Boris Grozovsky
Phạm Nguyên Trường dịch
Nếu
bạn hoặc con bạn chưa đọc The Great Terror – Cuộc khủng bố vĩ đại hay Harvest
of Sorrow – Thu hoạch nỗi buồn (1986) - một tác phẩm viết về nạn đói trong và
sau khi tập thể thể hóa thì phải nhanh lên thì mới kịp.
Robert Conquest (1917-2015)
Nhà sử học 98 tuổi, Robert
Conquest, sinh trước cuộc cách mạng năm 1917 vài tháng, đã qua đời ngày 03
Tháng 8 năm 2015, gần như cùng thời điểm, khi Nga bắt đầu rút khỏi các thư viện
tác phẩm đã được dịch sang tiếng Nga của các nhà sử học nước ngoài (The Fall of Berlin 1945 – Berlin thất thủ
1945 , Stalingrad, World War II – Thế chiến II của Anthony
Beevor và The First World War I – Thế chiến
I của John Keegan). Có lẽ những cuốn như Who’ who in Military History -
Ai là ai trong lịch sử chiến tranh
và Who Was Who in World War II – Ai là ai trong Thế chiến II do Keegan
chủ biên cũng sẽ cùng chung số phận. Một số cuốn sách này là do quỹ
Soros (Soros Foundation) xuất bản, mà hiện tại là đủ để người ta chứng minh xu
hướng văn học bài Nga của những cuốn sách này và mong muốn của tác giả nhằm
xuyên tạc lịch sử. Theo Beevor, ông rất ngạc nhiên vì cần một thời gian
dài như thế để làm việc này: năm 2002, Grigory Karasin, đại sứ Nga ở Anh
lúc đó và bây giờ là Thứ trưởng Ngoại giao Nga, đã cáo buộc Beevor là phỉ
báng Hồng quân.
Điều lạ là chuyện này không
bắt đầu với Conquest: chẳng bao lâu nữa sẽ là 50 năm kể từ ngày ông chiếm vị
trí thứ nhất trong việc kích thích những người quan tâm tới việc xuyên tạc lịch
sử. “Kẻ thù số 1 của Liên Xô” Alexander Chakovsky, cựu tổng biên tập tờ Báo Văn Hóa, một người Stalinist, trong
một Hội nghị Ủy ban Trung ương Cộng sản Liên Xô đã gọi Conquest như thế. Conquest
mang bí danh này với niềm tự hào không cần che dấu. Khi còn là sinh viên, ông
đã bị chủ nghĩa cộng sản quyến rũ trong thời gian nắn, Conquest là người chống
Liên Xô không mệt mỏi, khi chiến tranh lạnh đang hồi gay cấn, ông đã tìm cách giải
thích cho Margaret Thatcher, và sau đó là Ronald Reagan, những việc Liên Xô có
thể làm, phải cư xử với nó như thế nào và, quan trọng hơn, tại sao Liên Xô nhất
định sẽ diệt vong. Conquest đã viết cho Reagan một cuốn sách tuyên truyền, vẽ ra
một cách sống động những nỗi kinh hoàng của chế độ cộng sản, nếu nó đột nhiên
được thiết lập ở Mỹ.
Còn trước đó, Conquest đã giải
thích cho thế giới biết rằng Stalin – là người thừa kế của Lenin, chứ không phải
là sự lệch lạch ngẫu nhiên ra khỏi đường lối chung, ông kể cho mọi người nghe
vì sao chế độ Xô Viết là tội phạm và những việc mà chế độ này đã làm với nhân dân
nước mình. Và không phải bằng lý thuyết hay văn chương – như Hannah Arendt,
Karl Popper, George Orwell và Arthur Koestler đã làm – mà bằng một tác phẩm rất li kỳ, hấp dẫn,
tác phẩm trở thành kinh điển và đặt tên cho cả một thời đại: The Great Terror – Cuộc khủng bố vĩ đại.
Ba phiên bản của nó (đầu tiên xuất bản năm 1968, thứ hai, viết lại, xuất bản
năm 1990, và thứ ba, với những sửa chữa thậm chí còn rộng lớn hơn, xuất bản năm
2007), hiện vẫn không bị cấm ở Nga.
