April 13, 2013

George Orwell - Tưởng niệm Catalonia


Vài lời phi lộ: Nhằm thiết thực tổ chức kỉ niệm lần thứ 110 ngày sinh của George Orwell (25 tháng 6 năm 2003 – 25 tháng 6 2013), từ ngày hôm nay bắt đầu khởi đăng tác phầm Homage to Catalonia (Tưởng niệm Catalonia)

Homage to Catalonia là một trong những cuốn sách du ký hay nhất của mọi thời đại do George Orwell (1903-1950) - một nhà văn, một nhà phê bình văn học nổi tiếng người Anh đã  viết như thế.

Còn nhà bình luận Arthur Herman thì nói: Nghiên cứu thế kỉ XX mà không đọc cuốn sách này là một thiếu sót lớn. Tác phẩm Homage to Catalonia kể về giai đoạn nội chiến ở Tây Ban Nha (1936-1939) mà tác giả từng tham gia, trong đó có những trang rất xúc động nói về tình đồng chí, đồng đội giữa những người dân quân đang phải sống trong hoàn cảnh hết sức khó khăn, thiếu thốn về vật chất. Họ xem nhau như những người bạn, những người anh em cùng chung lý tưởng, mà trên hết là tinh thần cách mạng quân bình giữa những sỹ quan và binh sỹ, không có sự phân biệt đẳng cấp, đối xử bất bình đẳng.  Chính nó đã tạo cho George Orwell suy nghĩ về một xã hội tốt đẹp, một xã hội phi giai cấp mà trước đây ông chưa từng biết đến.

Cũng thông qua tác phẩm này, Orwell muốn gửi gắm đến đọc giả phần nào tính cách của con người và của thiên nhiên Tây Ban Nha, với những đoạn văn làm cho người đọc xúc động, chan chứa tình yêu đối với miền đất đầy đau thương này.

Homage to Catalonia là tác phẩm này đứng thứ 3 trong bảng tổng sắp 100 tác phẩm non-fiction hay nhất thế kỉ XX do tờ National Review bình chọn, còn nhà xuất bản Random House thì xếp nó ở thứ 42. Nó cũng cho ta thấy một hình ảnh George Orwell khác với Orwell, tác giả của Trại súc vật1984.


George Orwell
Tưởng niệm Catalonia
Phạm Nguyên Trường dịch

Chớ đáp lời kẻ ngu tuỳ sự ngu dại của nó,
E con giống như nó chăng.
Hãy đáp lời kẻ ngu tuỳ sự ngu dại của nó,
Kẻo nó khôn ngoan theo mắt nó chăng.
Châm-Ngôn 26, 5-6

1.

Một ngày trước khi gia nhập lực lượng dân quân, tôi đã trông thấy một dân quân người Ý đứng trước bàn sỹ quan tham mưu trong trại lính mang tên Lenin Barcelona.

Đấy là một chàng trai chừng hai lăm, hai sáu tuổi, vai rộng, tóc nâu, trông rất rắn rỏi. Chiếc mũ chào mào bằng da đội trễ hẳn sang một bên. Anh đứng, cạnh sườn quay về phía tôi, cằm thu vào sát ngực, dán cặp mắt đầy ưu tư lên tấm bản đồ được một sỹ quan trải trên mặt bàn. Có một cái gì đó trên nét mặt anh làm tôi vô cùng xúc động. Đấy là nét mặt của một người sẵn sàng giết hoặc hi sinh mạng sống của mình vì bạn bè – ta vẫn mường tượng đấy là một người vô chính phủ, nhưng anh này lẽ là một người cộng sản thì đúng hơn. Nét mặt của anh ta thể hiện cả tính bộc trực lẫn thói hung ác, và sự xun xoe của một kẻ ít học đối với những người mà anh ta cho là cao quí hơn mình. Rõ ràng là anh ta chẳng biết bản đ đầu đuôi ra sao, cũng thấy rõ là anh cho rằng phải thông minh tài trí lắm thì mới đọc được tấm bản đ trước mặt. Không biết tại sao, nhưng hiếm khi tôi gặp người nào – ý tôi nói là đàn ôngmà tôi lại có cảm tình ngay như vậy. Trong khi họ ngồi nói chuyện thì một người nào đó đã buột miệng nói rằng tôi là người ngọai quốc. Anh chàng người Ý quay sang và nói rất nhanh:

- Italiano[1]
- No, Inglés. Y tú?[2], tôi ấp úng đáp lại bằng tiếng Tây Ban Nha
- Italiano[3].

