October 14, 2024

Power vs. Force (Chương 13)

 

David Hakins

 Phạm Nguyên Trường dịch 


CHƯƠNG 13 

Nội lực xã hội và tinh thần nhân 

Khi cổ vũ tinh thần thể thao chân chính là chúng ta ca ngợi biểu hiện của tất cả mọi ý nghĩa mà từ “tinh thần” đem lại cho chúng ta: lòng can đảm, bền bỉ, trách nhiệm, nhất quán với nguyên tắc, thể hiện thành tích xuất sắc, danh dự, thái độ tôn trọng và khiêm tốn . Truyền cảm hứng ngụ ý bồi dưỡng tinh thần; làm mất nhuệ khí nghĩa là chán nản, tuyệt vọng, thất bại. Nhưng nghĩa chính xác của thuật ngữ “tinh thần” là gì? Có thể hiểu toàn bộ trải nghiệm mang tính tập thể của nhân loại bằng từ tinh thần trong những cụm từ như “tinh thần đồng đội”, hoặc khi chúng ta khuyên người ta “lấy lại tinh thần”. Tinh thần là yếu tố có tính thực tiễn cao, có thể quyết định chiến thắng hay thất bại, các tướng lĩnh, huấn luyện viên và giám đốc điều hành đều biết như thế. Các nhân viên hoặc các thành viên của các nhóm khác nhau không hòa nhập vào tinh thần của nhóm sẽ nhanh chóng thấy mình thành người thừa hoặc không còn trong nhóm nữa.

Từ những điều đã trình bày, rõ ràng là thuật ngữ “tinh thần” nói tới các cốt lõi vô hình và, mặc dù biểu hiện của nó thay đổi theo từng tình huống, nhưng cốt lõi thì không bao giờ thay đổi . Cốt lõi có tầm quan trọng sống còn; mất tinh thần là chúng ta chết – chúng ta chết vì không còn nguồn động viên. 

Vì vậy, từ quan điểm dịch tễ học, có thể nói rằng tinh thần chính là cuộc sống; năng lượng của cuộc sống có thể được thể hiện bằng thuật ngữ “tinh thần”. Tinh thần là sự sống động đi kèm với và là biểu hiện của sự nhất quán với năng lượng sống. Sức mạnh bên trong của các mô thức điểm hút năng lượng cao là khả năng đồng hóa, duy trì sự sống; ngược lại với nó là dị hóa, cuối cùng là chết. Sức mạnh bên trong thực sự tương đương với sự sống, tương đương với tinh thần, trong khi lực lượng bên ngoài tương đương với yếu, tương đương với chết. Khi một người nào đó đánh mất hay không có đủ những phẩm chất mà chúng ta gọi là tinh thần, người đó trở thành không có nhân tính, không có tình yêu và lòng tự trọng; người đó thậm chí có thể trở thành ích kỷ và bạo lực. Một dân tộc quay lưng lại, không còn nhất quán với tinh thần nhân loại, dân tộc đó có thể trở thành tội phạm quốc tế.

 Người ta rất hay nhầm lẫn tâm linh với tôn giáo. Chúng tôi đã lưu ý rằng Hiến pháp, Tuyên ngôn nhân quyền và Tuyên ngôn độc lập của Hoa Kỳ phân biệt dứt khoát giữa tâm linh và tôn giáo. Chính phủ Hoa Kỳ bị cấm không được thành lập bất kỳ tôn giáo nào, vì sợ rằng chính phủ sẽ làm mất quyền tự do của người dân; nhưng cũng chính các văn kiện này lại khẳng định rằng thẩm quyền của chính phủ thực chất là bắt nguồn từ những nguyên tắc tâm linh .

 Trên thực tế, những người sáng lập các tôn giáo lớn trên thế giới sẽ cảm thấy choáng váng trước những việc làm hoàn toàn không có tính tâm linh nhân danh họ trong suốt chiều dài của lịch sử – nhiều việc làm cho những người không theo những tôn giáo ấy phải rùng mình. Lực lượng bên ngoài luôn luôn bóp méo sự thật nhằm phục vụ mục đích vị kỷ của mình. Cùng với thời gian, các nguyên tắc tâm linh vốn là nền tảng của các tôn giáo bị bóp méo để phục vụ cho những mục đích thực dụng, ví dụ như quyền lực, tiền bạc và những mục đích trần tục khác. Trong khi đó, tâm linh là khoan dung, thì tinh thần mộ đạo lại thường không khoan dung; đức tin tôn giáo dẫn đến hòa bình – mộ đạo lại dẫn đến xung đột, đổ máu và tội ác nhân danh nó. Tuy nhiên, bên trong mọi tôn giáo vẫn còn sót lại nền tảng tinh thần vốn là xuất phát điểm của tôn giáo đó . Tương tự như tôn giáo, khi những nguyên tắc làm nền tảng cho các nền văn hóa bị những lời giải thích sai lầm làm cho lu mờ hoặc ô uế thì toàn bộ nền các văn hóa đều sẽ bị mất giá.

