April 18, 2013

Goerge Orwell – Tưởng niệm Catalonia (tiếp theo)


6

Trong khi đó, hàng ngày, đúng hơn là hàng đêm vẫn phải làm nhiệm vụ một cách bình thường. Tuần tra, canh gác, đào hào; bùn, mưa, gió rít và đôi khi có tuyết. Mãi đến trung tuần tháng 4, ban đêm mới thực sự đỡ rét. Thời tiết tháng ba trên cao nguyên ở đây khá giống ở Anh, cũng bầu trời xanh nhạt và những trận gió giật từng hồi. Những ruộng lúa mạch cao khoảng một gang tay, trên cành anh đào những nụ non màu hồng cũng bắt đầu lấp ló (chiến hào ở đây đi ngang qua những vườn anh đào và vườn trồng rau bỏ hoang) và nếu chịu khó tìm, ta sẽ thấy những nhánh hoa vi-ô-lét và một lọai cây dạ lan hương dại trông như hoa chuông tròn. Ngay đằng sau chiến hào của chúng tôi có một dòng suối nhỏ, nước trong xanh, đây là dòng nước trong duy nhất mà tôi thấy kể từ ngày ra mặt trận. Một hôm tôi phải nghiến răng lại để lội xuống nước, đã sáu tuần nay tôi không được tắm. Có thể gọi là tắm vội vì nhiệt độ chỉ cao hơn không độ một chút, lạnh không khác gì nước đá.


Mọi việc vẫn như cũ, tuyệt đối không có gì xảy ra cả. Mấy người Anh ở đây bắt đầu nói với nhau rằng đây không phải là chiến tranh mà chỉ là một vở kịch câm đẫm máu mà thôi. Bọn phát xít khó mà bắn thẳng đến chỗ chúng tôi. Chỉ có mấy viên đạn lạc là nguy hiểm, nhất là ở những chỗ chiến hào ăn sâu vào phía bên địch, đạn có thể đến từ tất cả các hướng. Tất cả các trường hợp thương vong trong giai đoạn này đều là do đạn lạc cả. Arthur Clinton bị trúng một viên không biết từ đâu tới, làm vỡ bả vai phải và liệt cánh tay, tôi sợ là tay anh ta sẽ bị hỏng vĩnh viễn. Pháo binh ít khi khai hoả, mà có bắn cũng chẳng tác dụng gì. Chúng tôi coi tiếng réo và tiếng nổ của đạn đại bác như một trò giải trí. Chưa bao giờ bọn phát xít bắn trúng được bờ công sự của chúng tôi. Cách chiến hào của chúng tôi chừng vài trăm mét về phía sau có một trang trại gọi là La Garja với những ngôi nhà rộng rãi vừa được dùng làm kho, vừa được dùng làm chỗ đóng quân của ban chỉ huy và nhà bếp. Đấy là mục tiêu của bọn phát xít, nhưng chúng ở cách xa từ năm đến sáu cây số, thành ra chỉ có thể làm vỡ kính cửa sổ hay gây ra một vài vết lõm trên tường mà thôi. Chỉ nguy hiểm nếu bị bắn lúc đang đi, đạn sẽ nổ ở cả hai bên đường. Chúng tôi đã nắm được gần như ngay lập tức nghệ thuật chỉ nghe tiếng đạn réo đã biết nó sẽ rơi xa hay gần. Đạn của bọn phát xít thời kì này rất dở. Pháo 150mm mà chỉ khoét được một cái hố đường kính chừng một mét tám và sâu chừng một mét hai; rồi cứ bốn quả đã có ít nhất một quả không nổ. Người ta thường kể những câu chuyện về công tác phá hoại trong nhà máy của bọn phát xít và nói rằng những quả đạn không nổ là vì công nhân không nạp thuốc súng mà lại nhét vào đó mảnh giấy có chữ: “Hồng quân”, nhưng tôi chưa bao giờ thấy quả nào như thế. Sự thật là đạn đã quá cũ, có người đã tháo nắp đậy và nhìn thấy hàng chữ đóng bên trên: 1917. Súng của bọn phát xít cũng cùng loại và cùng cỡ với súng của chúng tôi, cho nên những quả không nổ thường được tái chế và bắn trở lại. Người ta còn nói rằng có một viên đạn, được đặt tên đàng hoàng, ngày nào cũng được bắn qua bắn lại suốt mà không nổ.

