April 6, 2012

Václav Havel - Sức mạnh của thảo dản (Kì 2)


Phạm Nguyên Trường dịch

VI.

Tại sao trên thực tế anh hàng rau của chúng ta lại phải trưng lòng trung thành của mình lên cửa sổ? Chẳng phải anh ta đã chứng tỏ đầy đủ lòng trung thành qua những thủ tục nội bộ và bán-công khai khác nhau rồi hay sao? Xét cho cùng, ở những cuộc họp công đoàn bao giờ anh cũng bỏ phiếu theo đúng yêu cầu. Anh ta cũng thường xuyên tham gia những phong trào thi đua khác nhau. Anh ta tham gia các kì bầu cử như là một công dân tốt. Thậm chí anh còn kí “Phản-Hiến chương[1]nữa cơ mà. Mặc dù đã làm tất cả những chuyện như thế, tại sao anh vẫn phải tuyên bố lòng trung thành một cách công khai? Xét cho cùng, những người đi ngang qua cửa sổ của anh cũng không dừng lại để đọc quan điểm của người bán rau rằng vô sản toàn thế giới nên liên hiệp lại. Sự thật là, họ không đọc khẩu hiệu này, và nếu giả định là họ không nhìn thấy nó thì cũng đúng nốt. Nếu hỏi một phụ nữ đã đứng trước cửa hàng rằng bà ta nhìn thấy gì trong cửa sổ, chắc chắn là bà sẽ nói hôm nay có cà chua hay không, nhưng có nhiều khả năng là bà ấy hoàn toàn không nhìn thấy khẩu hiệu, chứ đừng nói đến nội dung của nó.


Buộc một người bán rau tuyên bố công khai lòng trung thành của mình dường như là việc làm vô nghĩa. Nhưng nó lại có ý nghĩa đấy. Chẳng ai để ý đến khẩu hiệu của anh ta, họ không để ý là vì những khẩu hiệu như thế cũng được bày trong cửa sổ của các cửa hàng khác, chúng còn được dán trên các cột đèn, trên các bảng tin, trên cửa sổ căn hộ các chung cư nữa; thực ra là ở đâu cũng có. Chúng là một phần cảnh quan của cuộc sống hàng ngày. Dĩ nhiên là, dù không để ý đến chi tiết nhưng người ta vẫn biết rõ toàn bộ cảnh quan. Và cái khẩu hiệu của anh hàng rau kia có phải chỉ là một thành phần nhỏ bé trên cái phông vĩ đại của cuộc sống hàng ngày?

Vì thế mà anh hàng rau phải đặt khẩu hiệu trên cửa sổ, không phải là anh hi vọng rằng có người sẽ đọc hoặc sẽ bị nó thuyết phục, mà để góp phần - cùng với hàng ngàn khẩu hiệu khác - vào cái cảnh quan mà tất cả đều biết rõ. Dĩ nhiên là khung cảnh này cũng có ý nghĩa tế nhị của nó: nó nhắc nhở người ta rằng họ đang sống ở đâu và phải làm gì. Nó nói với họ về những việc người khác đang làm và chỉ cho họ những việc cần làm, nếu không muốn bị khai trừ, bị cô lập, bị xã hội xa lánh, nếu không muốn phá vỡ luật chơi, và có thể không còn được bình an, không được thanh thản và an toàn nữa.

Rất có thể chỉ trước đây một tiếng đồng người đàn bà từng phớt lờ khẩu hiệu của anh hàng rau, đã treo một khẩu hiệu tương tự ngay trước hành lang cơ quan nơi bà ta làm việc. Bà ta làm thế mà chẳng suy nghĩ gì, cũng hệt như anh hàng rau của chúng ta, và bà làm như thế vì nó diễn ra trên nền của khung cảnh chung, và cũng có một ít nhận thức về nó, nghĩa là nó diễn ra trên chính cái nền của cảnh quan mà cửa sổ cửa hàng anh rau đã góp phần tạo ra. Khi anh bán rau đến cơ quan của bà, anh ta cũng sẽ không nhìn thấy khẩu hiệu của bà, cũng hệt như bà không nhận ra khẩu hiệu của anh ta. Nhưng, các khẩu hiệu của họ lại phụ thuộc vào nhau: cả hai đều được bày ra với nhận thức nhất định về khung cảnh chung, và ta có thể nói, theo mệnh lệnh của nó. Nhưng cả hai đã góp phần tạo ra khung cảnh ấy, và do đó cũng tạo chính cái mệnh lệnh ấy. Anh bán rau và bà nhân viên văn phòng đều phải thích nghi với những điều kiện mà họ đang sống, nhưng làm thế là họ góp phần tạo ra chính những điều kiện đó. Họ làm những việc mà người khác đã làm, những việc cần phải làm, những việc nhất định phải làm, nhưng đồng thời, cũng chính bằng thí dụ ấy, họ đã khẳng định những việc cần phải làm trên thực tế. Họ thực hiện một yêu cầu cụ thể, và bằng cách đó, họ đã củng cố thêm cho chính cái yêu cầu đó. Nói một cách trừu tượng, không có khẩu hiệu của anh hàng rau thì khẩu hiệu của bà nhân viên văn phòng không thể tồn tại được, và ngược lại. Mỗi người đều đề nghị người kia làm một cái gì đó y như mình và họ chấp nhận đề nghị của nhau. Thái độ bàng quan đối với khẩu hiệu của nhau chỉ là một sự lừa dối: trên thực tế, trưng khẩu hiệu ra là mọi người đều buộc nhau phải tuân thủ luật chơi rồi, và bằng cách đó, họ đã thừa nhận cái quyền lực yêu cầu treo khẩu hiện lúc ban đầu. Rất đơn giản, họ giúp nhau phục tùng. Cả hai đều là đối tượng trong một hệ thống kiểm soát, nhưng đồng thời lại cũng là chủ thể của nó. Họ vừa là nạn nhân vừa là công cụ của hệ thống.

Nếu toàn bộ thị trấn được trát đầy khẩu hiệu mà không ai đọc, thì một mặt, đó là một thông điệp từ bí thư thị trấn gửi lên bí thư vùng, nhưng mặt khác, còn hơn thế nữa: đấy là thí dụ nhỏ của nguyên lý toàn trị-tự động mang tính xã hội đang vận hành. Một phần bản chất của hệ thống hậu toàn trị là nó kéo mọi người vào lãnh địa quyền lực của nó, nhưng không phải để họ thể hiện mình như những con người, mà để họ có thể từ bỏ bản sắc cá nhân nhằm vun vén cho bản sắc của hệ thống, nghĩa là để họ có thể trở thành những nhân viên của bộ máy tự động của hệ thống và là đầy tớ cho những mục tiêu do nó tự quyết định, để họ có thể cùng chịu trách nhiệm cho nó, để họ có thể bị nó lôi kéo vào và mắc bẫy, như Faust mắc bẫy Mephistopheles[2] vậy. Hơn thế nữa: để họ -  thông qua việc tham gia của mình – có thể tạo ra những quy tắc ứng xử chung, và vì vậy mà tạo áp lực đối với chính đồng bào của mình. Và xa hơn nữa: để họ tập dần và cảm thấy dễ chịu khi tham gia, để họ đồng cảm với nó như thể đấy là điều hoàn toàn tự nhiên và tất yếu, và cuối cùng, để họ có thể coi tất cả mọi hành động không tham gia là bất bình thường, là kiêu ngạo, là tấn công vào họ, là một hình thức quay lưng lại với xã hội, mà không cần bất kì sự thúc ép bên ngoài nào. Bằng cách kéo mọi người vào cơ cấu quyền lực, hệ thống hậu toàn trị biến mọi người thành phương tiện của một chế độ toàn trị đối với nhau, thành chế độ toàn trị-tự động của xã hội.

