April 17, 2013

George Orwell – Tưởng niệm Catalonia (tiếp theo)


5

Đến mãi cuối tháng ba, ở mặt trận phía đông Huesca vẫn không có sự cố nào, nói chính xác thì gần như không có sự cố nào. Chúng tôi đóng cách quân địch hai trăm mét. Khi bọn phát xít bị đánh bật trở lại Huesa, quân đội cộng hòa đã không hăng hái tiến công cho nên chiến tuyến ở khu vực này có hình một cái móng ngựa. Sau này, khi quân ta chuyển sang tấn công, sẽ phải nắn thẳng chiến tuyến – dưới hỏa lực của địch, đấy không phải là việc dễ - nhưng hiện giờ có thể coi là quân địch không hề tồn tại; chúng tôi chỉ phải lo mỗi một việc là giữ cho ấm và tìm cho đủ thức ăn. Nhưng trên thực tế, giai đọan này có nhiều chuyện khá hay, tôi sẽ kể sau. Hiện thời tôi sẽ cố gắng bám sát các sự kiện nhằm trình bày cho được phần nào nội tình chính trị bên phía chính phủ.


Thời gian đầu tôi không để ý đến khía cạnh chính trị của cuộc chiến, chỉ đến mãi giai đọan này chính trị mới bắt đầu thu hút sự chú ý của tôi. Độc giả nào không quan tâm tới những sự thật ghê tởm đằng sau chính sách của các đảng phái có thể bỏ qua chương này; tôi cố gắng tách lĩnh vực chính trị thành một chương riêng là có ý như thế. Nhưng đồng thời, chỉ đứng trên giác độ quân sự thì không thể nào mô tả được cuộc chiến tranh ở Tây Ban Nha. Đây trước hết là cuộc chiến tranh chính trị. Nếu không biết những cuộc đấu đá giữa các đảng phái phía sau chiến tuyến của quân đội chính phủ thì ta sẽ không thể hiểu được bất cứ sự kiện nào, nhất là năm đầu tiên.

Khi mới tới Tây Ban Nha và cả một thời gian sau đó, tôi không những không quan tâm mà còn mù tịt về tình hình chính trị ở đây nữa. Tôi biết là đang có chiến tranh, nhưng không biết người ta đánh nhau vì chuyện gì. Nếu ai hỏi tôi tại sao lại tham gia dân quân thì chắc chắn tôi sẽ nói: “Để chiến đấu chống chủ nghĩa phát xít”, còn nếu hỏi tôi chiến đấu cái gì thì tôi sẽ nói: “Vì sự tử tế nói chung”. Tôi đồng ý với định nghĩa về cuộc chiến của tờ News Chronicle-New Statesman rằng đây là sự tự vệ của nền văn minh nhằm chống lại cuộc bạo động điên rồ của lực lượng quân sự  dưới quyền đại tá Blimp[1] được Hitler trả lương. Không khí cách mạng ở Barcelona có sức hấp dẫn to lớn đối với tôi, nhưng tôi lại không chịu bỏ công tìm hiểu xem thực chất của cuộc cách mạng ấy là gì. Đủ thứ đảng phái và tổ chức công đoàn, với những cái tên chán ngắt - P.S.U.C., P.O.U.M., F.A.I., C.N.T[2]., U.G.T[3]., J.C.I[4]., J.S.U[5]., A.I.T. - chỉ làm tôi bực mình thêm. Mới nhìn người ta có thể nghĩ rằng Tây Ban Nha đang mắc căn bệnh viết tắt. Tôi biết rằng mình đang phục vụ trong đơn vị mang tên P.O.U.M. (Tôi tham gia vào lực lượng dân quân P.O.U.M. chứ không phải lực lượng khác đơn giản vì tôi đến Barcelona theo giấy giới thiệu của I.L.P[6].), nhưng tôi đâu có biết rằng có sự khác biệt rất lớn giữa các đảng phái ở đây. Tại  Monte Pocero, khi người ta chỉ vào chốt bên trái chúng tôi và bảo: “Đấy là những người xã hội chủ nghĩa” (ý nói P.S.U.C.), tôi đã ngạc nhiên và hỏi: “Thế chúng ta không phải là xã hội chủ nghĩa à?”. Tôi cho rằng chỉ những người ngu mới phân biệt đảng nọ đảng kia trong khi đang chiến đấu giữa sống và chết. Quan điểm của tôi luôn luôn là: “Vứt hết những thứ đảng phái nhảm nhí ấy đi để tập trung sức lực cho cuộc chiến”. Tất nhiên đấy là thái độ “chống phát xít” đúng đắn mà báo chí Anh cố tình gieo rắc nhằm đánh lạc hướng, cản trở quần chúng hiểu bản chất của cuộc đấu tranh này. Nhưng ở Tây Ban Nha, đặc biệt là ở Catalonia, không ai có thể giữ vững được quan điểm như thế. Dù muốn dù không, trước sau gì người ta cũng phải ngả về một bên nào đó. Ngay cả một người không quan tâm đến các đảng phái và “đường lối” của chúng thì người đó cũng phải biết rằng đây là vấn đề vận mệnh của chính anh ta. Mỗi chiến sỹ dân quân là một người lính trên mặt trận chống Franco, nhưng anh ta còn là một con tốt trong cuộc quyết đấu giữa hai học thuyết chính trị nữa. Khi bò đi tìm củi bên sườn đồi, tôi thường tự hỏi đây có phải là cuộc chiến tranh hay chỉ là trò hề như tờ News Chronicle nói, khi tôi lẩn tránh làn đạn súng máy của những người cộng sản trong cuộc nổi loạn ở Barcelona; khi, cuối cùng, tôi trốn khỏi Tây Ban Nha dưới sự săn lùng sát gót của cảnh sát - tất cả những chuyện đó đã xảy ra với tôi là vì tôi phục vụ trong lực lượng dân quân P.O.U.M. chứ không phải trong lực lượng P.S.U.C. Sự khác nhau giữa những chữ viết tắt này thật là to lớn vậy!

Muốn hiểu được phân bố lực lượng bên phía chính phủ, cần phải biết cuộc chiến tranh đã bắt đầu như thế nào. Khi cuộc chiến bùng nổ vào ngày 18 tháng 7 chắc hẳn tất cả những người chống phát xít ở châu Âu đều tràn trề hi vọng. Vì cuối cùng cũng đã có một chính phủ dân chủ đứng lên chống lại chủ nghĩa phát xít. Đã nhiều năm qua, cái gọi là các nước dân chủ luôn luôn nhượng bộ chủ nghĩa phát xít. Họ đã để cho người Nhật làm mọi điều họ muốn ở Mãn Châu. Hitler đã giành được quyền lực và tiến hành việc thủ tiêu tất cả những người đối lập đủ mọi màu sắc. Mussolini ném bom Abyssinia ngay cả khi năm mươi ba (hi vọng là tôi không lầm) quốc gia cùng đồng thanh nói “không!” Nhưng khi Franco định lật đổ chính phủ trung tả thì nhân dân Tây Ban Nha đã gây bất ngờ cho tất cả mọi người, họ đã đứng lên chống lại hắn. Có vẻ như đấy chính là một bước ngoặt, hoàn toàn có thể như thế.

Nhưng mọi người đã bỏ qua một vài sự kiện. Thứ nhất, không thể đánh đồng Franco với Hitler và Mussolini được. Vụ nổi loạn chỉ là một cuộc binh biến được giới quí tộc và nhà thờ ủng hộ mà thôi. Mục đích của cuộc nổi dậy, nhất là thời gian đầu, là khôi phục chế độ phong kiến chứ không hẳn là thiết lập chế độ phát xít. Kết quả là không chỉ giai cấp công nhân mà cả giai cấp tư sản tự do, tức là những người ủng hộ chủ nghĩa phát xít, nếu như nó xuất hiện dưới hình thức hiện đại hơn, cũng đứng lên chống lại Franco. Quan trọng hơn là giai cấp công nhân Tây Ban Nha đứng lên chống lại Franco không phải vì dân chủ hay nhằm bảo tồn tình trạng hiện tại, như giai cấp công nhân Anh có thể làm chẳng hạn; cuộc kháng chiến của giai cấp công nhân Tây Ban Nha đi liền với - thực ra có thể nói – là một cuộc bùng nổ cách mạng. Nông dân chiếm ruộng đất, công đoàn chiếm giữ các nhà máy và hầu hết phương tiện vận tải, nhà thờ bị đập phá, tu sỹ thì bị đuổi đi hoặc bị giết hại. Tờ Daily Mail, được giới tăng lữ của nhà thờ Thiên chúa giáo ủng hộ, đã viết về Franco như một người yêu nước, đang cứu đất nước khỏi bọn “đỏ” mọi rợ.

