April 27, 2015

Constantin Arshin - Hai phát kiến có tính đột phá của Ralf Gustav Dahrendorf


Phạm Nguyên Trường dịch

Đã đăng trên tạp chí Tia Sáng ngày 3 tháng 9 năm 2009.

Sự ra đi ở tuổi 81 của Nam tước Ralf Gustav Dahrendorf, một trong những nhà xã hội học hàng đầu của thế giới trong nửa sau thế kỉ XX, người có thể hiểu và giải thích được  bản chất của xã hội mà chúng ta đang sống, không chỉ là mất mát to lớn đối với môn xã hội học mà còn là sự rời xa thêm một bước thời đại của những người đã tạo ra trong nửa sau thế kỉ XX, thứ nhất, môn xã hội học và thứ hai, hiện thực chính trị mà sau đó đã trở thành đối tượng nghiên cứu của chính ngành khoa học này.


Vài dòng tiểu sử 

Ralf Dahrendorf sinh ngày 1 tháng 5 năm 1929 tại thành phố Hamburg, tức là ông sinh cùng năm với một người đồng hương nổi tiếng hơn của ông (đối với nước Nga) là Jürgen Habermas. Nhưng họ khác nhau ở chỗ Habermas, nhờ có cha mẹ giàu có, đã được đưa sang nước Thụy Sĩ trung lập; còn Dahrendorf thì cùng với bố, vốn là Nghị sĩ Quốc hội Đức (Bundestag), bị đưa vào trại tập trung vì đã có những hoạt động bài phát xít. Có thể chính những trải nghiệm đầy đau khổ và những cảnh tượng kinh hoàng của trại tập trung đã có ảnh hưởng quyết định đối với thế giới quan của chàng trai Dahrendorf, góp phần biến cậu thành một người theo trường phái tự do kiên định. Nếu không thì thật khó giải thích vì sao sau khi đã tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Hamburg vào năm 1952 và bảo vệ xong luận án tiến sĩ ông còn đến trường Kinh tế London theo học Karl Popper, một trong những nhà triết học nổi tiếng nhất thế giới trong thế kỉ XX. Những năm làm việc dưới sự lãnh đạo của Karl Popper, ông đã kết thúc với việc bảo vệ thành công luận án mang tên: “Lao động không có tay nghề trong nền công nghiệp Anh quốc”. Luận án này cũng chưa tạo nên tên tuổi của ông. 

Nhưng sự nghiệp nghiên cứu khoa học của ông không dừng lại ở đấy. Kết quả của quá trình nghiên cứu là hai tác phẩm: Marx in Perspective. Die Idee des Gerechten im Denken von Karl Marx (tạm dịch: Marx trong viễn cảnh. Tư tưởng công bằng trong tư duy của Marx) xuất bản năm 1953 và Soziale Klassen und Klassenkonflikt in der industriellen Gesellschaft (Giai cấp xã hội và xung đột giai cấp) xuất bản năm 1957. Chính tác phẩm thứ hai này đã buộc giới hàn lâm phải quan tâm đến một tài năng vừa xuất hiện.

Năm 1958, Dahrendorf được mời làm trưởng khoa trường Đại học Tổng hợp Hamburg, quê hương ông. Hai năm sau ông chuyển đến thành phố Tubingen và đến năm 1966 thì chuyển sang thành phố Konstanz. Ông giữ chức Giám đốc trường Kinh tế London từ năm 1974 đến năm 1984, đây cũng là chức vụ cao nhất mà ông giữ trong lĩnh vực khoa học. Nhưng ngay cả sau đó ông vẫn còn làm công việc hành chính, cụ thể là có thời gian ông từng giữ chức Hiệu trưởng St. Antony’s College thuộc Đại học Oxford.  

Nhưng khoa học cũng như quản lí không phải là những lĩnh vực quan tâm duy nhất của Dahrendorf. Là con một chính trị gia, ông không thể không trở thành một chính trị gia chuyên nghiệp. Trong những năm 1968-1969 ông từng là thành viên Nghị viện khu vực Baden-Wuerttemberg, nhưng chỉ một năm sau đó ông đã được Đảng Dân chủ - Tự do, đại diện cho quyền lợi của những người theo trường phái tự do Đức, giới thiệu làm ứng viên và được bầu vào Quốc hội Đức (Bundestag). Nhưng Dahrendorf ở đây cũng không lâu vì vào năm 1970 ông đã được bầu làm thành viên Ủy hội châu Âu (European Commission). Nhưng đỉnh cao danh vọng chỉ đến với Dahrendorf sau khi ông nhận quốc tịch Anh và được phong danh hiệu quí tộc, tức là ông nghiễm nhiên trở thành thành viên Viện quí tộc cho đến hết đời.

