February 2, 2016

Milovan Djilas - Giai cấp mới (Kì 15)

Milovan Djilas

Milovan Djilas (1911-1995)

Giai cấp mới

Phạm Nguyên Trường dịch

Trong thế giới ngày nay

1.

Để có thể xác định được vị trí quốc tế của chủ nghĩa cộng sản đương đại phải xem xét, dù là một cách sơ lược, những sự kiện đang diễn ra trên thế giới ngày nay.

Thế chiến I đã biến nước Nga Sa Hoàng thành một nhà nước kiểu mới, nghĩa là ở đó đã hình thành những quan hệ xã hội kiểu mới. Ngoài ra, sự cách biệt về trình độ kĩ thuật và tốc độ phát triển giữa Mĩ và Tây Âu đang ngày một rộng thêm. Sự cách biệt này, vốn là kết quả của Thế chiến II, có nguy cơ trở thành hố sâu ngăn cách không thể nào vượt qua được nếu ở Mĩ không diễn ra những thay đổi sâu sắc về cơ cấu kinh tế.

Không chỉ chiến tranh - chiến tranh chỉ là chất xúc tác - là nguyên nhân của sự cách biệt đáng kể giữa Mĩ và phần còn lại của thế giới. Nguyên nhân của sự phát triển nhanh chóng của Mĩ dĩ nhiên là do những khả năng của nước này: đấy là những điều kiện tự nhiên và xã hội cũng như đặc điểm của nền kinh tế Mĩ. Chủ nghĩa tư bản Mĩ đã phát triển trong những hoàn cảnh khác hẳn với châu Âu và đạt đỉnh cao khi những kẻ cạnh tranh châu Âu đã đi vào thoái trào.

Ngày nay, sự cách biệt được thể hiện như sau: 6% dân số thế giới sống ở Mĩ sản xuất 40% tất cả sản phẩm vật chất và dịch vụ toàn cầu. So với châu Âu, tình hình như sau: giai đoạn giữa Thế chiến I và Thế chiến II, tỉ trọng của Mĩ trong nền sản xuất thế giới chiếm 35%, sau Thế chiến II đã là 50%. Châu Âu, không tính Liên Xô, tình hình hoàn toàn ngược lại: tỉ trọng của nó giảm từ 68% năm 1870 còn 42% trong những năm từ 1925 đến 1929, sau đó giảm còn 34% vào năm 1937 và 25% vào năm 1948 (số liệu của Liên hợp quốc).

Sự phát triển nền công nghiệp ở các nước thuộc địa cũng có vai trò to lớn, chính nhờ đó mà đa số những nước này đã giành được độc lập sau Thế chiến II.

Trong giai đoạn giữa Thế chiến I và Thế chiến II, chủ nghĩa tư bản đã trải qua một cuộc khủng hoảng kinh tế cực kì sâu sắc, với những hậu quả xã hội rất to lớn mà chỉ có những người cộng sản giáo điều, đặc biệt là tại Liên Xô, mới không chịu công nhận mà thôi. Cuộc đại khủng hoảng năm 1929 chứng tỏ rằng nó vượt xa những cuộc khủng hoảng hồi thế kỉ XIX và những sự xáo trộn tương tự như vậy có thể đe doạ cơ cấu xã hội, thậm chí sự sống còn của cả một dân tộc. Các nước phát triển, đặc biệt là Mĩ, đã phải từng bước và bằng những con đường khác nhau, áp dụng một nền kinh tế kế hoạch hoá, ban đầu là trên bình diện quốc gia và sau Thế chiến II thì mở rộng ra bình diện quốc tế. Cùng với nó, đã diễn ra những thay đổi, tuy không được nói đến nhiều về mặt lí luận, có ý nghĩa thời đại cho các nước đó và cho toàn thế giới nữa.

Cũng trong giai đoạn này đã hình thành các hệ thống toàn trị, ở Liên Xô cũng như ở một vài nước tư bản (nước Đức quốc xã).

