April 19, 2013

George Orwell – Tưởng niệm Catalonia (tiếp theo)


7

Buổi chiều Benjamin bảo anh ta cần mười lăm người tình nguyện. Cuộc tấn công vào vị trí của bọn phát xít, đã bị huỷ bỏ lần trước, sẽ được khởi động lại vào đêm nay. Tôi lau dầu lại mười viên đạn do Mexico sản xuất, bôi đen nòng súng đi (khi có ánh sáng nó có thể phản quang làm lộ vị trí) rồi cho vào ba lô một cái bánh mì, một khoanh xúc xích đỏ, một điếu xì gà, do bà xã gửi từ Bacelona tới từ khá lâu rồi. Mỗi người được phát ba quả lựu đạn. Cuối cùng, chính phủ Tây Ban Nha cũng tổ chức sản xuất được những quả lựu đạn tử tế. Vẫn hoạt động theo nguyên tắc Mills, nhưng có hai chốt an toàn chứ không phải một như trước đây. Lựu đạn sẽ nổ sau khi rút cả hai chốt an toàn được bảy giây. Khiếm khuyết lớn nhất của nó là một chốt thì quá chặt, còn chốt kia lại quá lỏng. Nếu để nguyên thì khi hữu sự có thể không rút kịp cái chốt quá chặt, còn rút một cái trước thì lúc nào cũng lo nó sẽ nổ ngay trong túi. Nhưng dù sao đây cũng là loại lựu đạn nhỏ, dễ ném.


Gần nửa đêm, Benjamin dẫn mười lăm người chúng tôi đi xuống Torre Fabián. Mưa nặng hạt ngay từ chiều. Nước tràn bờ mấy con kênh, trượt chân xuống kênh là ướt đến ngang thắt lưng ngay. Mưa và tối như hũ nút, thế mà một đám đông vẫn đang ngồi đợi ngay trong sân trang trại. Kopp đăng đàn, giải thích kế hoạch tấn công, lúc đầu nói bằng tiếng Tây Ban Nha, sau đó bằng tiếng Anh. Chiến hào của bọn phát xít ở khu vực này có hình chữ L, chúng tôi phải tấn công công sự nằm trên một khu đất cao ngay góc chữ L. Khoảng ba mươi người, một nửa là người Tây Ban Nha, một nửa là người Anh, do Jorge Roca, lữ đoàn trưởng của chúng tôi (lữ đoàn dân quân có khoảng bốn trăm người) và Benjamin chì huy, có nhiệm vụ bò lên cắt hàng rào kẽm gai. Sau đó Jorge sẽ ném quả lựu đạn đầu tiên làm hiệu lệnh, rồi tất cả mọi người đồng loạt ném, đẩy bọn phát xít khỏi công sự và tiến lên trước khi bọn chúng kịp trấn tĩnh lại. Đồng thời bảy mươi chiến sỹ thuộc lực lượng xung kích sẽ tấn công “chốt” bên cạnh, cách chúng tôi chừng hai trăm mét về bên phải. Hai “chốt” được nối với nhau bằng một giao thông hào. Để không bắn vào nhau, mỗi người đều sẽ được phát một dải băng màu trắng để đeo vào cánh tay. Nhưng đúng lúc đó thì liên lạc viên tới thông báo rằng không chuẩn bị được dải băng. Trong bóng tối vang lên tiếng làu bàu của ai đó: “Bảo bọn phát xít đeo băng trắng vào có được không?”

Phải đợi thêm một đến hai tiếng nữa. Kho chứa cỏ đã bị pháo kích tan hoang đến nỗi không thể đi được nếu không có đèn. Một nửa sàn tầng trên đã bị phá hỏng và rơi từ trên cao khoảng sáu mét xuống nền đá bên dưới. Người ta tìm được một cái xà beng và nậy ra mấy thanh gỗ, chỉ mấy phút sau chúng tôi đã mang quần áo ướt ra hong trên ngọn lửa. Một người lấy ra bộ bài. Người ta bắt đầu kháo nhau – đây là một trong những tin đồn bí hiểm đặc thù của cuộc chiến tranh này - rằng mỗi người sẽ được phát một li cà phê có pha brandy ngay bây giờ. Mọi người cùng lao theo cái cầu thang sắp sập và đi tìm xung quanh xem cà phê để ở đâu. Lạy chúa tôi! Làm gì có cà phê. Người ta gọi chúng tôi lại, hạ lệnh cho chúng tôi xếp hàng rồi tất cả vội vã theo Jorge và Benjamin bước vào màn đêm.

Vẫn còn mưa và rất tối, nhưng gió đã lặng. Bẩn không thể tả xiết. Đường đi xuyên qua những cánh đồng trồng củ cải đã biến thành đám bùn nhão nhoẹt, trơn như đổ mỡ, thỉnh thoảng lại còn gặp những ổ gà, ổ voi đầy nước nữa. Trước khi đến xuất phát điểm, ai cũng bị ngã vài lần, súng thì bẩn hết. Có mấy người trong đơn vị dự bị và một bác sỹ với những cái cáng thương đợi sẵn ở đây. Từng người một chui qua khoảng trống trên bờ công sự và lội ngang qua một kênh đào nữa. Nước ngập đến thắt lưng, bùn chui vào trong ủng. Jorge ngồi đợi chúng tôi trên bãi cỏ. Sau đó anh bắt đầu gập người xuống và rón rén bước. Công sự của bọn phát xít còn cách khoảng một trăm năm mươi mét. Phải giữ thật yên lặng thì mới mong bò được đến đó.

