September 4, 2015

Bài học của Lev Tolstoy

Mario Vargas Llosa
Phạm Nguyên Trường dịch



FERNANDO VICENTE

Nhà văn Nga, trong tác phẩm Chiến Tranh và Hòa Bình, dạy chúng ta rằng, mặc cho những sự kiện khủng khiếp trong cuộc đời, nhân loại đang từng bước để lại phía sau tất cả những gì tồi tệ, xấu xa mà nó mang theo trong mình.

Tôi đọc Chiến tranh và Hòa bình lần đầu tiên cách đây hơn nửa thế kỷ, trong thời gian nghỉ phép được hưởng lương đầu tiên của mình, ở Perros Guirec. Lúc đó tôi đang làm cho hãng thông tấn France-Presse và viết cuốn tiểu thuyết đầu tiên của mình, tin tưởng sâu sắc rằng ở thể loại văn học này, khác các thể loại khác, điều kiện chính để cho tác phẩm có chất lượng là độ dày, những cuốn tiểu thuyết vĩ đại thường là rất dày vì chúng bao quát nhiều tầng, nhiều lớp của hiện thực và dường như bao trùm được toàn bộ kinh nghiệm phong phú của nhân loại.

Cuốn tiểu thuyết của Lev Tolstoy dường như xác nhận đầy đủ quan điểm này. Ngay từ đầu, câu chuyện, bằng giọng nhẹ nhàng, kể về cuộc sống trong những phòng trà ở St. Petersburg và Moscow, nơi các nhà quý tộc nói tiếng Pháp nhiều hơn là tiếng Nga, rồi chuyển dần sang tất cả các giai tầng của xã hội Nga đầy phức tạp, cho ta thấy sự đa dạng của các giai cấp, các loại người, từ các vị bá tước và tướng lĩnh đến người nông nô, kể cả thương nhân, những cô dâu ở tuổi kết hôn, các hội tam điểm, với tất cả các tính chất của chúng, những người theo đạo, những kẻ lừa đảo, các quân nhân, nghệ sĩ, những kẻ có nhiều tham vọng và nhà thần bí. Người đọc cảm thấy như lịch sử nhân loại muôn hình vạn trạng đang lần lượt hiện ra ngay trước mắt anh ta.

Theo tôi nhớ, nổi bật nhất trong cuốn tiểu thuyết lớn này là những cảnh chiến đấu, những đoạn mô tả chiến thuật thiên tài của nguyên soái Kutuzov; mặc dù gặp nhiều thất bại nhưng ông vẫn liên tục gây thiệt hại cho đội quân xâm lược của Napoleon, trong khi giá rét, băng tuyết và đói khát chưa giúp ông đánh tan được họ.

Tôi đã có quan niệm sai lầm rằng nếu cần dùng một câu để tóm tắt nội dung Chiến tranh và Hòa bình thì ta có thể nói rằng đây là một tấm thảm lộng lẫy, kể câu chuyện về cách người dân Nga đập tan tham vọng xâm lược của “kẻ thù của nhân loại” là Napoleon Bonaparte và bảo vệ được nền độc lập của họ. Nghĩa là, đây là cuốn tiểu thuyết vĩ đại viết về chiến tranh và lòng yêu nước, trong đó chiến tranh, truyền thống và cái gọi là lòng can đảm trong chiến trận của người Nga được ca tụng hết lời.

Nhưng bây giờ đọc lại, tôi nhận ra rằng mình đã lầm. Hoàn toàn không tìm cách trình bày chiến tranh như một sự kiện, trong đó tâm hồn con người được tôi luyện, những phẩm chất cá nhân và sự vĩ đại của đất nước được hình thành, cuốn tiểu thuyết, trong từng trận đánh – và có lẽ thể hiện rõ nhất là trong đoạn mô tả đầy ấn tượng về chiến thắng của Napoleon ở Austerlitz – cho ta thấy tất cả những nỗi khủng khiếp của chiến tranh, số lượng khổng lồ các nạn nhân, những nỗi bất công và đau khổ vô cùng tận giáng xuống những con người bình thường. Phần lớn nạn nhân chính là những người bình thường đó. Tác giả cho thấy sự ngu ngốc đầy nham hiểm và tàn bạo của những kẻ đã gây ra tất cả những tai họa này trong khi khoác lác về danh dự, lòng yêu nước, lòng can đảm trong chiến đấu và trong đời thường. Tất cả sự sáo rỗng và vô nghĩa của những từ ngữ này càng trở nên rõ ràng ngay khi đạn bắt đầu nổ. Cuốn tiểu thuyết của Tolstoy kể về hòa bình nhiều hơn là về chiến tranh. Chứa đầy tình yêu của ông đối với lịch sử và văn hóa Nga, nhưng không ca ngợi sự ồn ào và dữ dội của những vụ giết chóc, thể hiện cuộc sống nội tâm phong phú, những suy tư, nghi ngờ, tìm kiếm sự thật và mong muốn làm điều tốt, như được thể hiện trong hình ảnh con người tốt bụng và dịu dàng là Pierre Bezukhov, một trong những nhân vật chính của Chiến tranh và Hòa bình. Mặc dù bản dịch tiếng Tây Ban Nha của tác phẩm mà tôi đang đọc không phải là hoàn hảo, có thể cảm nhận được thiên tài của Tolstoy trong tất cả những điều ông viết, những lời bóng gió, dụ ngôn còn thể hiện rõ hơn là những điều được nói ra một cách rõ ràng. Sự im lặng của ông bao giờ cũng rất hùng hồn, chứa nhiều thông tin, đánh thức sự tò mò của người đọc; người đọc không thể bỏ sách xuống, người đọc háo hức muốn biết liệu cuối cùng bá tước Andrei có công nhận mình yêu Natasha hay không, hai người có lấy nhau hay không hay vị bá tước ủ dột Nikolai Andreyevich sẽ làm cho cô đau khổ. Trong cuốn tiểu thuyết, gần như không có tình tiết quan trọng nào bị bỏ dở, bị đứt đoạn, không kể cho độc giả những điều thú vị và có tính quyết định nhất, làm cho độc giả phải theo sát sự phát triển của cốt truyện, trong khi không làm loãng sự chú ý của người đọc. Đúng là, dường như khó tưởng tượng được là trong một tác phẩm dài và đa dạng như vậy, với nhiều nhân vật như thế mà người kể chuyện toàn trí đã xây dựng cốt truyện một cách tài tình, không bao giờ đánh mất quyền kiểm soát, phân chia một cách khôn ngoan đến như thế cho mỗi nhân vật một khoảng thời gian, không bao giờ và không quên một nhân vật nào. Mỗi nhân vật đều có khoảng thời gian và không gian vừa đủ để câu chuyện diễn ra một cách suôn sẻ, như trong cuộc đời thực, đôi khi rất chậm, đôi khi bùng nổ mãnh liệt, với những niềm vui và nỗi buồn, với những giấc mơ, tình yêu và những thay đổi diễn ra mỗi ngày.

