Kết
luận
Nhiều người, trong đó dĩ nhiên là có Trotsky, đặc biệt nhấn
mạnh những bản năng tội phạm, bản năng khát máu của Stalin. Tôi không muốn phủ
nhận cũng như khẳng định vì không có đủ dữ kiện. Gần đây, ở Moskva, người ta đã
tuyên bố rằng có thể ông ta đã giết Kirov để lấy cớ đàn áp phong trào đối lập
trong Đảng. Bàn tay ông ta cũng có thể đã nhúng cả vào cái chết của Gorky.
Trotsky còn nghi rằng ông ta đã cho giết Lenin dường như để ông khỏi bị đau đớn
thêm. Có người khẳng định rằng ông ta đã giết vợ hoặc là đối xử một cách thô bạo
quá đến nỗi bà phải tự sát. Vì cái giai thoại bà đã bị ngộ độc khi nếm món ăn
mà người ta chuẩn bị cho chồng do bộ máy tuyên truyền của Stalin tạo ra nghe có
vẻ vừa thơ mộng vừa ngây ngô quá.
Stalin có thể thực hiện mọi tội ác, chưa có tội ác nào mà
ông ta không phạm. Dù dùng tiêu chuẩn nào thì ông ta cũng là một kẻ tội đồ vĩ đại
nhất trong lịch sử nhân loại, chúng ta hãy hi vọng như thế. Vì ông ta là sự kết
hợp của sự tàn ác của Caligula, sự cầu kì của Borgia và sự man rợ của Ivan Bạo
chúa.
Nhưng tôi đã và vẫn suy nghĩ mãi về câu hỏi: làm sao mà một
con người nham hiểm và độc ác như thế lại có thể lãnh đạo một trong những nước
vĩ đại và mạnh mẽ nhất thế giới, không phải một, không phải hai năm mà những ba
mươi năm chẵn? Đấy chính là điều những người phê phán, những hậu duệ của Stalin
phải lí giải. Khi họ chưa làm điều đó thì có thể khẳng định rằng họ đang tiếp tục
công việc của ông ta, đang sử dụng những ý tưởng, hình thức và phương tiện mà
ông ta đã dùng.
Đúng là Stalin đã lợi dụng cơ hội của một nước Nga sau
cách mạng đã bị kiệt sức và rơi vào tình trạng tuyệt vọng để nô dịch toàn bộ xã
hội. Nhưng cũng đúng là một người như thế, một người cuồng tín, quyết đoán, trắng
trợn và rất thực tế lại rất cần cho một số tầng lớp nhất định, đúng hơn là cần
cho tầng lớp đảng viên quan liêu đã nắm được quyền lực. Đảng cầm quyền đã kiên
trì và ngoan ngoãn đi theo ông ta. Ông ta đã dẫn Đảng đi từ thắng lợi này đến
thắng lợi khác, cho đến khi ông ta say mê quyền lực đến độ phạm tội chống lại
chính cái Đảng ấy. Hiện nay, Đảng mới chỉ kết án ông ta về một tội ấy mà thôi,
nó chưa nói đến những tội lỗi lớn hơn, hay ít nhất cũng dã man không kém, đấy
là tội ác chống lại “kẻ thù giai cấp”, đúng hơn là chống lại tầng lớp nông dân
và trí thức, cũng như những trào lưu tả và hữu khuynh trong Đảng. Khi cái Đảng ấy,
trên lí thuyết và đặc biệt là trong thực tế, chưa đoạn tuyệt với bản chất của
chủ nghĩa Stalin, mà cụ thể là sự thống nhất về tư tưởng và sự đoàn kết nhất
trí trong toàn Đảng, thì đấy chính là dấu hiệu tỏ ra rằng nó vẫn chưa thoát khỏi
bóng ma của Stalin. Vì vậy, tôi cho rằng niềm vui vì đã loại bỏ được cái gọi là
nhóm chống đảng Molotov, dù ông ta có là kẻ nhơ nhuốc và quan điểm của ông ta
có tàn bạo đến đâu, cũng là những niềm vui nhỏ và quá sớm. Vấn đề không phải là
nhóm này hay nhóm kia, vấn đề là khả năng tồn tại của các nhóm như vậy nói
chung, vấn đề là người ta đã từ bỏ, ít nhất trong giai đoạn đầu, sự độc quyền về
tư tưởng và chính trị rồi sau đó sẽ từ bỏ cả những sự độc quyền khác của một
nhóm ở Liên Xô hay chưa. Bóng ma của Stalin vẫn còn đó, sợ rằng nó sẽ còn tồn tại
ở Liên Xô trong một thời gian dài nữa, đấy là giả sử không xảy ra chiến tranh.
Dù bị nguyền rủa, Stalin vẫn còn sống trong nền tảng tinh thần và xã hội Liên
Xô.
Trở lại với Lenin trên lời nói và trong các bài diễn văn
không thay đổi được bản chất của vấn đề, tố cáo một tội ác nào đó của Stalin dễ
hơn là lờ đi rằng con người này “đã xây dựng chủ nghĩa xã hội”, tức là đã đặt nền
móng cho xã hội Xô viết và đế chế Liên Xô ngày nay. Điều đó nói lên rằng xã hội
Liên Xô, dù đã đạt được những thành tựu to lớn về kĩ thuật, mà cũng có thể do
những thành tựu ấy, nếu đã bắt đầu thay đổi thì cũng còn là tù binh của những
luật lệ giáo điều do Stalin đặt ra.
