January 31, 2016

Milovan Djilas - Giai cấp mới (Kì 13)


Milovan Djilas

Milovan Djilas (1911-1995)

Giai cấp mới

Phạm Nguyên Trường dịch

Bản chất

1.

Không có lí thuyết nào nói về bản chất của chủ nghĩa cộng sản hiện đại có thể chứa đựng được tất cả mọi vấn đề. Tác phẩm này cũng vậy. Chủ nghĩa cộng sản hiện đại xuất hiện là do một loạt nguyên nhân lịch sử, kinh tế, chính trị, tư tưởng, dân tộc và quan hệ quốc tế. Vì vậy, một lí thuyết khẳng định một cách dứt khoát bản chất của nó không thể coi là hoàn toàn đúng và đầy đủ được.

Không thể nắm được bản chất của chủ nghĩa cộng sản trước khi nó chưa phát triển hoàn toàn, chưa thể hiện được toàn bộ chính mình. Thời điểm đó sẽ tới khi chủ nghĩa cộng sản bước vào giai đoạn chín muồi. Chỉ lúc đó ta mới có thể nhận thức được đầy đủ bản chất quyền lực, quyền sở hữu và hệ tư tưởng của nó. Còn khi chủ nghĩa cộng sản vẫn đang phát triển, đang là hiện thân chủ yếu như một hệ tư tưởng thì thật khó nhận thức được bản chất thật sự của nó.

Giống như mọi sự thật khác, sự thật về chủ nghĩa cộng sản hiện đại là công việc của nhiều tác giả, nhiều nước, nhiều phong trào khác nhau. Sự thật này sẽ hé lộ từng bước một, song song với sự phát triển của phong trào cộng sản, nhưng ta không thể nói đâu là sự thật cuối cùng vì chính phong trào cộng sản cũng còn đang phát triển.

Nhưng dẫu vậy, đa số các lí thuyết hiện thời đều chứa đựng những kết luận đúng và trong từng trường hợp cụ thể đã nắm bắt được một nét đặc thù hay một hình thức biểu hiện cái bản chất của nó.

Tồn tại hai quan điểm khác nhau về chủ nghĩa cộng sản hiện đại. Một quan điểm coi chủ nghĩa cộng sản hiện đại là một loại tôn giáo kiểu mới. Nhưng, như chúng ta đã thấy bên trên, đây không phải là tôn giáo, không phải nhà thờ, dù rằng chúng có nhiều nét tương đồng.

Quan điểm thứ hai lại coi chủ nghĩa cộng sản là chủ nghĩa xã hội cách mạng, nghĩa là sự phủ nhận nền công nghiệp và chủ nghĩa tư bản, sự phủ nhận nảy sinh từ trong lòng nó cùng với giai cấp vô sản và những bất hạnh của giai cấp này. Chúng ta cũng đã khẳng định rằng quan điểm này cũng chỉ đúng một phần: chủ nghĩa cộng sản xuất hiện trong lòng các nước tư bản phát triển như một tư tưởng về sự công bằng và phản ứng đối với tình trạng nghèo khó của quần chúng lao động trong quá trình công nghiệp hoá. Nhưng sau khi giành được quyền lực ở những nước chậm phát triển, chủ nghĩa cộng sản lại trở thành một cái gì đó khác hẳn – thành một hệ thống bóc lột, đi ngược lại quyền lợi của chính giai cấp vô sản.

Quan điểm này được phát triển thêm thành luận cứ cho rằng chủ nghĩa cộng sản hiện đại chỉ là biểu hiện hoàn toàn mới của chủ nghĩa chuyên chế vốn là bản chất của những người nắm được quyền lực trong tay. Chính bản chất nền kinh tế hiện đại với nhu cầu quản lí tập trung đã tạo cho nó điều kiện trở thành quyền lực tuyệt đối. Cách đặt vấn đề như vậy cũng có phần đúng: chủ nghĩa cộng sản hiện đại thực tế đúng là một chế độ, chế độ đó nhất định có xu hướng trở thành toàn trị. Nhưng không phải chế độ chuyên chế hiện đại nào cũng đều là cộng sản và về mức độ toàn trị thì các chế độ đó không thể nào so với cộng sản được.

Như vậy là, sau khi xem xét các luận điểm đó ta thấy rằng chúng chỉ giải thích một khía cạnh nào đó, một số đặc trưng nào đó, một phần sự thật chứ không phải tất cả sự thật về chủ nghĩa cộng sản hiện đại.

Quan điểm của tôi về bản chất của chủ nghĩa cộng sản cũng không có tham vọng giành sự chính xác một trăm phần trăm. Và nói chung mọi định nghĩa đếu là “màu xám”, nhất là khi nói về những hiện tượng xã hội vốn rất phức tạp và sống động.