Khi chúng tôi đi ra, anh bước lại phía tôi và bắt tay tôi thật chặt. Có cảm tình ngay với một người ngọai quốc, chuyện lạ đấy chứ! Có cảm giác như tâm hồn anh và tôi đã bắc được chiếc cầu vượt qua đại dương mênh mông của ngôn ngữ và truyền thống để hòa quyện với nhau trong niềm thương mến thương vô bờ bến. Tôi tin rằng anh cũng có cảm tình với tôi như tôi có cảm tình với anh vậy. Nhưng tôi cũng biết rằng muốn giữ được tình cảm ban đầu thì tôi không bao giờ được gặp lại anh ta nữa. Dĩ nhiên là chúng tôi chẳng bao giờ còn gặp lại nhau. Ở Tây Ban Nha những cuộc gặp gỡ bất ngờ như thế là chuyện bình thường.

Tôi nhắc đến anh chàng dân quân người Ý này vì hình ảnh của anh vẫn còn sống động trong tâm trí tôi. Với bộ quân phục đã sờn và khuôn mặt dữ tợn nhưng cũng dễ làm người ta mủi lòng; đối với tôi, anh chính là nhân vật điển hình của thời đó. Anh luôn gắn bó với những kỉ niệm của tôi về một thời chiến tranh: những là cờ đỏ trên đường phố Barcelona, những đoàn tầu dài lê thê chở đầy những người lính nhếch nhác, rách rưới bò ra mặt trận, những phố thị xám ngoét bị chiến tranh tàn phá, những giao thông hào đầy bùn với cái lạnh thấu xương trên sườn núi.

Chuyện đó xảy ra vào cuối tháng 12 năm 1937, tức là mới cách đây bảy tháng, thế mà thấy như đã lâu lắm rồi. Những sự kiện sau đó đã làm chúng trở nên nhạt nhòa còn hơn cả những chuyện xảy ra vào năm 1935, thậm chí 1905. Tôi đến Tây Ban Nha với ý định viết báo, nhưng tôi đã tham gia vào lực lượng dân quân gần như ngay lập tức, vì vào lúc đó và trong khung cảnh đó thì đây có vẻ là quyết định duy nhất có thể chấp nhận được.

Trên thực tế, những người vô chính phủ vẫn kiểm soát được Catalonia, còn cách mạng thì đang ở cao trào. Đối với những người từng có mặt ở đây từ những ngày đầu tiên thì có vẻ như cách mạng đã rơi vào thoái trào vào tháng mười hai hoặc tháng một; nhưng đối với một người mới từ Anh tới thì khung cảnh Barcelona vừa làm người ta ngạc nhiên vừa làm người ta choáng váng. Đây là lần đầu tiên tôi có mặt trong một thành phố, nơi giai cấp công nhân đã nắm được quyền lực. Hầu như tất cả các tòa nhà lớn đều đã bị công nhân tịch thu và có treo cờ đỏ hoặc cờ nửa đỏ nửa đen của lực lượng vô chính phủ; tất cả các bức tường đều có hình búa liềm và tên của các đảng cách mạng; hầu hết các nhà thờ đều bị cướp phá sạch, tranh ảnh bị đốt hết.

Cứ một quãng lại thấy có đám công nhân đang đập phá nhà thờ. Tất cả các cửa hàng và quán café đều có bảng hiệu nói rằng đã được tập thể hóa; ngay cả hiệu đánh giày cũng được tập thể hóa, mấy chiệc hộp đựng đồ nghề cũ được sơn hai màu đỏ và đen. Những người hầu bàn và nhân viên bán hàng nhìn thẳng vào mặt khách và coi khách như bạn bè. Cảnh quị lụy và ngay cả những từ thưa gửi, xã giao, cũng tạm thời biến mất. Không thấy ai nói “Señior” hay “Don”, thậm chí “ông” cũng không thấy ai nói; mọi người đều gọi nhau là “đồng chí” và “anh”, và nói “Chào!” chứ không “Chào ông ạ!” khi gặp nhau như xưa nữa.