Dù có hoài nghi như thế, ta vẫn có quyền hi vọng rằng
trong một tương lai không xa có thể sẽ xuất hiện những tư tưởng mới và các hiện
tượng mới nếu chưa làm lung lay “tinh thần đoàn kết nhất trí” của Khushchev thì
ít nhất cũng có thể vạch ra được bản chất và những mâu thuẫn của nó. Hiện nay
thì chưa có điều kiện như thế: những người cầm quyền còn nghèo đến nỗi chủ
nghĩa giáo điều cũng như độc chiếm quyền lực không cản trở họ, cũng như chưa phải
là thừa đối với họ, còn nền kinh tế Liên Xô thì có thể sống trong tình trạng
cách li như thế trong đế chế của mình, mặc dù tách rời khỏi thị trường thế giới
nghĩa là phải chịu nhiều thiệt thòi.
Mỗi sự vật, hiện tượng đều có kích thước và giá trị khác
nhau, tùy vào cách nhìn.
Stalin cũng vậy.
Nếu nhìn từ quan điểm nhân bản và tự do thì lịch sử chưa
từng biết đến một kẻ độc tài nào lại dã man và vô liêm sỉ bằng Stalin. Ông ta
là một tội phạm có phương pháp hơn, toàn triệt hơn Hitler. Ông ta là một trong
rất ít những kẻ giáo điều khủng khiềp có thể giết đến chín phần mười nhân loại
để tạo “hạnh phúc” cho một phần mười còn lại.
Nhưng nếu phân tích vai trò thực sự của Stalin đối với lịch
sử phong trào cộng sản thì bên cạnh Lenin, cho đến nay, ông ta vẫn là một nhân
vật vĩ đại nhất. Đóng góp của ông vào tư tưởng cộng sản không nhiều nhưng ông
đã bảo vệ và biến chúng thành xã hội, thành nhà nước. Ông không tạo ra được một
xã hội lí tưởng, điều đó là bất khả vì bản chất của con người là thế, nhưng ông
đã biến nước Nga lạc hậu thành một nước công nghiệp và một đế chế đang quyết
tâm đòi quyền bá chủ thế giới. Nếu phân tích như thế, ta sẽ phát hiện ra rằng
ông ta đã xây dựng được một xã hội bất công nhất thời nay, nếu không phải là bất
công nhất trong toàn bộ lịch sử, hoặc ít nhất đấy cũng là một xã hội bất công,
bất bình đẳng và không có tự do.
Song nếu nhìn từ quan điểm thành công và sự nhạy bén
chính trị thì có thể nói, không một nhà hoạt động chính trị nào thời đó có thể
vượt qua được Stalin.
Đương nhiên, tôi không coi thành công trong đấu tranh
chính trị là giá trị tuyệt đối cao nhất. Tôi cũng hoàn toàn xa lạ với quan niệm
coi chính trị là vô luân, mặc dù chính trị là cuộc đấu tranh cho sự tồn tại của
những cộng đồng người nhất định nên có thể bỏ qua các tiêu chuẩn đạo đức. Một
nhà hoạt động chính trị lớn, theo tôi, là người biết dung hợp tư tưởng với hiện
thực, người biết và có thể kiên trì đi tới mục đích của mình, đồng thời vẫn giữ
được những giá trị đạo đức chủ yếu.
Xét đến cùng, Stalin đúng là một kẻ quái đản, một người
theo đuổi những tư tưởng trừu tượng, tuyệt đối và về bản chất là các tư tưởng
không tưởng, việc thực hiện thành công nó trên thực tế đồng nghĩa với đàn áp,
tiêu diệt cả về thể xác lẫn tinh thần của con người.
Nhưng chúng ta không được tỏ ra bất công với Stalin!
Điều ông định làm và cái ông đã làm được không thể có cách
làm nào khác. Những kẻ đã ca ngợi ông và những kẻ đã được ông lãnh đạo, với những
lí tưởng tuyệt đối, với những hình thức sở hữu và chính quyền biệt lập của họ,
với tầm vóc phát triển các mối quan hệ quốc tế của nước Nga lúc đó, cũng không
thể đưa ra một lãnh tụ nào khác, không thể áp dụng những biện pháp khác. Stalin
là người tạo ra hệ thống biệt lập ấy, đồng thời là công cụ của nó và khi hoàn cảnh
thay đổi thì ông trở thành nạn nhân của nó, tuy quá muộn. Stalin là người không
ai có thể vượt qua, nếu xét ông như một lãnh tụ và nhà tổ chức của một hệ thống
xã hội nhất định. “Các sai lầm” của ông rõ hơn của những người khác, vì vậy, hi
sinh Stalin là cái giá rẻ nhất mà các lãnh tụ của hệ thống này có thể trả để cứu
mình và cứu cả hệ thống với những tội lỗi còn quan trọng hơn và lớn hơn rất nhiều.
Và việc lật đổ Stalin, dù nó có khôi hài và không triệt để
đến đâu đi chăng nữa, là sự khẳng định rằng sự thật đã chiến thắng, tuy rằng một
số người đấu tranh cho nó có thể đã chết, nhưng lương tâm con người thì không
ai có thể nào tiêu diệt được.