Tôi đi bên cạnh Jorge và Benjamin. Người vẫn cúi gập như cũ, nhưng mặt phải ngẩng lên, chúng tôi rón rén bước trong màn đêm, càng đến gần càng đi chậm hơn. Mưa lả tả rơi vào mặt. Quay đầu nhìn lại, tôi chỉ thấy mấy người đi ngay đằng sau, ai cũng cong cong như những chiếc nấm lớn màu đen đang di chuyển. Nhưng mỗi khi tôi ngẩng đầu lên thì Benjamin, tức là người đi ngay bên cạnh, lại thì thầm sát vào tai: “Cúi đầu xuống! Cúi đấu xuống!” Tôi có thể nói với anh ta rằng không cần phải lo. Tôi biết là trong đêm tối thì cách hai chục bước là đã không trông thấy nhau rồi. Quan trọng nhất là giữ yên lặng. Chỉ cần chúng nghe thấy là xong. Chúng chỉ việc bấm cò súng máy là chúng tôi chỉ còn có nước tháo lui hay là bị giết sạch.

Nhưng đi trong bùn lầy thì thật khó mà giữ được yên lặng. Kiều gì thì chân cũng dính đầy bùn và mỗi lần bước là một lần phát ra tiếng kêu ì oạp. Tai hại hơn nữa là không có gió, tuy có mưa nhưng đêm xem ra có vẻ cực kì yên tĩnh. Tiếng động sẽ truyền đi rất xa. Sợ nhất là lúc tôi chạm phải cái vỏ đồ hộp, tưởng như bọn phát xít cách vài cây số cũng nghe thấy. Nhưng không, không có tiếng súng, không thấy có động tĩnh nào bên phía phát xít. Chúng tôi tiếp tục trườn lên, càng lúc càng chậm hơn. Ước muốn đến ngay được chỗ đó cứ cuồn cuộn dâng lên trong lòng, không thể nào mô tả được. Ước gì có thể lao ngay đến gần để ném một quả lựu đạn trước khi chúng nhận ra! Không còn sợ gì hết, trong đầu chỉ còn một ước muốn tuyệt vọng, đấy là làm sao tiến ngay được đến chỗ quân thù. Tôi từng có cảm giác như thế, đấy là lúc đi săn trong rừng. Cũng cái ước muốn tiến được đến gần con mồi đến xé lòng như thế, cùng với niềm tin chắc chắn rằng đấy là việc bất khả thi như thế nào. Mà khoảng cách thì như cứ dài thêm ra! Tôi biết khu vực này, chỉ khoảng một trăm rưởi mét, thế mà tưởng như dài cả vài cây số. Bò một cách chậm chạp như thế, có cảm tưởng như mình là một con kiến trước phong cảnh đổi thay của vùng đất: chỗ này có một đám cỏ mượt, chỗ này là đám bùn lầy chó chết, chỗ này là đám sậy cao phải vượt qua càng nhanh càng tốt, chỗ này là một đống đá, tưởng như không thể nào bò qua mà không gây ra tiếng động.

Chúng tôi bò lâu đến nỗi tôi bắt đầu nghĩ rằng chúng tôi đã lạc đường. Thế rồi trong màn đêm bỗng hiện lên mờ mờ những vệt đen. Đấy là hàng rào dây thép gai bên ngoài (bọn phát xít thường rào hai hàng). Jorge quì lên đầu gối, rồi cho tay vào túi. Chiếc kéo cắt dây thép gai duy nhất được giao cho anh ta giữ. Tách, tách. Những đoạn dây đứt được kéo sang bên cạnh. Phải đợi những người đi đằng sau đến cho đủ. Họ bò ồn ào phát sợ lên được. Còn cách công sự của bọn phát xít chừng năm mươi mét nữa thôi. Cúi xuống, bước tiếp. Nhấc chân thật rón rén, rồi hạ xuống thật nhẹ nhàng, y như mèo đến gần hang chuột vậy, dừng lại nghe ngóng rồi sau mới bước tiếp. Tôi vừa ngẩng đầu lên thì bị Benjamin nắm cổ ấn thật mạnh xuống đất. Tôi biết là hàng rào bên trong chỉ cách công sự có hai mươi mét. Tôi có cảm tưởng là ba mươi con người này không thể nào đi được đến đó mà không bị phát hiện. Ngay tiếng thở cũng đủ làm lộ rồi. Thế mà chúng tôi vẫn tới được. Công sự của bọn phát xít đã hiện rõ, đấy là một ụ đất đen, nhô cao phía trên chúng tôi.  Jorge lại quì xuống đầu gối và ra tay. Tách, tách. Không thể nào cắt khẽ hơn được.

