August 13, 2012

Bướm nổi loạn


Phạm Thị Hoài

 
Vì sao trong lời cầu nguyện đặc biệt của ba cô gái Pussy Riot trên thánh đường nhà thờ Chúa Cứu thế ở Moskva hồi tháng Hai năm nay lại có điệp khúc “Xin Đức Mẹ đồng trinh hãy theo phái nữ quyền!”, bên cạnh điệp khúc “Xin Đức Mẹ đồng trinh hãy xua đuổi Putin!”? Vì sao họ chọn tên Pussy Riot? Không phải mèo, mà bướm nổi loạn, cùng một hướng như Femen, những chị em ngực trần phản kháng của họ ở Ukraine?


Câu trả lời có thể tìm thấy ngay trong tin nhắn hôm thứ Tư vừa rồi của Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin trên Twitter. Ông ta viết: “Mỗi con đ. về già đều ưa giảng đạo đức cho mọi người, đặc biệt là khi đi tour ở nước ngoài.” Chữ b viết tắt trong tiếng Nga là bliad, con điếm[1]. Con điếm ở đây là ngôi sao nhạc pop Madonna. Bối cảnh là đêm biểu diễn của Madonna tại sân vận động Olimpijski, Moskva, hôm thứ Ba, trong đó nữ ca sĩ xuất hiện trước 20.000 khán giả với tên Pussy Riot viết trên lưng trần và trùm mặt theo phong cách của ban nhạc này để cầu nguyện cho ba cô gái được trả tự do và chỉ trích chính sách đàn áp tự do ngôn luận của chính quyền Putin.

Ở tất cả những xã hội mà đàn ông vừa thản nhiên mua dâm vừa miệt thị đàn bà bán dâm và sẵn sàng dùng những danh xưng đầy xúc phạm chỉ nghề này để khóa mồm những phụ nữ dám đương đầu với họ, ở đó phong trào nữ quyền có cùng một giá trị như cuộc đấu tranh cho những quyền tự do căn bản của con người trong một xã hội chuyên chế. Điều đó không ít người đang sống trong những quốc gia cởi mở và tự do hoặc không biết, không muốn biết hoặc đã quên, thậm chí họ hoài nghi, giễu cợt những giá trị ấy và mệt mỏi với chúng. Không cần phải đồng tình vô điều kiện với cuộc đại náo 40 giây đồng hồ của ba cô gái Pussy Riot và cũng không cần phải là fan của Madonna, tôi dành thiện cảm cho hành động giới tính, đồng thời là hành động chính trị của họ cũng như cho những phát biểu mới đây của Mychio Phạm Ngà, khi phản ứng của một phần rất lớn đàn ông Việt Nam là đơn giản xếp cô vào hạng đàn bà không đáng đếm xỉa, hạng con điếm, với những bình luận đáng được tập hợp vào một phụ lục tham khảo cho Truyện Kiều, tác phẩm văn học đệ nhất quốc gia với một cô gái lầu xanh là nhân vật chính.
Vì sao cho đến thế kỉ này đa số đàn ông Việt Nam vẫn chỉ có thể nhìn thấy trong người đàn bà hoặc một người mẹ cao thượng, hoặc một con điếm vô luân? Làm sao có thể tin rằng những tay gia trưởng độc đoán trong gia đình, những gã người tình ích kỉ và đầy mặc cảm trong phòng the và bất công trong luyến ái, những người đàn ông khắc nghiệt, hẹp hòi, bảo thủ, giáo điều, muôn lần chết cứng trong các định kiến từ thời Trung cổ đối với phụ nữ, lại đồng thời là những công dân mà một xã hội hiện đại phấn đấu cho các giá trị khoan dung, công bằng, dân chủ và tự do không thể không có? Trong cái xã hội trước sau vẫn trọng nam khinh nữ, nơi quyền lực quốc gia, quyền lực trong gia đình và quyền lực trên giường vẫn chủ yếu thuộc về đàn ông, bướm Việt Nam sớm muộn rồi cũng phải nổi loạn.
© 2012 pro&contra


[1] Ở một quốc gia như Đức, phát ngôn nói trên của một chính khách ở vị trí như ông Dmitry Rogozin là một cú tự sát chính trị chóng vánh, trong vòng 24 giờ. Ở Nga của thời đại Putin và sự sùng bái nam tính gắn liền với cá nhân ông ta, nó góp phần tăng chiều cao chiếc ghế của vị Phó Thủ tướng. Để xoa dịu cơn phẫn nộ chủ yếu đến từ phương Tây, ông Rogozin tuyên bố trơn tuột trên Facebook rằng chữ b. viết tắt đó không nhất thiết phải là bliad, con điếm, mà có thể là balerina, vũ nữ, hay thậm chí là boginja, nữ thần.

No comments:

Post a Comment