Nhưng về mặt lí thuyết, ta vẫn có thể nói đến bản chất của chủ nghĩa cộng sản, nói đến những đặc điểm căn bản của nó.

Chủ nghĩa cộng sản cũng như bản chất của nó luôn luôn chuyển động, từ hình thức này sang hình thức khác. Chúng không tồn tại bên ngoài chuyển động ấy. Vì vậy, nó mới thu hút những nhà nghiên cứu, thu hút việc đào sâu mãi cái sự thật đã được phát hiện về chính mình.

Bản chất của chủ nghĩa cộng sản chính là thành quả của một loạt điều kiện lịch sử và những điều kiện đặc thù khác. Nhưng sau khi chủ nghĩa cộng sản đã đứng vững thì bản chất của nó lại trở thành tác nhân độc lập, tự tạo ra những điều kiện cho sự tồn tại của chính mình. Vì vậy, cần phải xem xét nó một cách riêng biệt, trong các hình thức, điều kiện tồn tại và hoạt động của nó trong giai đoạn hiện nay.

2.

Quan điểm cho rằng chủ nghĩa cộng sản hiện đại là biểu hiện của chủ nghĩa toàn trị mới đã được rất nhiều người nói tới và là quan điểm hoàn toàn đúng. Nhưng toàn trị mới là gì, nhất là khi liên hệ đến chủ nghĩa cộng sản thì lại chưa được lí giải đúng mức.

Chủ nghĩa cộng sản hiện đại là chủ nghĩa toàn trị với ba nhân tố thống trị con người - quyền lực, sở hữu và tư tưởng - cả ba đều là độc quyền sở hữu của một đảng chính trị duy nhất hay như tôi đã trình bày và gọi ở trên là giai cấp mới, còn trong tình hình cụ thể hiện nay thì là độc quyền của nhóm chóp bu của đảng đó hay giai cấp đó. Không có chế độ toàn trị nào trong quá khứ và cả hiện nay, ngoài chế độ cộng sản, có được cùng một lúc cả ba tác nhân thống trị đối với con người như vậy.

Xem xét và cân nhắc từng tác nhân, ta có thể kết luận rằng quyền lực đã và vẫn là tác nhân quyết định cho sự phát triển của chủ nghĩa cộng sản. Có thể một lúc nào đó, một trong hai tác nhân kia sẽ nổi lên, nhưng phân tích những quan hệ hiện thời cũng như những điều kiện khác cho thấy điều đó khó có thể xảy ra. Tôi nghĩ rằng quyền lực sẽ trở thành đặc điểm chủ yếu của chủ nghĩa cộng sản.

Trong giai đoạn xuất hiện, chủ nghĩa cộng sản chỉ mới là một hệ tư tưởng. Nhưng hệ tư tưởng đó đã chứa sẵn trong lòng nó hạt giống của toàn trị và độc quyền. Có thể nói một cách tự tin rằng, hiện nay tư tưởng đã không còn đóng vai trò chủ yếu, vai trò quyết định trong việc đảm bảo cho quyền thống trị của nó đối với con người nữa. Như một hệ tư tưởng, chủ nghĩa cộng sản đã đi hết lộ trình, nó không thể nói được điều gì mới nữa. Mặt thật của nó hiện nay là quyền lực và sở hữu.

Có thể nói rằng, tranh đoạt một kiểu quyền lực nào đó, dù đấy là quyền lực về chính trị, quyền lực về tinh thần, quyền lực về kinh tế, là mục đích của mọi cuộc đấu tranh, là mục đích mọi hoạt động xã hội của con người. Nhận xét này chứa đựng một phần sự thật. Có thể thêm rằng, trong hoạt động chính trị thì quyền lực, đấu tranh để giành và giữ quyền lực là vấn đề chủ yếu, hướng chủ yếu. Nhưng với chủ nghĩa cộng sản hiện đại vấn đề không chỉ là quyền lực. Nó là quyền lực đặc biệt, quyền lực bao hàm trong nó quyền thống trị đối với tư tưởng và sở hữu, nghĩa là quyền lực trở thành mục đích tự thân.

Chế độ cộng sản Xô Viết, có lịch sử dài nhất và phát triển nhất, đã trải qua ba giai đoạn. Chế độ cộng sản ở các nước khác, dù ít dù nhiều, cũng đều trải qua các giai đoạn tương tự, ngoại trừ Trung Quốc, nơi cộng sản đang ở giai đoạn hai, giai đoạn củng cố quyền lực.

