March 22, 2016

VNTB- Thư ngỏ gửi các ứng viên tổng thống: Mĩ phải coi dân chủ là trọng tâm của chính sách đối ngoại

Phạm Nguyên Trường dịch

Các ứng viên tổng thống Mỹ từ bà Hillary Clinton, ông Jeb Bush, ông Marco Rubio, bà Carly Fiorina (từ trái qua phải)

Chúng tôi đề nghị quí vị cam kết thực hiện vai trò lãnh đạo ủng hộ sự nghiệp dân chủ và nhân quyền, nếu quí vị được bầu làm tổng thống Hoa Kì

Thưa các ứng viên tổng thống:


Hợp chủng quốc Hoa Kì được xây dựng trên các nguyên tắc đời sống, tự do và theo đuổi hạnh phúc và trong suốt hàng thập kỉ qua, ủng hộ dân chủ và nhân quyền trên khắp thế giới đã và đang là nguyên lí quan trọng nhất trong chính sách đối ngoại của Hoa Kì. Mặc dù Hoa Kì phải giữ quan hệ với nhiều chính phủ độc tài ở nước ngoài, nhưng cũng có những lí do tuyệt vời để giải thích vì sao phần lớn các nước đồng minh gần gũi nhất với chúng ta lại là các nước dân chủ.

Các quốc gia tự do thành công hơn về kinh tế, ổn định hơn và là những đối tác đáng tin cậy hơn đối với Hoa Kì. Các xã hội dân chủ dường như ít tiến hành xâm lược hay chiến tranh chống lại các lân bang hay chống lại chính nhân dân nước mình. Các xã hội tự do dường như cũng ít gặp thất bại ở tầm quốc gia và trở thành mảnh đất mầu mỡ cho bất ổn và chủ nghĩa khủng bố, như chúng ta đã và đang chứng kiến, như ở Syria. Điều đó có nghĩa là thúc đẩy dân chủ là vì lợi ích của Hoa Kì và góp phần củng cố trật tự và hòa bình trên khắp địa cầu.

Trong bốn thập kỉ qua, số nước tự do và dân chủ đã tăng gấp hơn hai lần. Từ Mĩ Latin và Trung Âu tới Đông Á và phía nam sa mạc Sahara ở châu Phi, nhân dân các nước đã lựa chọn chính phủ có trách nhiệm giải trình. Tiến bộ ngoạn mục này có nguồn gốc từ sự khao khát tự do và nhân phẩm của tất cả mọi người trên hành tinh này - nhưng nó cũng còn là do sự ủng hộ mạnh mẽ nhân quyền và dân chủ của Hoa Kì, chính quyền của cả hai đảng đều làm như thế. Sự ủng hộ này đã không chỉ là một phương tiện thể hiện những giá trị nền tảng của đất nước chúng ta, mà còn là lựa chọn thực dụng nhằm thúc đẩy hệ thống quản lí coi trọng an ninh, tạo lập thị trường ổn định và bảo vệ nhân quyền. Chúng tôi viết thư này nhằm kêu gọi quí vị ủng hộ sự nghiệp này và biến nó thành phần quan trọng nhất trong chính sách đối ngoại của quí vị.


Trong mấy năm gần đây, các chế độ độc tài như Nga và Trung Quốc đang ngày càng trở thành những chế độ có tính áp bức hơn; họ coi không chỉ sự tiến bộ của dân chủ bên những đường biên giới của mình, mà tiến bộ ở những quốc gia láng giềng như mối đe dọa cho sự độc quyền đối với quyền lực chính trị của họ. Cách các chế độ này đối xử với người dân nước mình thường là dấu hiệu cho ta thấy họ sẽ đối xử với lân bang và những nước khác như thế nào. Do đó, chúng ta không phải ngạc nhiên khi thấy nhiều thách thức về chính trị, về kinh tế và an ninh mà chúng ta đang gặp bắt nguồn từ những nơi như Moscow, Bắc Kinh, Bình Nhưỡng, Tehran và Damascus.

Chế độ đàn áp vốn đã không ổn định và phải tiếp tục đàn áp các phong trào dân chủ và xã hội dân sự thì mới duy trì được quyền lực. Những chế độ này cũng là nguồn gốc và nhà xuất khẩu tham nhũng trên diện rộng, là mối nguy hiểm xuyên quốc gia đối với chế độ dân chủ ổn định trên toàn thế giới.

Kết quả là chế độ dân chủ đang bị tấn công. Theo Freedom House, suốt thập kỉ qua, mỗi năm tự do trên toàn cầu lại giảm đi. Điều đó cho thấy mệnh lệnh khần thiết đối Hoa Kì là phải làm việc với các chế độ dân chủ khác nhằm tăng cường ủng hộ những nhà cải cách dân chủ trên khắp thế giới.