Trong mấy tháng đầu, kẻ thù của Franco không hẳn là lực lượng chính phủ mà chính là các công đoàn. Ngay khi nổ ra bạo loạn, giai cấp công nhân có tổ chức ở đô thị đã đáp lại bằng những cuộc tổng đình công, sau đó thì đòi và qua đấu trang đã nhận được vũ khí từ kho của chính phủ. Nếu công nhân không tự động đứng lên và không hành động một cách tương đối độc lập thì có thể Franco sẽ không gặp phải bất kì sự kháng cự nào. Không thể khẳng định như thế, nhưng có cơ sở để nghĩ như thế. Chính phủ không làm hoặc gần như không làm gì để ngăn chặn cuộc bạo loạn, một cuộc bạo loạn đã được dự đoán từ lâu. Còn khi cuộc bạo loạn bùng nổ thì chính phủ lại lúng túng và phản ứng một cách yếu ớt đến nỗi trong có mấy ngày Tây Ban Nha đã thay đến ba thủ tướng[7]. Mặc dù muốn cứu được tình hình thì chỉ có một cách: phát súng cho công nhân, nhưng người ta đã lưỡng lự và chỉ làm như thế do áp lực của quần chúng quá mạnh. Cuối cùng, súng đã được phân phát và tại các thành phố lớn ở phía Đông, nhờ những cố gắng vượt bậc của giai cấp công nhân và lực lượng còn trung thành với chính phủ (cảnh sát vũ trang…) quân phát xít đã bị đánh tan. Những cố gắng như thế, tôi nghĩ, chỉ có thể xảy ra khi nhân dân chiến đấu với tinh thần cách mạng, nghĩa là khi họ tin rằng đang chiến đấu vì một cái gì đó cao quí hơn tình trạng hiện tại. Đôi khi chỉ trong một ngày đã có đến ba ngàn người hi sinh trong những trận chiến đấu trên đường phố. Những người đàn ông và đàn bà, chỉ được trang bị mấy quả mìn, đã lao qua những khoảng sân trống trải và tấn công những ngôi nhà do binh lính được huấn luyện kĩ càng, được trang bị súng máy chiếm giữ. Những chiếc xe taxi chạy với tốc độ một trăm cây số một giờ lao thẳng vào các ổ súng máy nằm trên các vị trí chiến lược. Ngay cả khi người ta không có tin tức gì về việc nông dân chiếm đất hay việc thành lập các Xô Viết địa phương thì người ta cũng khó mà tin rằng những người vô chính phủ và những người xã hội chủ nghĩa, tức là thành phần cốt cán của phong trào kháng chiến, lại làm những việc như thế để bảo vệ nền dân chủ tư sản, đặc biệt là những người vô chính phủ, vốn coi chế độ dân chủ tư sản chỉ là bộ máy tập trung nhằm lừa bịp quần chúng mà thôi.

Trong khi đó, công nhân đã nắm được vũ khí và lúc này họ không có ý định giao nộp lại. (Một năm sau người ta tính được rằng các đoàn viên công đoàn vô chính phủ ở Catalonia còn giữ tổng cộng 30.000 khẩu súng trường). Tại nhiều địa phương, tài sản của các đại điền chủ ủng hộ Franco đã bị nông dân tịch thu. Cùng với việc tập thể hóa trong lĩnh vực công nghiệp và giao thông vận tải; mầm mống chính quyền của giai cấp công nhân, đấy là các ủy ban, cũng đã được thành lập; lực lượng cảnh sát tư sản cũ được thay bằng các đội tuần tra của công nhân; công đoàn đứng ra thành lập các đội dân quân tự vệ..v.v.. Dĩ nhiên là phong trào không diễn ra một cách đồng đều, mạnh nhất là ở Catalonia. Có những nơi chính quyền địa phương vẫn còn nguyên như cũ, có nơi thì song song tồn tại bên cạnh các ủy ban cách mạng. Tại một vài địa phương, người ta còn thành lập được cả các công xã vô chính phủ nữa, sau gần một năm các công xã này mới bị chính phủ đàn áp. Trong những tháng đầu tiên, chính quyền ở Catalonia gần như nằm hoàn toàn trong tay các công đoàn vô chính phủ vì họ kiểm soát được hầu như toàn bộ các ngành công nghiệp chủ lực của thành phố. Trên thực tế, những sự kiện ở Tây Ban Nha chứng tỏ rằng đấy không đơn thuần là một cuộc nội chiến mà là khởi đầu của một cuộc cách mạng. Báo chí chống phát xít ở bên ngoài Tây Ban Nha đã tìm mọi cách che dấu sự kiện này. Vấn đề đã bị thu hẹp lại thành cuộc đấu tranh “của chủ nghĩa phát xít chống lại nền dân chủ” còn khía cạnh cách mạng của các sự kiện thì bị người ta tìm mọi cách dấu nhẹm đi. Ở Anh, nơi báo chí bị chính quyền trung ương kiểm soát kĩ và dân chúng dễ bị lừa bịp hơn các nước khác, chỉ có hai cách giải thích về cuộc chiến tranh Tây Ban Nha được phép công bố: Cánh hữu nói rằng đấy là cuộc chiến đấu của những người Thiên chúa giáo yêu nước chống lại bọn Bolsevik khát máu, còn phái tả thì lại nói rằng đấy là những người cộng hòa hào hoa phong nhã đang dẹp loạn. Bản chất của các sự kiện đã được che dấu một cách thành công.

Có mấy lí do. Đấy trước hết là sự dối trá về những hành động dã man của những người cộng hòa mà báo chí thân phát xít bịa đặt ra và những người làm công tác tuyên truyền hảo tâm nghĩ rằng phủ nhận việc Tây Ba Nha “đỏ hóa” là họ đang giúp đỡ chính phủ nước này. Nhưng lí do chính lại là: trừ một vài nhóm cách mạng nhỏ mà nước nào cũng có, toàn thế giới lúc đó quyết tâm dập tắt ngọn lửa cách mạng ở Tây Ban Nha. Đặc biệt là Đảng cộng sản, được nước Nga Xô Viết hậu thuẫn, đã tìm mọi cách để ngăn chặn cuộc cách mạng. Cộng sản khẳng định rằng cách mạng lúc này là tự sát và mục tiêu của họ không phải là chính quyền của giai cấp công nhân mà là chế độ dân chủ tư sản. Có lẽ chẳng cần phải nói rõ vì sao những nhà tư sản “tự do” lại có cùng quan điểm như thế. Đầu tư nước ngoài đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Tây Ban Nha. Thí dụ, Anh đã đầu tư vào Công ty Vận Tải Barcelona mười triệu bảng, trong khi đó công đoàn lại tịch thu toàn bộ phương tiện vận tải ở Catalonia. Nếu cách mạng tiến triển thêm thì sẽ không có đền bù hoặc sẽ được đền bù rất ít; còn nếu chế độ cộng hòa tư sản thắng lợi thì vốn đầu tư nước ngòai sẽ được bảo toàn. Người ta đã quyết tâm bóp chết cuộc cách mạng, cho nên tốt nhất là lờ nó đi. Bằng cách đó, người ta có thể che dấu được bản chất của bất cứ sự kiện nào, những vụ chuyển giao quyền lực từ công đoàn sang cho chính phủ đều chỉ được coi là một bước cần thiết trong việc tái cơ cấu lực lượng võ trang. Tình hình lúc đó quả thật là rất lạ lùng. Ở bên ngòai, ít người biết rằng đang diễn ra một cuộc cách mạng; còn ở bên trong thì đấy lại không phải là chuyện phải bàn. Ngay cả những tờ báo của P.S.U.C., do cộng sản kiểm soát, dù ít dù nhiều đều thực thi đường lối phản cách mạng, cũng nói đến “cuộc cách mạng vinh quang của chúng ta”. Cùng lúc, báo chí cộng sản ngoại quốc lại đồng thanh hò hét rằng không hề có dấu hiệu cách mạng, không có chuyện chiếm nhà máy hay thành lập các ủy ban công nhân .v..v. mà nếu có thì cũng “chẳng có ý nghĩa chính trị nào”. Tờ Daily Worker (ngày 6 tháng 8 năm 1936) còn tuyên bố rằng chỉ có những kẻ vô lại dối trá trắng trợn mới có thể nói rằng nhân dân Tây Ban Nha không phải đang chiến đấu cho nền dân chủ tư sản mà là chiến đấu cho cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa hay bất cứ cái gì khác. Nhưng mặt khác, tháng 2 năm 1937, Juan López, một thành viên của chính quyền Valencia, lại tuyên bố rằng “nhân dân Tây Ban Nha đang đổ máu không phải cho nước Cộng hòa dân chủ và bản Hiến pháp trên giấy của nó mà đang chiến đấu cho cách mạng”. Hóa ra “những kẻ vô lại dối trá trắng trợn” đã len lỏi được vào cả cái chính phủ mà chúng tôi đang bảo vệ. Một số tờ báo chống phát xít ở nước ngoài còn hạ mình đến mức dối trá khi viết rằng chỉ những nhà thờ bị quân phát xít chiếm đóng và biến thành các pháo đài mới bị tấn công cướp phá. Trên thực tế, nhà thờ ở khắp nơi đều bị cướp bóc và là hiện tượng đương nhiên vì người ta cho rằng nhà thờ Tây Ban Nha là tay sai của bọn tư sản. Trong suốt sáu tháng ở Tây Ban Nha, tôi chỉ trông thấy có hai nhà thờ không bị cướp bóc và cho đến tháng 7 năm 1937, trừ một vài nhà thờ của đạo Tin Lành ở Madrid, tất cả những nhà thờ khác đều chưa được mở cửa và chưa được làm lễ trở lại.

