April 29, 2015

Jacob Stokes (Tờ Foreign Affairs, Mỹ) - Trung Quốc: Luật đi trên con đường tơ lụa

Một vành đai, Một con đường là thử thách nghiêm trọng tính bền vững của học thuyết đối ngoại và tiềm năng đối ngoại của Trung Quốc.
Phạm Nguyên Trường dịch


Trong khi cả thế giới tập trung nhìn vào những hành động hung hăng của Trung Quốc ở những vùng biển phía đông của nước này thì các nhà lãnh đạo của Trung Quốc lại đang hướng về phía Tây. Cuối tháng 3 vừa rồi, Ủy ban cải cách và phát triển quốc gia của Trung Quốc (China’s National Development and Reform Commission) cùng với Bộ của ngoại giao và Bộ thương mại tung ra kế hoạch chi tiết cho cái mà họ gọi là Vành đai kinh tế của con đường tơ lụa (Silk Road Economic Belt) và Con đường tơ lụa trên biển của thế kỉ XXI (the 21st-Century Maritime Silk Road) - thường được gọi tắt là “Một vành đai, Một con đường”. Nếu thành công, chương trình đầy tham vọng này sẽ biến Trung Quốc thành lực lượng kinh tế và ngoại giao giữ thế thượng phong trong liên kết Á-Âu. Một vành đai, Một con đường kêu gọi phối hợp những nỗ lực ngoại giao, tiêu chuẩn hóa và liên kết những cơ sở thương mại, các khu thương mại tự do và chính sách tạo thuận lợi thương mại khác, hội nhập tài chính nhằm thúc đẩy đồng nhân dân tệ, và các chương trình giáo dục văn hóa ở tất cả các quốc gia Á, Âu, Trung Đông và châu Phi. Một số người coi đó là kế hoạch Marshall của Trung Quốc, nhưng các nhà lãnh đạo Trung Quốc bác bỏ so sánh như thế. Như họ mường tượng, cái họ đang làm là liên kết Á-Âu chứ không phải là tạo ra ranh giới phân chia và tập trung vào tăng trưởng kinh tế chứ không phải là gây ảnh hưởng chính trị. Nhưng đây chính là mối nguy hiểm; nếu Trung Quốc không cân bằng một cách khéo léo giữa đầu tư và ngoại giao với việc tìm kiếm nhằm gây ảnh hưởng chính trị, thì nước này có thể bị vướng vào những cuộc xung đột mà họ chưa sẵn sàng.


TRÊN ĐƯỜNG

Mặc dù mỗi bản đồ, mỗi đề xuất lại có những chi tiết khác nhau cho Một vành đai, Một con đường, nhưng nói chung, vành đai đường bộ bao gồm đường giao thông, hệ thống đường sắt, đường ống dẫn dầu và khí đốt, liên kết viễn thông, tìm cách nối Trung Quốc với Trung Á, Trung Đông , châu Âu và Nga. “Tuyến đường” hàng hải sẽ nối bờ biển của Trung Quốc qua Biển Đông, Ấn Độ Dương, Biển Đỏ, Địa Trung Hải (qua kênh đào Suez), với những điểm dừng chân trên bờ biển Châu Phi. Một vành đai, Một con đường được xây dựng trên cơ sở những lời kêu gọi trước đó của các học giả Trung Quốc là phải đi về phương Tây, đây là phản ứng trước việc xoay trục chiến lược sang châu Á của Hoa Kỳ. Tên của chương trình kép của Bắc Kinh còn có nguồn gốc xa hơn nhiều - từ Con Đường Tơ Lụa - làm người ta nhớ lại vai trò lịch sử của Trung Quốc trong việc thúc đẩy thương mại giữa châu Á và châu Âu.

Chủ tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình, chính thức công bố “Một vành đai” trong một bài diễn văn vào tháng 9 năm 2013 tại Kazakhstan và “Một con đường” trong một bài diễn văn vào tháng 10, cùng năm, ở Indonesia. Kinh phí lấy từ Ngân hàng phát triển cơ sở hạ tầng châu Á (Asian Infrastructure Investment Bank - AIIB), với số vốn là  50 tỉ USD, Quỹ Con Đường Tơ Lụa Mới (New Silk Road Fund) với số vốn 40 tỉ USD và sáng kiến của Ngân hàng Phát triển mới (Development Bank) do các quốc gia khối BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi - ND) thành lập. Các nhà lãnh đạo của Trung Quốc tính rằng chương trình sẽ động chạm tới 4,4 tỷ người ở hơn 65 quốc gia và trong vòng một thập kỉ, trao đổi thương mại hàng năm giữa các quốc gia tham gia có thể lên đến 2,5 ngàn tỉ USD. Một bài xã luận trên tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (South China Morning Post) đã gọi đây là “dự án quan trọng và lớn nhất mà đất nước từng đưa ra”.

