July 26, 2017

Cải biến chính quyền thông qua cải biến xã hội

Lưu Hiểu Ba

Phạm Thị Hoài dịch


Bài viết sau đây được nhiều lần nhắc đến trong bản án ngày 25.12.2010 của Nhân dân Pháp viện số 1 tại Bắc Kinh đối với nhà văn và nhà hoạt động chính trị Lưu Hiểu Ba, như một chứng cứ về tội “xúi giục lật đổ chính quyền”. Trong lời tự bào chữa trước đó, ông Lưu Hiểu Ba cũng dẫn ra chính bài viết này để bác bỏ lập luận trên, song tranh tụng trong một vụ án chính trị ở một quốc gia độc tài dĩ nhiên là vô nghĩa. Ông không còn sống nữa để thấy thành tựu của con đường cải cách hòa bình mà mình theo đuổi. Tất cả những điều ông nói về Trung Quốc dường như đều trùng khít với Việt Nam. Tôi cũng muốn tin rằng đó là con đường khả dĩ hơn cả với quê hương tôi, dù các chế độ độc tài châu Á những thập niên qua chỉ đổi màu mà trước sau không thay đổi bản chất và thậm chí đang quyến rũ thế giới.

Người dịch

Sau hơn hai mươi năm cải cách, do Đảng Cộng sản Trung Quốc trước sau vẫn tự tư quyền lực và sức mạnh của xã hội dân sự còn quá phân tán, trước mắt tôi không thấy một lực lượng chính trị nào đủ sức cải triều hoán đại; trong nội bộ guồng máy chính thống không có những nhân vật khai minh cấp tiến như Gorbachev hay Tưởng Kinh Quốc, và xã hội dân sự cũng không có cách nào tích tụ lực lượng đủ để cạnh tranh với chính thể tập quyền. Vì thế, chuyển hóa Trung Quốc thành một đất nước tự do, hiện đại buộc phải là một quá trình tiệm tiến dài lâu với những khúc quanh và bước lùi. Thời gian để làm việc đó có thể vượt quá hình dung của cả những người bảo thủ nhất.

So với cường quyền của Đảng Cộng sản, xã hội dân sự hiện vẫn còn quá nhỏ nhoi, dũng khí công dân còn quá yếu ớt và ý thức công dân còn quá non nớt. Xã hội dân sự mới ở giai đoạn nảy mầm và trong ngắn hạn chưa đủ sức sinh sôi thành một lực lượng chính trị hùng mạnh để thay thế chế độ cộng sản. Trong tình huống đó, mọi cương lĩnh, kế hoạch hay hành động hướng tới một sự cải biến cấp tốc chế độ hiện tại đều không khác gì những lâu đài trên mây.

Nhưng điều đó không có nghĩa tương lai một Trung Hoa tự do là vô vọng. Bởi lẽ, sau Mao, không một nhà lãnh đạo cực quyền nào còn có thể một tay che cả bầu trời chính trị Trung Quốc. Ở đó đã bắt đầu có những vệt sáng trên nền hắc ám. Quan hệ giữa chính quyền và người dân không chỉ là những tam hô vạn tuế ngưỡng vọng, còn lại là bóng tối im lìm như xưa nữa. Trái lại, sự xơ cứng chính trị của quan quyền và sự thức tỉnh của quyền công dân, sự trấn áp của chính quyền và sự phản kháng của người dân, đều song hành tồn tại. Chế độ vẫn độc tài như bao giờ, song xã hội không còn ngu muội. Quan chức vẫn độc đoán như bao giờ, song phong trào dân quyền không hề tàn lụi. Pháp đình tù ngục vẫn khủng bố, song không còn răn đe uy hiếp được toàn dân. Chính quyền vẫn nuôi dưỡng tâm lý địch thù, song những ai bị coi là “nhạy cảm” không còn bị tránh như ôn dịch.

Thời Mao, sự thống trị cực quyền sở dĩ được xác lập vì bốn điều kiện sau đây được đáp ứng:

1.

Một sự quốc hữu hóa toàn diện, dẫn đến triệt tiêu mọi khả năng tự chủ kinh tế của các cá nhân, biến chính quyền thành người bảo mẫu toàn năng của quốc dân, khiến từ lúc nằm nôi đến lúc xuống mồ người dân hoàn toàn lệ thuộc vào chính quyền về kinh tế.

2.

Một hệ thống tổ chức thâu tóm tất cả, dẫn đến triệt tiêu mọi tự do cá nhân; đứng trong tổ chức là khả năng duy nhất chứng minh tư cách pháp nhân của mỗi người; ly khai tổ chức tức đi một bước là khó một bước; từng cá nhân đều phụ thuộc vào chế độ đến mức nằm ngoài sự bao cấp toàn diện của tổ chức đồng nghĩa với việc bị đẩy ra rìa xã hội.

