November 2, 2012

Bàn về cấm đoán trong kinh tế (Bài 2)


John Attarian

Thuốc lá lậu và các chính khách cứng đầu, khó dạy

Phạm Nguyên trường dịch

 “Trong lịch sử chỉ có một điều chắc chắn: nhân loại không thể dạy được”, Winston Churchill đã nói với thực khách như thế trong một buổi tối vào tháng 1 năm 1941[1].


Lúc đó ông đang thảo luận về quan hệ quốc tế, nhưng câu đó cũng nhắm vào những sai lầm ngớ ngẩn về mặt kinh tế của các chính khách. Thực ra, những ngôn từ sáng suốt của Churchill cần phải được khắc lên tường của toà nhà nghị viện bang Michigan ở Lansing.
Bang Michigan đang vật lộn với vấn đề buôn lậu thuốc lá. Buôn lậu và những tội phạm liên quan với nó đang là vấn đề đau đầu và ngày càng xấu hơn.
Nhưng chính quyền bang chỉ nên tự trách mình. Michigan tạo ra vấn đề buôn lậu vào năm 1994, đấy là khi họ tăng thuế từ 25 xu một bao lên 75 xu một bao – nghĩa là tăng tới 200%[2]. Tăng thuế là nhằm tăng thu nhập bị mất do giảm thuế đánh vào tài sản và hạn chế việc hút thuốc lá. (Rõ ràng là có sức ép giữa hai mục tiêu).
Thuế thậm chí không làm tăng thêm được số tiền mà người ta kì vọng[3]. Nhưng tăng thuế đã kích thích tệ buôn lậu thuốc lá. Do tăng giá bán lẻ mà thuốc lá ở Michigan đắt hơn thuốc lá ở những bang có thuế suất thấp hơn. Giá càng chênh lệch thì càng kích thích người ta mua ở chỗ rẻ hơn, rồi vận chuyển tới chỗ đắt hơn và bán mà không nộp thuế. Khi giá thuốc lá của người buôn lậu rẻ hơn giá thuốc lá hợp pháp (do thuế khóa mà ra), anh ta sẽ có người mua. Khi thuế môn bài thấp, lợi nhuận của người buôn lậu cũng thấp và vì vậy mà không đáng làm. Nhưng khi thuế muôn bài cao, khác biệt về giá cả giữa các vùng miền cũng sẽ cao. Do đó, muốn ngăn chặn nạn buôn lậu thuốc lá thì trước hết phải sửa đổi thuế suất.
Cảnh báo của lịch sử 
Đấy là tất cả vấn đề. Người ta tự hỏi vì sao những người chủ trương tăng thuế không biết điều đó. Nhưng điều làm cho những đau khổ của Michigan trở thành khủng khiếp lại đã được lịch sử cảnh báo nhiều lần về những điều sẽ xảy ra nếu bang này tăng thuế môn bài đối với thuốc lá.
Hai thế kỉ trước, Anh không đánh thuế thu nhập. Thay vì thế, ngoài thuế đất và thuế quan bảo hộ, Anh còn đánh thuế nhập khẩu và thuế môn bài nhiều mặt hàng, trong đó có rượu, rượu vang, bia, giày, vật liệu xây dựng, cửa sổ, báo chí, nến, đường, muối, xà phòng, thuốc lá, tơ lụa, đồ gia vị và trà[4]. Thuế khóa làm cho đời sống đắt đỏ, cho nên bị nhiều người cực lực phản đối; cuốn từ điển nổi tiếng của Samuel Johnson định nghĩa thuế môn bài là “thuế đáng ghét đánh vào hàng tiêu dùng”[5]. Nhu cầu chi tiêu cho những cuộc chiến tranh thường xuyên dưới trào vua George đã làm cho thuế môn bài và thuế nhập khẩu gia tăng liên tục; thí dụ thuế nhập khẩu tăng từ 10% vào năm 1698 lên 25% vào năm 1759 và còn tăng hơn nữa trong cuộc Cách mạng Mĩ[6].
Không có gì ngạc nhiên khi nhà sử học T.S. Ashton viết: “Thuế cao làm cho buôn lậu gia tăng. Lợi nhuận của thương mại ngầm phụ thuộc vào sự chênh lệch giữa giá cả ở Anh và ở nước ngoài”[7]. Nạn buôn lậu tràn ngập nước Anh; những người buôn lậu có tổ chức tốt cai quản cả những đội thương thuyền và toa tàu chở hàng hóa. Buôn lậu lan tràn lại sinh ra nạn bạo lực và tham nhũng. Quan chức của chính phủ nhắm mắt làm ngơ hay thậm chí có tham gia vào hoạt động buôn lậu nữa – trong đó có cả bộ trưởng hải quân và bộ trưởng tài chính. Do hàng hóa rẻ, người Anh giả vờ như không để ý đến nạn buôn lậu và sẵn sàng mua hàng buôn lậu. Cho đến năm 1780, mỗi năm nước này nhập lậu tới 3 triệu bảng, trong khi hàng nhập khẩu hợp pháp chỉ khoảng 12 triệu bảng mà thôi[8].