Nhưng đáng tiếc là, hôm nay, sau cái gọi là quá trình phi
Stalin hoá, vẫn có thể nói như trước khi quá trình ấy chưa diễn ra, xã hội do
Stalin xây dựng, tạo lập vẫn tồn tại hệt như trước và những ai muốn sống trong
một thế giới khác cái thế giới của Stalin vẫn còn phải tiếp tục đấu tranh.
Belgrad
Tháng 9 – tháng 11 năm 1961.
*
Lại nói về Stalin, có thể là lần sau chót
1.
Tôi cho rằng những “cuộc nói chuyện” của tôi với Stalin
đã chấm dứt. Nhưng cũng như những lần trước, tôi đã lầm, cũng như tôi đã lầm
khi cho rằng sau “Xã hội bất toàn” thì tôi sẽ không còn phải viết về “vấn đề tư
tưởng” nữa.
Nhưng Stalin là một con quỉ hút máu người đang lởn vởn và
sẽ còn phiêu du trên thế gian này một thời gian dài nữa. Mọi người đều đã chối
bỏ di sản của ông ta nhưng nhiều người sẽ còn tiếp tục coi di sản đó là nguồn
sinh lực của mình. Nhiều kẻ vô tình đã bắt chước ông. Khrushchev bài xích ông
nhưng đồng thời lại khâm phục ông. Các lãnh tụ Liên Xô hiện nay không còn khâm phục
ông nữa nhưng lại đang tìm hơi ấm trong luồng hào quang của ông. Và Tito, sau
mười lăm năm đoạn tuyệt, lại tỏ lòng kính trọng ông. Và tôi thường tự hỏi, nếu
tôi còn tiếp tục suy nghĩ về Stalin thì phải chăng đấy chính là chỉ dấu rằng
ông vẫn sống trong tôi.
Vậy Stalin là ai? Một nhà hoạt động xã hội vĩ đại? “Một
thiên tài quỉ ám”? Một nạn nhân của giáo lí? Hay một kẻ điên rồ, một tên tội phạm
đã giành được quyền lực? Tư tưởng mác-xít có ý nghĩa gì đối với ông ta và ông
ta đã sử dụng các tư tưởng đó như thế nào? Ông ta nghĩ như thế nào về mình, về
sự nghiệp của mình và vị trí của mình trong lịch sử?
Đây chỉ là một vài câu hỏi liên quan đến nhân cách của
ông ta mà thôi. Tôi đặt ra các câu hỏi đó vì chúng liên quan đến số phận của thế
giới hiện đại, đặc biệt là thế giới cộng sản và vì vậy, tôi có thể nói rằng,
chúng có ý nghĩa sâu sắc, phi thời gian.
Từ những câu chuyện với Stalin, tôi nhớ rõ hai điều khẳng
định của ông. Điều thứ nhất, nếu tôi không nhầm, thì ông nói vào năm 1945, còn
điều thứ hai, tôi nhớ chính xác, được ông nói vào đầu năm 1948.
Điều khẳng định thứ nhất có nội dung như sau: nếu những
tiền đề tư tưởng của chúng ta là đúng thì mọi kết luận rút ra từ đó cũng phải
đúng. Điều khẳng định thứ hai liên quan đến Marx và Engels. Trong khi nói chuyện,
một người nào đó, tôi nghĩ là chính tôi, đã nhấn mạnh rằng thế giới quan của
Marx và Engels vẫn sống động và có ý nghĩa thời đại thì Stalin, với dáng điệu của
một người đã suy nghĩ rất nhiều về vấn đề đó và đi đến kết luận không thể tranh
cãi, đã nhận xét:
“Không nghi ngờ gì rằng các vị là những người sáng lập.
Nhưng họ vẫn có những thiếu sót. Không được quên rằng Marx và Engels chịu ảnh
hưởng rất mạnh của nền triết học cổ điển Đức, đặc biệt là Kant và Hegel. Trong
khi Lenin lại hoàn toàn không chịu những ảnh hưởng như thế…”
Mới nhìn thì những ý kiến như vậy cũng không có gì đặc biệt:
ai cũng biết thói quen của những người cộng sản là chia các quan điểm, các hành
vi thành “đúng” hay “không đúng”, tùy thuộc vào sự trung thành với giáo lí và
khả năng thực hiện của chúng. Lenin được người ta tìm mọi cách để biến thành
người bảo vệ và kế tục duy nhất sự nghiệp của Marx thì cũng rõ rồi. Nhưng trong
những điều khẳng định trên đây của Stalin, có một vài ý không chỉ độc đáo mà
còn vô cùng quan trọng cho những cuộc thảo luận của chúng ta.
