July 28, 2017

Trung Quốc và cuộc khủng hoảng ở Venezuela

Dr. Antonio C. Hsiang

Phạm Nguyên Trường dịch

Mỹ và Trung Quốc tranh giành ảnh hưởng ở Mỹ Latin, họ sẽ phải đối mặt với những vụ lộn xộn ở Venezuela.


Ngày 16 tháng 7, bảy triệu người dân Venezuela đã bỏ phiếu bác bỏ kế hoạch triệu tập Hội đồng Lập hiến của Tổng thống Nicolás Maduro. Sự kiện này không ngăn được ước muốn viết lại hiến pháp Venezuela của Maduro, tiếp tục kéo dài thảm hoạ về nhân đạo, kinh tế và chính trị đang diễn ra ngay trước mắt mọi người. Cuộc khủng hoảng đã đạt đến đỉnh điểm, Venezuela hiện nay là thử thách khó khăn cho phần còn lại của Mỹ Latin và - có lẽ trong thời đại toàn cầu hoá hiện nay, không ai ngạc nhiên – nó còn là thử thách đối với cả Mỹ và Trung Quốc nữa.

Những năm tháng của Maduro

Chính quyền Maduro đã gặp nhiều khó khăn từ khá lâu rồi. Vị tổng thống vốn là tài xế xe buýt đã phải vật lộn trong một thời gian dài nhằm thoát khỏi cái bóng quá lớn của cựu Tổng thống Hugo Chavez. Thật vậy, ngay trước cuộc bầu cử tháng 4 năm 2013, Maduro tuyên bố rằng Chávez đã xuất hiện trước mắt ông ta như một “con chim rất nhỏ” và chúc phúc cho nhiệm kỳ tổng thống của ông. Sau đó, năm 2014, Maduro nói rằng một “con chim nhỏ” nói với ông rằng Chávez “vui và yêu lòng trung thành của nhân dân nước mình”.

Nhưng nếu con chim nhỏ là phép ẩn dụ mà Maduro dành cho nhân dân Venezuela, thì ông đã sẵn sàng đối xử với nhân dân một cách tàn nhẫn và vô lý. Sử dụng bộ máy chính chính quyền, chính sách và ham muốn quyền lực, Maduro đã đưa Venezuela “lâm vào một trong những cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất trong lịch sử khu vực”, Moises Rendon, chuyên gia làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (Center for Strategic and International Studies), viết như thế.

Maduro có vai trò và làm cho vai trò của đất nước trở thành xấu đi. Là một chính trị gia, ông ta không có sức quyến rũ. Và những kế hoạch cứng rắn bám víu quyền lực của ông ta làm người ta khó chịu. Sau khi phe đối lập chiếm được đa số ghế trong cuộc bầu cử cơ quan lập pháp vào năm 2015, Maduro quyết liệt chuyển sang chế độ độc tài bằng cách gây ra cuộc tự đảo chính. Với sự hợp tác của Toà án Tối cao Venezuela, Maduro tuyên bố Quốc hội là tổ chức vi hiến. Nhân dân Venezuela phản ứng ngay lập tức và đầy bạo lực, với các cuộc biểu tình quần chúng tràn ngập đường phố, kéo dài suốt nhiều tháng trời.

Sau đó, ngày 1 tháng 5 năm 2017, Maduro thông báo thành lập Hội đồng Lập hiến pháp, các thành viên của hội đồng sẽ được chọn vào ngày 30 tháng 7 năm 2017. Đây là nỗ lực trơ trẽn nhất của Maduro nhằm đảm bảo cho ông ta vĩnh viễn giữ được quyền lực độc đoán. Trớ trêu là, Maduro tuyên bố rằng mục đích của cuộc Hội đồng Lập hiến này là đánh bại “chủ nghĩa phát xít” mà lực lượng đối lập chính trị của ông ta đang thực hiện, cho dù quá trình này được lấy thẳng từ các những cuốn sách của chủ nghĩa phát xít châu Âu thế kỷ 20. Mỗi một thành phố trong số 340 thành phố của Venezuela sẽ bầu một thành viên hội đồng, các thủ đô của bang thì được bầu hai thành viên. Hàm ý trên thực tế là các thành phố ủng hộ phe đối lập sẽ không có đủ người đại diện. Trong khi đó, chế độ của Maduro sẽ chọn thêm 181 thành viên từ các nhóm khác nhau trong cả nước.

Ngày 4 tháng 7 năm 2017, Bộ trưởng tư pháp Venezuela, Luisa Ortega và là người từ lâu vẫn ủng hộ Chavez nói rằng Tòa án tối cao là bất hợp pháp và là “gánh xiếc” không phù hợp với hiến pháp, khi bà nhắc lại những lời phản đối kế hoạch của Maduro trong việc viết lại hiến pháp. Một ngày sau, các lực lượng do chính phủ ủng hộ đã tấn công Quốc hội theo lời khẳng quyết của Phó Tổng thống, Tareck El Aissami, nói rằng cơ quan lập pháp bị nhóm đầu sỏ “bắt làm con tin”.

