January 26, 2016

Milovan Djilas - Giai cấp mới (Kì 8)

Milovan Djilas


Milovan Djilas (1911-1995)

Giai cấp mới

Phạm Nguyên Trường dịch



Giáo điều trong kinh tế

4.

Marx không phải là người đầu tiên cho rằng nền kinh tế tương lai sẽ là nền kinh tế kế hoạch hoá. Nhưng ông là người đầu tiên hoặc một trong những người đầu tiên nhận thấy rằng nền kinh tế hiện đại có xu hướng tiến đến kế hoạch hoá vì bên cạnh các nguyên nhân xã hội còn có nguyên nhân nữa: dựa trên công nghệ tiên tiến. Các công ty độc quyền chính là những công ty đầu tiên thực hiện kế hoạch hoá trên bình diện quốc gia và quốc tế. Ngày nay, kế hoạch hoá là hiện tượng chung, là thành phần quan trọng của chính sách kinh tế của nhiều chính phủ các nước đã phát triển và đang phát triển, dù được thực hiện với những đặc thù khác nhau. Kế hoạch hoá là kết quả của trình độ sản xuất nhất định, của những điều kiện xã hội và quốc tế cũng như những điều kiện khác, không liên quan gì đến một lí thuyết cụ thể nào, đặc biệt là lại càng không liên quan đến chủ nghĩa Marx, vốn được xây dựng trên cơ sở quan hệ kinh tế - xã hội thấp hơn.

Liên Xô, dưới sự lãnh đạo của những người Marxist, là nước đầu tiên thực hiện kế hoạch hoá trên toàn quốc, những người Marxist còn đánh đồng Liên Xô với kế hoạch hoá và với chủ nghĩa Marx nữa. Sự thật là: học thuyết của Marx, tức là cơ sở tư tưởng của cuộc cách mạng Nga, bị biến thành tấm bình phong che đậy cho những hành động của các lãnh tụ Liên Xô.

Tất cả những nguyên do lịch sử của việc kế hoạch hoá nêu trên sau đó đều được củng cố bằng lí luận, mà lí luận của Marx là gần gũi và dễ được chấp nhận nếu tính đến cơ sở xã hội và lịch sử của phong trào cộng sản.

Bên cạnh nguyên lí Marxist, kế hoạch hoá trong chế độ cộng sản còn dựa trên cơ sở vật chất to lớn và cơ sở tinh thần sâu sắc hơn nhiều. Nếu không có kế hoạch, làm sao có thể quản lí được nền kinh tế đã hoặc đang chuyển vào tay một người chủ sở hữu duy nhất? Thiếu kế hoạch, làm sao có thể đầu tư những khoản tiền to lớn như vậy vào một nền công nghiệp đang phát triển như vũ bão? Trước hết hãy là một nhu cầu, rồi sau sẽ trở thành lí tưởng. Kế hoạch hoá của cộng sản diễn ra đúng như thế. Đầu tiên là hướng vào những lĩnh vực có tác dụng củng cố chế độ. Đấy chỉ là nguyên tắc chung, vì trong mỗi nước cộng sản, đặc biệt là những nước độc lập với Moskva, đều có những đặc thù và cách làm khác nhau. Nhưng nguyên tắc này được áp dụng cho tất cả các nước .

Dĩ nhiên, phát triển kinh tế nói chung có ý nghĩa sống còn đối với chế độ và sự phát triển của ngành này không thể tách rời với ngành khác. Nhưng trọng tâm của kế hoạch hoá trong tất cả các nước cộng sản bao giờ cũng hướng vào những lĩnh vực có ý nghĩa quyết định đối với sự ổn định chính trị của chế độ. Và trước hết là các lĩnh vực đảm bảo sức mạnh, vai trò và đặc quyền đặc lợi của bộ máy quan liêu. Chúng đồng thời củng cố chế độ trong lĩnh vực đối ngoại và đẩy nhanh quá trình công nghiệp hoá. Cho đến nay, đấy là các ngành công nghiệp nặng và công nghiệp quốc phòng. Dĩ nhiên là trong từng nước có thể có những khác biệt. Hiện nay, ở Liên Xô ta có thể thấy nền công nghiệp năng lượng nguyên tử đang là lĩnh vực đầu tầu: có thể đấy là do các tính toán về đối ngoại và quân sự mà ra.

