January 4, 2017

Aleksievich: Nền triết học mới

Kyoko Numano

Phạm Nguyên Trường dịch


Tháng trước, nữ văn sĩ Bạch Nga, Nobel văn chương, Svetlana Aleksievich, ghé thăm Nhật Bản. Bà chỉ ở Nhật trong một thời gian ngắn, vì đây là chuyến đi tới nhiều nước khác nhau trên khắp thế giới, nhưng bà đã trả lời các câu hỏi của báo chí, đã tới nhà máy điện hạt nhân từng gặp tai nạn “Fukushima-1” và nhận bằng tiến sĩ danh dự của trường Đại học Ngoại ngữ Tokyo. Aleksievich đã ra đi, sau khi phát biểu một vài tư tưởng sâu sắc.



Tôi không chỉ chuẩn bị chuyến thăm của Aleksievich tới Nhật Bản, vì là một trong những người đại diện của chủ nhà, mà còn có nhiều thời gian tiếp xúc với bà khi bà ở thăm Nhật. Tôi đã rất may mắn, khi được nói chuyện với bà một cách cởi mở, bình tĩnh và nồng ấm.

Vì nữ văn sĩ Bạch Nga đã dành nhiều năm để nghiên cứu một cách nghiêm túc mối quan hệ giữa cá nhân và xã hội, cũng như nghiên cứu những chủ đề như chiến tranh và tai nạn tại các nhà máy điện hạt nhân, bà có đầu óc cực kì nhanh nhạy và rất ham hiểu biết.

Ngay trong ngày đầu tiên tới Nhật Bản, bà bất ngờ hỏi tôi: “Tại sao Nhật Bản bắt đầu tiến hành chính sách tự cô lập”. Khi tôi bắt đầu lúng túng trả lời, bà liền hỏi: “Tại sao ở châu Âu chỉ có Hà Lan là ngoại lệ?”.

Khi tới Fukushima, Aleksievich đã nói chuyện với các nạn nhân của vụ tai nạn ở nhà máy điện hạt nhân, bà cố gắng an ủi họ, nhưng đồng thời cũng đặt ra những câu hỏi sắc bén bằng giọng nhẹ nhàng nhằm tìm hiểu tình trạng của họ sau thảm kịch.

Tất cả các tác phẩm của Aleksievich được xây dựng từ hàng trăm kỉ niệm như thế. Chúng được đưa vào loạt tác phẩm với nhan đề Những giọng nói của Không tưởng (Голоса утопии). Cuốn sách cuối cùng trong loạt tác phẩm này, có tựa đề Thời đại đồ cũ (Время секонд хэнд), chứa đầy những kỉ niệm của “những con người nhỏ bé”, những người sống trong bóng tối và thất vọng sau khi Liên Xô sụp đổ.

Trong tác phẩm này, Aleksievich kể về những người không có khả năng thích nghi với nền kinh tế thị trường, đang hoạt động theo luật rừng. Bà chỉ ra cho người ta thấy ý thức hệ cộng sản đã làm mê hoặc lòng người đến mức nào. Theo lời Aleksievich, cha của bà cũng là đại diện của thế hệ bị những điều không tưởng mê hoặc. Ông đòi được chôn cùng với thẻ đảng viên Đảng Cộng sản.

Sau vụ sụp đổ của chủ nghĩa xã hội, chế độ dường như cố gắng làm cho tất cả mọi người đều trở thành bình đẳng với nhau, những người mới phất đã giành được tay lái. Xã hội tôn thờ tiền bạc. Hệ thống hưu bổng được chính thức hóa. Phân tầng xã hội lan ra với tốc độ chóng mặt. Và vì không tìm được hình thức xã hội mới, đất nước đi theo con đường second-hand, nhằm tìm cách thống trị thế giới, sau khi trở thành cường quốc hùng mạnh về quân sự và kinh tế.

Tuy nhiên, đây là đặc điểm không chỉ của nước Nga. Hiện nay, trên khắp thế giới đều lan tràn xu hướng chỉ cần kiếm tiền và không thèm quan tâm tới con người, sức khỏe và môi trường nữa.

Nhưng, tôi tin rằng không thể vì lợi nhuận mà có thể mua bán tất cả mọi thứ. Theo tôi, xuất khẩu vũ khí và công nghệ hạt nhân, cũng như xây dựng sòng bạc, làm cho mọi người mê mẩn trò cờ bạc là vô đạo đức.

Nếu đánh giá đạo đức, thì cần phải từ bỏ khẩu hiệu “sau này có xảy ra đại hồng thủy cũng mặc”.

Aleksievich nói rằng xã hội cần một nền triết học mới: Không quay trở lại với ý thức hệ cộng sản, không tìm mọi cách kiếm tiền và không tìm cứu rỗi trong tôn giáo.

Triết học không phải là một cái gì đó quá phức tạp. Trong tác phẩm Người cầu kinh ở Chernobyl (Чернобыльская молитва), bà viết rằng bà muốn tìm hiểu ý nghĩa của cuộc sống của con người và ý nghĩa của sự kiện là vì sao chúng ta sống trên Trái Đất này. Phụ đề của tác phẩm – Biên niên sử của tương lai (Хроника будущего). Tất cả chúng ta đều có trách nhiệm trước tương lai.

Báo Nihon Keizai (Nhật Bản) http://www.nikkei.com

Dịch theo bản tiếng Nga tại địa chỉ http://inosmi.ru/social/20161224/238441346.html

No comments:

Post a Comment