April 18, 2017

Venezuela: Đường về nô lệ rợp bóng khẩu hiệu “vì dân”

Chủ nghĩa dân túy là con đường lúc đầu tưởng là dân chủ -
Một cuộc biểu tình ủng hộ chính phủ năm 2014

Max Fisher và Amanda Taub

Phạm Nguyên Trường lược dịch từ: How Does Populism Turn Authoritarian? Venezuela Is a Case in Point (The New York Times).

Đập tan trật tự cũ

Làn sóng tức giận mang tính dân túy đưa Chávez lên nắm quyền trong cuộc bầu cử năm 1998 là do sự bất mãn trước tình trạng dân chủ ở Venezuela.

Trước thời điểm Chávez trở thành tổng thống, ngành tư pháp đã bị rối loạn chức năng và tha hóa. Chưa đến 1% người dân tin vào ngành tư pháp. Kết quả là năm 1999, nhiều người đã ủng hộ cuộc cải cách tư pháp của Chávez với mục đích là gia tăng tính độc lập và sự liêm chính của ngành tư pháp – đấy là kết quả cuộc khảo sát do Chương trình Phát triển của Liên Hiệp Quốc (UNDP) tiến hành trong năm đó.

Nhưng khi Toà án Tối cao không cho truy tố hình sự bốn viên tướng mà Chávez tin rằng đã làm phản, tham gia vào cuộc đảo chính nhằm lật đổ ông ta, thì ông ta bắt đầu coi tư pháp như một rào cản đối với ý chí của nhân dân và là đồng lõa của tầng lớp ăn trên ngồi trốc tham nhũng mà ông ta đã hứa là sẽ chống lại.

Chávez tự trao cho mình quyền “treo giò” các vị thẩm phán không thân thiện với ông ta và đưa vào các tòa án những người mới, và bằng cách đó, đập tan quyền lực của nhánh tư pháp, để nó không còn là nhánh kiểm soát quyền lực của tổng thống nữa.

Báo cáo của tổ chức Human Rights Watch năm 2008 nói: “Trong vài năm tới, Tòa án Tối cao vừa được kiện toàn sẽ sa thải hàng trăm thẩm phán và bổ nhiệm thêm hàng trăm người nữa”.

Theo lời Chávez, điều này có nghĩa là cơ quan tư pháp sẽ nhạy bén hơn trước ý chí và đòi hỏi của nhân dân – một thông điệp có thể đã hấp dẫn được những người ủng hộ từng bầu ông làm tổng thống, vì những lời hứa dứt khoát là sẽ đập tan những kẻ ăn trên những kẻ ăn trên ngối trốc cũ kĩ đang bám víu vào quyền lực.
.


Chávez có sứ mê hoặc đặc biệt 

Chủ nghĩa dân túy luôn luôn mâu thuẫn với dân chủ

Cas Mudde, một nhà nghiên cứu chính trị người Hà Lan, năm 2015, viết trên tờ The Guardian: “Chủ nghĩa dân túy là phản ứng của phong trào dân chủ phi tự do đối với chủ nghĩa tự do phi dân chủ”.

Nói cách khác, Chávez, tương tự như các nhà lãnh đạo dân túy khác, đã nói với những người ủng hộ ông ta rằng những khó khăn của họ là do những kẻ ăn trên ngồi trốc và các thiết chế không dân chủ và bất lương gây ra. Ông ta khẳng định, cần một nhà lãnh đạo mạnh mẽ để vượt qua những lực lượng đen tối này và áp đặt ý chí của nhân dân. Thông điệp đó, cũng như những bước đi ban đầu của ông ta, rất được lòng dân chúng.

Kurt Weyland, một nhà nghiên cứu chính trị học ở Đại học Texas, viết trong một bài báo chuyên ngành vào năm 2013: “Chủ nghĩa dân túy luôn luôn mâu thuẫn với dân chủ”.