Kết quả trực tiếp của việc Maduro chiếm đoạt quyền lực là hơn 100 người thiệt mạng, 1.000 người bị thương và gần 3.000 người bị bắt trong làn sóng biểu tình và bạo lực diễn ra trong thời gian gần đây. Một nghiên cứu mới đây cho thấy 75% người dân, do thiếu lương lực mà trọng lượng đã giảm trung bình 19 pounds (1 pound = 0,45 kg). Hơn 10 triệu người Venezuela mỗi ngày chỉ được ăn hai bữa hay chưa được hai bữa. Và, mặc dù tình hình là rất nghiêm trọng, chính phủ Maduro đã dùng thời gian để phát ra những lời từ chối đầy tức giận, chứ không tìm kiếm sự giúp đỡ. Ví dụ, phản ứng lại lới cảnh báo của Donald Trump, Maduro đã buông lời mắng nhiếc khi nói với Tổng thống Mỹ, “hãy rút bàn tay lợn của ngươi ra khỏi đây”.

Kỳ lạ là, cho đến lúc này, các nước Mỹ Latin nói chung vẫn im lặng. Jared Genser, luật sư nhân quyền quốc tế và biên tập viên tạp chí Kỳ Nguyên Nhân quyền của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, nhận xét rằng, “Tổ chức các nước châu Mỹ … đã không thể hành động theo những điều khoản của Hiến chương Dân chủ nhằm chống lại quá trình chuyển hoá sang chế độ độc tài trơ tráo của Maduro”.

Nếu sau hội nghị ngày 30 tháng 7 này mà Maduro thực sự thành công trong việc viết lại hiến pháp thì chắc chắn là ông ta sẽ hủy bỏ các cuộc bầu cử đã được sắp xếp và gạt sang một bên tất cả các cơ quan nhà nước, đặc biệt là Quốc hội được bầu lên theo lối dân chủ.

Điều đó có ý nghĩa gì đối với Mỹ và Trung Quốc?

Thứ nhất, cuộc khủng hoảng ở Venezuela là thử thách quan trọng về quyết tâm của Mỹ trong khu vực. Mặc dù nhiều người nhận thức được rằng tình hình đang xấu đi, Mỹ vẫn còn có ít hành động. Theo Michael Shifter, Chủ tịch tổ chức Đối thoại Liên Mỹ (Trung tâm nghiên cứu, trao đổi và thông tin về các vấn đề của Tây Bán Cầu, có trụ sở tại Wasington) nói rằng, “Venezuela là một trong những cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất đang diễn trong ở khu vực và thực sự cần Bộ ngoại giao Mỹ áp lực một cách mạnh mẽ”. Nhưng, Ngoại trưởng Mỹ, Rex Tillerson, vẫn không hiện diện trong các cuộc họp quan trọng ở Tây Bán Cầu. Ngày 31 tháng 5, ông không tham gia cuộc họp các bộ trưởng ngoại giao của các nước thành viên OAS (Tổ chức các nước châu Mỹ) và cũng hủy bỏ kế hoạch đã thông báo trước đó là sẽ tham dự cuộc họp quan trọng của các bộ trưởng ngoại giao OAS ở Cancun, Mexico, trong các ngày 19 và 20 tháng 6 để bàn về tình hình Venezuela.

Đáng lẽ chuyện này không thể diễn ra vào thời điểm xấu hơn trước đây đối những lợi ích địa-chiến-lược của Mỹ. Trong khi Washington và chính quyền Trump vẫn tiếp tục trì hoãn, không chịu giải quyết các vấn đề liên quan đến Mỹ Latin thì Trung Quốc đã bắt đầu trở thành tay chơi trong khu vực Mỹ Latin. Chile, Peru, Bolivia và Venezuela gần đây đã trở thành thành viên của Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng Châu Á (AIIB), một tổ chức do Trung Quốc lãnh đạo. Tại một cuộc họp báo chung, chủ tịch AIIB, người Trung Quốc, Jin Liqun, nói với Tổng thống Michele Bachelet của Chile rằng, “Cơ sở hạ tầng tốt hơn ở Châu Á sẽ tạo điều kiện để hàng hoá của Chile tiếp cận các thị trường mới, đến lượt mình, những khoản đầu tư nhiều hơn vào cơ sở hạ tầng của Chile sẽ gắn kết hơn nữa châu Á và Mỹ Latin vĩ đại”. Giữa tháng 5 vừa qua, Bachelet và Tổng thống Argentina, Mauricio Macri, đã tham gia diễn đàn Một Vành Đai, Một Con Đường được tổ chức ở Bắc Kinh.