Tiền lót tay bị pháp luật cấm hoàn toàn, tôi đã được người quản lí khách sạn dạy cho bài học đầu tiên khi vừa định đưa cho người coi thang máy vài xu. Không ai có ô tô riêng, tất cả đều bị quân đội trưng dụng; tàu điện, taxi cũng như phần lớn các phương tiện vận tải khác cũng đều được sơn hai màu đỏ và đen. Khẩu hiệu cách mạng hiện diện khắp nơi, tất cả các bức tường đều rực lên một màu đỏ hoặc xanh da trời, một vài biển hiệu quảng cáo còn sót lại trông giống như những vết bùn nhem nhuốc. Trên phố Ramblas, con phố chính của thị trấn, người đi lại như mắc cửi; suốt ngày, thậm chí đến tận đêm khuya, những bài ca cách mạng còn tiếp tục gầm réo trên loa phóng thanh. Nhưng khó hiểu nhất chính là diện mạo của đám đông. Nhìn cách ăn mặc, người ta có thể nghĩ rằng ở đây đã không còn người giàu nữa. Trừ mấy người phụ nữ và một ít người ngoại quốc, chẳng còn người nào có thể được gọi là “ăn vận lịch sự”. Hầu như tất cả mọi người đều mặc quần áo lao động hoặc những bộ đồng phục màu xanh hay những kiểu đồng phục của các đơn vị dân quân. Tất cả đều có vẻ bất bình thường và làm cho người ta cảm thấy lo lo thế nào đó. Có nhiều việc tôi không hiểu, thậm chí có những việc tôi không thích, nhưng tôi lập tức nhận ra rằng đây chính là sự nghiệp mà mình phải chiến đấu để bảo vệ. Tôi còn tin rằng mọi việc được thể hiện đúng như chúng đang là, rằng đây chính là đất nước của giai cấp công nhân, toàn bộ giai cấp tư sản đã bỏ trốn hay bị giết hoặc đã chạy sang phía giai cấp công nhân rồi; tôi không ngờ rằng nhiều nhà tư bản giàu có đã nằm im thở khẽ và chỉ đóng giả vô sản trong một thời gian mà thôi.

Hoà quyện với tất cả những chuyện đó là cái âm hưởng quái gở của chiến tranh. Thành phố trông có vẻ hoang vắng và bẩn thỉu; phố xá, nhà cửa thì rách nát; ban đêm cũng chỉ có vài ngọn đèn đường mờ đục vì sợ máy bay tấn công; hầu hết các nhà hàng đều xuống cấp và gần như trống rỗng. Thịt là của hiếm, sữa thì gần như đã biến mất hẳn, thiếu cả than, đường, dầu hoả, bánh mì cũng thiếu một cách nghiêm trọng. Muốn mua bánh mì cũng phải xếp hàng dài cả trăm mét. Nhưng theo tôi nhận xét thì dân chúng có vẻ hài lòng và tràn đầy hi vọng. Không có người thất nghiệp, giá cả sinh hoạt thấp; ít thấy những người nghèo đến mức cơ cực, không còn người ăn xin, trừ dân Di-Gan. Vượt lên trên tất cả là niềm tin vào cách mạng, vào tương lai; là cảm giác như vừa thực hiện xong một cú nhảy đột ngột vào thời đại của bình đẳng và tự do. Mọi người đều cố gắng cư xử như những con người thực thụ chứ không còn như những chiếc ốc vít trong cỗ máy của chủ nghĩa tư bản nữa. Trong tất cả các hiệu cắt tóc đều có treo các khẩu hiệu của đảng vô chính phủ (đa số thợ cắt tóc đều theo phe vô chính phủ) long trọng giải thích rằng thợ cắt tóc không còn là những người nô lệ nữa. Trên đường phố còn có cả những khẩu hiệu đủ màu sắc kêu gọi các cô gái điếm bỏ nghề. Những người thuộc nền văn minh mang tính diễu cợt và khô khan như dân chúng các nước nói tiếng Anh sẽ coi việc những người Tây Ban Nha đầy lí tưởng thực sự tin vào những khẩu hiệu sáo rỗng của cách mạng có cái gì đó mang tính cải lương. Lúc đó, trên đường phố người ta còn bán những bản ballad, chỉ có vài xu một bản, đấy là những bài ca cách mạng chất phác, nói về lòng hữu ái giai cấp của giai cấp vô sản và sự độc ác của Mussolini. Tôi thường thấy những người dân quân gần như chưa thoát nạn mù chữ mua những bản ballad đó rồi kiên nhẫn đánh vần từng từ một cho đến khi thuộc lòng rồi cất tiếng hát theo giai điệu phù hợp.