Ban đêm người ta thường đưa những đội tuần tra nhỏ tiến sát chiến hào của bọn phát xít để nghe ngóng động tĩnh (kèn hiệu, còi ô tô…) để dự đoán hoạt động ở Huesa. Các đơn vị phát xít di chuyển thường xuyên, những vụ nghe lén như thế có thể giúp tính toán được quân số của chúng. Chúng tôi được lệnh phải đặc biệt chú ý nghe tiếng chuông nhà thờ. Trước khi ra trận, bao giờ bọn phát xít cũng đi lễ nhà thờ. Ở giữa cánh đồng và các vườn cây thường có những túp lều hoang, tường đắp bằng đất. Che kín cửa sổ và dùng một que diêm để soi, đôi khi ta có thể tìm được những thứ có giá trị, thí dụ như một con dao phay hay bi đông đựng nước của bọn phát xít (tốt hơn của chúng tôi và rất có giá). Chúng tôi đi tuần cả vào ban ngày, nhưng phải bò. Một cảm giác thật kì lạ dâng lên trong lòng khi tôi bò qua những cánh đồng màu mỡ, bỏ hoang, nơi mọi vật dường như đã đông cứng lại ngay giữa mùa thu hoạch. Vụ mùa năm ngoái không được ai đoái hoài tới. Những cành nho không được cắt tỉa bò lều ngều trên mặt đất, lõi ngô trên thân cây cứng như đá, củ cải và củ cải đường đầy sơ bên ngoài, cứng chẳng khác gì gỗ. Chắc chắn là nhân dân oán trách quân đội cả hai bên. Thỉnh thoảng chúng tôi lại cử mấy chiến sỹ đi đào khai tây. Cách chỗ chúng tôi chừng hai cây số về bên phải, nơi chiến hào hai bên tưong đối gần nhau, có một cánh đồng khoai tây. Chúng tôi thường ra đó đào vào ban ngày còn bọn phát xít thì đào ban đêm vì súng máy của chúng tôi giữ thế thượng phong ở đây. Một đêm, bọn phát xít đi cả đoàn và đào sạch, làm chúng tôi rất bực bội. Chúng tôi tìm được một cánh đồng khác, xa hơn, nhưng chỗ đó không có gì che chắn cả, muốn đào phải nằm sát bụng xuống đất, rất mỏi. Nếu bọn phát xít phát hiện được thì phải nằm thẳng ra, y như con chuột chui qua khe cửa vậy. Đạn sẽ cày tung đám đất cách đó vài mét. Nhưng đấy là việc đáng làm. Khoai tây rất hiếm. Trong nhà bếp, một bao khoai tây có thể đổi được một bi đông cà phê đầy.

Vẫn chẳng có gì xảy ra cả, thậm chí có vẻ như chẳng thể nào xảy ra bất cứ chuyện gì. “Bao giờ thì chúng ta sẽ tấn công?”. “Tại sao chúng ta không tấn công?”, đấy là những câu hỏi được nghe thường xuyên, đêm cũng như ngày, cả người Tây Ban Nha lẫn người Anh ở đây đều nói. Người ta không khỏi ngạc nhiên khi thấy binh lính muốn đánh nhau, mà chắc chắn là họ muốn thế thật. Trong chiến hào, người lính chỉ mong có ba thứ: đánh nhau, thuốc lá và một tuần nghỉ phép. Chúng tôi đã được trang bị tốt hơn trước. Mỗi người đã được phát một trăm năm mươi chứ không phải năm mươi viên đạn nữa, dần dà rồi ai cũng được phát lưỡi lê, mũ sắt và vài quả lựu đạn. Ngày nào cũng có tin đồn về trận đánh sắp tới. Nhưng tôi lại nghĩ rằng người ta cố tình tung tin như thế để giữ vững tin thần binh sỹ. Không cần có nhiều hiểu biết về quân sự cũng có thể nhận thức được rằng không thể có những trận đánh lớn ở mặt trận này của Huesa, ít nhất là trong thời gian trước mắt. Con đường đi Jaca, ở phía bên kia thành phố, mới là mục tiêu chiến lược. Một thời gian sau, khi các lực lượng vô chính phủ tấn công vào quốc lộ đi Jaca thì chúng tôi được giao nhiệm vụ “cầm chân” và kéo lực lượng phát xít về phía mình.