Chiến lược Một vành đai, Một con đường làm một số mục tiêu quốc nội của Trung Quốc cho phù hợp với “Giấc mơ trẻ hóa Trung Quốc” của Tập. Mục tiêu đầu tiên là thúc đẩy nền kinh tế Trung Quốc bằng cách tìm lối thoát cho năng lực công nghiệp hiện đang dư thừa. Trong khi Bắc Kinh tìm cách làm dịu lĩnh vực cơ sở hạ tầng trong nước đang quá nóng mà không gây ra nạn thất nghiệp tràn lan, những kế hoạch nhằm đưa sự tăng trưởng nhờ đầu tư ra bên ngoài của Trung Quốc sẽ trở thành chìa khóa cho vấn đề. Bên trong biên giới Trung Quốc, những kế hoạch tập trung vào khu vực phía Tây và phía Nam tương đối kém phát triển của Trung Quốc sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng và việc làm, là những động thái mà các nhà lãnh đạo hy vọng sẽ kìm hãm được những bất ổn sắc tộc, cũng như tạo thêm công ăn việc làm và lối thoát cho lực lượng lao động của đất nước. Còn ở bên ngoài biên giới, Trung Quốc tìm cách hưởng lợi từ thương mại và trao đổi tiền tệ - củng cố sức mạnh quốc tế của đồng nhân dân tệ, để nó trở thành đồng tiền trong thương mại toàn cầu. Bảo đảm an toàn cho việc mua bán nhiên liệu sẽ giúp đảm bảo nguồn cung cấp không bị cản trở khi nhu cầu năng lượng của Trung Quốc tiếp tục tăng; cơ sở hạ tầng năng lượng trên đất liền có thể giúp giảm bớt sự phụ thuộc đủ sức làm tê liệt các chuyến vận tải bằng đường biển. Khi tốc độ tăng trưởng trong các nền kinh tế đã phát triển vẫn còn chậm chạp, Trung Quốc coi các nền kinh tế đang phát triển của châu Á là nguồn tăng trưởng nằm ngay trước cửa nhà mình.

Một vành đai, Một con đường còn phục vụ các mục tiêu của chính sách đối ngoại bằng cách làm sâu sắc thêm những mối quan hệ với các nước láng giềng của Trung Quốc. Kế hoạch kép cũng sẽ khuếch trương những mối quan hệ của Bắc Kinh với các nước đang phát triển quan trọng và tạo ra sự hỗ trợ cho hệ thống quốc tế đã được tái định hình, tức là hệ thống đưa Trung Quốc vào trung tâm quyền lực của thế giới. Sự tăng trưởng của Trung Quốc đã buộc quốc gia này phải miễn cưỡng chấp nhận, dù là không muốn, những nghĩa vụ quốc tế và chương trình thương mại sẽ tạo điều kiện cho Tập thực hiện chương trình “cộng đồng cùng chung số phận” của mình, tức là sự phát triển chung của các nước châu Á trong những thập kỷ tới. Tăng cường quan hệ song phương với các quốc gia nằm dọc theo “vành đai” và “con đường” có thể giúp Trung Quốc xây dựng mạng lưới các tổ chức quốc tế không phụ thuộc vào phương Tây, trong đó Trung Quốc đóng vai trò chính, nếu không nói là chiếm ưu thế. Các tổ chức như Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (Shanghai Cooperation Organization) và Hội nghị về tương tác và xây dựng lòng tin ở châu Á (Conference on Interaction and Confidence Building in Asia) sẽ tạo điều kiện cho Trung Quốc tìm được sức mạnh ngoại giao bên ngoài mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington.