Tôi doanh trại mang tên Lenin trong suốt thời gian được coi là giai đoạn huấn luyện trước khi ra mặt trận. Khi ghi danh, tôi được người ta bảo là sẽ lên đường ngay ngày hôm sau, nhưng trên thực tế, tôi phải đợi cho đến khi thành lập xong một centuria mới. Các đơn vị vũ trang công nhân, do các tổ chức công đoàn vội vã lập nên trong thời kì đầu cuộc chiến, không được tổ chức như các đơn vị quân đội chính qui. Các đơn vị được gọi là “phân đội”, khoảng ba mươi người; trên nữa gọi là centuria, có khoảng một trăm người; còn “đơn vị” thì bao nhiêu người cũng được. Doanh trại mang tên Lenin là một dãy nhà xây bằng đá rất đẹp, có khu quần ngựa và một cái sân lát đá rất rộng; cái doanh trại kị binh này đã bị quân cách mạng chiếm trong những trận đánh diễn ra vào tháng bảy. Centuria của tôi ngủ trong một cái chuồng ngựa, ngay bên dưới máng ăn bằng đá còn ghi đầy đủ tên từng chú ngựa chiến được nuôi ở đây. Tất cả ngựa đều bị trưng dụng và đưa ra mặt trận rồi, nhưng mùi nước đái ngựa và mùi lúa mạch thối thì vẫn còn. Tôi sống trong doanh trại khoảng một tuần. Tôi nhớ nhất là mùi ngựa và tiếng kèn xung trận ngập ngừng (tất cả lính kèn của chúng tôi đều là dân nghiệp dư – mãi khi ra trận tôi mới được nghe nghe tiếng kèn hiệu của quân đội Tây Ban Nha, đấy là tiếng kèn của quân phát xít phía bên kia chiến hào), tiếng giày đinh lạo xạo trên sân, những buổi duyệt binh buổi sáng dưới ánh nắng mùa đông, những trận đá bóng cuồng nhiệt - mỗi bên năm mươi người – trên sân quần ngựa lát sỏi. Lúc đó, trong doanh trại có khoảng một ngàn đàn ông và vài chục phụ nữ; ngoài ra, còn có vợ của các dân quân nữa, họ làm luôn vai trò chị nuôi. Lúc đó, phụ nữ cũng tòng quân, tuy số lượng không nhiều. Trong những trận đánh đầu tiên, phụ nữ chiến đấu bên cạnh nam giới, mọi người cũng coi đấy là chuyện bình thường. Đấy được coi là đương nhiên trong thời buổi cách mạng. Sau này, người ta nghĩ khác. Bây giờ, khi phụ nữ tập thì đàn ông phải đứng thật xa vì họ hay chế diễu, làm phụ nữ mất tập trung. Thế mà mới cách đây vài tháng, chẳng ai lấy làm ngạc nhiên khi thấy một người phụ nữ đeo súng.

Doanh trại lúc nào cũng bẩn thỉu và lộn xộn. Tòa nhà nào bị dân quân chiếm đóng cũng như thế cả, có vẻ như đấy chính là sản phẩm phụ của cách mạng. Góc nhà nào cũng đầy bàn ghế gẫy, yên ngựa hỏng, mũ sắt kị binh bẹp, bao kiếm rỗng và thức ăn thiu. Sự lãng phí thức ăn, đặc biệt là bánh mì, thật là khủng khiếp. Chỉ riêng trại của tôi bữa nào cũng vứt đi cả sọt bánh mì, một việc thật đáng xấu hổ, nhất là lúc đó dân chúng lại đang bị đói. Chúng tôi ngồi ăn quanh những cái bàn dài, thực ra là những tấm ván kê trên hai cái ghế ngựa, bát ăn làm bằng sắt tây, lúc nào cũng nhớp mỡ, còn đồ uống thì đựng trong một cái bình quái gở gọi là porron. Porron là một cái chai bằng thủy tinh có vòi, chỉ cần lật nghiêng là rượu vang sẽ phun thành tia, có thể uống mà không cần ghé môi vào vòi, mọi người cứ thề xoay vòng. Tôi đã đứng lên phản đối khi trông thấy cách uống như thế và đòi bằng được một cái ly. Tôi thấy mấy cái poron này trông chẳng khác gì chai nước chườm, nhất là khi đựng đầy vang trắng.