Nhưng đây chỉ là sự khởi đầu, chưa phải là sự kết thúc của cách mạng. Ngay cả khi công nhân có đủ điều kiện (Catalonia rõ ràng là như thế, những chỗ khác có thể cũng như vậy) họ vẫn không lật đổ chính quyền hay nắm lấy toàn bộ quyền lực. Rõ ràng là họ không thể làm như thế khi quân của Franco đang đóng ngay tại cửa ngõ thành phố và một bộ phận giai cấp trung lưu còn đứng về phía chúng. Đất nước đang đứng trước ngã ba đường, có thể phát triển theo hướng xã hội chủ nghĩa, mà cũng có thể quay trở lại thành nước cộng hòa tư sản bình thường. Nông dân đã nắm được phần lớn ruộng đất và muốn giữ lại, đấy là nói nếu Franco thất bại; tất cả các ngành công nghiệp chính đều đã được tập thể hóa, nhưng có còn tập thể hóa nữa hay sẽ trở lại chế độ tư bản, nhóm giành được quyền kiểm soát sẽ có tiếng nói quyết định chung cuộc. Thời gian đầu, có thể nói một cách chắn chắn rằng cả chính phủ trung ương lẫn chính quyền nửa tự trị ở Catalonia đều là đại diện của giai cấp công nhân. Trong chính phủ do Caballero, một đảng viên xã hội cánh tả, đứng đầu, có các bộ trưởng đại diện cho U.G.T. (Công đòan xã hội chủ nghĩa) và C.N.T. (Liên hiệp công đòan nắm dưới sự lãnh đạo của những người vô chính phủ). Chính quyền Catalonia được thay thế bằng Ủy ban quân sự chống phát xít, đa số thành viên Ủy ban này là người của các tổ chức công đoàn. Sau này, Ủy ban quân sự bị giải tán, chính quyền Catalonia được tổ chức lại, bao gồm đại diện các công đoàn và đảng phái cánh tả khác nhau. Nhưng mỗi lần cải tổ là chính phủ lại ngả sang hữu một chút. Tại Catalonia, đầu tiên là P.O.U.M. bị đẩy ra, sáu tháng sau đến lượt Caballero bị Negrín, một đảng viên xã hội cánh hữu thay thế; ngay sau đó C.N.T. bị lọai khỏi chính phủ trung ương, rồi U.G.T.và C.N.T. cũng bị bật ra khỏi chính quyền Catalonia. Cuối cùng, một năm sau khi chiến tranh nổ ra, chính phủ gồm toàn những đảng viên xã hội cánh hữu, các đảng theo đường lối tự do và những người cộng sản mà thôi.

Việc ngả sang phái hữu một cách toàn diện bắt đầu diễn ra từ tháng 10, tháng 11 năm 1936, đúng vào lúc Liên Xô bắt đầu cung cấp vũ khí cho chính phủ và quyền lực chuyển từ tay những người vô chính phủ sang những người cộng sản. Ngoài Liên Xô và Mexico, chẳng có nước nào chịu cứu chính phủ Tây Ban Nha; mà Mexico, vì những lí do dễ hiểu, cũng chẳng cung cấp được bao nhiêu. Kết quả là người Nga có quyền ra điều kiện. Chắc chắn các điều kiện đó phải là: “Các vị hãy chấm dứt những hành động cách mạng đi, nếu không chúng tôi sẽ không cung cấp vũ khí nữa”. Không nghi ngờ gì rằng biện pháp đầu tiên là nhằm chống lại các thành phần cách mang, tức là đẩy P.O.U.M. ra khỏi chính quyền Catalonia, cũng được thực hiện theo lệnh của Liên Xô. Những lời phủ nhận việc Liên Xô can thiệp trực tiếp đều chẳng có mấy giá trị vì ai cũng biết rằng đảng cộng sản tất cả các nước đều thực thi đường lối chính trị của nước Nga, đồng thời không ai phủ nhận việc Đảng cộng sản Tây Ban Nha là lực lượng chủ chốt trong cuộc đấu tranh, trước hết là chống lại P.O.U.M., và sau đó là chống lại những người vô chính phủ và cánh xã hội chủ nghĩa do Caballero cầm đầu, nghĩa là chống lại đường lối cách mạng nói chung. Một khi Liên Xô đã can thiệp thì đảng cộng sản nhất định sẽ thắng lợi. Trước hết, lòng biết ơn Liên Xô và sự kiện là đảng cộng sản, sau khi các binh đòan quốc tế kéo tới, có vẻ sẽ là người chiến thắng đã làm cho uy tín của cộng sản dâng cao trông thấy. Thứ hai, vũ khí của Nga được cấp qua đảng cộng sản và những đảng nằm trong liên minh với họ. Cộng sản còn tìm mọi cách để vũ khí không lọt vào tay các lực lượng đối lập nữa[8]. Thứ ba, bằng cách tuyên bố cương lĩnh phi cách mạng, cộng sản đã lôi kéo được tất cả những người vốn sợ các lực lượng cực đoan. Thí dụ, người ta có thể dễ dàng động viên được những người nông dân khá giả đứng lên chống lại chính sách tập thể hóa của những người vô chính phủ. Số lượng đảng viên tăng lên nhanh chóng, phần lớn xuất thân từ giai cấp trung lưu, như những người buôn bán nhỏ, viên chức, sỹ quan quân đội, trung nông lớp trên… Vẫn phải tiếp tục cuộc chiến đấu chống Franco, nhưng đồng thời chính phủ lại đặt ra mục tiêu giành bằng được quyền lực từ tay các tổ chức công đoàn, việc này được thực hiện bằng hàng loạt các hành động nhỏ lẻ, mà có người gọi là chính sách đâm bằng kim, nhưng nói chung là rất khôn khéo. Những biện pháp phản cách mạng một cách rõ rệt đã không được thực hiện và đến tận tháng 5 năm 1937 vẫn chưa cần sử dụng lực lượng quân sự. Chỉ cần dùng những lí lẽ rất rõ ràng như thế này cũng có thể buộc được công nhân vâng lời: “Nếu các anh không làm việc này hay việc này thì chúng ta sẽ thua trận mất thôi”. Chẳng cần phải nói rằng nhân danh các mục tiêu quân sự bao giờ người ta cũng đòi hỏi giai cấp công nhân phải từ bỏ những thành quả mà họ đã giành được vào năm 1936. Nhưng lí lẽ này ít khi thất bại bởi vì các đảng cách mạng chẳng bao giờ muốn thua trận; thua trận có nghĩa là dân chủ, cách mạng, chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa vô chính phủ sẽ trở thành những từ sáo rỗng. Vô chính phủ là đảng cách mạng lớn, mà người ta không thể bỏ qua, cũng buộc phải lùi từng bước một. Quá trình tập thể hóa đã bị chặn đứng, các ủy ban địa phương bị giải tán, các đội tuần tra của công nhân bị giải thể, còn lực lượng cảnh sát trước chiến tranh thì được tăng cường và được trang bị nhiều lọai vũ khí tốt. Các xí nghiệp công nghiệp chủ lực do công đòan kiểm soát được chuyển giao cho chính phủ (việc chiếm Trung tâm viễn thông Barcelona đã dẫn đến những trận đánh vào tháng 5 là một trong những vụ rắc rối của quá trình này); cuối cùng, điều quan trọng nhất đã xảy ra, đó là các đơn vị dân quân do công đoàn tổ chức bị giải tán dần và phiên chế vào Quân đội Nhân dân vừa được thành lập, đây là một đội quân “phi chính trị” theo đường lối nửa tư sản, nghĩa là cũng trả lương theo chức vụ, cũng có tầng lớp sỹ quan có nhiều đặc quyền, đặc lợi..v.v.. Trong tình hình đặc thù lúc đó, đây là bước đi có tính chất quyết định. Ở Catalonia, việc giải thể các đơn vị dân quân diễn ra sau cùng vì các đảng cách mạng ở đây mạnh hơn các nơi khác. Rõ ràng là công nhân chỉ có thể giữ được thành quả nếu họ kiểm soát được một số đơn vị vũ trang nào đó. Người ta thường viện cớ tăng cường hiệu quả chiến đấu để giải thể lực lượng dân quân, dĩ nhiên là không ai phủ nhận sự cần thiết của việc tái tổ chức lực lượng vũ trang rồi. Hoàn toàn có thể sắp xếp lại lực dân quân, tăng cường hiệu quả cho nó trong khi vẫn để nó nằm dưới quyền kiểm soát của công đoàn, nhưng mục đích chính ở đây lại là không để cho những người vô chính phủ có quân đội riêng nữa. Hơn nữa, tinh thần dân chủ của dân quân lại là mảnh đất màu mỡ cho các tư tưởng cách mạng. Cộng sản hiểu rõ chuyện đó và kịch liệt công kích nguyên tắc trả lương như nhau cho cả lính lẫn quan của P.O.U.M. và những người vô chính phủ. Việc “tư sản hóa” và thủ tiêu một cách có chủ đích tinh thần bình đẳng từng tồn tại trong những tháng đầu tiên của cách mạng đã được thực hiện trên cả nước. Sự việc diễn ra nhanh đến nỗi những khách thăm quan trở lại sau vài tháng đã nói rằng dường như đây đã là một nước khác. Cái đất nước mới nhìn thì tưởng như của công nhân đã nhanh chóng biến thành nhà nước cộng hòa tư sản bình thường, cũng chia ra kẻ giàu, người nghèo. Mùa thu năm 1937, “đảng viên xã hội” Negrín đã công khai tuyên bố rằng “chúng tôi tôn trọng sở hữu tư nhân”, còn  các đại biểu Cortes[9], những người hồi đầu chiến tranh bị nghi là có cảm tình với phát xít, đã trở lại Tây Ban Nha.