Tất cả đều phải phục vụ cho các mục đích do cấp trên quyết định. Vì vậy mà có nhiều lĩnh vực lạc hậu, hoạt động không hiệu quả, mất cân đối, chi phí sản xuất cao và lạm phát định kì là những hiện tượng thường thấy. Theo các số liệu của Andre Philip (trên tờ The New Leader, ra ngày 1 tháng 10 năm 1956) đầu tư vào công nghiệp nặng của Liên Xô đã tăng từ 53,3% vào năm 1954 lên 60% vào năm 1955. Đầu tư vào công nghiệp nặng chiếm 21% GDP trong khi nó chỉ làm tăng có 7,4% GDP trên đầu người, trong đó có đến 6,4% tăng trưởng là do đầu tư mới.

Trong tình hình như thế, mức sống của người dân không làm lãnh đạo phải bận tâm, mặc dù theo Marx, con người là nhân tố sản xuất quan trọng nhất. Theo ông Krankshown, một người gần gũi với Đảng lao động Anh, lương 600 rub một tháng phải được coi là không đủ sống, trong khi Harrie Shvars, một nhà báo Mĩ lại cho rằng có đến 8 triệu người chỉ được nhận dưới 300 rub một tháng . Tribune, một tờ báo thể hiện quan điểm của của Công đảng (cánh tả), còn nhận xét rằng: nhiều phụ nữ phải làm các công việc năng nhọc không phải do nhu cầu bình đẳng giới. Việc tăng khoảng 30% lương gần đây ở Liên Xô chính là liên quan đến tầng lớp có thu nhập thấp nói trên.

Đấy là nói về Liên Xô. Các nước cộng sản khác, ngay cả Tiệp Khắc, nơi có cở sở kĩ thuật cao hơn, tình hình cũng tương tự. Nam Tư trước đây từng là nước xuất khẩu nông sản thì nay phải nhập. Theo các số liệu thống kê chính thức, mức sống của công nhân viên chức Nam Tư hiện nay thấp hơn thời trước chiến tranh, mặc dù lúc đó nước này được coi là một nước tư bản kém phát triển.

Các lí do chính trị và tư tưởng đóng vai trò quan trọng hơn nhu cầu kinh tế và thường là động lực của nền kinh tế kế hoạch hoá cộng sản. Chính các lí do này đóng vai trò chủ đạo mỗi khi chế độ cần lựa chọn giữa sự tiến bộ kinh tế, mức sống của người dân và quyền lợi chính trị của giới cầm quyền .

Kế hoạch hoá và chuyên chính vô sản (toàn trị) bổ sung cho nhau. Chính những tính toán về chính trị đã thúc đẩy cộng sản tập trung đầu tư vào những lĩnh vực nhất định nào đó. Tất cả kế hoạch đều tập trung cho những lĩnh vực này. Chính điều đó đã gây ra mất cân đối mà thu nhập cướp được từ việc quốc hữu hoá các nhà tư sản cũng như địa chủ lớn không thể bù đắp được, giai cấp công nhân phải trả giá bắng mức lương chết đói, còn nông dân thị bị cướp bóc bằng hệ thống mua sản phẩm cưỡng bức (ở Việt Nam gọi là bán nghĩa vụ - ND).