Nhưng tác phẩm khác của Conquest, đáng tiếc, chưa được dịch
sang tiếng Nga
Năm 1968, kho tài liệu lưu
trữ của Liên Xô vẫn đóng cửa, còn các ấn phẩm của Liên Xô thì đầy dối trá, giáo
sư sử học Stephen Kotkin ở Princeton nhắc lại như thế. Còn năm 1937, nhà sử học
Norman Davies chỉ ra rằng tờ New York
Times viết rằng ở Liên Xô tất cả mọi thứ là tốt, và đại sứ Hoa Kỳ báo cáo về
Washington rằng có bằng chứng chỉ rõ tội lỗi của các nạn nhân chính. Vì vậy,
nhà kinh tế học Konstantin Sonin nói đúng: không nên ngạc nhiên trước những sai
lầm hoặc thiếu sót của Conquest (có nhiều khả năng là ông đã thổi phồng những ước
tính về số người bị đàn áp và chết đói, đã tìm cách giải thích nạn đói sau tập
thể hóa là vụ diệt chủng có chủ đích nhắm vào nhân dân Ukraine), mà nên ngạc
nhiên trước sự kiện là mặc dù “đối tượng nghiên cứu” nằm trong tình trạng gần
như hoàn toàn bí mật mà ông vẫn phát hiện ra (và có lẽ là đoán được!) nhiều thứ
như thế và chỉ ra cách thức hoạt động của bộ máy khủng bố. Đặc biệt so với ngành
Xô Viết học lúc đó đang thịnh hành những quan điểm của phái “Tả”. Trước Conquest,
cả ở phương Tây lẫn ở Liên Xô người ta đã biết rõ rằng Stalin giết hại những
người đồng chí của mình, nhưng mức độ tội ác của ông ta đối với những người
bình thường thì vẫn chưa rõ.
Lịch sử - tất nhiên, không
phải khoa học, Conquest nói như thế; đúng ra, nó là câu chuyện. Trong trường hợp
của Conquest thì đúng là như thế: ông đã buộc phải sử dụng thông tin mơ hồ,
không đầy đủ và không hoàn toàn chính xác, xây dựng lại, từng chút một, các mắt
xích còn thiếu và bác bỏ những điều dối trá được in trên giấy đẹp ở Liên Xô và
bởi các học giả có cảm tình với Liên Xô.
Ông không sợ là người đam mê, hoàn toàn có lý khi cho rằng
thiếu đam mê, cố gắng tiếp cận một cách khách quan chế độ Xô Viết - chỉ là trò
dối trá mang tính lịch sử.
Công nhận một số lý do trong
hành động của kẻ giết người, công nhân logic trong lập luận của hắn - không có
nghĩa là biện hộ cho hành động giết người: kẻ giết bao giờ cũng là kẻ giết người.
Ưu điểm chính của Conquest -
không phải tính chính xác của công trình nghiên cứu mà là tác phẩm văn chương
vĩ đại. Để đọc những tác phẩm dầy nhiều tập của Solzhenitsyn như The Red Wheel – Bánh xe đỏ và The Gulag Archipelago – Quần đảo ngục tù
người ta cần được chuẩn bị và phải có sự kiên trì. Gần như bất cứ học sinh nào
cũng có thể đọc sách của Conquest và dường như chúng mới được viết ngày hôm qua
vậy. “Từ bên ngoài” Conquest đã giải thích được toàn bộ sự khủng khiếp của những
vụ đàn áp của Stalin, truyền đạt lại không khí của 1937-1938 không kém gì những
cuốn hồi ký của người Liên Xô, những công trình nghiên cứu lịch sử và tiểu thuyết,
dựa trên những hiểu biết “ở bên trong” về thời kỳ Stalin, được xuất bản sau này.
Conquest rõ ràng và nhất quán trong cuộc đấu tranh nhằm chống lại tất cả những nỗ
lực nhằm “phục hồi” Stalin, ở phương Tây quá nhiều những cố gắng như thế: “Thôi
miên chính trị" vẫn tiếp tục hoạt động. Việc phương Tây không hiểu chế độ
Xô Viết, năm 2004 Conquest đưa ra kết luận như thế, là do một logic đơn giản:
chế độ Xô Viết chỉ trích chính sách của phương Tây và dường như tiến bộ hơn
phương Tây – cụ thể là chế độ này đã loại bỏ hiện tượng người bóc lột người. Do
đó, Liên Xô được coi là thế giới tốt hơn.
