March 15, 2016

Lý do nào khiến ông Putin bất ngờ rút quân khỏi Syria?

HỒNG THỦY

(GDVN) - Có vẻ như Putin phải thừa nhận rằng, không quân Nga chẳng thể làm gì nhiều hơn nữa ở Syria nếu không có sự hỗ trợ của lực lượng lục quân

Reuters ngày 15/3 đưa tin, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã quyết định rút quân khỏi Syria, một động thái hãng thông tấn Anh quốc mô tả là "gây sốc" cho dư luận quốc tế, trong lúc các cuộc đàm phán hòa bình cho Syria mới bắt đầu tại Geneva.
Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc họp Nội các ngày hôm qua, ảnh: AP.
Tuy nhiên hy vọng về một thỏa thuận đột phá trong đàm phán vẫn còn xa vời, khi các bên vẫn bất đồng xung quanh tương lai của Tổng thống Bashar al-Assad. Ông Putin đã chỉ thị cho Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu:

"Nhiệm vụ đặt ra cho Bộ Quốc phòng và các lực lượng vũ trang về cơ bản đã hoàn thành. Vì vậy tôi ra lệnh cho Bộ Quốc phòng từ ngày mai bắt đầu rút các lực lượng chính của chúng ta khỏi Cộng hòa Arab Syria".

Tuyên bố hoàn thành nhiệm vụ của Kremlin

Mặc dù rút quân, nhưng Moscow vẫn sẽ duy trì một căn cứ không quân ở Syria. Điện Kremlin giải thích, động thái này nhằm giúp Nga theo dõi sự tiến bộ của một lệnh ngừng bắn tại quốc gia Trung Đông bị tàn phá bởi chiến tranh này.

Thông báo của Điện Kremlin cho biết, ông Bashar al-Assad đã nhấn mạnh tính chuyên nghiệp, lòng dũng cảm và chủ nghĩa anh hùng của các sĩ quan, binh sĩ lực lượng vũ trang Nga tham gia các hoạt động quân sự ở Syria. Ông tỏ lòng biết ơn sâu sắc Moscow.

Tờ Harretz của Israel ngày 15/3 cho rằng, chỉ có Putin mới biết được Nga được gì và mất gì sau hành động quân sự tại Syria. Ông chủ Điện Kremlin chưa bao giờ thực sự giải thích rõ những mục tiêu của hành động can thiệp quân sự vào Syria là gì.

Nếu nói là chống khủng bố thì ISIS vẫn còn đó, tiếp tục đe dọa an ninh khu vực cũng như toàn cầu, trong khi các mục tiêu không kích của Nga chủ yếu nhằm vào các lực lượng đối lập.

Nếu nói vực dậy chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad, thì người Nga đã giúp ông chiếm lại một số thành trì quan trọng nhưng cũng chưa có gì đủ đảm bảo cho tương lai của Assad.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Syria Bashar al-Assad. Ảnh: awdnews.
Thông báo rút quân của Kremlin không có nghĩa là lực lượng quân sự Nga không còn hiện diện ở Syria. Căn cứ ở Tartus và Hmeimim sẽ tiếp tục do Nga điều khiển. Không quân Nga tiếp tục tuần tra trên bầu trời Syria. Putin có thể đưa quân Nga trở lại bất cứ khi nào ông cần.

Quyết định rút quân khỏi Syria của Putin, theo Harretz là có vẻ như Putin phải thừa nhận rằng, không quân Nga chẳng thể làm gì nhiều hơn nữa ở Syria nếu không có sự hỗ trợ của lực lượng lục quân Nga.

Đã đến lúc Nga thực hiện kế hoạch chia Syria thành các bang tự trị dưới một nhà nước liên bang

Trước đó ngày 5/3 Harretz đưa tin, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov đã "thả một quả bom ngoại giao" khi ông tuyên bố, nếu Syria quyết định rằng mô hình một nhà nước liên bang tại Syria sẽ giúp quốc gia này duy trì được sự thống nhất, một nhà nước thế tục độc lập, có chủ quyền thì tại sao lại lo có người phản đối?

"Tôi hy vọng các bên tham gia vào các cuộc đàm phán sẽ xem xét các ý tưởng về một nhà nước liên bang", Harretz dẫn lời ông Ryabkov cho biết. Đề xuất bất ngờ này của Nga, chia Syria thành các bang tự trị ví dụ như theo phong cách Thụy Sỹ, được Moscow xem là một giải pháp cho cuộc khủng hoảng Syria.

Hiện Hoa Kỳ chưa có phản hồi nào chính thức từ chối ý tưởng này, mặc dù trước đây ưu tiên số một của Washington vẫn là lật đổ bằng được Bashar al-Assad, và lập ra một chính phủ mới để cai trị Syria thống nhất, như những gì Mỹ đã làm tại Iraq.