 Muốn hiểu đầy đủ hơn về bản chất của tinh thần trong sức mạnh bên trong, nguồn gốc và hoạt động dưới dạng một phong trào xã hội, chúng ta phải nghiên cứu kỹ lưỡng một tổ chức tâm linh đương thời, có quyền lực và ảnh hưởng to lớn, một tổ chức nhất quán với tinh thần của con người và mọi thứ đều được ghi chép công khai, nhưng lại tuyên bố thẳng thừng là không phải tổ chức tôn giáo. Ví dụ như hội Người nghiện rượu ẩn danh (Alcoholics Anonymous - AA), đã tồn tại suốt 55 năm qua. 

Tất cả người Mỹ chúng ta đều biết đôi điều về AA, vì tổ chức này đã thâm nhập vào mọi ngõ ngách của xã hội hiện đại và đã có hàng triệu tín đồ. Hiện nay, người ta ước tính rằng AA và các chi nhánh của nó tạo được ảnh hưởng, bằng cách này hay cách khác, tới cuộc sống của khoảng 50% người Mỹ. Thậm chí ngay cả khi các nhóm tự giúp nhau, thực hành chương trình cai nghiện 12 bước, không tham gia trực tiếp vào đời sống, thì các nhóm này vẫn tạo được ảnh hưởng đến chúng ta một cách gián tiếp, vì chúng củng cố một số giá trị bằng cách nêu gương. Xin nghiên cứu các nguyên tắc sức mạnh bên trong vốn là nền tảng cho AA, cũng như quá trình hình thành nền tảng này trong quá khứ và khảo sát ảnh hưởng của những nguyên tắc này trong dân chúng nói chung, cũng như trong các thành viên của tổ chức này nói riêng. Chúng ta có thể xem xét AA thực chất là gì và không phải là gì, và rút ra bài học từ cả hai. 

Theo lời mở đầu tác phẩm nhan đề Alcoholics Anonymous (tạm dịch: Người nghiện rượu ẩn danh), AA “không liên kết với bất kỳ tôn giáo, giáo phái, phong trào chính trị hay tổ chức nào”. Nó “không có ý kiến về các vấn đề bên ngoài”. Nó không ủng hộ cũng không chống lại bất kỳ cách tiếp cận nào khác đối với vấn đề nghiện rượu. Tổ chức này không thu phí hay lệ phí, không lễ lạt kỷ niệm, không đồng phục, không có chức tước, không có luật lệ buộc mọi người phải tuân theo. Không có tài sản; không có đền đài miếu mạo hay văn phòng to lớn. Không chỉ tất cả các thành viên đều bình đẳng với nhau, mà tất cả các nhóm AA đều có quyền tự chủ và tự trang trải . Thậm chí 12 bước cơ bản mà các thành viên áp dụng trong quá trình cai nghiện cũng chỉ được gọi là “những gợi ý”. Họ không sử dụng bất kỳ hình thức ép buộc nào và cách làm này được khẳng định bằng những khẩu hiệu như “Lạt mềm buộc chặt”, “Làm ngay việc quan trọng hơn”, và, quan trọng nhất là  “Dĩ hòa vi quý” . 

AA tôn trọng tự do, thể hiện trong việc dành quyền lựa chọn cho từng cá nhân. Trung thực, trách nhiệm, khiêm tốn, phụng sự và thể hiện tinh thần khoan dung, thiện chí và tình huynh đệ là những mô thức của sức mạnh bên trong mà người ta dễ dàng nhận thấy ở tổ chức này. AA không gắn bó với bất kỳ luân thường đạo lý cụ thể nào, không có quy định đúng và sai hay tốt và xấu, và tránh phán xét về đạo đức. AA không tìm cách kiểm soát bất kỳ người nào, kể cả các thành viên của nó. Thay vào đó, nó đưa ra cho người ta một con đường. Nó nói với thành viên: “Nếu thực hành những nguyên tắc này trong tất cả các công việc của mình, bạn sẽ thoát khỏi căn bệnh nguy hiểm, ngày càng nặng thêm, vô vọng và chết chóc này, bạn sẽ phục hồi được sức khỏe và lòng tự trọng của mình, và có thể sống một đời sống có ích, mãn nguyện với cả mình lẫn những người khác” . 