Có thể dễ dàng hiểu được toàn bộ quá trình này nếu ta nhớ lại rằng đấy là kết quả của cái liên minh tạm thời giữa công nhân và tư sản mà chủ nghĩa phát xít, trong những biểu hiện của nó, đã buộc họ phải kí với nhau. Liên minh này, được người ta biết đến với tên là Mặt trận Nhân dân, thực chất là liên minh của những phe đối kháng, chắc chắn sẽ phải cáo chung bằng việc một bên nuốt sống bên kia. Ở Tây Ban Nha, điều làm người ta bất ngờ nhất – còn ở bên ngoài thì nó lại tạo ra nhiều lầm lẫn nhất - đấy là bên phía chính phủ, những người cộng sản không đứng về phía các lực lượng cực tả mà lại đứng về phía các lực lượng cực hữu. Trên thực tế, đấy là điều không đáng ngạc nhiên, bởi vì chiến thuật của cộng sản lúc đó, đặc biệt là ở Pháp, đã cho người ta thấy rõ rằng chủ nghĩa cộng sản phải được coi, ít nhất là trong giai đoạn đó, là lực lượng phản cách mạng. Toàn bộ đường lối của Comintern (Quốc tế cộng sản – ND) trong giai đoạn này đều nhằm phục vụ (trong tình hình lúc đó, có thể tha thứ được) cho chính sách quốc phòng của Liên Xô, mà chính sách này lại phụ thuộc vào các liên minh quân sự. Cụ thể là, Liên Xô đã kí hiệp ước liên minh với một nước tư bản-đế quốc chủ nghĩa, đấy là nước Pháp. Liên minh này chỉ có ý nghĩa khi nước Pháp mạnh, vì thế chính sách của cộng sản ở Pháp phải là chống cách mạng. Điều đó không chỉ có nghĩa là từ nay những người cộng sản Pháp phải đi sau lá cớ Tam tài và hát Marseillaise, mà, quan trọng hơn, họ phải từ bỏ công tác tuyên truyền khá hiệu qủa ở các nước thuộc địa nữa. Chưa đầy ba năm trước đây, Thorez, Bí thư thứ nhất Đảng Cộng sản Pháp còn tuyên bố rằng công nhân Pháp sẽ không bao giờ bị lôi kéo vào cuộc chiến chống lại những người đồng chí Đức của mình, thì nay ông ta trở thành một trong những người yêu nước to mồm nhất của Pháp. Đường lối của cộng sản ở bất kì nước nào cũng phụ thuộc vào quan hệ quân sự, hiện tại hoặc tiềm năng, của nước đó với Liên Xô. Thí dụ, quan điểm của nước Anh vẫn chưa rõ ràng cho nên Đảng cộng sản Anh tiếp tục giữ thái độ thù đích đối với chính phủ và công khai chống lại việc tái vũ trang. Nhưng nếu Anh quốc tham gia gia liên minh hay kí hiệp định quân sự với Liên Xô thì cộng sản Anh, cũng như cộng sản Pháp, sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc trở thành những người yêu nước và những người ủng hộ chủ nghĩa đế quốc; những dấu hiệu như thế đã xuất hiện rồi. “Đường lối” của cộng sản Tây Ban Nha chắc chắn là phụ thuộc vào sự kiện là Pháp, một đồng minh của Nga, hoàn toàn không muốn thấy một nhà nước cách mạng ở ngay sát nách và sẽ tìm mọi cách chống lại việc giải phóng nước Marocco thuộc Tây Ban Nha lúc đó. Tờ Daily Mail, một tờ báo chuyên đơm đặt về cuộc cách mạng “đỏ” do Moskva tài trợ, còn tiếp tục dối trá hơn cả trước đây. Trên thực tế, cộng sản là những người tích cực nhất trong việc ngăn chặn cuộc cách mạng ở Tây Ban Nha. Sau này, khi lực lượng cánh hữu đã nắm được quyền kiểm soát toàn bộ tình hình thì chính cộng sản đã chứng tỏ rằng họ sẵn sàng đi xa hơn cả những người theo trường phái tự do trong việc săn đuổi các lãnh tụ cách mạng[10].

Tôi đã cố gắng phác họa chiều hướng chung của cuộc cách mạng Tây Ban Nha trong năm đầu tiên, vì nó giúp ta dễ dàng hiểu được tình hình trong mỗi giai đoạn sau này. Nhưng như thế không có nghĩa là tháng hai năm đó tôi đã có quan điểm được thể trong những câu chuyện được nói đến bên trên. Trước hết, lúc đó chưa xảy ra những sự kiện có tính chất khai minh đối với tôi, và hơn nữa, tình cảm của tôi lúc đó, trong một vài lĩnh vực, cũng khác với hiện nay. Một phần là vì khía cạnh chính trị của cuộc chiến đã làm tôi chán ngấy và dĩ nhiên là tôi chống lại quan điểm được nghe nói đến nhiều hơn cả, tức là quan điểm của P.O.U.M.I.L.P. Đa phần người Anh trong đơn vị tôi là thành viên của I.L.P., ngoài ra, còn có một vài đảng viên cộng sản nữa; nói chung họ, đều có nhận thức chính trị cao hơn tôi. Suốt nhiều tuần liền, đấy là nói thời kì không có chuyện gì xảy ra xung quanh Huesca, tôi đã trực tiếp tham gia vào những cuộc tranh luận chính trị gần như không bao giờ dứt. Những đường lối mâu thuẫn nhau được đem ra thảo luận hết lần này đến lần khác, chúng được thảo luận trong những chuồng ngựa lộng gió và hôi hám, trong những hầm trú ẩn tối tăm và ngột ngạt, chúng được thảo luận cả sau những bờ công sự trong những đêm lạnh buốt thấu xương nữa. Người Tây Ban Nha cũng thế, nhiều tờ báo còn đưa cuộc đấu tranh nội bộ đảng thành tin quan trọng nhất nữa kia. Chỉ có điếc hay  ngu thì mới không có được một vài khái niệm nào đó về tư tưởng của các đảng khác nhau mà thôi.

Về lí thuyết, chỉ có ba đảng đáng quan tâm, đấy là P.S.U.C., P.O.U.M. và C.N.T.F.A.I., thường được gọi một cách đơn giản là Vô chính phủ. Xin bắt đầu bằng P.S.U.C. vì đây là đảng quan trọng nhất, cũng là đảng giành được chiến thắng cuối cùng và ngay lúc đó cũng đang tỏ ra có ưu thế.

Cần phải giải thích rõ rằng khi nói đường lối của P.S.U.C. là người ta nghĩ đến đường lối của của Đảng cộng sản. P.S.U.C. (Partido Socialista Unificado de Cataluña) nghĩa là Đảng xã hội chủ nghĩa Catalonia, được thành lập ngay khi chiến tranh nổ ra; đấy là sự kết hợp của nhiều đảng mác-xít khác nhau, trong đó có cả Đảng cộng sản Catalonia, nhưng hiện đã bị cộng sản kiểm sóat hoàn toàn và là một phân bộ của Quốc tế III. Đây là liên minh chính thức duy nhất giữa những người xã hội và những người cộng sản Tây Ban Nha, nhưng quan điểm của những người cộng sản và những người xã hội cánh hữu thì ở đâu cũng có thể được coi là một cả. Về đại thể, có thể nói P.S.U.C. là cánh chính trị của U.G.T. (Unión General de Trabajadores), tức là công đoàn xã hội chủ nghĩa. Công đoàn này có khoảng một triệu rưỡi thành viên trên khắp Tây Ban Nha. Nó bao gồm rất nhiều nhóm những người lao động chân tay, nhưng sau khi chiến tranh nổ ra nó đã phình lên rất nhanh vì có nhiều người thuộc tầng lớp trung lưu tham gia, đấy là do trong những ngày đầu cách mạng nhiều người cho rằng ra nhập U.G.T. hay C.N.T. thì sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn. Hai tổ chức công đoàn này có nhiều mặt tương đối giống nhau, nhưng C.N.T. có nhiều tính công nhân hơn. Như vậy nghĩa là P.S.U.C. vừa là đảng của giai cấp công nhân vừa là đảng của giai cấp tiểu tư sản, nghĩa là của những người buôn bán nhỏ, của các viên chức nhà nước và trung nông.