Nhưng, trên thực tế, tất cả mọi người đều bị dính líu và bị nô dịch, không chỉ anh bán rau mà cả các ông thủ tướng nữa. Vị trí khác nhau trong thang bậc chỉ đơn giản là sự mức độ dính líu khác nhau mà thôi: anh bán rau chỉ dính líu ở mức nhỏ, nhưng anh lại có rất ít quyền lực. Ông thủ tướng, đương nhiên là có nhiều quyền lực hơn, nhưng đổi lại, ông ấy dính líu sâu hơn nhiều. Nhưng, cả hai đều không được tự do, mỗi người một cách. Kẻ đồng lõa thực sự trong việc dính líu này không phải là một tác nhân nào đó mà chính là hệ thống. Vị trí trên thang bậc quyền lực quyết định mức độ trách nhiệm và tội lỗi, nhưng nó không bắt ai phải chịu tất cả trách nhiệm và cũng như không qui tất cả tội lỗi cho bất kì ai, mà cũng không hoàn toàn miễn tội cho bất cứ người nào. Vì thế mà xung đột giữa những mục tiêu của đời sống và mục tiêu của hệ thống không phải là xung đột giữa hai cộng đồng riêng biệt và được xác định về mặt xã hội; và chỉ có cách nhìn trừu tượng hóa rất cao mới cho phép ta phân chia xã hội thành người thống trị và kẻ bị trị (và thậm chí như vậy thì cũng chỉ rất tương đối mà thôi). Nhưng đây chính là một trong những điểm khác biệt quan trọng nhất giữa hệ thống hậu toàn trị với chế độ chuyên chính cổ điển – ở đấy còn có thể vạch được ranh giới xung đột theo các nhóm xã hội. Trong hệ thống hậu toàn trị, lằn ranh này chạy qua mỗi cá nhân, vì mỗi người đều vừa là nạn nhân vừa là người ủng hộ hệ thống, theo cách của mình. Do đó, hệ thống làm cho chúng ta hiểu rằng không phải một nhóm người này áp đặt trật tự xã hội lên một nhóm khác, mà là một cái gì đó đã thấm vào toàn bộ xã hội và là nhân tố định hình nó, một cái gì đó dường như không thể nắm bắt hay định nghĩa (bởi vì về thực chất, nó chỉ là một nguyên tắc mà thôi), nhưng lại được toàn xã hội trưng ra như là khía cạnh quan trọng của cuộc đời của nó.

Sự kiện là người ta đã và đang hàng ngày tạo ra hệ thống tự định hướng này, và thông qua nó, họ tự từ bỏ bản sắc của mình, vì vậy mà không phải là kết quả của sự nhầm lẫn không thể hiểu nổi của lịch sử, hay là do lịch sử đã đi chệch đường. Đấy cũng không phải là sản phẩm của một ý chí hắc ám tối cao nào đó – vì những lí do không ai biết - đã quyết định hành hạ một phần nhân loại theo cách này. Nó có thể xảy ra, và đã xảy ra chỉ vì trong con người hiện đại rõ ràng là có một xu hướng nhất định hướng tới việc tạo ra, hoặc ít nhất là cúi đầu chấp nhận, một hệ thống như thế. Rõ ràng là trong con người có một cái gì đó đồng thanh tương ứng đồng khí tương cầu với hệ thống này, một cái gì đó tương ứng và dung dưỡng, một cái gì đó bên trong đã làm tê liệt mọi cố gắng của cái “Tôi nhân bản hơn” trong họ đứng lên phản kháng. Người ta buộc phải sống trong dối trá, nhưng họ chỉ có thể bị buộc phải sống trong dối trá nếu như họ có thể sống như thế. Do đó, không chỉ hệ thống tha hóa con người, mà con người đã bị tha hóa ủng hộ hệ thống này như thể đó là kế hoạch do họ tự lập ra, như là hình ảnh suy đồi của sự suy đồi của chính họ, như là minh chứng cho sự thất bại của chính cá nhân mình vậy.

Mỗi người đều có những mục tiêu căn bản của cuộc sống. Mỗi người đều khát khao phẩm giá, khát khao sự toàn vẹn về mặt đạo đức, khát khao thể hiện mình và vượt lên trên thế giới vật chất này. Nhưng đồng thời, mỗi người lại có thể - ít nhiều khác nhau - thỏa hiệp với sống trong dối trá. Mỗi người đều tìm cách buộc nhân tính vốn có của mình phải khuất phục thói vị lợi và sự tầm thường trần tục. Mỗi người đều muốn hòa mình vào đám đông vô danh và sẵn sàng buông xuôi trong dòng đời giả dối này. Đây không chỉ là xung đột giữa hai bản sắc. Nó còn tệ hơn thế rất nhiều: đây chính là thách thức với chính khái niệm về bản sắc.

Dùng những thuật ngữ cực kì đơn giản, có thể nói rằng hệ thống hậu toàn trị được xây dựng trên nền tảng được hình thành bởi cuộc gặp gỡ mang tính lịch sử giữa chế độ chuyên chế và xã hội tiêu thụ. Chẳng phải là khả năng thích nghi nhanh chóng với “sống trong dối trá” và sự mở rộng dễ dàng của chế độ toàn trị-tự động có mối liên hệ với sự kiện là những người theo chủ nghĩa tiêu thụ không muốn từ bỏ một vài tiện nghi vật chất để đổi lấy sự toàn vẹn về mặt đạo đức và tâm hồn hay sao? Chẳng phải là chúng có liên hệ với sự kiện là họ sẵn sàng từ bỏ những giá trị cao quí khi đối mặt với những cám dỗ tầm thường của nền văn minh hiện đại hay sao? Chẳng phải là chúng có liên hệ với sự kiện là họ dễ bị đám đông thờ ơ lôi kéo hay sao? Và cuối cùng, chẳng phải cuộc đời xám xịt và trống rỗng trong hệ thống hậu toàn trị cũng chỉ là bức biếm họa sắc nét của đời sống hiện đại nói chung hay sao? Và chẳng phải là, trên thực tế, chúng  ta (mặc dù theo các tiêu chuẩn bên ngoài thì chúng ta còn tụt hậu rất xa) đang là lời cảnh báo cho phương Tây, đang chỉ cho họ những xu hướng phát triển tiềm tàng của chính họ hay sao?