Trong suốt gần sáu tuần lễ, trên khu vực chúng tôi chỉ có mỗi một cuộc tấn công duy nhất. Đấy là tiểu đoàn xung kích của chúng tôi tấn công Manicomio, một nhà thương điên bỏ hoang được quân phát xít biến thành pháo đài. Trong lực lượng của P.O.U.M. có mấy trăm người tị nạn người Đức. Họ được phiên chế thành một tiểu đoàn đặc biệt, gọi là tiểu đoàn xung kích. Xét từ quan điểm quân sự thì họ khác hẳn các đơn vị dân quân còn lại và có dáng dấp nhà binh hơn tất cả các đơn vị khác ở Tây Ban Nha, nếu không kể lực lượng cảnh sát vũ trang và một vài đơn vị của các binh đoàn quốc tế. Cuộc tấn công đã thất bại, như thường lệ. Có bao nhiêu cuộc tấn công của quân chính phủ không thất bại, tôi tự hỏi. Tiểu đoàn xung kích đã chiếm được Manicomio bằng một cuộc xung phong, nhưng đơn vị, tôi không nhớ thuộc lực lượng nào, yểm trợ cho họ đã không chiếm được cao điểm có thể khống chế được Manicomio. Viên đại uý chỉ huy trận đánh vốn là một sỹ quân đội cũ, khó mà tin được lòng trung thành của những người đó, nhưng chính phủ vẫn sử dụng họ. Không hiểu là do hoảng loạn hay phản bội mà anh ta đã báo động cho bọn phát xít bằng cách ném một quả lựu đạn khi còn cách vị trí của chúng những hai trăm mét. Tôi cảm thấy thích thú khi biết rằng anh ta đã bị binh lính dưới quyền bắn chết ngay tại trận. Nhưng trận tấn công đã mất tính bất ngờ, dân quân đã bị hoả lực mạnh bắn gục hàng loạt và buộc phải rút lui; tối hôm đó tiểu đoàn xung kích cũng buộc phải bỏ Manicomio. Xe cứu thương nối đuôi nhau trên con đường đầy ổ gà đi Sietamo, một số thương binh nặng đã bị chết vì những ổ gà, ổ voi trên con đường này.

Tất cả chúng tôi đều bắt đầu có rận, mặc dù đối với người thì vẫn còn rét, nhưng rận đã có thể sống được rồi. Tôi đã gặp đủ thứ sâu bọ, nhưng chưa từng thấy loài nào kinh tởm như là rận. Những loài khác, thí dụ như muỗi, cắn đau hơn nhưng chúng không sống ngay trên cơ thể. Rận trông giống như con tôm nhỏ và thường chui vào quần áo. Trừ phi đốt hết quần áo, còn thì không có cách nào thoát được bọn chúng. Những cái trứng màu trắng, trông như những hạt gạo bé xíu, bám vào các đường chỉ và chỉ mấy ngày là đã sinh ra một đàn một lũ mới. Tôi nghĩ những người phản chiến nên phóng to hình một chú rận và in thêm vào các tờ rơi của họ. Chiến tranh là như thế đấy! Trong chiến tranh, tất cả binh lính đều có rận hết, chí ít là khi trời ấm. Dù chiến đấu ở đâu, bên cạnh pháo đài Verdun, hay trên cánh đồng Waterloo, ở Flodden, hay ở Senlac, hoặc ở Thermopylae, ở đâu thì trong háng mỗi người lính cũng có vài chú rận đang bò. Chúng tôi giết chúng bằng cách hơ quần áo trên bếp và tắm mỗi khi có điều kiện. Nếu không có rận thì chẳng ai có thể bắt được tôi lội xuống sông giữa mùa băng giá như thế này.

Mọi thứ: giầy, quần áo, thuốc lá, xà phòng, diêm, dầu ăn đều sắp hết. Quần áo đồng phục rách tả tơi, nhiều người không còn giày, đành phải mang dép đế tết bằng dây thừng. Giày rách xếp thành đống khắp nơi. Có lần chúng tôi đồt hai ngày liền mới hết số giày cũ, hoá ra đấy là một loại nhiên liệu không tồi. Lúc này vợ tôi đang ở Barcelona, cô thường gửi cho tôi trà, kẹo sôcôla và cả thuốc lá nữa, đấy là nói nếu mua được. Ngay cả ở Barcelona cũng có tình trạng khan hiếm, nhất là thuốc lá. Trà là của quí, sữa thì đừng có mong, đường đôi khi mới được phát. Ở Anh người ta vẫn thường xuyên gửi quà sang, nhưng chúng tôi không bao giờ được nhận; thức ăn, quần áo, thuốc lá, nếu không bị bưu điện trả về thì cũng bị tịch thu ở Pháp. Xin kể một câu chuyện vui: Kho quân nhu của Hải quân là nơi duy nhất đã gửi được cho vợ tôi mấy gói chè và một lần còn gửi được cả một hộp bánh quy. Tội nghiệp quá! Họ đã thực hiện nhiệm vụ một cách trung thực, nhưng có lẽ họ sẽ mừng hơn nếu mấy món đó rơi vào tay binh lính của Franco bên kia chiến tuyến. Thiếu thuốc lá là khó chịu nhất. Thời kì đầu chúng tôi được phát một bao, sau đó là tám điếu, rồi năm điếu mỗi ngày. Mười ngày cuối cùng không có điếu nào. Đấy là lần đầu tiên tôi thấy, là nói Tây Ban Nha chứ ở London thì ngày nào cũng có, cảnh người ta phải kiếm đầu mẩu vứt đi để hút.

