December 26, 2016

Năm chấm dứt một kỉ nguyên?


Javier Solana

Phạm Nguyên Trường dịch

Chính phủ sắp tới của Trump còn đầy ẩn số, nhưng có thể không nghi ngờ rằng việc ông ta bác bỏ các thiết chế đa phương sẽ gây nguy hiểm cho những nỗ lực quốc tế trong việc hợp tác nhằm giải quyết những vấn đề lớn nhất của thế giới. Nó cũng gây nguy hiểm cho quan hệ Mĩ-EU. Trong những năm qua, các thỏa thuận về khí hậu ở Paris và thỏa thuận hạt nhân với Iran là những tia sáng trong cái thế giới đang quay lưng lại với chủ nghĩa đa phương. Trong những năm tới, những tia sáng như thế có thể sẽ trở nên khan hiếm hơn.



Năm 2016 gần kết thúc, dự đoán cho năm 2017 chẳng lấy gì làm chắc chắn. Căng thẳng ở Trung Đông đang gia tăng, các phong trào dân túy đã xuất hiện ở châu Âu và Mĩ.

Ở Trung Đông, cuộc xung đột đầy bi thảm ở Syria vẫn tiếp tục, nhiều nỗ lực làm cho người ta xích lại gần nhau đã không mang lại kết quá, mà đấy là do sự bất đồng mang tính nguyên tắc về vai trò trong tương lai của Tổng thống Syria, Bashar al-Assad, trong bất kỳ tiến trình hòa bình hay chuyển hóa chính trị nào. Trong khi đó, trong tuần qua, các đơn vị quân đội của chính phủ Syria, được Nga và Iran hậu thuẫn, đã chiếm lại gần như toàn bộ thành phố Aleppo – từng là thành phố lớn nhất của Syria, hiện đã bị chiến tranh phá hủy hoàn toàn.

Ưu tiên của thế giới trong năm tới phải là hòa bình ở Syria, nó đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ cả trong khu vực lẫn quốc tế. Ngày 27 tháng 12 tới, Iran, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tổ chức cuộc họp ba bên ở Moskva để thảo luận về giải pháp chính trị cho cuộc xung đột Syria. Cuộc họp đó, nếu được tiến hành, có thể bị lu mờ bởi những rắc rối, xuất phát từ vụ ám sát đại sứ Nga ở Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng nó chẳng là gì nếu nó không làm người ta ngạc nhiên là ba nước này chứ không phải là Mĩ và Liên minh châu Âu đàm phán về thỏa thuận như vậy.

Một sự kiện tích cực trong năm nay diễn ra vào tháng ba, đấy là khi EU và Thổ Nhĩ Kỳ kí thỏa thuận nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng người tị nạn. Kể từ đầu của cuộc xung đột, Thổ Nhĩ Kỳ đã nhận khoảng ba triệu người tị nạn Syria. Mặc dù quan hệ EU-Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay không phải là tốt nhất, cuộc đối thoại giữa hai bên phải được tiếp tục trong năm 2017, chí ít là vì lợi ích chung của hai bên. Lợi ích của hai bên không chỉ là sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế, mà còn là cuộc khủng hoảng người tị nạn và cuộc chiến chống khủng bố.

Trong khi đó, hoạt động chính trị ở châu Âu trong năm tới sẽ bị các cuộc đàm phán Brexit nuốt trọn. Tháng ba, Vương quốc Anh có thể sẽ viện dẫn Điều 50 của Hiệp ước Lisbon (Treaty of Lisbon) để khởi động các thủ tục rút khỏi EU. Thách thức là đạt được một thỏa thuận đảm bảo cho mối quan hệ giữa EU và Vương quốc Anh trong tương lai diễn ra một cách tốt đẹp. Sẽ không dễ và các nhà đàm phán EU đã lập thời gian biểu trong vòng có 18 tháng. Trong khi vẫn còn nhiều điều chưa chắc chắn, rõ ràng là nếu Anh muốn được tiếp xúc với thị trường thống nhất của châu Âu, nước này sẽ phải chấp nhận bốn quyền tự do của EU, trong đó có quyền tự do đi lại của người lao động.