VII.

Bây giờ, hãy tưởng tượng rằng một ngày kia, trong lòng anh hàng rau nọ bỗng xảy ra một chuyện gì đó và anh thôi không đặt khẩu hiệu lên cửa sổ nữa, dù chỉ để cho mình cảm thấy thanh thản mà thôi. Anh không tham gia bầu cử nữa vì biết rằng đấy là trò nhảm nhí. Trong những cuộc hội nghị chính trị, anh bắt đầu nói những điều mình thực sự nghĩ. Thậm chí anh còn tìm được sức mạnh nội tâm, đủ sức bày tỏ tình đoàn kết với những người mà lương tâm buộc anh phải ủng hộ. Trong cuộc nổi dậy này, anh hàng rau đã bước ra khỏi “sống trong dối trá”. Anh vất bỏ nghi thức và phá vỡ các luật chơi. Anh tìm lại được bản sắc và nhân phẩm đã bị áp chế của mình. Anh cho rằng tự do là điều có ý nghĩa thực sự. Cuộc nổi dậy của anh là nỗ lực để sống trong sự thật.

Anh phải trả giá ngay lập tức. Anh ta không được làm quản lí nữa và bị chuyển đến nhà kho. Lương sẽ hạ. Hi vọng về một kì nghỉ ở Bulgaria sẽ không còn. Việc vào đại học của con cái bị đe dọa. Cấp trên sẽ quấy rầy và đồng nghiệp sẽ nghi ngờ anh. Nhưng phần lớn những người sử dụng những biện pháp trừng phạt đó không phải vì thâm tâm họ kết tội anh, mà vì sức ép của hoàn cảnh, cũng chính là hoàn cảnh đã từng buộc anh hàng rau phải trưng ra cái khẩu hiệu chính thức kia. Họ ngược đãi anh là vì những người khác nghĩ là họ phải làm thế, hoặc để chứng tỏ lòng trung thành của mình, hoặc chỉ đơn giản là một phần của khung cảnh chung, cùng với nó là nhận thức về cách xử lí những trường hợp như thế này, mà trên thực tế là cách mà người ta vẫn làm với những trường hợp như thế, đấy là nói nếu người đó không muốn trở thành kẻ bị nghi ngờ. Vì vậy mà những kẻ ngược đãi cũng hành xử như tất cả những người khác, dù mức độ nghiêm trọng khác có khác nhau: họ hành xử như một thành phần của hệ thống hậu toàn trị, như một tác nhân của cỗ máy tự động, như là một công cụ đáng thương của nó vậy, họ cũng ứng xử như mọi người khác, cao thấp tùy người: với tư cách là các thành tố của hệ thống hậu toàn trị, với tư cách là nhân viên của cỗ máy tự động, như là các công cụ đáng thương của hệ toàn trị-tự động của xã hội.

Như vậy là, cơ cấu quyền lực - thông qua hành động của những người thi hành những biện pháp trừng phạt, thông qua những thành tố vô danh của hệ thống - sẽ đẩy anh bán rau ra khỏi miệng của nó. Hệ thống - thông qua những thành phần đã bị tha hóa trong dân chúng - sẽ trừng phạt anh vì anh dám nổi loạn. Nó phải làm thế vì logic của bộ máy tự động và tự vệ buộc nó phải làm thế. Vì tính độc đáo của nó mà cuộc tấn công của anh hàng rau không phải là cuộc tấn công mang tính cá nhân, đơn lẻ và biệt lập, mà là cái gì đó nghiêm trọng hơn rất nhiều. Bằng việc phá vỡ luật chơi, anh đã làm gián đoạn cuộc chơi. Anh đã chỉ ra rằng nó chỉ là một trò chơi. Anh ta đã đập tan thế giới của ảo tưởng, tức là đập tan cái cột cái của hệ thống. Anh đã lật đổ cơ cấu quyền lực bằng cách xé toạc những thứ đã giúp cố kết nó lại với nhau. Anh ta đã chứng minh rằng sống trong dối trá chính là sống dối trá. Anh ta đã phá vỡ cái mặt tiền được thần thánh hóa của hệ thống và vạch trần nền tảng thực sự của quyền lực. Anh đã nói rằng hoàng đế cởi truồng. Và bởi vì trên thực tế hoàng đế đang cởi truồng, cho nên đã xảy ra một chuyện cực kì nguy hiểm: bằng hành động của mình, anh hàng rau đã phát đi lời kêu tới toàn thế giới. Anh giúp mọi người nhìn vào hậu trường. Anh đã cho tất cả mọi người thấy rằng có thể sống trong sự thật. Sống trong dối trá chỉ có thể tạo thành hệ thống nếu mọi người đều làm như vậy. Nguyên tắc của nó phải bao trùm và ngấm vào tất cả. Không có gì có thể cho phép nó cùng tồn tại với sống trong sự thật, và vì vậy mà tất cả những người bước qua vạch đều phủ định nó về mặt nguyên tắc và đe dọa tính toàn vẹn của nó.

Có thể hiểu được: khi ảo tưởng còn chưa va chạm với hiện thực thì dường như nó vẫn không phải là ảo tưởng. Khi “sống trong dối trá” còn chưa giáp mặt với “sống trong sự thật” thì vẫn chưa có đủ điều kiện để vạch trần sự dối trá của nó. Nhưng ngay khi có một cách sống khác thì cách sống mới này sẽ đe dọa chính sự tồn tại của ảo tưởng và “sống trong dối trá”, nó cho biết chúng là gì, cả về bản chất và tính bao trùm của chúng. Và đồng thời, cách sống khác này lan tỏa bao xa hoàn toàn không phải là vấn đề quan trọng: sức mạnh của nó không nằm ở các thuộc tính vật lý mà ở luồng ánh sáng mà nó rọi vào những trụ cột của hệ thống và nền móng thiếu vững chắc của nó. Nói cho cùng, anh hàng rau là mối đe dọa với hệ thống không phải vì sức mạnh vật chất hay sức mạnh thực tế mà anh ta có, mà vì hành động của anh đã vượt lên chính nó, bởi vì nó rọi vào những thứ bao bọc xung quanh nó, và tất nhiên là vì những hậu quả khôn lường của luồng ánh sáng ấy. Vì vậy mà trong hệ thống hậu toàn trị, “sống trong sự thật” không chỉ thuần túy là phạm vi hiện sinh (trả cho con người bản chất vốn có của nó), hay phạm vi trí tuệ (khám phá thực tiễn như nó vốn là), hoặc phạm vi đạo đức (làm gương cho người khác). Nó còn có một phạm vi chính trị rõ ràng. Nếu trụ cột của hệ thống là “sống trong dối trá” thì không có gì ngạc nhiên là đe dọa chủ yếu của nó là “sống trong sự thật”. Đấy là lí do vì sao sống trong sự thật lại bị đàn áp dữ dội hơn bất kì điều gì khác.