Đề xuất của Nga không chỉ giúp cộng đồng người Kurd nắm quyền kiểm soát chính thức các khu vực họ tuyên bố tự trị, cộng đồng Hồi giáo Alawites cũng sẽ có một tỉnh tự trị của riêng mình ở Latakia, nơi Nga đặt các căn cứ không quân và Syria đặt căn cứ hải quân.

Ưu điểm của phương án này theo những người Syria ủng hộ nó, đó là Bashar al-Assad sẽ giữ được ghế Tổng thống, nhưng quyền lực chỉ còn giới hạn trong chính sách đối ngoại và bảo vệ đất nước khỏi những kẻ thù bên ngoài.

Một gương mặt từ phe đối lập, George Sabra thì cho rằng mục tiêu này của Nga phù hợp với những "kẻ thù của Syria", từ Israel đến Tehran. Theo Sabra, với mục tiêu này Nga có thể duy trì sự hiện diện bán chính thức tại Syria, trong khi Iran có thể tiếp tục gây ảnh hưởng thông qua Assad.

Thổ Nhĩ Kỳ thì xem đề xuất này là mối đe dọa, bởi lâu nay họ vẫn tìm mọi cách ngăn chặn người Kurd kiểm soát toàn bộ tuyến biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria. Trong khi người Kurd được sự ủng hộ ngày càng lớn từ Washington với hy vọng cộng đồng người Kurd sẽ trở thành lực lượng chính chống ISIS, nay Nga ủng hộ để người Kurd tự trị, Ankara như ngồi trên đống lửa.

Putin đã chính xác trong việc thực hiện thành công mục tiêu khôi phục quyền kiểm soát cho Bashar al-Assad ở một số vùng trọng điểm. Đồng thời ông không cần phải lo lắng rằng Hoa Kỳ hay các nước châu Âu có thể giành quyền kiểm soát Syria. Sau hoạt động quân sự này, Putin đã thấy rõ sự bất lực của phương Tây.

Tuy nhiên, Putin quyết định rút quân khỏi đấu trường Syria khi chưa có một chiến thắng quân sự quyết định sự ngã ngũ giữa một trong 2 phe ở Syria: Bashar al-Assad hoặc phe nổi dậy.

Nếu các bên tham chiến tại Syria không thấy sự rút quân của Nga là cơ hội để làm mới cuộc chiến, thì sau đó lựa chọn biến Syria thành nhà nước Liên bang bao gồm 3 khu tự trị hoặc nhiều hơn nữa, như Nga đã hình dung, điều đó có vẻ như là một giải pháp hợp lý.

Rút quân là bước đi chiến thuật

Nhà phân tích quân sự Alexander Golts nói với The Guardian ngày 15/3: "Không ai muốn đối phó với Nga sau cuộc khủng hoảng Ukraine. Và mục tiêu của chiến dịch quân sự Nga tại Syria là buộc phương Tây phải đối phó với Nga một lần nữa. Điều này đã xảy ra, và bây giờ họ đang nhận ra tổn thất tối thiểu của các cuộc xung đột. Tôi nghĩ rằng đó là một động thái chiến thuật khá rực rỡ."

The Guardian cho hay, nhiều nhà phân tích nhận định rằng, ngay cả mục tiêu vực dậy Bashar al-Assad nhằm ngăn chặn một khoảng trống quyền lực như đã từng xảy ra ở Libya và Iraq cũng chỉ là thứ yếu trong chiến dịch quân sự của Putin ở Syria.

Còn theo Peek, một nhà tư vấn chiến lược, giáo sư tại trường Claremont McKenna, cố vấn của chỉ huy NATO tại Afghanistan viết trên trang cá nhân trong The New York Times ngày hôm nay, quyết định của Putin rút quân khỏi Syria mang màu sắc bi quan hơn.

Đầu tiên ông cho rằng Nga có thể đã cạn tiền. Giá dầu quá thấp và trừng phạt của phương Tây đang làm nền kinh tế Nga điêu đứng. Trong khi các cuộc không kích tại Syria ngốn của Moscow khá nhiều tiền. Nga đã tuyệt vọng khi vận động Ả Rập Xê Út giảm sản lượng dầu và tăng giá nhưng bất thành.

Với chiến thắng trong tầm nhìn về vấn đề Syria, đã đến lúc Nga rút về phòng thủ để tránh rủi ro tài chính. Hai là, Nga có quan hệ rất tốt với cộng đồng người Kurd - đối thủ của Thổ Nhĩ Kỳ. Moscow muốn đứng ngoài cuộc đối đầu càng nhiều càng tốt, hoặc chí ít là trì hoãn được việc phải lựa chọn đứng hẳn về bên nào trong lúc này.

Nguồn: Giáo Dục

1 comment:

  1. This comment has been removed by a blog administrator.

    ReplyDelete