Khẳng định rằng tiền đề tư tưởng là cơ sở và sự bảo đảm của
chiến thắng có ý nghĩa gì? Chẳng lẽ quan điểm này không mâu thuẫn với luận điểm
chủ yếu của chủ nghĩa Marx, theo đó, cơ sở của mọi tư tưởng nằm trong “cấu trúc
kinh tế của xã hội”? Chẳng lẽ quan điểm như thế, dù là vô tình, không gần với
chủ nghĩa duy tâm, một chủ nghĩa dạy rằng trước hết và quan trọng nhất là trí
tuệ và tư tưởng? Rõ ràng là trong khi nói như thế, Stalin không có ý nhắc lại
tư tưởng của Marx, theo đó, “lí thuyết sẽ trở thành lực lượng vật chất một khi
nó lôi cuốn được quần chúng”, mà ông nói đến lí luận và tư tưởng trước khi
chúng “lôi cuốn được quần chúng”. Câu đó có liên hệ gì với ý nghĩ về chính
Stalin mà Bukharin đã nói với Kamenev ngay từ tháng 6 năm 1928: “Nếu cần loại bỏ
một người nào đó thì ông ta sẵn sàng thay đổi lí luận của mình ngay lập tức”
[1] và từ đâu ra cái thái độ phê phán, trước đây chưa ai thấy, đối với Marx và
Engels như thế?
Mặc dù có một vài vấn đề như thế, trong các tư tưởng đã dẫn
ở trên của Stalin, không có sự thiếu nhất quán. Hơn thế nữa, câu nói của
Bukharin, ngay cả nếu không coi đấy là những phát biểu có tính cố chấp bè phái
thì theo tôi, cũng không mâu thuẫn với tư tưởng của Stalin về ý nghĩa quyết định
của lí luận.
Một trong những lí do, nếu không nói là lí do quan trọng
nhất, làm cho những người chống đối Stalin trong Đảng như Trotsky, Bukharin,
Zinoviev… đã thua ông ta là vì ông ta là một người mác-xít độc đáo và sáng tạo
hơn tất cả bọn họ. Tất nhiên là văn phong của ông ta không bóng bẩy như
Trotsky, phân tích không sâu sắc bằng Bukharin. Các trước tác của Stalin trình
bày một nhận thức hợp lí về hiện trạng xã hội, là kim chỉ nam cho lực lượng mới.
Đưa ra khỏi hiện thực đó, bên ngoài các điều kiện và môi trường đó, tư tưởng của
ông ta sẽ trở thành nhạt nhẽo, vô nghĩa. Nhưng đấy chỉ là bên ngoài.
Bản chất của chủ nghĩa Marx là sự gắn bó giữa lí luận và
thực tiễn:
“Các nhà triết học chỉ giải thích thế giới, nhưng vấn đề
là cải tạo nó.” [2]
Chủ nghĩa cộng sản và những người cộng sản đã giành được
thắng lợi khi họ gắn được lí luận với thực tiễn. Stalin lại kiên trì và khéo
léo liên kết học thuyết Marx-Lenin với quyền lực, với sức mạnh của nhà nước.
Stalin không phải là một lí thuyết gia chính trị học theo đúng ý nghĩa của từ
này: ông ta chỉ nói hay viết khi cuộc đấu tranh trong Đảng hay trong xã hội, mà
nhiều khi hai cuộc đấu tranh này diễn ra đồng thời, đòi hỏi như thế. Sức mạnh
và sự độc đáo của các quan điểm của Stalin thể hiện rõ trong sự kết hợp giữa tư
tưởng và thực tiễn, thể hiện rõ trong chủ nghĩa thực dụng ấy.
Cần phải nói thêm rằng: bỏ qua hay đánh giá không đúng
các quan điểm của ông hoặc chỉ xem xét các tác phẩm của ông một cách hính thức,
những kẻ giáo điều ở phương Đông cũng như nhiều nhà nghiên cứu Stalin ở phương
Tây không thể nhận chân được bản chất của ông ta cũng như các điều kiện đã đưa
ông ta đến quyền lực.
Cần phải nhấn mạnh một lần nữa, chủ nghĩa cộng sản kiểu
Stalin, các quan điểm của Stalin không bao giờ xuất hiện - dường như chúng hoàn
toàn không tồn tại - một cách tách biệt với các nhu cầu của xã hội Liên Xô, của
nhà nước Liên Xô sau cách mạng. Đấy là chủ nghĩa Marx của một đảng có nhu cầu sống
còn là phải trở thành quyền lực, thành lực lượng “lãnh đạo” quốc gia. Trotsky gọi
Stalin kẻ bất tài vĩ đại nhất của Đảng. Bukharin chế giễu Stalin và nói rằng
ông ta bị ám ảnh bởi dục vọng viển vông là trở thành một nhà lí luận. Nhưng đấy
chỉ là những câu nói bóng bẩy, những ý kiến mang tính phe phái không phù hợp với
thực tế. Đúng là Stalin không tư duy lí luận theo đúng nghĩa của từ này. Đấy chỉ
là những bài phân tích, không phải là những luận thuyết khoa học. Nhưng để gắn
kết tư tưởng với nhu cầu của Đảng, đúng hơn là nhu cầu của bộ máy quan liêu của
Đảng, thì những suy luận của Stalin lại có giá trị hơn tất cả những người chống
đối ông. Không phải vô tình mà bộ máy quan liêu của Đảng đứng về phía Stalin,
cũng như không phải vô tình mà những màn độc thoại tràng giang đại hải, ngày
nay có thể coi là điên rồ, của Hitler lại có thể lôi cuốn và ném hàng triệu người
Đức “có lí trí” vào cuộc chiến tranh, vào chỗ chết. Stalin chiến thắng không phải
vì ông ta “xuyên tạc” chủ nghĩa Marx mà chính vì ông ta biến chủ nghĩa Marx
thành hiện thực… Trong khi Trotsky đưa ra hết dự án này đến dự án khác về cách
mạng thế giới, còn Bukharin lại đi sâu vào những tiểu tiết và khả năng mang
tính giáo điều của việc tư bản hoá các nước thuộc địa, thì Stalin, trong các
tài liệu giải thích những “nhiệm vụ cấp bách” lại đồng nhất sự tồn tại và đặc
quyền đặc lợi của bộ máy quan liêu vừa xuất hiện và đã thoái hoá của đảng với
quá trình công nghiệp hoá và tăng cường sức mạnh của nước Nga.