3.

Một bộ máy chuyên chính bạo lực áp dụng cho toàn bộ cơ thể xã hội. Một bầu không khí độc tài hình thành từ chế độ lấy người trị người cực đoan và tâm lý địch thù, toàn dân là chiến sĩ, nhà nhà cảnh giác, nơi nơi kiểm soát, mỗi cặp mắt là một thiết bị giám sát, mỗi cá nhân đều chịu sự giám sát của một đơn vị, một khu phố, một tổ hàng xóm hay thậm chí của cả bạn bè và người thân.

4.

Sức huy động và mê hoặc của một ý thức hệ hòa cùng áp lực độc tài tinh thần từ những cuộc vận động quy mô lớn trong dân chúng, tệ sùng bái cá nhân hòa cùng uy quyền tuyệt đối của lãnh tụ dẫn đến chế độ kiểm soát tư tưởng, nơi chỉ một bộ não có thể khống chế và quyết định tư duy của toàn dân và những ai bị coi là bất đồng chính kiến không chỉ bị bức hại về kinh tế, chính trị và địa vị xã hội, mà còn bị sỉ nhục về phẩm giá, thanh danh và tinh thần. “Phê đảo phê xú”, phê đấu cho đến ngã gục chết thối, là sự bạo hành kép với cả thân thể lẫn tinh thần, khiến tuyệt đại đa số các nạn nhân cuối cùng đều khuất phục và tự sỉ nhục mình công khai.

Ở thời hậu Mao, cái chính thể quan quyền thống trị đó không còn tồn tại như trước. Xã hội đã tiến một bước lớn về hướng đa nguyên hóa. Quan quyền không còn khả năng khống chế được toàn bộ xã hội. Vốn tư bản tư nhân không ngừng tích tụ của xã hội dân sự đang xói mòn nền tảng kinh tế của chính quyền. Những quan niệm về giá trị ngày càng phân hóa đang thách thức hệ tư tưởng chính thống của chế độ. Phong trào dân quyền ngày càng khuếch trương đang đối đầu với giới quan chức lộng quyền. Tinh thần công dân ngày càng lớn mạnh đang thu hẹp hiệu quả của khủng bố chính trị.

Đặc biệt là sau Sự kiện Lục Tứ, ba trong bốn trụ cột của chế độ cực quyền nêu trên đã hoặc là mục nát ở những cấp độ khác nhau, hoặc thậm chí đã sụp đổ. Sự phụ thuộc vào chế độ về kinh tế bắt đầu được thay thế bằng sự độc lập cá nhân; niêu cơm tự mình kiếm ra cho người ta cơ sở vật chất để tự chủ lựa chọn quyết định và đa nguyên hóa những lợi ích và động cơ xã hội. Thay vì hoàn toàn lệ thuộc vào các tổ chức của chính quyền, người Trung Quốc nay đã phần nào có được những tự do cá nhân, không còn bị bắt buộc bị một tổ chức nào đó quản lý. Thời ly khai tổ chức là “thốn bộ nan hành” đã vĩnh viễn qua đi, xã hội Trung Hoa ngày nay đã chuyển mạnh về hướng tự do cư trú, tự do đi lại và tự do nghề nghiệp. Sự thức tỉnh của ý thức cá nhân và nhận thức về quyền lợi đã dẫn đến sự băng hoại của hệ tư tưởng quan quyền nhất thống. Sự đa nguyên hóa các quan niệm về giá trị buộc phía cầm quyền phải thụ động điều chỉnh các diễn ngôn ý thức hệ. Một hệ giá trị nảy sinh từ xã hội dân sự, độc lập với hệ giá trị chính thống của chế độ, đã hình thành. Tuy dối trá và kiểm duyệt ngôn luận tiếp tục tồn tại, song sức truyền bá đã suy giảm đáng kể. Đặc biệt, cuộc cách mạng thông tin do internet mang lại đã đa dạng hóa và nhân rộng nguồn thông tin và phương tiện phát ngôn của xã hội dân sự, khiến các công cụ của chính quyền nhằm phong tỏa thông tin và ngăn chặn thảo luận chính trị về cơ bản đã thất bại.