Những trở ngại trên con đường

Một vành đai, Một con đường dường như đang dần có đà ngay từ khi Tập đưa ra. Các kế hoạch nhận được sự ủng hộ tài chính mạnh mẽ, đặc biệt là từ ngân hàng AIIB được Trung Quốc ca ngơi hết lời và được sự hỗ trợ của giới tinh hoa chính trị và kinh tế của Trung Quốc. Nhưng vẫn có những trở ngại lớn và chúng có thể thách thức tham vọng của Trung Quốc. Trong khi những nỗ lực nhằm san bằng khoảng cách về cơ sở hạ tầng của khu vực châu Á (từ nay đến năm 2020 phải đầu tư khoảng 8 tỉ USD) được hoan nghênh thì những tiêu chuẩn cho vay khá lỏng lẻo có thể cản trở sự tiến bộ. Nếu các nước sử dụng những nguồn tài trợ có liên quan đến Một vành đai, Một con đường nhằm theo đuổi những dự án phát triển bất hợp lý hoặc bất khả thi và không trả được nợ thì những khoản đầu tư của Trung Quốc sẽ bị thiệt hại. Ngoài ra, các dự án dính líu tới những vụ bê bối về môi trường hoặc quyền con người mà trước đó người ta không nghĩ tới cũng có thể làm thiệt hại hình ảnh của Trung Quốc trên trường quốc tế. Trong lĩnh vực hàng hải, mặc cho những nỗ lực của Trung Quốc nhằm hiện đại hóa cơ sở hạ tầng cảng biển dọc theo tuyến đường và xây dựng những khu thương mại tự do có thể gia tăng năng lực thương mại của các quốc gia tham gia, vẫn chưa rõ, Con đường tơ lụa trên biển sẽ ảnh hưởng như thế nào đối với những tuyến hàng hải hiện có.

Hơn thế nữa, mặc dù Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, Vương Nghị, đã tuyên bố rằng Một vành đai, Một con đường “không phải là công cụ địa chính trị”, Trung Quốc có thể sẽ tìm cách biến hợp tác kinh tế thành ảnh hưởng chính trị. Muốn làm như thế, Bắc Kinh sẽ phải vượt qua một số trở ngại, mà chủ yếu là sự cạnh tranh mạnh mẽ của Ấn Độ, Nga và Mỹ trong khu vực Trung Á, Nam Á, và Trung Đông. Những nỗ lực của Nga nhằm tạo ra Liên minh Á-Âu, liên kết các quốc gia thuộc Liên Xô cũ thông qua hợp tác kinh tế, cạnh tranh trực tiếp với chiến lược hội nhập của Trung Quốc, mặc dù mối quan hệ Trung Quốc - Nga đang dần hồi phục. Ấn Độ cũng sẽ phải có thái độ dè dặt với những kế hoạch của Trung Quốc, vì chương trình của Bắc Kinh có thể gây trở ngại cho chính sách “Hành động ở phương Đông” và “Liên kết với Trung Á” của mình. Trung Quốc bành trướng hoạt động ở Ấn Độ Dương, đặc biệt là trong những hải cảng có thể trở thành căn cứ hải quân của Trung Quốc, càng làm Ấn Độ khó chịu thêm. Mặc dù sự dính líu của Mỹ ở Trung Á đang giảm dần, vì vai trò của nước này ở Afghanistan đã giảm, sự hiện diện của Trung Quốc trên khắp lục địa Âu-Á, Ấn Độ Dương và Trung Đông sẽ đòi hỏi Bắc Kinh phải tìm cách cân bằng giữa cạnh tranh và hợp tác - tức là làm việc cùng nhau, chứ không phải là chống lại các nước láng giềng và siêu cường chính trị toàn cầu.

Thành công của Một vành đai, Một con đường phụ thuộc vào sự hợp tác của các nhà lãnh đạo có tính khí thất thường trong khu vực và địa phương. Nhiều nhà lãnh đạo, nhất là ở Trung Á và Trung Đông, có hàng thế kỷ kinh nghiệm đẩy cường quốc này chống lại cường quốc kia nhằm giành lấy lợi thế chính trị và tài chính cho cá nhân mình. Ví dụ, trong khi xung đột giáo phái ở Trung Đông đang gia tăng, các nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ ngày càng khó cân bằng mối quan hệ lâu dài giữa Trung Quốc với Iran và các mối quan hệ đang phát triển với các quốc gia theo phái Hồi giáo Sunni, do Saudi Arabia đứng đầu. Quyết định gần đây của Sri Lanka nhằm xem lại hơn hai chục dự án do Trung Quốc tài trợ là ví dụ điển hình khác. Thách thức do những thành phần không nằm trong nhà nước gây ra cũng tạo ra thêm những rủi ro về chính trị mà Trung Quốc chưa quen xử lý. Lực lượng Taliban ở Afghanistan, Nhà nước Hồi giáo (còn gọi là ISIS) ở Iraq và Syria và lực lượng Houthis ở Yemen, là những lực lượng đe dọa những khoản đầu tư của Trung Quốc và những điểm trung chuyển quan trọng dọc theo các con đường thương mại do Trung Quốc đề xuất.