Thế là xong hàng rào kẽm gai bên trong. Chúng tôi bò qua bằng cả bốn vó, còn nhanh hơn trước. Nếu có thì giờ triển khai thì mọi sự đã hoàn toàn tốt đẹp rồi. Jorge và Benjamin bò sang bên phải. Những người khác sẽ phải lần lượt bò qua cửa mở trên hàng rào. Đúng lúc đó thì có một tia chớp và tiếng nổ vang lên trong công sự của bọn phát xít. Lính gác đã phát hiện được chúng tôi. Jorge quì một gối xuống và vung tay ném một quả lựu đạn. Đoàng! Lựu đạn nổ bên trên công sự. Ngay lập tức, nhanh hơn người ta tưởng rất nhiều, phải đến mười hay hai mươi khẩu súng cùng nổ một lúc. Như vậy là bọn chúng đã chờ sẵn rồi. Trong khoảng sáng nhợt nhạt có thể nhìn rõ từng bao cát. Những người ở xa phía sau vội vã ném ngay lựu đạn, nhiều quả không bay tới công sự. Có vẻ như lỗ châu mai nào cũng có tia lửa phun ra vậy. Nằm dưới làn đạn trong bóng đêm là việc cực kì khó chịu. Cứ thấy tia lửa loé lên là lại tưởng như nó đang nhắm thẳng vào mình. Nhưng lựu đạn mới thật đáng sợ. Phải chứng kiến một quả lựa đạn nổ ngay bên cạnh, mà phải vào ban đêm thì mới thấy hết được sự khủng khiếp của nó. Ban ngày, đấy chỉ là một tiếng nổ; ban đêm, ngoài tiếng nổ còn có một quầng lửa chói loà màu đỏ nữa. Tôi bổ nhào xuống đất ngay sau loạt đạn đầu tiên. Tôi nằm nghiêng trên đám bùn nhão nhoẹt và tìm mọi cách để tháo ngồi nổ quả lựu đạn. Cái que chết tiệt này mãi không chịu ra. Cuối cùng tôi phát hiện ra là mình quay ngược. Tôi rút chốt an toàn, rồi quì trên hai đầu gối và vung tay ném. Quả lựa đạn không bay tới đích, mà lại rơi về phía bên phải, sợ quá cho nên tôi đã ném trệch mục tiêu. Đúng lúc đó có một quả nổ ngay trước mặt tôi, gần đến nỗi tôi cảm thấy cả hơi nóng của nó. Tôi vội nằm sấp xuống đất, mặt đập xuống bùn mạnh đến nỗi cổ bị đau, tôi cứ tưởng là đã bị thương. Dù rất ồn ào, nhưng tôi vẫn nghe thấy tiếng một người Anh thì thầm ngay phía sau: “Tôi bị thương rồi”. Quả lựu đạn này đã làm mấy người xung quanh tôi bị thương, may mà tôi không việc gì. Tôi ngồi dậy và vung tay ném quả thứ hai, không nhớ quả này rơi vào đâu.

Phát xít bắn từ đằng trước, quân ta bắn từ đằng sau, rõ ràng là tôi đang nằm giữa hai làn đạn. Tiếng súng nổ sát bên tai, tôi biết rằng người bắn đang nằm ngay đằng sau mình. Tôi đứng dậy và hét lớn: “Đừng bắn vào tôi, đồ ngu!”. Đúng lúc đó tôi nhìn thấy Benjamin, anh ta nằm cách tôi chừng mười đến mười lăm mét và đang giơ tay vẫy. Tôi chạy lại phía anh. Nghĩa là phải chạy qua một loạt lỗ châu mai đang bắn như vãi đạn, thế mà tôi vẫn chạy, tay trái đưa lên che mặt; thật là một hành động ngu xuẩn, tay thì làm sao che được đạn, nhưng tôi rất sợ bị thương vào mặt. Benjamin quì, khuôn mặt anh trông mãn nguyện một cách đầy ác ý, và đang nhắm khẩu súng lục vào những chỗ vừa phát ánh chớp để bắn. Jorge đã bị thương ngay từ loạt đạn đầu và đang nằm ở đâu đó, tôi không trông thấy. Tôi quì xuống bên cạnh Benjamin, rồi rút chốt quả lựu đạn thứ ba và ném. Tuyệt vời! Lần này thì trúng là cái chắc. Quả lựa đạn nổ bên trong công sự, ngay bên cạnh chỗ chúng đặt khẩu súng máy.