Khác với Mĩ, nước Đức nằm trong tình trạng bất bình thường, nghĩa là nó không có khả năng sử dụng những biện pháp kinh tế để giải quyết các vấn đề nội bộ cũng như khuyếch trương thế lực trên trường quốc tế. Chiến tranh và chế độ toàn trị (chủ nghĩa quốc xã) là lối thoát duy nhất của các tập đoàn độc quyền Đức và vì vậy, họ đã khuất phục đảng phát xít quân phiệt.

Liên Xô, như chúng ta đã thấy, áp dụng chế độ toàn trị vì những lí do khác: đấy là điều kiện cần thiết cho quá trình công nghiệp hoá.

Nhưng còn một điều nữa, có thể ít được để ý, nhưng thực ra lại là bước ngoặt cho thế giới hiện đại.

Đấy chính là chiến tranh. Chiến tranh tạo ra những thay đổi to lớn ở cả những nơi mà hậu quả của nó không phải là cách mạng. Chiến tranh không chỉ gây ra những sự tàn phá khủng khiếp, nó còn làm đảo lộn trật tự thế giới và làm rối loạn quan hệ trong từng nước riêng biệt nữa.

Tính chất bước ngoặt của các cuộc chiến tranh hiện đại được thể hiện không chỉ trong việc kích thích tiến bộ kĩ thuật mà còn tạo ra những thay đổi trong cơ cấu kinh tế và xã hội nữa. Chả phải là Thế chiến II đã cho nước Anh thấy những quan hệ lỗi thời và làm cho những quan hệ này lung lay đến mức người ta phải tiến hành quốc hữu hoá trên diện rộng ư? Chả phải là Burma, Ấn Độ, Indonesia nhờ đó mà trở thành những nước độc lập ư? Sự thống nhất Âu châu chả phải là hậu quả của nó ư? Chả phải nó đã đưa Mĩ và Liên Xô thành hai lực lượng kinh tế và chính trị chủ yếu ư?

Chưa bao giờ chiến tranh lại có ảnh hưởng sâu rộng như thế đối với đời sống của từng quốc gia nói riêng và cả nhân loại nói chung. Có hai lí do. Thứ nhất, chiến tranh hiện đại nhất định phải là chiến tranh tổng lực. Tất cả các nguồn nhân vật lực đều phải được động viên vì trình độ kĩ thuật cao không cho phép bất cứ lĩnh vực nào “được ngồi chơi xơi nước” nữa. Thứ hai, vì những lí do về kinh tế, kĩ thuật và hàng loạt lí do khác, thế giới đã trở thành một thể thống nhất hơn bao giờ hết, bất cứ một sự thay đổi nhỏ nào (chiến tranh tạo ra biết bao thay đổi) của một bộ phận cũng tạo ra, giống như với một cơ thể sống, những phản ứng của các bộ phận khác. Bất cứ cuộc chiến tranh hiện đại nào cũng đều có xu hướng trở thành chiến tranh thế giới.

Những bước ngoặt về kinh tế và quân sự “không nhìn thấy được” đó có ý nghĩa vô cùng to lớn và diện tác động vô cùng rộng. Và điều quan trọng là những biến đổi đó đều có “tính tự phát” (khác với các cuộc cách mạng bạo lực, có tổ chức và bị điều kiện hoá về tư tưởng) cho nên nó càng cho thấy rõ xu hướng phát triển của thế giới hiện đại.

Như vậy là, thế giới ngày nay, sau Thế chiến II, đã không còn là cái thế giới như trước kia nữa.

Năng lượng nguyên tử mà con người tranh đoạt được của thiên nhiên, của vũ trụ, là một mốc son chói lọi nhưng không phải mốc son duy nhất của thời đại mới.

Vì đã nói đến năng lượng nguyên tử nên cũng phải ghi nhận rằng chính những người cộng sản đã lựa chọn nó làm biểu tượng của chế độ cộng sản cũng như máy hơi nước từng là biểu tượng và tiền đề của chủ nghĩa tư bản công nghiệp.

Nhưng dù có đánh giá cao biểu tượng đó đến đâu đi chăng nữa thì sự thật vẫn là: năng lượng nguyên tử đã tạo ra những thay đổi không chỉ trong những nước riêng biệt mà trên toàn thế giới. Nhưng những thay đổi này không đưa nhân loại về hướng chủ nghĩa cộng sản hay chủ nghĩa xã hội như các “lí thuyết gia” cộng sản kì vọng.

Năng lượng nguyên tử không phải là con đẻ của một dân tộc cụ thể nào, nó là sản phẩm của hàng trăm năm lao động miệt mài của những khối óc vĩ đại nhất của nhiều dân tộc. Việc áp dụng nó cũng là kết quả của những cố gắng của một loạt nước, cố gắng không chỉ trong lĩnh vực khoa học mà của cả lĩnh vực kinh tế nữa. Thiếu sự thống nhất trên toàn thế giới thì việc sử dụng năng lượng hạt nhân đã không thể xảy ra được.

Năng lượng nguyên tử trong tương lai cũng sẽ được sử dụng cho mục đích làm cho thế giới trở thành ngày một thống nhất hơn. Trên đường đi của mình, nhất định nó sẽ phá vỡ những rào cản mà nhân loại đã thừa kế được từ quá khứ, đấy có thể là quan hệ sở hữu, quan hệ xã hội, nhưng trước hết là những hệ thống và hệ tư tưởng khép kín, thí dụ như chủ nghĩa cộng sản trước cũng như sau khi Stalin chết.

2.

Xu hướng hợp nhất quốc tế là đặc điểm chủ yếu, đặc điểm nổi bật trong thời đại của chúng ta.

Nhưng điều đó không có nghĩa là trước đây thế giới không có xu hướng hợp nhất, dĩ nhiên là hợp nhất bằng những phương pháp khác.

Xu hướng thiết lập các mối liên hệ quốc tế thông qua thị trường thế giới đã giành thế thượng phong ngay từ giữa thế kỉ XIX. Đấy đã là sự hợp nhất quốc tế trong thời đại các nền kinh tế tư sản dân tộc và các cuộc chiến tranh dân tộc chủ nghĩa. Sự hợp nhất quốc tế như vậy là đã được thực hiện thông qua các nền kinh tế quốc gia và các cuộc chiến tranh giữa các dân tộc.

Quá trình hợp nhất quốc tế tiếp tục được thiết lập bằng cách phá vỡ những hình thức sản xuất tiền tư bản trong những vùng chưa phát triển và sự phân chia những khu vực này giữa các nước đã phát triển. Đấy là giai đoạn của chủ nghĩa tư bản độc quyền và chiến tranh xâm lược thuộc địa, trong đó mối liên hệ và quyền lợi của các tập đoàn thường đóng vai trò chính, nhiều khi còn lớn hơn cả nhu cầu quốc phòng của đất nước. Khi đó xu hướng hợp nhất quốc tế được thể hiện chủ yếu thông qua cuộc đấu tranh và thống nhất của tư bản độc quyền. Đấy là hình thức hợp nhất cao hơn sự hợp nhất thông qua thị trường. Tư bản đã vượt ra khỏi quốc gia, trụ vững và làm chủ toàn thể thế giới.

Xu hướng hợp nhất ngày hôm nay hoàn toàn khác hẳn. Sự tiến lên liên tục theo hướng đó đòi hỏi trình độ phát triển cao, nền khoa học hiện đại, phương pháp tư duy khoa học. Hợp nhất không thể tiếp tục tiến lên trên cơ sở dân tộc (càng không thể chỉ dựa vào cơ sở dân tộc) hay bằng cách chia thế giới thành những vùng ảnh hưởng độc quyền được nữa.

Xu hướng hợp nhất mới (hợp nhất về sản xuất) đặt cơ sở trên mức độ hợp nhất đã có trước đây, nghĩa là hợp nhất về thị trường và tư bản, lại vấp phải những hình thức quan hệ không phù hợp, lỗi thời; đấy là quan hệ trong từng quốc gia, giữa các quốc gia và trước hết là quan hệ xã hội. Nếu trước đây hợp nhất đạt được thông qua những cuộc đấu tranh dân tộc (va chạm và chiến tranh) thì ngày nay hợp nhất chỉ có thể đạt được thông qua việc loại bỏ những quan hệ xã hội đã lỗi thời.

Sự phối hợp và hợp tác trong sản xuất trên bình diện quốc tế sẽ được thực hiện bằng con đường nào, chiến tranh hay hoà bình, không ai có thể nói trước được, nhưng xu hướng là không thể đảo ngược và cũng không có gì phải nghi ngờ.

Con đường thứ nhất: chiến tranh. Sự hợp nhất được thực hiện bằng vũ lực, nghĩa là bằng sự thống trị của một nhóm nào đó. Nhưng “di sản” là không thể tránh khỏi - ngọn lửa chiến tranh, bất hoà và bất công tiếp tục âm ỉ. Hợp nhất bằng chiến tranh là hợp nhất với cái gía là sự hi sinh của những kẻ yếu, những kẻ chiến bại. Ngay cả trong trường hợp chiến tranh có “giải quyết” được những quan hệ cụ thể thì di sản của nó vẫn là một loạt mâu thuẫn và hố sâu chia rẽ.

Ngoài ra, vì nhiên liệu chủ yếu của ngọn lửa chiến tranh hiện là mâu thuẫn giữa hai hệ thống, cho nên nó sẽ mang đặc trưng giai cấp chứ không phải dân tộc hay quốc gia như trước nữa. Chiến tranh vì vậy sẽ cực kì mãnh liệt và tàn khốc. Cuộc chiến tranh tương lai sẽ là chiến tranh thế giới hoặc nội chiến chứ không còn là chiến tranh giữa các dân tộc và quốc gia. Chính vì thế mà chiến tranh sẽ khủng khiếp hơn và ảnh hưởng của nó với công cuộc phát triển hoà bình sau này cũng lớn hơn.

Hợp nhất bằng biện pháp hoà bình sẽ diễn ra chậm hơn nhưng là biện pháp bền vững, là biện pháp hợp lí và công bằng duy nhất có thể chấp nhận được.

Cứ theo những gì đang diễn ra hiện nay, ta có thể cho rằng sự hợp nhất sẽ tính đến những mâu thuẫn của hai hệ thống, ngược với mâu thuẫn đặc trưng (dân tộc) cho những quá trình tương tự, đã diễn ra trong thời gian qua.

Nhưng điều đó không có nghĩa là những mâu thuẫn hiện nay chỉ giới hạn trong sự đối đầu giữa hai hệ thống. Đang tồn tại và sẽ tiếp tục tồn tại những mâu thuẫn khác, kể cả những mâu thuẫn có nguồn gốc từ quá khứ. Xu hướng hợp nhất nền sản xuất toàn cầu phản ánh một cách rõ ràng và toàn diện nhất trên tấm gương của sự đối đầu giữa hai hệ thống.

Đồng thời, sẽ là không thực tế khi cho rằng sự hợp nhất nền sản xuất toàn cầu sẽ được thực hiện trong tương lai gần. Quá trình hợp nhất sẽ kéo dài (vì là kết quả của hoạt động một cách kiên trì, có sự phối hợp và tổ chức tốt của các lực lượng sản xuất và các lực lượng khác của toàn thể nhân loại) và sự hợp nhất hoàn toàn cũng là điều bất khả thi. Những cố gắng hợp nhất trong quá khứ chưa từng đạt được kết quả hoàn hảo. Sự hợp nhất hiện nay cũng chỉ là một xu hướng, một cái đích mà sản xuất (của các nước phát triển nhất) cố gắng vươn tới mà thôi.

3.


Cuối Thế chiến II, xu hướng phân li trên cơ sở hệ thống này hay hệ thống kia đã được khẳng định trên phạm vi toàn cầu. Những quốc gia rơi vào vòng ảnh hưởng của Liên Xô, dù đấy chỉ là một phần dân tộc (Đức, Triều Tiên), đã có những nét tương đồng của một hệ thống. Tình hình tương tự cũng diễn ra ở phía bên kia.

Các nhà lãnh đạo Liên Xô hiểu rõ như thế. Tôi còn nhớ trong một bữa ăn tối vào năm 1945, Stalin đã nói như vô tình: “Không như thời xưa, người chiến thắng trong cuộc chiến tranh hiện đại sẽ áp đặt hệ thống của mình”. Điều đó được tuyên bố khi tiếng súng chiến tranh còn chưa chấm dứt, khi dường như mối thiện cảm và sự tin cậy giữa các đồng minh đang rất cao, hi vọng do những tình cảm ấy mang lại tưởng như vô bờ bến. Còn vào tháng 2 năm 1948, ông ta đã tuyên bố với những người Bulgaria và người Nam Tư chúng tôi như sau: “Họ, phương Tây sẽ thành lập nhà nước trên phần Tây Đức, còn chúng ta sẽ thành lập nhà nước trên phần Đông Đức. Chuyện đó là không thể tránh được.”

Bây giờ người ta hay chia - không phải là không có cơ sở - chính sách của Liên Xô thành “tiền” và “hậu” Stalin. Nhưng không phải một mình Stalin phát minh ra hệ thống, còn những người kế vị ông ta cũng bám vào hệ thống chặt không khác gì thời còn Stalin. Sự khác biệt của thời hậu Stalin chỉ là cách tiếp cận của các lãnh tụ Liên Xô đối với quan hệ giữa hai hệ thống, chứ không động tới các hệ thống. Chả phải là chính Khrushchev, tại đại hội XX, đã khẳng định tính chất đặc biệt, riêng rẽ của “thế giới xã hội chủ nghĩa”, “hệ thống xã hội chủ nghĩa” đấy ư? Trên thực tế, điều đó chỉ có nghĩa là ý định ngoan cố trong việc chia thế giới thành những hệ thống, giữ nguyên tính khép kín của hệ thống của mình nhằm bảo vệ độc quyền lãnh đạo ở bên trong.

Cuộc xung đột Đông - Tây được khoác cho hình thức đấu tranh tư tưởng vì thực chất nó là cuộc đấu tranh giữa hai hệ thống. Cuộc chiến tranh tư tưởng, đã đầu độc tâm hồn dân chúng của cả hai phe đối địch, không chấm dứt ngay cả khi hai bên đạt được những nhượng bộ tạm thời. Hơn thế nữa, khi cuộc đụng độ về kinh tế, về chính trị và các mặt khác càng khốc liệt thì người ta lại càng có cảm giác như đấy chính cuộc đấu tranh tư tưởng “đơn thuần”. Trên thực tế, tư tưởng đã trở thành lực lượng trừu tượng, đã là một thế giới đặc biệt, đã là vật tự thân từ lâu.

Cũng còn một kiểu nhà nước nữa, đấy là các nước đã giành được độc lập từ tay chủ nghĩa thực dân (Burma, Ấn Độ, Indonesia, các nước A Rập...). Những nước này đã thực hiện mọi biện pháp nhằm xây dựng một nền kinh tế tự chủ với hi vọng sẽ tạo cho họ nền độc lập thật sự. Tại đó, cùng lúc đang hiện diện nhiều thời đại và hệ thống đan xen vào nhau, mà trước hết là hai hệ thống đương thời.

Vì nhiều lí do, mà chủ yếu là các lí do mang tính dân tộc, những nước này chính là đại diện chân thành của tư tưởng độc lập, hoà bình và hiểu biết lẫn nhau. Không đủ sức loại bỏ cuộc xung đột giữa hai hệ thống, họ chỉ có thể làm cho nó bớt căng thẳng phần nào mà thôi: chính những nước này đang là vũ đài tranh chấp của hai hệ thống. Nhưng vai trò của họ có thể gia tăng. Đáng tiếc là hiện nay các nước này chưa có vai trò quyết định.

Cần phải thấy rằng mỗi hệ thống đều cho rằng sự hợp nhất thế giới phải được thực hiện theo hình mẫu của mình. Hai hệ thống đều nói “có” đối với hợp nhất, nhưng lại có quan điểm hoàn toàn trái ngược về hình thức. Xu hướng hợp nhất thế giới ngày nay đã có hình thù cụ thể và sẽ được thực hiện thông qua cuộc đấu tranh giữa các mặt đối lập, một cuộc đấu tranh nóng bỏng chưa từng có trong điều kiện hoà bình.

Như ta đã biết, biểu hiện về mặt chính trị và tư tưởng của cuộc đấu tranh đó là (phương Tây) dân chủ và (phương Đông) cộng sản.

Nhưng tại phương Tây, với nền chính trị dân chủ, trình độ văn hoá và khoa học kĩ thuật cao hơn nên các xu hướng hợp nhất tự phát cũng biểu hiện rõ ràng hơn, chính phương Tây đang thể hiện như lực lượng bảo vệ tự do, tự do chính trị và tự do tư tưởng.

Hình thức sở hữu ở các nước đó có thể làm chậm lại hay thắt chặt xu hướng này, tất cả phụ thuộc vào hoàn cảnh. Nhưng xu hướng hợp nhất đã và đang hiện diện khắp nơi. Các công ty độc quyền chỉ là trở ngại không đáng kể đối với quá trình hợp nhất: họ thực hiện hợp nhất bằng biện pháp lỗi thời – thông qua khu vực ảnh hưởng. Vì quyền lợi của mình, họ cũng có xu hướng hợp nhất. Đảng lao động Anh, kẻ thù của các công ty độc quyền, cũng là những người ủng hộ hợp nhất, tất nhiên hợp nhất theo cách của họ. Ở Mĩ, ngay cả nếu nền kinh tế có bị quốc hữu hoá, xu hướng hợp nhất còn biểu hiện rõ ràng hơn. Xu hướng hợp nhất thể hiện rõ không chỉ ở Mĩ mà còn ở Anh, một nước đang tiến hành quốc hữu hoá. Nhưng ngay ở Mĩ quá trình quốc hữu hoá cũng đang được thực hiện, tuy không phải bằng cách thay đổi hình thức sở hữu mà bằng cách chuyển vào tay nhà nước phần lớn thu nhập quốc dân.


4.

Xã hội nói chung và từng thành viên của nó đều cố gắng mở rộng và hoàn thiện quá trình sản xuất. Đấy là qui luật. Trong giai đoạn phát triển hiện nay của khoa học, kĩ thuật và tư duy, qui luật này tác động dưới dạng xu hướng hợp nhất nền sản xuất thế giới. Xu hướng này, nói chung, mạnh hơn ở những nơi có trình độ văn hoá và trình độ sản xuất vật chất cao hơn.

Ở phương Tây, xu hướng hợp nhất thể hiện trước hết nhu cầu của kinh tế, kĩ thuật, và những nhu cầu khác; chỉ sau đó mới đến quyền lợi của các lực lượng chính trị, các chủ sở hữu và các lực lượng khác.

Phe Liên Xô tình hình lại hoàn toàn khác. Dù không có các lí do khác, phương Đông cộng sản vẫn phải (chính vì sự lạc hậu) co cụm lại, khép kín lại về mặt kinh tế và tư tưởng, lấy các biện pháp chính trị bù đắp cho sự yếu kém về mọi mặt, trong đó có các yếu kém về kinh tế.

Người ta có thể ngạc nhiên, nhưng sự thật là: cái gọi là sở hữu xã hội chủ nghĩa là trở ngại chủ yếu đối với xu hướng hợp nhất thế giới. Tập thể về mặt hình thức, toàn trị về mặt nội dung, sở hữu mà giai cấp mới đang nắm giữ đã tạo ra một hệ thống kinh tế và chính trị khép kín, ngăn cản việc thiết lập các mối liên kết quốc tế. Hệ thống này có thể sẽ biến đổi một cách cực kì chậm chạp và thật lâu; trên thực tế, nó không hề biểu hiện một sự quan tâm nào đến việc thâm nhập, hội nhập với những hệ thống khác, nghĩa là nó không hề quan tâm đến việc hợp nhất thế giới. Sự biến đổi diễn ra bên trong nó chỉ có mục đích duy nhất là tự củng cố. Đối với hệ thống này, một hệ thống khép kín về bản chất, hợp nhất với thế giới đồng nghĩa với tan rã. Hệ thống với một hình thức sở hữu, quyền lực và tư tưởng duy nhất nhất định phải là hệ thống khép kín, nó sẽ giữ mãi hướng đi độc đáo của mình.

Các lãnh tụ Liên Xô không thể nào tưởng tượng được một thế giới hợp nhất khác với thế giới của chính họ. Thế giới thuộc về họ. Cùng tồn tại hoà bình giữa những hệ thống khác nhau, mà họ thường nói, đối với họ không có nghĩa là hội nhập mà chỉ có nghĩa là sự tồn tại tĩnh của một hệ thống này bên cạnh hệ thống kia cho đến khi hệ thống tư bản bị chinh phục hoặc tự cắn nát mình từ bên trong.

Như đã nói bên trên, sự đối đầu giữa hai hệ thống không có nghĩa là các cuộc xung đột giữa các dân tộc hay chiến tranh giải phóng dân tộc đã chấm dứt. Nhưng những cuộc xung đột này cũng biểu hiện rõ tính chất chủ yếu của thế giới ngày nay: mâu thuẫn của hai hệ thống. Cuộc khủng hoảng kênh đào Suez suýt nữa đã biến thành vụ đụng độ giữa hai hệ thống, đây chính là sự tranh chấp giữa chủ nghĩa dân tộc và nền thương mại thế giới do những lực lượng thực dân cũ là Anh và Pháp đại diện.

Sự căng thẳng trong đời sống quốc tế là kết quả không thể tránh khỏi của những mối quan hệ kiểu đó. Chiến tranh lạnh là tình trạng bình thường của thế giới ngày nay. Hình thức của nó có thể luôn luôn biến đổi, có thể nóng lên hay dịu đi, nhưng trong tình hình hiện nay thì không thể loại bỏ hoàn toàn được. Muốn loại bỏ nó, trước hết phải loại bỏ nguyên nhân sâu xa hơn, nguyên nhân nằm trong bản chất của thế giới hiện đại, ở bản chất của các hệ thống mà trước hết là hệ thống cộng sản. Chiến tranh lạnh là nguyên nhân của sự căng thẳng trong quan hệ giữa hai hệ thống, nhưng chính nó lại là sản phẩm của những mâu thuẫn sinh ra từ trong quá khứ.

Thế giới mà chúng ta đang sống là thế giới không thể dự đoán được. Đây là thế giới với những chân trời khoa học rộng mở, đang vẫy gọi con người; nhưng nó cũng làm lạnh sống lưng khi nghĩ đến những thảm hoạ toàn cầu mà phương tiện chiến tranh hiện đại có thể gây ra.

Thế giới này nhất định phải thay đổi. Nó không thể tồn tại, hay ít nhất không thể tồn tại lâu trong tình trạng lưỡng lự, nửa muốn phân li nửa muốn hợp nhất như hiện nay. Quan hệ quốc tế, sau khi thoát khỏi tình trạng rắc rối hiện nay, sẽ không phải là những quan hệ lí tưởng và cũng không tránh khỏi va chạm. Nhưng đấy sẽ là những quan hệ khác hẳn hiện nay.

Tình trạng đối đầu giữa hai hệ thống đồng thời lại chứng tỏ rằng loài người đang tiến đến một hệ thống duy nhất. Tình trạng đối đầu hiện nay cũng chứng tỏ rằng việc hợp nhất thế giới, đúng hơn là sự hợp nhất của nền sản xuất quốc tế sẽ diễn ra thông qua cuộc đấu tranh giữa hai hệ thống.

Xu hướng hợp nhất nền sản xuất quốc tế không dẫn tới và không thể dẫn tới một hình thức sản xuất duy nhất, nghĩa là không dẫn tới một hình thức sở hữu, quyền lực,..v.v…duy nhất. Sự thống nhất này có nghĩa và chỉ có nghĩa là ước mơ vượt qua những trở ngại do quá khứ để lại hoặc do người ta cố tình tạo ra (về chính trị, do các hình thức sở hữu..v.v…), ngăn cản sự mở rộng và nâng cao hiệu quả của nền sản xuất hiện đại. Nó có nghĩa là sự thích nghi đầy đủ của nền sản xuất với những điều kiện của tự nhiên, dân tộc và địa phương. Xu hướng hợp nhất thực sự thúc đẩy sự đa dạng hoá phương pháp sản xuất, sự phối hợp chặt chẽ và sử dụng hiệu quả tất cả những khả năng của nền sản xuất quốc tế.

May là không có hệ thống duy nhất nào thống lĩnh được thế giới . Ngược lại, không may là có quá ít hệ thống khác nhau. Không may nhất là các hệ thống này, dù kiểu gì đi nữa, cũng đều là những hệ thống khép kín, tách rời nhau.