Năm 2017, một số nước châu Âu sẽ tổ chức tổng tuyển cử, và có nguy cơ là các phong trào biệt lập, dân túy bài-Âu sẽ xuất hiện một cách mạnh mẽ. Đối với EU, mất một nước quan trọng về quân sự và kinh tế như Vương quốc Anh là đã đủ khó khăn rồi; nhưng để mất một nước thành viên sáng lập EU, ví dụ, Pháp, sẽ là thảm kịch.

May mắn là, sau cuộc trưng cầu dân ý ở Anh, quan điểm của nhiều người châu Âu về EU đã thực sự được cải thiện. Nhưng điều đó vẫn không làm giảm thách thức đối với các chính phủ EU trong năm tới. Họ phải đoàn kết những xã hội đã bị các lực lượng toàn cầu đầy sức mạnh gây chia rẽ, ví dụ, toàn cầu hóa và đổi mới công nghệ một cách nhanh chóng.

Cuộc trưng cầu dân ý về Brexit, sau đó là chiến thắng của Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mĩ, báo hiệu sự ngóc dầu dậy của chủ nghĩa dân túy ở phương Tây. Nhưng bây giờ, khi Trump đưa vào nội các của ông ta những ông trùm chính trị và các cựu quân nhân, chúng ta có lí do để nghi ngờ rằng ông sẽ giữ lời hứa của mình là sẽ cai trị mà không cần “giới quyền uy” ở Washington.

Chính phủ sắp tới của Trump còn đầy ẩn số, nhưng có thể không nghi ngờ rằng việc ông ta bác bỏ các thiết chế đa phương sẽ gây nguy hiểm cho những nỗ lực quốc tế trong việc hợp tác nhằm giải quyết những vấn đề lớn nhất của thế giới. Nó cũng gây nguy hiểm cho quan hệ Mĩ-EU. Trong những năm qua, các thỏa thuận về khí hậu ở Paris và thỏa thuận hạt nhân với Iran là những tia sáng trong cái thế giới đang quay lưng lại với chủ nghĩa đa phương. Trong những năm tới, những tia sáng như thế có thể sẽ trở nên khan hiếm hơn.

Hơn bao giờ hết, chúng ta cần hình thức đối thoại có thể xây dựng được niềm tin chiến lược giữa các siêu cường. Nhưng, tuyên bố của Trump làm cho người ta nghi ngờ việc Mĩ sẽ tiếp tục chính sách “Một Trung Quốc”, liên quan tới Đài Loan, có thể gây tổn hại nghiêm trọng đối với quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Tương tự như vậy, mặc dù có những khuynh hướng thân Nga của một số người gần gũi với Trump, do sự can thiệp quân sự của Nga vào Syria, cuộc xâm lược miền đông Ukraine và những cáo buộc về sự can thiệp của nước này vào cuộc bầu cử ở Mĩ, trong quan hệ Nga-Mĩ cũng không có niềm tin mang tính chiến lược.

Năm tới sẽ là năm đặc biệt quan trọng đối với châu Âu. Quan hệ giữa EU và Mĩ phải vẫn mạnh mẽ, cội rễ của nó là cùng tôn trọng dân chủ, tự do và nhân quyền. Sau năm 2016 đầy hỗn loạn và với rất ít tin tức tích cực trong nền chính trị quốc tế, năm 2017 đang nổi lên như một năm có nhiều thách thức và không chắc chắn. Nhưng sự không chắc chắn lớn nhất là liệu đấy đơn giản chỉ là kết thúc một năm nữa hay đấy là kết thúc một kỷ nguyên địa chính trị.

Javier Solana từng là đại diện cao cấp về chính sách đối ngoại và an ninh của EU, Tổng thư ký NATO, và Bộ trưởng Ngoại giao Tây Ban Nha. Solana hiện là Chủ tịch Trung tâm nghiên cứu kinh tế và địa chính trị thế giới của trường ESADE (trường quản trị kinh doanh nổi tiếng thế giới của Tây Ban Nha – ND), cộng tác viên xuất sắc của Viện Brookings và là thành viên của Hội đồng nghị sự toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới về châu Âu.

Đã đăng trên Dân Luận

Nguồn: https://www.project-syndicate.org/columnist/javier-solana

No comments:

Post a Comment