June 3, 2012

Mark Skousen - Kinh tế học trên một trang giấy


Phạm Nguyên Trường dịch

Điều làm cho nó [kinh tế học] trở thành môn học hấp dẫn nhất là ở chỗ những nguyên tắc căn bản của nó đơn giản đến mức có thể viết trên một trang giấy, ai cũng có thể hiểu, nhưng ít người làm như thế[1]

—Milton Friedman

Lời tuyên bố bên trên của Friedman khiến tôi suy nghĩ: Có thể tóm tắt những nguyên lí cơ bản của môn kinh tế học vào một trang giấy được không? Xét cho cùng thì Henry Hazlitt đã cung cấp cho chúng ta một bản tóm tắt đầy sức thuyết phục những nguyên lí nền tảng của môn kinh tế  trong có một bài học [Economics in One Lesson]. Liệu có thể rút những khái niệm này xuống còn một trang không? 


Chính Friedman cũng không thử lập danh sách những khái niệm cơ bản đó khi ông tuyên bố như thế trong một cuộc phỏng vấn vào năm 1986. Sau khi lập được bản tóm tắt trên một trang giấy tôi có gửi cho ông. Trong bức thư trả lời ông có đưa thêm vài ý, nhưng ông không chịu kí xác nhận cố gắng của tôi.

Sau khi lập được danh sách những nguyên lí nền tảng, tôi buộc phải đồng ý với Friedman và Hazlitt. Những nguyên tắc của môn kinh tế học là khá đơn giản: Cung và cầu. Chi phí cơ hội. Lợi thế tương đối. Lời và lỗ. Cạnh tranh. Phân công lao động…v.v..

Thậm chí một ông giáo sư còn đề nghị với tôi là môn kinh tế học có thể rút lại chỉ còn một từ: giá cả. Tôi còn có thể đưa ra một đề nghị nữa: chi phí. Mọi thứ đều có giá, mọi thứ đều cần chi phí.

Ngoài ra, chính sách kinh tế đúng đắn là rất rõ ràng: Để cho thị trường, chứ không phải nhà nước xác lập giá cả và tiền lương. Không cho nhà nước can thiệp vào chính sách tiền tệ. Thuế phải thật thấp.  Chính phủ chỉ làm những việc mà các công dân không thể làm được cho mình. Chính phủ phải sống trong khuôn khổ số tiền mà họ có. Luật lệ và qui tắc phải tạo ra sân chơi bình đẳng. Thuế quan và những rào cản đối với ngành thương mại phải bị xóa bỏ càng nhiều càng tốt. Nói ngắn, chính phủ cai trị tốt nhất là chính phủ cai trị ít nhất.

Đáng tiếc là đôi khi các nhà kinh tế học lại quên mất những nguyên lí nền tảng này và họ thường sa đà vào những tiểu tiết của những mô hình khó hiểu, những lí thuyết cao xa, những nghiên cứu mang tính kinh viện và toán học. Tình hình đáng chán đến mức Arjo Klamer và David Colander, sau khi xem xét các luận văn tốt nghiệp tại các khoa kinh tế lớn trên khắp cả nước đã hỏi rằng vì sao chúng ta lại linh cảm được rằng tất cả những chuyện này đều là công toi hết?[2]

Sau đây là bản tóm tắt những nguyên lí căn bản của kinh tế học và chính sách kinh tế lành mạnh. Nếu ai có bất kì đề nghị cải tiến nào, tôi sẵn sàng chấp nhận.

Kinh tế học trên một trang giấy do Mark Skousen lập

1. Lợi ích cá nhân: Ước muốn cải thiện điều kiện sống xuất hiện cùng với chúng ta từ lúc ở trong bụng mẹ và sẽ không rời xa ta cho đến tận lúc xuống mồ (Adam Smith). Không ai chi tiền của người khác cẩn thận bằng chi tiền của chính mình.

2. Phát triển kinh tế: Bí quyết để có mức sống cao hơn là gia tăng tiết kiệm, tạo vốn, giáo dục và công nghệ.

3. Thương mại: Trong tất cả những vụ trao đổi tự nguyện, khi người ta có thông tin chính xác thì cả người mua lẫn người bán đều được lợi; vì vậy mà tăng cường buôn bán giữa các cá nhân, các nhóm người hay các nước làm cho cả hai bên đều có lợi.

4. Cạnh tranh: Nguồn lực của thế giới thì có hạn, còn nhu cầu thì vô hạn, cho nên cạnh tranh hiện diện trong tất cả các xã hội và nhà nước không thể ra sắc lệnh mà hủy bỏ được.

5. Hợp tác: Vì phần lớn người ta không thể tự túc được và vì hầu như tất cả mọi nguồn lực đều phải xử lí thì mới thành khả dụng được cho nên các cá nhân – người lao động, chủ đất, nhà tư bản và doanh nhân – phải cùng nhau làm việc để sản xuất ra các loại hàng hóa và dịch vụ có giá trị.

6. Phân công lao động và lợi thế tương đối: Sự khác nhau về tài năng, trí thông minh, hiểu biết và tài sản dẫn đến quá trình chuyên môn hóa và lợi thế tương đối của các cá nhân, các hãng và các dân tộc.