Tiếng súng của bọn phát xít bất ngờ yếu hẳn đi. Benjamin đứng thẳng dậy và hô lớn: “Xông lên! Tấn công!”. Chúng tôi lao lên theo bờ dốc đứng, công sự của bọn phát xít nắm trên đỉnh đồi. Tôi nói “lao lên”, nhưng “bò lên” mới đúng. Người ướt như chuột lột, bùn lấm từ chân lên đầu, lại mang cả súng lẫn lưỡi lê và một trăm năm mươi viên đạn thì chẳng thể nào đi nhanh được. Tôi tin là có một tên phát xít đang đợi mình trên đỉnh dốc. Với khoảng cách như thế này, hắn mà bắn thì chắc chắn phải trúng, nhưng không hiểu sao tôi lại nghĩ là hắn sẽ không bắn mà sẽ đâm bằng lưỡi lê. Tôi tưởng tượng ra cảnh chúng tôi đang đấu với nhau và tự hỏi không biết tay ai khoẻ hơn. Nhưng hoá ra chẳng có tên phát xít nào ở đây cả. Cảm giác có phần nhẹ nhõm khi tôi phát hiện ra rằng bờ công sự không cao, mấy bao cát còn giúp cho người ta trèo lên nhanh hơn. Thường thì đấy phải là những chỗ khó trèo. Mọi thứ bên trong đều tan nát hết, xà gồ, mái che vung vãi khắp nơi. Lựu đạn của chúng tôi đã phá sập hết mái che và công sự. Nhưng xung quanh không một bóng người. Tôi nghĩ chắc chúng nấp ở đâu đó, nên hô lớn bằng tiếng Anh (lúc đó tôi chẳng nghĩ ra một từ Tây Ban Nha nào): “Ra đi! Đầu hàng đi!” Không ai trả lời. Rồi có một người, trong ánh sáng lờ mờ trông chỉ như một cái bóng, nhảy qua mái mấy túp lều đã sập và phóng về phía bên trái. Tôi lao ra, vừa chạy vừa đâm lưỡi lê theo nhưng không trúng. Khi vượt qua góc một cái lều tôi lại thấy một người - không biết có phải là người tôi đã nhìn thấy không – đang chạy trong giao thông hào dẫn sang cái chốt khác của bọn phát xít. Tôi nhìn rõ anh ta, chắc chắn là tôi đuổi gần kịp rồi. Anh ta không đội mũ, mà có vẻ như cũng chẳng có quần áo gì hết, chỉ thấy khoác một cái chăn. Nếu tôi bắn thì chắc chắn anh ta sẽ tan ra từng mảnh. Để không bắn phải nhau chúng tôi được lệnh là khi đã vào được công sự rồi thì chỉ dùng lưỡi lê thôi. Nhưng quả thật lúc đó tôi cũng không hề nghĩ đến bắn. Trong đầu tôi lúc đó bỗng hiện lên câu chuyện của hai mươi năm về trước: đấy là ông thày dạy đấm bốc diễn lại cảnh ông đã dùng lưỡi lê đâm chết môt anh lính người Thổ ở Dardanelles. Tôi nắm chặt báng súng và đâm mạnh vào lưng người kia. Không tới. Một cú nữa, cũng không tới. Chúng tôi tiếp tục như thế, anh ta chạy dưới giao thông hào, còn tôi thì ở trên, thỉnh thoảng lại đâm vào bả vai anh ta, nhưng không tới. Nghĩ lại thật là tức cười, nhưng lúc đó anh ta chẳng thể buồn cười được đâu.

Chắc chắn là anh ta nắm vững địa hình hơn tôi và chẳng mấy chốc đã chạy thoát. Khi tôi quay lại thì vị trí đã đầy người đang hò hét rồi. Bọn phát xít bắn như vãi đạn từ cả ba hướng, nhưng hai bên cách nhau rất xa.

Hiện chúng tôi đã đẩy lui được chúng. Tôi nhớ đã nói một cách đầy bí hiểm: “Chúng ta chỉ giữ được vị trí này nửa tiếng là cùng”. Tôi cũng không hiểu vì sao mình lại nói nửa tiếng. Chỉ cần nhìn sang bên phải là có thể sẽ thấy hàng loạt chớp đạn súng trường màu xanh xuyên qua màn đêm. Nhưng vẫn còn xa, khoảng từ một trăm đến hai trăm mét. Công việc của chúng tôi bây giờ là lục lọi thật kĩ vị trí và lấy đi tất cả những gì đáng giá. Benjamin và một vài người nữa đang cào bới đống xà bần của một cái chòi hay tăng sê ở giữa vị trí. Benjamin chui ra khỏi cái mái sập, mặt mũi vô cùng hớn hở, vừa đi vừa kéo theo hòm đạn buộc trên một sợi dây thừng.

“Các đồng chí! Đạn! Nhiều đạn lắm!”

“Không cần đạn!”, có người trả lời, “Cần súng cơ!”

Đúng như thế. Một nửa súng của chúng tôi đã bị kẹt vì bùn, không dùng được nữa. Có thể chữa, nhưng tháo ra trong lúc tối thế này thì thật nguy hiểm, chẳng thể nào nhớ được là đã đặt ở đâu. Tôi có một chiếc đèn pin nhỏ, bà xã nhà tôi đã tìm cách mua được ở Barcelona, nếu không chúng tôi sẽ chẳng có một ngọn đèn nào. Mấy người có súng còn tốt bắt đầu đáp trả một cách rời rạc. Nhưng không ai dám bắn liên tục vì ngay cả những khẩu súng tốt nhất cũng có thể hóc, nếu nóng quá. Có khoảng mười sáu người trong công sự, kể cả một hay hai người bị thương. Còn mấy người bị thương nữa, cả người Tây Ban Nha lẫn người Anh, nằm bên ngoài công sự. Patrick O'Hara, một người Ái-Nhĩ-Lan xuất thân từ Belfast đã học qua lớp sơ cứu, tay cầm mấy cuộn băng chạy qua chạy lại để băng bó cho những người bị thương và lần nào quay về công sự cũng bị quân ta nhắm bắn mặc dù anh ta đã hét thật to: “P.O.U.M!”