Cuối tháng ba tôi bị một cái nhọt ở tay, phải mổ, cánh tay treo ngang vai. Tôi phải đi viện, nhưng Sietamo thì xa quá cho nên người ta đưa tôi đến “binh trạm” Monflorite, mà thực chất chỉ là một trạm băng bó tạm thời. Tôi ở lại đây mười ngày, có nhiều lúc nằm bẹp trên giường. Các thực tập sinh (y tá của trạm) đã ăn cắp gần hết các thứ có giá trị, kể cả ảnh và máy ảnh của tôi. Ngoài mặt trận thì ai cũng ăn cắp cả, đấy là do thiếu thốn quá mà ra, nhưng nhân viên bệnh viện ăn cắp dã man nhất. Sau này, khi nằm trong bệnh viện ở Barcelona tôi có gặp một người Mỹ đến Tây Ban Nha trên một con tầu để tham gia vào binh đoàn quốc tế. Tầu của anh ta bị tầu ngầm Ý đánh chìm, thế mà theo lời anh ta, sau khi lên bờ, các nhân viên ý tế còn kịp tháo chiếc đồng hồ đeo tay trong khi khiêng cáng của anh ta vào xe cứu thương.

Tay vẫn còn đau, vẫn phải treo ngang người mà tôi đã đi lang thang mấy ngày liền xung quanh Monflorite. Thật là tuyệt vời! Monflorite là một làng bình thường với những ngôi nhà tường làm bằng đất hoặc xây bằng đá, những con đường hẹp ngoằn ngoèo, đầy xe tải trông như những miệng núi lửa trên mặt trăng vậy. Ngôi nhà thờ cũ nát được dùng làm kho quân dụng. Cả khu vực chỉ có hai trang trại tương đối lớn, gọi là Torre Lorenzo và Torre Fabián, và hai toà nhà khá to, chắc là nhà của mấy gia đình địa chủ. Cảnh giàu sang của họ thật là tương phản với những túp lều tồi tàn của nông dân xung quanh. Ngay cạnh dòng sông, không xa phòng tuyến, có một chiếc cối xay gió lớn, bên cạnh cũng có một ngôi nhà. Thật là xấu hổ khi thấy những cỗ máy đắt tiền bị để cho thành han gỉ còn những tấm ván lát nền thì bị bóc ra làm củi đun. Sau này, để có củi đun, các đơn vị ở hậu phương đã cho xe đến rỡ sạch cả khu vực này. Người ta thường phá nền bằng cách cho nổ một trái lựu đạn. La Granja, nhà kho và bếp ăn của chúng tôi, có lẽ một thời từng là nữ tu viện. Trên một khu đất khoảng một ngàn mét vuông có một cái sân và mấy ngôi nhà, có cả chuồng ngựa nhốt được từ ba mươi đến bốn mươi con. Nhà dân ở khu vực này không có gì đặc biệt về mặt kiến trúc; nhưng nhà trong các trang trại, được xây bằng đá và đất sét với những mái vòm hình tròn và những cái rầm cực lớn trông khá đẹp. Có lẽ những ngôi nhà này được xây theo mẫu có từ hàng trăm năm trước. Thấy cách dân quân sử dụng những căn nhà này, đôi khi trong lòng ta cũng nảy sinh tình cảm, dù bất giác, với những tên phát xít chủ nhân của chúng. Ở La Granja, phòng nào không có người ở đều trở thành nhà xí hết, đồ gỗ gãy và cứt đái trông đến rợn người. Tường ngôi nhà thờ nhỏ bên cạnh thì đầy vết đạn, còn nền thì cứt đóng dày cả gang tay. Cái sân lớn, nơi các anh nuôi thường chia cơm, cũng đầy vỏ đồ hộp, bùn, cứt ngựa, thức ăn thiu. Tự nhiên tôi nhớ một bài mà binh lính trước đây thường hát:

Chuột cống, chuột cống,
To như con mèo,
Trong kho quân nhu!

Ở La Granja, chuột đúng là to chẳng khác gì mèo, béo múp míp, suốt ngày lượn lờ trên những đống rác, dạn đến nỗi phải nổ súng thì may mới xua được chúng đi.

