October 21, 2017

Điều gì đang thực sự bị đe dọa tại Đại hội Đảng cộng sản Trung Quốc?


Jim O'neill

Phạm Nguyên Trường dịch


Cứ mỗi lần Đảng Cộng sản Trung Quốc tổ chức Đại hội, năm năm một lần, là các chuyên gia lại tha hồ suy đoán về những động lực chính trị đằng sau hậu trường. Nhưng họ nên tập trung vào việc liệu các nhà lãnh đạo Trung Quốc có đưa ra tín hiệu về sự liên tục hay những thay đổi liên quan đến các chính sách kinh tế và thương mại của đất nước này hay không.


Trong tháng này, các phương tiện truyền thông quốc tế chú ý nhiều đến Đại hội XIX thứ 19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), một sự kiện được tổ chức một cách cẩn thận, sẽ cho thấy ai “sẽ ở lại” với Chủ tịch Tập Cận Bình, còn “ai sẽ ra đi”.

Nhưng trong khi cần phải biết ai là người được Tập tin dùng, nhưng tôi không thấy vở diễn và những cuộc vận động ngầm của sự kiện này là đáng quan tâm như người ta cố ý làm như thế. Quan trọng hơn, liệu ban lãnh đạo Trung Quốc có hành động phù hợp với lời hứa của ĐCSTQ với đất nước có 1,3 tỷ người hay không.

Ngay trước khi Đại hội gần đây nhất, năm 2012, việc Tập không xuất hiện trước công chúng trong suốt hai tuần lễ đã làm người ta lo ngại. Nếu chuyện này xảy ra một lần nữa trong năm nay, sẽ có tiếng chuông báo động. Và, nếu chương trình nghị sự cho 5 năm tới, do Tập trình bày, gợi ý rằng ông ta và lãnh đạo của ĐCSTQ đang bị mất tín nhiệm và đang chiến đấu nhằm duy trì khế ước kinh tế và xã hội của đảng với nhân dân thì Đại hội XIX sẽ rất cần quan tâm. Nhưng tôi ngờ rằng chúng ta lo lắng quá mức.

Những câu hỏi thích đáng hơn xuất hiện trong tâm trí - đặc biệt là hai câu sau đây. Thứ nhất, tốc độ gia tăng khiêm tốn người tiêu dùng ở Trung Quốc có tiếp tục giữ được tốc tăng trường là 6-7%/ năm? Và, thứ hai, Sáng kiến Một Vành Đai, Một Con Đường (BRI) còn khá mơ hồ - có tiếp tục là ưu tiên hàng đầu của ban lãnh đạo Trung Quốc hay không?

Đối với câu hỏi thứ nhất, mặc dù tăng trưởng có chậm đi trong năm nay, Trung Quốc vẫn sẽ đưa thêm khoảng 1 nghìn tỷ USD hoặc hơn vào GDP danh nghĩa của mình, làm cho nền kinh tế đạt mức 12 nghìn tỷ USD vào cuối năm nay - gần gấp đôi quy mô nền kinh tế vào năm 2010. Chắc chắn là 12 nghìn tỷ USD chỉ là hai phần ba quy mô của nền kinh tế Mỹ; nhưng thêm 1 ngàn tỷ USD trong năm nay là con số mà chỉ có 15 nền kinh tế lớn nhất thế giới đạt được mà thôi. Lớn hơn toàn bộ GDP của Indonesia hay Thổ Nhĩ Kỳ, và gần bằng nền kinh tế Mexico.

Theo số liệu chính thức, tiêu dùng cá nhân ở Trung Quốc chỉ chiếm 39,2% GDP. Rất thấp so với tiêu chuẩn của hầu hết các nền kinh tế thu nhập cao, nhưng năm 2010 tiêu dùng chỉ chiếm 35,5% GDP mà thôi. Tức là từ năm 2010, tiêu thụ đã tăng thêm 2,58 nghìn tỷ USD – khoản gia tăng này còn lớn hơn toàn bộ nền kinh tế Ấn Độ. Gia tăng tiêu thụ của Trung Quốc là yếu tố quan trọng nhất trong gia tăng tiêu thụ trên toàn cầu.


Nếu gia tăng tiêu thụ của Trung Quốc tiếp tục đi theo quỹ đạo khiêm tốn này cho đến năm 2020, thì lúc đó cũng chỉ chiếm hơn 41,5% GDP một chút, tức là gần 2 nghìn tỷ USD. Nhưng, có một số bằng chứng cho thấy, tiêu thụ của Trung Quốc có thể sẽ gia tăng nhanh hơn.