Trong hệ thống hậu toàn trị, sự thật theo nghĩa rộng nhất của từ này có tầm quan trọng đặc biệt, tầm quan trọng mà trong những bối cảnh khác người ta không thể nào biết được. Trong hệ thống này, sự thật đóng vai trò to lớn hơn nhiều (và trước hết là khác hẳn) vì nó là nhân tố của quyền lực, hoặc của một lực lượng chính trị triệt để. Sức mạnh của sự thật vận hành như thế nào? Sự thật, như một nhân tố của quyền lực, hoạt động ra sao? Làm sao biến sức mạnh của nó – với vai trò là một quyền lực – thành hiện thực?

VIII.

Các cá nhân chỉ có thể bị vong thân với chính mình vì trong họ có một cái gì đó làm cho họ trở thành vong thân mà thôi. Đối tượng của sự áp bức chính là cuộc sống chân thật của họ. Vì vậy mà “sống trong sự thật” được đan cài trực tiếp vào tấm thảm “sống trong dối trá”. Sống trong dối trá là phản ứng bất chính đối với mục tiêu chân chính của cách sống bị đè nén. Chỉ trên cái nền ấy mà sống dối trá mới có ý nghĩa: nó tồn tại có cái nền như thế. Những gốc rễ hão huyền của nó trong trật tự của loài người chỉ là phản ứng trước mong muốn “sống trong sự thật” của con người mà thôi. Vì vậy mà bên dưới bề mặt có vẻ trật tự của “sống trong dối trá” luôn luôn ẩn chứa không gian cho “sống trong sự thật”, một sự cởi mở ẩn tàng sẵn sàng đón nhận chân lí.


Quyền lực chính trị phi thường, mãnh liệt và khó lường trước được của “sống trong sự thật” nằm trong sự kiện là sống một cách thẳng thắn trong sự thật bao giờ cũng có đồng minh, một đồng minh vô hình nhưng mạnh mẽ vô song: đó chính là cái không gian vốn bị che giấu. Chính là từ không gian này mà sống cởi mở trong sự thật có thể phát triển, nó nói với không gian này và tìm được sự cảm thông trong không gian đó. Khả năng thông cảm chỉ tồn tại ở đây mà thôi. Nhưng đây là nơi bị giấu kín và vì vậy mà quyền lực cho là rất nguy hiểm đối với nó.  Sự lên men phức tạp diễn ra trong đó chuyển dần sang những miền tranh tối tranh sáng và sau một thời gian nó sẽ xuất hiện trong ánh sáng ban ngày như là một chuỗi những bất ngờ gây chấn động cho hệ thống, nhưng thường thì lúc đó đã quá muộn, không thể che đậy bằng những biện pháp thông thường được nữa. Nó làm cho hệ thống lúng túng, hoảng loạn và làm cho nó phản ứng bằng những biện pháp không thích hợp.

Dường như mầm mống đầu tiên của cái có thể hiểu là đối lập – theo nghĩa rộng nhất của từ này – trong hệ thống hậu toàn trị chính là “sống trong sự thật”. Dĩ nhiên là, xung đột giữa những lực lượng đối kháng và chính quyền rõ ràng phải diễn ra dưới hình thức rất khác với những xung đột trong các xã hội cởi mở hoặc trong các chế độ chuyên chính cổ điển. Khởi kì thủy, cuộc xung đột không diễn ra trên bình diện quyền lực thực sự, không diễn ra trên bình diện quyền lực đã được thể chế hóa và có thể xác định được, tức là quyền lực dựa trên những phương tiện bạo lực khác nhau, mà diễn ra trên một bình diện hoàn toàn khác: nó diễn ra trên bình diện ý thức và lương tâm, trên bình diện của hiện sinh. Không thể đo lường phạm vi hiệu lực của quyền lực đặc biệt này bằng số lượng môn đồ, số cử tri hay binh lính, bởi vì nó thâm nhập vào đội quân thứ năm của nhận thức xã hội, thâm nhập vào mục đích bị che dấu của cuộc đời, thâm nhập vào khát khao bị đè nén của con người về nhân phẩm và những quyền cơ bản, về việc biến những mối quan tâm của họ về mặt xã hội và chính trị thành hiện thực. Vì vậy mà sức mạnh của nó không nằm ở sức mạnh của các nhóm chính trị và xã hội, mà chủ yếu là nằm ở sức mạnh của tiềm năng, ẩn giấu trong toàn xã hội, trong đó có cơ cấu quyền lực chính thức của xã hội ấy.

Do đó, sức mạnh ấy không nằm trong những người lính của nó, mà nằm trong những người lính của kẻ thù, bởi vì nó nằm trong tất cả những con người đang “sống trong dối trá”, những người có thể bị sức mạnh (chí ít là về lí thuyết) của sự thật (hay những người vì muốn bảo vệ địa vị mà ngả theo sức mạnh ấy) hạ gục bất cứ lúc nào. Có thể nói, đó là thứ vũ khí vi trùng và khi điều kiện đã chín muồi, một công dân bình thường có thể dùng nó để tước vũ khí cả một sư đoàn. Sức mạnh này không tham gia bất kì một cuộc đấu tranh trực diện nào mà chỉ tạo ra ảnh hưởng trên đấu trường ngầm để có thể trở thành chính nó. Nhưng, chuyển động ngầm mà nó tạo ra có thể biến thành một cái gì đó có thể cảm nhận được: thành một sự kiện hay hành động chính trị thật sự, thành một phong trào xã hội, thành một vụ bộc phát của sự bất bình, thành xung đột gay gắt trong trong lòng cơ cấu quyền lực tưởng chừng vẫn thống nhất thành một khối, hoặc chỉ đơn giản là sự biến đổi nhanh chóng trong dư luận xã hội và trong lĩnh vực tinh thần (ở đâu, khi nào, trong những hoàn cảnh nào và qui mô nào thì thật khó dự đoán). Vì tất cả những vấn đề thực sự và những hiện tượng khủng hoảng đều nằm dưới cái vỏ dối trá dầy đặc nên không rõ là khi nào thì “cái kim trong bọc sẽ lòi ra[3]” hay cái kim ấy có hình thù như thế nào. Đấy cũng là lí do vì sao chính quyền kết án – gần như một phản xạ vô điều kiện nhằm ngăn chặn – thậm chí ngay cả những cố gắng “sống trong sự thật” khiêm tốn nhất.

