March 17, 2016

Putin lệnh rút quân khỏi Syria sẽ tác động đến Biển Đông

HỒNG THỦY


(GDVN) - Hành động quân sự của Mỹ trên Biển Đông từ tháng 10, tháng 11/2015 đến nay đều diễn ra trong bối cảnh thỏa hiệp và độ tin cậy quân sự giữa Nga với Mỹ

Ngày 15/3 Tổng thống Nga Vladimir Putin bất ngờ tuyên bố, Moscow sẽ rút các đơn vị quân sự chủ yếu tham gia "không kích khủng bố" tại Syria về nước vì "nhiệm vụ cơ bản" đã hoàn thành.

Đa Chiều ngày 16/3 bình luận, động thái này của Điện Kremlin cho thấy, quan hệ Trung - Mỹ ở Syria đã cơ bản ổn định. Điều này sẽ tác động trực tiếp đến xu hướng diễn biến trên Biển Đông.

Cạnh tranh Nga - Mỹ ở Syria, khi nước sông không phạm nước giếng

Mặc dù việc Nga rút quân khỏi Syria có cả lý do chính trị lẫn kinh tế là một thực tế khó có thể phủ nhận, nhưng cả Nga và Mỹ đều bảo lưu được lợi ích chiến lược tại quốc gia này cũng như khu vực Trung Đông. Cục diện đối đầu giữa Washington và Moscow sau lệnh rút quân của Putin cũng đã dần hòa hoãn, thỏa hiệp.
Tổng thống Nga Vladimir Putin, ảnh: trend247.net.
Nga tuyên bố rút quân khỏi Syria có nghĩa là Mỹ không còn kình địch, mặc dù trên thực tế Moscow chỉ rút một phần. Moscow vẫn duy trì sự hiện diện quân sự tại Syria để bảo vệ các lợi ích chiến lược của mình và thế cân bằng chiến lược với Hoa Kỳ trong khu vực.

Như vậy, cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Nga trên hai mặt trận, Ukraine và Syria đều đã trở nên hòa hoãn và tìm được chỗ thỏa hiệp.

Thực tế từ quý 3 năm 2015 khi Nga quyết định can thiệp quân sự vào Syria, cả Washington và Moscow đều cố gắng tránh để tình huống đối đầu, đối mặt trực diện ở khu vực này.

Putin đã tính toán làm sao bỏ vốn ít nhất nhưng thu lời nhiều nhất trong ván bài Syria. Nga đã có được tiếng nói và thế chủ động trong vấn để giải quyết cuộc khủng hoảng Syria bằng giải pháp chính trị sau hoạt động không kích.

Lợi ích của Nga ở khu vực được củng cố, căn cứ quân sự Nga tại Tartus được tăng cường.

Khi các mục tiêu chiến lược này dược bảo đảm, thỏa hiệp Nga - Mỹ trong vấn đề Syria cũng theo đó mà hình thành. Tháng 11 năm ngoái, Mỹ bắt đầu đàm phán và thỏa hiệp với Nga về vấn đề các hoạt động không kích của Nga tại Syria, hai bên đã có được bản ghi nhớ chung.

Syria và Ukraine tạm ổn, Mỹ lập tức tăng cường hiện diện ở Biển Đông

Khi cục diện cuộc khủng hoảng Nga - Mỹ tại Ukraine và Syria đã bắt đầu có xu hướng ổn định và thỏa hiệp, ngày 27/10/2015, Mỹ phái khu trục hạm USS Lassen tuần tra tự do hàng hải bên trong 12 hải lý đá Xu Bi, Trường Sa (đá Xu Bi bị Trung Quốc chiếm đóng và xây dựng bất hợp pháp).

Động thái này đánh dấu sự hình thành của cục diện mới - hai mặt trận tác chiến của Hoa Kỳ.
Chiến hạm USS Lassen Hoa Kỳ, ảnh: AP.
Đối với Mỹ, quốc gia này có thừa khả năng và lực lượng tấn công chính xác, vận tải đổ bộ và triển khai các hoạt động quân sự trên toàn cầu. Chỉ có điều, Mỹ muốn tính toán làm sao các hành động quân sự này không dẫn đến một cuộc chiến tranh khiến Mỹ bị sa lầy như tại Iraq hay Afghanistan.

Biển Đông có vai trò đột phá khẩu trong chiến lược của Hoa Kỳ ở châu Á - Thái Bình Dương, trong khi duy trì lợi ích chiến lược của Mỹ ở Trung Đông cũng là một nhu cầu không thể xem nhẹ. Việc thỏa hiệp được với Moscow trong vấn đề khủng hoảng Ukraine và Syria đã giúp Mỹ yên tâm hơn về mặt trận phía Tây.

Những hành động quân sự của Mỹ trên Biển Đông từ tháng 10, tháng 11/2015 đến nay đều diễn ra trong bối cảnh thỏa hiệp và độ tin cậy quân sự giữa Nga với Mỹ ở Trung Đông, Ukraine được tăng cường. Ngay cả khi máy bay quân sự Nga bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi, xu thế thỏa hiệp này vẫn không dừng lại.

Tháng 1/2016 khi đàm phán hòa bình cho Syria được khởi động cũng là lúc chiến hạm USS Curtis Wilbur Hải quân Mỹ tuần tra bên trong 12 hải lý Tri Tôn, Hoàng Sa (Đà Nẵng, Việt Nam). Can thiệp của 2 cụm tàu sân bay Mỹ vào Biển Đông cũng bắt đầu. Những động thái này cho thấy, Mỹ đã giảm được áp lực và nỗi lo trên mặt trận phía Tây để tập trung vào Biển Đông, Hoa Đông.

Sự chủ động chống quân sự hóa Biển Đông còn được Hoa Kỳ thể hiện rõ nét trong Hội nghị Thượng đỉnh Sunnylands giữa Tổng thống Barack Obama với các nhà lãnh đạo 10 nước ASEAN.

Cùng chung xu thế chống hành vi leo thang quân sự hóa của Trung Quốc trên Biển Đông, Nhật Bản, Úc và Ấn Độ cũng có những động thái can thiệp, Việt Nam mở cửa dịch vụ Cảng quốc tế Cam Ranh cũng có những tác động tích cực đến tiến trình này.

Do đó theo Đa Chiều, thời gian tới Bắc Kinh sẽ tập trung lực lượng đối phó với Hoa Kỳ ở Biển Đông, từ chính trị, kinh tế, ngoại giao cho đến quân sự. Biển Đông thời gian tới sẽ tiếp tục căng thẳng (bởi những hành động đơn phương quân sự hóa mà Trung Quốc tiến hành bất hợp pháp).

Nguồn: Giáo dục.

No comments:

Post a Comment