Người ta có thể cãi rằng nếu Liên Xô không thực hiện kế hoạch hoá, không đẩy nhanh công nghiệp hoá thì sẽ buộc phải tham gia Thế chiến II với hai bàn tay không và sẽ là miếng mồi ngon cho nước Đức phát-xít. Điều đó đúng, nhưng không hoàn toàn như vậy. Sức mạnh của quốc gia không chỉ tính bằng số xe tăng và đại bác. Nếu Stalin không theo đuổi những mục tiêu đế quốc về đối ngoại và không tạo ra một chế độ đàn áp toàn diện về mặt đối nội thì đã không có tình trạng là nước đó phải một mình trực diện với quân xâm lược.

Nhưng những câu chuyện theo lối trà dư tửu hậu như vậy thì biết nói đến bao giờ cho xong .

Có thể khẳng định một điều: để có thể phát triển công nghiệp quốc phòng không nhất thiết phải sử dụng phương pháp kế hoạch hoá và phát triển kinh tế mang tính chính trị như thế. Những kẻ hữu sản nắm quyền áp dụng phương pháp đó là do nhu cầu không chịu phụ thuộc vào các lực lượng khác ở cả trong và ngoài nước, quốc phòng chỉ là tác nhân đi kèm, dù là tác nhân không có không được. Liên Xô có thể tiến hành kế hoạch hoá theo cách khác mà vẫn có số vũ khí như thế. Trong trường hợp đó, nó phải liên kết mật thiết với thị trường bên ngoài, phụ thuộc vào thị trường này và như thế có nghĩa là phải có chính sách đối ngoại khác. Trong điều kiện đan xen một cách chằng chịt các quyền lợi quốc tế như hiện nay, khi chiến tranh mang tính tổng thể như hiện nay, thì dầu mỡ cũng quan trọng chẳng kém gì súng đại bác. Điều này được khẳng định ngay với Liên Xô: sự giúp đở của Mĩ về lương thực thực phẩm cũng có ích không khác gì vũ khí.

Nông nghiệp cũng có hiện tượng tương tự. Trong điều kiện hiện nay, nền nông nghiệp hiện đại cũng có nghĩa là công nghiệp hóa. Nhưng nó cũng không bảo đảm được rằng chế độ cộng sản sẽ độc lập với bên ngoài. Còn ở trong nước, chế độ sẽ phải phụ thuộc vào nông dân, ngay cả khi đấy là những người nông dân đã là thành viên của các hợp tác xã nông nghiệp. Vì vậy mà sắt thép được ưu tiên, trong khi năng suất lao động trong nông nghiệp vẫn còn thấp. Người ta đã lập kế hoạch cho sức mạnh chính trị chứ không phải tiến bộ kinh tế.

Như vậy là, kế hoạch hoá của Liên Xô là một loại kế hoạch hoá đặc biệt. Nó không phải được tạo ra bởi trình độ kĩ thuật và tính tự giác “xã hội chủ nghĩa”, mà được tạo ra bởi các điều kiện lịch sử, bởi một hình thức chính quyền và hình thức sở hữu nhất định. Ngày nay là thời đại của các nhân tố khác, trong đó có các nhân tố kĩ thuật, nhưng những nhân tố nêu trên vẫn đóng vai trò quan trọng. Phải nắm được điều đó thì mới hiểu được tính chất của kế hoạch hoá và khả năng của nền kinh tế cộng sản.

Kết quả của nền kinh tế và kế hoạch hoá là khác nhau trong các lĩnh vực khác nhau.

Việc tập trung toàn bộ phương tiện sản xuất vào tay một nhóm người đã tạo điều kiện cho những tiến bộ cực kì nhanh chóng trong một vài lĩnh vực. Thế giới phải ngạc nhiên trước một số thành tích của Liên Xô. Nhưng sự lạc hậu trong những lĩnh vực khác lại làm cho những tiến bộ đạt được thành ra không thể biện hộ được về mặt kinh tế.

Nước Nga Sa Hoàng lạc hậu nay đã trở thành nước đứng thứ hai trong nhiều lĩnh vực. Nó đã là nước có lực lượng bộ binh mạnh nhất thế giới. Có giai cấp công nhân đông đảo, một lực lượng cán bộ khoa học kĩ thuật hùng hậu, có cơ sở sản xuất hàng tiêu dùng mạnh mẽ.