Dần dần những người mới nhập ngũ đều được phát đồng phục, và vì đây là Tây Ban Nha cho nên chỉ được phát từng thứ một, chẳng thể nào biết được ai đã được nhận cái gì; có những thứ chúng tôi rất cần như thắt lưng hay băng đạn thì lại chỉ được nhận vào phút chót, khi tầu hỏa đã chuẩn bị đưa chúng tôi ra mặt trận. Tôi vừa nói từ “đồng phục”, nhưng từ này có thể làm bạn đọc hiểu lầm. Đấy không phải là những bộ đồng phục như ta vẫn thấy. Có thể phải gọi là “đa sắc phục” thì mới đúng. Nói chung, mọi người đều mặc tương đối giống nhau, nhưng không bao giờ có hai bộ hòan tòan như nhau. Tất cả quân nhân đều mặc quần nhung dài đến đầu gối, đấy là sự giống nhau duy nhất. Một số người quấn xà cạp, một số người đi ghệt bằng nhung, một số thì đi ủng. Tất cả đều mặc áo blu-dông có phecmơtuya, nhưng cái thì bằng da, cái thì bằng vải len đủ màu sắc khác nhau. Mũ cũng thế, có bao nhiêu người thì có bấy nhiêu kiểu mũ. Phía trước mũ thường được trang trí bằng phù hiệu đảng, ngoài ra gần như ai cũng thắt quanh cổ một chiếc khăn tay màu đỏ hay nửa đỏ, nửa đen.  Đúng là một lũ hỗn quân hỗn quan. Nhưng quần áo là do nhiều nhà máy khác nhau sản xuất và phải phát ngay, nếu xét đến hoàn cảnh lúc đó thì phải nói cũng không đến nỗi tồi.  Áo và tất bằng vải bông chất lượng rất kém, chẳng giúp được gì khi trời lạnh. Tôi thật không muốn nhắc lại những điều mà các dân quân đã trải qua trong những tháng đầu tiên, khi mọi việc vẫn còn rất lộn xộn. Tôi còn nhớ hai tháng trước đã đọc một bài báo, trong đó một lãnh tụ của P.O.U.M[4]., sau khi đi thị sát mặt trận về, đã tuyên bố rằng sẽ cố gắng “phát cho mỗi chiến sỹ một cái chăn”. Câu này khiến những người từng ngủ trong chiến hào phải rùng mình vì lạnh.

Tôi đến hôm trước thì hôm sau bắt đầu cái có thể gọi một cách khôi hài là “huấn luyện”. Lúc đầu, mọi sự bắt đầu một cách lộn xộn không thể tưởng tượng nổi. Phần lớn tân binh mới mười sáu, mười bảy tuổi, xuất thân từ các khu phố nghèo của Barcelona, đầy nhiệt tình cách mạng, nhưng hoàn toàn không biết chiến tranh có nghĩa là gì. Xếp hàng đã là việc cực kì khó. Không có tí kỉ luật nào, ai không thích có thể nhảy ra cãi nhau tay đôi với chỉ huy. Huấn luyện chúng tôi là một trung uý trẻ, khoẻ mạnh, nét mặt tươi tỉnh và dễ thương. Anh ta vốn là sỹ quan trong quân đội thường trực, có thể thấy rõ điều đó qua dáng điệu và bộ quân phục còn mới toanh của anh. Tôi vô cùng ngạc nhiên khi biết rằng anh ta là một người ủng hộ chủ nghĩa xã hội nhiệt tình và rất chân thành. Anh đòi mọi người đều phải được bình đẳng, không phân biệt cấp bậc, còn hơn cả các chiến sỹ. Tôi còn nhớ nét mặt đau khổ của anh khi một tân binh ngốc nghếch gọi anh là “Ngài”. “Cái gì? Ngài à? Ai vừa gọi tôi là Ngài? Chả lẽ tất cả chúng ta không phải là đồng chí hay sao?”. Tôi nghĩ rằng chuyện này cũng chẳng làm cho công việc huấn luyện của anh được dễ dàng hơn. Trong khi đó, các tân binh được huấn luyện toàn những chuyện vô bổ cả. Người ta bảo tôi rằng người nước ngoài không cần tham gia “huấn luyện” (dân Tây Ban Nha, như tôi thấy, tin rằng tất cả người ngoại quốc đều biết các vấn đề quân sự giỏi hơn họ), nhưng dĩ nhiên là tôi vẫn ra bãi tập cùng với mọi người. Tôi rất muốn học bắn súng máy, chưa bao giờ tôi có dịp làm quen với loại vũ khí này. Tôi thực sự hoảng hốt khi thấy người ta không dạy chúng tôi sử dụng vũ khí. Cái gọi là huấn luyện chỉ đơn giản là những kĩ năng cũ rích và cực kì ngu xuẩn: quay phải, quay trái, quay đằng sau, đi đều bước và những thứ nhảm nhí khác mà tôi đã học từ lúc mười lăm tuổi. Thật không thể tưởng tượng nổi là người ta lại huấn luyện cho dân quân những chuyện như thế. Rõ ràng là nếu người lính chỉ được huấn luyện trong vòng có mấy ngày thì phải dạy cho anh ta những điều cần thiết nhất: ẩn nấp, di chuyển trên đồng vắng, đứng gác, đào công sự và trên hết là sử dụng vũ khí. Nhưng những chàng trai trẻ đầy nhiệt huyết, những người sẽ được ném ra mặt trận trong vài ngày tới, lại không được dạy ngay cả cách sử dụng một khẩu súng trường hay rút chốt lựu đạn. Lúc đó tôi đâu có biết là họ không có súng để dạy. Lực lượng vũ trang của P.O.U.M. thiếu súng một cách tuyệt vọng đến mức các đơn vị mới phải dùng súng của các đơn vị đang rời trận địa. Trong doanh trại mang tên Lenin, tôi tin là cũng chỉ có mấy khẩu đặt ở trạm gác mà thôi.