Ủng hộ dân chủ trên toàn thế giới không có nghĩa là áp đặt các giá trị Mĩ hay can thiệp quân sự. Ở những nước phi dân chủ, điều đó có nghĩa giúp đỡ một cách hòa bình và sáng tạo những người hoạt động ở địa phương, tức là những người đang tìm những cuộc cải cách dân chủ và muốn Hoa Kì giúp đỡ về tinh thần, chính trị, ngoại giao và đôi khi là giúp đỡ về vật chất. Những nhà hoạt động thường bị tù đầy, tra tấn và chết trong cuộc tranh đấu vì một xã hội dân chủ hơn, và lòng kiên trì và sự dũng cảm của họ trước những mối đe dọa như thế đòi hỏi chúng ta phải giúp đỡ. Giúp họ giữ vững những nguyên tắc vốn là nền tảng của đất nước chúng ta.

Ủng hộ dân chủ bao gồm hợp tác giữa chính phủ Hoa Kì và các tổ chức phi chính phủ đang đấu tranh nhằm mang lại tự do cho đất nước họ. Thông thường, điều đó có nghĩa là hợp tác cả với những nền dân chủ mới nổi nhằm củng cố những thiết chế đại diện và tư pháp của họ. Điều này đòi hỏi những nguồn lực mà Quốc hội phải tiếp tục cung cấp và những khoản trợ giúp cho nước ngoài phải liên kết với thành tích trong lĩnh vực nhân quyền và sự thăng tiến của các quyền tự do cơ bản.

Nó cũng đòi hỏi sự ủng hộ về mặt ngoại giao ở cấp cao nhất của ngành hành pháp, của tất cả các cơ quan khác nhau của chính phủ, cũng như của Quốc hội. Nó có nghĩa là gặp gỡ các nhà hoạt động dân chủ từ những khu vực khác nhau trên thế giới và lên tiếng nhân danh họ. Thể hiện tình đoàn kết với và giúp đỡ cho những nỗ lực của những con người dũng cảm để xây dựng tương lai tốt đẹp hơn cho đất nước của họ là việc phải làm. Giúp đỡ cuộc đấu tranh của họ vì tự do và công bằng là chúng ta đang góp phần xây dựng thế giới an toàn hơn cho chính Hoa Kì.

Có nhiều cách ủng hộ dân chủ và nhân quyền, nhưng có những tính chất cơ bản và phổ quát mà chúng tôi phải khẳng định: các thiết chế mang tính đại diện, chế độ pháp quyền, trách nhiệm giải trình, bầu cử tự do, chống tham nhũng, các phương tiện truyền thông tự do (trong đó có Internet), xã hội dân sự sống động, công đoàn độc lập, quyền tư hữu, thị trường mở, quyền của phụ nữ và người thiểu số và quyền tự do thể hiện, tự do lập hội và tự do tôn giáo.

Nhiều người Mỹ đặt câu hỏi vì sao Hoa Kì phải giúp đỡ tự do và dân chủ trên toàn thế giới. Nhưng ngày càng có nhiều nước dân chủ ở châu Âu và châu Á, cũng như các tổ chức quốc tế, đang mở rộng những nguồn lực đáng kể giúp đỡ công việc này. Chúng ta phải tiếp tục xây dựng quan hệ đối tác với các tổ chức và các nước cùng chí hướng với chúng ta, trong đó có những nước dân chủ tương đối mới và đang rất muốn giúp đỡ những nước khác trong cuộc đấu tranh vì tự do.

Một số người khẳng định rằng chúng ta có thể theo đuổi lí tưởng dân chủ hay an ninh quốc gia, nhưng không thể theo đuổi cả hai cùng một lúc. Đây là lựa chọn sai lầm. Chúng tôi công nhận rằng chúng ta có quyền lợi về kinh tế, năng lượng và an ninh khác với các nước khác và dân chủ, nhân quyền không thể là mục duy nhất trong chính sách đối ngoại. Nhưng thường thì những vấn đề hay bị lờ đi hoặc bỏ qua để khỏi gây rắc rối cho quan hệ song phương trước mắt. Sự bất ổn, đặc trưng của Trung Đông, trong nhiều thập kỉ là kết quả trực tiếp của các chế độ độc tài, chính phủ không có trách nhiệm giải trình và đàn áp xã hội dân sự, chứ không phải là do những đòi hỏi mà chúng ta thấy trong thời gian diễn ra cách mạng Mùa Xuân Ả Rập năm 2011 và không phải do những đòi hỏi về nhân phẩm và tôn trọng những quyền cơ bản của con người. Về lâu dài, chúng ta phải trả giá cho bất ổn và xung đột khi các chế độ tham nhũng, độc đoán sụp đổ.