Tại sao Solzhenitsyn[4] bị trực xuất ra nước ngoài? Chắc chắn không phải vì ông là người đại diện cho một đơn vị quyền lực thực sự, nghĩa là, không phải vì những người cầm quyền cảm thấy là ông có thể lật đổ họ và chiếm vị trí của họ trong chính quyền. Trục xuất Solzhenitsyn là một điều gì đó khác hẳn: đây một cố gắng tuyệt vọng nhằm chặn đứng suối nguồn của sự thật đáng sợ ấy, chặn đứng cái sự thật có thể gây ra những chuyển hóa không lường trước được trong nhận thức xã hội, và một ngày nào đó, sự chuyển hóa này có thể tạo ra một vụ sụp đổ chính trị với những hậu quả không thể dự đoán được. Và vì thế mà hệ thống hậu toàn trị đã sử dụng biện pháp đặc trưng của nó: bảo vệ sự toàn vẹn của thế giới ảo tưởng nhằm bảo vệ chính nó. Vì cái lớp vỏ mà cuộc sống dối trá trưng ra được làm từ một chất liệu kì quặc. Khi nó còn bịt kín được toàn xã hội thì người ta còn tưởng là nó được làm bằng đá. Nhưng khi có người chọc thủng được một chỗ, khi có người hét to lên rẳng: “Hoàng đế cởi truồng!” – khi chỉ cần một người phá vỡ luật chơi và bằng cách đó chỉ cho mọi người thấy rằng nó chỉ là một trò chơi – thì tất cả đột nhiên hiện ra dưới một ánh sáng khác và lúc đó mới thấy rằng dường như cái vỏ đó chỉ là một tờ giấy đang rách và đang tan rã một cách nhanh chóng.

Khi nói về việc sống trong sự thật, tất nhiên là tôi không chỉ nghĩ đến những sản phẩm của tư duy khái niệm, thí dụ như một vụ phản đối hay kiến nghị của một nhóm trí thức. Bất kì phương tiện nào mà một cá nhân hay một nhóm người sử dụng nhằm chống lại sự thao túng cũng đều là “sống trong sự thật” hết: mọi thứ, từ một bức thư của những nhà trí thức cho đến cuộc bãi công của công nhân, từ một đêm nhạc rock đến cuộc biểu tình của sinh viên, từ việc không tham gia những vụ bầu cử lố bịch hay đọc diễn văn tại một đại hội chính thức nào đó, hay thậm chí là một cuộc tuyệt thực, thí dụ thế. Nếu việc đàn áp những mục tiêu của cuộc sống là một quá trình phức tạp, và nếu việc đàn áp này dựa trên việc thao túng nhiều mặt của cuộc đời, thì cũng chính vì thế mà bất cứ biểu hiện tự do nào cũng đều gián tiếp đe dọa hệ thống hậu toàn trị về mặt chính trị, kể cả những hình thức thể hiện mà trong những hệ thống xã hội khác chẳng có một ý nghĩa chính trị tiềm tàng nào, chứ đừng nói có sức mạnh có thể gây thành một vụ bùng nổ.

Mùa xuân Praha thường được hiểu như là sự đụng độ giữa hai nhóm người trên bình diện sức mạnh thực sự: đụng độ giữa những người muốn duy trì hệ thống như nó vốn là và những người muốn cải tạo nó. Nhưng người ta thường quên rằng cuộc chạm trán này chỉ là hành động cuối cùng và là hậu quả tất yếu của của một vở kịch dài mà ban đầu diễn ra chủ yếu trong lĩnh vực tinh thần và lương tâm của xã hội. Và bắt đầu vở kịch là những cá nhân muốn sống trong sự thật, thậm chí ngay cả khi mọi thứ đang ở giai đoạn tồi tệ nhất. Đấy là những người không được tiếp xúc với quyền lực, mà họ cũng không muốn tiếp xúc với nó. Khu vực mà họ sống trong sự thật không nhất thiết phải là lãnh địa của tư tưởng chính trị. Họ có thể là nhà thơ, họa sỹ, nhạc sỹ, hoặc đơn giản chỉ là những công dân bình thường nhưng có khả năng duy trì phẩm giá của họ. Ngày nay, tất nhiên là khó có thể truy nguyên khi nào và một hành động hay thái độ cụ thể nào đã gây được ảnh hưởng qua con kênh bí mật và quanh co nào, và khó có thể tìm được dấu vết của con vi-rút sự thật vì nó đã lan ra một cách từ từ trong tế bào của “sống trong dối trá” và làm cho nó tan rã dần. Nhưng, một điều dường như là rõ ràng: cố gắng cải cách chính trị không phải là nguyên nhân làm cho xã hội bừng tỉnh, mà là kết quả chung cuộc của sự bừng tỉnh ấy.

Tôi cho rằng dùng kinh nghiệm này để chiếu rọi hiện tại thì ta sẽ hiểu nó một cách rõ ràng hơn. Cuộc đối đầu của một ngàn người kí vào Hiến chương[5] và hệ thống hậu toàn trị dường như là vô vọng về mặt chính trị. Đúng như thế, đấy là nói nếu chúng ta nhìn nó qua những lăng kính truyền thống của hệ thống chính trị cởi mở, trong đó, hoàn toàn tự nhiên là tất cả các lực lượng chính trị đều phải được đánh giá bằng vị trí mà nó giữ trên bình diện sức mạnh thực tế. Theo quan điểm đó, một đảng nhỏ tí như Hiến chương chắc chắn là chẳng có cơ hội nào. Nhưng nếu nhìn cuộc đối đầu này trong bối cảnh của quyền lực trong hệ thống hậu toàn trị mà ta đã biết thì nó sẽ xuất hiện dưới ánh sáng hoàn toàn khác. Vì hiện nay không thể nói sự xuất hiện của Hiến chương 77, sự tồn tại của nó, và công việc nó làm trong không gian ngầm đã tạo được ảnh hưởng gì, và lúc đó người ta quan tâm tới những cố gắng của Hiến chương nhằm nhen nhóm lại ý thức công dân và sự tự tin với mức độ như thế nào. Cuối cùng, khoản đầu tư này có tạo được cổ tức theo nghĩa những thay đổi chính trị cụ thể hay không, tạo ra vào lúc nào và như thế nào lại càng khó dự đoán hơn nữa. Nhưng dĩ nhiên, đấy tất cả là sống trong sự thật. Như một giải pháp hiện sinh, nó đưa cá nhân trở về với nền tảng vững chắc của bản sắc của họ; còn về chính trị, nó ném họ vào một canh bạc được ăn cả, ngã về không. Chính vì lí do đó, chỉ những người sẵn sàng mất trắng hay được tất hoặc những người đã rút ra kết luận rằng hiện nay ở Tiệp Khắc, chẳng còn cách làm chính trị thực sự nào khác, mới chơi canh bạc này mà thôi. Nhưng hai mà chỉ là một: chỉ những người không muốn hi sinh bản sắc của mình vì chính trị, hay những người không tin vào một nền chính trị đòi hỏi sự hi sinh như thế, mới có thể đi tới kết luận này.