Trong khi làm như thế, Stalin, một chính khách bẩm sinh
và một nhà quản lí khéo léo đã chiếm đoạt những tư tưởng của người khác và
khoác cho chúng hình thức thực tiễn. Thí dụ, bước đột phá nổi tiếng nhất của
Stalin là “xây dựng chủ nghĩa xã hội trong một nước” (Liên Xô) được Bukharin
khơi mào và phát triển từ trước, mà lại phát triển trong cuộc đấu tranh chống
Trotsky… Trong văn chương, người ta gọi đấy là đạo văn, nhưng trong chính trị
thì lại được coi là lợi dụng hoàn cảnh.
Khi Stalin còn sống không ai nói rằng ông ta không phải
người mác-xít. Không một người có lí trí nào làm thế hôm nay. Bất đồng chỉ xảy
ra khi người ta đánh giá trình độ lí luận của ông cũng như sự nhất quán của ông
với tư cách là người kế tục sự nghiệp của Lenin mà thôi.
2.
Trên đây, khi bàn về giá trị của Stalin, tôi đã trình bày
những gì tôi cho là quan trọng nhất.
Nhưng tôi cho rằng mọi cuộc tranh luận xem ai là người kế
tục của ai và kế tục đến mức độ nào đều là những cuộc tranh luận hời hợt và
không có ý nghĩa. Người kế tục nhất quán và trung thành nhất chỉ có thể là kẻ
không có tài quan sát và không có sức sáng tạo. Ở đây ta đang nói về chính trị,
nơi mà huyền thoại là hiện tượng bình thường và luôn luôn hiện diện, trong trường
hợp cụ thể này là bàn về việc bác bỏ quan điểm giáo điều, mị dân đối với di sản
của Lenin. Vì chỉ căn cứ trên những lời trích dẫn thì ta có thể chứng minh tất
cả những người có thể kế tục sự nghiệp của Lenin đều trung thành với ông và
cũng đều không trung thành với ông. Chúng ta chỉ có thể tiệm cận với chân lí bằng
cách so sánh những khát vọng của Lenin với những điều Stalin đã làm và những điều
mà những người chống đối Stalin định làm.
Chúng ta cũng không thể không phân tích cái gọi là di
chúc của Lenin vì nó đã và sẽ còn đóng vai trò quan trọng không chỉ trong các
cuộc thảo luận mang tính giáo điều mà đặc biệt là trong các cuộc thảo luận mang
tính bài Xô nữa.
“Di chúc” của Lenin thực ra là một bức thư do ông đọc sau
khi bị đột quị dẫn đến liệt chân phải và tay phải vào đêm ngày 22 tháng 12 năm
1922. Ngày hôm sau, 23 tháng 12, bác sĩ cho phép ông đọc bốn phút mỗi ngày, ông
tiếp tục đọc vào ngày 25 và kết thúc vào ngày 26 tháng 12 năm đó.
Một phần bức thư, trong đó, Lenin đề nghị đại hội nâng số
ủy viên Ban chấp hành trung ương lên từ 50 đến 100 người và ủng hộ Trotsky về vấn
đề Kế hoạch nhà nước, đã được chuyển ngay cho Stalin vì lúc đó, Stalin là Tổng
bí thư của Đảng. Có lẽ Stalin ngờ rằng Lenin đang xích gần lại với Trotsky nên
đã gọi điện và mắng mỏ vợ Lenin là Krupskaya một cách thậm tệ, lấy cớ rằng bà
đã không làm theo khuyến cáo của các bác sĩ, lại còn cho phép thảo luận các vấn
đề chính trị, đe doạ tính mạng của đồng chí Lenin. Không biết Krupskaya có phàn
nàn với Lenin không, chuyện này có thể đã xảy ra: thư ghi ngày 25 tháng 12 có
đoạn: “Đồng chí Stalin, sau khi trở thành Tổng bí thư, đã tập trung vào tay
mình quyền lực vô cùng to lớn” [3] , và sau đó 10 ngày, ngày 4 tháng giêng năm
1923 đã có thêm nhận xét sau:
“Stalin là người quá thô lỗ, nhược điểm này có thể chấp
nhận được trong môi trường và giao tiếp giữa những người cộng sản chúng ta, sẽ
trở thành không chấp nhận được trong chức vụ Tổng bí thư. Vì vậy tôi đề nghị
các đồng chí nghĩ cách đưa Stalin khỏi vị trí đó và cử người khác lên thay, người
này về mọi mặt chỉ cần trội hơn Stalin ở một điểm (tôi nghĩ đoạn này nên được
viết như sau: “không khác gì Stalin ngoài việc trội hơn một điểm” – M. Dj.), mà
cụ thể là khoan dung hơn, trung thành hơn, nhã nhặn và chu đáo hơn đối với đồng
chí, ít thất thường hơn v.v. Điều này có thể được coi là nhỏ nhặt không đáng kể.