AA là ví dụ độc đáo về sức mạnh bên trong của những nguyên tắc này trong việc chữa trị những căn bệnh đã hoàn toàn vô vọng và thay đổi những mô thức tính cách có tính phá hoại của các thành viên của tổ chức. Từ hệ hình độc đáo này và sau khi người ta phát hiện được rằng các nhóm người gặp gỡ nhau một cách thường xuyên nhằm giải quyết các vấn đề chung có sức mạnh vô cùng to lớn, thì lần lượt xuất hiện tất cả các hình thức trị liệu nhóm như: Al-Anon, dành cho vợ hoặc chồng của các thành viên AA; sau đó là Alateen, dành cho con của những người này; sau đó là Hội Người đánh bạc ẩn danh (Gamblers Anonymous), Hội Người nghiện ma túy ẩn danh (Narcotics Anonymous), Hội Cha mẹ ẩn danh (Parent Anonymous – ngăn chặn lạm dụng trẻ em và cung cấp hỗ trợ cho cha mẹ), Hội Phàm ăn ẩn danh (Overeaters Anonymous), v.v.. Hiện có gần 300 tổ chức ẩn danh, họ tự giúp nhau, thực hành chương trình 12 bước nhằm đối phó với tất cả các khía cạnh và hình thức đau khổ của con người. Kết quả là, hiện nay người Mỹ nói chung đã không còn lên án những hành vi tự hủy hoại bản thân mà công nhận rằng, tình cảnh của họ thực ra là những căn bệnh có thể chữa trị được. 

Từ quan điểm thực tế, có thể đo đếm được tác động đáng kể của các tổ chức tự giúp nhau đối với xã hội – không chỉ trong việc xoa dịu những đau khổ của con người và xây dựng lại tổ ấm gia đình, mà còn tiết kiệm được hàng tỷ đôla. Trốn việc, phí bảo hiểm ô tô, chi phí cho phúc lợi, chăm sóc sức khỏe và chi phí cho hệ thống phạt đều giảm đáng kể vì những thay đổi hành vi của rất nhiều người mà phong trào này tạo ra được. Chỉ riêng chi phí tư vấn và trị liệu nhóm cho hàng triệu người gặp khó khăn cũng làm cho người ta choáng váng rồi. 

Thành viên của các tổ chức này, tổng cộng lên đến hàng triệu người, nhất trí thừa nhận rằng, công nhận những hạn chế của bản ngã cá nhân đã tạo điều kiện cho họ trải nghiệm nội lực chân chính, và sức mạnh bên trong đã giúp họ phục hồi – một việc mà cho đến nay không có gì trên đời, trong đó có thuốc men, chữa trị tâm lý, hoặc bất kỳ ngành khoa học hiện đại nào có thể làm được. 

Từ câu chuyện về quá trình hình thành tổ chức AA 12 bước ban đầu, chúng ta có thể rút ra một số nhận xét quan trọng. Quay lại những năm 1930, nghiện rượu, như trong nhiều thế kỷ trước, đã được xã hội coi là căn bệnh vô phương cứu chữa, ngày càng nặng thêm, làm cho cả y học và tôn giáo đều lúng túng. (Trên thực tế, tình trạng nghiện rượu trong giới tăng lữ cao đến mức đáng lo ngại). Nghiện các loại ma túy cũng được cho là không thể cai được, và đến một giai đoạn nào đó, nạn nhân bị coi là “đồ vứt đi”.

 

Đầu những năm 1930, một doanh nhân nổi tiếng người Mỹ (người ta bảo tên là Rowland H.) tìm mọi cách cai rượu mà không có kết quả, đã đi gặp Carl Jung (1875-1961), một nhà phân tâm học nổi tiếng người Thụy Sỹ. Jung chữa cho Rowland H. trong khoảng một năm, cho đến khi ông này đã tương đối tỉnh táo. Rowland về Mỹ, lòng tràn đầy hy vọng, nhưng rồi lại bị bệnh vì thường xuyên uống quá nhiều rượu. 