Trong bốn trụ cột nêu trên, chỉ còn lại một, đó là thể chế chính trị nhất nguyên tập quyền và bộ máy đàn áp của nó. Tuy nhiên sự trấn án kép, vừa đày đọa thể chất bằng tù ngục, vừa tra tấn tinh thần bằng những chiến dịch tuyên truyền quy mô lớn, không còn như cũ và tác dụng của khủng bố chính trị đã giảm đáng kể. Nó có thể tước đoạt tự do của bạn và bức hại bạn về kinh tế, song nó không còn khả năng hủy hoại thanh danh của bạn và lại càng không thể cô lập bạn trong xã hội, không thể sỉ nhục phẩm giá của bạn và triệt tiêu lòng tự trọng của bạn. Ngược lại, bạn có thể được coi là lương tri xã hội hay anh hùng sự thật, còn những kẻ côn đồ hành hung bạn bị coi là tay chân thừa hành những công việc bẩn thỉu cho chính quyền. Phần lớn những người bị truy bức không còn phải rập đầu kiểm thảo, cầu xin được tổ chức khoan thứ; không còn phải khom lưng tự sỉ nhục mình trước công luận. Ngược lại, thậm chí trước vành móng ngựa họ hầu hết đều xác quyết lý tưởng, đanh thép tự biện hộ và qua đó đặt chính chế độ Trung Cộng vào ghế bị cáo.

Đồng thời, sau trận núi long tuyết lở chôn vùi chủ nghĩa toàn trị Sô-viết, xu hướng tự do và dân chủ hóa toàn cầu dâng cao, áp lực từ chính sách nhân quyền của các quốc gia chủ đạo và các tổ chức nhân quyền quốc tế khiến phí tổn để duy trì thể chế độc tài ngày càng đội trần trong khi hiệu quả của đàn áp chính trị ngày càng giảm, chính quyền cộng sản Trung Quốc không có cách nào khác là đối nội thì tiếp tục độc tài thống trị, đối ngoại thì trưng bày những chương trình “dân chủ” và “nhân quyền” đề huề.

Trong một xã hội phi tự do, với tiền đề là tạm thời chưa có một lực lượng nào có thể cải biến bản chất độc tài của chính thể hiện hành, tôi hiểu lộ trình thúc đẩy sự chuyển hóa Trung Quốc từ dưới lên trên bằng các phương tiện của xã hội dân sự như sau:

Phong trào dân quyền bất bạo động không theo đuổi mục tiêu giành chính quyền, mà cam kết kiến thiết một xã hội nhân đạo, tôn nghiêm phẩm giá của con người. Thông qua cải biến phương thức sinh tồn của xã hội – phương thức tồn tại của những người ngu muội, những người hèn yếu, những người quỳ gối khuất phục -, vận dụng hết trí lực để khuếch trương một xã hội công dân độc lập, để mở rộng không gian hoạt động và phát huy nguồn lực của xã hội dân sự ở chính những điểm mà chính quyền ít khả năng kiểm soát. Tiếp theo là không ngừng tăng cao các hoạt động phản kháng dân sự để thu hẹp tầm khống chế của chính quyền. Do các chi phí để đối phó với xã hội dân sự ngày càng cao, phí tổn để duy trì chế độ độc tài sẽ ngày càng đắt đỏ. Cuối cùng là từng bước nâng dân quyền, giảm quan quyền.

Phong trào dân quyền bất bạo động không theo đổi mục tiêu cải biến toàn diện bộ máy chính quyền ngay một lúc, mà cam kết biến tự do thành thực tiễn trong đời sống hàng ngày. Bằng những ý tưởng khai sáng cho từng chi tiết trong sinh hoạt, bằng những thảo luận công khai, bằng các hoạt động dân quyền, đặc biệt bằng từng vụ án oan để tích lũy vốn công lý, vốn tổ chức và vốn kinh nghiệm thực tế cho các khu vực hoạt động của xã hội dân sự. Khi sức mạnh dân sự chưa đủ để thay đổi môi trường chính trị vĩ mô, ít nhất bạn có thể dựa vào lương tri cá nhân và sự phối hợp trong những nhóm nhỏ để thay đổi môi trường đó ở những hoàn cảnh vi mô.

Chính quyền và bộ máy trấn áp của nó có mạnh đến chừng nào để ngăn cấm tự do, song mỗi cá nhân chúng ta cần nỗ lực để sống một cuộc đời tự do trong khả năng của mình, tức cần nỗ lực để sống trong phẩm giá và trung thực. Trong một xã hội độc tài, khi những người tranh đấu cho tự do công khai cổ xúy và thực hành tự do thì chỉ cần không sợ hãi trong những tiểu tiết của đời thường là những lời nói và việc làm thường ngày đã có thể trở thành một sức mạnh rung chuyển chế độ nô dịch. Nếu thấy mình còn có một lương tri cơ bản và muốn đi theo tiếng gọi của nó, bạn hãy công khai phơi nó ra trong ánh mặt trời của công luận, hãy để nó phát sáng cho xã hội thấy rõ, và quan trọng hơn nữa, cho các nhà độc tài thấy rõ.