Sau vài ngày, mặc dù xét theo tiêu chuẩn nào thì chúng tôi vẫn còn là một lũ hỗn quân hỗn quan, nhưng người ta cho là có thể đem ra cho quần chúng chiêm ngưỡng được rồi và buổi sáng hôm đó chúng tôi được xếp hàng rồi đi thẳng ra công viên ở phía sau quảng trường Espana. Đây là nơi duyệt binh của các lực lượng vũ trang của tất cả các đảng phái. Ngoài ra, còn có công an vũ trang và những đơn vị đầu tiên của Quân đội nhân dân vừa được thành lập nữa. Quang cảnh công viên thật là lạ và vui. Trên tất cả các con đường và các lối đi, giữa những luống hoa được cắt tỉa cẩn thận là các trung đội, đại đội nặng nề cất bước, ngực ưỡn ra đằng trước, cố gắng làm ra vẻ như những người lính thực thụ. Tất cả đều không có súng, không người nào có một bộ đồng phục thực sự, thậm chí nhiều người còn mặc những bộ quân phục đã bị vá. Thủ tục luôn luôn giống nhau. Chúng tôi đi đều bước, đi qua rồi đi lại suốt ba tiếng đồng hồ (bước duyệt binh của người Tây Ban Nha ngắn và nhanh), sau đó được nghỉ, giải tán và chạy vội xuống cái cửa hàng nhỏ có bán loại rượu vang rẻ tiền ở lưng chừng đồi. Mọi người đều tỏ ra thân mật với tôi. Ai cũng ngạc nhiên khi biết tôi là người Anh, mấy ông sỹ quan cảnh sát vũ trang hỏi đủ thứ chuyện rồi mời tôi mấy ly. Trong lúc đó, tôi đã kéo tay trung uý của của chúng tôi vào một góc và tìm cách thuyết phục anh ta dạy bắn súng máy. Tôi phải lôi cuốn từ điển Hugo ra khỏi túi áo và bắt đầu nói với anh ta bằng thứ tiếng Tây Ban Nha khủng bố của mình: “Yo sé manejar fusil. No sé manejar ametralladora. Quiero apprender ametralladora. Quándo vamos apprender ametralladora?[5]

Anh mỉm cười một cách ngượng nghịu và hứa mañana[6] sẽ dạy. Nói rằng mañana sẽ chẳng bao giờ tới là thừa. Lại thêm mấy ngày nữa, các tân binh đã học đi đều bước và tuân thủ hiệu lệnh gần như hoàn hảo rồi, họ còn biết đạn sẽ bay ra từ đầu nào của khẩu súng nữa, nhưng đấy là tất cả kiến thức quân sự mà họ có lúc đó. Một hôm, trong khi chúng tôi đang giải lao thì có một người cảnh sát vũ trang mang khẩu súng trường tới cho chúng tôi xem. Hoá ra cả trung đội, trừ tôi ra, không người nào biết lắp đạn, ngắm bắn thì càng không cần nói tới rồi.