Sự khác nhau ngày càng sâu sắc giữa các hội đoàn, các quốc gia, các hệ thống chính trị cùng với sự nâng cao hiệu quả của quá trình sản xuất là một trong những qui luật phát triển của xã hội. Các dân tộc sẽ hợp nhất, con người sẽ càng ngày càng hoà nhập với thế giới xung quanh nhưng đồng thời càng ngày càng có cá tính hơn, cá tính hoá hơn.

Thế giới sẽ trở thành đa dạng hơn nhưng cũng thống nhất hơn. Sự hợp nhất trong tương lai chỉ có thể xảy ra nhờ sự đa dạng chứ không phải sự đơn điệu và đồng nhất. Dù sao mặc lòng, cho đến nay mọi sự đã là như thế. Đơn điệu và đồng nhất chỉ có nghĩa là nô dịch và thoái hoá, có nghĩa là ít tự do hơn.

Một dân tộc không nhận thức được các quá trình và xu hướng đó sẽ phải trả giá đắt: đấy sẽ là dân tộc lạc hậu, dù sức mạnh quân sự có như thế nào và dân số có đông đến đâu, nó vẫn buộc phải hội nhập. Không ai hay nước nào có thể tránh được điều đó, cũng như trước đây đã không có nước nào cản trở được sự thâm nhập của tư bản và sự xác lập mối liên hệ với các dân tộc khác thông qua thị trường quốc tế.

Vì vậy, bất kì nền kinh tế nào có xu hướng tự cô lập theo kiểu tự cấp tự túc (dù với bất kì hình thức sở hữu, chế độ chính trị và ngay cả trình độ kĩ thuật nào đi nữa) cũng sẽ phải đối diện với những mâu thuẫn không thể nào giải quyết được và sẽ bị thoái hoá. Điều đó cũng đúng cho cả các hệ thống xã hội, các hệ tư tưởng v.v... Ngày nay, trong một hệ thống khép kín, người ta chỉ có thể kéo lê cuộc đời, chứ không thể có bất kì tiến bộ nào và không thể giải quyết một cách rốt ráo những vấn đề do kĩ nghệ và tư duy hiện đại đặt ra, không giải quyết được những vấn đề do nhu cầu của các quan hệ bên trong cũng như bên ngoài hệ thống đặt ra cho con người.

Đồng thời, cùng với tiến trình phát triển của thế giới, ta lại có thể nhận ra rằng lí luận của cộng sản (Stalin) về khả năng xây dựng chủ nghĩa xã hội (cộng sản) trong một nước chỉ chứng tỏ đấy là phương pháp củng cố chế độ độc tài toàn trị, nghĩa là sự thống trị tuyệt đối của giai cấp mới, giai cấp bóc lột duy nhất mà thôi. Trong tình hình thế giới hiện nay, xây dựng chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản hay bất kì kiểu xã hội nào khác trong một nước hay một nhóm nước tách biệt khỏi toàn bộ cộng đồng thế giới nói chung là điều vô nghĩa, nhất định sẽ dẫn đến một nền kinh tế tự cấp tự túc, sẽ dẫn đến sự tự cô lập, dẫn đến chế độ chuyên chế và sự suy giảm khả năng phát triển về kinh tế và xã hội của chính những nước đó. Nhưng vẫn còn một khả năng khác: đấy là đảm bảo cho nhân dân nước mình (phù hợp và trong mối liên hệ với xu hướng tiến bộ về kinh tế và dân chủ trên thế giới) nhiều bánh mì hơn, nhiều tự do hơn, phân phối phúc lợi một cách công bằng hơn và với một tốc độ phát triển kinh tế bình thường. Nhưng phải với điều kiện là có những thay đổi trong quan hệ sở hữu cũng như các quan hệ về chính trị của chế độ cộng sản vốn là những trở ngại (trở ngại nghiêm trọng), tuy không phải là duy nhất trên con đường dẫn đến tiến bộ của từng quốc gia cũng như của toàn thế giới.

3 comments:

  1. This comment has been removed by a blog administrator.

    ReplyDelete
    Replies
    1. This comment has been removed by a blog administrator.

      Delete
  2. This comment has been removed by the author.

    ReplyDelete