Phạm Nguyên Trường
dịch
Mùa thu năm 1958, khi nhà văn Boris Pasternak được trao giải
Nobel văn chương, Liên Xô đã tiến hành một chiến dịch tuyên truyền khốc liệt
nhằm chống lại chính người con của đất nước mình. Không thể chịu đựng nổi, ông đã
nghĩ đến chuyện tự sát khi vừa tròn 68 tuổi.
Pasternak
có tội không chỉ vì tác phẩm Bác sĩ
Zhivago không ca ngợi cuộc cách mạng Boshevik mà ông còn cho xuất bản tác
phẩm này ở nước ngoài, trong khi chính quyền cộng sản đã cấm xuất bản ở trong
nước.
Hiện nay người Mĩ nhớ đến Bác sĩ Zhivago có lẽ chủ yếu là
nhờ bộ phim được sản xuất năm 1965, với hai ngôi sao màn bạc là Julie Christie và
Omar Sharif cùng với nền nhạc khó quên của nó. Nhưng lúc đó cuốn sách này là
một bất ngờ lớn, một bestseller ở phương Tây và nó đã tạo ra một vụ bê bối lớn
ở Liên Xô. Bộ chính trị Đảng cộng sản Liên Xô căm thù nó như thế không phải vì
nó là cuốn sách phản cách mạng mà vì nó không có tí ý thức hệ nào. Nó ca ngợi
con người cá nhân – ca ngợi tình yêu, tham vọng, thi ca và cuộc truy cầu ý
nghĩa của cuộc đời – theo cách mà Đảng cộng sản không thể nào chấp nhận được.
Những sự kiện này được hai cây bút Peter Finn và Petra
Couvée của tờ Washington Post
viết lại trong một cuốn sách vừa được xuất bản với nhan đề The Zhivago Affair. Cuốn sách trình bày những tài liệu chưa được
công bố, cả của Nga lẫn của Mĩ, nhằm vẽ ra bức chân dung của một nhà văn phức
tạp (trong đó có cả đời sống tình ái cũng rất phức tạp của ông) cũng như những
cố gắng của CIA nhằm đưa phiên bản tiếng Nga của tác phẩm này đến tay người
Nga.
Tại thời điểm, khi mà nhà cầm quyền ở điện Kremlin đang tiến
hành chiến dịch tuyên truyền đầy thù hận nhằm chống lại – lần này là những tên
“quốc xã” và “phát xít” ở nước Ukraine láng giềng – việc nhắc lại chiến dịch
bôi nhọ đã tạo ra một sự cộng hưởng mạnh mẽ.
Bác sĩ Zhivago là tiểu thuyết đầu tay của Pasternak. Trước
đó ông chỉ làm thơ. Chắc chắn ông là một người có nghị lực phi thường. Ông đã
bỏ ra hơn một chục năm để hoàn thành tác phẩm dày 700 trang, phủ nhận tất cả
những gì từng được tưởng thưởng và được phép tồn tại trong cái thế giới khép
kín ở Liên Xô của ông.
“Trong nhà nước toàn trị này, nếu không có lòng dũng cảm của
một thiên tài thì không thể sáng tác và trình bày với thế giới tác phẩm của
mình”, nhà phê bình người Mĩ, ông Edmund Wilson, viết trên tờ The New Yorker.
Thế
mà sau khi Nikita Khrushchev đưa cả bộ máy của Đảng chống lại mình, Pasternak
đã gục ngã. “Tôi nghĩ đã đến lúc rời bỏ thế giới này rồi, thật là quá đáng,”
ông đã nói với một người bạn như thế.
Tờ Pravda (Sự Thật) và những tờ báo chính thức khác gọi ông
là kẻ phản bội, tên Judas, tên hợp tác với bọn quốc xã, cần phải trục xuất, hay
một nhà văn nói, đáng bị bắn. Còn Khrushchev thì so sánh ông với một con lợn
đáng ghét, mà lợn thì “ít nhất cũng không ỉa đái ra ngay chỗ nó ăn và ngủ”. Bạn
bè ông bị buộc phải lên án ông. Ở một đất nước mà các nhà văn thường bị giết
hoặc bị đưa vào trại tập trung vì những tội lỗi rất nhỏ hoặc chẳng có tội gì
thì rất ít người dám chống lại, mặc dù đã có người nhảy qua cửa sổ tự sát chứ
không chịu tuân phục.