Mùa xuân thực sự đã về. Màu xanh da trời dường như dịu hơn, không khí như bỗng có mùi hương vậy. Ếch kêu inh ỏi. Tôi bắt được mấy con ếch màu xanh, to chỉ bằng đồng xu ở gần hồ nước vẫn dùng cho la uống. Da của nó xanh biếc và óng ánh còn hơn cả lá cây. Mấy chú nhóc, con những người nông dân còn ở lại đây mang xô đi bắt ốc sên rồi nướng ngay trên tấm sắt tây. Trời vừa ấm là nông dân đã ra đồng cày rồi. Cuộc cải cách nông nghiệp ở Tây Ban Nha khó hiểu đến nỗi tôi cũng chẳng biết là ruộng đất đã được tập thể hoá hay là nông dân tự chia ruộng với nhau. Tôi nghĩ rằng vì đây là vùng do P.O.U.M. và quân vô chính phủ kiểm soát cho nên về mặt lí thuyết ruộng đất đã được tập thể hoá. Dù sao thì cũng không còn địa chủ nữa, ruộng đất vẫn được cày cấy, còn nông dân thì tỏ ra phấn khởi. Tôi không khỏi ngạc nhiên trước tình cảm của người nông dân đối với chúng tôi. Đối với những người lớn tuổi, chiến tranh chỉ là một việc nhảm nhí, là thiếu thốn đủ thứ, cuộc sống chẳng có gì vui nữa; đấy là chưa nói, ngay cả những lúc thuận lợi nhất người nhà quê cũng không muốn có binh lính đóng trong làng. Thế nhưng họ luôn tỏ ra hữu hảo, tôi nghĩ rằng về mặt nào đó họ không ưa chúng tôi, nhưng chúng tôi là người bảo vệ họ khỏi những tên địa chủ cũ. Nội chiến bao giờ cũng đầy chuyện lạ. Huesa chỉ cách đây chừng mười cây số, người nông dân ở đây vẫn vào đấy mua bán, thân nhân của họ sống trong đó, tuần nào họ cũng vào đó bán gà và rau tươi. Thế mà đã tám tháng nay một hàng rào dây kẽm gai và súng máy đã chia vùng này thành hai nửa, không ai ra vào được thành phố nữa. Thế mà đôi khi họ cũng quên. Có lần, khi nói chuyện với một bà lão đang cầm một cái đèn sắt tây dùng để thắp bằng dầu ôliu, tôi buột miệng hỏi: “Mua cái này ở đâu?”. Bà lão đáp, không cần suy nghĩ: “Ở Huesa”, rồi cả hai cùng phá lên cười. Những cô thôn nữ xinh đẹp, tóc đen huyền, bước nhún nhảy, cư xử tự nhiên, thẳng thắn, có lẽ đấy là sản phẩm của cách mạng.

Mấy anh nông dân quần áo cũ nát; thường là áo sơ mi xanh, quần nhung đen, đội mũ rơm rộng vành, cầm cày đi sau mấy con la liên tục vẫy tai. Cày của họ đã quá cũ, chỉ đủ làm xước đất chứ không thể tạo được cái mà ta quen gọi là luống cày. Tất cả công cụ sản xuất của họ đều đã quá cũ, đấy là do giá sắt thép quá đắt mà ra. Thí dụ, khi lưỡi cày bị gãy thì người ta phải đem đắp lại, lần sau gãy lại đắp, cho đến khi chỉ còn là những miếng vá mới thôi. Cào và cò leo toàn làm bằng gỗ. Nông dân ít khi có giày, họ không biết xẻng là gì; họ đào đất bằng những cái cuốc chẳng khác gì người Ấn Độ. Ở đây có những cái bừa trông như có từ thời đồ đá vậy. Đấy là những tấm ván ghép vào nhau, to bằng cái bàn ăn, mỗi tấm được khoét hàng trăm lỗ, mỗi lỗ nhét một viên đá được mài như người ta đã từng mài cách đây cả chục ngàn năm trước. Tôi vẫn nhớ cảm giác hốt hoảng khi nhìn thấy mấy thứ này trong một ngôi nhà bỏ hoang giữa vùng đất tranh chấp. Tôi đã xem xét nó rât lâu trước khi hiểu rằng đấy là một cái bừa. Tôi cảm thấy choáng váng khi nghĩ đến khối lượng công việc mà người ta đã bỏ ra và cái nghèo đã buộc người ta phải dùng đá chứ không thể dùng sắt để làm lưỡi bừa. Tôi có thiện cảm hơn với quá trình công nghiệp hoá kể từ đấy. Thế mà trong làng lại có đến hai cái máy kéo hiện đại, chắc chắn là do người ta tịch thu được của mấy tay địa chủ giàu có ở đâu đó.

