September 12, 2015

Tại sao Nga bất ngờ quan tâm tới cuộc nội chiến ở Syria

George Petrolekas

Phạm Nguyên Trường dịch

Đã mấy ngày nay, ngày nào cũng có báo cáo về sự dính líu ngày càng tăng của Nga vào cuộc nội chiến ở Syria, trong đó có những cuộc tấn công nhắm vào Nhà nước Hồi giáo (IS) bằng máy bay của Nga và sự hiện diện của các loại vũ khí hiện đại hơn của Nga so với trước đây. Vì vậy mà Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã gọi điện cho người đồng cấp Nga, ông Sergey Lavrov.


Nhà Trắng, mặc dù không xác nhận sự hiện diện của Nga đã gia tăng, nhưng nói rằng sẽ theo dõi chặt chẽ tình hình và mô tả sự hiện diện thêm của  các lực lượng Nga ở Syria là phản tác dụng, gây mất ổn định và làm cho xung đột lan tràn.

Phần cuối dường như có hơi phóng đại; rất khó tưởng tượng làm sao mà cuộc nội chiến đã kéo dài bốn năm và làm thiệt mạng - theo đa số các báo cáo - tới 300.000 người và làm hàng triệu người trở thành người tị nạn có thể lan ra thêm được nữa. Ngược lại, nếu đúng là Nga đang gia tăng sự hiện diện thì, trên thực tế, nước này đang làm cho cuộc xung đột nhanh chóng chấm dứt.

Nhưng, điều quan trọng là phải hiểu vì sao Nga lại chọn thời điểm này, trong khi họ có thể làm như vậy bất cứ lúc nào.

Nga đã hỗ trợ Tổng thống Syria Bashar al-Assad trong một thời gian dài và cùng với Trung Quốc phủ quyết những nỗ lực nhằm bảo đảm an ninh ở Syria vì họ vẫn nhớ khái niệm Trách nhiệm Bảo vệ Libya đã trở thành cơ hội để lật đổ chế độ ở nước này. Ông al-Assad giữ được quyền lực trong những năm qua là do những lực lượng từng được gọi là dân chủ đối lập đã bị các nhóm cực đoan thánh chiến khác nhau giành mất vai trò và sau đó thì nhập bọn với những nhóm này.

Nhưng tình hình bế tắc như thế trong suốt ba năm qua đã chuyển hướng sang tình trạng, trong đó ông al-Assad đang mất đất. Ông ta đã thừa nhận như thế hồi đầu năm nay khi nói rằng: “Chúng ta sẽ phải tập trung vào những khu vực quan trọng đối với chúng ta, chúng ta không thể bảo vệ lãnh thổ của cả nước”. Ông al-Assad đang bảo vệ cơ sở quyền lực của mình, đấy là người thiểu số Alawite (một nhánh của người Hồi giáo Shia) và người Kitô giáo, hồi đầu cuộc chiến chỉ chiếm từ 10 đến 12% dân số của Syria, một nước mà người Sunni chiếm đa số.

Hiện nay al-Assad chỉ kiểm soát được 17% lãnh thổ quốc gia và quân đội của ông ta đang chiến đấu trên mặt trận kéo dài từ Damascus, Homs, Aleppo đến Latakia (là những trung tâm của người Alawite và người Kitô giáo). Mối lo sợ là do không có phe đối lập ôn hòa đủ mạnh, khi Assad sụp đổ thì IS - có tổ chức tốt nhất - và những nhóm Hồi giáo hoạt động độc lập như mặt trận al-Nusra sẽ giành được lợi thế. IS đã không được sinh ra từ cuộc nội chiến ở Syria, nhưng đã tận dụng nó và thâm nhập vào nước này từ lãnh thổ Iraq. Tổng thống Nga Vladimir Putin không thể chấp nhận ý tưởng về chiến thắng rõ ràng của IS hoặc một nhóm Hồi giáo Sunni nào khác.

Đối với Putin, thắng lợi của người Hồi giáo ở Syria sẽ gây chấn động tại sân sau của mình ở Chechnya – nhiều chỉ huy chiến trường giỏi nhất của IS là người Chechnya. Assad sụp đổ có khả năng biến Syria thành là nhà nước thánh chiến to lớn hoặc bị chia thành hai hoặc nhiều quốc gia Hồi giáo. Ở phương Tây người ta thường quên là phần lớn người Kitô giáo ở Syria, vùng đất của một trong những Giáo trưởng lâu đời nhất trong đạo Kitô (Tòa Thượng phụ ở Antioch) – thánh Peter và thánh Paul thành lập năm 34 (trước Công nguyên), trước khi thánh Peter thành lập Tòa Thánh ở Rôma – đã sống ở Damascus và đã có quan hệ bình đẳng với Tòa Thượng Phụ ở Moskva.

Putin, người tự thể hiện mình như là “người bảo vệ đức tin” của Chính thống giáo, có liên hệ chặt chẽ với Tòa Thượng Phụ ở Moskva và thích cách giải thích lịch sử của Chính thống giáo Nga.

Nhưng gần đây Nga đã tuyên bố rằng nước này không có quan hệ với cá nhân với al-Assad, ngụ ý việc chia sẻ quyền lực hoặc bầu cử là có thể xảy ra – điều đó cũng có nghĩa là họ đưa ra tín hiệu rằng quyền của người Alawite và và người Kitô thiểu số phải được tôn trọng và bảo vệ. Đồng thời, phải hoan nghênh bất cứ nỗ lực nào, hiện có tương đối yếu, nhằm loại bỏ nhà nước Hồi giáo.

Không có giải pháp nào thật sự hoàn hảo. Ở Iraq, người Kurd dường như sẽ không thể có nhà nước riêng và, trong trường hợp tốt nhất, họ cũng chỉ giữ quyền tự chủ mà thôi. Những bước đầu tiên trong việc hòa giải giữa người Shia và người Sunni ở Iraq có thể sẽ tiếp tục. Ở Syria, al-Assad nên về nghỉ hưu trong một biệt thự ở bán bảo Crime, còn Moskva thì chắc chắn là sẽ giữ những những hải cảng của nước này trên bờ biển Syria. Nhưng nếu sự kết hợp của những yếu tố này sẽ dẫn đến kết thúc xung đột và IS bị giải tán thì thế giới sẽ được lợi dù cho đấy chưa phải là giải pháp lý tưởng.

George Petrolekas là cộng tác viên của  Canadian Global Affairs Institute. Ông từng phục vụ tại Bosnia và Afghanistan và từng là cố vấn cho trưởng phòng tham mưu của NATO.

Đã đăng trên http://www.ijavn.org/2015/09/vntb-tai-sao-nga-bat-ngo-quan-tam-toi.html


Nguồn http://www.theglobeandmail.com/globe-debate/why-russia-is-suddenly-interested-in-syrias-civil-war/article26274009/

No comments:

Post a Comment