Nhưng tôi nghĩ rằng để tránh việc chia rẽ và từ quan điểm tôi đã viết về quan hệ
giữa Stalin và Trotsky ở trên thì đây không phải là nhỏ nhặt hay điều nhỏ nhặt
này có thể có ý ngĩa quyết định” [4]
Điều đập ngay vào mắt là “di chúc” thiếu sự sắc sảo và
chính xác vốn có của Lenin: nó vừa không dứt khoát vừa nước đôi, đặc biệt là ở
những chỗ cực kì quan trọng. Rõ ràng là Lenin biết vụ va chạm giữa Stalin và
Trotsky và đã dự đoán được ý nghĩa của nó. Nhưng trong lần đọc đầu tiên, ông đã
tránh nói thẳng như thế và chỉ đề nghị sửa chữa bằng cách tăng số lượng ủy viên
Ban chấp hành trung ương lên từ 50 đến 100 người (lúc đó chỉ có 27 người) “… để
tăng thêm uy tín cho Ban chấp hành trung ương và để cải thiện công tác của bộ
máy của chúng ta và vì… tương lai của Đảng” (có lẽ nên viết: “vì vận mệnh của
chính Đảng ta” – M. Dj.)
Thật không thể nào hiểu nổi một người sáng suốt và có
kinh nghiệm chính trị như thế, một người đã xoay vần Đảng cho đến khi nó có diện
mạo theo đúng ý mình như thế, một người đã từng dẫn dắt cuộc cách mạng vĩ đại
nhất và đứng đầu một nhà nước khổng lồ như thế, một người đã nếm trải cảm giác
say sưa “với lịch sử” và quyền lực, lại có thể coi việc tăng số lượng ủy viên
Ban chấp hành trung ương gần như một mặc khải, một thần dược có thể cứu được
“tương lai của Đảng”! Chuyện gì đã xảy ra với Lenin vậy? Chẳng lẽ trí tuệ của
ông lại suy giảm đến mức như thế, bởi vì trước đây, ông luôn coi nguyên tắc và
lực lượng là vấn đế chủ yếu thì nay lại quay ra coi các con số là có giá trị? Chẳng
lẽ ông đã quên phép biện chứng, đã quên tính tất yếu của các mâu thuẫn trong mỗi
hiện tượng? Lenin có hiểu bản chất cuộc tranh luận giữa Stalin và Trotsky hay
không? Có vẻ như đây là lần đầu tiên Lenin cảm thấy sợ sự tan rã của cái Đảng
mà ông đã tạo ra hình thức và chỉ ra mục đích của nó.
Cũng không thể hiểu tại sao trong lần đọc vào ngày 24
tháng 12, Lenin mới nhắc đến Stalin và Trotsky cũng như khả năng xảy ra bất đồng
giữa họ với nhau. Dường như đêm đó, ông đã nghĩ lại và đánh bạo thú nhận một việc
quan trọng:
“Đảng ta”, ông đọc ngày 24 tháng 12, “dựa vào hai giai cấp
vì vậy có khả năng xảy ra bất ổn và nhất định dẫn đến suy sụp nếu giữa hai giai
cấp này không có sự đồng thuận” [5] .
Chỗ này được trình bày rất không rành mạch, bỏ qua
“chuyên chính vô sản”, Lenin dường như sợ rằng “liên minh” công nông sẽ tan vỡ.
Nhưng điều này chẳng có liên hệ gì với phần tiếp theo:
“Tôi muốn nói đến sự ổn định như là sự đảm bảo để không
rơi vào phân liệt trong thời gian trước mắt và có ý định phân tích một số ý kiến
về phẩm chất cá nhân. Tôi nghĩ rằng vấn đề quan trọng nhất của sự ổn định là những
ủy viên trung ương như Stalin và Trotsky. Quan hệ giữa họ với nhau, theo tôi,
đóng góp đến quá nửa nguy cơ phân liệt, một sự phân liệt có thể tránh được và
cách tránh, theo tôi, là nâng số ủy viên Ban chấp hành trung ương lên 50, lên
100 người (sức quyến rũ của các con số vẫn chưa rời bỏ Lenin! – M. Dj.).
Đồng chí Stalin, sau khi trở thành Tổng bí thư, đã tập
trung vào tay mình quyền lực vô cùng to lớn và tôi không tin là đồng chí ấy
luôn biết sử dụng quyền này một cách thận trọng đúng mức. Mặt khác, cuộc đấu
tranh chống lại Ban chấp hành trung ương liên quan đến vấn đề về Dân ủy giao
thông vận tải đã chứng tỏ đồng chí Trotsky là người có khả năng xuất chúng. Đồng
chí là người có năng lực nhất trong Ban chấp hành trung ương hiện nay, nhưng lại
quá tự tin và quá say sưa với khía cạnh hành chính của vấn đề” [6]
Lenin, trước lúc lâm chung không hề nghĩ đến việc tìm hiểu
xem tại sao lại có thể xảy ra cái chuyện là dưới chính quyền Xô Viết, một chính
quyền “triệu lần dân chủ hơn nước cộng hoà tư bản dân chủ nhất” [7] , mà một
người lại có thể “tập trung vào tay mình quyền lực vô cùng to lớn”. Rõ ràng là
ông không chỉ lo cho Đảng, mà còn lo cho quyền lực của chính mình, một quyền lực
còn to lớn hơn nhiều lần quyền lực của Tổng bí thư Stalin. Như vậy, ở Lenin
cũng có cái “nhược điểm rất con người” mà ai cũng biết, nhược điểm này càng rõ
khi “vai trò lịch sử” của người ấy càng cao, đấy là sự đánh đồng tư tưởng với
quyền lực, và đánh đồng quyền lực với cá nhân mình.