Các nhà lãnh đạo dân túy, tương tự như Chávez, giành được quyền lực bằng lời hứa rằng họ sẽ bảo vệ ý chí của nhân dân, nhưng rốt cục “sẽ coi tất cả những thiết chế nằm ngoài tầm kiểm soát của họ là trở ngại”, Giáo sư Weyland viết.

Điều này cho thấy mâu thuẫn giữa cách người ta hiểu về dân chủ và cách nó vận hành.

“Mặc cho tất cả những tuyên bố hùng hồn về dân chủ, chế độ dân chủ tự do là sự thỏa hiệp phức tạp giữ chế độ dân chủ của quần chúng và chủ nghĩa tinh hoa tự do, vì vậy mà chỉ là dân chủ một phần mà thôi”, năm 2004, Mude viết trên một tờ tạp chí chuyên ngành như thế.

Điều đó đòi hỏi phải trao quyền cho các thiết chế không do dân bầu (ví dụ như Tòa bảo hiến – chú thích của người dịch), đấy là những thiết chế cần thiết để bảo vệ chế độ dân chủ, nhưng xung đột với hình ảnh về ý chí của chính quần chúng. Mâu thuẫn này mở rộng cửa cho những người dân túy để họ thách thức những thiết chế đó.

Nhưng khi các nhà lãnh đạo dân túy tước bỏ quyền lực của các thiết chế để “trả lại quyền lực cho nhân dân”, như những nhà lãnh đạo này thường nói, thì trên thực tế họ đang củng cố quyền lực cho chính mình.

Giáo sư Weyland viết: “Logic của thuyết nhân cách (personalism) thúc đẩy các chính trị gia dân túy mở rộng quyền lực và quyền tự do làm theo ý mình”, Giáo sư Weyland viết.

Đó là lý do vì sao những người dân túy thường khuyến khích sùng bái cá nhân. Chávez, ngoài việc thường xuyên nói chuyện trên TV (talk show) vào ngày chủ nhật, còn tổ chức những cuộc mít tinh và xuất hiện gần như liên tục trên truyền hình. Thói quen này thường không chỉ do “cái tôi” (ego) của ông ta thúc đẩy. Các nhà lãnh đạo kiểu như thế nắm được quyền lực nhờ sự ủng hộ của số đông dân chúng còn non nớt.

Điều này chỉ có tác dụng với điều kiện là các nhà lãnh đạo có thể khẳng định rằng họ có vai trò độc nhất vô nhị với công chúng, tức là vai trò cho phép họ thay mặt nhân dân tấn công kẻ thù bên trong – ví dụ, ngành tư pháp hay báo chí.

Những người ủng hộ Chávez năm 2006

Củng cố quyền lực dưới danh nghĩa vì dân

Những xu hướng độc đoán của chủ nghĩa dân túy có thể được nhìn thấy ngay trong những cuộc tranh chấp đầu tiên của Chávez với các công đoàn, mà ông đã làm sau khi nắm được quyền lực bằng cách hứa sẽ “dân chủ hóa”.

Các nhà lãnh đạo công đoàn Venezuela là những kẻ thối nát, ông ta khẳng định, và đã thất bại, không bảo vệ được quyền của người lao động.

Chính phủ của ông đã dựng lên hệ thống công đoàn mới, tồn tại bên cạnh hệ thống cũ, trong khi tiến hành phá hoại ngầm những tổ chức công đoàn đã được thành lập từ trước mà họ không gây được nhiều ảnh hưởng. Việc làm này tạo ra động cơ, trong đó các công đoàn ủng hộ Chávez được nhận các khoản ưu đãi, còn các công đoàn không ủng hộ ông ta thì bị trừng phạt.

Chávez cũng bắt đầu tiến hành kiểm soát trực tiếp công ty dầu khí quốc doanh đầy sức mạnh, tiếp tục tuyên truyền sâu rộng hơn thông điệp nói rằng phải đưa quyền lực trở về với nhân dân.