Việc mở các kho lưu trữ của
Liên Xô là lễ hội đối với Conquest. Những thay đổi trong tác phẩm The Great Terror – Cuộc khủng bố vĩ đại,
in lần thứ ba, được Conquest đọc cho máy tính chép, vừa đọc ông vừa nói đùa rằng
nếu chương trình này có cách đây 40 năm thì công việc diễn ra nhanh chóng hơn
và Liên Xô đã sụp đổ sớm hơn được một vài năm. Những ý tưởng chính của The Great Terror – Cuộc khủng bố vĩ đại và Harvest of Sorrow – Thu hoạch nỗi buồn (1986), tinh thần của các tác phẩm này nói chung là trùng với những tác phẩm đương đại, được viết sau khi các kho lưu trữ đã được mở.
Conquest tránh tham gia vào
việc đánh giá về mặt chính
trị những sự kiện
diễn ra ở Nga trong những năm 1990-2000, nhưng ông hiểu tất cả. Và ông đã giải thích thấu đáo và đầy đủ trong một số tác
phẩm. Trong tập tiểu luận Reflections on a Ravaged Century - Suy tư về một thế kỷ bị tàn phá
(1999; một trong các chương của cuốn sách này – một bản di chúc chính trị), ông viết: “Xây dựng nền kinh tế thị trường - là
một cách nói, làm người ta hiểu
lầm.
Các nền
kinh tế thị trường tự xuất hiện chứ
không được tạo
ra bằng các sắc
lệnh. Các nền
kinh tế xã hội chủ nghĩa được tạo ra bằng nghị quyết.
Nhiệm vụ của Đông Âu là tạo ra những điều kiện để các nền kinh tế thị trường có thể xuất hiện. Việc đầu tiên – chế độ pháp quyền:
nguyên tắc, tuyên bố thì dễ
nhưng thực hiện thì khó.
Không nước nào có
thể được đưa lên
ụ
tàu [như một con tầu] để người ta gắn một
cách
cẩn thận và kỹ lưỡng những thiết chế mới. Tất
cả công việc này có lẽ giống như cố gắng
lắp cho con tầu một động cơ mới ở ngay trên biển, giữa những con sóng lừng”. Hiểu được tất cả chuyện
này, ông không hy vọng Nga sẽ tiến bộ nhanh chóng. Tập tiểu luận Reflections
on a Ravaged Century - Suy tư về một thế kỷ bị tàn phá, và
đặc biệt là tác phẩm cuối
cùng của Conquest: The Dragons of Expectation: Reality and
Delusion in the Course of History – Những con rồng của kỳ vọng: Hiện thực và ảo tưởng
trong tiến trình của lịch sử (2004) – cần được dịch sang tiếng Nga.
Trong một bài báo, nhân 50 năm ngày Stalin chết, Conquest đã chỉ
ra sự khác biệt đáng kể giữa nước Đức thời hậu-quốc xã và nước Nga thời hậu-xô
viết: chế độ của Hitler bị phá hủy hoàn toàn còn tư tưởng của ông ta thì bị phỉ
báng. Ở Nga không có chuyện gì như thế hết: đã không diễn ra quá trình phi-Stalin
một cách chính thức, còn sự phân rã tự phát của Liên Xô thì để lại nhiều mảnh vỡ
của những ý tưởng và lợi ích, mà cần phải trải qua nhiều thập kỳ thì mới tan rã
hoàn toàn. Hiện nay, Conquest viết trong bài báo đó, những người hâm mộ Stalin sẽ
liên kết ông ta khi thì với chủ nghĩa dân tộc Nga, khi thì với Chính thống giáo
– “và nếu còn sống thì ông ta hẳn lấy làm ngạc nhiên”.
