March 16, 2016

Ba kịch bản cho kinh tế Trung Quốc: Tốt, xấu và thảm khốc


Valentin schmid

Trường Xuân dịch



Kinh tế Trung Quốc phát triển chậm lại và giá nguyên liệu giảm là có lợi cho người tiêu dùng phương Tây.

“Tình hình kinh tế thế giới phụ thuộc vào việc tốc độ tăng trưởng của thu nhập và chi tiêu của người tiêu dùng có cao hơn tốc độ tăng trưởng của người sản xuất hay không”, Diana Choyleva, kinh tế trưởng của Lombard Street Research (Lombard Street Research là cơ quan tư vấn dự báo kinh tế vĩ mô, trụ sở đặt ở London và có văn phòng ở New York và Hong Kong –ND).

Các công ti khai thác lớn, ví dụ tập đoàn liên doanh Anh-Mĩ PLC, và các nhà bán lẻ hàng tiêu dung, ví dụ như Glencore PLC, bị thiệt hại, nhưng người tiêu dùng phương Tây được hưởng lợi khi giá cả giảm, nhất là giá xăng.

Người dân Liên minh châu Âu (EU) tiêu nhiều tiền nhất. Chi tiêu của người Mĩ vẫn ổn định vì phần lớn khoản tiết kiệm của họ gắn với thị trường chứng khoán, Choyleva giải thích.


“Tính bất định của thị trường chứng khoán càng kéo dài thì càng có nhiều khả năng là người tiêu dùng Mĩ sẽ tiếp tục tiết kiệm chứ không chi tiêu”.

Kịch bản tốt đối với Trung Quốc

Điều đó có lẽ cũng đúng với Trung Quốc. Hãy lấy tiền của người sản xuất và đút nó vào túi người tiêu dùng. Phá giá đồng Nguyên sẽ thúc đẩy quá trình này, Choyleva nói.


“Tài khoản tiết kiệm được mở và đồng tiền yếu sẽ dẫn tới tăng lãi suất cho vay ở trong nước. Đây chính là điều Trung Quốc cần nhằm gia tăng tiêu dùng”, bà này nói. Vì phần lớn các khoản tiết kiệm của người Trung Quốc nằm trong các khoản tiền gửi, tăng lãi suất nghĩa là tăng thu nhập và tiêu dùng.


Giảm các khoản đầu tư của các nhà sản xuất và của chính phủ sẽ tạo điều kiện cho các doanh nhân phương Tây thế chỗ và tăng cường đấu tư.


Liên quan tới tăng giá nhập khẩu vì đồng tiền yếu đi, người tiêu dùng Trung Quốc không có gì phải lo vì Trung Quốc nhập nguyên vật liệu chứ không phải hàng tiêu dung, Choyleva nói.

Kịch bản xấu


Nhưng, dường như ngân hàng trung ương các nước khác không cho Trung Quốc thực hiện chiến lược này. “Đối với Trung Quốc, tốt nhất là thả nổi đồng tiền của mình. Nhưng như thế cũng chẳng khác gì cầm miếng vải đó đứng trước con bò tót. Không quan trọng, người nào đóng vai bò tót: Nhật hay Mĩ thì cũng thế”, nhà kinh tế học này nói.


Ngân hàng Nhật vừa khẳng định quan điểm chiến lược của mình về nới lỏng tiền tệ và thậm chí là đòi Trung Quốc phải tăng cường kiểm soát đồng vốn, để ngăn không cho đồng vốn chảy ra khỏi đất nước và ngăn chặn sự mất giá của đồng tiền.


Evan Lorenz thuộc tổ chức Grant’s Interest Rate Observer cho rằng nếu đồng Nguyên mất giá quá nhanh thì đấy sẽ là đề tài chính trong chiến dịch tranh cử ở Mĩ.


“Đây sẽ là thảm họa chính trị. Ở Mĩ đang diễn ra chiến dịch tranh cử. Trung Quốc đã trở thành một trong những đề tài chính. Nếu Trung Quốc hạ giá đồng Nguyên xuống 10-15% thì Donald Trump, ứng viên của Đảng Cộng hòa sẽ không ngưng nói về Trung Quốc cho đến tận ngày bầu cử vào tháng 11. Điều này có thể dẫn tới những biện pháp trừng phạt thương mại chống lại Trung Quốc hay những vấn đề khác”, Lorenz giải thích.


Kịch bản thảm khốc


Về khả năng phục hồi kinh tế của Trung Quốc, Evan Lorenz còn tỏ ra bi quan hơn nữa: “Dường như bong bóng đầu tư của Trung Quốc bắt đầu vỡ, đi kèm với nó là những hậu qủa xấu với cả Trung Quốc lẫn toàn thế giới”.


Theo lời ông này, Trung Quốc gặp rắc rối to với các khoản nợ nần (nợ chiếm tới 240% GDP). Không thể giải quyết được vấn đề này mà không giảm hẳn tốc độ phát triển kinh tế. Theo kế hoạch của chính phủ Trung Quốc thì kinh tế sẽ phát triển với tốc độ 6,5-7%/năm, nhưng Lorenz cho rằng đây là mục tiêu bất khả thi.


“Tôi không biết tốc độ tăng trưởng sẽ là 0%, 1%, 2% hay thậm chí −1%, nhưng tôi tin rằng tăng trưởng sẽ giảm”, ông này nói. Vấn đề thực sự là Trung Quốc muốn tạo ra một quả bong bóng mới nhằm ngăn chặn sự chậm lại của nền kinh tế.


“Nếu chính phủ rót tiền vào để giải quyết vấn đề và quên đi các cuộc cải cách thì họ có thể đạt được cải thiện trong ngắn hạn. Với tốc độ gia tăng đáng sợ các khoản nợ nần ở Trung Quốc, những khoản đầu tư quá mức trong quá khứ, không có cải cách cơ cấu ở những nước như Nhật Bản và khu vực đồng Euro, chưa chắc đấy sẽ sự cải thiện tích cực và dài hạn. Hậu quả của chính sách như vậy có thể là nặng nề”, Choyleva nói.


“Trước đây, Trung Quốc đã tìm cách giải quyết những vấn đề này bằng tăng cường tín dụng. Chuyện đó đã xảy ra trong thời gian chuyển giao quyền lực vào năm 2012, khi Tập Cận Bình trở thành người đứng đầu Trung Quốc”, Lorenz nhận xét.


Dường như năm 2016, Trung Quốc phải sử dụng chính sách này một lần nữa. Cuối tháng hai số tiền vay để đảo nợ đã lên tới 1 nghìn tỷ USD. Đây là kỷ lục mới.


Chính sách đó sẽ dẫn tới những hậu quả rất xấu, Choyleva nói: “Trung Quốc không thể tiếp tục tạo bong bong và trì hoãn giải quyết trong mười năm nữa. Với tỉ lệ nợ và GDP như hiện nay, Trung Quốc chỉ còn một hai năm nữa thôi, nếu hành động sai, bong bóng sẽ vỡ. May là đất nước này còn tiền để có thể thay đổi tình hình, nếu có hành động đúng ngay từ bây giờ”.


Câu hỏi đặt ra những hành động đó có được thực hiện hay không.

Nguồn: Dân Luận

No comments:

Post a Comment