Hệ thống hậu toàn trị càng tìm cách vô hiệu hóa những lựa chọn có tính cạnh tranh với nó trên bình diện quyền lực thực tế cũng như nó càng tìm cách vô hiệu hóa những hình thức hoạt động chính trị không phụ thuộc vào qui luật vận hành của cỗ máy tự động của nó thì trọng tâm của lực hấp dẫn của bất kì mối đe dọa chính trị tiềm tàng nào cũng sẽ càng dịch chuyển sang địa hạt của hiện sinh và tiền-chính trị: chẳng cần một cố gắng hữu thức nào, bình thường, sống trong sự thật đã trở thành xuất phát điểm tự nhiên của tất cả những hoạt động nhằm chống lại cỗ máy tự động của hệ thống. Và thậm chí, nếu như cuối cùng những hoạt động như vậy có vượt qua được lãnh địa của việc sống trong sự thật (có nghĩa là chúng đã chuyển thành vô số các phong trào, tổ chức, định chế song hành, tồn tại song song với những phong trào, tổ chức và định chế của nhà nước và nếu người ta bắt đầu coi đấy là hoạt động chính trị, tạo ra sức ép thực tế lên các cơ cấu của nhà nước, và trên thực tế bắt đầu có ảnh hưởng trên bình diện quyền lực thực tế) thì chúng vẫn luôn mang trong mình những dấu vết đặc thù về cội nguồn của chúng. Vì vậy, tôi có cảm tưởng rằng không thể có nhận thức đúng đắn về cái gọi là phong trào bất đồng chính kiến nếu không thường xuyên suy nghĩ về cái khung cảnh đặc biệt vốn là xuất phát điểm của nó.

IX.

Sống trong dối trá đã làm cho bản sắc của con người lâm vào một cuộc khủng hoảng sâu sắc, đến lượt mình, cuộc khủng hoảng vốn làm cho cuộc sống như vậy trở nên khả dĩ, chắc chắn phải tạo ra hậu quả đạo đức: hậu quả xuất hiện - bên cạnh những đặc điểm khác - như là một cuộc khủng hoảng đạo đức sâu sắc trong xã hội. Người bị hệ thống giá trị tiêu dùng cám dỗ, người mà bản sắc bị hòa tan trong những bộ trang phục lòe loẹt của nền văn minh bày đàn, người không có cảm nhận trách nhiệm về bất kì cái gì cao xa hơn sự tồn tại của bản thân, là một người đã mất đạo đức. Hệ thống sống dựa vào sự đồi bại này và làm cho nó trở thành trầm trọng thêm, trên thực tế là sự phóng chiếu sự suy đồi đạo đức trên bình diện toàn xã hội.

Ngược lại, sống trong sự thật là cuộc nổi dậy của con người nhằm chống lại sự sắp đặt cưỡng bức, là một cố gắng nhằm giành lại quyền kiểm soát cảm nhận của cá nhân về trách nhiệm. Nói cách khác, đấy rõ ràng là một hành vi mang tính đạo đức, không chỉ vì người ta phải trả giá đắt cho nó, mà vì đấy là nguyên tắc bất vụ lợi: sự mạo hiểm có thể được đền đáp, tức là tình hình được cải thiện, mà cũng có thể không. Về mặt này, như tôi đã nói bên trên, đây là một canh bạc được ăn cả ngã về không, và thật khó mà tưởng tượng được một con người duy lý lại bước lên con đường ấy chỉ vì anh ta nghĩ rằng hi sinh hôm nay sẽ được đền đáp vào ngày mai – mà đền đáp lại chỉ là lòng biết ơn của công chúng. (Nhân tiện, xin nói rằng những người đang nắm quyền luôn luôn vu khống những người sống trong sự thật bằng cách lúc nào cũng bảo rằng họ vị lợi – thèm khát quyền lực, danh vọng, hay tiền tài – và do đó, chúng cố gắng, ít nhất là tìm cách đưa những người sống trong sự thật vào thế giới của chúng, thế giới phi đạo đức một cách toàn diện).

Nếu sống trong sự thật trong hệ thống hậu toàn trị trở thành mảnh đất chính nuôi dưỡng những ý tưởng chính trị độc lập, có thể được lựa chọn, thì tất cả những mối quan tâm đến bản chất và viễn cảnh của những ý tưởng đó nhất thiết phải coi khía cạnh đạo đức này như là một hiện tượng chính trị. (Và nếu niềm tin cách mạng Mác-xít cho rằng đạo đức là một sản phẩm của thượng tầng kiến trúc làm cho một số bạn bè của chúng ta không nhận thức được đầy đủ ý nghĩa của khía cạnh này, và bằng cách này hay cách khác đã không đưa nó vào thế giới quan của họ, thì chính họ là người bị thiệt: lòng trung thành với nhựng định đề của thế giới quan đó ngăn cản, làm cho họ không có những hiểu biết đúng đắn về những cơ chế ảnh hưởng chính trị của họ, vì thế, mà ngược đời là nó lại làm cho họ, với tư cách là những người Mác-xít, trở thành cái mà họ thường luôn nghi ngờ những người khác: trở thành các nạn nhân của “nhận thức sai lầm”). Tầm quan trọng chính trị đặc biệt của đạo đức trong hệ thống hậu toàn trị là hiện tượng cực kì hiếm có trong lịch sử chính trị hiện đại, một hiện tượng rất có thể có những hậu quả sâu xa – như tôi cố gắng chỉ ra ngay sau đây.

X.