Buôn lậu trà trở thành vấn nạn khủng khiếp. Từ một món chỉ có một ít người dùng, trong thế kỉ XVIII trà đã trở thành món giải khát quốc gia. Nhưng trà là món hàng nhập khẩu, mà thuế nhập khẩu là 119%. Thị trường rộng lớn kết hợp với thuế suất cao càng khuyến khích người ta buôn lậu. Hậu quả thật là khủng khiếp đối với ngân khố của Anh, vì bị mất một khoản tiền rất lớn và cả đối với công ty Đông Ấn nữa; công ty này được chính phủ ban cho độc quyền nhập khẩu trà hợp pháp, nhưng bị những người buôn lậu bán hàng rẻ hơn cạnh tranh và suýt bị phá sản. Năm 1784, kế toán công ty này đánh giá rằng khoảng hai phần ba trà ở Anh là hàng buôn lậu[9].
Adam Smith công nhận mối liên hệ giữa thuế cao và buôn lậu. Hơn nữa, ông còn chỉ ra những điều bất công trong việc trừng phạt người buôn lậu, ông viết: “Luật pháp, đi ngược lại những nguyên tắc bình thường của công lí, đầu tiên là tạo ra những thứ có sức cám dỗ, rồi sau đó trừng phạt những người bị nó mê hoặc; và nó thường làm cho sự trừng phạt gia tăng tỉ lệ thuận với chính những hoàn cảnh, tức là sự cám dỗ, mà đáng lẽ nó phải làm cho nhẹ bớt đi”[10].
Đối với Smith, biện pháp chữa trị là rõ ràng: giảm thuế để người ta không muốn buôn lậu nữa hoặc làm cho buôn lậu trở thành khó khăn bằng cách “thiết lập hệ thống quản lí phù hợp nhất nhằm ngăn chặn nó”[11].
Thủ tướng William Pitt nhận thức được rằng chỉ có một cách chặn đứng nạn buôn lậu trà, đấy là không để cho nó lợi nhuận cao như thế và năm 1784, ông hạ thuế đánh vào trà nhập khẩu xuống còn 12,5%. Giá trà nhập khẩu hợp pháp giảm đi nhanh chóng, nạn buôn lậu cũng giảm theo. Một năm sau, lượng trà nhập khẩu hợp pháp tăng gấp ba lần[12].  Chẳng bao lâu sau, buôn lậu trà chỉ còn là kỉ niệm.
Công nhận là khó mà có thể hi vọng rằng các nhà làm luật và những người cai trị biết được nhiều về lịch sử nước Anh hay bỏ ra những ngày nghỉ mưa gió cuối tuần để đọc Adam Smith. Nhưng trước khi tăng thuế đánh vào thuốc lá đã có một trường hợp khác, ở ngay nước Canada, nó phải dạy họ một điều gì chứ.
Bài học Canada 
Nhằm ngăn chặn việc hút thuốc lá, mấy năm trước chính phủ Canada đã tăng gấp ba lần thuế đánh vào thuốc lá. Năm 1994, một cây thuốc lá có giá 41$ Canada, trong đó 33$ là tiền thuế, trong khi trung bình một cây thuốc lá ở Mĩ phải đóng thuế 16$. Thuốc lá Canada xuất khẩu miễn thuế rẻ hơn. Bọn buôn lậu lập tức lợi dụng sự chênh lệch đó. Họ mua thuốc lá Canada từ những người bán buôn Mĩ, rồi đưa trở lại Canada và bán rong trên thị trường chợ đen. 
Canada tìm cách đàn áp thẳng tay – như Adam Smith từng nói, bằng cách nâng mức phạt cho cân xứng với sức quyền rũ. Năm 1992, nước này nâng mức phạt từ 5 năm tù và 25.000$ lên thành 5 năm tù và 500.000$. Hải quan Canada tịch thu 14.500 vụ buôn lậu thuốc lá và khoảng 100 người bị kết án sau khi tăng thuế. Tiền và người được tăng cường thêm, nhưng buôn lậu vẫn tiếp tục. Bọn buôn lậu đã cho thấy trí tưởng tượng và tài xoay sở trong việc dấu thuốc lá trong xe tải và những ngôi nhà di động[13].
Cuối cùng, vào tháng 2 năm 1994, chính phủ liên bang Canada chịu thua. Họ giảm thuế cho mỗi cây là 5$ và cho chính quyền các tỉnh được quyền cắt giảm thêm tối đa đến 10$ một cây. Gộp chung lại, giảm thuế làm cho giá mỗi cây thuốc giảm đi một nửa. Quebec và Ontario, nơi có đa số người Canada sinh sống, làm theo. Chỉ trong một đêm, giá một cây thuốc lá giảm từ 41$ xuống còn 18$. Không còn lợi nhuận, vấn đề buôn lậu của Canada cũng chấm dứt theo.