Chúng ta vừa kiên trì theo đuổi những giá trị tự do, vừa cam kết đi theo nguyên tắc khoan dung và đề xướng đối thoại đa nguyên, nhất là trước những tiếng nói và lựa chọn bất hòa đồng trong xã hội. Nên coi những hành vi nhỏ trong đời thường là bổ sung cho hành động phản kháng quật cường, chứ đừng lấy mình ra làm gương anh hùng mà chỉ trích người khác. Cưỡng chế đạo đức không cùng một hạng như cưỡng chế chính trị, song nó khác xa những chuẩn mực của tự do và khoan dung. Bạn có thể tự nguyện lựa chọn và trả giá đắt cho lý tưởng của mình, song đó không phải là lý do để bắt người khác phải hy sinh tương tự.

Đứng ngoài hay trực tiếp tham gia thể chế, chọn con đường thúc đẩy chuyển hóa xã hội từ trên xuống hay từ dưới lên, bất kể từ vị trí nào cũng cần tôn trọng quyền tự do chính kiến của người khác. Ngay cả phát ngôn và hành động chính thống của các quan chức, miễn là không cưỡng chế diễn ngôn của xã hội dân sự, cũng nên coi là những tham khảo bổ ích cho sách lược chuyển đổi xã hội và quyền phát ngôn của họ phải được tôn trọng. Nhưng khoan dung không có nghĩa là mặc nhiên chấp nhận bạo hành của chế độ độc tài, lại càng không phải là sa vào vũng lầy của chủ nghĩa tương đối. Tinh thần tự do mấu chốt của xã hội dân sự phải kiên quyết đương đầu với mọi hình thức cưỡng bức và áp lực từ phía chính quyền, bất kể đó là hăm dọa, mua chuộc, chỉnh đốn, khai trừ, cấm đoán, bắt bớ hay tuyên án.

Chính quyền độc tài hiện diện ở mọi nơi mọi chỗ thì chúng ta trực diện đối đầu chứ không né tránh, tình trạng dân chúng vô quyền lợi thì chúng ta chủ động cải thiện chứ không ngồi chờ một bậc minh quân. Trong cuộc đấu giữa những kẻ cai trị và nhân dân, bất luận chính sách bên trên biến hóa thế nào, điều quan trọng nhất là khuyến khích và hỗ trợ phong trào dân quyền và giữ vững tính độc lập của xã hội dân sự. Nhất là khi người dám đối đầu với chính quyền tàn bạo thì ít, người ca tụng chính quyền lên mây xanh thì nhiều, chúng ta phải kiên quyết xuất phát từ vị trí bên ngoài hệ thống để phê phán và đấu tranh với hệ thống. Chính sách quan quyền cứng rắn thì chúng ta đấu tranh để nới lỏng; thái độ quan quyền có phần cởi mở thì chúng ta tận dụng để mở rộng sân chơi và tăng cường nguồn lực cho xã hội dân sự; và với tất cả sự ủng hộ dành cho những quyết định cởi mở của hệ thống, bạn đừng quên rằng chúng ta vẫn kiên định giữ vị trí độc lập bên ngoài hệ thống của mình.

Tóm lại, con đường để Trung Quốc trở thành một xã hội tự do chủ yếu dựa vào cải cách tiệm tiến từ dưới lên, chứ khó có thể là một cuộc cách mạng từ trên xuống theo mô hình Tưởng Kinh Quốc. Cải cách từ dưới lên đòi hỏi ý thức tự giác của xã hội dân sự, đòi hỏi những vận động bất tuân dân sự tự phát, liên tục và không ngừng phát triển, và đòi hỏi một phong trào dân quyền. Nói cách khác, việc theo đuổi tự do và dân chủ của xã hội dân sự không phải là mưu cầu cải biến toàn diện xã hội bằng lật đổ chế độ, mà là buộc chế độ phải cải biến thông qua cải biến xã hội tiệm tiến dần từng bước. Có nghĩa là, thông qua sự lớn mạnh không ngừng của xã hội công dân, chế độ độc tài không thể biện minh buộc phải thay đổi.

Viết ngày 26.2.2006 tại Bắc Kinh

Lưu Hiểu Ba

Phạm Thị Hoài dịch

Nguồn: Dịch từ bản tiếng Đức, in trong tập Ich habe keine Feinde, ich kenne keinen Hass, Fischer, Frankfurt am Main, 2013, tr. 46-54

Nguồn: http://baotreonline.com/cai-bien-chinh-quyen-thong-qua-cai-bien-xa-ho

No comments:

Post a Comment