Chúng tôi bắt đầu xem xét vị trí. Có mấy người chết nằm rải rác, nhưng tôi không dừng lại để xem. Cái tôi tìm là súng máy cơ. Khi còn nằm bên ngoài, lúc nào tôi cũng tự hỏi tại sao súng máy lại không bắn. Tôi lấy đèn pin soi ụ súng máy. Thật là chán! Không có súng. Có giá súng, có cả vài hộp đạn nữa và phụ thùng thay thế, nhưng súng thì không. Chắc là chúng đã tháo và mang đi ngay khi có báo động. Chắc chắn là chúng làm theo lệnh, nhưng đây là hành động vừa ngu vừa hèn. Nếu có súng thì chúng đã thịt hết chúng tôi rồi. Chúng tôi phát điên lên. Chúng tôi đã hạ quyết tâm bắt cho bằng được khẩu súng máy.

Chúng tôi lục khắp nhưng chẳng tìm được cái gì có giá trị cả. Lựu đạn nằm rải rác khắp nơi, cơ chế hoạt động khá đơn giản, chỉ cần rút sợi dây là phải ném liền. Tôi đút vào túi vài quả làm kỉ niệm. Không thể không phát hoảng trước cảnh nghèo nàn của hầm trú ẩn của quân phát xít. Không có những đống quần áo, sách vở, thức ăn và các vật dụng cá nhân như trong hầm của chúng tôi, có vẻ như những tên lính khốn khổ này chẳng có gì ngoài chăn và vài mẩu bánh mì sũng nước. Cuối giao thông hào có một cái hầm nhô cao khỏi mắt đất và có cả cửa sổ nữa. Chúng tôi rọi đèn pin qua cửa sổ, mọi người cùng kinh ngạc reo lên. Đấy là một vật hình trụ, trong bao da, cao khoảng mét hai, đường kính chừng mười lăm phân nằm dựa vào tường. Chắc chắn là nòng súng máy rồi. Chúng tôi chui qua cửa và lôi nó ra khỏi vỏ, hoá ra không phải nòng súng máy, nhưng trong hoàn cảnh được trang bị nghèo nàn như chúng tôi, nó còn giá trị hơn nhiều. Đấy là một cái kính viễn vọng, độ khuyếch đại ít nhất cũng phải sáu bảy mươi lần, lại có cả chân gấp nữa. Phía mặt trận chúng tôi không có loại kính viễn vọng như thế này, mà nhu cầu thì khỏi phải nói. Chúng tôi vui mừng kéo nó ra và dựa nó vào bờ hào, đợi khi rút sẽ mang theo.

Đúng lúc đó thì có người hét lên là bọn phát xít đang đến gần. Qủa thật là tiếng súng đã nghe to hơn rất nhiều. Nhưng rõ ràng là bọn phát xít sẽ không phản công từ bên phải vì chúng sẽ phải đi qua vùng đất tranh chấp và tấn công ngay vào bờ công sự của chính mình. Chỉ cần có một chút suy nghĩ thì chúng sẽ tấn công từ phía sau. Tôi đi vòng ra phía sau công sự. Vị trí này giống như một cái móng ngựa, công sự nằm ở giữa, thành ra chúng tôi còn có một bức tường che cả phía bên trái nữa. Súng bắn mạnh từ phía đó, nhưng không gây ra thiệt hại nào. Mối nguy nằm ngay phía trước, ở đây hoàn toàn không có gì bảo vệ cả. Đạn bắn như vãi trấu ngay trên đầu. Chắc chắn là chúng được bắn từ vị trí bên cạnh, rõ ràng là lực lượng xung kích đã không chiếm được vị trí này. Tiếng nổ đinh tai nhức óc. Tiếng súng trường bắn cấp tập, như tiếng trống đập liên hồi kì trận, tôi vẫn thường nghe thấy như thế ở khoảng cách gần, nhưng đây là lần đầu tiên tôi lọt vào giữa trận địa. Bây giờ thì tiếng súng đã vang lên trên khắp các hướng. Douglas Thompson, với một cánh tay bị thương treo lủng lẳng bên sườn, đứng tựa lưng vào thành công sự và tiếp tục bắn bằng một tay vào những khu vực vừa loé sáng. Một người, súng của tay này bị hóc, nạp đạn cho anh ta.