Bang Ohio bên cạnh cũng thế. Năm 1993, Ohio tăng thuế đánh vào thuốc là, làm cho giá một bao thuốc nhảy lên đến 2,20$ cho tới 2,3$. Nhiều người hút thuốc mua thuốc từ bang Michigan, nơi thuốc lá rẻ hơn. Ohio phải cắt giảm thuế thuốc lá.
Họ không học được gì 
Mặc dù đã có những câu chuyện minh họa cho những hậu quả tương tự, trong năm 1994, Phương án A của thống đốc John Engler, nhằm cải tải tạo hệ thống thuế khóa và tài trợ cho trường học, đề nghị tăng gấp ba lần thuế đánh vào thuốc lá; cử tri Michigan đã ủng hộ đề xuất này. Biểu suất thuế cao có hiệu lực vào ngày 1 tháng 5. Chẳng bao lâu sau, những vấn đề liên quan tới buôn lậu, từng quấy rầy nước Anh và Canada đã tấn công Michigan.
Tài khoản trong sổ sách chưa tăng mà người hút thuốc ở Michigan đã bắt đầu chạy sang Ohio và Indiana, nơi có thể mua một cây thuốc với giá 11,30$, thay vì 18$ như ở Michigan. Một chủ cửa hàng ở ngay biên giới Indiana cho rằng giá bán thuốc lá của anh ta đã tăng hơn 40% ngay trong ba tuần đầu sau khi tăng thuế. Bà chủ khách sạn cũ của tôi, một người rít thuốc liên tục, đi cả tiếng đồng hồ tới Toledo để mua vài cây thuốc. Tính cả tiền xăng thì như thế vẫn rẻ hơn là mua ở Michigan.
Thuốc lá hợp pháp ở Michigan bị thiệt hại tương ứng. Công trình nghiên cứu của Liên hiệp chống tội phạm và buôn lậu đánh giá rằng gần 20% thuốc lá được hút ở Michigan là hàng lậu. Tháng 10 năm 1995, Joseph Sarafa, giám đốc điều hành của hiệp hội những người bán thức ăn ở Michigan, cảnh báo rằng trong vòng một năm khoảng 10% cửa hàng có thể phải đóng cửa, một phần vì không cạnh tranh nổi với thuốc lá lậu rẻ hơn được bán ở những cửa hàng không trung thực.
Tội phạm gia tăng nhanh chóng là quả đắng thứ hai của việc tăng thuế. Chở 1.200 cây thuốc lá lậu trên một chuyến xe vào Michigan là kiếm được 8.000$ - và khuyến khích các chủ cửa hàng mua thuốc lá lậu. Vì vậy mà cả cá nhân lẫn doanh nghiệp đều bị cám dỗ, dễ dàng trở thành tội phạm.
Khá nhiều người phạm tội. Tháng 12 năm 1994, cảnh sát tịch thu hơn 4.000 cây thuốc lá lậu tại một kho thuốc lá ở Sterling Heights, và  số thuốc lá trị giá 60.000$ ở một cửa hàng ở Lake Orion. Một vụ khác thu được 5.600 cây thuốc (và 4.000$ thuốc nổ) từ một người đàn ông ở trạm cân Erie. Trong 10 tháng đầu hoạt động, đơn vị cảnh sát chống buôn lậu thuốc lá đã tịch thu được số thuốc lá lậu trị 1,6 triệu $. Tháng 10 năm 1995, theo báo cáo của Cục rượu, thuốc lá và súng thì Michigan là thị trường thuốc lá lậu lớn nhất nước Mĩ. Hàng chục người Michigan bị bắt ở bang New York, gần khu vực dành riêng cho người Da đỏ, tức là khu vực không đánh thuế thuốc lá và là nguồn cung cấp chủ yếu cho bọn buôn lậu. Trong năm 1997, ít nhất đã có 22 người và một công ty bị kết tội buôn lậu và hơn 25.000 cây thuốc lá lậu bị tịch thu.
Thuế khóa khuyến khích không chỉ buôn lậu. Bằng cách làm cho thuốc lá trở thành đắt đỏ, nó còn xúi giục người ta ăn cắp, mà chuyện này thường dẫn tới bạo lực đối với cả con người lẫn tài sản. Một băng cướp hoạt động ở Detroit bị nghi là đã cướp 40 cửa hàng bán thuốc lá. Trong một vụ xảy ra vào năm 1997, một người phụ nữ vào cửa hàng bán thuốc là và dụ người bán hàng ra sau quầy tính tiền để hỏi về xì-gà. Ba người đàn ông bước vào, trong đó ít nhất có một người có súng; họ trói người bán hàng lại và lấy đi 650 cây thuốc. Khi thuốc lá lậu còn mang lại nhiều lợi nhuận thì những hành động như thế này sẽ còn tiếp tục và trước sau gì cũng có người bị đau đớn – hay là tệ hơn thế.
