March 12, 2018

Big-Data và Big Brother của Trung Quốc

Mark Leonard

Phạm Nguyên Trường


Quyết định của đảng Cộng sản Trung Quốc về việc bãi bỏ giới hạn nhiệm kỳ chủ tịch nước làm tăng khả năng là Chủ tịch Tập Cận Bình, nhà lãnh đạo nhiều quyền lực nhất kể thời khi Mao Trạch Đông, sẽ nắm quyền vô thời hạn. Và tệ sùng bái cá nhân Tập [Cận Bình] đang hình thành sẽ được củng cố bằng nhà nước giám sát nhiều quyền lực nhất trong lịch sử từ xưa tới nay.

Quyết định của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCS TQ) trong tuần này về việc bãi bỏ giới hạn nhiệm kỳ của chủ tịch nước dường như đã mở ra cánh cửa cho Chủ tịch Tập Cận Bình trở thành không chỉ là “Chủ tịch của mọi người” mà còn “Chủ tịch vĩnh viễn” nữa. Động thái này không chỉ gặp phải thái độ thất vọng trên khắp thế giới mà còn thúc đẩy cuộc tranh luận đang diễn ra giữa các chuyên gia về Trung Quốc về việc liệu mối đe dọa lớn nhất đối với Trung Quốc là hành pháp có quá nhiều hay quá ít quyền hành.

Hỏi nhiều quyền hay ít quyền dường như phụ thuộc phần lớn vào việc người đó là nhà nghiên cứu chính trị, nhà kinh tế hay chuyên gia công nghệ. Ví dụ, nhiều nhà nghiên cứu chính trị và các chuyên gia về luật pháp chống lại thay đổi, vì họ coi mô hình lãnh đạo tập thể mà ĐCS TQ thiết lập được sau năm 1979 là một trong những thành công lớn nhất của nó. Giới hạn về thời gian nắm quyền của mô hình này và hệ thống đánh giá của các chuyên gia đối với quá trình ra quyết định ở cấp cao đã cung cấp cho người ta những biện pháp kiểm soát cần thiết nhằm ngăn ngừa những thảm hoạ từng xảy ra dưới thời Mao, như Đại nhảy vọt và Cách mạng Văn hoá.

Trên thực tế, sự phân công, phân nhiệm sau năm 1979 đã tạo điều kiện cho người ta tiến hành đấu tranh về tư tưởng, đặc biệt giữa những người lãnh đạo Đoàn và giới tinh hoa ở các tỉnh ven biển ủng hộ tự do hóa kinh tế nhiều hơn nữa. Về nhiều mặt, Trung Quốc có thể vẫn là xã hội khép kín, nhưng các nhà hoạch định chính sách hàng đầu của họ đã tỏ ra sẵn sàng thử nghiệm và học hỏi thông qua thử và sai.

Trong khi đó, nhiều nhà kinh tế học ít lo lắng về việc hành pháp có quá nhiều quyền lực, vì họ nghĩ rằng chính phủ quá yếu, không đủ sức uốn nắn nền kinh tế khi cần thì còn nguy hiểm hơn. Tốc độ tăng trưởng giảm, nợ nần gia tăng theo hình xoáy trôn ốc - đặc biệt là các doanh nghiệp nhà nước - và các nhóm lợi ích cản trở quá trình cải cách cơ cấu là những thách thức đối với chính phủ trong giai đoạn hiện nay.

Hầu hết các nhà kinh tế học thừa nhận rằng mô hình lãnh đạo tập thể đã ngăn chặn được các thảm họa. Nhưng họ khẳng định rằng mô hình này cản trở cải cách, và tạo điều kiện cho ĐCS TQ trở thành tập thể tham nhũng và chủ nghĩa ô dù, không còn lý tưởng và không còn mục đích.

Năm 2013, khi hai nhiệm kỳ của Hồ Cẩm Đào chấm dứt, nhiều người sợ rằng mô hình lảnh đạo tập thể không phù hợp trong việc đối phó với những nhóm lợi ích thân căn cố đế, xử lý tình trạng bất bình đẳng và cung cấp hàng hoá công cộng thiết yếu nhất. Thật vậy, đầu năm 2007, thủ tướng Ôn Gia Bảo nói rằng kinh tế Trung Quốc là “không ổn định, không cân bằng, không được phối hợp và không bền vững”.