Rowland quay lại Thụy Sỹ để gặp Jung và xin được điều trị tiếp. Jung khiêm tốn nói với ông ta rằng, cả khoa học lẫn nghệ thuật của mình đều không thể giúp được gì hơn nữa, nhưng trong suốt lịch sử nhân loại – hiếm, nhưng đôi khi – một số người hoàn toàn phó thác số phận của mình cho một tổ chức tâm linh nào đó và phó thác cho Chúa để được giúp đỡ, và họ đã cai được rượu . 

Rowland trở về Mỹ, vô cùng thất vọng, nhưng ông ta đã làm theo lời khuyên của Jung và tìm được tổ chức gọi là Nhóm Oxford (Oxford Groups). Đây là những nhóm người thường xuyên gặp nhau để thảo luận về cách sống theo những nguyên tắc tâm linh căn bản, rất giống với những nguyên tắc mà sau này AA áp dụng. Nhờ đó, Rowland đã cai được rượu, và việc ông cai được rượu đã làm cho một thành viên khác của nhóm này, tên là Edwin T., hay “Ebby” – cũng nghiện rượu đến mức hoàn toàn tuyệt vọng – vô  cùng ngạc nhiên. Rowland nói với Ebby về quá trình cai nghiện của mình, Ebby làm theo và cũng cai được. Mô hình người này giúp người kia giải quyết cùng một vấn đề sau đó lan từ Ebby sang người bạn của ông ta tên là Bill W., một người thường xuyên phải nhập viện vì chứng nghiện rượu vô phương cứu chữa, sức khỏe vô cùng tồi tệ. Ông ta được coi là hoàn toàn tuyệt vọng. Ebby nói với Bill rằng mình cai được là do phụng sự người khác, tu tâm tính, ẩn danh, khiêm tốn và phó thác cho sức mạnh lớn hơn bản thân mình . 

Bill W. là người vô thần, và ông thấy phó thác cho sức mạnh cao hơn không phải là ý tưởng hấp dẫn, nói nhẹ nhàng là như thế. Phó thác mâu thuẫn với thái độ kiêu hãnh của Bill; ông hoàn toàn tuyệt vọng. Đầu óc ông lúc nào cũng bị rượu ám ảnh, nhưng cơ thể lại dị ứng với rượu – nó làm cho ông ta lúc nào cũng bị bệnh, mất trí; ông và vợ, bà Lois, biết chắc rằng chẳng bao lâu nữa ông ta sẽ chết. Cuối cùng, Bill hoàn toàn buông xuôi; ngay lúc đó, ông ta đã có một trải nghiệm sâu sắc về Hiện diện (Presence) và Ánh sáng (Light) bao trùm khắp chốn và cảm thấy vô cùng an bình. Đêm đó, cuối cùng Bill đã có thể ngủ được, và khi thức dậy vào ngày hôm sau, ông ta cảm thấy như thể đã chuyển hóa một cách mạnh mẽ, không thể nói thành lời . 

Bác sĩ William D. Silkworth, ở phía tây của Thành phố New York, chuyên theo dõi sức khỏe của Bill khẳng định giá trị và hiệu quả trải nghiệm của ông ta. Silkworth từng điều trị cho 10.000 người nghiện rượu và trong quá trình chữa trị, đã thu thập được đủ kiến thức để nhận ra tầm quan trọng của trải nghiệm của Bill. Sau đó, chính Silkworth đã giới thiệu Bill với nhà tâm lý học vĩ đại William James, tác giả cuốn sách kinh điển The Varieties of Religious Experience (tạm dịch: Sự đa dạng của trải nghiệm tôn giáo). 

Bill muốn trao món quà của mình cho những người khác, chính ông từng nói: “Tôi đã dành vài tháng sau đó để cố gắng khuyên những người nghiện bỏ rượu, nhưng không thành công”. Cuối cùng, ông phát hiện được rằng cần phải thuyết phục người nghiện về tình trạng vô vọng của họ – nói theo tâm lý hiện đại, là khắc phục thái độ phủ nhận của họ. Thành công đầu tiên của Bill là một bác sĩ phẫu thuật, tên là Bob, ở Akron, bang Ohio. Hóa ra bác sĩ Bob là người có khuynh hướng tâm linh mạnh mẽ và đã trở thành người đồng sáng lập AA. Cho đến khi qua đời, năm 1956, ông không uống thêm một giọt rượu nào nữa (Bill W. cũng thế, ông này mất năm 1971) . Sức mạnh to lớn mà Bill W. nhận thức được thông qua trải nghiệm nội tâm của mình đã được thể hiện ra bên ngoài trong đời sống của hàng triệu người nhờ nó mà được chuyển hóa. Trong danh sách 100 người Mỹ vĩ đại nhất thuộc mọi thời đại do Tạp chí Life bình chọn, Bill W. được ghi nhận là người khởi xướng toàn bộ phong trào tự giúp nhau . 