Nhưng năm 2002, khi công nhân của công ty đó đình công để phản đối thì ông liền sa thải hơn 18.000 người và ra lệnh cấm đình công.

Năm 2004, chính phủ Chávez bắt đầu đưa người lao động vào danh sách đen, coi đấy là những người không trung thành với chính phủ của ông ta và đuổi nhiều người đang làm việc cho chính phủ, cũng như không cho nhiều người lĩnh những khoản trợ cấp của chính phủ.

Đây là thông điệp lạnh lùng: Chống lại Tổng thống là chống lại dự án “Chủ nghĩa xã hội của Bolívar” mà ông ta đang thực hiện, nhân danh nhân dân. Những ý kiến bất đồng, theo logic đó, là mỗi đe dọa đối với tự do, chứ không phải là bằng chứng của tự do.

Chủ nghĩa dân tuý dựng lên các tổ chức không do dân bầu, mở đường cho cải cách, nhưng sớm hay muộn thì danh sách kẻ thù của nó cũng sẽ bao gồm cả những thiết chế trụ cột của nền dân chủ.

Công nhân đình công năm 2013, bị đưa vào danh sách đen

Những con đường tưởng rằng sẽ dẫn tới dân chủ


Nhìn lại, những bước đi này dẫn thẳng tới chế độ độc tài, mà đỉnh điểm là âm mưu nhằm bịt miệng cơ quan lập pháp, đây là một trong số những cơ chế cuối cùng kiểm soát quyền lực của Tổng thống Nicolás Maduro, người kế nhiệm Chávez.

Xu hướng đó không phải là không thể tránh được. Những cơ chế kiểm soát dân chủ mạnh đôi khi có thể chống lại được áp lực của chủ nghĩa dân túy và giữ cho các nhà lãnh đạo tiếp tục đi đúng đường lối. Ví dụ, Silvio Berlusconi của Italy đã rời nhiệm sở với thành tích có cả điểm sáng lẫn điểm tối và một loạt cáo buộc về tham nhũng, nhưng chế độ dân chủ của đất nước thì vẫn còn nguyên vẹn.

Nhưng ít khi người ta nhận thức được rõ ràng đất nước đang chọn con đường nào, và không phải chỉ vì những bước đầu tiên hướng tới chế độ độc tài thường được coi là dân chủ.

Tom Pepinsky, nhà nghiên cứu chính trị học ở Đại học Cornell, khẳng định rằng chế độ độc tài thường là hệ quả ngoài ý muốn của những tác nhân mang tính cơ cấu có thể làm suy yếu các thiết chế – như xung đột vũ trang hoặc một cú sốc về kinh tế – và những bước đi tiếp theo của các nhà lãnh đạo, những người có thể thực sự tin rằng họ đang phục vụ ý chí của quần chúng.

“Hệt như các chế độ dân chủ có thể được cai trị bởi những nhà độc tài, những nhà dân chủ thật tâm có thể xây dựng nền tảng cho chế độ độc tài”, tháng 2 vừa rồi Giáo sư Pepinsky đã viết trên blog của mình như thế.

Khó có thể phát hiện được điều này, vì nó chủ yếu diễn ra hàng ngày trong các sự vụ của cơ quan công quyền, điều mà hầu hết cử tri thường ít để tâm tới. Các cuộc bầu cử vẫn được tổ chức, như đã thấy ở Venezuela, các phương tiện truyền thông đại chúng vẫn có một ít tự do và hầu hết người dân có thể tiếp tục sống như từ xưa đến nay vẫn thế.

Venezuela cho thấy kết quả tồi tệ nhất của nền quản trị dân túy, trong đó, các thiết chế đã tê liệt đến mức tội phạm là tràn lan, tham nhũng gần như trở thành phổ biến và chất lượng sống suy giảm trầm trọng. Nhưng những hậu quả chỉ trở thành hiển nhiên sau khi chúng gây ra những thiệt hại cho người dân.

Đã đăng trên Luật Khoa


No comments:

Post a Comment