Đường lối của P.S.U.C. mà báo chí cộng sản cũng như thân cộng tuyên truyền trên khắp thế giới về đại thể là như sau: “Trong thời điểm hiện tại, quan trọng nhất là giành chiến thắng; không chiến thắng thì mọi thứ đều vô nghĩa hết. Vì vậy, bây giờ không phải lúc nói đến việc tiến hành cách mạng. Chúng ta không được ép buộc nông dân tập thể hoá vì như thế là làm cho họ xa lánh chúng ta; chúng ta cũng không được làm cho giai cấp trung lưu, những người đang chiến đấu bên phía chúng ta, hốt hoảng. Trước hết, muốn có hiệu quả, chúng ta phải chấm dứt tình trạng lộn xộn do cách mạng gây ra. Chúng ta cần một chính phủ trung ương mạnh, chứ không phải là các hội đồng địa phương, chúng ta cần một lực lượng quân sự chính qui với một bộ chỉ huy thống nhất. Bám vào một vài tàn dư của các tổ chức kiểm tra của công nhân và nhai đi nhai lại một cách thiếu suy nghĩ những khẩu hiệu cách mạng không những là việc làm vô ích mà còn có hại, thậm chí là phản cách mạng nữa vì nó gây ra chia rẽ và có thể bị bọn phát xít lợi dụng. Trong giai đoạn hiện nay, chúng ta không chiến đấu vì chính quyền chuyên chính của giai cấp vô sản mà đang chiến đấu cho nền dân chủ đại nghị. Bất cứ người nào muốn biến nội chiến thành cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa cũng đều là những người tiếp tay cho bọn phát xít, nếu đấy không phải là những kẻ cố ý thì trên thực tế họ cũng đều là những kẻ phản bội.”

Đường lối của P.O.U.M. khác hẳn, dĩ nhiên là trừ khoản phải giành bằng được chiến thắng. P.O.U.M. (Partido Obrero de Unificación Marxista) là một trong những đảng cộng sản đối lập, những đảng xuất hiện tại một loạt nước trong mấy năm gần đây nhằm chống lại “chủ nghĩa Stalin”, tức là chống lại sự thay đổi, thực chất hay chỉ mang vẻ hình thức, trong chính sách của cộng sản. P.O.U.M. bao gồm những người cựu cộng sản cũng như thành viên của khối công-nông trước đây. Đây là một đảng có ít đảng viên[11], không có nhiều ảnh hưởng bên ngoài Catalonia, nó quan trọng bởi vì có nhiều đảng viên có nhận thức chính trị vững vàng. Thành trì của đảng này nằm ở Lerida, thuộc Catalonia. Nó không đại diện cho bất cứ tổ chức công đoàn nào. Lực lượng dân quân của P.O.U.M. đa số là thành viên C.N.T., nhưng nói chung dân quân-đảng viên lại thuộc U.G.T. Nhưng P.O.U.M. lại chỉ có ảnh hưởng đối với C.N.T. mà thôi. Về đại thể, đường lối của P.O.U.M. có thể tóm tắt như sau:

“Nói đến dùng “dân chủ” tư sản để chống phát xít là vô nghĩa. “Dân chủ” tư sản chỉ là một tên gọi khác của chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa phát xít thì cũng thế; nhân danh “dân chủ” để chống phát xít thì cũng có nghĩa là nhân danh một hình thức tư bản này để chống lại một hình thức tư bản khác, mà bất kì lúc nào cái sau cũng có thể biến thành cái trước. Chính quyền của công nhân hay là chủ nghĩa phát xít, ta chỉ có thể chọn một trong hai. Đặt mục tiêu thấp hơn nghĩa là trao chiến thắng vào tay Franco hoặc trong trường hợp tốt nhất cũng là để chủ nghĩa phát xít chui vào bằng cửa sau. Lúc này, công nhân phải nắm chặt tất cả những gì họ đã giành được, chỉ cần nhượng bộ chính phủ nửa-tư sản một lần thôi là chắc chắn họ sẽ bị lừa bịp. Dân quân và lực lượng cảnh sát phải được giữ nguyên trạng, phải chống lại mọi mưu toan nhằm “tư sản hoá” hai lực lượng này. Nếu công nhân không kiểm soát được lực lượng vũ trang thì lực lượng vũ trang sẽ kiểm soát công nhân. Chiến tranh và cách mạng gắn bó mật thiết với nhau.”

Quan điểm của những người vô chính phủ thì khó xác định hơn. Dù sao mặc lòng, từ vô chính phủ được dùng để chỉ rất nhiều người có những quan điểm vô cùng khác nhau. Cánh chính trị của liên hiệp công đoàn C.N.T. (Confederación Nacional de Trabajadores), với khoảng hai triệu đoàn viên, có tên gọi là F.A.I. (Federación Anarquista Ibérica), là một tổ chức vô chính phủ thực sự. Nhưng ngay cả các thành viên của F.A.I., những người luôn luôn, mà có thể hầu hết người Tây Ban Nha đều như thế, ngả theo triết lí vô chính phủ thì cũng không hẳn đã là vô chính phủ theo đúng nghĩa của từ này. Sau khi chiến tranh nổ ra, họ đã có một bước tiến về phía chủ nghĩa xã hội vì hoàn cảnh buộc họ phải tham gia vào các cơ quan hành chính trung ương và thậm chí phá bỏ mọi nguyên tắc để tham gia vào thành phần chính phủ. Nhưng họ vẫn khác xa những người cộng sản; tương tự như P.O.U.M., mục tiêu của họ là chính quyền của công nhân chứ không phải là chế độ dân chủ đại nghị. Vô chính phủ sử dụng khẩu hiệu: “Chiến tranh và cách mạng gắn bó mật thiết với nhau!” của P.O.U.M.,  nhưng ít giáo điều hơn. Đại khái C.N.T.F.A.I. đấu tranh cho: 1. Công nhân trong từng ngành công nghiệp như vận tải, dệt may… trực tiếp kiểm soát các ngành đó; 2. Quyền lực nằm trong tay các uỷ ban địa phương và chống lại mọi hình thức của chế độ độc đoán tập quyền; 3. Mối thù không khoan nhượng đối với giai cấp tư sản và nhà thờ. Điểm cuối cùng, tuy không được trình bày thật rõ ràng, nhưng lại là quan trọng nhất. Vô chính phủ đối lập với hầu như tất cả những người gọi là cách mạng ở chỗ mặc dù các nguyên tắc của họ tương đối mù mờ nhưng họ thực sự căm thù đặc quyền đặc lợi và bất công. Cộng sản và vô chính phủ là hai cực đồi lập nhau về mặt triết học. Trên thực tế, đấy là sự khác nhau về hình thức xã hội mà họ hướng tới, đấy là điều mà họ coi trọng, nhưng đây là những hình thức không thể dung hoà. Cộng sản luôn luôn coi trọng chủ nghĩa tập trung và tính hiệu qủa, còn vô chính phủ thì lại coi trọng tự do và công bằng. Chủ nghĩa vô chính phủ đã ăn sâu bén rễ ở Tây Ban Nha và có vẻ như sẽ tiếp tục sống sót trong khi chủ nghĩa cộng sản sẽ cáo chung ngay khi ảnh hưởng của Liên Xô chấm dứt. Trong hai tháng đầu tiên của cuộc chiến, những người vô chính phủ, hơn ai hết, đã cứu vãn được tình hình và mãi về sau này, lực lượng dân quân vô chính phủ, dù rất thiếu kỉ luật, lại là lực lượng chiến đấu tốt nhất, đấy là nói nếu chỉ kể các đơn vị gồm toàn người Tây Ban Nha với nhau. Từ khoảng tháng 2 năm 1937 trở đi, lực lượng vô chính phủ và P.O.U.M. đã hợp tác với nhau ở một mức độ nào đó. Nếu ngay từ đầu những người vô chính phủ, P.O.U.M., và phong trào xã hội chủ nghĩa cánh tả đã nghĩ đến việc hợp tác và thực thi chính sách mang tính thực tế hơn thì kết quả cuộc chiến tranh có thể đã khác. Nhưng trong giai đoạn đầu, khi tất cả các đảng cách mạng đều tưởng rằng át chủ bài đang nằm trong tay mình thì đấy là việc bất khả thi. Sự ghen tức cố hữu là nguyên nhân mối bất hoà giữa phe vô chính phủ và phe xã hội, còn P.O.U.M., vốn là một đảng mác-xít, lại có thái độ nghi ngờ đối với phe vô chính phủ, trong khi theo quan điểm của vô chính phủ thì “chủ nghĩa Trotskyist” của P.O.U.M. cũng chẳng khác gì chủ nghĩa “Stalin” của những người cộng sản. Trong khi đó, cộng sản lại tìm cách li gián hai đảng này. Khi P.O.U.M. tham gia vào những trận đánh gây nhiều thương vong vào tháng 5 ở Barcelona thì chính bản năng đã buộc nó phải đứng về phía C.N.T., và sau này, khi P.O.U.M. bị đàn áp thì chỉ có những người vô chính phủ là dám lên tiếng bảo vệ mà thôi.

Như vậy là, về đại thể, lực lượng được phân bố như sau. Một bên là C.N.T.F.A.I., P.O.U.M., và những người xã hội chủ nghĩa ủng hộ quyền kiểm soát của công nhân, còn bên kia là những người xã hội chủ nghĩa cánh hữu, những người theo đường lối tự do và cộng sản ủng hộ chính phủ tập quyền và quân đội chính qui.