Nhưng nền chuyên chính thì vẫn như xưa và không có cơ sở để nói rằng mức sống đã được nâng lên phù hợp với khả năng kinh tế.

Với quan hệ sở hữu và quyền lực chính trị như thế, kế hoạch chỉ là phương tiện, việc nâng cao mức sống người dân cũng như nới lỏng chuyên chính là điều không thể xảy ra. Sự độc quyền tuyệt đối của một nhóm người cả trong kinh tế và chính trị, kế hoạch hoá chỉ với mục đích củng cố sức mạnh của nhóm đó ở trong và ngoài nước nhất định sẽ dẫn tới sự tăng thêm đặc quyền đặc lợi và sự phình lên của chính nhóm đó; mức sống của người dân cũng như sự hài hoà của nền kinh tế chỉ đóng vai trò thứ yếu. Nguyên nhân chủ yếu ở đây là sự mất tự do.

Tự do trong chế độ cộng sản trở thành vấn đề kinh tế quan trọng.

5.

Nền kinh tế kế hoạch hoá của cộng sản hàm chứa trong mình nó sự hỗn loạn. Mặc dù có kế hoạch, nhưng ta có thể nói một cách dứt khoát rằng đây là một nền kinh tế lãng phí nhất trong lịch sử loài người. Điều đó mới nghe có vẻ kì quặc, nhất là nếu ta thấy sự phát triển nhanh trong một vài lĩnh vực và cả nền kinh tế nói chung. Nhưng đây là khẳng định có căn cứ vững chắc.

Ngay cả trong trường hợp khi mà nhóm người nắm quyền không lãnh đạo tất, kể cả lãnh vực kinh tế, chỉ trên cơ sở những tính toán về tư tưởng và sở hữu hạn hẹp của mình, thì cũng không thể nào tránh được những mất mát khủng khiếp, không thể nào thống kê nổi.

Liệu những người ấy, ngay cả khi họ không nhìn mọi sự từ đỉnh cao quyền lực của mình, có thể quản lí một cách tiết kiệm và hữu hiệu nền kinh tế hiện đại phức tạp, dù với những kế hoạch hoàn thiện nhất, nhưng vẫn luôn luôn xuất hiện những xu hướng đối nghịch nhau hay không? Việc thiếu không những sự phê phán mà thiếu ngay những “gợi ý” từ bên ngoài nhất định sẽ dẫn tới trì trệ và tổn thất không thể chấp nhận được.

Do sự bao trùm tuyệt đối cả về chính trị và kinh tế cho nên đấy là những tổn thất không thể tránh được, dù có muốn. Do thái độ của những người cộng sản đối với nông nghiệp, nên cả một dân tộc đã coi thường nông nghiệp và đầu tư quá mức vào công nghiệp nặng thì hậu quả sẽ như thế nào? Bao nhiêu đồng vốn đã đầu tư một cách lãng phí vào những ngành kém hiệu quả? Việc coi thường nhu cầu giao thông sẽ đưa đến đâu? Tiền lương thấp dẫn đến lãn công và sản phẩm hỏng, kém chất lượng. Không có cách và không một kế toán viên nào có thể tính được tất cả các khoản đó.

Coi thường ngay cả lí thuyết của chính mình, không có lĩnh vực nào mà các lãnh tụ cộng sản lại có thái độ chủ quan như đối với lĩnh vực kinh tế. Thái độ duy ý chí gây ra nhiều tai hoạ nhất trong lĩnh vực này. Những nhà lãnh đạo cộng sản dù có muốn (nhỡ chuyện ấy xảy ra thì sao?) cũng không thể tính toán được hết các lợi ích khách quan của toàn bộ nền kinh tế. Vì những toan tính chính trị, lúc nào họ cũng sẵn sàng tuyên bố một vấn đề nào đó là “quan trọng sống còn”, “có ý nghĩa quyết định” (đối với họ có thể là như thế thật), nhưng đồng thời không gì có thể cản trở họ thực hiện những điều đã định vì họ đâu có sợ mất quyền lực và quyền sở hữu.

