March 23, 2014

Mark Adomanis - Nước Nga Đang Phải Trả Giá Đắt Cho cuộc Xâm Lăng Crimea



Phạm Nguyên Trường dịch

Chúng ta vẫn phải chờ và xem quan hệ giữa Nga và phương Tây xấu đến mức nào: khá nhiều thứ còn phụ thuộc vào những việc sẽ xảy ra trong vài tuần tới ở Ukraine, đặc biệt Nga sẽ hành động hung hăng đến mức nào ở các thành phố phía Đông như Lugansk, Donetsk và Kharkiv. Liệu Moscow có chấp nhận kết quả của “cuộc trưng cầu dân ý” ngày hôm qua và chính thức sáp nhập Crimea hay không cũng là tác nhân vô cùng quan trọng.


Nhưng những dấu hiệu ban đầu là không tốt. Trên thực tế, mỗi dấu hiệu đều trực tiếp chỉ cho người ta thấy khả năng leo thang và thảm họa. Các nhà phân tích hàng đầu như Fyodor Lukyanov gọi cuộc khủng hoảng hiện nay là sự cáo chung của kỷ nguyên kéo dài 25 năm trong quan hệ giữa Nga và phương Tây, và dường như các tính toán của điện Kremlin đã trải qua một sự thay đổi nhanh chóng và dứt khoát từ cố gắng nhằm ít nhất là xoa dịu những mối lo ngại của phương Tây sang dùng xe ủi đất lao thẳng vào họ.
Trong khi điện Kremlin có thể cảm thấy tràn đầy sinh lực và mạnh bạo nhờ đi theo chính sách bài phương Tây hung hăng của mình, trong khi Putin và nhóm cố vấn thân cận của ông ta rất có thể có cảm giác run sợ gián tiếp vì đã vất bỏ tất cả những sự vờ vịt và nói với Mỹ và Liên minh châu Âu những suy nghĩ thực sự của mình về họ, tôi tin rằng trong tương lai rất gần họ sẽ phải hối tiếc. Vì sao? Không phải vì Mỹ và EU có đủ sức mạnh, cũng không phải là vì Nga sẽ tự động thể hiện lòng “tôn kính” các đối tác phương Tây.
Nga sẽ hối tiếc vì đã quay sang chống phương Tây, sự cải thiện tình hình kinh tế của đất nước này trong 15 năm qua chỉ có thể xảy ra là vì nước này ngày càng được nhiều người coi là đất nước “bình thường”, có thể đầu tư và kinh doanh ở đấy. Nga chưa hội nhập hoàn toàn vào nền kinh tế thế giới, nhưng năm 2014 nước này đã hội nhập nhiều hơn bao giờ hết, đấy là nói so với những năm 1990 hỗn loạn hay những năm đầu của nhiệm kỳ đầu tiên của tổng thống Putin, tức là những năm được gọi là “tốt”. Thương mại của Nga với EU bùng nổ trong suốt thập kỷ qua, và trong khi kết quả của tăng trưởng kinh tế không được chia sẻ một cách đồng đều, rất nhiều người Nga đã có lối sống tiêu dùng ngày càng giống như của phương Tây.

Sự gia tăng của lối sống tiêu dùng phụ thuộc không chỉ vào quan hệ giữa chính phủ với chính phủ – ngay cả sau vụ 11/9 Nga và phương Tây vẫn rất nghi ngờ nhau – mà còn phụ thuộc vào sự phát triển dần dần của những mối liên kết hữu cơ giữa con người và các doanh nghiệp. Những mối lien kết loại này có thể rất khó hình thành, nhưng lại cực kỳ dễ vỡ. Sự rúng động tại các thị trường chứng khoán Nga cho thấy cuộc xâm lược Crimea của Nga dường như đã thuyết phục được cực kì nhiều người rằng Nga không phải là nơi đặc biệt tốt để đầu tư.
Thị trường chứng khoán đã có phản ứng rất rõ ràng và không úp mở trước sự can thiệp của Nga vào Ukraine: “Đây là một ý tưởng khủng khiếp!”. Ban lãnh đạo của Nga đã đưa tín hiệu hoàn toàn ngược lại. Không khó thấy lý do vì sao các nhà đầu tư hoảng loạn. Môi trường kinh doanh của Nga chưa bao giờ được coi là đặc biệt thuận lợi, nhưng mọi người đều hiểu rằng các nhà chức trách đã đưa ra những quyết định hợp lý và họ đang hành động theo luật chơi, trong đó đầu tư nước ngoài và tăng trưởng kinh tế là quan trọng và cần được hoan nghênh. Nhưng bây giờ dường như không còn như thế nữa. Từ quan điểm của một nhà đầu tư điển hình, các nhà chức trách Nga – bằng việc nhấn mạnh liên tục của họ về tính chất “tự vệ” của lực lượng ở Crimea và tiến hành cuộc “chiến tranh thông tin” toàn diện – dường như đã đánh mất lí trí.
Vì nhiều lý do, các biện pháp trừng phạt chính thức của phương Tây nhắm vào Nga có thể sẽ không có quá nhiều ảnh hưởng: nền kinh tế Nga phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu hàng hoá được giao dịch trên thị trường thế giới và không thể dễ dàng dùng những nguồn khác để thay thế. Nhưng tác hại mà họ tự gây ra cho uy tín của nước Nga thì nghiêm trọng hơn nhiều. Thực chất, trong mấy tuần qua Nga đã đưa cho các nhà đầu tư phương Tây đoạn phim quảng cáo thương mại có thể được tóm tắt như: “Liên Xô đã quay trở lại, trong bất kỳ trường hợp nào cũng không được giao cho chúng tôi bất kỳ số tiền nào của bạn!”. Thực tế phức tạp hơn nhiều, phải không? Đúng thế. Nhưng thế giới không công bằng, và nó luôn luôn xuất phát từ kết luận cho rằng việc sử dụng quân đội Nga ở Ukraine sẽ gặp phải sự kinh hoàng và thiếu cảm thông từ phương Tây. Ban lãnh đạo điện ở Kremlin biết thế, nhưng họ không cần quan tâm.

Putin và nhóm cố vấn thân cận của ông ta quyết định rằng họ muốn xây dựng một nước Nga “vĩ đại” trên trường quốc tế. Các chỉ dấu ban đầu cho thấy rằng Nga gần như chắc chắn sẽ là nước nghèo hơn và bị cô lập hơn so với trước kia. Có lẽ ban lãnh đạo ở điện Kremlin hài lòng với phương án đó. Còn nhân dân Nga? Tôi có những mối nghi ngờ của mình. 



3 comments:

  1. Nga sẽ rúm ró trong sự bao vây của Mỹ và Phương Tây!

    ReplyDelete
  2. Dẫu luôn chứng tỏ là người dịch thuật khách quan, nhưng xem ra Phạm Nguyên Trường vẫn chỉ là gã tín đồ hạng bét của Mỹ và phưng Tây mà thôi! Thảm hại thay những kẻ luôn ngộ nhận mình là trí thức cao siêu. Thực chất họ chỉ là những con mọt sách không bao giờ thoát khỏi cái bóng của chủ nghĩa giáo điều cứng nhắc thô thiển!

    ReplyDelete
    Replies
    1. Không biết Trần Cẩm Khê thấy mình nói là trí thức cao siêu ở chỗ nào, thực ra mình thấy bài thì dịch, phần nhiều là chưa đọc, dịch xong thì đưa lên cửa sổ, coi là 1 cách nhìn, ai đọc và nghĩ thế nào thì tùy họ thôi.

      Delete