Lời
giới thiệu cho lần xuất bản bằng tiếng Anh năm 1985
của Bettina
Bien Greaves
Thuật ngữ “chủ nghĩa tự do” có xuất xứ từ
tiếng Latin: “liber”, nghĩa là “tự do”, khởi kì thuỷ là để nói đến triết lí tự
do. Ở châu Âu, khi tác phẩm này được chấp bút (1927), nó vẫn còn có nghĩa như
thế, vì vậy độc giả của nó đã hi vọng là sẽ tìm được ở đây lí giải về triết lí
tự do truyền thống. Đáng tiếc là trong mấy chục năm gần đây thuật ngữ “chủ
nghĩa tự do” đã có ý nghĩa hoàn toàn khác. Thuật ngữ này đã bị những nhà triết
học theo đường lối xã hội chủ nghĩa, đặc biệt là ở Mĩ, sử dụng để nói về chủ
nghĩa can thiệp của chính phủ và những chương trình “nhà nước phúc lợi” của họ.
Một trong rất nhiều thí dụ có thể dẫn ra ở đây là ông cựu thượng nghị sĩ Mĩ,
Joseph S. Clark con, khi ông này còn làm thống đốc bang Philadelphia, đã mô tả
lập trường “tự do” của ông ta bằng những từ như sau:
Quan điểm như thế về “chủ nghĩa tự do” đã giữ
thế thượng phong vào năm 1962, tức là năm tác phẩm này được dịch sang tiếng
Anh, Mises tin rằng dịch sát nghĩa tên gọi ban đầu của tác phẩm là Liberalismus
có thể sẽ gây ra hiểu lầm. Vì vậy mà ông đền nghị gọi bản tiếng Anh là Cộng
đồng tự do và thịnh vượng (The Free and Prosperous Commonwealth). Nhưng năm sau
ông quyết định không nhường thuật ngữ “chủ nghĩa tự do” cho các triết gia xã
hội chủ nghĩa nữa. Trong lời giới thiệu cho lần xuất bản thứ hai và thứ ba tác
phẩm Hành vi của con người, tác phẩm quan trọng nhất của đời ông, Mises viết
rằng những người ủng hộ cho triết lí tự do cần phải giành lại “thuật ngữ ‘chủ
nghĩa tự do’ .. vì đơn giản là không có thuật ngữ nào thể hiện được đúng đắn
phong trào trí thức và chính trị vĩ đại đó”, một phong trào dẫn đến nền văn
minh hiện đại bằng cách thúc đẩy thị trường tự do, chính phủ hạn chế và tự do
cá nhân. Thuật ngữ “chủ nghĩa tự do” được dùng trong tác phẩm này theo nghĩa
đó.
Nhằm giúp những độc giả mới làm quen với các
công trình của Ludwig von Mises (1881-1973), xin nói thêm rằng ông đã là người
phát ngôn nổi bật của Trường phái kinh tế Áo. Trường phái này được gọi như thế
vì Mises và hai vị tiền bối nối tiếng của ông là Carl Menger và Eugen von Behm
Bawerk đều là những người sinh trưởng ở nước Áo. Hòn đá tảng của Trường phái
kinh tế Áo là lí thuyết về cách đánh giá chủ quan về giá trị hữu dụng cận biên.
Lí thuyết này chỉ ra rằng tất cả mọi hiện tượng kinh tế, cả đơn giản lẫn phức
tạp, đều là kết quả của những đánh giá mang tính chủ quan của từng cá nhân.
Mises giải thích và phân tích phương pháp luận, giá trị, hành vi, giá cả, thị
trường, tiền tệ, tập đòan độc quyền, sự can thiệp của chính phủ, tăng trưởng
nóng và sụp đổ kinh tế… trên cơ sở của lí thuyết đánh giá chủ quan đó và đã có
những đóng góp quan trọng trong lĩnh vực tiền tệ và tính toán kinh tế.
Mises bảo vệ luận án tiến sĩ ở trường đại học
tổng hợp Vien vào năm 1906. Đề tài luận văn của ông, Lí thuyết về tiền tệ và
tín dụng, được xuất bản ở Đức vào năm 1912 và ở Anh vào năm 1934, là tác phẩm
đầu tiên trong rất nhiều công trình lí thuyết của ông về kinh tế học. Trong
giai đoạn giữa hai cuộc thế chiến, ngoài những tác phẩm và bài báo viết về kinh
tế, trong đó có tác phẩm tạo được tiếng vang như Chủ nghĩa xã hội, Mises còn là
cộng sự của Phòng thương mại Áo (cố vấn về kinh tế cho chính phủ Áo) và giảng
dạy bán thời gian tại trường tổng hợp Viên. Ông còn hướng dẫn những buổi thảo
luận của các nhà nghiên cứu kinh tế, nhiều người trong số họ đã trở thành những
học giả có ảnh hưởng quốc tế. Năm 1926 ông thành lập Viện nghiên cứu chu kì
kinh tế ở Áo, Viện này vẫn còn cho đến ngày nay.