Sau khi đã xảy ra tất cả những chuyện như thế, giảm thuế là rõ ràng. Nhưng cho đến nay chính quyền bang vẫn là minh chứng cho lời nhận xét đáng buồn của Churchill về cái sự khó dạy của giống người.
Đúng như nhận xét của Adam Smith, Michigan trừng phạt những người chạy theo những cám dỗ do pháp luật tạo ra. Chủ cửa hàng sẽ bị tội nặng nếu chứa chấp hơn 50$ thuốc lá lậu, có thể bị phạt tới 10.000 $ và bị bỏ tù. Người vi phạm còn có thể bị phạt thuế tới 45.000$ cho 100 cây thuốc. Buôn lậu bị phạt tới 5 năm tù giam.
Phản ứng gần đây nhất của Michigan đối với vấn đề buôn lậu là phát hành tem thuế, tức là tem để dán lên tất cả các bao thuốc lá sau ngày 1 tháng 12 năm 1997, càng cho thấy họ đã ngập sâu vào chủ nghĩa tập quyền. Người ta cho rằng dễ nhận ra thuốc lá hợp pháp thì sẽ giảm được lừa đảo.
Tem thuế có tác dụng không? Có thể không. Người sản xuất không thể ngăn bọn buôn lậu tiếp xúc với thuốc lá. Các băng nhóm buôn lậu sẽ muốn cướp những kho chứa thuốc lá đã dán tem. Hơn nữa, Rod Stamler, cựu phó giám đốc của cảnh sát Canada khẳng định rằng tem thuế có thể dẫn tới thế thượng phong của tội phạm có tổ chức trong lĩnh vực buôn lậu vì chúng có thể làm tem giả. Thực vậy, bản báo cáo Buôn lậu thuốc lá ở Mĩ do công ty kiểm toán Linquist, Avery, McDonald and Baskerville có trụ sở ở Mĩ, đưa ra vào năm 1995, nói rằng đã có bằng chứng về tem thuế giả ở California, Illinois, New York, và Texas.
Tội ác và bạo lực do thuế đánh vào thuốc lá gây ra đã khá tệ rồi. Tình hình sẽ còn tệ hơn nếu tội phạm có tổ chức trở thành hiện tượng nổi bật trong lĩnh vực buôn lậu. Bạo lực có xuất xứ từ thời Luật cấm nấu và bán rượu trong giai đoạn 1920-1933 và buôn bán ma túy hiện nay chỉ ra một cách dứt khoát những điều mà Michigan có thể sẽ phải trải nghiệm.
Rõ ràng là tem thuế cũng không thể ngăn được người dân sống gần biên giới bang vượt biên để mua thuốc lá. Ông Stamler cho rằng khoảng một phần ba buôn lậu là do những băng nhóm buôn lậu phức tạp và được tổ chức tốt thực hiện, còn khoảng hai phần ba là do những kẻ buôn lậu nhỏ lẻ hay các cá nhân đi sang bang khác để mua thuốc là về dùng. Nói cách khác, tem chỉ làm cho những kẻ buôn lậu thật sự tìm cách làm giả hay bị những băng nhóm tội phạm có tổ chức, có thể làm giả giành giật lấy mà thôi – trong khi miếng bánh của con sư tử trong việc buôn lậu không bị ảnh hưởng trừ khi cảnh sát khám xét những cửa hàng bán thuốc là lậu mua được từ những người buôn lậu nhỏ. 
Chỉ có một cách ngăn chặn nạn buôn lậu thuốc lá, để nó không thể xâm nhập vào Michigan, đấy là lập ra những trạm kiểm soát ở biên giới nhằm chặn và khám xét tất cả xe cộ đi vào – áp đặt những quy định ngặt nghèo đối với những người lái xe, cản trở doanh nghiệp và gánh nặng lên vai cảnh sát. Sau tất cả những thất bại đã được báo trước của tem thuế, đấy sẽ là bước đi hợp lí cho những chính phủ cứng đầu cứng cổ, không thể dạy nổi.
Kinh nghiệm của Michigan về tăng thuế đánh vào thuốc lá là trường hợp điển hình được nhìn thấy một lần nữa. Các chính khách dường như không thể học được gì từ lịch sử, mà phải tìm một cách khó khăn. Điều đáng tiếc là học phí của họ lại do nhân dân gánh chịu.