Dễ hiểu là vì sao lúc đó tôi lại thích quan điểm của cộng sản hơn là quan điểm của P.O.U.M. Cộng sản có một chính sách thực tế rõ ràng, phù hợp với lương tri, đấy là nói nếu chỉ nhìn tương lai trong vài tháng trước mắt. Còn chính sách hàng ngày cũng như công tác tuyên truyền và mọi việc khác của P.O.U.M. đều kém đến mức không thể tả được, nếu làm tốt hơn thì P.O.U.M. có thể còn thu hút được nhiều thành viên hơn. Nhưng vấn đề chính là những người cộng sản, như tôi thấy, đang chiến đấu, còn chúng tôi cũng như những người vô chính phủ thì dẫm chân tại chỗ. Đấy là tâm trạng chung lúc đó. Cộng sản giành được quyền lực và thu hút được số lượng đảng viên rất lớn một phần vì các tầng lớp trung lưu ủng hộ đường lối phản cách mạng của họ, một phần vì họ là lực lượng duy nhất có thể giành chiến thắng trong cuộc chiến tranh này. Vũ khí của Liên Xô cũng như cuộc chiến đấu ngoan cường nhằm bảo vệ Madrid của những lực lượng do cộng sản chỉ huy đã biến họ thành những người anh hùng. Có người còn nói rằng ngay một máy bay Liên Xô bay qua đầu chúng tôi cũng đã là tuyên truyền rồi. Mặc dù công nhận rằng P.O.U.M. có lí, nhưng tôi vẫn có cảm tưởng là các khẩu hiệu cách mạng của họ chẳng có giá trị gì. Nói cho cùng, vấn đề vẫn là phải chiến thắng.

Trong khi đó, các đảng phái tiếp tục cắn xé nhau trên mặt báo, trên những tờ rơi, trên các biểu ngữ, trong các cuốn sách, tóm lại, diễn ra khắp nơi. Tôi thường đọc La BatallaAdenlante của P.O.U.M., nhưng tôi cho rằng đây là hai tờ báo hợm hĩnh và chán ngắt vì lúc nào họ cũng soi mói “những kẻ phản cách mạng” ở P.S.U.C. Sau này, khi đã nghiên cứu kĩ báo chí của P.S.U.C. và cộng sản, tôi mới thấy rằng P.O.U.M. chẳng là gì so với các đối thủ của họ, đấy là chưa nói điều kiện của họ cũng kém hơn rất nhiều. Khác với cộng sản, P.O.U.M. không có cơ sở trong bất kì cơ quan báo chí nào ở nước ngoài, trong nước họ cũng bị thiệt thòi vì cơ quan kiểm duyệt chủ yếu nằm trong tay cộng sản, nghĩa là báo chí của P.O.U.M. dễ bị cấm đoán hay bị phạt nếu đăng các tài liệu có hại cho cộng sản. Công bằng mà nói, mặc dù P.O.U.M. suốt ngày rao giảng về cách mạng và trích dẫn Lenin đến phát chán, nhưng họ thường không hạ mình đến mức bôi bác cá nhân người nào. Hơn nữa, họ chỉ tranh luận trên báo. Những tờ biểu ngữ lớn nhiều màu sắc dành cho công chúng của họ (biểu ngữ đóng vai trò quan trọng vì có nhiều người mù chữ) không công kích các đảng đối lập mà thường là kêu gọi đấu tranh chống phát xít hay cách mạng chung chung, các bài ca mà dân quân thường hát cũng như vậy. Cộng sản khác hẳn. Tôi sẽ trở lại vấn đề này sau. Ở đây tôi chỉ có thể mô tả một cách ngắn gọn phương pháp công kích của cộng sản mà thôi.

Mới nhìn thì cộng sản và P.O.U.M. chỉ tranh cãi với nhau về mặt chiến thuật. P.O.U.M. muốn làm cách mạng ngay lập tức, còn cộng sản thì không. Về mặt này thì mọi sự đều rõ ràng: mỗi bên đều đưa ra đủ lí lẽ ủng hộ cho quan điểm của mình. Nhưng cộng sản còn khẳng định rằng chính sách tuyên truyền của P.O.U.M. đã gây chia rẽ và làm suy yếu lực lượng chính phủ, nghĩa là bên ta sẽ gặp nhiều khó khăn hơn. Một lần nữa, mặc dù cuối cùng ý kiến này đã không thuyết phục được tôi, nhưng nó cũng chứa đựng một phần sự thật. Nhưng đây chính là đặc thù của cộng sản. Đầu tiên họ còn thăm dò, sau đó càng ngày càng công khai khẳng định rằng P.O.U.M., không phải do lầm lẫn mà là cố tình gây chia rẽ lực lượng chính phủ. Người ta còn tuyên bố rằng P.O.U.M. chỉ là một băng đảng phát xít cải trang, tay sai của Franco và Hitler, to mồm hô hào các khẩu hiệu giả cách mạng chỉ có lợi cho bọn phát xít. P.O.U.M. là tổ chức “Trotskyist” và là “đội quân thứ năm” của Franco. Điều đó có nghĩa là hàng chục ngàn công nhân, trong đó có từ tám đến mười ngàn binh sỹ đang chết cóng trong các chiến hào và hàng trăm người ngoại quốc, những người đã đến Tây Ban Nha để chiến đấu chống phát xít, những người phải hi sinh cả đời sống đầy đủ tiện nghi lẫn quốc tịch của mình khi làm như thế, hoá ra lại là những kẻ phản bội, tay sai của kẻ thù. Câu chuyện như thế được phổ biến trên các băng rôn và các phương tiện tuyên truyền khác khắp cả nước Tây Ban Nha và được nhắc đi nhắc lại trên báo chí cộng sản và thân cộng sản toàn thế giới. Tôi có thể viết được dăm cuốn sách nếu chịu khó bỏ công thu thập những câu người ta đã nói, đã viết về vấn đề này.

Như vậy là cộng sản đã gọi chúng tôi là Trotskyists, là phát xít, là kẻ phản bội, là bọn giết người, là lũ hèn nhát, là gián điệp ..v.v... Phải công nhận rằng đấy là điều không hay, nhất là khi nghĩ đến những người chịu trách nhiệm về những việc như thế. Thật chẳng thú vị gì khi chứng kiến cảnh một cậu bé Tây Ban Nha mười lăm tuổi được khiêng khỏi chiến hào trên một cái cáng, mặt trắng bệch, và nghĩ đến những người đầu tóc bóng láng ở London hay Paris đang viết những bài báo chứng minh rằng cậu bé kia chỉ là một tên phát xít cải trang. Một trong những đặc trưng khủng khiếp của chiến tranh là tất cả các tài liệu tuyên truyền, tất cả những tiếng gào thét và dối trá, tất cả lòng hận thù đều do những kẻ ngồi tít ở hậu phương bịa đặt ra. Những người dân quân của P.S.U.C. mà tôi biết trên chiến tuyến, những đảng viên cộng sản trong các binh đoàn quốc tế mà thỉnh thoảng tôi gặp không bao giờ gọi tôi là Trotskyist hay phản bội, họ dành việc đó cho các nhà báo ở hậu phương. Những kẻ viết các tờ rơi chống lại chúng tôi, bôi bác chúng tôi trên mặt báo đang sống một cách an toàn ở nhà họ hay trong trường hợp xấu nhất thì cũng đang sống trong các văn phòng ở Valencia, cách những chỗ bom rơi đạn lạc và bùn lầy hàng trăm cây số. Ngoài những lời lăng mạ mà các đảng phái tung vào mặt nhau, tất cả những điều nhảm nhí khác về chiến tranh, tất cả những lời huyênh hoang, những lời ca ngợi quân ta và phỉ báng kẻ thù thường là đều do những kẻ ngồi ở hậu phương, những kẻ sẽ vắt chân lên cổ mà chạy khi chiến tranh đến gần, sáng tác ra. Một trong những bài học bi thảm nhất mà cuộc chiến tranh này đã dạy cho tôi là: báo chí cánh tả cũng đầy những chuyện dối trá và bất lương chẳng khác gì cánh hữu.

Tôi thực sự tin rằng chúng tôi, nghĩa là phía chính phủ, đang tiến hành một cuộc chiến tranh khác hẳn với những cuộc chiến tranh đế quốc bình thường khác, nhưng bộ máy tuyên truyền lại làm cho ta không thể nghĩ như thế. Chiến dịch vừa bùng nổ là báo chí, cả cánh tả lẫn cánh hữu, lập tức xông vào chửi bới. Hẳn mọi người còn nhớ đầu đề bài báo trân tờ Daily Mail's: “CỘNG SẢN ĐÓNG ĐINH CÂU RÚT CÁC NỮ TU!”, trong khi tờ Daily Worker thì viết rằng các binh đoàn lê dương của Franco “gồm toàn những tên sát nhân, những kẻ buôn bán phụ nữ, những kẻ nghiện hút và cặn bã từ tất cả các nước châu Âu”. Tháng 10 năm 1937, tờ New Statesman còn thết chúng tôi câu chuyện cổ tích rằng bọn phát xít bắt các trẻ em còn sống nắm đè lên nhau thành chiến luỹ (khó làm chiến luỹ với loại vật liệu như thế lắm), còn ngài Arthur Bryant thì tuyên bố rằng “cưa chân một nhà buôn bảo thủ” là việc thường ngày bên phía quân đội cộng hoà. Sáng tác ra những chuyện nhảm nhí như thế là những người chưa từng chiến đấu bao giờ, có thể họ nghĩ rằng viết như thế cũng là chiến đấu rồi. Cuộc chiến tranh nào cũng thế cả, trong khi lính tráng đánh nhau thì các nhà báo hò hét và chẳng có một người yêu nước chân chính nào chịu đến gần chiến hào, trừ khi đấy là một chuyến đi mang tính tuyên truyền. Đôi khi tôi còn lấy làm khoái chí khi nghĩ rằng máy bay đang làm thay đổi điều kiện của chiến tranh. Có thể, khi cuộc chiến tranh lớn sắp tới xảy ra, chúng ta sẽ nhìn thấy một hiện tượng chưa từng có trong lịch sử: một người yêu nước to mồm bị bắn vỡ sọ.