Câu chuyện của Bill W. là câu chuyện điển hình của những người đã từng là kênh truyền tải nội lực vô cùng to lớn: những nguyên tắc mà họ truyền tải trong sự nghiệp ngắn ngủi của mình đã làm thay đổi cuộc đời của hàng triệu người trong những giai đoạn rất dài. Ví dụ, Chúa Jesus Christ chỉ thuyết giảng trong vòng ba năm, và giáo lý của Ngài đã biến đổi tất cả các thế hệ trong xã hội phương Tây kể từ ngày đó. Cuộc gặp gỡ của con người với những giáo lý này là trung tâm của lịch sử phương Tây trong suốt 2.000 năm qua. Điểm hiệu chỉnh cao nhất của những trường nội lực của điểm hút mà chúng tôi phát hiện được bao giờ cũng liên quan với giáo lý của các bậc thầy tâm linh vĩ đại nhất trong lịch sử. 

Thực hành dưới hình thức tôn giáo có tổ chức (xem Chương 23) như hiện nay bao giờ cũng có điểm hiệu chính thấp hơn nội lực của trường năng lượng của những giáo lý ban đầu, do các bậc thầy vĩ đại tuyên thuyết. Nhưng những nguyên lý ban đầu vẫn giữ được mô thức nội lực của điểm hút bẩm sinh; chỉ có biểu hiện của chúng là yếu đi mà thôi. Những giáo lý đó vẫn giữ được nội lực to lớn như thuở ban đầu. 

Sức mạnh bên trong của một nguyên tắc không hề thay đổi theo thời gian. Dù chúng ta có hiểu thấu đáo hay không, những nguyên tắc này vẫn là những lý tưởng để nhân loại phấn đấu. Từ những vật lộn để làm cho mình trở thành con người tốt đẹp hơn, chúng ta học thể hiện tâm từ bi đối với những người đang còn bị xung đột nội tâm dằn vặt; từ đó mà có trí tuệ, trong đó có lòng từ bi đối với thân phận của con người. 

Nếu xem xét các định luật của vật lý lý thuyết cao cấp và kết quả nghiên cứu về điểm hút của chúng tôi, chúng ta sẽ thấy rõ rằng, trong vũ trụ mà mọi thứ đều liên kết với nhau, sức mạnh nội tại vô hình đã làm cho chúng ta những việc mà chúng ta không bao giờ có thể tự làm được. Như chúng tôi đã nói bên trên, chúng ta không thể nhìn thấy điện, tia X hoặc sóng vô tuyến, nhưng nhờ tác dụng mà chúng tạo ra, chúng ta mới biết sức mạnh bên trong của chúng. Tương tự như thế, chúng ta liên tục thấy tác động của sức mạnh bên trong của những suy nghĩ và cảm xúc, mặc dù cho đến nay, chúng ta vẫn cho rằng không thể đo được năng lượng hoặc sức mạnh bên trong của ý nghĩ. 

Khi bàn về các trường điểm hút có nội lực mạnh mẽ, chúng tôi thường chỉ nói bóng gió về chúng bằng các biểu tượng. Về mặt vật lý, quốc kỳ chỉ là các hình mẫu trên mảnh vải, nhưng người ta sẵn sàng chết vì cái mà lá cờ là vật tượng trưng. Như chúng tôi đã nói, sức mạnh là do ý nghĩa mà ra. Ý nghĩa lớn nhất đối với chúng ta xuất phát từ thế giới tinh thần chứ không phải từ thế giới vật chất. 

Đến đây, chúng ta thấy rằng nhất quán với những nguyên tắc liên kết với các trường năng lượng của điểm hút có nội lực mạnh mẽ có thể giúp đạt được thành tích trong các kỳ Thế vận hội; thành công trên thương trường; chiến thắng trong lĩnh vực chính trị trên bình diện quốc tế; và chữa khỏi những căn bệnh vô vọng, đang ngày càng nặng thêm. Cũng chính các mô thức điểm hút này đã làm nên những bản nhạc hay nhất mà chúng ta từng biết. Các mô thức điểm hút này cũng là nền tảng của những giáo lý tôn giáo lỗi lạc nhất, nền tảng của nền nghệ thuật và kiến trúc vĩ đại nhất thế giới, và khởi nguồn của tất cả sáng tạo và thiên tài.




No comments:

Post a Comment