Những khi công việc quá trì trệ hoặc có những tổn thất rõ ràng thì họ lại làm cái việc gọi là phê bình và tự phê bình, rút kinh nghiệm. Khrushchev phê phán chính sách nông nghiệp của Stalin, Tito phê bình chế độ của mình vì đầu tư sai và lãng phí hàng tỉ đồng. Nhưng bản chất thì vẫn thế. Vẫn những con người đó, vẫn những phương pháp đó và vẫn hệ thống đó; vấn đề chỉ còn là lúc nào thì lại xuất hiện các “lệch lạc” mà thôi. Không thể nào tìm lại tài sản đã mất, nhưng đảng và chế độ lại chẳng phải chịu trách nhiệm gì. Họ đã “rút kinh nghiệm” và “hứa sửa chữa”. Tóm lại, “hãy nhìn việc họ làm, chớ nghe lời họ nói”...

Không một lãnh tụ cộng sản nào từng bị trừng phạt vì lãng phí những nguồn tài sản khổng lồ, song có rất nhiều người đã bị lật vì “lệch lạc” về tư tưởng.

Ăn cắp và lãng phí khối tài sản khổng lồ trong các chế độ cộng sản là việc không thể nào tránh được. Mọi người đều được phép thò tay vào khối tài sản này không phải vì nhu cầu mà đơn giản nó gần như là tài sản vô chủ. Giá trị dường như không còn là giá trị nữa và đấy chính là điều kiện thuận lợi cho việc ăn cắp và lãng phí. Ở Nam Tư, năm 1954 đã phát hiện 20 ngàn trường hợp ăn cắp “tài sản xã hội”. Các lãnh tụ cộng sản nắm giữ tài sản quốc gia như tiền của mình, nhưng đồng thời lại phung phí nó như tiền chùa vậy. Bản chất của sở hữu, của quyền lực trong chế độ cộng sản là như thế đấy .

6 .

Nhưng lãng phí lớn nhất lại là khoản lãng phí không nhìn thấy được. Đấy chính là lãng phí lao động.

Hàng triệu người làm việc một cách uể oải, không hề quan tâm đến kết quả lao động của mình, sự cấm đoán những hoạt động bị dán nhãn “phi xã hội chủ nghĩa” ngay cả khi đó không phải là lao động bóc lột là những lãng phí không thể thống kê, nhưng vô cùng lớn mà không một chế độ cộng sản nào có thể tránh được. Học thuyết của Smith, được Marx chấp nhận, coi lao động sống là cội nguồn của mọi giá trị, nhưng các lãnh tụ cộng sản lại ít quan tâm đến lao động sống nhất, họ lãng phí nó như một vật chẳng có giá trị gì, hoặc coi như nguồn lực lúc nào cũng có thể bổ sung được.

Nỗi hoảng loạn của những người cộng sản trước viễn cảnh “phục hồi chủ nghĩa tư bản”, các biện pháp kinh tế mang màu sắc chính trị và quyền lợi giai cấp hẹp hòi đã gây ra những mất mát khủng khiếp cho các dân tộc, kìm hãm sự phát triển của các quốc gia nằm dưới quyền thống trị của họ.

Bao nhiêu ngành nghề đã chết vì nhà nước không thể bao cấp được cho hoạt động của những ngành này; chỉ “quốc doanh” mới được coi là xã hội chủ nghĩa. Đúng như câu châm ngôn: “Chó già giữ xương” .

Dân tộc làm sao chịu đựng và có thể chịu đựng điều đó đến bao giờ? Liệu đã tới lúc khi mà chính nền công nghiệp - ban đầu nó đã dựa vào những người cộng sản để phát triển - sẽ có khả năng giúp thủ tiêu cả quyền lực, cả hình thức sở hữu này?