Đối với các nhà báo, cuộc chiến tranh này, cũng như mọi cuộc chiến tranh khác, chỉ là một phi vụ làm ăn mà thôi. Nhưng ở đây có một sự khác biệt, đấy là các nhà báo thường dành cho kẻ thù những lời công kích mãnh liệt nhất, song lần này, cộng sản và P.O.U.M. lại viết về nhau với những lời lẽ càng ngày càng độc địa hơn, độc địa hơn cả những lời họ dành cho bọn phát xít nữa. Tuy nhiên, tôi đã không còn coi đấy là điều quan trọng nữa. Việc các đảng phái cắn xé nhau làm cho tôi bực mình, thậm chí kinh tởm, nhưng tôi cho rằng đấy việc anh em trong nhà cãi nhau. Tôi không tin là nó có thể thay đổi được điều gì hay ở đây có sự bất đồng không thể nào dung hoà được. Tôi nhận thức được rằng cộng sản và những người theo đường lối tự do quyết tâm cản trở cuộc cách mạng, tôi không nhận thức được rằng họ có đủ sức đẩy lùi được nó.

Có đầy đủ cơ sở để nghĩ như thế. Tôi nằm ngoài mặt trận trong suốt thời gian này, mà ở mặt trận thì tình hình xã hội và chính trị không có gì thay đổi cả. Tôi rời Barcelona vào đầu tháng giêng và mãi đến cuối tháng tư mới được nghỉ phép, suốt thời gian đó và cả sau này, trên khu vực mặt trận Aragon, do lực lượng vô chính phủ và P.O.U.M. kiểm soát, tình hình vẫn không có gì thay đổi. Không khí cách mạng vẫn giữ nguyên như hồi tôi mới đến. Tướng lĩnh và binh nhì, người nông dân và binh sỹ vẫn giao tiếp với nhau như những người bằng vai phải lứa; mọi người đều nhận một mức lương như nhau, mặc một lọai quần áo như nhau, ăn thức ăn như nhau và cùng gọi nhau là “anh” hay “đồng chí”; không còn chủ tớ, không còn người ăn mày, không còn gái điếm, không có luật sư, không còn cha cố, không còn cảnh nịnh bợ, cũng không còn cảnh giơ tay lên ngang vành mũ nữa. Tôi đắm mình trong không khí bình đẳng và thật ngây thơ khi nghĩ rằng khắp nước Tây Ban Nha đều như thế cả. Tôi không thể nào biết được rằng do may mắn mà tôi đã lọt được vào khu vực cách mạng nhất của giai cấp công nhân Tây Ban Nha.

Cho nên khi các đồng chí có nhận thức chính trị sâu sắc hơn nói rằng không được dùng quan điểm thuần túy quân sự để xem xét cuộc chiến này và cần phải lựa chọn giữa cách mạng và chủ nghĩa phát xít thì tôi đã muốn cười vào mặt họ. Nói chung, tôi đồng ý quan điểm của cộng sản, tóm tắt là: “Chúng ta không thể nói đến cách mạng trước khi giành được thắng lợichứ không đồng ý với quan điểm của P.O.U.M., theo đó “Chúng ta phải tiến lên, nếu không thì chúng ta phải rút lui.Sau này tôi mới nghĩ rằng P.O.U.M. có lí, hay ít nhất thì cũng có lí hơn cộng sản, nhưng đây không phải là lí thuyết suông. Cứ theo giấy tờ thì quan điểm của cộng sản có vè thuyết phục hơn, nhưng vấn đ là hành động thực tế lại làm cho người ta không tin rằng đấy là những người trung thực. Cái khẩu hiệu thường được nhắc đi nhắc lại: “Chiến tranh trước, cách mạng sauchỉ là một câu nói sáo rỗng, nhưng đã tạo được lòng tin trong các chiến sỹ trong lực lượng dân quân P.S.U.C., họ thực sự nghĩ rằng người ta sẽ tiếp tục làm cách mạng ngay sau chiến thắng. Thực ra, không phải là cộng sản đang níu kéo cuộc cách mạng cho đến một thời điểm thích hợp hơn mà là đang tìm mọi cách làm cho nó không bao giờ xảy ra. Chuyện này càng ngày càng trở nên rõ ràng, càng ngày giai cấp công nhân càng mất dần quyền lực, càng ngày càng có nhiều người cách mạng thuộc đ mọi khuynh hướng bị tống vào tù. Tất cả đều nhân danh nhu cầu quân sự, nhưng đấy chỉ là cái cớ; có thể nói đã được bịa ra từ trước, còn thực chất lại là đẩy giai cấp công nhân khỏi những vị trí thuận lợi và dồn họ vào vị thế mà sau này, tức sau khi chiến tranh chấm dứt họ sẽ không thể kháng cự được sự phục hồi của chủ nghĩa tư bản. Xin nhớ rằng tôi không chống lại những đảng viên cộng sản bình thường và dĩ nhiên là không chống lại hàng ngàn đảng viên cộng sản đã anh dũng hi sinh trong những trận đánh ở ngoại ô thành phố Madrid. Nhưng họ lại không phải là những người quyết định chính sách của đảng. Trong khi đó, không thể tin được rằng những người lãnh đạo của họ đã nhắm mắt làm liều.

Nhưng cuối cùng thì vẫn cần phải thắng cuộc chiến tranh này, dù rằng cách mạng có thể thất bại. Và tôi bắt đầu nghi ngờ, không hiểu cộng sản có muốn chiến thắng hay không. Rất ít người nhận thức được rằng mỗi giai đoạn của cuộc chiến lại cần những chính sách khác nhau. Quân vô chính phủ đã cứu được tình hình trong hai tháng đầu, nhưng họ không thể tổ chức được cuộc kháng chiến trong giai đoạn sau; cộng sản có lẽ đã cứu được tình hình trong giai đoạn từ tháng mười đến tháng mười hai nhưng giành chiến thắng toàn triệt là việc hoàn toàn khác. Hầu như tất cả mọi người ở Anh đều chấp nhận chính sách của cộng sản vì rất ít chỉ trích được phép xuất hiện trên mặt báo và vì đường lối chung của nó là chấm dứt sự rối loạn do cách mạng gây ra, là tăng cường sản xuất và thành lập quân đội chính qui, tất cả đều có vẻ thực tế và hiệu quả. Cần phải nói đến điểm yếu nội tại của chính sách này.

Nhằm ngăn chặn từ trong trứng nước bất cứ xu hướng cách mạng nào và làm cho cuộc chiến càng ngày càng gần với cuộc chiến tranh thông thường thì cần phải tránh xa các cơ hội mang tính chiến lược có thể xuất hiện trên thực tế. Tôi đã mô tả quân trang của chúng tôi trên mặt trận Aragon. Không nghi ngờ gì rằng người ta đã cố tình cản trở việc cấp phát vũ khí, để chúng không rơi vào tay lực lượng vô chính phủ vì sợ rằng sau này họ sẽ sử dụng để làm cách mạng; kết quả là cuộc phản công trên mặt trận Aragon, một cuộc phản công có thể buộc lực lượng của Franco phải rút khỏi Bilbao, thậm chí rút khỏi Madrid đã không thể nào xảy ra được. Nhưng đấy chỉ là chuyện nhỏ. Quan trọng hơn là khi cuộc chiến bị thu hẹp lại thành “chiến đấu vì dân chủ” thì không thể nào kêu gọi sự giúp đỡ của giai cấp công nhân thế giới được nữa. Nhìn thẳng vào sự thật, chúng ta phải công nhận rằng giai cấp công nhân thế giới có thái độ bàng quan đối với cuộc chiến tranh Tây Ban Nha. Hàng chục ngàn người đã tham gia chiến đấu, nhưng hàng chục triệu người ở phía sau đã tỏ ra lãnh đạm. Trong năm đầu tiên, các quỹ “trợ giúp Tây Ban Nha” khác nhau của nước Anh chỉ quyên góp được đâu khoảng hai trăm năm mươi ngàn Bảng, có lẽ còn ít hơn một nửa số tiền mua vé xem phim trong một tuần lễ. Giai cấp công nhân các nước dân chủ có thể giúp đỡ các đồng chí Tây Ban Nha bằng cách bãi công hay tẩy chay hàng hoá. Nhưng chuyện đó chưa bao giờ xảy ra. Lãnh tụ các đảng cộng sản và đảng lao động khắp nơi đều tuyên bố rằng không thể làm thế được; chắc chắn là họ có lí, đấy là nói khi họ vẫn tiếp tục gào đến khản họng rằng “đỏ” ở Tây Ban Nha không phải là “đỏ” thật. Kể từ Thế chiến I trở đi, câu “chiến đấu vì dân chủ” đã mang ý nghĩa xấu. Suốt nhiều năm, chính những người cộng sản đã dạy giai cấp công nhân toàn thế giới rằng “dân chủ” chỉ là một tên gọi khác của chủ nghĩa tư bản. Ban đầu thì nói “dân chủ là giả hiệu” rồi sau lại nói “chiến đấu vì dân chủ!” rõ ràng không phải là một chiến thuật hay. Những người cộng sản, được Liên Xô, lúc đó đang có uy tín rất lớn, ủng hộ. Nếu họ nhân danh nước “Tây Ban Nha cánh mạng” chứ không phải nhân danh “nước Tây Ban Nha dân chủ” thì chắc chắn lời kêu gọi của họ sẽ được đáp ứng.