Hiến chương 77 là sự kiện chính trị quan trọng nhất ở Tiệp Khắc sau khi Husák lên cầm quyền vào năm1969, đấy là điều không thể phủ nhận được. Nhưng không khí trí thức và tinh thần xung quanh sự xuất hiện của nó lại không phải là sản phẩm của bất kì sự kiện chính trị trực tiếp nào. Bầu không khí ấy là do bởi phiên tòa xử một số nhạc sĩ trẻ có quan hệ với một nhóm nhạc rock gọi là “Những người bằng chất dẻo của vũ trụ”. Phiên tòa xét xử không phải là cuộc đối đầu của hai lực lượng hay hai quan niệm chính trị khác nhau, mà là cuộc đối giữa hai quan niệm sống khác nhau. Một bên là chủ nghĩa khổ hạnh đã bị tước hết sinh khí của quyền uy hậu toàn trị, còn bên kia là những thanh niên vô danh, những người chỉ muốn được “sống trong sự thật”, được chơi thứ nhạc mà họ thích, được hát những bài ca liên quan tới cuộc sống của họ, và được sống tự do cùng với phẩm giá và tình bằng hữu. Những thanh niên này không có quá khứ hoạt động chính trị. Họ không phải là những thành viên tích cực, có tham vọng chính trị, của phe đối lập, họ cũng không phải là những cựu chính khách bị gạt ra khỏi cơ cấu quyền lực. Họ có đủ cơ hội để thích nghi với hiện trạng, để chấp nhận những nguyên tắc của sống trong dối trá và hưởng thụ cuộc đời không bị chính quyền quấy nhiễu. Nhưng họ lại quyết định đi theo hướng khác. Mặc dù vậy, hay chính xác hơn, chính vì thế mà phiên tòa có một tác động vô cùng đặc biệt đối với tất cả những người còn chưa từ bỏ hi vọng. Hơn thế nữa, khi phiên tòa diễn ra, một cảm xúc mới bắt đầu dâng lên sau nhiều năm chờ đợi, sau nhiều năm lãnh đạm và nghi ngờ đối với mọi hình thức phản kháng. Người ta đã “mệt mỏi vì mệt mỏi”, họ đã chán ngấy tình trạng tù đọng, tình trạng bất động, chán ngấy cảnh chờ đợi với hi vọng rằng cuối cùng rồi mọi thứ sẽ được cải thiện. Có thể nói phiên tòa là giọt nước làm tràn li. Nhiều nhóm thuộc nhiều khuynh hướng khác nhau, cho đến lúc đó vẫn biệt lập với nhau, vẫn ngại hợp tác với nhau, hay những nhóm đã cam kết với những hình thức hành động làm cho việc hợp tác trở thành khó khăn, bất ngờ nhận thức được rằng tự do là không thể phân chia. Mọi người đều hiểu rằng tấn công hoạt động âm nhạc “chui” ở Tiệp là tấn công vào một cái gì đó có tính chất nền tảng và quan trọng nhất, tức là tấn công vào cái mà trên thực tế đã liên kết mọi người với nhau: nó là cuộc tấn công vào chính khái niệm “sống trong sự thật”, tấn công vào mục đích đích thực của đời sống. Tự do chơi nhạc rock được hiểu như là quyền tự do của con người, và do đó cũng giống như là quyền tự do suy nghĩ về chính trị và triết học, tự do viết lách, tự do thể hiện và bảo vệ những lợi ích chính trị và xã hội khác nhau của xã hội. Mọi người đã cảm thấy ý nghĩa thực sự của tình đoàn kết với những nhạc sĩ trẻ, và họ hiểu ra rằng không đứng lên bảo tự do của người khác - dù những phương tiện sáng tác hay thái độ sống của họ có cách xa mình đến đâu -  cũng có nghĩa là đánh mất quyền tự do của chính mình. (Không thể có tự do nếu không có bình đẳng trước pháp luật, và không thể có bình đẳng trước pháp luật nếu không có tự do; Hiến chương 77 đã cung cấp cho khái niệm lâu đời này một nhân tố đặc trưng và mới, nhân tố này có ý nghĩa to lớn đối với lịch sử Tiệp hiện đại. Tại căn để của tất cả những sự khốn nạn về đạo đức và chính trị của chúng ta hiện nay đã được ông Slábecek - tác giả cuốn Năm sáu mươi tám (Sixty-eight) –  trong một bài phân tích rất sáng suốt gọi là “nguyên tắc loại trừ”. Nguyên tắc này ra đời vào cuối Thế chiến II trong một vụ câu kết lạ lùng giữa những người cộng sản và những người dân chủ, và sau đó tiếp tục phát triển mãi lên cho đến khi đạt đến cái kết cục cay đắng hiện nay. Trong suốt mấy thập kỉ, đây là lần đầu tiên nguyên tắc này đã bị Hiến chương 77 hạ gục: đây là lần đầu tiên, tất cả những người tập hợp dưới ngọn cờ của Hiến chương 77 đều là những đối tác ngang hàng. Hiến chương 77 không chỉ đơn thuần là một liên minh của những người cộng sản và không cộng sản – đấy không phải là mới về mặt lịch sử và nếu xét từ góc độ đạo đức và chính trị thì không có gì là cách mạng hết – đấy là một cộng đồng mà ngay từ đầu (a priori) đã là cộng đồng mở cho tất cả mọi người, và không ai bị coi là thua kém ngay từ đầu). Hiến chương 77 hình thành trong bầu không khí như thế. Ai có thể ngờ được rằng buộc tội một hai nhóm nhạc rock vô danh lại có những hậu quả sâu xa đến như thế?

Tôi cho rằng nguồn gốc của Hiến chương 77 minh họa rất rõ điều tôi đã đề xuất ở trên: trong hệ thống hậu toàn trị, bối cảnh thực sự cho các phong trào đang dần dần giành được ý nghĩa chính trị thường không phải là những sự kiện chính trị nổi bật hoặc những cuộc đối đầu giữa các lực lượng hay quan điểm mang tính chính trị một cách công khai. Những phong trào này chủ yếu bắt nguồn từ một chỗ khác, bắt nguồn trong lãnh địa của tiền-chính trị rộng lớn hơn rất nhiều, đấy là nơi mà “sống trong dối trá” đối đầu với “sống trong sự thật”, tức là, bắt nguồn ở nơi mà đòi hỏi của hệ thống hậu toàn trị mâu thuẫn với mục đích đích thực của đời sống. Tự nhiên là những mục đích này có thể xuất hiện dưới rất nhiều hình thức khác nhau. Có lúc đấy là những quan tâm về mặt vật chất hoặc xã hội của một nhóm người hay một cá nhân; lúc khác, đấy có thể là những mối quan tâm về mặt trí tuệ hay tinh thần; rồi có lúc, đấy có thể là những đòi hỏi hiện sinh cơ bản nhất, thí dụ như ước muốn đơn giản của con người là được tôn trọng. Cuộc xung đột này có tính chất chính trị không phải vì bản chất chính trị sơ đẳng của những mục tiêu đòi hỏi người ta phải lắng nghe, mà đơn giản là: chế độ hậu toàn trị được xây dựng trên và phụ thuộc vào một hệ thống thao túng phức tạp, vì vậy mà bất kì hành vi hay biểu hiện tự do nào của con người, bất kì cố gắng sống trong sự thật nào cũng là mối đe dọa đối với hệ thống, và vì thế mà rất có ý nghĩa chính trị. Biểu hiện chính trị của những phong trào lớn lên trên nền đất tiền-chính trị ấy chỉ là hiệu ứng phụ. Nó là kết quả của cuộc đối đầu tiếp theo với hệ thống, chứ không phải ngay từ đầu đấy đã là một cương lĩnh, một dự án hay sung lực chính trị.

Những sự kiện năm 1968 một lần nữa khẳng định điều đó. Những chính trị gia cộng sản muốn cải cách hệ thống, đã đưa ra cương lĩnh cải cách không phải vì đột nhiên họ được giác ngộ một cách bí ẩn, mà bởi vì họ bị ép buộc phải làm như vậy do những sức ép liên tục và ngày càng tăng từ nhiều lĩnh vực của đời sống không hề liên quan gì với chính trị theo nghĩa truyền thống của từ này. Trên thực tế, họ đã cố gắng sử dụng những biện pháp chính trị để giải quyết những xung đột xã hội (mà trên thực tế là xung đột giữa những mục tiêu của hệ thống và những mục tiêu của đời sống) đang hàng ngày diễn ra hầu như trên mọi bình diện của xã hội, và đã được người ta nghĩ tới trong suốt nhiều năm với sự cởi mở đang ngày càng gia tăng. Được sự cộng hưởng sống động của cả xã hội hậu thuẫn, các học giả và nghệ sĩ đã xác định vấn đề theo vô vàn cách và sinh viên thì đòi hỏi giải pháp.