Biết bao tiền của đã bị lãng phí vì sự cô lập của các nền kinh tế cộng sản. Tất cả các nền kinh tế cộng sản về thực chất đều là tự cấp tự túc. Nguyên nhân cũng là vì tính chất của quyền lực và hình thức sở hữu của chúng.

Không có nhà nước cộng sản nào, kể cả Nam Tư, do mâu thuẫn với Moskva mà buộc phải mở rộng quan hệ với các nước phi cộng sản, vượt qua được trao đổi hàng hoá truyền thống trong quan hệ kinh tế đối ngoại.

Kế hoạch hoá cộng sản không hề quan tâm đến nhu cầu của thị trường thế giới và quá trình sản xuất ở các nước khác. Một phần vì lí do đó và cũng vì những lí do chính trị mà các nhà lãnh đạo cộng sản không hề quan tâm đến việc tạo điều kiện thuận lợi tự nhiên cho việc phát triển sản xuất. Các xí nghiệp thường thiếu cơ sở nguyên vật liệu, người ta không bao giờ quan tâm tới giá cả và giá thành của từng sản phẩm trên thị trường thế giới. Một sản phẩm nào đó có thể đắt gấp mấy lần giá trên thị trường quốc tế vẫn được đầu tư sản xuất, trong khi lĩnh vực khác có hiệu quả cao hơn, có khả năng cạnh tranh thì lại bị bỏ bê. Có những ngành mới được thành lập mặc dù trên thị trường quốc tế sản phẩm trong lĩnh vực này đã tràn ngập từ lâu. Nhân dân phải trả giá hết: các nhà lãnh đạo chỉ cần độc lập mà thôi.

Đấy là một phần của vấn đề, phải nói là chung cho mọi chế độ cộng sản.

Vấn đề khác, cuộc chạy đua của nước xã hội chủ nghĩa mạnh nhất, tức là Liên Xô, với các nước tư bản phát triển khác để nhằm “đuổi kịp” và “vượt” họ. Cái giá phải trả là bao nhiêu? Và điều đó sẽ dẫn đến đâu?

Có thể Liên Xô sẽ đuổi kịp các nước tư bản phát triển trong một hoặc một số lĩnh vực nào đó. Cái giá phải trả là sự hao phí sản xuất cực kì khủng khiếp, đồng lương công nhân thấp và sự tụt hậu của những ngành khác. Biết bao nhiêu hi sinh và cố gắng, về mặt kinh tế có đáng giá hay không lại là một câu hỏi khác.

Các kế hoạch như vậy tự chúng đã có tính chất gây hấn. Phía bên kia sẽ nghĩ gì: trong khi mức sống nhân dân còn thấp, chính phủ Liên Xô muốn dẫn đầu thế giới về sản xuất than và dầu khí để làm gì? Cùng tồn tại hoà bình và hợp tác hữu nghị sẽ như thế nào nếu đấy là kết quả của cuộc chạy đua về công nghiệp nặng, trong khi trao đổi hàng hoá lại rất nghèo nàn? Làm thế nào để hợp tác nếu các nền kinh tế cộng sản đều đóng kín, trong khi trên trường quốc tế họ chỉ tranh chấp về lĩnh vực tư tưởng?

Những kiểu kế hoạch và quan hệ như thế, sức lao động và các nguồn lợi khác của nước mình và các nước khác bị phí phạm như thế không thể biện minh được dù đứng trên quan điểm nào, ngoại trừ quan điểm của những ông trùm cộng sản. Sự tiến bộ về mặt kĩ thuật và nhu cầu luôn luôn thay đổi của đời sống sẽ đẩy khi thì lĩnh vực này, khi thì lĩnh vực khác thành ra lĩnh vực quan trọng không chỉ trên bình diện quốc gia mà trên bình diện quốc tế nữa. Nếu 50 năm nữa thép và dầu không còn là những lĩnh vực quan trọng nhất thì sao? Chuyện này và nhiều chuyện khác nữa không phải là mối bận tâm của các lãnh tụ cộng sản.