Một vành đai, Một con đường là thử thách nghiêm trọng tính bền vững của học thuyết đối ngoại và tiềm năng đối ngoại của Trung Quốc. Sách báo của Trung Quốc đang làm rùm beng về cùng thắng (win-win), đồng thuận và không can thiệp sẽ va chạm với những khó khăn trên thực tế trong việc bảo vệ công dân và những khoản đầu tư của Trung Quốc. Kinh nghiệm gìn giữ hòa bình của Trung Quốc ở Sudan cho thấy trước rằng quốc gia này có thể thực hiện những hành động can thiệp nếu họ thấy cần bảo vệ những lợi ích tài chính của mình. Ước muốn tránh can thiệp của Trung Quốc ở Sudan đã biến mất khi Sudan bắt đầu vỡ ra thành từng mảnh, đe dọa các khoản đầu tư vào lĩnh vực dầu mỏ của Trung Quốc và buộc Bắc Kinh phải đóng vai người hòa giải và triển khai quân gìn giữ hòa bình. Nếu Trung Quốc chuyển từ những hành động nhằm bảo vệ những khoản đầu tư của mình sang những hành động mang tính địa chính trị rộng lớn hơn và can thiệp sâu hơn vào những sự kiện sẽ diễn ra ở nước ngoài thì người ta có quyền nghi ngờ về những tham vọng đế quốc chủ nghĩa của Bắc Kinh. Quan hệ của Trung Quốc với các nước vùng Đông Á và vùng biển Nam Trung Quốc (biển Đông – ND) trong những năm gần đây đang tiến theo chiều hướng đó. Không khó tưởng tượng kết quả tương tự như thế ở hướng Tây.

Trên lĩnh vực hoạt động, lợi ích toàn cầu của Trung Quốc có thể đặt ra cho lực lượng quân sự đang ngày càng gia tăng nhưng chưa có kinh nghiệm những nhiệm vụ hoàn toàn mới. Nhiệm vụ gần đây của Bắc Kinh là giúp sơ tán công dân Trung Quốc khỏi Yemen đánh dấu một cột mốc quan trọng đối với nước này: đây là hành động quân sự thành công đầu tiên nhằm sơ tán công dân Trung Quốc và người nước ngoài khác khỏi một cuộc khủng hoảng. Thế mà năm 2011, Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã không có khả năng thực hiện hoạt động tương tự ở Libya. Trên lĩnh vực ngoại giao, những nỗ lực đóng vai trung gian với Taliban ở Afghanistan bằng cách tổ chức hội nghị thượng đỉnh và những nỗ lực nhằm hỗ trợ cho cuộc đối thoại giữa Israel và Palestine, thông qua chương trình hòa bình năm điểm, cho thấy Trung Quốc muốn có vai trò trên toàn thế giới. Cho đến nay, những nỗ lực này mới chỉ có ý nghĩa tượng trưng, nước này vẫn chưa giành được chiến thắng ngoại giao thực sự nào, về bất kỳ vấn đề gì mà họ từng can thiệp. Nói chung, về chính sách đối ngoại, Trung Quốc có khả năng rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan: Trong khi đẩy chiến lược về hướng Tây, Trung Quốc có thể kéo dãn lược lượng của mình thành quá mỏng và quá sớm, bị lôi kéo vào những cuộc xung đột và nhận những trách nhiệm nặng nề mà họ chưa sẵn sàng gánh vác.

Chuyển sáng kiến Một vành đai, Một con đường từ công thức mang tính lịch sử và địa lí đầy tham vọng thành chiến lược kinh tế và ngoại giao khả thi và có thể cả ảnh hưởng địa chính trị sẽ là thách thức những khả năng của Trung Quốc trên tất cả các lĩnh vực ngoại giao. Cuộc trường chinh sang phía Tây có thể là con đường dài.


Đã đăng trên http://www.ijavn.org/2015/04/vntb-trung-quoc-luat-i-tren-con-uong-to.html


No comments:

Post a Comment