“Chắc chắn là họ sẽ không tha”, một người bạn của ông viết
trong nhật kí như thế.
Hiện nay tổng thống Vladimir Putin, sau khi chặn đứng cuộc
thí nghiệm ngắn ngủi với chế độ dân chủ và tự do báo chí, đang dẫn dắt một
chiến dịch tương tự, lần này là nhằm biện hộ cho cuộc xâm lược Ukraine và ngăn
cản nước này đi theo đường lối độc lập. Người Nga không thể thoát được cái mà
bài báo mới đây trên tờ New York Times mô tả là thường xuyên “khoác lác và
cường điệu… thông tin sai lạc và thổi phồng, thuyết âm mưu, khoa trương quá mức
và đôi khi là dối trá trắng trợn”. Tất cả những biện pháp này đã được sử dụng
nhằm mô tả các quan chức và những nhà hoạt động Ukraine là những tên quốc xã
bài-Nga và những kẻ hiếu chiến. Chiến dịch này đã có tác dụng, ít nhất là trong
giai đoạn hiện nay, trong việc khuyến khích thái độ hung
hăng và nâng cao được uy tín của Putin.
Nhưng câu chuyện của Pasternak cảnh báo rằng không nên rút
ra bài học lịch sử một cách vội vàng. Người ta đã bắt ông từ chối giải Nobel,
nhưng trước khi chết vào năm 1960, khi vừa tròn 70 tuổi, ông đã bắt đầu viết
một tác phẩm đầy tham vọng, lần này là một vở kịch.
“Bạn còn trẻ hơn tôi và bạn sẽ được chứng kiến giai đoạn mà
người ta có quan niệm khác về những chuyện đã xảy ra”, ông viết cho một trong
những người phê bình mình như thế. Và ông đã đúng.
“Thật đáng xấu hổ vì tôi đã chống lại Pasternak,” một nhà
thơ sau này đã nói như thế. Ngay cả Khrushchev — sau khi bị đưa ra khỏi Bộ
chính trị vào năm 1964 — cũng nói rằng ông ta “thực sự lấy làm tiếc về hành
động của mình đối với Pasternak”.
The Zhivago
Affair, cũng nhắc cho chúng ta biết rằng ở những
nước, nơi mà ngày xưa Bộ chính trị còn bây giờ thì Putin cai trị thông qua sợ hãi thì đánh giá dư luận xã hội là
công việc thiên nan vạn nan.
Hầu như không có ai dám đứng lên bảo vệ Pasternak khi điện
Kremlin tuyên bố rằng ông là kẻ thù. Nhưng khi ông qua đời, mặc dù báo chí
chính thức không nhắc tới, đã xuất hiện những tờ rơi nói về thời gian đưa tang
ông, có những tờ giấy viết tay và được dán trên tường nhà ga tuyến đường xe lửa
từ Moskva đến quê ông.
“Hễ cảnh sát bóc đi thì lại xuất hiện những tờ mới”, Finn và
Couvée viết. Và khi bạn bè và người thân của Pasternak khiêng quan tài ông ra
khỏi nhà để đến nghĩa trang gần đấy, họ đã trông thấy hàng ngàn người Nga đứng
đợi ở bên ngoài để vĩnh biệt ông lần cuối, mặc cho lực lượng KGB đông đảo cũng
đứng đầy xung quanh đó.
Bài đã đăng trên Văn Việt.
http://www.washingtonpost.com/opinions/fred-hiatt-the-modern-parallels-of-the-smearing-of-boris-pasternak/2014/06/29/cf2b5b2e-fedd-11e3-8176-f2c941cf35f1_story.html
No comments:
Post a Comment