Vì vậy, câu hỏi thực sự dành cho các nhà quan sát Trung Quốc trên khắp thế giới là chuyện gì xảy ra tại Đại hội XIX sẽ ảnh hưởng tới xu hướng này. Nếu xu hướng này tiếp tục hoặc tăng tốc, tiêu dùng của Trung Quốc có thể bắt đầu tiến gần tới một nửa tiêu dùng ở Mĩ, đây sẽ là dấu hiệu cực kỳ đáng khích lệ, nó chỉ ra rằng nền kinh tế thế giới đang trải qua quá trình tái cân bằng cực kì cấp bách.

Còn câu hỏi thứ hai, tôi nghĩ rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục chính sách Một Vành Đai, Một Con Đường, nhất là trước những lo lắng về thương mại đang gia tăng trên khắp thế giới. Mặc dù chúng ta chưa biết động lực thực sự của dự án lớn này, nhưng cũng có thể giả định rằng liên kết Trung Quốc, Châu Âu và những nơi khác bằng cơ sở hạ tầng tốt hơn sẽ có tác động tích cực đáng kể đối với thương mại thế giới.

Nói rõ là, tôi không nghĩ rằng Một Vành Đai, Một Con Đường cũng quan trọng như người tiêu dùng Trung Quốc đối với nền kinh tế thế giới. Nhưng về thương mại, tác động của nó có thể là rất lớn. Một Vành Đai, Một Con Đường có ảnh hưởng trực tiếp tới 65 quốc gia, trong đó có Nga và Ấn Độ, cùng với Trung Quốc là ba trong số bốn nước BRIC (còn lại là Brazil). Và 9 trong số 11 nền kinh tế mới nổi đông dân sau Trung Quốc nằm trong khu vực địa lý rộng của Một Vành Đai, Một Con Đường.

Hầu hết các nước này vẫn chưa đạt được thành công trong việc tháo gỡ tiềm năng kinh tế như Trung Quốc. Nhiều nước trong số này dành nhiều nguồn lực cho những cuộc đấu đá nội bộ hoặc xung đột với nhau hơn là tham gia vào nền thương mại quốc tế. Nhưng với Một Vành Đai, Một Con Đường, thương mại xuyên biên giới có thể gia tăng, và có thể tạm gác một số cừu hận, nhân dân trong khu vực sẽ được lợi.

Thật vậy, hàm ý địa chính trị của Một Vành Đai, Một Con Đường thú vị hơn hẳn cơ sở hạ tầng của nó. Một Vành Đai, Một Con Đường có thể cải thiện một cách tế nhị, nhưng với mức độ đáng kể các mối quan hệ giữa Trung Quốc và các nước láng giềng, và giữa các nước láng giềng của Trung Quốc với nhau.

Quan hệ của Trung Quốc với Ấn Độ và các nước khác trên Tiểu Lục địa Ấn Độ có tầm quan trọng đặc biệt. Khi Tập tổ chức hội nghị khu vực nhằm thúc đẩy Một Vành Đai, Một Con Đường vào tháng 5, Thủ tướng Ấn Độ, Narendra Modi, đã không tham gia, gây thất vọng lớn cho các nhà lãnh đạo Trung Quốc. Nhưng sau đó, tại hội nghị thượng đỉnh BRICS, vào tháng 9, Trung Quốc và Ấn Độ dường như đã đạt được một bước đột phá ngoại giao quan trọng đối với những tranh chấp lãnh thổ giữa hai. Nếu việc này trở thành sự khởi đầu của việc nối lại tình hữu nghị có giới hạn giữa Ấn Độ và Ấn Độ, và nếu các đối thủ khác trong khu vực đi theo, thì Một Vành Đai, Một Con Đường có thể sẽ là chính sách mang tính bước ngoặt.

Vì vậy, khi bạn đọc bài phân tích về Đại hội XIX ĐCSTQ trên tờ báo mà bạn yêu thích, xin quá lo lắng về âm mưu. Hai câu hỏi thực sự quan trọng là liệu tăng trưởng do tiêu dùng ở Trung Quốc có ngưng lại hay không; và liệu Một Vành Đai, Một Con Đường có bị xếp xó hay không. Cả hai đều không tốt cho nền kinh tế toàn cầu. Nhưng, thật may là, dường như không có khả năng xảy ra những chuyện như thế.

Jim O'Neill, cựu chủ tịch Goldman Sachs Asset Management và cựu thư kí về thương mại thuộc Bộ tài chính Anh, Giáo sư danh dự ở Đại học Manchester và là cựu Chủ tịch tạp chí the Review on Antimicrobial Resistance .

Đã đăng trên Dân Luận

Nguồn: https://www.project-syndicate.org/commentary/ccp-19th-congress-china-economy-by-jim-o-neill-2017-10

No comments:

Post a Comment