Suốt thời gian đó, tôi vẫn tiếp tục chiến đấu với tiếng Tây Ban Nha. Trong doanh trại, ngoài tôi ra chỉ có một người Anh nữa, ngay các sỹ quan cũng không có ai nói được một từ tiếng Pháp nào. Tôi còn gặp khó khăn hơn vì các bạn đồng ngũ thường nói chuyện với nhau bằng tiếng Catalonia. Tôi chỉ còn mỗi một cách là đi đâu cũng mang theo một cuốn từ điển và rút ra đúng lúc nguy kịch nhất. Nhưng nếu phải ở nước ngoài thì tôi nghĩ không đâu tốt hơn là Tây Ban Nha. Người Tây Ban Nha dễ làm thân lắm. Chỉ mới một hai ngày mà đã có khoảng hai chục người gọi tôi bằng tên tục, họ giúp tôi nắm rõ tình hình và hiếu khách vô cùng. Đây không phải là tác phẩm tuyên truyền và tôi cũng không muốn lý tưởng hoá lực lượng dân quân của P.O.U.M. Hệ thống quân sự có những khiếm khuyết nghiêm trọng, quân nhân gồm đủ các hạng người khác nhau vì lúc đó số quân tình nguyện đã giảm nhiều, đa số những người xứng đáng nhất đã ở mặt trận hoặc hy sinh rồi. Trong các đơn vị của chúng tôi lúc nào cũng có một số người hoàn toàn vô dụng. Những đứa trẻ mới mười lăm tuổi được cha mẹ dẫn đến ghi danh, họ công khai nói rằng để nhận mỗi ngày mười đồng, tức là lương của các dân quân lúc đó, ngoài ra còn bánh mì thừa nữa vì dân quân được phát nhiểu, có thể tuồn về cho gia đình một ít. Nhưng tôi tin rằng bất cứ ai có điều kiện sống cùng giai cấp công nhân Tây Ban Nha, đúng ra phải nói rằng giai cấp công nhân Catalonia vì ngoài mấy người Aragon và Anadaluse ra, xung quanh tôi chủ yếu với người Catalonia, đều sẽ phải kinh ngạc trước sự cao thượng, mà trước hết là thái độ thẳng thắn và sự hào phóng của họ. Sự hào phóng của người Tây Ban Nha, theo đúng nghĩa của từ này, đôi khi làm người ta lúng túng. Nếu bạn hỏi xin một điếu thuốc, người Tây Ban Nha có thể dúi vào tay bạn cả một bao. Ngoài ra, sự hào phóng của họ còn có ý nghĩa sâu sắc hơn, đây đúng là những tâm hồn rộng lượng mà tôi đã gặp không biết bao nhiêu lần trong những hoàn cảnh khó khăn nhất. Một số phóng viên và những người ngoại quốc khác từng đến Tây Ban Nha trong thời gian diễn ra cuộc chiến đã tuyên bố rằng ở chỗ riêng tư, người Tây Ban Nha tỏ thái độ bất mãn với sự giúp đỡ của ngoại quốc. Tôi chỉ có thể nói rằng chưa bao giờ thấy những chuyện tương tự như thế. Tôi còn nhớ, trước khi rời doanh trại vài ngày có một nhóm chiến sỹ đi phép từ mặt trận về. Họ kể chuyện chiến đấu rất sôi nổi và rất phấn khởi khi nói đến một đơn vị quân Pháp chiến đấu bên cạnh họ ở Huesca. Người Pháp dũng cảm lắm, họ bảo thế và nói thêm: “Más valientes que nosotros” — “dũng cảm hơn chúng ta!”. Dĩ nhiên là tôi phản đối, nhưng họ giải thích rằng người Pháp chiến đấu giỏi hơn, ném lựu đạn chính xác hơn, bắn chính xác hơn, vân vân. Tôi cho đấy là một thái độ rất đặc biệt. Người Anh thà để người ta chặt tay chứ không bao giờ nói như thế.

Chỉ cần sống vài tuần ở đây là sẽ thấy người Tây Ban Nha rất đáng yêu, nhưng một vài tính cách của họ cũng có thể làm ta tức đến không chịu nổi. Ngoài mặt trận, đôi khi họ làm tôi đến phát điên lên được. Người Tây Ban Nha giỏi nhiều việc, nhưng đánh nhau thì rất kém. Sự vụng về và trên hết là sự tùy tiện của họ đã làm tất cả người ngọai quốc phải kinh ngạc. Có một từ mà người ngọai quốc nào cũng biết, đấy là từ mañana — “ngày mai” (đúng ra là “buổi sáng”). Hễ có thể hoãn được là y như rằng bao giờ họ cũng để đến mañana. Chính người Tây Ban Nha cũng cảm thấy khó chịu vì sự lề mề của mình và mang ra chế giễu. Ở Tây Ban Nha, không có việc gì, từ bữa ăn cho đến trận đánh, có thể diễn ra đúng thời gian qui định. Nói chung, mọi việc đều diễn ra muộn hơn qui định, nhưng đôi khi, để cho người ta không dựa dẫm vào sự chậm chễ, công việc lại được tiến hành sớm hơn rất nhiều. Nếu tầu hỏa phải khởi hành vào lúc tám giờ thì bao giờ cũng khởi hành vào khoảng từ chín đến mười giờ, nhưng mỗi tuần một lần, người lái tầu có thể đột nhiên muốn cho tầu chạy sớm, thế là nó có thể xuất phát vào lúc bảy giờ rưỡi cũng nên. Những chuyện như thế gây ra khá nhiều phiền phức. Về lí thuyết, tôi thán phục người Tây Ban Nha vì họ không bị mắc cái bệnh cứng nhắc về thời gian biểu như chúng ta. Chỉ tiếc là chính tôi cũng mắc căn bệnh đó.