Ở đây chúng tôi chỉ có bốn hay năm người. Chúng tôi biết phải làm gì: kéo những bao cát từ bức tường phía trước để tạo ra chướng ngại vật trên đoạn không có gì che chắn. Và phải làm thật nhanh. Đạn vẫn bắn xối xả, nhưng có thể giảm bất cứ lúc nào. Chỉ nhìn vào những điểm loé sáng xung quanh cũng có thể thấy là chúng tôi đang phải chống chọi với khoảng từ một trăm đến hai trăm tên phát xít. Chúng tôi bắt đầu lôi các bao cát ra rồi kéo chúng đi khoảng hai mươi mét và xếp thành một đống. Vất vả lắm. Đấy là những bao cát lớn, nặng khoảng một tạ, phải lấy hết sức mới lôi được chúng ra; bao đã cũ nát, rách tứ tung, đất ướt trút thẳng lên đầu, chui cả vào cổ và ống tay áo. Tôi vẫn nhớ cảm giác hoảng hốt lúc đó, cái gì cũng đáng sợ cả: cảnh hỗn loạn, bóng đêm, tiếng nổ, bùn lầy rồi còn phải chiến đấu với những bao cát rách nữa. Mà lúc nào cũng đeo khẩu súng kè kè bên hông, tôi không dám đặt xuống vì sợ mất. Tôi thậm chí còn hét lên với người cùng kéo bao cát: “Chiến tranh đấy! Khốn nạn quá!” Bất thình lình có bóng người cao lớn hiện lên bên trên bờ công sự trước mặt. Chúng tôi nhận ra những bộ quân phục của lính xung kích khi họ tới gần hơn, mọi người reo lên vì cho rằng lực lượng tăng viện đã tới. Nhưng hoá ra chỉ có năm người, bốn Đức và một Tây Ban Nha.

Mãi sau này chúng tôi mới biết tình hình của đơn vị xung kích. Họ không nắm được địa hình và đã đi lạc. Quân xung kích vướng vào hàng rào kẽm gai của bọn phát xít, nhiều người hi sinh ngay tại trận. Bốn người này bị lạc đường, thật là may cho họ. Mấy người Đức không biết tiếng Anh, cũng chẳng biết tiếng Pháp hay tiếng Tây Ban Nha gì cả. Phải “nói” mỏi tay chúng tôi mới giải thích được cho họ hiểu việc mình đang làm và nhờ họ giúp xây chiến luỹ.

Bọn phát xít đã kéo súng máy tới. Có thể nhìn thấy nó đang khạc lửa từ khoảng cách một trăm đến hai trăm mét; tiếng đạn réo sắc lạnh ở ngay trên đầu. Chẳng bao lâu sau chúng tôi đã kéo được số cát đủ để làm một công sự nổi, mấy người chúng tôi có thể vừa nằm vừa bắn được rồi. Tôi quì xuống. Quả đạn cối vừa bay qua và nổ trên vùng đất tranh chấp. Thêm một mối nguy nữa, nhưng chỉnh được cự li cũng phải mất mấy phút. Bây giờ, khi chúng tôi đã đánh vật xong với mấy bao tải cát khốn kiếp, mọi thứ dường như đều là trò đùa, cả tiếng nổ, cả bóng đêm, cả những tia chớp đang tiến lại gần và mấy chiến sĩ của chúng tôi đang bắn trả nữa. Còn có cả thì giờ để suy nghĩ. Tôi nhớ đã tự hỏi có sợ không và quyết định là không. Ngoài kia, nơi có thể không nguy hiểm như ở đây, tôi đã từng run lên vì sợ. Đột nhiên lại có tiếng người kêu lên rằng bọn phát xít đang đến gần. Lần này thì không còn ngờ vực gì nữa, đạn đã loé lên ở khoảng cách rất gần rồi. Tôi nhìn thấy có những ánh chớp chỉ cách chừng hai mươi mét. Chắc chắn là chúng đang đi theo giao thông hào. Hai mươi mét là khoảng cách ném lựu đạn, dễ trúng lắm; tám chín người chúng tôi tụ tập vào một chỗ thế này thì chỉ cần một quả là tan xác hết. Bob Smillie, máu từ vết thương chảy đầy mặt anh, quì xuống và ném một quả lựu đạn. Tất cả chúng tôi đều thu mình lại để đợi tiếng nổ. Quả lựu đạn vẽ thành một đường màu đỏ, nhưng không nổ (Ít nhất một phần tư lựu đạn bị thối). Tôi không còn quả nào, ngoài vài quả chiến lợi phẩm của bọn phát xít, nhưng tôi không tin tưởng lắm. Tôi hét lên để hỏi xem có ai còn quả nào không. Douglas Moyle lục túi và đưa cho tôi một quả. Tôi ném rồi nằm úp mặt xuống đất. Thật may, chuyện này chỉ xảy ra một lần trong năm, tôi đã ném trúng vào chỗ khẩu súng trường vừa bắn ra. Một tiếng nổ lớn và ngay lập tức là tiếng rên la. Dù thế nào thì cũng có một tên bị thương vong rồi; không biết là hắn đã chết chưa, nhưng chắc chắn là bị thương nặng. Tội nghiệp quá! Tôi bỗng cảm thấy thương hại khi nghe thấy hắn rên la. Nhưng ngay lúc đó tôi lại nhìn thấy, hay tưởng là nhìn thấy trong ánh sáng lờ mờ từ những tia chớp đạn súng trường một người đứng gần chỗ khẩu súng trường vừa nhả đạn. Tôi nâng nòng súng lên và bóp cò. Một tiếng thét nữa, nhưng tôi nghĩ đấy vẫn là do quả lựu đạn mà ra. Chúng tôi còn ném thêm mấy quả lựu đạn nữa. Ánh chớp của đạn súng trường đã ở xa, phải từ một trăm mét trở lên. Chúng tôi đã đẩy được chúng đi rồi, tạm thời là như thế.