Ngay sau khi Hitler giành được chính quyền ở
Đức, Mises đã nhìn thấy rằng nước Áo sẽ gặp rắc rối. Cho nên năm 1934 ông đã
chuyển sang làm việc cho Viện nghiên cứu quốc tế ở Thuỹ Sĩ. Ở đây, ông bắt đầu
chấp bút tác phẩm Nền kinh tế quốc dân (Nationaloekonomie-1940). Mặc dù ở châu
Âu xã hội chủ nghĩa quốc gia hồi đó chẳng có mấy người biết tiếng Đức đọc tác
phẩm này, nhưng cách lí giải những nguyên lí kinh tế sâu sắc của Mises đã tìm
được nhiều độc giả qua bản dịch tiếng Anh, và sau đó được Mises viết lại cho
độc giả Mĩ dưới nhan đế Hành vi của con người (Human Action - xuất bản lần đầu
năm 1949)
Nhằm chạy khỏi châu Âu lúc đó đã bị phát xít
Hitler chiềm đóng, Mises và vợ đã rời khỏi Thuỵ Sĩ và đến định cư ở Mĩ vào năm
1940. Tiếng tăm của ông đã vang dội ở châu Âu, nhưng ở Mĩ thì chưa mấy người
biết. Vì vậy mà ông phải bắt đầu gần như từ con số không. Những tác phẩm bằng
tiếng Anh bắt đầu xuất hiện dưới ngòi bút của ông: Chính phủ toàn trí toàn năng
và Bộ máy quan liêu, cả hai đều được xuất bản vào năm 1947. Sau đó là tác phẩm
Hành vi của con người, một tác phẩm quan trọng nhất của cuộc đời ông, được xuất
bản vào năm 1949. Và những tác phẩm khác: Kế hoạch hoá vì tự do (1952), Tâm lí
bài tư bản (1952), Lí thuyết và lịch sử (1957), Những nguyên lí căn bản của
kinh tế học (1962), lần luợt xuất hiện. Tất cả đều là những tác phẩm cực kì
quan trọng về lí thuyết kinh tế.
Năm 1947 Mises giúp thành lập hội Mont
Pelerin Society. Ông giảng dạy tại nhiều trường đại học Mĩ và Mĩ Latin và tiến
hành những buổi hội thảo về kinh tế học tại trường đại học tổng hợp New York
trong suốt 24 năm. Ông còn là cố vấn cho Hiệp hội các nhà sản xuất quốc gia và
Quĩ giáo dục kinh tế.
Mises nhận được nhiều danh hiệu như: tiến sĩ
danh dự của trường các Grove City College (1957), đại học tổng hợp New York
(1963),và đại học tổng hợp Freiburg ở Đức (1964). Thành tựu của ông được trường
học cũ, tức trường đại học tổng hợp Viên, công nhận và theo truyền thống châu
Âu, trường này đã kỉ niệm lần thứ 50 ngày ông nhận bằng tiến sĩ và “tái” cấp
bằng cho ông. Năm 1962, đến lượt chính phủ Áo vinh danh ông. Hiệp hội các nhà
kinh tế học Mĩ bầu ông làm hội viên danh dự vào năm 1969.
Ảnh hưởng của Mises vẫn tiếp tục mở rộng. F.
A. Hayek, người học trò nổi tiếng nhất của ông từ những ngày ông còn giảng dạy
ở châu Âu, cũng là người từng được giải Nobel về kinh tế học, viết: “Ảnh hưởng
của Mises đã vượt qua khuôn khổ cá nhân .... Ngọn lửa mà ông thắp lên đã trở
thành ngọn đuốc soi đường cho một phong trào mới, một phong trào ngày càng có
thêm sức mạnh”. Còn Giáo sư Israel Kirzner của trường đại học tổng hợp New
York, một trong những người học trò nổi tiếng nhất của ông ở Mĩ, thì mô tả ảnh
hưởng của ông đối với sinh viên hiện nay như sau: “Sự quan tâm đầy nhiệt tình
và hăng hái đang tái xuất hiện đối với trường phái Áo mà ta chứng kiến hiện nay
có đóng góp mang tính quyết định của Mises”.
Mises là một lí thuyết gia sắc bén và rất
thận trọng, nhưng ông không phải là lí thuyết gia ngồi trong tháp ngà. Được dẫn
dắt bởi lí luận khoa học rằng xã hội tự do với nền kinh tế thị trường là con
đường duy nhất đưa đến sự hài hoà và hoà bình cả trong nước lẫn trên trường
quốc tế, Mises cảm thấy trách nhiệm phải áp dụng những lí thuyết mà ông trình
bày vào lĩnh vực chính sách của chính phủ. Trong tác phẩm Chủ nghĩa tự do,
Mises không chỉ giải thích một cách ngắn gọn nhiều hiện tượng kinh tế quan
trọng mà còn trình bày một cách rõ ràng quan điểm của ông về chính phủ và vai
trò, tuy hạn chế nhưng vô cùng quan trọng, của chính phủ trong việc bảo đảm sự
hợp tác của xã hội, chỉ có như thế thì thị trường tự do mới có thể hoạt động
được. Quan điểm của Mises vẫn rất mới mẻ và hiện đại và độc giả sẽ thấy rằng
ngày hôm nay lí giải của ông vẫn còn nguyên giá trị.
Thông điệp của Mises: tư tưởng cai trị thế
giới, là điệp khúc được nhắc đi nhắc lại trong tất cả các tác phẩm của ông.
Nhưng tư tưởng này được thể hiện rõ nhất trong tác phẩm Chủ nghĩa tự do. “Kết
của cuối cùng của cuộc đấu tranh”, giữa chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa toàn trị,
“sẽ không được giải quyết bằng vũ lực mà bằng tư tưởng. Chính tư tưởng đưa con
người vào các nhóm đấu tranh và đặt vũ khí vào tay họ, tư tưởng quyết định vũ
khí sẽ được dùng để chống lại ai và vì ai. Cuối cùng, chính tư tưởng chứ không
phải vũ khí sẽ quyết định kết quả”, ông đã viết như thế vào năm 1927.
Trên thực tế, chính hi vọng giữ cho thế giới
không tiếp tục lao vào hỗn loạn và xung đột đã thuyết phục người ta từ bỏ chủ
nghĩa can thiệp của chính phủ và chấp nhận chính sách tự do.
Bettina Bien Greaves, tháng 8 năm 1985.
No comments:
Post a Comment