Tôi có đến khu nghĩa trang nhỏ, có hàng rào, cách làng chừng hai cây số, một đôi lần. Những người chết trận thường được đưa về Sietamo, đây là nghĩa địa của làng. Trông khác hẳn nghĩa địa ở Anh. Không có một sự kính trọng nào đối với người quá cố! Mồ mả đầy bụi cây và cỏ dại, xương người nổi lên khắp nơi. Nhưng điều làm tôi ngạc nhiên nhất là không thấy có một dấu hiệu tôn giáo nào trên bia mộ, mặc dù đây là những ngôi mộ có từ trước cách mạng. Tôi nhớ chỉ một lần nhìn thấy câu: “Hãy cầu nguyện cho hương hồn…”, tức là câu thường gặp trên các bia mộ của người Công giáo. Đa số bia mộ đều viết những câu thuộc về thế tục, phần lớn là những bài vè ca ngợi đức hạnh của người quá cố. Bốn, năm ngôi mộ mới có một ngôi có dấu chữ thập hay một kí hiệu gì đó nhắc đến Thượng Đế; nhưng tất cả đều đã bị một kẻ vô thần nào đó dùng đục bóc hết đi rồi.
Điều làm tôi kinh ngạc nhất là dân chúng ở đây hoàn toàn không có tình cảm tôn giáo, tôi muốn nói cái tình cảm chính thống, như những ngày xa xưa. Đáng chú ý là suốt thời gian ở Tây Ban Nha, tôi không thấy ai làm dấu thánh giá, những động tác như thế tưởng chừng đã thành bản năng, cách mạng hay không thì cũng vậy mà thôi. Chắc chắn là nhà thờ Tây Ban Nha sẽ quay trở lại (như câu ngạn ngữ: Ban đêm người dòng Tên sẽ quay trở về), nhưng không nghi ngờ gì rằng nhà thờ đã sụp đổ ngay khi cách mạng vừa bùng lên. Tôi nghĩ rằng nếu xảy ra những hoàn cảnh tương tự thì nhà thờ Anh, tuy đã suy tàn lắm rồi, cũng sẽ không thể suy sụp đến như thế được. Đối với người Tây Ban Nha, ít nhất là đối với vùng Catalonia và Aragon, nhà thờ chỉ còn là biểu tượng của sự lừa gạt. Ở một mức độ nào đó, niềm tin Thiên chúa giáo đã được thay thế bằng chủ nghĩa vô chính phủ, ảnh hưởng của nó cũng khá rộng và cũng mang màu sắc tôn giáo từ lâu.

Đúng hôm tôi ra viện thì chúng tôi đưa chiến hào tiến lên được chừng một ngàn mét, dọc theo một dòng suối nhỏ, cách chiến hào quân phát xít chừng vài trăm mét. Việc này đáng lẽ phải làm cách đây cả mấy tháng. Hiện nay mới làm là vì quân vô chính phủ đang tấn công vào quốc lộ đi Jaca, chúng tôi tiến lên nhằm thu hút bớt lực lượng địch về phía mình.

Chúng tôi đã thức suốt sáu mươi hay bảy mươi tiếng đồng hồ liền, kí ức trở nên mờ mịt, nói chính xác hơn là trở thành những hình ảnh rời rạc. Tôi nhớ đã cùng tham gia nghe trộm trên vùng đất tranh chấp, cách nông trại có tên là Casa Francesa khoảng một trăm mét. Trang trại này đã biến thành một cứ điểm trên phòng tuyến của bọn phát xít. Chúng tôi nằm suốt bảy tiếng đồng hồ trong đám bùn nhão nhoét, sặc mùi lau sậy thối. Tôi vẫn còn nhớ mùi lau sậy thối rữa, nhớ cái rét thấu xương, nhớ những ngôi sao bất động giữa đêm đen, nhớ tiếng ếch kêu inh ỏi. Mặc dù đã sang tháng tư, nhưng tôi cho là đấy là một đêm lạnh nhất ở Tây Ban Nha. Phía sau, cách đây chỉ một trăm mét, mọi người đang hối hả đào hào, nhưng vẫn không nghe thấy gì ngoài tiếng ếch kêu. Suốt đêm tôi chỉ nghe thấy một tiếng động duy nhất, đấy là tiếng xẻng đập lên bao tải cát. Thật thú vị, đôi khi người Tây Ban Nha cũng có ý thức tổ chức ra phết! Toàn bộ công việc đã được tổ chức rất khéo. Trong vòng bảy tiếng đồng hồ, sáu trăm con người đã đào được hai trăm mét giao thông hào với đầy đủ bờ công sự, mà lại chỉ cách phòng tuyến quân thù từ 150 mét đến 300 mét. Bọn phát xít không nghe thấy gì, suốt đêm chỉ có một người bị thương. Hôm sau, dĩ nhiên là có nhiều thương vong hơn. Mỗi người đều có nhiệm vụ rõ ràng, thậm chí anh nuôi đã kịp mang đến mấy thùng ruợu vang có pha brandy ngay khi công việc vừa kết thúc.

