong nước. Và như thế, những người bất đồng chính kiến có thể bị đẩy ra ngoài lề xã hội. Còn những biện pháp khác như thao túng lịch sử, bóp méo và xuyên tạc ngôn ngữ, reo rắc kinh hoàng và thổi phồng nguy cơ chiến tranh thì vẫn được thực hiện một cách ráo riết như xưa, thậm chí còn được đẩy nhanh hơn nữa. Đáng ngại hơn, Trung Quốc là siêu cường, có ảnh hưởng rất lớn trên thế giới, các nước khác có thể bắt chước cách làm của Trung Quốc.

1984, NXB Vô Danh

Như vậy là, một lần nữa chúng ta thấy rằng thông điệp mà tác phẩm 1984 truyền tải vẫn đầy tính thời sự, thậm chí còn thời sự hơn, cấp bách hơn cả giai đoạn mà George Orwell chấp bút tác phẩm này. Và tự do, dù được coi là quyền đương nhiên, vẫn còn là thứ mà chúng ta phải luôn luôn tranh đấu để giành lấy, tự do không bao giờ là thứ cho không, không phải là thứ miễn phí.

Thưa quý vị,

Tác phẩm văn học lớn là tác phẩm tìm được sự đồng vọng trong lòng những người đọc thuộc những nền văn hóa khác nhau, ở những thời đại khác nhau. 1984 là tác phẩm như thế. Nó đã tìm được sự đồng vọng và cảm thông trong lòng những độc giả Việt Nam biết tiếng Anh, Nhưng để cho nó lan tỏa trong số đông độc giả tiếng Việt thì cần sự chung tay của rất nhiều người. Nhân dịp này, xin cho tôi được gửi lời tri ân tới nhà văn Phạm Thị Hoài và trang Talawas do chị sáng lập đã đăng bản dịch này cách đây đúng 14 năm. Tôi cũng xin cám ơn nhà xuất bản Giấy Vụn và nhà xuất bản Vô Danh đã in tác phẩm này và cám ơn Ban vận động thành lập văn đoàn độc lập Việt Nam đã đăng 1984 trên blog của mình và hôm nay lại trao cho nó phần thưởng rất cao quý. Xin được coi đây là phần thưởng dành cho tất cả những người đã góp sức làm cho bản dịch này được đánh giá cao và lan tỏa như ngày hôm nay.

Xin cám ơn.

Sài Gòn, 25 tháng 4 năm 2018

2 comments:

  1. Tác phẩm 1984 là lý thuyết còn Việt Nam là nơi thực hành của An Ninh Đông Đức. (http://nghiencuuquocte.org/2014/12/16/bo-an-ninh-quoc-gia-dong-duc-viet-nam/). Còn hơn cả "big brother is watching", an ninh Việt Nam cấy được little brother vào khắp nơi.

    Như tôi đã bình luận trong bài viết Ban tuyên giáo đòi rút tác phẩm, từ hai chục năm nay nhiều an ninh chìm được khéo léo cài vào các công ty liên doanh, công ty công nghệ, các tòa soạn báo, các nhà xuất bản, ... Đây là lý do mà an ninh dễ dàng bắt Trần Huỳnh Duy Thức, dễ dàng biết các địa chỉ email và nơi chứa các file tài liệu của Lê Công Định.

    Họ cũng đã cài người của mình là Đặng Hoàng Giang vào talawas, là Trần Nhật Quang (Thiên Lương) vào công ty sản xuất laptop đầu tiên của Việt Nam (Elead, do FPT) làm tổng giám đốc, cài Cao Việt Dũng vào talachu và viện văn học, cài Trương Huy San (thu nhận từ chiến trường Cam) vào Tuổi trẻ (cùng lúc Trương Minh Quốc bị cấm xuất cảnh thì Trương Huy San vẫn được đi tây). Họ đủ sức đưa Đặng Hoàng Giang từ một biên tập viên bị talawas đuổi cổ do bị phát hiện là an ninh cài vào thành một influencer hàng đầu hiện nay với vô số sách bán chạy, đưa Trương Huy San thành nhà báo lề trái hàng đầu, đưa Cao Việt Dũng thành nhà phê bình văn học kiêm dịch giả hàng đầu, đưa doanh nhân Trần Nhật Quang là facebooker phản biện đi ngược đám đông cực kỳ thành công kiêm dịch giả tiếng Nga có số má. Nếu tính các cơ quan quốc tế, BBC tiếng việt cũng có thể là ví dụ thành công trong cài người của an ninh việt Nam.

    Văn đoàn độc lập chết yểu do mâu thuẫn nội bộ cũng là vì bị an ninh đưa người vào phá. Chuyện này Nguyễn Quang Lập rõ nhất.

    Tuyên giáo và an ninh văn hóa đã tự biến hóa hành vi từ rất lâu. Tuyên giáo bây giờ thẳng tay đàn áp như công an. An ninh văn hóa đã có những người trở thành cây bút lớn có ảnh hưởng xã hội. Có thể kể đến Đặng Hoàng Giang, một an ninh thuộc dạng level max, được cài vào talawas thời kỳ đầu làm biên tập viên. Cho đến khi Giang bị Phạm Thị Hoài phát hiện và trục xuất thì đã kịp thu thập toàn bộ thông tin cộng tác viên và tài trợ. Hoặc Cao Việt Dũng đã lọt vào làm biên tập talachu. Khi talawas bị úp, Cao Việt Dũng chỉ "bị gọi lên" một buổi chiều rồi được về. Vụ này bị phát giác Cao Việt Dũng chống chế là đang là cán bộ viện văn nên phải hợp tác không sẽ mất việc. Một nhân vật cộm cán nữa đó là cựu tổng giám đốc FPT Elite nay là dịch giả Thiên Lương cũng là sĩ quan an ninh trùm dư luận viên.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Văn đoàn độc lập chết yểu từ khi nào vậy?

      Delete