Ba giai đoạn như sau: cách mạng, giáo điều và phi giáo điều. Mỗi giai đoạn có những khẩu hiệu, nhiệm vụ và người cầm cờ tương ứng: cướp chính quyền là Lenin; “chủ nghĩa xã hội” hay là xây dựng hệ thống là Stalin; “pháp chế” hay là sự ổn định của hệ thống là “lãnh đạo tập thể”.

Điều cần phải thấy là các giai đoạn đó không có biên giới rõ ràng và mỗi giai đoạn riêng biệt lại vẫn chứa những đặc điểm chung. Ngay trong giai đoạn của Lenin đã đầy giáo điều và bắt đầu “xây dựng chủ nghĩa xã hội”, Stalin cũng vậy, ông ta không từ bỏ cách mạng và không chấp nhận những giáo điều cản trở việc thành lập hệ thống.

Và hôm nay, gọi là chủ nghĩa cộng sản phi giáo điều cũng chỉ là một cách gọi tượng trưng: giáo điều không phải là lí do để nó từ bỏ lợi ích dù nhỏ đến đâu, mặt khác, trong khi theo đuổi lợi ích nó sẽ không khoan nhượng đối với bất kì mối nghi ngờ nào về tính trong sáng và chân thành của giáo lí.

Như vậy là, do nhu cầu và khả năng của mình, chủ nghĩa cộng sản hiện nay đã tạm thời cho hạ cánh buồm cách mạng và bành trướng quân sự xuống rồi. Cho hạ không có nghĩa là từ bỏ.

Vì vậy, việc chia làm ba giai đoạn như trên chỉ đúng trong những biểu hiện chung nhất, chỉ có ý nghĩa khoa học thuần tuý mà thôi. Trên thực tế, không có sự phân chia rành mạch, giữa các nước cộng sản với nhau chúng cũng không trùng hợp về mặt thời gian.

Trong các nước cộng sản khác nhau, sự phân cách giữa các giai đoạn, sự tương tác giữa chúng và hình thức biểu hiện cũng không giống nhau. Thí dụ, Nam Tư đã trải qua cả ba giai đoạn nêu trên trong một thời gian tương đối ngắn, dưới quyền lãnh đạo của vẫn một số người và vì vậy, có ảnh hưởng đến quan điểm và nguyên tắc làm việc của những người đó.

Quyền lực đóng vai trò chủ yếu trong cả ba giai đoạn. Đầu tiên; trong giai đoạn cách mạng, cần phải giành chính quyền; sau đó trong giai đoạn “xây dựng chủ nghĩa cã hội”, phải dựa vào chính quyền để thiết lập hệ thống; còn hôm nay, chính quyền phải bảo vệ hệ thống đó.

Trong thời gian đó, từ giai đoạn một đến giai đoạn ba, bản chất cốt lõi nhất của chủ nghĩa cộng sản là quyền lực đã trải qua quá trình tiến hoá từ phương tiện thành mục đích.

Trên thực tế, dù ít dù nhiều, quyền lực vẫn là mục đích, nhưng các lãnh tụ cộng sản không quan niệm như vậy khi họ tin tưởng rằng nhờ quyền lực, sử dụng quyền lực như là phương tiện, họ sẽ đạt được mục đích “lí tưởng”. Chính vì quyền lực được coi là phương tiện để thực hiện cái mưu toan viển vông là cải tạo thế giới, nên quyền lực nhất định phải trở thành mục đích tự thân. Trong giai đoạn một và giai đoạn hai, nó có thể giống như là phương tiện. Nhưng giai đoạn ba thì không thể che dấu được nữa, nó đã là mục đích tối thượng, là bản chất của chế độ cộng sản.

Tư tưởng đã bị bạc màu, lại không thể tuyên bố thẳng thừng về quyền sở hữu, chế độ cộng sản buộc phải bám lấy quyền lực như là phương tiện chủ yếu, là biện pháp chính để đảm bảo quyền thống trị đối với con người.

Trong cách mạng, cũng như trong bất kì cuộc chiến tranh nào, tập trung toàn bộ nguồn lực vào tay chính quyền là lẽ đương nhiên: cần phải thắng. Trong giai đoạn công nghiệp hoá việc đó cũng còn có thể coi là tự nhiên: cần phải công nghiệp hoá, cần xây dựng “xã hội chủ nghĩa”, biết bao nạn nhân đã được đặt lên bàn thờ của nó. Nhưng sau khi điều đó đã được thực hiện thì mới rõ rằng quyền lực đối với cộng sản không chỉ là phương tiện mà là mục đích chủ yếu, nếu không nói là duy nhất.

