July 20, 2014

Clint Richards (The Diplomat – Nhật Bản) – Việc Trung Quốc rút giàn khoan chẳng nói lên điều gì

Phạm Nguyên Trường dịch
Trung Quốc đã chứng tỏ khả năng đứng vững trước áp lực trong khu vực và dường như sẽ trở lại khi họ muốn.

Hôm thứ tư, Hong Lei, người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc bất ngờ tuyên bố với Tân Hoa xã là giàn khoan HYSY 981 của Công ty dầu khi quốc gia của nước này (CNPC) đã rời khỏi vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa, đang tranh chấp với Việt Nam, tức là rút khỏi vị trí mà nó đã chiếm giữ từ ngày 2 tháng 5. Từ khi được đưa tới đây, giàn khoan này luôn là nguồn gốc xung đột giữa Việt Nam và Trung Quốc, với những vụ đụng độ hầu như hàng ngày giữa cảnh sát biển và tàu đành cá giữa hai nước, và những vụ biểu tình phản đối Trung Quốc đầy bạo lực ở Việt Nam. Trong khi việc di chuyển vội vàng là một bất ngờ và quan trọng vì một số lí do, thì bà Hong khẳng định rằng Hoàng Sa vốn là lãnh thổ của Trung Quốc và rằng “Trung Quốc cực lực phản đối những hành động cản trở phi lí của Việt Nam và đã có những biện pháp an ninh cần thiết nhằm bảo đảm cho hoạt động của giàn khoan này.”


Quyết định đưa giàn khoan về đảo Hải Nam một tháng trước khi kết thúc kế hoạch hoạt động đặt ra một số câu hỏi. Ban đầu CNPC tuyên bố rằng giàn khoan sẽ ở lại vị trí đó cho đến ngày 15 tháng 8, nhưng thứ ba vừa rồi họ lại nói rằng công tác thăm dò và khoan đều đã hoàn thành. Phó giám đốc phòng nghiên cứu của CNPC, ông Wang Zhen, nói phân tích ban đầu cho thấy rằng khu vực này có “những điều kiện căn bản và tiềm năng cho việc khai thác dầu, nhưng phải đánh giá toàn diện các số liệu thì mới có thể tiến hành khai thác thử.” Như vậy là, Trung Quốc đã tự đưa ra lí do để họ có thể quay trở lại nếu họ muốn, nhưng bằng cách nói một cách tù mù về việc cần phải đánh giá thêm trước khi quay trở lại có nghĩa là Trung Quốc có thể quyết định khi nào và có cần xem xét lại cuộc tranh cãi này với Việt Nam hay không.
Việc rút giàn khoan trước thời hạn một cách bất ngờ mà không hề báo trước đưa người ta đến giả thiết cho rằng Trung Quốc đang tìm cách giảm căng thẳng với Việt Nam và có thể khuất phục trước áp lực của cộng đồng quốc tế về đòi hỏi tới 90% diện tích biển Đông của họ, một việc làm đã gây nên những cuộc tranh cãi đầy thù nghịch của nước này với cả Việt Nam lẫn Philippines. Có thể là như thế, nhưng Trung Quốc vẫn giành cho mình lí do để quay trở lại nếu họ muốn.

Trong khi không đưa ra lí do chính thức cho việc rút sớm giàn khoan, Tân Hoa xã nhận xét rằng công tác khai thác thử không thể tiến hành ngay được vì đã đến mùa gió bão. Còn một quan chức trong ngành này, một người có hiểu biết về công việc, thì nói với hãng Reuters rằng rút sớm sẽ tạo điều kiện sử dụng giàn này vào những công việc khác. Vì đây là giàn khoan mới nhất và hiện đại nhất của Trung Quốc, có thể khoan sâu gấp đôi những giàn khoan khác của Trung Quốc cho nên hai lí do này có thể nghe được. Trung Quốc cũng đã rút hết tất cả các tàu biển dùng để bảo vệ giàn khoan và khu vực tranh chấp. Theo ông Hà Lê, phó cục trưởng Cục kiểm ngư Việt Nam, thì Việt Nam cũng đã rút 30 tầu cảnh sát biển và tàu kiểm ngư khỏi khu vực để tránh cơn bão Rammasun.

Điều lạ lùng là Trung Quốc đã từ bỏ tuyên bố chủ quyền với quần đảo Hoàng Sa đúng vào lúc khi mà những cú đâm bằng tàu và tấn công bằng súng phun nước của họ đã làm hỏng 27 tàu và 15 kiểm ngư của Việt Nam bị thương. Thậm chí những cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc, bùng lên hồi tháng 5, cũng đã giảm hẳn sau khi bị chính phủ đàn áp, có thể là do sự phụ thuộc về kinh tế của nước này vào Trung Quốc, mà cũng có thể là họ nhận thức được rằng hải quân của Việt Nam không thể nào địch được Trung Quốc.
Vì trong tương lai gần Việt Nam đã hoàn toàn bị vô hiệu hóa, quyết định rút sớm dường như là do căng thẳng trong khu vực đang gia tăng. Đường chín đoạn mà Trung Quốc mới đưa ra gần đây khẳng định chủ quyền trong khu vực biển Đông gây ra căng thẳng với cả Việt Nam và Philippines đã là chất xúc tác cho sự hợp tác về an ninh trong khu vực. Nhật Bản, đối thủ lớn nhất của Trung Quốc trong khu vực này, đã tận dụng được cơ hội và hứa cung cấp tàu cảnh sát biển và thắt chặt quan hệ quốc phòng với các nước có liên quan. Trung Quốc cũng trở thành mục tiêu phê phán chủ yếu trong cuộc đối thoại Shangri-La hồi cuối tháng 5 vừa qua, lúc đó cả Mĩ và Nhật đều nói cố gắng của Trung Quốc nhắm làm thay đổi hiện trạng là xu hướng quan trong nhất trong khu vực.

Mặc dù Trung Quốc dường như đã tạm thời lùi bước, nhưng có vẻ như họ đang tính đến những bước đi lâu dài về sau. Trung Quốc chưa từ bỏ bất kì đòi hỏi nào, mà còn cho thấy họ có thể khẳng định được ý chí của mình (ít nhất là với nước Việt Nam yếu hơn hẳn) và sẽ đạt được mục đích của mình mặc cho sự bất mãn trong khu vực và những vụ đụng độ diễn ra hầu như mỗi ngày. Trung Quốc dường như coi đây là việc tạo ra một tiền lệ, chứng tỏ rằng họ có thể áp đặt cách lí giải của mình về những đường biên giới trong khu vực mà không gặp phải phản ứng tiêu cực mạnh mẽ nào. Thay vì giảm áp lực, có khả năng xảy ra là các nhà lãnh đạo Trung Quốc cảm thấy có thể xem xét lại những vấn đề như thế này vào lúc và ở nơi mà họ lựa chọn trong tương lai, và cho đến lúc đó cán cân an ninh khu vực sẽ không có thay đổi đáng kể hoặc chưa thể củng cố được. Nếu không phải như thế thì cũng không có gì phải lo, giàn khoan đã trở về vùng lãnh hải của mình một cách an toàn và Trung Quốc đã chứng minh rằng họ có đủ phương tiện để có thể đứng vững trước áp lực được duy trì thường xuyên trong khu vực này.


Nguồn: http://thediplomat.com/2014/07/chinas-rig-departure-proves-nothing/

No comments:

Post a Comment