Ngược lại, các nhà kinh tế học khẳng định rằng Tập [Cận Bình] đã bắt đầu đảo lộn mọi thứ bằng cuộc đấu tranh để làm cho “Đảng trở thành sạch sẽ hơn”. Chiến dịch chống tham nhũng trên diện rộng của ông đã tống giam hàng nghìn cán bộ đảng ở tất cả các cấp, và tái lập niềm tin của quần chúng vào sự lãnh đạo của ĐCS TQ. Các nhà kinh tế học thừa nhận rằng chiến dịch của Tập [Cận Bình] còn loại bỏ được rất nhiều đối thủ tiềm tàng của ông ta. Nhưng họ cũng khẳng định rằng vị trí được củng cố của ông hiện giờ tạo điều kiện cho ông thay thế mô hình tăng trưởng dựa trên tín dụng bằng mô hình tăng trưởng bền vững hơn.

Tất nhiên là, tương lai mới biết quan điểm của họ đúng hay là không. Mặc dù Tập [Cận Bình] đã thành công trong việc củng cố quyền lực và kéo dài thời gian nắm quyền đến vô thời hạn, vẫn lý do để nghi ngờ rằng ông sẽ sẵn sàng mạo hiểm với mô hình kinh tế mới, nếu phát triển bền vững tỏ ra không tương thích với việc duy trì tăng trưởng với tốc độ cao.

Đây là lúc các chuyên gia công nghệ tham gia, bằng cách cung cấp những biện pháp nhằm sửa chữa hoặc tránh những sai lầm có thể xảy ra. Ngoài việc thay thế mô hình lãnh đạo tập thể bằng mô hình tập trung vào cá nhân nhà lãnh đạo tối cao, Tập [Cận Bình] cũng đã mở rộng đáng kể nhà nước giám sát. Chính phủ ngày càng sử dụng hệ thống camera giám sát (CCTV), dữ liệu lớn (big data), và trí tuệ nhân tạo để nghiên cứu những hành vi, niềm hy vọng, nỗi sợ hãi và khuôn mặt của các công dân Trung Quốc, nhằm ngăn chặn sự bất mãn và thách thức đối với quyền lực của nó.

Hơn nữa, dưới thời Tập [Cận Bình], chính phủ đã thiết lập được các cơ sở dữ liệu về “mức độ tin cậy xã hội” trực tuyến, mà cuối cùng có thể đưa ra một điểm số duy nhất về tất cả công dân Trung Quốc, trong đó có xếp hạng tín dụng, những hành vi được thực hiện trên mạng, hồ sơ về sức khoẻ, những biểu hiện về lòng trung thành với đảng và các thông tin khác .

Cái hay của chế độ độc tài dựa trên dữ liệu lớn (big data] là nó có thể tự bảo vệ mình mà không cần sử dụng nhiều hành động đe dọa và hình phạt trực tiếp, mà bằng những cú “hích” nhằm lèo lái quan điểm và hành vi của nhân dân. Và người dân Trung Quốc càng lên mạng nhiểu hơn thì chính phủ càng có có khả năng kiểm soát nhiều hơn những thứ họ nhìn thấy và làm trên mạng hơn.

Công nghệ số còn tạo điều kiện chính phủ phản ứng nhanh hơn trước sự bất mãn của công chúng hay ngăn chặn hoàn toàn, nếu biết trước hoặc dự đoán được những thay đổi trong công luận. Do sự kiện là nhiều chế độ độc tài sụp đổ vì không nắm được thông tin, công nghệ số có thể trở thành công cụ dự phòng mạnh mẽ hơn trong việc chống lại quá trình ban hành quyết định sai lầm hơn là giới hạn thời gian cầm quyền.

Nếu có một điều mà các nhà nghiên cứu chính trị học, các nhà kinh tế học, và các chuyên gia công nghệ có thể đồng ý với nhau thì đấy là Tập [Cận Bình] đang xây dựng chế độ giám sát mạnh mẽ nhất và xâm nhập vào mọi ngóc ngách nhất trong lịch sử loài người. Tương lai sẽ cho thấy cách tiếp cận của ông ta “làm cho Trung Quốc trở thành vĩ đại một lần nữa” sẽ tăng cường quyền lực của ông ta hay trở thành khiếm khuyết chết người. Nhưng khi Trung Quốc đóng vai trò ngày càng to lớn hơn trong nền kinh tế thế giới - thông qua các dự án đầu tư và cơ sở hạ tầng - khắp mọi nơi trên thế giới và trong nhiều năm tới người ta sẽ cảm thấy những chuyện đang xảy ra ở nước này. Theo một nghĩa nào đó, Tập có thể trở thành “chủ tịch vĩnh viễn của tất cả mọi người”.

Mark Leonard là Giám đốc Hội đồng quan hệ đối ngoại của EU.

Đã đăng trên Việt Nam Thời Báo

https://www.project-syndicate.org/commentary/xi-jinping-surveillance-state-by-mark-leonard-2018-02

No comments:

Post a Comment