Bây giờ đọc lại Chiến tranh và Hòa bình, tôi nhận ra điều mà lần đọc đầu tiên mình chưa hiểu. Cụ thể là chiều kích tâm linh của cuốn tiểu thuyết quan trọng hơn hẳn những chuyện xảy ra trong các phòng khách và trên bãi chiến trường. Triết học, tôn giáo, tìm kiếm chân lý, giúp phân biệt tốt xấu và hành động cho phù hợp, là mối quan tâm chính của các nhân vật trong cuốn tiểu thuyết này, trong đó có nhân vật lỗi lạc như nguyên soái Kutuzov. Mặc dù thực tế là đời ông là chiến trận – trên mặt ông vẫn cón vết sẹo do viên đạn của người Thổ Nhĩ Kỳ bắn phải – đây là một người đức hạnh, không biết thù ghét là gì. Có thể nói rằng ông chiến đấu vì không có cách nào khác: nhất định một người nào đó phải làm chuyện này. Và nói chung, ông thích những hoạt động có trí tuệ và tâm hồn hơn.

Mặc dù, nói đúng ra, những sự kiện trong Chiến tranh và Hòa bình là rất khủng khủng khiếp, nhưng tôi ngờ rằng nó không làm cho người đọc buồn. Ngược lại, cuốn tiểu thuyết cho ta cảm giác rằng, dù cuộc đời có tất cả những nỗi kinh hoàng như thế, nhiều nhân vật phản diện và những tên vô lại như thế, đằng nào thì những kẻ đó cũng giành được điều mà chúng muốn, nhưng sau khi cân đong đo đếm vào phút chót thì người tốt vẫn nhiều hơn kẻ xấu; hạnh phúc và bình an vẫn nhiều hơn cay đắng và hận thù, mặc dù không phải lúc nào cũng rõ ràng, nhân loại đang dần để lại ở phía sau những điều tồi tệ nhất mà nó mang trong mình. Nghĩa là,thường là bằng những biện pháp mà mắt thường không nhìn thấy được, nhân loại trở nên tốt hơn, trong khi loại bỏ bớt những tính chất tiêu cực của mình.

Rõ ràng là, đây là những thành tựu chủ yếu của Lev Tolstoy, giống như Cervantes khi viết Don Quixote, như Balzac khi viết Tấn trò đời, như Dickens, tác giả Oliver Twist, như Victor Hugo, với Những người khốn khổ và Faulkner với lịch sử của miền Nam nước Mỹ. Mặc dù khi đọc những cuốn tiểu thuyết của họ là chúng ta ngụp lặn vào tầng dưới cùng của sự xấu xa của con người, nhưng đồng thời, trong chúng ta lại xuất hiện niềm tin rằng dù có những khúc quanh và bước ngoặt, nhưng cuộc sống của con người phong phú và sâu sắc hơn tất cả những rắc rối và khó khăn vốn có trong cuộc đời. Nếu nhìn vào cuộc sống với tất cả chiều sâu của nó, một cách bình tĩnh và có cân nhắc, thì có thể nói rằng đáng sống tiếp. Ít nhất, bởi vì chúng ta có thể không chỉ sống trong thế giới thực, mà còn sống trong thế giới của những người anh hùng trong những cuốn tiểu thuyết lớn.

Tôi không thể kết thúc bài viết này mà không đưa ra công khai câu hỏi mà từ lâu đã không để tôi yên: Làm thế nào mà giải thưởng Nobel đầu tiên về văn chương lại được trao cho Sully Prudhomme chứ không phải là Lev Tolstoy? Chả lẽ lúc đó không thấy rõ ràng, hệt như bây giờ, rằng Chiến tranh và Hòa bình là một trong những phép màu mà hàng thế kỷ mới xảy ra trong địa hạt văn chương hay sao?

Đã đăng trên http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/bi-hoc-cua-lev-tolstoy/


Dịch theo bản tiếng Nga tại địa chỉ: inosmi.ru/world/20150825/229834432.html


1 comment: