December 20, 2015

Thị trường và đạo đức (Kì 9)


Thị trường và đạo đức

Tác giả: TOM G. PALMER

Dịch giả: Phạm Nguyên Trường

Hiệu đính: Đinh Tuấn Minh



Năm xuất bản: 2014
PHẦN II
HỢP TÁC TỰ NGUYỆN VÀ LỢI ÍCH CÁ NHÂN

Đạo lí của bình đẳng và bất bình đẳng trong xã hội thị trường.


Leonid V. Nikonov

Trong tiểu luận này, nhà triết học Nga Leonid Nikonov khảo sát có phê phán một cách kĩ lưỡng ý tưởng về “bình đẳng” trong nền kinh tế thị trường và thấy rằng phần lớn những lời phê phán mang tính bài tư bản dựa trên đòi hỏi về bình đẳng – dù đấy có là bình đẳng về khả năng, bình đẳng về giá trị hay về kết quả - là không phù hợp. Leonid Nikonov là giảng viên triết học tại trường đại học tổng hợp quốc gia Altai ở Barnaul, Cộng hòa Liên bang Nga. Ông giảng dạy các môn như triết học, bản thể học, nhận thức luận, và triết học tôn giáo. Hiện nay ông đang viết tác phẩm với nhan đề Khía cạnh đạo đức của chủ nghĩa tự do (Moral Measurements of Liberalism) và đã từng công bố nhiều bài viết trên các ấn phẩm mang tính hàn lâm của Nga. Năm 2010 ông thành lập và sau đó trở thành giám đốc Trung tâm triết lí của tự do, trung tâm này thường xuyên tổ chức những cuộc hội thảo và thảo luận cũng như những chương trình khác ở Nga và Kazakhstan. Ông càng gắn bó hơn với công việc đó sau khi giành giải nhất cuộc thi (ở Nga) diễn ra vào năm 2007 viết về đề tài Chủ nghĩa tư bản thế giới và quyền tự do của con người, một cuộc thi tương tự như cuộc thi do qũy Students For Liberty diễn ra vào năm 2011 và tham gia giảng dạy cho khóa học về tự do diễn ra vào mùa hè ở Alushta, Ukraine. (Chương trình lúc đó do Cato.ru, còn hiện nay thì do InLiberty.ru sắp xếp). Năm 2011 ông được mời làm thành viên trẻ của tổ chức Mont Pelerin Society, một tổ chức do 39 nhà khoa học thành lập vào năm 1947 nhằm khôi phục lại những tư tưởng tự do truyền thống.

Thị trường không nhất thiết phải tạo ra kết quả bình đẳng cũng như không đòi hỏi những nguồn lực sở hữu bình đẳng. Nhưng để có thị trường thì đấy là cái giá đáng phải trả. Bất bình đẳng không chỉ đơn thuần là kết quả bình thường của sự trao đổi trên thương trường. Nó là điều kiện tiên quyết của quá trình trao đổi, không có nó thì trao đổi sẽ chẳng còn ý nghĩa gì. Hi vọng rằng những vụ trao đổi trên thương trường và xã hội thị trường, trong đó tài sản được phân bố thông qua thị trường, sẽ tạo ra sự bình đẳng là hi vọng hão huyền. Bình đẳng về những quyền căn bản, trong đó có bình đẳng về quyền tự do trao đổi, là nhu cầu thiết yếu của thị trường tự do, nhưng đừng nghĩ rằng thị trường tự do sẽ tạo ra kết quả như nhau cho tất cả mọi người, cũng như thị trường tự do không cần sự bình đẳng về điều kiện nào khác, ngoài bình đẳng trước pháp luật.

Có thể coi lí tưởng của quá trình trao đổi bình đẳng là sự bình đẳng về nguồn lực sở hữu ban đầu hoặc bình đẳng về kết quả chung cuộc. Nếu hiểu theo nghĩa bình đẳng về nguồn lực sở hữu thì chỉ có những người ngang nhau về mọi khả năng liên quan mới có thể tham gia vào quá trình trao đổi bình đẳng, bất kì sự khác biệt nào cũng tạo ra trao đổi bất bình đẳng, đấy là lí do vì sao một số người bác bỏ hợp đồng lao động – vì sự bất bình đẳng (và vì vậy mà bất công) - giữa người lao động và người sử dụng lao động. Nếu hiểu theo nghĩa bình đẳng về kết quả chung cuộc thì nghĩa là chỉ những giá trị ngang nhau mới được mang ra trao đổi hoặc sau khi trao đổi người ta sẽ nhận được những giá trị như nhau. Ví dụ, cùng một số lượng hàng hóa với chất lượng như nhau được chuyển từ phía này sang phía kia thì cuộc trao đổi sẽ đáp ứng được điều kiện bình đẳng. Hãy tưởng tượng một cảnh kì quái, trong đó hai sinh vật có hình dạng giống như con người, hoàn toàn giống nhau (để tránh sự khác biệt tạo ra bất bình đẳng), chuyển giao cho nhau những món đồ hoàn toàn giống nhau. Bỏ qua một bên xúc cảm thẩm mĩ mà ta có thể có trước bức tranh trái tự nhiên này, ý tưởng về trao đổi bình đẳng là ý tưởng đầy mâu thuẫn. Trao đổi như thế chẳng làm thay đổi được gì, nó chẳng cải thiện được địa vị của bất cứ bên nào, nghĩa là chẳng bên nào có lí do để trao đổi hết. (Karl Marx khăng khăng nói rằng trao đổi trên thương trường là dựa trên sự trao đổi của những giá trị ngang nhau, điều đó đã tạo ra một lí thuyết kinh tế vô nghĩa lí và chẳng ăn nhập gì với thực tế hết). Gắn trao đổi trên thương trường với nguyên tắc bình đẳng là đã tước đi chính lí do của sự trao đổi, mà lí do là các bên trao đổi để lấy cái tốt hơn. Về mặt kinh tế học, trao đổi là dựa trên sự công nhận về cách đánh giá khác nhau của các bên tham gia trao đổi.

Tuy nhiên, xét về mặt đạo đức, tư tưởng bình đẳng có thể là tư tưởng hấp dẫn đối với một số người. Đặc điểm chung của nhiều đánh giá mang tính đạo đức là chúng thường hình thành trên quan niệm về trách nhiệm, chỉ quan tâm tới việc phải làm chứ không quan tâm tới khía cạnh kinh tế của nó, tới việc nó có thực sự tồn tại hay không hay tới hậu quả của cái điều (Mà chắc chắn hoàn thành) phải làm kia. Ví dụ, theo Immanuel Kant thì trách nhiệm đòi hỏi phải thực thi, bất chấp kết quả và hậu quả và thậm chí bất chấp cả khả năng thực hiện cái cần phải làm. Nói “anh phải” cũng có nghĩa là nói “anh có thể”. Cho nên, mặc dù bình đẳng trong trao đổi là lố bịch về mặt kinh tế, nhưng nó vẫn (và đang) được coi là lí tưởng về mặt đạo đức.

Bình đẳng – như một vấn đề đạo đức – là một chủ đề phức tạp. Chúng ta có thể phân biệt hai quan điểm. Quan điểm thứ nhất: bình đẳng là mối quan tâm chủ yếu (những người theo chủ nghĩa bình quân) và quan điểm thứ hai: bình đẳng không phải là chủ yếu (những người không theo chủ nghĩa bình quân). Những người không theo chủ nghĩa bình quân không cần khẳng định bình đẳng là đáng mong muốn hay không đáng mong muốn, họ chỉ bác bỏ việc coi bình đẳng là mục đích nhằm loại bỏ những mục đích khác, đặc biệt là tập trung vào việc bảo đảm cho sự bình đẳng về mặt vật chất. Những phi-bình-quân-chủ-nghĩa theo chủ nghĩa tự do cổ điển (hay chủ nghĩa tự do cá nhân) khẳng định tầm quan trọng của một số quyền bình đẳng, mà cụ thể là bình đẳng về những quyền căn bản, họ cho rằng quyền bình đẳng này không phải là bình đẳng về kết quả, cho nên cũng có thể coi họ là những người theo chủ nghĩa bình quân kiểu khác. (Người dân trong các xã hội hiện đại và tự do coi bình đẳng về quyền là nền tảng của luật pháp, của quyền sở hữu và lòng khoan dung). Những người tự do cá nhân phi-bình-quân-chủ-nghĩa bảo vệ quan điểm của họ, họ coi đấy là hình thức bình đẳng trong sáng nhất hay phù hợp nhất hoặc ổn định nhất, còn những người biện hộ cho quyền bình đẳng trong “phân phối” tài sản lại tuyên bố rằng bình đẳng của phái tự do cá nhân là bình đẳng chỉ mang tính hình thức, bình đẳng trên lời nói chứ không phải trên thực tế. (Họ cho rằng bình đẳng trước pháp luật chỉ là nói về suy nghĩ và hành động của người ta chứ không nói về tình trạng đáng mong ước của thế giới hay của phân bố tài sản. Coi cách tiếp cận với quyền bình đẳng như thế chỉ là hình thức chứ không phải là thực chất phụ thuộc vào quan niệm của người ta về vai trò của thủ tục pháp lí và tiêu chuẩn hành vi).

Thật khó thảo luận những vấn đề triết học phức tạp trước khi chúng được trình bày một cách rõ ràng hoặc được đặt ra một cách đúng đắn. Các nhà triết học cả ở phương Đông lẫn phương Tây đã nêu ra các học thuyết về đạo đức cách đây hàng ngàn năm, tức là trước khi có những phân tích về những đánh giá liên quan đến trách nhiệm và lập luận hiển ngôn. David Hume là người đầu tiên thực hiện công trình nghiên cứu theo hướng này, sau đó là Immanuel Kant và những triết gia theo trường phái thực chứng khác như George Moore, Alfred Ayer, Richard Hare ..v..v..; công việc nghiên cứu vẫn còn tiếp tục. Mặc dù cuộc tranh luận giữa những người theo chủ nghĩa bình quân và những người không theo chủ nghĩa bình quân không chỉ giới hạn trong việc xem xét quan hệ hợp lí giữa bình đẳng và đạo đức, tìm hiểu mối quan hệ giữa bình đẳng và đạo đức sẽ là đóng góp có giá trị vào cuộc tranh luận sôi nổi, đang diễn ra hiện nay, về việc liệu dùng vũ lực để tái phân phối lượng tài sản bất bình đẳng do thị trường tạo ra là việc làm hợp đạo lí hay là đáng phải bị cấm, nếu xét về mặt đạo lí. (Điều này khác hẳn với vấn đề là tài sản của những người chủ sở hữu hợp pháp bị nhà cầm quyền hay những kẻ tội phạm chiếm đoạt phải được trả về cho khổ chủ).

Xin xem xét vấn đề đạo đức của sự công bằng thông qua một câu hỏi đơn giản sau đây: Tại sao bình đẳng - dù đấy là bình đẳng về nguồn lực sở hữu ban đầu hay bình đẳng về kết quả chung cuộc thì cũng thế - về mặt đạo đức, lại ưu việt hơn là bất bình đẳng (hoặc ngược lại)? Muốn tìm được câu trả lời cho cuộc tranh luận như thế thì phải hỏi trực tiếp cả những người theo chủ nghĩa bình quân lẫn những người không theo chủ nghĩa bình quân.

Phạm vi của những câu trả lời khả thể là có giới hạn. Trước hết, người ta có thể quyết định những tỉ lệ số học cụ thể nào đó (về bình đẳng hoặc bất bình đẳng) là tốt hơn những tỉ lệ khác. Ví dụ, tỉ lệ giữa X với Y là đức hạnh hơn nếu giá trị của các biến số này bằng nhau và kém đức hạnh hơn nếu các biến số này không bằng nhau, nghĩa là tỉ lệ 1:1 tốt hơn tỉ lệ 1:2 (và càng đức hạnh hơn so với tỉ lệ 1:10). Mặc dù dường như quan điểm như thế là rất rõ ràng, nhưng vấn đề đạo đức lại không dễ giải quyết như thế. Các giá trị không thể được rút ra từ những biểu thức toán học, bản thân những biểu thức này vốn đã trung tính về mặt đạo đức rồi. Khẳng định rằng tỉ lệ toán học này là ưu việt hơn tỉ lệ toán học kia là việc làm cực kì tùy tiện, chẳng khác gì hành động kì quặc của những đồ đệ của Pythagor, những người đã phân chia các con số thành giống đực, giống cái, đáng yêu, tốt, xấu ..v..v..

Tốt hơn là không nên tập trung vào sự bình đẳng về nguồn lực sở hữu ban đầu hay kết quả chung cuộc mà nên tập trung vào đức hạnh của từng cá nhân, coi đấy là cơ sở để đánh giá những mối quan hệ (trong đó có quan hệ trao đổi) giữa các cá nhân với nhau. Theo đó: không ai có đức hơn (hoặc kém đức hơn) người khác hay ngược lại, một số người có đức hơn (hoặc kém đức hơn) những người khác. Trên cơ sở đó ta có thể nói rằng đòi hỏi bình đẳng về khả nguồn lực sở hữu ban đầu hay kết quả là đáng mong muốn hay không đáng mong muốn. Cả hai quan điểm đều cùng hội tụ về một điểm là cần tái phân phối bằng bạo lực nhằm xóa bỏ hay thiết lập sự bất bình đẳng, trong cả hai trường hợp, luận cứ quan trọng nhất là đức hạnh của các bên, mặc dù giữa ý tưởng về đạo đức của người ta và địa vị hiện có của người ta là những khái niệm cách nhau một trời một vực, không thể nào kết nối với nhau được. Nói một cách cụ thể hơn thì vấn đề chính là quan hệ giữa, một bên là đức hạnh và bên kia là số lượng hay giá trị tài sản mà một người nào đó đang nắm giữ. Chúng ta có thể tiến thêm một bước nữa mà hỏi rằng vì sao mỗi buổi sáng hai người đức hạnh như nhau lại phải uống cùng số lượng hay cùng số tiền cà phê như nhau? Hoặc liệu một người nhân từ và ông hàng xóm keo kiệt của ông ta, cả hai đều có đạo đức như nhau (hoặc họ có như nhau không?), lại phải hay không được sở hữu số chậu lan như nhau? Những người có đạo đức như nhau dường như không có biểu hiện gì rõ ràng là họ bình đẳng về khả năng hay tiêu dùng hoặc tài sản mà họ nắm giữ là như nhau. Hãy xem xét quan hệ của hai người chơi cờ có đạo đức như nhau. Đạo đức như nhau có phải là tài nghệ như nhau hay ván cờ nào cũng hòa hay không? Hay họ phải theo cùng luật chơi, và điều này sẽ kéo theo là không thể có quy định mang tính quy chuẩn là tất cả các ván cờ đều sẽ hòa. Như vậy là, không có mối liên hệ nào giữa đức hạnh với nguồn lực sở hữu ban đầu hay kết quả cụ thể.

Nếu chúng ta tập trung chú ý vào hành vi hay luật lệ chứ không chú ý vào nguồn lực ban đầu hay kết quả chung cuộc thì chúng ta sẽ thấy là tình hình công việc là do hành động, sự lựa chọn và (nhất là trong những trường hợp tội phạm) ý định. Một người có bao nhiêu tiền trong túi và số tiền này lớn hơn hay nhỏ hơn số tiền trong túi của người hàng xóm, tự bản thân nó không phải là thành tố mang tính đạo đức. Vấn đề là số tiền đó từ đâu mà ra. Một ông trùm tư bản và một người lái taxi đều có thể được coi là người có đạo đức hay không đạo đức, tất cả phụ thuộc vào việc là hành động của người đó có tương thích với những tiêu chuẩn đạo đức phổ quát hay là không, ví dụ như họ có tôn trọng những quy tắc công lí và những tiêu chuẩn đạo đức vốn có trong họ và trong những người khác hay không. Người ta ca ngợi hay phê phán một người không phải vì anh ta giàu hay nghèo mà vì hành động mà anh ta làm. Địa vị khác nhau tạo ra khả năng khác nhau trong việc thực hiện những hành vi tốt hay xấu, đạo đức hay vô đạo, công bằng hay bất công, nhưng những tiêu chuẩn vừa nói bên trên - chứ không phải nguồn lực sở hữu ban đầu hay kết quả cuối cùng – mới chi phối hành vi của con người. Sử dụng một cách bình đẳng các tiêu chuẩn đạo đức là cơ sở để chúng ta đánh giá hành vi của một người là có phù hợp đạo lí hay không. Bình đẳng về mặt đạo đức nghĩa là tội ác là tội ác, dù người lái taxi hay một ông trùm tư bản thực hiện thì cũng vậy mà thôi, và buôn bán trung thực tạo ra lợi nhuận vẫn là buôn bán trung thực, do hai người lái taxi hay hai ông trùm tư bản hoặc một ông trùm tư bản và một người lái taxi buôn bán với nhau thì cũng thế.

Xin quay trở lại với quan hệ giữa tài sản và bình đẳng. Tài sản mà người ta có có thể là kết quả của hành vi đúng đắn hay dùng bạo lực cướp đoạt. Trao đổi trên thị trường tự do có thể tạo ra bất bình đẳng hơn hoặc bình đẳng hơn, nhà nước can thiệp hoặc tái phân phối cũng có thể tạo ra bất bình đẳng hơn hoặc bình đẳng hơn. Không thể nói trước được là những hình thức tương tác như thế là bình đẳng hay bất bình đẳng. Một doanh nhân có thể tạo ra của cải và vì vậy mà giàu hơn người khác, ngay cả khi tài sản được tạo ra cũng có lợi cho người kia. Trao đổi trên thị trường tự do có thể làm cho mọi người bình đẳng hơn: thịnh vượng lan rộng và xói mòn dần đặc quyền đặc lợi bất công mà một số người được thừa hưởng từ những hệ thống cũ. Một người ăn cắp của một người nào đó và vì vậy mà có nhiều tài sản hơn nạn nhân, kết quả là bất bình đẳng hơn; còn nếu hắn lại bị mất cắp thì sẽ có bình đẳng hơn. Tương tự như thế, sự can thiệp của các lực lượng cưỡng bức có tổ chức của nhà nước có thể tạo ra sự bất bình đẳng nghiêm trọng về tài sản – bằng cách chà đạp quyền lựa chọn của những người tham gia trên thương trường (chủ nghĩa bảo hộ, tài trợ và “độc quyền để thu lợi”) hoặc đơn giản là sử dụng bạo lực và cưỡng bức, như đã từng xảy ra trong các nước theo chế độ toàn trị. (Tuyên bố hi sinh vì bình đẳng không có nghĩa là thực sự tạo ra bình đẳng, như kinh nghiệm cay đắng của hàng chục năm qua đã cho thấy).

Dù hệ thống pháp luật hay hệ thống kinh tế có làm cho người ta tiến đến gần hơn hay xa hơn bình đẳng về thu nhập thì đấy vẫn chỉ là vấn đề thực tiễn chứ không phải là vấn đề lí thuyết. Báo cáo về mức độ tự do kinh tế thế giới (The Economic Freedom of the World Report -www.freetheworld.com) đo mức độ tự do kinh tế và sau đó tiến hành so sánh nó với những chỉ số thể hiện mức độ thịnh vượng khác nhau (tuổi thọ, trình độ học vấn, mức độ tham nhũng, thu nhập tính trên đầu người..v.v..). Số liệu cho thấy rằng dân chúng trong những nước có nền kinh tế tự do nhất không chỉ giàu có hơn hẳn dân chúng các nước có nền kinh tế ít tự do hơn, mà bất bình đẳng về thu nhập (cụ thể là phần thu nhập quốc dân mà 10% người nghèo nhất được hưởng) không phải là đặc điểm của những chính sách khác nhau, nhưng tổng thu nhập của họ thì lại là đặc điểm như thế. Nếu chia các nước trên thế giới thành 4 nhóm (mỗi nhóm chiếm 25% dân số thế giới) thì phần thu nhập quốc dân mà 10% người nghèo nhất trong nhóm nước có nền kinh tế ít tự do nhất (trong đó có những nước như Zimbabwe, Myanmar và Syria) được hưởng trong năm 2008 (năm gần nhất có số liệu) là 2,47%; trong nhóm tiếp theo (đứng tứ ba về tự do kinh tế) con số đó là 2,19%; nhóm tiếp theo (đứng thứ hai về tự do kinh tế) con số đó là 2,27%; còn nhóm tự do nhất là: 2,58%. Mức độ dao động không phải là lớn. Có thể nói bất bình đẳng về kinh tế dường như miễn nhiễm đối với những quy định của chính sách kinh tế. Nhưng mặt khác, tổng thu nhập mà 10% người nghèo nhất được hưởng thì lại khác nhau một trời một vực, biến số này chắc chắn là không miễn nhiễm trước các chính sách kinh tế. Người nằm trong diện 10% những người nghèo nhất trong những nước ít tự do kinh tế nhất chỉ có thu nhập trung bình là 910 USD một năm, trong khi người nằm trong diện 10% người nghèo nhất trong những nước có nền kinh tế tự do nhất lại có thu nhập trung bình hàng năm lên tới 8.474 USD. Dường như đối với người nghèo thì nghèo ở Thụy Sỹ vẫn tốt hơn là nghèo ở Syria.

Dù bạn và tôi có khởi đầu bình đẳng trước khi trao đổi hay có tài sản như nhau sau khi trao đổi thì điều đó, tự nó, cũng không phải là vấn đề đạo đức. Nhưng mặt khác, không đối xử một cách bình đẳng với những người bình đẳng với nhau về mặt đạo đức và không để họ được bình đẳng trước pháp luật – tất cả đều nhằm tạo ra thu nhập bình đẳng hơn (đây dường như là một công trình không thành công vì khó mà thao túng được kết quả) – chắc chắn là vấn đề đạo đức rồi. Đấy chính là vi phạm quyền bình đẳng về mặt đạo đức.

Cuộc tranh cãi ồn ào nhất về bất bình đẳng về thu nhập lại không phải là tranh cãi về bất bình đẳng giữa người giàu và người nghèo trong những xã hội tự do về kinh tế mà là tranh cãi về khoảng cách khổng lồ giữa tài sản của người dân trong những xã hội tự do về mặt kinh tế và tài sản của người dân trong các xã hội không được tự do về mặt kinh tế. Khoảng cách giàu nghèo chắc chắn có thể được giải quyết bằng cách thay đổi luật lệ, nghĩa là thay đổi chính sách kinh tế. Giải phóng người dân trong những xã hội không được tự do về kinh tế sẽ tạo ra một lượng tài sản rất lớn, điều đó sẽ giúp thu hẹp khoảng cách giữa những người giàu trên thế giới và người nghèo trên thế giới hơn bất kì chính sách có thể tưởng tượng được nào khác. Hơn nữa, điều đó còn có những hậu quả tích cực trong việc thực thi công lí vì nó chấm dứt việc đối xử bất bình đẳng với người dân trong các nước có bộ máy cai trị tồi vì nạn ô dù, tập quyền, chủ nghĩa quân phiệt, chủ nghĩa xã hội và bạo lực. Tự do kinh tế là bình đẳng trước pháp luật và quyền của mọi người trong việc sản xuất và trao đổi đều được tôn trọng như nhau, đấy là tiêu chuẩn công lí đúng đắn dành cho những con người đức hạnh.

Nguồn: http://studentsforliberty.org/college/the-morality-of-capitalism/

No comments:

Post a Comment