Sự ra đời của Hiến chương 77 cũng cho thấy ý nghĩa chính trị đặc biệt của khía cạnh đạo đức của những vấn đề mà tôi vừa đề cập. Không thể tưởng tượng được Hiến chương 77 mà không có tình đoàn kết giữa các nhóm rất khác nhau, và mọi người không bất ngờ nhận ra rằng không thể chờ đợi thêm được nữa, phải cùng nhau nói ra sự thật, mặc dù chắc chắn sẽ bị trừng phạt, còn kết quả trong tương lai gần thì hoàn toàn không lấy gì làm chắc chắn. “Có cái gì đó đáng để hi sinh”, Jan Patočka đã viết như thế trước khi chết[6]. Tôi cho rằng những người tham gia phong trào Hiến chương hiểu đây không chỉ là di sản của Patočka, mà còn là lời giải thích tốt nhất vì sao họ lại làm những việc như thế.

Nhìn từ bên ngoài và từ góc nhìn của hệ thống và cơ cấu quyền lực của nó thì Hiến chương 77 là tiếng sét giữa trời quang. Dĩ nhiên là nó không phải là tiếng sét giữa trời quang, nhưng có thể hiểu được ấn tượng ấy, bởi vì quá trình lên men đưa tới sự ra đời của Hiến chương đã diễn ra trong khu vực bị che dấu, trong vùng tranh tối tranh sáng, khó phân biệt và khó xem xét kĩ được các sự vật. Khả năng dự báo sự xuất hiện của Hiến chương 77 cũng mong manh như khả năng dự đoán, vào lúc này, hướng đi của nó vậy. Nó quả là một cú sốc, một cú sốc rất điển hình cho những thời khắc khi mà một cái gì đó từ khu vực bị che khuất bất ngờ xuyên thủng bề mặt tù hãm của sống trong dối trá. Người càng bị mắc bẫy trong thế giới của ảo tưởng thì càng bị bất ngờ khi xảy ra một cái gì đó tương tự như thế.


Nguồn: Václav Havel et al., The Power of the Powerless: Citizens against the State in Central Eastern Europe, trans. Paul Wilson, M.E. Sharpe, Inc. Armonk, New York, pp 23-96.

Nguồn: Power of Powerless.
Có tham khảo bản dịch của Khải Minh tại địa chỉ  talawas.org
và bản dịch tiếng Nga tại địa chỉ: http://www.inliberty.ru/library/classic/3492/






[1] Phản Hiến chương: ý nói bản tuyên bố do nhà cầm quyền Tiệp Khắc dựng lên nhằm bác bỏ Hiến chương 77. (Hiến chương 77 là một tuyên ngôn công bố vào tháng 1 năm 1977, lên án nhà nước Tiệp Khắc vi phạm các quyền tự do của con người, do 243 trí thức và công dân Tiệp Khắc kí tên. Theo nghĩa rộng, đây là một phong trào dân sự phi cộng sản đã góp phần quan trọng đưa đến sự sụp đổ của nhà nước toàn trị ở Tiệp Khắc).

[2] Faust: nhân vật thần thoại trong văn học nghệ thuật châu Âu, người bán linh hồn cho quỷ dữ để đổi lấy tuổi trẻ, tri thức và sức mạnh. Lần đầu tiên chính thức xuất hiện là trong vở kịch của Christopher Marlowe ở những năm 1590, sau đó trong một vở kinh điển của Johann Wolfgang von Goethe ở thế kỷ 19.
Mephistopheles, Quỷ vương, chính là nhân vật tiến hành mua bán với Faust. Cái tên này được dùng thay cho Satan hay Quỷ sứ, nhưng không có từ ban đầu trong Kinh thánh mà chỉ được hư cấu kể từ thời Phục hưng. Từ thế kỷ thứ 17, nhiều huyền thoại Thiên chúa giáo bắt đầu nói đến Mephistopheles cùng với Lucifer – Ma vương/ Diêm vương – như những thiên thần nổi loạn chống lại Thượng đế vào lúc khởi thủy, bị đuổi khỏi Thiên đàng
[3] Dịch thoát ý ngạn ngữ: when the proverbial last straw will fall - PNT
[4] Alexander I. Solzhenitsyn: nhà văn bất đồng chính kiến Liên Xô, các tiểu thuyết của ông tố cáo sự tàn bạo trong các trại lao động Xô viết
[5] Hiến chương 77: một sáng kiến công dân không chính thức ở Tiệp Khắc những năm 1977-1992, đóng vai trò quan trọng trong khoảng thời gian cuối những năm 1980, khi chủ nghĩa cộng sản đi đến sụp đổ tại nước này. Trong số các thành viên sáng lập hàng đầu của Hiến chương 77 có Václav Havel. Lần đầu tiên Hiến chương xuất hiện như một cương lĩnh vào tháng Giêng năm 1977, trên một tờ báo ở Tây Đức, với chữ ký của 243 công dân Czechoslovakia thuộc những ngành nghề, chính kiến và tôn giáo khác nhau. Đến giữa những năm 1980, số chữ ký lên đến 1200. Hiến chương phê phán nhà nước Tiệp Khắc thất bại trong việc thực thi các điều khoản về nhân quyền như đã được ghi trong các văn kiện mà nhà nước này đã ký kết, trong đó có cả chính Hiến pháp Tiệp Khắc, Hiệp ước An ninh và Hợp tác châu Âu, các điều khoản của Liên hợp quốc về các quyền chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa… Nó mô tả những người tham gia ký Hiến chương như một liên hiệp không cố kết, không chính thức và để mở, thống nhất với nhau do cùng chung ý chí phấn đấu, về mặt cá nhân và tập thể, cho sự tôn trọng nhân quyền và dân quyền trên đất nước Tiệp Khắc và khắp thế giới. Nó cũng nhấn mạnh đây không phải là một tổ chức, một quy chế hay một cơ chế vĩnh viễn, và không phải là hình thức làm cơ sở cho hành động đối lập chính trị. Phản ứng của nhà nước Tiệp là bôi nhọ và đàn áp. Họ dùng truyền thông chính quyền, kể cả trong truyền thông đối ngoại, để mô tả Hiến chương là “chống nhà nước”, “chống chủ nghĩa xã hội”, là “mị dân” và “phần xỉ nhục của viết lách”. Họ gọi những người ký vào Hiến chương là “những kẻ phản bội và nổi loạn”, là “đầy tớ trung thành và gián điệp của chủ nghĩa đế quốc”, những kẻ “phá sản về chính trị” và “phiêu lưu quốc tế”… Tháng Mười năm 1979, sáu nhà lãnh đạo của nhóm, trong đó có Václav Havel bị đưa ra xử vì tội lật đổ và bị kết án với những mức tù đến năm năm (talawas).
[6] Jan Patocka là một triết gia có ảnh hưởng lớn và là môn đồ của Edmund Husserl. Ông cũng là một trong những phát ngôn viên đã sáng lập ra Hiến chương 77. Ông bị cảnh sát quấy rối nghiêm trọng, bị gọi thẩm vấn triền miên, và theo đúng nghĩa, đã bị cảnh sát săn lùng cho đến tận giường bệnh viện nơi ông trút hơi thở cuối cùng. Trích đoạn trên được lấy từ diễn văn cuối cùng của ông, được dịch ra tiếng Anh là “Political testament” (Di chúc chính trị), Telos, 31 (mùa xuân 1977), trang 151-2.

No comments:

Post a Comment