7. Phân hữu tri thức: Thông tin về phản ứng của thị trường có mặt khắp nơi và rất đa dạng, chính quyền trung ương không thể nắm bắt và tính toán hết được.

8. Lời và lỗ: Lời và lỗ là cơ chế thị trường, là kim chỉ nam hướng dẫn cho người ta biết nên sản xuất cái gì và không nên sản xuất cái gì.

9. Chi phí cơ hội: Vì nguồn lực và thời gian có hạn cho nên trong cuộc sống bao giờ cũng có sự thỏa hiệp. Nếu bạn muốn làm một cái gì đó thì bạn phải từ bỏ, không làm một cái gì đó khác mà bạn có thể muốn làm. Giá bạn trả cho việc tham gia vào hoạt động nào đó đúng bằng với chi phí cho những hoạt động mà bạn từ bỏ. 

10. Lí thuyết về giá cả: Giá cả được xác định bởi đánh giá mang tính chủ quan của người mua (cầu) và người bán (cung) chứ không phải bằng chi phí khách quan của quá trình sản xuất, giá càng cao thì người mua càng muốn mua ít, còn người bán thì càng muốn bán nhiều.

11. Quan hệ nhân quả: Có nhân thì có quả. Hành động của các cá nhân, các hãng và các chính phủ bao giờ cũng có ảnh hưởng đối với những chủ thể khác trong nền kinh tế; ảnh hưởng này có thể dự đoán được, mặc dù mức độ chính xác của dự đoán phụ thuộc vào mức độ phức tạp của những hành động có liên quan.

12. Tính bất định: Tương lai bao giờ cũng chứa đựng rủi ro và không chắc chắn nào đó, vì người ta thường đánh giá lại, người ta học được từ sai lầm của mình và thay đổi ý kiến, khó mà dự đoán được hành vi của họ trong tương lai.

13. Kinh tế học về sức lao động: Trong dài hạn, lương chỉ tăng khi năng suất lao động gia tăng, nghĩa là vốn đầu tư cho một lao động gia tăng; tiền lương cố định do nhà nước đưa ra cao hơn mức cân bằng của thị trường tạo ra thất nghiệp kinh niên.

14. Kiểm soát của chính phủ: Kiểm soát giá cả-tiền thuê-lương bổng có thể làm cho một số người hay nhóm người được lợi, nhưng không phải cho toàn xã hội; rút cục, việc kiểm soát như thế sẽ tạo ra thiếu hụt, thị trường chợ đen và làm cho chất lượng hàng hóa và dịch vụ kém đi. Không làm gì có bữa ăn miễn phí.

15. Tiền: Cố tình hạ thấp giá đồng tiền quốc gia, lãi suất thấp một cách giả tạo và chính sách tiền tệ dễ dàng [tăng cung tiền bằng cách hạ lãi suất -ND] chắc chắn sẽ dẫn tới lạm phát, chu kì bùng nổ-suy thoái và khủng hoảng kinh tế. Thị trường, chứ không phải nhà nước, phải quyết định chính sách tiền tệ và tín dụng.

16. Tài chính công: Muốn có hiệu quả cao và quản lí tốt, thì phải áp dụng các nguyên tắc của thị trường trong các công sở ngay khi điều đó trở thành khả thi: (1) Chính phủ chỉ nên làm những việc mà doanh nghiệp tư nhân không thể làm được, chính phủ không được tham gia làm những việc mà doanh nghiệp tư nhân có thể làm tốt hơn; (2) chính phủ phải sống trong khuôn khổ số tiền mà họ có; (3) phân tích chi phí-lời lãi: lợi ích biên tế phải lớn hơn chi phí biên tế; và (4) nguyên tắc thanh toán: người nhận được lợi ích từ dịch vụ nào thì phải trả tiền cho dịch vụ đó. 


Tiến sỹ Skousen giảng dạy kinh tế học tại Rollins College, khoa kinh tế học học, Winter Park, Florida 32789, và biên tập viên tờ Forecasts & Strategies, một trong những bản tin định kì chuyên về lĩnh vực đầu tư lớn nhất trong cả nước. Cuốn Economics of a Pure Gold Standard của ông vừa được quĩ FEE xuất bản lần thứ tư. 


Nguồn: http://www.thefreemanonline.org/columns/economics-in-one-page/#comment-101352


[1] Trích dẫn từ bài phỏng vấn trong Lives of the Laureates, do William Breit và Roger W. Spencer biên tập (Cambridge, Mass.: MIT Press, 1986), trang 91.

[2] Arjo Klamer và David Colander, The Making of an Economist (Boulder, Colo.: Westview Press, 1990), p. xiv. See also David Colander and Reuven Brenner, Educating Economists (Ann Arbor: University of Michigan Press, 1992).

11 comments:

  1. Hay thật anh ạ, em không ném đá :-)

    Em nghĩ có lẽ không riêng kinh tế học mà nhiều môn học khác đều có thể được tóm tắt thành các nguyên lý chung, chỉ trong một trang giấy/một tiết học, như thế này?