Hôm nay, đối với những người cộng sản, những người đang cố giữ bằng được đặc quyền đặc lợi và sở hữu, thì quyền lực vừa là phương tiện lại vừa là mục đích. Mà ở đây lại là một hình thức quyền lực và sở hữu đặc biệt, nghĩa là dùng quyền lực để chiếm đoạt sở hữu cho nên quyền lực vừa là mục đích tự thân vừa là bản chất của chế độ cộng sản. Các giai cấp khác có thể giữ được sở hữu mà không cần độc chiếm quyền lực hoặc có quyền lực mà không cần độc chiếm sở hữu. Nhưng giai cấp mới, giai cấp hình thành trong chế độ cộng sản, thì chưa làm được như thế và có thể trong tương lai cũng sẽ không làm được như thế.

Trong cả ba giai đoạn hình thành và phát triển của chế độ cộng sản, quyền lực là mục đích bí ẩn, không nhìn thấy được, không được gọi tên, tự phát, nhưng lại là mục đích chủ yếu. Quyền lực có thể mạnh yếu khác nhau trong mỗi hình thức biểu hiện sự thống trị đối với con người; trong giai đoạn một, tư tưởng là động lực để giành chính quyền; trong giai đoạn hai, quyền lực đóng vai trò người sáng tạo xã hội mới, tuy không quên tự tạo “điều kiện” cho chính mình; còn hôm nay, “sở hữu tập thể” đã nằm trọn trong tay chính quyền, hoạt động theo nhu cầu của chính quyền.

Đối với chủ nghĩa cộng sản hiện đại, quyền lực là tất cả, ngay cả khi nó cố tránh điều đó.

Các thứ tư tưởng, các nguyên lí triết học và đạo đức, nhân dân và dân tộc, lịch sử của chính mình và ngay cả một phần tài sản “của mình”, tất cả đều có thể đem đổi, có thể hi sinh. Nhưng quyền lực thì không. Làm khác đi nghĩa là phủ nhận chính mình, phủ nhận ngay bản chất của mình. Từng cá nhân có thể được. Nhưng cả giai cấp, cả đảng, cả nhóm chóp bu thì không thể. Đấy chính là mục đích, là ý nghĩa sự tồn tại của họ.

Mọi quyền lực đều vừa là phương tiện, vừa là mục đích (đối với những người đang cố giành quyền) và nguồn gốc đặc lợi.

Trong chế độ cộng sản, quyền lực gần như hoàn toàn là mục đích vì nó là nguồn gốc và sự bảo đảm cho tất cả mọi đặc lợi trên đời. Giai cấp nắm quyền nhờ nó và thông qua nó mà chiếm đoạt được tất cả đặc lợi và quyền bá chủ đối với mọi tài sản quốc gia. Cân đong, đo đếm giá trị của con người, cho con người được sống hay bắt phải chết đều là quyền lực cả.

Đấy là sự khác biệt của quyền lực trong chế độ cộng sản với mọi hình thức chính quyền khác. Cộng sản cũng khác với mọi hệ thống khác chính vì thế.

Chính vì quyền lực là bản chất căn bản nhất của chế độ cộng sản nên chế độ ấy nhất định phải trở thành toàn trị, bất dung và khép kín. Giả sử chế độ ấy còn có (hay có khả năng có) những mục đích khác thì nó buộc phải cho những lực lượng khác được tự do phát triển và trở thành lực lượng đối lập với chính nó.

3 .

Chế độ cộng sản hiện nay có thể nằm trong định nghĩa nào không phải là điều quan trọng. Nhưng vấn đề đó cũng phải được đặt ra đối với bất kì người nào có ý định tìm cách giải thích nó; dù các điều kiện cụ thể, trong đó người cộng sản ca tụng hệ thống của họ là “chủ nghĩa xã hội”, “xã hội phi giai cấp’, “hiện thân của ước mơ ngàn đời của loài người”, còn phía chống lại thì chỉ nhìn thấy những sự đàn áp vô nghĩa, hay những thắng lợi “vô tình” của một nhóm những kẻ khủng bố và sự lăng mạ giống người.

Bất cứ môn khoa học nào muốn đơn giản hoá việc mô tả cũng buộc phải sử dụng các phạm trù có sẵn.

Trong môn xã hội học có phạm trù nào, dù là tương đối, có thể áp dụng cho chủ nghĩa cộng sản hiện đại hay không?

Cũng như nhiều tác giả, dù đứng trên những quan điểm khác, trong những năm qua tôi đã coi chủ nghĩa cộng sản là chủ nghĩa tư bản nhà nước, đúng hơn là chủ nghĩa tư bản nhà nước toàn trị.