Nhưng điều đó có thể đưa chúng ta đi quá xa câu hỏi:
Lenin coi ai là người kế tục sự nghiệp của mình? Rõ ràng là không phải Stalin,
cũng chẳng phải Trotsky; Stalin thì quá thô lỗ, còn Trotsky thì chỉ là một nhà
quản lí tự cao tự đại. Không ai trong số các ủy viên lỗi lạc khác của Ban chấp
hành trung ương được Lenin coi là người kế tục sự nghiệp của mình.
“Tôi sẽ không đi sâu phân tích phẩm chất cá nhân của các
đồng chí khác trong Ban chấp hành trung ương nữa. Chỉ xin nhắc lại rằng sự kiện
tháng mười của Dinoviev và Kamenev không phải là vô tình (đây là nói về việc họ
chống lại cuộc đảo chính hay vẫn thường gọi là Cách mạng tháng Mười – M. Dj.),
nhưng sự kiện này cũng khó có thể coi là lỗi của cá nhân “họ”, so với tinh thần
phi-bolshevik của Trotsky” [8] . (Trotsky cho đến tận năm 1917 vẫn thuộc phái
chống lại phái bolshevik của Lenin – M. Dj.)
Xin lưu ý đến cách đặt vấn đề và thái độ: Vì sao Lenin lại
nói đến “sự kiện tháng Mười của Zinoviev và Kamenev”, nhấn mạnh rằng đấy “không
phải là vô tình”, mặc dù không nên kết án họ? Tại sao ông lại nhấn mạnh “tinh
thần phi-bolshevik của Trotsky”? Khi vấn đề liên quan đến quyền lực thì nhắc lại
“khuyết điểm đã được tha thứ” dù sao cũng không thừa…
Lenin còn nhắc đến hai ủy viên trẻ hơn của Ban chấp hành
trung ương, cũng theo cách đó, ca ngợi ở nửa câu đầu để rồi phê phán ở nửa câu
sau:
“… Bukharin không chỉ là nhà lí luận có giá trị nhất và lớn
nhất của Đảng, đồng chí còn được coi là người con tin yêu nhất của Đảng nữa,
nhưng những quan điểm lí thuyết của đồng chí có thể được coi là không hoàn toàn
mác-xít vì có cái gì đó xa rời thực tế (đồng chí không bao giờ học và tôi nghĩ
không bao giờ hiểu được hoàn toàn biện chứng pháp).
… Piatakov là một người có ý chí xuất chúng và có khả
năng xuất chúng nhưng cũng quá ham mê quản lí và khía cạnh quản lí nên khó có
thể tin cậy trong những công việc chính trị quan trọng.” [9]
Ngoài ra, cần phải nói thêm rằng đại hội XII diễn ra vào
tháng 4 năm 1923 đã tăng số lượng uỷ viên trung ương lên thành 40, còn đại hội
XIII vào tháng 5 năm 1924, nghĩa là sau khi Lenin chết, tăng lên thành 53. Tại
đại hội XII, người ta đã mang “di chúc” của Lenin ra đọc nhưng thống nhất là
không công bố. Hơn nữa, Trotsky hoàn toàn phủ nhận việc tồn tại một “di chúc”
như thế, đấy là nói khi ông ta còn là đảng viên, còn Stalin không giấu giếm việc
“di chúc” có nói đến ông, dĩ nhiên là cho đến khi ông ta có quyền kiểm duyệt cả
Lenin nữa.
“Di chúc” của Lenin đáng được phân tích một cách toàn diện
trên tất cả các khía cạnh. Nhưng từ những đoạn vừa dẫn, đã có thể thấy rằng
Lenin không chuyển giao quyền lực cho ai và chỉ có Stalin là không có khuyết điểm
về chính trị mà chỉ có khuyết điểm mang tính cách cá nhân. Điều đó hoàn toàn
phù hợp với các sự kiện lịch sử: chỉ một mình Stalin là luôn đứng về phía
bolshevik, đứng về phía Lenin mà thôi. Stalin có đầy đủ lí do để khoe tại Hội
nghị trung ương ngày 23 tháng 12 năm 1927: “Điều đặc biệt là trong “di chúc”
không có nhận xét nào về sai lầm của Stalin cả. “Di chúc” chỉ nói đến sự thô lỗ
của Stalin mà thôi. Nhưng thô lỗ không phải và không thể là khuyết điểm của đường
lối chính trị hay quan điểm của Stalin.” [10]
Sự nghiệp của Lenin trên thực tế đã được tiếp tục như thế
nào? Ai là người tiếp tục sự nghiệp đó?