Trời sáng, bọn phát xít bất ngờ phát hiện được rằng chúng tôi đã ở ngay trước mũi chúng. Chúng tôi còn cách Casa Francesa khoảng hai trăm mét, nhưng mấy ngôi nhà màu trắng trông như treo ngay trên đầu, những khẩu súng máy sau mấy bao cát từ cửa sổ tầng hai như nhắm thẳng vào giao thông hào của chúng tôi. Chúng tôi đứng nhìn, miệng há hốc, tự hỏi vì sao bọn phát xít không thấy chúng tôi, thì bất thình lình đạn bắn như vãi trấu. Mọi người vội vàng qùy xuống, đào lấy đào để, vừa đào sâu thêm giao thông hào vừa đào những công sự nhỏ sang hai bên. Tay vẫn còn đeo băng, không đào được, tôi đọc sách suốt ngày hôm đó, đấy là cuốn tiểu thuyết trinh thám Người cho vay lãi mất tích. Tôi không còn nhớ nội dung, nhưng tôi nhớ rõ cảm giác lúc ngồi đọc: đất sét nền chiến hào ẩm ướt, thỉnh thoàng lại phải co chân vào để tránh đường cho người ta đi và tiếng đạn réo ngay trên đầu. Thomas Parker bị một viên đạn xuyên qua phía trên bắp đùi, anh ta bảo chuyện đó vượt ra ngoài mọi tính toán. Có thương vong trên toàn tuyến, nhưng nếu bọn phát xít phát hiện được từ ban đêm thì thương vong sẽ lớn hơn nhiều. Sau này, mấy tên đão ngũ khai rằng năm lính gác phát xít đã bị bắn vì tội lơ là nhiệm vụ. Nhưng ngay cả lúc này, nếu biết kéo đến đây mấy khẩu súng cối thì chúng vẫn có thể làm thịt hết chúng tôi. Khiêng thương binh trong chiến hào vừa chật vừa đông người là việc khá khó khăn. Tôi đã nhìn thấy một thương binh, quần đẫm máu, đau quá, lăn lộn đến nỗi rơi khỏi cáng. Thương binh phải cáng khá xa, khoảng một cây số rưỡi hay hơn vì ngay cả nếu có đường, xe cứu thương cũng không bao giờ dám đến quá gần chiến tuyến. Bọn phát xít sẽ bắn ngay nếu thấy xe cứu thương đến gần, chúng làm thế cũng có lí vì trong cuộc chiến tranh hiện đại chẳng có ai áy náy khi đem xe cứu thương đi tải đạn.

Đêm hôm sau chúng tôi ngồi chờ lệnh tấn công ở Torre Fabián. Nhưng rồi quyết định bãi bỏ cuộc tấn công được truyền qua máy bộ đàm vào phút chót. Cái kho, nơi chúng tôi ngồi đợi lệnh được trải một lớp rơm mỏng, bên dưới đầy các thứ xương, cả xương người lẫn xương bò. Chuột cống chạy loạn xạ, chúng lao vào trong nhà từ khắp các hướng. Tôi ghét nhất là trong bóng tối mà bị mấy con chuột chạy lên người. Tôi rất khoái khi đá trúng một con thật mạnh làm nó bay tít ra xa.

Chúng tôi ngồi đợi, cách bờ công sự của bọn phát xít khoảng năm mươi đến sáu mươi mét. Một dãy dài các chiến sỹ lom khom dưới chiến hào xâm xấp nước, trong màn đêm chỉ nhìn thấy mũi lưỡi lê và con ngươi lấp lánh mà thôi. Sau lưng chúng tôi là Kopp và Benjamin và một liên lạc viên đeo máy bộ đàm trên lưng. Phía Tây, thỉnh thoảng lại thấy những ánh chớp màu hồng và sau đó mấy giây là tiếng nổ đinh tai nhức óc của đạn đại bác. Có tiếng loẹt xoẹt của máy bộ đàm và tiếng thì thầm ra lệnh rút lui trong khi còn kịp. Chúng tôi rút, nhưng không được nhanh lắm. Mười hai chú nhóc tội nghiệp của J.C.I. (Liên đoàn Thanh niên của P.O.U.M., trong lực lượng dân quân của P.S.U.C. được gọi là J.C.I.) nằm chỉ cách chiến hào phát xít chừng bốn chục mét, không biết là trời sắp sáng, không kịp rút lui. Họ phải nằm ở đấy suốt một ngày, chỉ có mấy nắm cỏ làm lá nguỵ trang, trong khi chỉ cần động đậy một chút là bọn phát xít đã bắn như vãi đạn rồi. Đến chiều có bảy người hi sinh, năm người bò được về khi đêm xuống.

Nhiều ngày sau chúng tôi còn nghe thấy âm thanh của những cuộc tấn công của quân vô chính phủ ở mặt trận phía bên kia Huesa. Lúc nào cũng là những âm thanh đó: bất thình lình, trước khi trời rạng sáng, là một loạt tiếng nổ của hàng chục quả đại bác – dù ở rất xa nhưng tiếng nổ nghe như muốn xé màng nhĩ - rồi đến tiếng nổ không ngừng nghỉ của súng trường và súng máy, những âm thanh rền vang, nặng nề nghe như tiếng trống ngũ liên. Dần dần cả mặt trận xung quanh Huesa đều vang lên tiếng súng, chúng tôi đứng, lưng dựa vào thành công sự, gật gà ngủ, mặc kệ tiếng đạn nổ phía trên đầu.