Mọi người bắt đầu chửi và nói tại sao bọn khốn kiếp không gửi tiếp viện tới. Chỉ cần một khẩu tiểu liên hay hai mươi người với những khẩu súng trường tử tế là chúng tôi có thể chống cự được cả tiểu đoàn. Đúng lúc đó thì Paddy Donovan, phó của Benjamin, người được cử về tuyến sau để xin mệnh lệnh, trèo qua bờ hào.

“Này! Ra thôi! Mọi người cùng rút mau!”

“Cái gì?”

“Rút! Ra mau!”

“Tại sao?”

“Lệnh như thế. Trở lại vị trí cũ, nhanh lên”

Tất cả đã trèo qua bờ hào phía trước. Có mấy người đang kéo một thùng đạn khá nặng. Tôi sực nhớ đến cái kính viễn vọng nằm dựa trên bờ hào ở phía bên kia vị trí. Nhưng đúng lúc đó tôi lại nhìn thấy bốn chiến sĩ thuộc lực lượng xung kích đang thực hiện một nhiệm vụ bí mật mà chỉ mình họ biết, tức là họ đang cắm đầu chạy xuống giao thông hào dẫn về phía quân phát xít. Bóng họ tan nhanh vào màn đêm. Họ đang đi đến chỗ chết. Tôi chạy theo, vừa chạy vừa cố vắt óc tìm từ “rút lui” bằng tiếng Tây Ban Nha; cuối cùng tôi kêu lên: “Atrás! Atrás!”, chắc là đúng. Tay người Tây Ban Nha hiểu và kéo mấy người kia quay lại. Paddy đợi bên bờ công sự.

“Mau lên, mau lên”

“Thế còn kính viễn vọng”

“Kính cái con c.! Benjamin đang đợi bên ngoài kia kìa”.

Chúng tôi trèo lên. Paddy giữ dây thép gai cho tôi trèo ra. Vừa ra khỏi bức tường chắn là chúng tôi đã bước vào vùng lửa đạn rồi; đạn bắn xối xả, từ tất cả các hướng. Chắc chắn là có cả đạn của quân ta nữa vì lúc đó toàn mặt trận đều bắn như thế cả. Chúng tôi lần mò trong đêm tối chẳng khác gì một bầy cừu. Thế mà chúng tôi còn kéo theo một thùng đạn chiến lợi phẩm gồm 1750 viên, nặng khoảng năm mươi cân, một hòm lựu đạn và mấy khẩu súng nữa. Mặc dù chiến hào hai bên chỉ cách nhau chừng hai trăm mét, đa số chúng tôi đều biết rõ địa hình, thế mà chỉ mấy phút sau chúng tôi đã mất phương hướng. Chúng tôi trườn trên đồng lầy, điều duy nhất chúng tôi biết là mình bị bắn từ cả hai phía. Không có trăng, nhưng trời bắt đầu sáng hơn một chút. Vị trí của quân ta nằm ở phía đông Huesca; tôi bảo nằm đợi trời hừng sáng để xem đông tây là hướng nào, nhưng đa số không chịu nghe. Chúng tôi thay nhau kéo hòm chiến lợi phẩm và tiếp tục trườn lên phía trước, nhưng vì không xác định được phương hướng nên phải quay đi rồi lộn lại đến mấy lần. Cuối cùng chúng tôi cũng nhìn thấy một bờ đất lờ mờ trước mặt. Không biết là công sự của ta hay của địch. Chẳng ai biết là hiện mình đang ở đâu. Benjamin nằm sát xuống đất và bò vào giữa đám lau lách. Cách công sự chừng hai mươi mét thì anh cất tiếng gọi. “P.O.U.M”, chúng tôi thấy họ hô lên như thế. Tất cả cùng nhảy dựng lên và cùng tìm đường leo qua hàng rào, nhưng lại rơi vào một kênh dẫn nước nữa; nhưng không sao, bì bõm một lúc là chúng tôi đã vào được vị trí an toàn rồi.

Kopp và mấy người Tây Ban Nha nữa đang đợi chúng tôi bên trong công sự. Tay bác sĩ và mấy y tá đã rút về tuyến sau. Hoá ra tất cả thương binh đều được mang đi rồi, chỉ có hai người là Jorge và Hiddlestone là bị mất tích thôi. Kopp, mặt tái mét, ngay lớp da ở đằng sau gáy ông cũng tái mét, cứ đi đi lại suốt, ông không thèm để ý ngay cả khi có những viên đạn bay sát sạt trên đầu. Chúng tôi ngồi xổm trong chiến hào để tránh đạn. Kopp vừa đi vừa lẩm bẩm: “Jorge! Cogño! Jorge!” và sau đó nói bằng tiếng Anh: “Jorge mà bị chết thì kinh khủng quá, kinh khủng quá!” Jorge vừa là bạn thân vừa là sĩ quan đắc lực nhất của ông. Bất ngờ ông quay lại và gọi năm người tình nguyện, hai người Anh và ba người Tây Ban Nha, đi tìm các chiến sĩ mất tích. Tôi, Moyle và ba người Tây Ban Nha nữa đứng lên.