Chúng tôi yêu cầu quí vị nâng cao vấn đề dân chủ và nhân quyền, dành cho chúng vị trí nổi bật trong chính sách đối ngoại của quí vị. Đây là giai đoạn mà tự do gặp nhiều thách thức trong nhiều lĩnh vực khác nhau, đấy là khi các nước phải đấu tranh để cho dân chủ hoạt động còn các chế độ độc tài thì đàn áp công dân của mình và phá hoại ngầm các lân bang. Nhưng những chế độ độc tài này cũng dễ bị tổn thương. Trên khắp thế giới, những người dân bình thường tiếp tục thể hiện mong muốn có chế độ dân chủ tham gia và chính phủ có trách nhiệm giải trình. Do đó, có đủ cơ sở thúc đẩy sự tiến bộ theo hướng dân chủ trên toàn thế giới.

Để cho điều đó xảy ra, Hoa Kì phải thể hiện khả năng lãnh đạo, trong liên minh với các nước dân chủ của chúng ta, nhằm giúp đỡ những nỗ lực ở các nước để làm cho xã hội trở thành tự do hơn và chính phủ trở thành dân chủ hơn. Chúng tôi đề nghị quí vị cam kết thực hiện vai trò lãnh đạo ủng hộ sự nghiệp dân chủ và nhân quyền, nếu quí vị được bầu làm tổng thống Hoa Kì.

Xin cám ơn,

139 người, trong đó có các quan chức, các vị đại sứ, nghị sĩ đã nghỉ hưu, các học giả và các nhà hoạt động xã hội, đã kí. Danh sách như sau:

Elliott Abrams, David Adesnik, Anne Applebaum, Brian Atwood, Hattie Babbitt, Shawna Bader-Blau, Elizabeth Bagley, Rodney Bent, Howard Berman, Nicole Bibbins Sedaca, Dennis Blair, James Blanchard, Cole Bockenfeld, Paul Bonicelli, Ellen Bork, Jeanne Bourgault, Charles J. Brown, Nicholas Burns, Daniel Calingaert, Thomas Carothers, Scott Carpenter, Johnnie Carson, Richard Celeste, Eliot A. Cohen, Jared Cohen, Lorne Craner, Seth Cropsey, John Danilovich, Robert Danin, Aleksander Dardeli, Charles Davidson, Kim Davis, Howard Dean, Larry Diamond, Paula Dobriansky, Thomas Donnelly, Michele Dunne, Charles Dunne, Nicholas Eberstadt, Eric Edelman, Lee Feinstein, Richard Fontaine, Benjamin Freakley, Martin Frost, Francis Fukuyama, Laurie Fulton, Thomas Garrett, Jeffrey Gedmin, Sam Gejdenson, Carl Gershman, Mark Gitenstein, John K. Glenn, David Gordon, Mark Green, Shannon Green, Christopher Griffin, Barbara Haig, Joseph Hall, Amy Hawthorne, Bobby Herman, Donald L. Horowitz, William Inboden, Karl F. Inderfurth, Bruce Pitcairn Jackson, Robert Kagan, Ted Kaufman, Richard Kauzlarich, Zalmay Khalilzad, Monica V. Kladakis, Jim Kolbe, Richard Kraemer, David J. Kramer, Mark Lagon, Sam LaHood, Greg Lebedev, Delano Lewis, Tod Lindberg, Kristin Lord, Princeton Lyman, Elisa Massimino, Michael McFaul, Gerald S. McGowan, Stephen McInerney, Michael Miklaucic, Joshua Muravchik, Moises Naim, Andrew Nathan, Andrew Natsios, Diana Villiers Negroponte, Constance Newman, Suzanne Nossel, Michael O’Hanlon, Gardner Peckham, William Perry, J. Peter Pham, Ted Piccone, Marc F. Plattner, Michael C. Polt, Carlos Ponce, Keith Porter, Arch Puddington, Stephen Rickard, Nancy Rubin, Dan Runde, Douglas Rutzen, Nadia Schadlow, Kori Schake, Randy Scheuneman, Gary Schmitt, Amanda Schnetzer, Nina Shea, George Shultz, Sichan Siv, David Skaggs, Anne-Marie Slaughter, Alan Solomont, John Sullivan, Louis Susman, Bill Sweeney, Dorothy Douglas Taft, Tomicah Tillemann, Harold Trinkunas, Robert H. Tuttle, Daniel Vajdich, Peter Van Praagh, Melanne Verveer, Kurt Volker, Christopher Walker, Erin Walsh, Vin Weber, George Weigel, Jeremy Weinstein, Ken Weinstein, Maureen White, Leon Wieseltier, Clint Williamson, Andrew Wilson, Tamara Wittes, Kenneth Wollack, Diane Zeleny.

Nguồn http://foreignpolicy.com/2016/03/16/the-u-s-must-put-democracy-at-the-center-of-its-foreign-policy/

Đã đăng trên Việt Nam Thời báo

No comments:

Post a Comment