November 11, 2016

Chiến thắng của Trump chứng minh Mĩ không phải là ngoại lệ

Leonid Bershidsky

Phạm Nguyên Trường dịch

Thưa các bạn người Mĩ thân mến của tôi, chẳng cần khóc, cũng chằng cần phải bẻ ngón tay như thế. Sự kiện xảy ra hôm thứ ba vừa rồi không phải là sự sụp đổ chế độ dân chủ của các bạn – nó chỉ là một cú đấm mạnh vào quan niệm cho rằng Mĩ là trường hợp ngoại lệ và thói kiêu ngạo không đúng chỗ của giới ăn trên ngồi trốc của Mĩ mà thôi.




Donald Trump thắng vì ông ta đã biết sử dụng biện pháp hỗn hợp, tỏ ra có hiệu quả ở Đông Âu từ đầu thế kỉ XX: Kết hợp giữa chủ nghĩa dân tộc và chủ trương bài trừ nạn tham nhũng.

Tại một khách sạn ở Orlando, bang Florida, lúc 7 giờ tối hôm thứ ba, hàng chục đảng viên Cộng hòa quận Osceola nhìn chằm chằm vào bản tin của Fox News đang truyền trên TV. Họ là những người đầu tiên tới đây nhân sự kiện này – đảng bộ Cộng hòa quận Osceola chuẩn bị ăn mừng một vài chiến thắng nho nhỏ trong cuộc bầu cử vừa qua – nhưng tất cả đều quan tâm hơn tới cuộc tranh cử tổng thống.

Trông họ có vẻ tự mãn và quá tự tin trước thành tích của Trump. “Ông ta sẽ dẫn trước” – một người đàn ông tóc bạc đội mũ của Air Force nói, khi vừa có những kết quả đầu tiên. Họ cụng li. “Chúc mừng thất bại”, một người phụ da ngăm ngăm nói, rồi giải thích rằng bà là người nhập cư gốc Romania.

Họ không thực sự cảm thấy tự tin như họ muốn thể hiện. Khi số liệu trên màn ảnh thay đổi, nét mặt mọi người đều trông có vẻ nghiêm trọng và điệu bộ thì tỏ ra lo lắng. Những người ủng hộ Trump lôi điện thoại ra và vừa xem bản đồ những khu vực bầu cử khác nhau vừa nói về con đường đưa ứng viên của họ tới chiến thắng, mặc dù lúc đó chưa rõ ràng lắm.

Ba giờ sau, một người đàn bà đội mũ cowboy nhảy lên bàn và hét lên: “Vừa có tin Florida bầu cho Donald Trump!”. Rồi bà ta vẫy cái mũ chùm đầu có hình Hillary Clinton trông như đầu của ứng viên Dân chủ vừa bị cắt ra vậy. Cuộc vui bùng nổ. Nói cho cùng, đây đúng là chiến thắng của đảng Cộng hòa.

Nhiều người sẽ nói rằng chiến thắng của Trump được hun đúc bởi chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và kì thị người ngoại quốc. Nhưng không đơn giản như thế.

Trong đám đông ủng hộ Trump ở Orlando không chỉ toàn đàn ông da trắng. Trước đó một ngày, cố vấn về quan hệ với chính quyền của Orlando, Bertica Cabrera Morris, cũng là người đại diện của Trump, nói với tôi rằng, thực ra đảng Cộng hòa không kì thị người gốc Mĩ Latin và họ sẽ dành khá nhiều phiếu cho ứng viên Cộng hòa. Tôi chỉ có thể nói là không tin. Nhưng bà ta có lí: Tôi nghe thấy tiếng Tây Ban Nha trong căn phòng này. Có khá nhiều phụ nữ nữa. Rõ ràng là có nhiều người gốc Mĩ Latin và phụ nữ không cho rằng những lời Trump nói về học là những từ có tính nhục mạ đặc biệt.

Phụ nữ Mỹ biểu tình phản đối Trump

Dĩ nhiên, đây chỉ là những bằng chứng đơn lẻ mà thôi, cũng như sự kiện là trong suốt cuộc hành trình qua nước Mĩ trong năm nay, tôi đã gặp nhiều người say mê Trump hơn là say mê Clinton. Nhưng, mặt khác, chúng ta có gì hơn, ngoài những bằng chứng riêng lẻ?