Quan điểm này đã từng chiếm thế thượng phong ở Nam Tư trong giai đoạn đối đầu với chính phủ Liên Xô. Nhưng người ta đã nói không quá rằng cộng sản thay đổi “quan điểm khoa học” của mình như người ta thay tất tay vậy. Các lãnh tụ cộng sản Nam Tư cũng thay đổi quan điểm của mình (một cách bí mật và nhục nhã) sau khi đã “làm lành” với chính phủ Liên Xô và lại tuyên bố Liên Xô là nước xã hội chủ nghĩa, còn việc tấn công nước Nam Tư độc lập của chủ nghĩa đế quốc Xô Viết chỉ là một biến cố đầy “kịch tính và khó hiểu” xuất phát từ “sự tuỳ tiện của một vài cá nhân”, như Tito từng nói.

Chủ nghĩa cộng sản hiện đại rất giống với chủ nghĩa tư bản nhà nước toàn trị. Nguồn gốc và những nhiệm vụ của nó đã nói lên điều đó: cẩn phải cải tạo công nghiệp, tương tự như chủ nghĩa tư bản đã làm, nhưng khác với chủ nghĩa tư bản, ở đây người ta sử dụng bộ máy nhà nước để làm việc đó.

Có thể dẫn ra không ít lí lẽ (nếu không nói là nhiều) chống lại định nghĩa đó.

Nếu nhà nước trong chế độ cộng sản là chủ sở hữu thay mặt cho xã hội, cho dân tộc thì hình thức quyền lực chính trị của nó phải thay đổi, vì một lí do đơn giản là xã hội đó, dân tộc đó có rất nhiều khát vọng, hoài bão. Về bản chất, nhà nước là cơ quan liên kết và hoà hợp xã hội chứ không chỉ là sức mạnh áp đặt lên xã hội. Thay mặt xã hội nắm tài sản có nghĩa là thực hiện những chức năng đó của nó, hay nói cách khác, các lực lượng và xu hướng mà nó có trách nhiệm giữ cho cân bằng sẽ thể hiện quyền lực đối với nhà nước dưới những hình thức cực kì đa dạng. Nhà nước không thể vừa là chủ sở hữu vừa là người cai trị được. Ở đây hoàn toàn ngược lại: nhà nước là công cụ, nó chỉ phục vụ cho quyền lợi của một chính đảng, của một ông chủ duy nhất hay một xu hướng duy nhất trong lĩnh vực kinh tế cũng như tất cả các lĩnh vực khác của đời sống xã hội.

Tài sản nhà nước ở phương Tây phải được coi là chủ nghĩa tư bản nhà nước chứ không phải là sở hữu như trong chế độ cộng sản.

Khẳng định chủ nghĩa cộng sản là chủ nghĩa tư bản nhà nước phát xuất từ sự “cắn rứt lương tâm” của những người thất vọng với hệ thống cộng sản, không lí giải nổi hệ thống ấy và đem so sánh nó với các khiếm khuyết của chủ nghĩa tư bản. Vì trong chế độ cộng sản tài sản tư nhân không hề tồn tại, về mặt hình thức, tất cả sở hữu đều thuộc về nhà nước cho nên mọi tội lỗi đều có thể đổ cho nhà nước cũng là hợp logic vậy. Từ đó mà có chủ nghĩa tư bản nhà nước. Định nghĩa này cũng được những người cho rằng tư hữu không phải là xấu, hơn nữa họ còn luôn nhấn mạnh rằng cộng sản cũng là tư bản, nhưng tồi hơn nhiều.

Khẳng định rằng chủ nghĩa cộng sản hiện đại là giai đoạn chuyển tiếp sang một cái gì đó chỉ là đưa vấn đề vào ngõ cụt và làm cho mọi tìm tòi giải pháp đều trở thành bất khả.

Chủ nghĩa cộng sản hiện đại, ngay cả khi cho rằng nó hàm chứa những đặc trưng của chủ nghĩa tư bản nhà nước đi chăng nữa, thì nó cũng chứa nhiều đặc thù không kém và vì vậy phải coi nó là một hệ thống xã hội đặc biệt, hoàn toàn mới.

Không thể lẫn lộn bản chất của chủ nghĩa cộng sản hiện đại với bất kì một hệ thống nào khác. Hàm chứa nhiều đặc điểm của chủ nghĩa phong kiến, chủ nghĩa tư bản, và ngay cả chế độ chiếm nô, đồng thời nó vẫn là một chế độ hoàn toàn độc đáo, hoàn toàn riêng biệt, chưa từng có.

No comments:

Post a Comment