Dahrendorf đã đóng góp rất nhiều công sức cho việc định hình chủ nghĩa tự do thời hậu chiến ở châu Âu. Cụ thể là, tư tưởng của ông đã được những người chắp bút bản Tuyên ngôn Hamburg của những người dân chủ tự do Đức và những tài liệu mang tính cương lĩnh của Quốc tế tự do sử dụng. Những người theo trường phái tự do ở Anh, tức là chính những người kí kết liên minh với “những người lao động mới”, cũng lấy tư tưởng của ông làm kim chỉ nam cho hành động. Nhưng tất cả chúng ta vẫn mãi mãi nhớ đến Dahrendorf không phải như một chính trị gia mà như một nhà xã hội học tài ba nhất, một trong những người đặt nền móng cho môn xung đột học hiện đại.

Hai phát kiến có tính đột phá của Dahrendorf

Cơ sở của lí thuyết xung đột, tức là lí thuyết đã làm rạng danh tên tuổi của Dahrendorf, là khẳng định rằng chính cơ cấu của xã hội tạo ra các xung đột xã hội. Câu cách ngôn mà hiện nay chúng ta chấp nhận như là định đề này, trong những năm 1950, khi xuất hiện tác phẩm Giai cấp xã hội và xung đột giai cấp, đã bị mô hình cơ cấu-chức năng ở Mỹ và sau đó là ở châu Âu coi là tà đạo. Lúc đó những người theo trường phái cơ cấu-chức năng cho rằng xã hội là các tổ chức tĩnh, không bị những thay đổi, đặc biệt là những thay đổi diễn ra trong lòng xã hội đó, tác động. Tất nhiên là những sự kiện diễn ra vào năm 1968 đã chứng tỏ đấy là quan niệm sai lầm, nhưng vào thời kì “vàng son” 1948-1968 chẳng có mấy nhà xã hội học tên tuổi nghĩ đến khả năng xảy ra những biến động xã hội lớn. Nhưng lí thuyết do Dahrendorf đưa ra đã dự đoán được những hiện tượng như thế. Có thể đấy cũng là một trong những lí do làm cho tư tưởng của nhà xã hội học Đức trở thành nổi tiếng trên thế giới. Nhưng nguyên nhân chủ yếu làm cho Dahrendorf trở thành nổi tiếng là ông đã sử dụng di sản Marx, đã cố gắng “gắn” các thành tố của học thuyết mác-xít vào môn xã hội học mang tính hàn lâm. 

Lý thuyết xung đột của Marx và của Dahrendorf có nhiều điểm giống nhau. Cả hai lí thuyết đều có cách hiểu như nhau về quá trình hình thành xung đột. Nhưng nếu Marx coi nguồn gốc của xung đột là việc phân phối không đồng đều phương tiện sản xuất xã hội thì Dahrendorf khẳng định rằng nguồn gốc của xung đột chính là sự phân phối không đồng đều quyền lực và uy tín, nghĩa là cội nguồn của xung đột nằm trong mối quan hệ giữa những vai trò mà một xã hội cụ thể nào đó chấp nhận.
Cùng với quan điểm đó, Dahrendorf nêu ra một loạt tác nhân có ảnh hưởng quan trọng đối với mức độ gay gắt của xung đột: 

1. Mức độ gay gắt của xung đột phụ thuộc vào khả năng biểu hiện của nó. Dahrendorf khẳng định rằng xung đột xã hội càng được thể hiện ra thì mức độ gay gắt càng giảm đi. Vì “Nguy hiểm nhất là xung đột chưa được hiểu một cách thấu đáo, chỉ một phần của nó được biểu lộ ra dưới dạng những vụ bùng nổ mang tính cách mạng hay giả cách mạng”.

2. Mức độ gay gắt của xung đột phụ thuộc vào mức độ năng động của xã hội, có thể quan sát được trong một xã hội cụ thể. Dahrendorf tin rằng mức độ năng động càng cao thì nhanh chóng loại bỏ được hoàn cảnh gây ra xung đột. Từ đó ông rút ra kết luận: “Các xung đột trên cơ sở khác biệt về tuổi tác và giới tính bao giờ cũng gay gắt hơn là xung đột trên cơ sở khác biệt về nghề nghiệp hay là về nguyên tắc, xung đột về tín ngưỡng bao giờ cũng gay gắt hơn xung đột về khu vực”.