Trong những năm cuối đời,
Conquest không viết nhiều. Nhưng ông không thể không lên tiếng trước sự ra đi
vào năm 2008 của một trong những người đối thoại chính của mình - Alexander
Solzhenitsyn (người thứ hai là anh hùng Andrei Sakharov). Ông viết một cách
trung thực, không hạ thấp những thành quả của Solzhenitsyn nhưng cũng không bỏ
qua những sai lầm của nhà văn. Trong bài tiểu luận ngắn này, Conquest đề cập đến
một chủ đề rất quan trọng đối với triết học Nga: “con đường riêng” - cảm giác vượt
trội của Nga trước phương Tây và đồng thời vỡ mộng trước sự kiện là ưu thế đã
không được mọi người công nhận. Kết luận hợp lý của những cảm xúc mâu thuẫn
nhau này là ước muốn tìm những người chịu trách nhiệm vì thất bại của họ, ngay
cả khi không có những bằng chứng đáng tin cậy về tội lỗi. Bên cạnh đó, Conquest
viết tiếp, là nỗi sợ hãi được người ta thường xuyên nhắc đi nhắc lại rằng người
ta đang lừa dối, đang chế giễu nước Nga. Rồi Conquest đưa ra đánh giá rất tỉnh
táo về chế độ chính trị của Nga vào năm 2008: “Hiện nay, một nhóm tập quyền,
nhưng không phải là một khối thống nhất đang cai trị nước Nga. Chế độ do nhóm
người này tạo ra không phải là tư bản chủ nghĩa hay xã hội chủ nghĩa, cũng
không phải là chủ nghĩa tư bản nhà nước. Có nhiều khả năng là nó giống như chế
độ phong kiến cách đây cả thế kỷ, được người ta mô tả là chế độ tài phiệt, gắn
vào chế độ chuyên chế. Chính quyền này hoạt động không theo phương pháp dân chủ,
nhưng cũng không theo phương pháp toàn trị. Nền kinh tế của nước này có nguồn
tài nguyên rất lớn, nhưng chúng lại tập trung trong lĩnh vực nhiên liệu và năng
lượng, nhưng những tranh chấp chính trị, tranh chấp cá nhân và các phe phái lại
gây cản trở cho việc sử dụng những nguồn tài nguyên đó. [...] Như trước đây,
trong Điện Kremlin, quân nhân vẫn còn có tiếng nói mạnh mẽ.
Sau
đó Conquest trách Putin rằng thậm chí Lenin còn hiểu rõ hơn về sự cần thiết của
những khoản đầu tư nước ngoài, những luận cứ bài bác đầu tư nước ngoài là phi
lý và liên quan với chủ nghĩa biệt lập.
Hoạt động của phe đối lập
trong nước, ông viết, bị đàn áp, tuy không chính thức (đôi khi bằng những vụ giết
người mà không thể nào tìm ra thủ phạm – tác giả cuốn sách đầu tiên viết về việc
giết hại Kirov, theo lệnh của Stalin - nhận xét như thế). Trong lúc đó, chế độ này
lại sử dụng ngôn ngữ của xã hội dân sự “phương Tây” hay “châu Âu” và ngôn ngữ của
chế độ pháp quyền và thậm chí dành cho dân chúng quyền tự do ngôn luận tương đối
rộng rãi. Chẩn đoán của Conquest chính xác đến mức có thể nói với chúng ta nhiều
điều về sự tiến hóa của chế độ chính trị ở Nga trong giai đoạn 2008-2015. Khác với
thời Xô Viết, Conquest viết, người Nga hiện nay có thể đi nghỉ ở Thổ Nhĩ Kỳ, Ai
Cập và ngay cả ở Mỹ. Trong những cuốn sách được in với số lượng ít có thể đọc
được lịch sử đúng đắn về chủ nghĩa Stalin, nhưng sách giáo khoa vẫn có xu hướng
bám vào quan điểm của Điện Kremlin. Một số nhà bình luận, Conquest nhận xét, thậm
chí còn nhìn thấy “khả năng tiến hóa tới một tương lai văn minh hơn”, họ liên kết
điều này với sự vươn lên của tầng lớp trung lưu. Đấy chính là lý do vì sao
trong những năm sau đó, Điện Kremlin lại tìm cách đàn áp tầng lớp trung lưu.
Ngay từ năm 2008, Conquest
không vội vàng đồng ý với niềm hy vọng về “tương lai văn minh”: chủ nghĩa Sô
vanh bài phương Tây ngày càng gia tăng ở Trung Quốc và Nga, những nỗ lực nhằm
dùng sức mạnh để làm cho Nga trở thành siêu cường thế giới, làm ông lo lắng. “Chủ
nghĩa Sô vanh và không có hệ tư tưởng là nguy hiểm”, Conquest nhắc nhở chúng ta: “Bành trướng tinh thần dân
tộc chủ nghĩa theo kiểu của Kaiser Wilhelm, trong khi thừa nhận đa nguyên chính
trị và văn hóa ở trong nước cuối cùng vẫn dẫn đến năm 1914 (Thế chiến I – ND)”.