Sau rất nhiều đồn đoán, nhiều mañana và trì hoãn, chúng tôi bất ngờ nhận được lệnh lên đường sau hai giờ nữa, trong khi phần lớn quân trang quân dụng vẫn chưa được cấp. Khu vực kho ồn ào như chợ vỡ, nhưng vào phút chót một số chiến sỹ vẫn không nhận được đầy đủ quân trang quân dụng. Một đám phụ nữ, không biết từ đâu, bất ngờ xuất hiện trong doanh trại, họ giúp người thân gập chăn màn và sắp xếp ba lô. Thật là xấu hổ khi tôi được một người phụ nữ Tây Ban Nha, vợ của Williams - một dân quân người Anh khác - hướng dẫn cách đeo băng đạn bằng da mới tinh. Đấy là một người phụ nữ dịu dàng, có đôi mắt đen, trông rất hiền thục, tưởng như công việc của cô chỉ là ru nôi, nhưng sự thật là cô đã chiến đấu rất dũng cảm khi diễn ra các trận đánh ngay trên đường phố vào tháng bảy vừa qua. Cô đem theo cả đứa con mới sinh sau khi chiến tranh bùng nổ mười tháng vào doanh trại, đứa bé này có thể đã được thụ thai ngay đằng sau chiến lũy.

Tầu phải khởi hàng vào lúc tám giờ, nhưng mãi đến tám giờ mười các sỹ quan mệt phờ, mặt lấm tấm mồ hôi mới sắp xếp được chúng tôi thành hàng ngũ trong sân trại. Tôi vẫn còn nhớ rõ chiếc sân được chiếu sáng bằng đèn pha, tiếng hò hét và cảnh ồn ào nhộn nhịp, những lá cờ đỏ tung bay dưới ánh đèn, những hàng dài các binh sỹ ba lô trên lưng và những tấm chăn cuộn tròn quấn qua vai giống như những băng đạn, tiếng quát tháo, tiếng giầy đinh và tiếng lenh keng của những chiếc bi đông, rồi có tiếng hô rất to yêu cầu giữ trật tự; sau đó là một chính trị viên đứng bên dưới một tấm biểu ngữ màu đỏ úy lạo bằng tiếng Catalonia. Cuối cùng, họ đưa chúng tôi ra ga, theo con đường xa nhất, chừng năm sáu cây số để cho cả thành phố đều thấy. Đoàn quân dừng lại một lúc ở Ramblas để nghe mấy bản nhạc cách mạng do đội kèn trình diễn. Rồi lại duyệt binh, những tiếng reo hò và những vẻ mặt thán phục, những lá cờ đỏ rồi cờ nửa đỏ nửa đen tung bay khắp nơi, đám đông chen lấn trên vỉa hè để chào đón chúng tôi, còn trên cửa sổ các ngôi nhà là những người phụ nữ đang vẫy tay chào. Lúc đó sao cảm thấy tất cả đều tự nhiên đến thế, còn nay sao lại thấy xa vời và khó tin đến như thế! Tàu chật đến nỗi ngay trên sàn cũng không còn chỗ chứ đừng nói đến ghế. Vợ Williams xuất hiện trên sân ga ngay trước khi tầu xuất phát, cô đem đến cho chúng tôi một chai rượu vang và một khúc lạp xưởng dài đến vài gang, màu đỏ, có mùi xà phòng, ai ăn vào cũng bị tiêu chảy cả. Tầu chậm chạm bò ra khỏi Catalonia và đi về hướng cao nguyên Aragon với tốc độ trung bình của thời chiến, tức là khỏang hai mươi cây số một giờ.



[1] Người Ý à?
[2] Không, người Anh. Còn anh?
[3] Người Ý.
[4] Đảng công nhân thống nhất mác-xít, theo đường lối trái ngược với đường lối của Cộng sản quốc tế do Liên Xô đứng đầu - ND.
[5] Tôi biết sử dụng súng trường. Tôi không biết bắn súng cối. Tôi muốn học bắn súng cối. Lúc nào chúng ta sẽ học súng cối?  
[6] Ngày mai.

No comments:

Post a Comment