Những bước đi hướng tới quá trình hội nhập sâu hơn giữa Trung Quốc và Mỹ Latin phải là hồi chuông báo động đối với chính quyền Trump. Mỹ có nguy cơ bị mất ảnh hưởng ở Tây Bán Cầu mà nước này từng được hưởng trong hơn một thế kỷ. Bước đầu tiên nhằm sửa chữa sự thờ ơ của Washington là Tillerson bổ nhiệm càng nhanh càng tốt một người phù hợp để lấp chỗ trống trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao về các vấn đề của Tây Bán Cầu.

Thứ hai, cuộc khủng hoảng sẽ là thử thách đối với chính sách “Đi ra” của Trung Quốc. Suốt mấy năm qua, thực chất là chính phủ Trung Quốc đã giữ cho chính phủ Maduro sống lay lắt bằng cách mua dầu của Venezuela. Nhưng bây giờ Bắc Kinh phải ngừng lãng phí những đồng tiền có giá trị sau khi đã lãng phí khá nhiều rồi, vì dường như các khoản đầu tư không mang lại bất kỳ khoản thu nhập nào, nếu Maduro còn nắm quyền.

Thật vậy, đối với Bắc Kinh, chính sách “Đi ra” của Trung Quốc đã trở thành con dao hai lưỡi. Một mặt, nó đã tạo ra những cơ hội có một không hai nhằm tăng cường quan hệ song phương giữa Trung Quốc và các nước Mỹ Latin. Mặt khác, nó thúc đẩy các khoản cho vay đầy rủi ro, gây thiệt hại cho các nhà đầu tư Trung Quốc, trong khi lại làm chỗ dựa cho các chế độ có nhiều vấn đề. Chính sách “Đi ra” tập trung vào các mối quan hệ kinh tế chứ không tập trung vào khả năng sống sót của các chế độ ở Mỹ Latin, chính sách này có thể làm cho Trung Quốc gặp những rủi ro không cần thiết. Vì vậy, đây là lúc Trung Quốc phải đánh giá lại những ưu tiên ưu đãi trong chính sách của họ, cụ thể là đối với Venezuela.

Thứ ba, cuộc khủng hoảng sẽ là thử thách của Mỹ Latin về quyết tâm truy tố các cựu lãnh đạo nhà nước về những tội lỗi mà họ đã phạm trong thời gian cầm quyền. Thật vậy, liệu Maduro có phải trả lời trước toà án về việc tiếm quyền của ông ta sẽ là thử thách ấn tượng nhất về lòng quyết tâm vừa nói. Liệu Venezuela có làm theo những biện pháp mà nhiều nước châu Mỹ Latin đã chủ động làm trên mặt trận này? Ở Guatemala, cựu Tổng thống Otto Perez bị bắt giam sau khi một thẩm phán ra lệnh bắt ông ta vào năm 2015. Ở Peru, công tố viên German Juarez cáo buộc cựu Tổng thống Ollanta Humala: “Một tổng thống giành được chức vụ tổng thống và cai trị chúng ta bằng chiến dịch bầu cử được tiến hành bởi những đồng tiền bất hợp pháp”. Ngoạn mục nhất là, thẩm phán Sergio Moro đã kết án cựu Tổng thống Braxin Luiz Inácio Lula da Silva tới gần mười năm tù.

Cách hành xử độc đoán của Maduro có thể đã đưa ông ta đến ngày phán xử cuối cùng. Ngay cả Bộ trưởng tư pháp của ông ta, Luisa Ortega, cũng đã trở thành người phê phán không khoan nhượng. Theo Ortega, Hội đồng Lập hiến sẽ “hoàn thành công việc dỡ bỏ hoàn toàn chế độ dân chủ”. Hiện nay Maduro vẫn được nhiều người ở Venezuela ủng hộ, nhưng tình hình đang thay đổi, cả ở trong nước lẫn trên trường quốc tế.

Ngày 17 tháng 7 vừa qua, Tổng thống Mỹ, Donald Trump, đã gọi Maduro là “nhà lãnh đạo tồi tệ, ông ta mơ ước trở thành một nhà độc tài”, trong khi hứa rằng Mỹ sẽ “không khoanh tay nhìn Venezuela sụp đổ”. Mặc dù Washington đã gần như không chú ý tới tình hình đang thay đổi nhanh chóng ở Venezuela, những lời nhận xét của Trump cho ta hy vọng rằng áp lực từ bên ngoài sẽ bắt đầu gia tăng nhằm chống lại việc bám víu đầy tai hoạ vào quyền lực của Maduro. Những tuần tiếp theo sau đây sẽ là giai đoạn cực kì quan trọng, cuộc khủng hoảng này đã diễn ra quá lâu, cần phải giải quyết ngay.

Dr. Antonio C. Hsiang là giáo sư và giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh tế và thương mại Mỹ Latin ở Chihlee University of Technology, Đài Loan.

Đã đăng trên Việt Nam Thời Báo

Nguồn: http://thediplomat.com/2017/07/china-and-the-venezuela-crisis/

No comments:

Post a Comment