3. Mức độ gay gắt của xung đột phụ thuộc vào mức độ đa nguyên trong một xã hội cụ thể. Mức độ đa nguyên càng cao thì mức độ gay gắt của xung đột càng giảm. Không thể nào khác được. Lấy thí dụ như trong một xã hội cực kì độc đoán, nơi không tồn tại bất cứ lĩnh vực xã hội độc lập nào thì bất cứ xung đột nào cũng bao trùm lên toàn bộ các lĩnh vực trong xã hội đó. Bất cứ sự thay đổi nào trong lĩnh vực kinh tế cũng dẫn đến những thay đổi trong lĩnh vực chính trị và ngược lại. Nói cách khác, trong xã hội đó người ta không thể thua trong lĩnh vực này mà lại thắng trong lĩnh vực khác được. “Được ăn cả, ngã về không”. Vì người ta phải mang cả mạng sống ra đánh cược cho nên cuộc đấu tranh sẽ cực kì tàn bạo và khốc liệt.

Nhưng Dahrendorf tin rằng không được đàn áp, dù xung đột có tàn bạo và khốc liệt đến đâu. Vì đàn áp sẽ chỉ làm cho xung đột trở thành bệnh di căn, nó sẽ đầu độc toàn bộ cơ thể xã hội. Ta cần phải điều khiển chứ không phải là đàn áp xung đột.

Điều khiển cho phép, thứ nhất, kiểm soát ngay cả những xung đột nhạy cảm nhất và thứ hai, chuyển lực lượng phá hoại của xung đột thành lực lượng sáng tạo, biến xung đột thành lực lượng phục vụ xã hội. Muốn cho chương trình điều khiển xung đột thành công thì cần phải thực hiện một loạt điều kiện: “Tất cả mọi người tham gia đều phải công nhận rằng xung đột nói chung, cũng như những mâu thuẫn cụ thể nào đó, là những hiện tượng tất yếu, hơn thế, còn là những hiện tượng có thể biện minh được và hữu ích nữa. Những người không chấp nhận xung đột, coi xung đột là những lệch lạc bệnh hoạn, sẽ không thể nào điều khiển được xung đột. Chấp nhận tính tất yếu của xung đột không thôi chưa đủ. Cần phải nhận được nguyên lý sáng tạo, hữu ích của xung đột. Nghĩa là khi can thiệp, ta chỉ được quyền điều khiển những biểu hiện của xung đột chứ không được tìm cách loại bỏ các nguyên nhân đưa tới xung đột. Nguyên nhân của xung đột - khác với những biểu hiện cụ thể của nó - không thể nào loại trừ được. Cho nên điều khiển xung đột là tìm ra những hình thức biểu hiện của nó và chuyển nó sang những hình thức biểu hiện khác. Kết quả là xung đột đã được chuyển sang những kênh khác”.

Dĩ nhiên là lí thuyết xung đột không phải là phát minh duy nhất và có thể không phải là phát minh quan trọng nhất của Dahrendorf. Ông còn một phát kiến quan trọng nữa, thường được gọi là “giả thuyết Dahrendorf”. Tư tưởng chủ đạo của giả thuyết này là trên thế giới không có những xã hội hoàn toàn giống nhau, mỗi xã hội là một hiện tượng đặc thù vì mỗi xã hội đều sống và phát triển trong những điều kiện đặc thù. Như vậy là, khẳng định do các lí thuyết gia hiện đại hoá và kinh tế học đưa ra và cũng là cơ sở của các lí thuyết này là những sáng kiến trong lĩnh vực kinh tế, được áp dụng một cách thành công ở các xã hội công nghiệp phát triển, cũng có thể áp dụng một cách thành công ở các xã hội nghèo nàn và lạc hậu là sai. Nghĩa là không có những giải pháp kinh tế phổ quát và trong khi soạn thảo chính sách kinh tế cần phải tính đến đặc thù của từng hoàn cảnh cụ thể.

Tất nhiên đóng góp của con người vừa vĩnh viễn ra đi vào ngày 17 tháng 6 vừa qua tại Cologne không dừng lại ở đấy. Nhưng chỉ cần như thế cũng đủ thấy cộng đồng thế giới vừa mất một trong những nhà bác học sáng giá nhất, và mất một người có thể hiểu và giải thích được bản chất của xã hội mà chúng ta đang sống.

2 comments:

  1. This comment has been removed by a blog administrator.

    ReplyDelete
  2. This comment has been removed by a blog administrator.

    ReplyDelete