Mức độ tương tác của các nền kinh tế cộng sản, trước hết là Liên Xô, với thế giới bên ngoài, ước muốn làm sâu sắc thêm các mối quan hệ đó tụt hậu rất xa so với khả năng, kể cả khả năng về kĩ thuật. Ngay trình độ hiện thời đã cho phép một sự hợp tác rộng lớn hơn rất nhiều.

Không sử dụng các điều kiện hiện có để hợp tác với các nước khác trong khi lại đẩy mạnh các quan hệ với thế giới bên ngoài dưới góc độ tư tưởng là hậu quả tất yếu của sự độc quyền của những người cộng sản trong lĩnh vực kinh tế và ước muốn duy trì quyền lực của họ. Bản chất hệ thống của họ là như thế.

Lenin đã đúng khi cho rằng chính trị là “kinh tế cô đặc”. Trong chế độ cộng sản, mọi thứ dường như đều lộn ngược: kinh tế trở thành chính trị, chính trị đóng vai trò quyết định trong kinh tế.

Cô lập với thị trường quốc tế, bảo vệ một cách mù quáng khái niệm “hệ thống thị trường quốc tế xã hội chủ nghĩa” mà thực chất vẫn là tự cấp tự túc của khối xã hội chủ nghĩa, là một trong những nguyên nhân, nếu không nói nguyên nhân quan trọng nhất của tình trạng căng thẳng quốc tế cũng như lãng phí các nguồn tài nguyên trên bình diện quốc tế.

Độc quyền về sở hữu, các phương pháp sản xuất lạc hậu, ai sở hữu hay phương pháp nào không quan trọng, quan trọng là điều đó mâu thuẫn với nhu cầu của nền kinh tế quốc tế. Tự do và quyền sở hữu đã trở thành vấn đề quốc tế.

Không nghi ngờ rằng việc xoá bỏ sở hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa trong các nước cộng sản lạc hậu đã tạo điều kiện cho phát triển kinh tế, dù là sự phát triển mất cân đối. Đã xuất hiện những nhà nước mạnh, có sức chịu đựng cao, đầy sinh lực. Các nhà nước đó được một giai cấp tự tin và cuồng tín, một giai cấp vừa được nếm vị ngọt của quyền lực và quyền sở hữu dẫn dắt. Nhưng điều đó đã không giải quyết (và với hình thức sở hữu và chính quyền hiện nay thì không thể giải quyết) được những vấn đề mà phong trào xã hội chủ nghĩa thế kỉ XIX hoặc Lenin đặt ra, nó cũng không thể đảm bảo được sự phát triển kinh tế một cách bình thường, không bị những khó khăn và chao đảo.

Nhưng đây là vấn đề cần thảo luận riêng.

Hệ thống kinh tế cộng sản có sức mạnh vì được tập trung vào tay một nhóm người, hấp dẫn vì có tính mới mẻ và đạt được những thành tựu, dù là thiếu cân đối, trong một thời gian ngắn. Nhưng đồng thời, nó cũng cho thấy những vết rạn nứt và tiêu cực ngay từ khi hình thái kinh tế này bao trùm lên toàn xã hội. Mặc dù vẫn giữ được một số tiềm năng cũ, hệ thống kinh tế đã bắt đầu có vấn đề. Tương lai của nó rất mù mờ, muốn sống còn, nó sẽ phải chiến đấu một cách quyết liệt với cả kẻ thù bên trong lẫn bên ngoài.

2 comments:

  1. Kỳ này đúng là là 7, hay là 8? Vì theo tiêu đề thì là 8, nhưng theo địa chỉ của đường link thì là 7 (http://phamnguyentruong.blogspot.com/2011/11/milovan-djilas-giai-cap-moi-ki-7_16.html).

    ReplyDelete
    Replies
    1. Phần này tiếp theo Phần 7 đã đăng lần cuối.

      Delete