Rõ ràng là, hầu hết các thăm dò dư luận và giới chuyên gia đã sai đến mức tất cả điều họ nói trong suốt một năm qua đều đáng vứt đi. Tôi lấy làm tiếc là không đủ can đảm để làm như vậy, tức là khác với một số người mà tôi đã gặp - ví dụ, luật sư ở Las Vegas, Robert Barnes, ngay từ cuộc bầu cử sơ bộ, ông này đã luôn luôn dự đoán rằng Trump sẽ thắng; bây giờ ông đã có hàng trăm ngàn USD trong tài khoản của mình cũng như của các khách hàng, những người mà ông khuyên nên đặt cược vào Trump với các nhà cái ở châu Âu. Tín hiệu mà ông và các con bạc khác thấy - nhiều tín hiệu không có tính khoa học - hóa ra lại có nhiều giá trị hơn là những ý kiến kiêu ngạo và những tính toán dựa vào các cuộc thăm dò dư luận, các học giả, các nhà hoạt động chính trị và các bình luận viên kỳ cựu.

Đáng lẽ tôi phải nghe lời Barnes, và hàng chục người Mỹ bình thường khác, những người đã giải thích cho tôi vì sao họ thích Trump hơn Clinton. Chỉ có một ít người nói rằng họ là những người bài ngoại. Hầu hết đều tỏ ra bất mãn với tình hình kinh tế, đặc biệt là phí bảo hiểm y tế (Obamacare) gia tăng và sự bấp bênh về thu nhập và tất cả mọi người đều cho rằng Hilary Clinton là người tham nhũng. Đêm thứ ba vừa qua, một trong những người ủng hộ Trump ở Orlando còn nói: “Tôi thích Mafia cai quản chính phủ Mĩ hơn là Hillary Clinton: Họ không quanh co như bà ta”.

Đáng lẽ những chuyện này đã phải cho tôi biết một cái gì đó quan trọng – hay, đúng hơn, khẳng định một cái gì đó mà tôi đã biết từ những khu vực khác trên thế giới.

Trump có thể đã thắng vì vào giai đoạn cuối của chiến dịch tranh cử, ông không chỉ là một người dân túy, dân tộc chủ nghĩa, tương tự như những người mà trong thời gian gần đây đã đạt được thành công ngày càng cao ở châu Âu, nhưng không giành được những đỉnh cao chỉ huy. Ông là chiến sĩ thập tự chinh trong cuộc chiến chống tham nhũng. Ông đã khéo léo tận dụng cơ hội do WikiLeaks tạo ra, đêm thứ ba vừa qua WikiLeaks đã viết trên Tweeter: “Người Mỹ không thích tham nhũng”.

Thành tích lớn nhất mà các đảng bài tham nhũng giành được trong các cuộc bầu cử là ở Trung và Đông Âu, các đảng này tham gia hay lãnh đạo các liên minh cầm quyền ở một số nước - Ba Lan, Slovakia, Estonia, Latvia, Slovenia, Bulgaria - trong những năm 2000. Nhưng chẳng có mấy đảng sống sót qua kì bầu cử thứ hai, chưa nói tới kì bầu cử thứ ba. Thành công nhất trong số đó – Đảng Luật pháp và Công lý (PiS) của Ba Lan hiện đang nắm quyền lãnh đạo nước này vì đã khéo léo kết hợp cương lĩnh bài trừ tham nhũng với chủ nghĩa dân túy, dân tộc chủ nghĩa.

Sự kết hợp này có sức hấp dẫn đối với nhiều chính trị gia của các nước thuộc Liên Xô cũ. Cựu tổng thống Gruzia, Mikheil Saakashvili, đã sử dụng cương lĩnh này sau cuộc “Cách mạng Hoa hồng” năm 2003, và sau đó, khi bị hất ra khỏi quyền lực - sau khi đã tạo ra những thay đổi đáng kể trong đất nước của mình - ông đã mang nó tới Ukraine. Ông vừa từ chức thống đốc Odessa của Ukraine, để dành tâm trí xây dựng một đảng đầy sức mạnh và đấu tranh đòi tổ chức bầu cử quốc hội trước thời hạn. Ông tuyên bố từ chức bằng một bài diễn văn theo kiểu Trump, đầy những lời lẽ tự thán và oán hận. Ông lên án nạn tham nhũng trong chính quyền và nội các của tổng thống Petro Poroshenko, và cho rằng đấy là nguyên nhân là cho công cuộc cải cách hải quan và các dịch vụ công cộng trong khu vực bị thất bại. Ông nói rằng chính tổng thống ủng hộ các “băng đảng” tham nhũng ở Odessa, và tuyên bố sẽ “bắt đầu giai đoạn mới trong cuộc đấu tranh”.

“Tôi là người chiến binh sẽ làm hết sức mình và sẽ đến nơi cần đến”, Saakashvili nói. “Đi đến thắng lợi cuối cùng, cho đến khi Ukraine thoát khỏi bọn tham nhũng bẩn thỉu này”.