    ReplyDelete
    Replies
    1. Chắc thế. Cám ơn không ném đá. Trúng đầu đau lắm.

      Delete
    2. Sao lại sợ đau đầu vậy Chú, người ta ném đá chắc gì đã trúng.

      Delete
    3. Cứ sợ trước đi, nhỡ trúng thì sao.

      Delete
    4. mình mới vô đọc trang này thoi, nhưng thật sự mình đã mở mang thêm một tầm kiến thức ra rất nhiều.

      Delete
  2. Dispersion of knowledge, Anh Trường em không hiểu vì sao anh dịch "dispersion of knowledge" là "Phân hữu trí thức"? Có nên dịch là sự đa dạng của trí thức không anh? Dùng từ "Phân hữu" hơi khó hiểu quá.

    Cảm ơn anh đã có công chọn và dịch một bài hay.
    Mong anh luôn khỏe và hạnh phúc.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Theo tôi "dispersion" không thể dịch là "sự đa dạng", mà là "sự phân tán".
      (Dispersed knowledge, also known as partial knowledge, is information that is dispersed throughout the marketplace, and is not in the hands of any single agent).

      Delete
    2. Cám ơn Thuc Hien Nguyen. Đúng là nên dịch là phân tán, vì phân hữu thì khó hiểu mà đa dạng thì không đúng. Dispersion là mỗi người sở hữu một ít.

      Delete
  3. Sau khi tham khảo nguyên bản tiếng Anh, tôi có một số ý kiến với dịch giả:

    What makes it [economics] most fascinating is that...
    Điều làm cho nó [kinh tế học] trở thành môn học hấp dẫn nhất là ở chỗ...

    Kính tế học không đơn thuần là một môn học, rộng hơn nó là lý thuyết, là đối tượng nghiên cứu. Vì thế nên dịch là "Điều làm cho nó trở nên vô cùng hấp dẫn là ở chỗ..." vừa gọn gàng vừa sát nguyên bản.

    After completing a preliminary one-page summary of economic principles, I sent him a copy. In his reply, he added a few of his own, but in no way endorses my attempt.
    Sau khi lập được bản tóm tắt trên một trang giấy tôi có gửi cho ông. Trong bức thư trả lời ông có đưa thêm vài ý, nhưng ông không chịu kí xác nhận cố gắng của tôi.

    Dịch thiếu "preliminary" (sơ lược). Ngoài ra "endorse" ở đây không nên dịch là "kí xác nhận" vì hai người thư từ cho nhau trao đổi về học thuật, không việc gì phải "xác nhận" mà chỉ là đồng ý quan điểm thôi. Nên dịch là "ông không tỏ ý tán thành cố gắng của tôi".

    Or maybe, I suggested alternatively, cost.
    Tôi còn có thể đưa ra một đề nghị nữa: chi phí.

    Người đọc có thể hiểu nhầm là tác giả bổ sung thêm một từ nữa, trong khi ý của tác giả là dùng "cost" thay cho "price" nếu như phải rút gọn lại còn 1 từ.

    Government should live within its means.
    Chính phủ phải sống trong khuôn khổ số tiền mà họ có.

    Dịch chính xác nhưng không Việt hóa lắm. "Live" ở đây được hiểu là "chi tiêu", hàm ý là chính phủ không được bội chi ngân sách.

    The dismal state of the profession was expressed recently by Arjo Klamer and David Colander, who, after reviewing graduate studies at major economics departments around the country, asked, Why did we have this gut feeling that much of what went on there was a waste?
    Tình hình đáng chán đến mức Arjo Klamer và David Colander, sau khi xem xét các luận văn tốt nghiệp tại các khoa kinh tế lớn trên khắp cả nước đã hỏi rằng vì sao chúng ta lại linh cảm được rằng tất cả những chuyện này đều là công toi hết?

    "major" ở đây có nghĩa là "chuyên", "major economics departments" là những khoa kinh tế chuyên ngành.
    "that much of what went on there was a waste" là "phần lớn" những nghiên cứu đều đáng cho vào sọt rác, chứ không phải "tất cả".

    If anyone has any suggested improvements, I look forward to receiving them.
    Nếu ai có bất kì đề nghị cải tiến nào, tôi sẵn sàng chấp nhận.

    "look forward to receiving" là "mong nhận được" để nghiên cứu và trao đổi chứ không phải "sẵn sàng chấp nhận".


    Thiết nghĩ, dịch giả cũng "look forward to receiving", if anyone has any comments.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Đúng như thế: "dịch giả cũng "look forward to receiving", if anyone has any comments". Xin cám ơn Thuc Hien Nguyên. Mong sau này còn tiếp tục nhận được những góp ý khác. Chào thân ái!

      Delete
  4. Đôi khi chúng ta học rất nhiều thứ nhưng bất chợt ai đó hỏi cốt lõi của nó là gì, thật khố để trả lời. Bài viết rất hữu ích cho cả những người học và không học Kinh tế. Cám ơn Chủ blog đã dịch bài. Thân ái.

    ReplyDelete