Trong tác phẩm Cuộc đời Lenin, Luis Fisher đã đi đến kết
luận rằng cuộc tranh chấp giữa Trotsky và Stalin sẽ không có kết cục đen tối
như thế và Liên Xô không rơi vào một cuộc đàn áp toàn triệt như thế nếu Lenin sống
thêm được chứng mười năm nữa. Có thể bênh vực quan điểm này một cách đầy thuyết
phục, nó có ý nghĩa lí luận to lớn. Nhưng Lenin đã chết và sự nghiệp của Lenin
phải được xem xét trên cơ sở thực tiễn, trên cơ sở cuộc xung đột giữa Stalin và
Trotsky, xung đột giữa Stalin và phe đối lập, trên cơ sở cuộc đàn áp của
Stalin, trên cơ sở của cơ cấu chính trị và xã hội hình thành dưới thời Stalin.
Ở đây, dĩ nhiên cũng không tránh khỏi những cách giải
thích khác nhau đơn giản là vì thời Stalin của Liên Xô và của phong trào cộng sản
quốc tế vẫn còn là hiện tượng sống động cho đến tận hôm nay, biết bao thế lực
và tư tưởng thù địch vẫn đang tranh chấp xung quanh hiện tượng đó.
Nhưng ngay cả có bỏ đi cái quan niệm rằng nước Nga lạc hậu
như thế và hệ tư tưởng toàn trị như thế chỉ có thể khởi động bằng một sự ép buộc
hành chính mang tính toàn trị thì tôi nghĩ rằng người kế tục sự nghiệp của
Lenin nhất quán nhất vẫn là Stalin. Kết luận này không mâu thuẫn với ngay cả giả
thuyết rằng Stalin có thể đã giết chính Lenin. Bản chất của học thuyết của
Lenin đưa ta đến kết luận như thế: khác với tất cả những người cổ súy cho một
xã hội lí tưởng, kể cả Marx, Lenin đã tranh đấu cho một chính quyền toàn trị,
chính quyền này sẽ xây dựng xã hội lí tưởng đó, ông đã thiết lập được chính quyền
như vậy rồi. Giống như Marx, Lenin gọi đó là chuyên chính vô sản. Nhưng Marx
nghĩ rằng chuyên chính vô sản là sự kiểm soát và áp lực của quần chúng công
nhân thì đối với Lenin chuyên chính vô sản lại được thực hiện thông qua “đội
tiên phong của giai cấp vô sản”, nghĩa là thông qua đảng.
Có thể lên án Stalin về mọi việc ông ta đã làm, trừ một
việc sau đây: ông ta đã không phản bội lại chính quyền do Lenin xây dựng lên.
Khrushchev đã không hiểu điều đó, ông ta không thể hiểu và không dám hiểu. Ông
ta tuyên bố chính quyền của Stalin là “sai lầm”, là xa rời quan điểm của Lenin,
xa rời chủ nghĩa Lenin. Chính vì thế, ông không được lòng giới trí thức và nhân
dân nhưng lại phá hỏng quan hệ với bộ máy quan liêu của Đảng, đối với nó, cũng
như đối với mọi tổ chức xã hội, lịch sử của nó chính là một phần cuộc sống của
nó. George Kennan nhận xét: sau năm 1945, chính quyền Đức không phủ nhận các tội
ác của bè lũ phát xít, mặc dù các biện pháp trừng phạt không tương xứng với tội
ác do chúng gây ra. Ở đấy có sự gián đoạn của quyền lực. Trong khi đó, ở Liên
Xô, Khrushchev nói rằng ông ta đang tiếp tục sự nghiệp của cái Đảng ấy, viết tiếp
chính cái lịch sử ấy. Chính quyền do Lenin sáng lập, với một số thay đổi không
đáng kể về phương tiện, tiếp tục tồn tại dưới trào Stalin. Và không chỉ chính
quyền. Nhưng cốt yếu nhất chính là chính quyền. Cái chính quyền đó, với một
chút thay đổi về diện mạo, tiếp tục tồn tại cho đến tận hôm nay.
[1]Robert Conquest, Nhà độc tài vĩ đại, New York,
Macmillan Co, 1968, trang 81.
[2]K. Marx, F. Engels, Toàn tập, in lần thứ 2. М., 1955.
Т. 3. trang 4.
[3]V. I. Lenin, Toàn tập, in lần thứ 4, M., 1957, Tập 36,
trang 544
[4]V. I. Lenin, Toàn tập, in lần thứ 4, M., 1957, Tập 36,
trang 545-546.
[5]V. I. Lenin, Toàn tập, tập 35, trang 544.
[6]V. I. Lenin, Toàn tập, tập 45, trang 345.
[7]V. I. Lenin, Toàn tập, tập 37, trang 257.
[8]V. I. Lenin, Toàn tập, Tập 46, trang 545.
[9]V. I. Lenin, Toàn tập, Tập 45, trang 545.
[10]I. V. Stalin, “Nhóm đối lập Trotsky trước đây và bây
giờ”, Toàn tập. M., 1949, Tập 10, trang 177.
Đã đăng trên http://www.talawas.org/talaDB/suche.php?res=7537&rb=0507
No comments:
Post a Comment