July 30, 2017

Những chiến sĩ đấu tranh vì tự do ở Venezuela

Miguel Rodriguez Mendoza

Phạm Nguyên Trường dịch

Miguel Rodriguez Mendoza

Sau mấy tháng trời bạo động và những cuộc biểu tình chống chính phủ, Venezuela đang tiến gần tới bờ vực về mặt chính trị. Nỗ lực của Tổng thống Nicolás Maduro trong việc chuyển sang chế độ độc tài sẽ đạt cực điểm vào ngày 30 tháng 7, với việc bầu Hội đồng Lập hiến đã được lên kế hoạch nhằm viết lại hiến pháp của nước này. Và mặc dù vẫn còn đủ thời gian để thay đổi hướng đi, con đường quay trở lại với chế độ dân chủ đang nhanh chóng mờ nhạt dần.


Tháng 5 vừa qua, khi Maduro công bố kế hoạch thiết lập Hội đồng Lập hiến, ông ta nói rằng đấy là biện pháp khôi phục lòng tin vào chính phủ của mình, một chính phủ từng phải vật lộn nhằm phục hồi sau vụ suy thoái kinh tế do giá dầu giảm. Nhưng càng đến gần ngày bỏ phiếu thì người ta càng nhận thức được một cách rõ ràng ý định của Maduro luôn luôn vẫn là củng cố quyền lực của ông ta và áp đặt đầu lên cổ 31 triệu người Venezuela hệ thống xã hội chủ nghĩa giả mạo và độc đoán. Bằng cách đánh tráo kết quả cuộc bỏ phiếu, thay bằng các ứng cử viên được ông ta lựa chọn, vị tổng thống này dường như sẵn sàng sử dụng mọi phương tiện nhằm duy trì quyền lực.

Ngay từ đầu tháng này, thế giới đã nắm được mục đích thực sự của Maduro. Ngày 5 tháng 7, các lực lượng bán quân sự do chính phủ chống lưng, cấu kết với Bộ Quốc phòng, tấn công Quốc hội do phe đối lập kiểm soát. Các chính trị gia và nhân viên đã bị bắt giữ trong vòng sáu tiếng đồng hồ; một con tin, Chủ tịch Quốc hội, Julio Borges, miêu tả cuộc bao vây như là bằng chứng chứng tỏ rằng đất nước này đã lâm vào tình trạng “vô chính phủ”.

Cuộc tấn công vô liêm sỉ này xảy ra trước cuộc trưng cầu dân ý do các đảng đối lập tổ chức nhằm đánh giá sự ủng hộ đối với kế hoạch soạn thảo hiến pháp của Maduro. Nếu trước cuộc trưng cầu dân ý ngày 16 tháng 7, Tổng thống chưa nắm được tình cảm của đa số người dân thì sau đó: Hơn 7 triệu người tham gia, 98% bác bỏ đề nghị này - sự phủ nhận chính phủ Maduro mà ai cũng thấy.

Để tiến hành cuộc trưng cầu dân ý, chỉ trong vài ngày Mesa de la Unidad Democrática (MUD), tổ chức của phe đối lập đã kích hoạt xong một mạng lưới các trung tâm bỏ phiếu, hoạt động hoàn toàn minh bạch. Và bằng cách tổ chức cuộc trưng cầu dân ý này, MUD đã tìm cách làm - với một lá phiếu - những việc mà Maduro không làm được trong suốt nhiệm kỳ tổng thống của ông ta: Thống nhất đất nước.

Trái ngược với những sáng kiến bầu cử do chính phủ tổ chức, tất cả người dân Venezuela, dù ở phe phái chính trị nào, cũng đều được mời tham gia và bày tỏ quan điểm của mình. Đối với những người quan sát cuộc bỏ phiếu, đây là lời nhắc nhở rằng, mặc dù Venezuela hiện đang bị quản lý kém, nhân dân vẫn sẵn sàng chiến đấu vì đất nước và các thiết chế dân chủ của mình.

Cuộc trưng cầu dân ý của MUD đã tạo ra vũ đài cho cuộc khủng hoảng sẽ bùng lên trong tuần này. Các nhóm đối lập và người biểu tình đang tiến hành tẩy chay cuộc bỏ phiếu bầu Hội đồng Lập hiến, nhưng quá trình củng cố quyền lực mà Maduro đang tìm kiếm sẽ không phải là vấn đề duy nhất nằm trong tâm trí họ. Người biểu tình còn kêu gọi chính phủ thả chính trị phạm, giữ nguyên hiến pháp hiện nay và thành lập chính phủ thống nhất quốc gia nhằm phục hồi ổn định kinh tế và chính trị.

Với phần đặt cược cao như thế, không có gì ngạc nhiên khi chính phủ Maduro ngay lập tức tìm cách làm mất uy tín cuộc trưng dân ý ngày 16 tháng 7. Trong khi người ta còn đang kiểm phiếu thì người đứng đầu Hội đồng Bầu cử Quốc gia, Tibisay Lucena, đã lên tiếng bác bỏ quy trình bỏ phiếu, nói là không hợp lệ và không có giá trị pháp lý.

Nhưng nếu cuộc tấn công vào Quốc hội đã không dẹp được sự tức giận của dân chúng, thì việc chính phủ phủ nhận kết quả trưng cầu dân ý cũng tạo ra kết quả như thế. Chọn lựa được ưa thích của nhân dân Venezuela là tiến lên một cách hòa bình, theo những đề xuất hồi năm ngoái của Vatican: Kêu gọi tiến hành bầu cử tổng thống trước kì hạn, thành lập nghị viện có quyền tự chủ hơn và một số biện pháp khác. Về phần mình, Quốc hội đã bắt đầu đưa ra lộ trình chính xác nhằm thực hiện các yêu cầu tương tự, được thông qua trong cuộc trưng cầu dân ý ngày 16 tháng 7.

Hơn thế nữa, Maduro đang gặp áp lực buộc phải hủy bỏ cuộc bầu chọn thành viên Hội đồng Lập hiến. Colombia, Pháp, Tây Ban Nha, Liên minh Châu Âu và Mỹ đã kêu gọi ông ta huỷ bỏ cuộc bỏ phiếu, còn Tổng thống Mỹ, Donald Trump, thì đe dọa sẽ có những biện pháp trừng phạt mới, nếu cuộc bầu chọn được tiến hành. Tinh thần đoàn kết là tốt, nhưng nó sẽ không đủ sức thay đổi quỹ đạo hiện nay. Cần phải có nhiều áp lực hơn trong khu vực, phải nhanh chóng lập lại trật tự nếu bạo loạn tiếp tục diễn ra.

Chế độ này vẫn có thể chặn đứng được vòng xoáy đi xuống của Venezuela và người dân Venezuela đã thể hiện rõ ràng rằng họ đang quyết tâm chiến đấu cho tương lai của đất nước mình. Để chắc chắn rằng chế độ dân chủ sẽ trở về với đất nước Venezuela, cộng đồng quốc tế cũng phải đứng lên cùng với họ.

Miguel Rodriguez Mendoza, cựu phó giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), hiện là tư vấn về các vấn đề thương mại và kinh tế quốc tế.

Đã đăng trên Dân Luận


Nguồn: https://www.project-syndicate.org/commentary/venezuela-deepening-political-crisis-by-miguel-rodriguez-mendoza-2017-07

No comments:

Post a Comment