Nhưng quan trọng nhất, nếu không thực hiện cải cách mang tính cách mạng thì sẽ khó, nếu không nói là không thể, tấn công được vào hậu phương của Franco. Cho đến tận mùa hè năm 1937, Franco kiểm soát được nhiều dân hơn chính phủ cộng hòa, phải nói là hơn rất nhiều, nếu tính cả các thuộc địa. Trong khi đó, lực lượng quân sự hai bên tương đương nhau. Ai cũng biết rằng nếu dân chúng ở hậu phương có thái độ thù địch thì lực lượng bảo vệ các tuyến giao thông, ngăn chặn bạo lọan ..v..v.. cũng phải ngang bằng với lực lượng ngòai mặt trận. Dễ hiểu là vì sao quần chúng ở hậu phương phát xít không nổi dậy. Không thể tin được rằng quần chúng trong vùng phát xít chiếm đóng, nhất là công nhân thành thị và nông dân nghèo, thích hay ủng hộ Franco; nhưng việc ngả sang phía hữu đã làm cho ưu thế của chính phủ cộng hòa giảm đi. Rõ nhất là trường hợp Morocco. Tại sao nhân dân Morocco không nổi dậy? Franco đang tìm cách thiết lập một nền độc tài khét tiếng nhất, thế mà người dân ở đấy lại ủng hộ nó chứ không ủng hộ chính phủ của Mặt trận Dân tộc! Sự thật là người ta đã không kích động cuộc khởi nghĩa ở Morocco vì làm như thế cũng có nghĩa là thổi tinh thần cách mạng vào cuộc chiến tranh. Muốn cho dân chúng tin tưởng vào sự trung thực của chính phủ cộng hòa thì việc đầu tiên là phải tuyên bố giải phóng cho Morocco. Chắc chắn là chính phủ Pháp sẽ phản đối. Một cơ hội mang tính chiến lược tuyệt vời nhất đã bị bỏ qua chỉ vì người ta vẫn nuôi hi vọng hão huyền rằng có thể xoa dịu được các nhà tư sản ở Anh và Pháp. Chính sách của cộng sản là biến cuộc chiến thành một cuộc nội chiến thông thường, mà không phải là chiến tranh cách mạng, nghĩa là chính phủ cộng hòa bị trói chân trói tay rất chặt. Muốn thắng cuộc chiến tranh kiểu đó thì phải có phương tiện kĩ thuật vượt trội, nghĩa là phải có nguồn cung cấp vũ khí vô giới hạn, nhưng Liên Xô là nước cung cấp vũ khí chủ yếu lại có hạn chế là ở xa quá trong khi Ý và Đức lại ở rất gần. Có thể khẩu hiệu của P.O.U.M. và lực lượng vô chính phủ: “Chiến tranh không tách rời với cách mạng” không đến nỗi thiếu thực tế như ban đầu người ta nghĩ.

Tôi đã giải thích vì sao tôi lại nghĩ chính sách phản cách mạng của cộng sản là sai, nhưng cũng hi vọng rằng tôi đã đánh giá không đúng về ảnh hưởng của nó đối với cuộc chiến. Tôi đã tự nhủ hàng ngàn lần như thế. Tôi chỉ mong chiến thắng, dù phải dùng bất cứ phương tiện nào. Nhưng dĩ nhiên là chúng ta không thể nói trước được bất cứ việc gì. Chính phủ có thể chuyển sang phía tả, người Morocco có thể tự nổi dậy, chính phủ Anh có thể quyết định mua chuộc để nước Ý rút khỏi cuộc chiến, mà cũng có thể chúng ta sẽ chiến thắng bằng các biện pháp quân sự - không ai có thể biết được. Tôi xin ghi lại các ý kiến bên trên, chỉ có thời gian mới trả lời được là tôi đúng hay sai mà thôi.

Nhưng tháng 2 năm 1937, tôi đã nhìn mọi việc với con mắt khác. Tôi phát chán vì cảnh ăn không ngồi rồi trên mặt trận Aragon và cái chính là tôi cho rằng mình không đóng góp đúng mức sức lực vào cuộc đấu tranh. Tôi thường nghĩ đến cái biểu ngữ Barcelona với những lời đòi hỏi gay gắt người qua đường “Bạn đã làm gì cho nền dân chủ” và tự nghĩ mình chỉ có thể trả lời: “Nhận khẩu phần ăn hàng ngày”. Khi tham gia lực lượng dân quân tôi đã tự hứa rằng phải giết cho bằng được một tên phát xít, nói cho cùng, nếu mỗi người chúng tôi đều giết được một tên thì chẳng mấy mà chúng sẽ tuyệt chủng. Cho đến nay, tôi vẫn chưa giết được tên nào và chắc là cũng khó có điều kiện giết trong tương lai. Tôi muốn đến Madrid, dĩ nhiên là như thế. Tất cả các binh sỹ, dù theo quan điểm chính trị nào, cũng đều muốn đến Madrid cả. Đấy có thể là do người ta muốn tham gia vào các lữ đòan quốc tế vì P.O.U.M. có rất ít quân ở Madrid, vô chính phủ cũng ít hơn trước đây.

Còn hiện nay thì phải lại trên chiến tuyến, nhưng tôi thường nói với mọi người rằng có thể sau khi đi phép tôi sẽ chuyển sang các lữ đoàn quốc tế, nghĩa là chịu sự chỉ huy của cộng sản. Nhiều người cố gắng thuyết phục tôi, nhưng không ai can thiệp. Phải công nhận rằng P.O.U.M. không đàn áp những người bất đồng chính kiến, thậm chí còn tỏ ra độ lượng nếu xét đến hoàn cảnh lúc đó; trừ bọn thân phát xít, không ai bị đàn áp vì quan điểm chính trị. Trong thời gian ở trong dân quân, tôi đã nhiều lần chỉ trích và chỉ trích một cách quyết liệt “đường lối” của P.O.U.M., nhưng không hề bị rắc rối gì. Không ai ép tôi phải ra nhập đảng, mặc dù theo tôi nghĩ đa số dân quân đều là đảng viên. Tôi không bao giờ vào đảng, sau này, khi P.O.U.M. bị đàn áp tôi vẫn lấy làm ân hận mãi vì chuyện đó.



[1] Đại tá Blimp – cách nói chế giễu những người bảo thủ Anh.
[2] Liên minh lao động toàn quốc.
[3] Tổng hiệp hội công nhân.
[4] Liên đoàn thanh niên cộng sản Iberian
[5] Liên đoàn thanh niên xã hội chủ nghĩa thống nhất
[6] Đảng lao động độc lập (của Anh)
[7] Đấy là Quiroga, Barrios và Giral. Hai ông đầu không chịu phát vũ khí cho lực lượng công đoàn.
[8] Chính vì thế mà trên mặt trận Aragon, nơi các đơn vị vô chính phủ đóng vai trò chủ đạo, có rất ít vũ khí của Liên Xô. Đến tháng 4 năm 1937, vũ khí duy nhất là tôi thấy, nếu không kể máy bay cũng có thể do Liên Xô sản xuất, là một khẩu súng máy.
[9] Cortes - Quốc hội Tây Ban Nha
[10] Cuốn The Spanish Cockpit của Franz Borkenau mô tả rất rõ cuộc đấu tranh trong nội bộ liên minh cầm quyền. Đây là tác phẩm thuyết phục nhất về cuộc chiến tranh Tây Ban Nha từ trước tới nay.
[11] Tháng 6 năm 1936 P.O.U.M. có 10.000 thành viên, tháng 12 năm 1936 có 70.000, tháng 6 năm 1937 có 40.000. Nhưng đây là số liệu chính thức do P.O.U.M. công bố, các đảng thù địch với nó đưa ra số liệu ít hơn, theo tôi, phải đến 4 lần. Điều duy nhất có thể nói một cách chắc chắn về số đảng viên, đấy là đảng nào cũng đưa vống số lượng đảng viên lên.

No comments:

Post a Comment