Ban ngày, đạn đại bác thường nổ dền từng chập. Torre Fabián, bây giờ là nhà ăn của chúng tôi, đầy vết đạn và đã bị sập vài chỗ. Thật lạ là nếu đứng ở xa mà nhìn thì bao giờ ta cũng muốn đạn rơi trúng mục tiêu, ngay cả ở đấy có những người đồng đội và bữa ăn trưa của ta. Sáng nay bọn phát xít bắn khá chính xác, cũng có thể đấy là mấy xạ thủ người Đức. Chúng bắn hai phát, một phát xa hơn, một phát gần hơn để chính cự li và phát thứ ba thì bắn trúng mục tiêu. Xà gồ, tấm lợp bị bắn tung lên không trung như những quân bài. Phát thứ tư cắt gọn hẳn một góc nhà, trông chẳng khác gì có một người khổng lồ cầm dao xén vậy. Thế mà các anh nuôi vẫn cho ăn đúng giờ, thật là một kì công.

Chỉ sau mấy ngày, dù không nhìn thấy, nhưng chỉ nghe tiếng nổ là chúng tôi đã có thể phân biệt được từng khẩu súng. Có hai khẩu đội 75-mm do Nga sản xuất, bắn từ khoảng cách khá gần, không hiểu sao mỗi lần nghe thấy tiếng nổ là trong đầu tôi lại xuất hiện hình ảnh một anh chàng béo đang chơi golf. Đây là lần đầu tiên tôi thấy, đúng hơn là nghe thấy, đại bác của Nga. Đạn bay thấp với tốc độ rất cao, tiếng đầu nòng, tiếng rít và tiếng nổ của quả đạn xảy ra gần như cùng một lúc. Phía bên kia Monflorite có hai khẩu pháo hạng nặng, mỗi ngày chỉ bắn mấy phát, tiếng nổ trầm và nghẹn như tiếng rống của một con quái vật bị xích. Trên ngọn núi Aragon có một pháo đài xây từ hồi Trung cổ, quân đội chính phủ đã chiếm được bằng một cuộc tấn công vào năm ngoái (người ta nói rằng đấy là lần đầu tiên nó bị thất thủ), pháo đài này bảo vệ một trong những con đường đi Huesa, có một khẩu pháo hạng nặng chắc chắn là được sản xuất từ thế kỉ XIX. Những viên đạn nặng nề của nó bay chậm đến nỗi có cảm tưởng như chẳng nhanh hơn người ta chạy là mấy. Tiếng rít của nó nghe như có người vừa đi xe đạp vừa huýt gió. Súng cối tầm ngắn, tuy nhỏ, nhưng nổ khủng khiếp nhất. Đạn súng cối trông như những quả thuỷ lôi có cánh, to bằng cái chai một lít, đầu nhọn như phi tiêu. Tiếng gầm rít chát chúa của nó nghe như một quả cầu gang giòn rơi lên đe và vỡ tan thành hàng trăm mảnh. Đôi khi máy bay của chúng tôi cũng thả xuống vài quả bom, cách vài cây số tiếng nổ còn làm cho mặt đất rung lên bần bật. Đạn phòng không của bọn phát xít bắn lên nhiều đến nỗi khói cuộn lại thành những đám mây nhỏ trên nền trời, nhưng tôi chưa bao giờ nhìn thấy chúng cách máy bay dưới một cây số. Khi máy bay bổ nhào để bắn thì tiếng súng máy bên dưới nghe dồn dập chẳng khác gì tiếng vỗ cánh của một đàn chim cực lớn.

Khu vực của chúng tôi vẫn gần như chẳng có động tĩnh gì. Cách chúng tôi chừng hai trăm mét về bên phải có một cao điểm của bọn phát xít, lính bắn tỉa của chúng đã làm mấy người của chúng tôi bị thương. Cách chúng tôi cũng chừng hai trăm mét về bên trái có một cái cầu, ở đây đã diễn ra trận đấu súng giữa súng cối của bọn phát xít và toán chiến sỹ đang dùng xi măng để xây chiến luỹ ngay trên cầu. Những viên đạn nhỏ rú rít trên không, bùm! bùm! tiếng nổ trên đường nhựa nghe càng khủng khiếp gấp bội. Cách khoảng một trăm mét, tức là trong vùng an toàn, có thể thấy khói và đất đá tung lên như những chiếc nấm khổng lồ. Mấy anh chàng khốn khổ trên cầu gần như phải ngồi cả ngày trong hầm trú ẩn đào vội cạnh bờ chiến hào. Nhưng số thương vong không lớn như người ta có thể nghĩ, chiến luỹ vẫn được xây cao thêm từng ngày. Cuối cùng, họ đã xây được một bức tường dày khoảng nửa mét, có lỗ châu mai cho hai khẩu súng cối và một khẩu súng máy. Cốt thép là những thanh sắt lấy từ mấy chiếc giường cũ.

No comments:

Post a Comment