John Attarian là trợ lí nghiên cứu ở Midland, của trung tâm nghiên cứu chính sách công mang tên Mackinac có trụ ở ở Michigan và là người không hút thuốc.





[1] Martin Gilbert, Winston S. Churchill, vol. VI: Finest Hour, 1939–1941 (Boston: Houghton Mifflin Co., 1983), p. 994.
[2]  “Headin’ South,” Detroit News, May 22, 1994, p. 1D.
[3] “Cigarette Smuggling Costs State, Police Say,” Detroit News, November 26, 1996, p. 3D.
[4] Adam Smith, An Inquiry into the Nature and Causes of the Wealth of Nations (New York: G. P. Putnam’s Sons, 1965), p. 86.

[5] Will and Ariel Durant, The Story of Civilization, vol. X: Rousseau and Revolution (New York: Simon & Schuster, 1967), p. 824.
[6] T.S. Ashton, An Economic History of England: The 18th Century (London: Methuen and Company Ltd., 1972), pp. 162–163.
[7] Ashton, p. 163.
[8] Paul Johnson, A History of the English People (New York: Harper & Row, 1985), pp. 233n, 248
[9] Ashton, pp. 160, 165.
[10] Smith, pp. 832, 779.
[11] Ibid., p. 835.
[12] Ashton, p. 165; Johnson, p. 248.
[13] Information cited throughout the rest of this article comes from the following Detroit News accounts: “Butting Out Smugglers,” February 16, 1994, p. 6B; “Smokers Breathe a Sigh of Relief,” February 23, 1994, p. 2A; “Ohio Will Be a Draw to State Smokers,” March 16, 1994, p. 12A; “Headin’ South” (see endnote 2); “Millions Lost in Smuggled Smokes,” October 24, 1995, p. 1D; “Cigarette Smuggling Costs State, Police Say” (see endnote 3); “Bootleggers Burn Hole in State’s Pocketbook,” July 14, 1995, p. 1D; “Cigarette Smuggling Getting Worse, Cop Says,” October 28, 1995, p. 10A; “In Chesterfield Township: Suspected Ringleader Held in Cigar Shop Heists,” November 3, 1997, p. 3C; and “Black Market a Worldwide Growth Industry,” July 14, 1995, p. 1D.

No comments:

Post a Comment