Do
đó mà có cuộc tranh cãi về việc có nên coi nạn đói giai đoạn 1932-1933 là vụ diệt
chủng hay không.
Đây là cuộc cãi vã về ngôn từ
chứ không phải về thực chất: việc gọi tội ác chống lại một nhóm người (nông
dân, kulaks, nông dân Ukraine, nông dân vùng Volga và nông dân Kazakhstan) và
làm nhiều người chết là gì không phải là điều quan trọng. Nhóm người này có kết
hợp với nhau trên cơ sở quốc gia, xã hội hay lãnh thổ hay không cũng không phải
là điều quan trọng - dù trong trường hợp
nào thì đấy vẫn là tội ác. Như Conquest nói trong một cuộc phỏng vấn: “Stalin
không coi mình là người chống người Ukraine. Nhưng Andrei Sakharov và không chỉ
Sakharov tin rằng ông ta là người như thế. Stalin có thái độ chống người
Ukraine chỉ đơn giản bởi vì người Ukraine gây khó khăn cho ông ta. Ông ta “chống”
nhiều người khác vì cùng lý do như thế”.
Giới tinh hoa cầm quyền ở Nga,
Conquest viết trong bài báo cuối cùng, nếu tôi nhớ không nhầm, về những vụ lộn
xộn ở Moskva hồi tháng 12 năm 2011 - sản phẩm không chỉ của lịch sử kéo dài nhiều
thế kỷ, được hình thành từ những thử thách nặng nề của cả cá nhân lẫn tập thể, mà
còn trải qua những thế hệ bị nhồi nhét các giáo điều và khả năng trong lĩnh vực
tâm lý để tồn tại qua những thử thách đó và chấp nhận giáo điều này. Trong nửa
sau thế kỷ XIX, chính phủ Sa hoàng Nga là một trong những chế độ áp bức nhất ở
châu Âu, và Liên Xô, về mức độ bạo lực, đã vượt xa tất cả những gì đã từng xảy
ra ở châu Âu trong nhiều thế kỷ (không kể Đức Quốc xã). Đối đầu với phương Tây,
cuộc đấu tranh không ngừng nghỉ với các nền văn hóa khác, quân sự hóa một cách
bệnh hoạn đời sống công cộng - là biến dạng về mặt tâm thần, được chế độ Xô Viết
cấy vào tâm thức của rất nhiều người. Rất khó thoát ra.
Bộ may quan liêu của nước Nga
đã sống sót qua thời Gorbachev và Yeltsin, sống sót sau sự sụp đổ của mô hình
xã hội chủ nghĩa và nỗ lực không thành công trong việc xây dựng chế độ dân chủ định
hướng thị trường. Nền kinh tế vẫn bị tham nhũng và tư hữu hóa nửa vời. Ý thức hệ
cộng sản đã bị vứt vào sọt rác, nhưng ở Nga đã không hình thành được xã hội cởi
mở - Conquest viết. Ông cho rằng những cuộc biểu tình trong năm 2011 là do nước
này không có chế độ pháp quyền hay chế độ dân chủ, còn bộ máy quan liêu thì không
từ bỏ thói quen mà họ đã được dạy dỗ suốt nhiều thế kỷ. Nhưng kết luận của ông
thật đáng bi quan: Vấn đề mà những người Nga muốn thay đổi đang gặp không nằm
trong lĩnh vực chính trị và kinh tế, mà nằm trong lĩnh vực xã hội dân sự. Cần
thời gian để hình thành xã hội dân sự, nhưng có rất nhiều trở ngại, và nguy cơ chuyển
theo hướng ngược lại – về phía chủ nghĩa Sô vanh, bành trướng, hung hăng – là
khá cao. Hiện nay những lo ngại của kẻ thù của Liên Xô, Robert Conquest, đang trở
thành sự thật.
Đã đăng trên http://www.ijavn.org/2015/08/vntb-ke-thu-so-1-cua-lien-xo.html
Nguồn http://www.inliberty.ru/blog/1997-Antisovetchik-1
No comments:
Post a Comment