Vừa ra đến bên ngoài, mấy người Tây Ban Nha đã bảo rằng sáng quá, nguy hiểm lắm. Đúng thế, trời đã lờ mờ xanh rồi. Có tiếng ồn ào dữ dội vọng lại từ vị trí quân phát xít. Có lẽ quân số của chúng đã đông hơn rất nhiều. Chúng đã nhìn thấy hay nghe thấy khi chúng tôi còn cách chiến hào chừng sáu bảy chục mét, một loạt đạn nổ vang làm tất cả chúng tôi cùng phải nằm úp mặt xuống đất. Một quả lựu đạn được quăng ra, rõ ràng là có dấu hiệu hoảng loạn rồi. Chúng tôi nằm trên cỏ, chờ cơ hội để tiến lên. Thế rồi chúng tôi nghe thấy, hay nghĩ là nghe thấy – tôi nghĩ rằng đấy là sản phẩm của trí tưởng tượng, nhưng lúc đó có vẻ rất thật – là giọng nói của bọn phát xít đã ở rất gần. Chúng đã ra khỏi chiến hào và đang tiến về phía chúng tôi. “Chạy”, tôi hét lên với Moyle rồi vùng ngay dậy. Trời đất, tôi vắt chân lên cổ mà chạy! Trước đó tôi đã nghĩ rằng khi người bị lấm từ đầu đến chân lại thêm súng đạn nặng thế này thì không thể nào chạy được. Bây giờ thì tôi biết rằng nếu bị năm mươi hay một trăm người cầm súng săn đuổi thì bao giờ người ta cũng chạy được cả. Nhưng nếu tôi đã chạy nhanh thì mấy người kia còn chạy nhanh hơn. Có cảm giác như mấy ngôi sao băng vừa lướt qua vậy. Đấy là ba người Tây Ban Nha vừa lao lên. Tôi chỉ đuổi kịp họ khi tất cả đã dừng lại ngay sát bờ công sự. Chúng tôi đã mất tinh thần, có vậy thôi. Nhưng tôi biết rằng khi trời lờ mờ thế này, có thể nhìn thấy năm người chứ một người thì khó cho nên tôi quay lại một mình. Tôi đã tìm cách quay lại đến hàng rào kẽm gai bên ngoài và hết sức tìm kiềm, tuy không thể hoàn toàn như ý vì tôi phải nằm sát bụng xuống đất. Không thấy Jorge hay Hiddlestone đâu, tôi đành bò quay lại. Sau này chúng tôi mới biết rằng cả Jorge lẫn Hiddlestone đều được đưa đến trạm quân y từ trước rồi. Jorge chỉ bị thương nhẹ vào bả vai. Còn Hiddlestone thì bị thương rất nặng, một viên đạn đi xuyên theo cánh tay trái, xương cánh tay gãy làm mấy đoạn; thế rồi lúc anh đang còn nằm bất tỉnh nhân sự thì lại có một quả lựu đạn nổ ngay bên cạnh làm bị thương mấy chỗ trên người nữa. May là anh đã thoát chết. Sau này anh nói với tôi rằng đã bò bằng lưng được một đoạn, sau đó thì bám được vào một chiến sĩ Tây Ban Nha, cũng bị thương và hai người dìu nhau đi cho đến lúc gặp được quân ta.

Trời sáng hẳn. Suốt mấy cây số dọc chiến tuyến tiếng súng vẫn nổ loạn xạ, giống như những giọt mưa sau cơn bão vậy. Tôi vẫn nhớ cảnh tượng tiêu điều lúc đó: bùn đọng thành từng đống, hàng thuỳ dương rên rỉ, nước trong giao thông hào có màu vàng xỉn; và những khuôn mặt nhếch nhác, mệt mỏi, râu ria xồm xoàm, bùn lấm từ đầu đến chân, xạm đen vì khói súng. Khi tôi về đến hầm trú ẩn thì ba người kia đã ngủ say. Họ nằm vật ra đất với đầy đủ lệ bộ, khẩu súng trường đầy bùn còn đeo trước ngực. Tất cả đều sũng nước. Mọi vật đều sũng nước. Sau một thời gian tìm kiếm tôi đã thu thập được đủ mảnh dăm và bắt đầu nhóm lửa. Sau đó châm một điếu thuốc vẫn mang theo bên mình, thật lạ lùng là sau một đêm như thế mà nó vẫn chưa bị gãy.

Sau này chúng tôi mới biết rằng trận đánh đã thành công. Đây chỉ là một cuộc đột kích nhằm kéo quân phát xít khỏi khu vực Huesca, nơi quân vô chính phủ bắt đầu tấn công. Tôi nghĩ rằng bọn phát xít đã tung từ một trăm đến hai trăm tên vào trận phản công, nhưng có một tên đào ngũ nói rằng chúng đã tung ra đến sáu trăm tên. Tôi cho là hắn nói dối. Bọn đào ngũ thường hay tìm cách lấy lòng lắm. Đáng tiếc là phải bỏ lại cái kính viễn vọng. Cho đến tận hôm nay, cứ nghĩ đến việc để mất một thứ chiến lợi phẩm tuyệt vời như thế là tôi vẫn áy náy không yên.

No comments:

Post a Comment