Ngồi nghe ông ta nói, tôi nghĩ rằng thính giả sẽ bắt đầu hô “Tháo đầm lầy”, như đám đông từng hò hét trong các cuộc biểu tình gần đây của Trump. Thực ra là Ukraine chưa biết cách hô hào trong các chiến dịch của Saakashvili.

Nực cười là Nga đã cung cấp cho Trump “đạn dược” WikiLeaks. Ở đấy, một chiến binh chống tham nhũng, một người dân túy, dân tộc chủ ngĩa, Aleksey Anatolyevich Navalnyy, có lẽ là nhân vật mạnh mẽ nhất trong phe đối lập đang bị chế độ của Vladimir Putin bao vây. Putin không phải là người sùng bái dân bản xứ, xung quanh ông ta là nhóm người nổi tiếng là tham nhũng, là kẻ thù của phong trào bài trừ tham nhũng; trong những lân bang của Nga, ông ta là đối tượng số một của họ. PiS ở Ba Lan cũng là tổ chức đối đầu với Putin.

Giành thắng thắng lợi trong cuộc bầu cử tổng thống theo công thức của Đông Âu, Trump đã chứng minh rằng không nhiều khác biệt, ví dụ, giữa Mĩ và Ba Lan hay giữa Mĩ và Gruzia. Dễ thấy sức mạnh của niềm tự hào dân tộc, liên kết với sự bất bình về kinh tế và nhận thức của họ về nạn tham nhũng của chính quyền là tương tự như nhau.

Tháng 8 vừa rồi, Navalny công bố bài viết so sánh dinh thự ngày càng đắt đỏ của bà Clinton với các cung điện ngày càng uy nghi của các quan chức Nga. Đấy là nhận xét quan trọng, nhưng đối với các cử tri có tinh thần bài trừ tham nhũng ở Đông Âu, được dạy trong hơn một thập kỷ về chính trị: Sau điều tra phải là tố cáo; thì Hilary Clinton dường như vẫn là một kẻ tham nhũng. Ở Ukraine hay Georgia, người ta vẫn coi tiền thù lao quá cao cho những bài nói chuyện của bà là một dạng tham nhũng. Bà Hilary Clinton không thể phân định rạch ròi giữa quĩ từ thiện và doanh nghiệp nhân – bị ngờ là vận động hành lang - làm hoen ố danh tiếng của bà ở những nước này, có lẽ còn hơn là ở Mĩ.

Vấn đề không phải là Hilary Clinton có thực sự tham nhũng hay không, hay bà là người tham nhũng như các chính trị gia thới hậu Liên Xô: Đấy chỉ là quang học. “Nếu họ làm công chức suốt đời, vì sao họ lại giàu có đến như thế?” – trong các nền dân chủ mới, câu hỏi đó sẽ là một loại vũ khí đầy sức mạnh. Ở Ukraine, nơi cuộc cách mạng dân tộc, có tinh thần bài trừ tham nhũng, lật đổ được vị tổng thống vào năm 2014, câu hỏi đó sẽ được nêu ra trong chiến dịch kê khai tài sản, với kết quả là các quan chức địa phương ăn cắp hàng trăm triệu USD tiền mặt.

Chưa có ai so sánh Mĩ với các nền dân chủ trẻ tuổi ở Trung và Đông Âu, vì những nhóm ăn trên ngồi trốc của Mĩ đã thất bại thảm hại trong năm nay cũng là những người từng rất tự hào về truyền thống chính trị của Mĩ. Còn khi truyền thống đã sụp đổ thì một số học giả phải công nhận rằng họ không thực sự hiểu đất nước mình. “Nước Mĩ, chúng tôi hầu như không hiểu được người”, kinh tế gia Paul Krugman viết trên Tweeter như thế. “Chắc chắn là tôi đã đánh giá sai đất nước này”.

Đã đến lúc từ bỏ thái độ ngạo mạn. Trong những khía cạnh quan trọng nhất, Mĩ cũng chỉ là đất nước như nhiều nước khác mà thôi. Tất cả những thứ có thể xảy ra ở những nước khác cũng có thể xảy ra ở đây. Ví dụ như Trump.

Leonid Bershidsky là nhà bình luận của Bloomberg. Ông là biên tập viên sáng lập tờ Vedomosti ra hàng ngày ở Nga và là người thành lập website Slon.ru.

Đã đăng trên Việt Nam Thời Báo

Nguồn: https://www.bloomberg.com/view/articles/2016-11-09/trump-s-victory-proves-the-u-s-is-unexceptional




No comments:

Post a Comment