January 30, 2016

Milovan Djilas - Giai cấp mới (Kì 12)


Milovan Djilas


Milovan Djilas (1911-1995)

Giai cấp mới

Phạm Nguyên Trường dịch

Mục đích và phương tiện (tiếp theo)

4.

Chủ nghĩa cộng sản còn giữ được đức hạnh cho đến khi các lãnh tụ của nó bắt đầu thanh toán những người muốn lời nói đi đôi với việc làm ngay trong hàng ngũ của mình . Nhưng việc mất giá về đạo đức đó trong mắt người ngoài không có nghĩa là cộng sản bắt đầu suy yếu. Cho đến nay thì ngược lại. Tất cả các vụ thanh trừng, kể cả những vụ án ở Moskva, không những không làm suy yếu, mà ngược lại còn tăng cường sức mạnh của hệ thống nói chung và Stalin nói riêng. Tất nhiên, một số tầng lớp, đặc biệt là giới trí thức, trong đó có Andre Gide, đã từ bỏ chủ nghĩa cộng sản vì ngờ rằng trong tình hình hiện nay, đấy không phải là hiện thân của lí tưởng mà họ hằng mơ ước. Nhưng chính cái chủ nghĩa cộng sản mà ta đang thấy không những không yếu đi: giai cấp mới đã cứng cáp, đủ sức lực và sau khi giải phóng khỏi những trở ngại về đạo đức thì đang dìm chính những chiến sĩ cộng sản chân chính trong biển máu. Mất giá về đạo đức trong mắt người khác, chủ nghĩa cộng sản trên thực tế đã tăng cường được quyền lực đối với xã hội và củng cố được địa vị trong mắt giai cấp mình.

Chủ nghĩa cộng sản hiện thời chỉ có thể bị mất giá về mặt đạo đức trong mắt chính giai cấp của mình khi bên cạnh việc thanh toán lẫn nhau của các lãnh tụ còn phải kèm theo các điều kiện khác nữa. Đấy là khi cách mạng không chỉ “ăn thịt những đứa con của mình” mà còn có thể nói tự ăn thịt mình. Đấy là khi chính giai cấp cầm quyền nhận ra rằng mục đích của nó là không thực tế, là không tưởng, không thể thực hiện được. Đấy là khi những bộ óc thông thái nhất của nó nhận thức được rằng đây là giai cấp bóc lột, chính quyền của nó là chính quyền bất công. Đấy là khi giai cấp đó hiểu rằng, việc tiêu diệt nhà nước cũng như xây dựng xã hội cộng sản, nơi mọi người làm theo năng lực và hưởng theo nhu cầu là không thực tế trong một tương lai có thể nhìn thấy được. Khi đó họ sẽ hiểu rằng phương tiện mà giai cấp đã và đang sử dụng, trên lời nói là cho mục đích cao cả, còn trong thực tế là để củng cố quyền lực của mình đã không còn ý nghĩa nữa, khi đó họ sẽ hiểu tính phi nhân và không phù hợp của những phương tiện đó. Điều đó có nghĩa là trong giai cấp cầm quyền đã có dao động và chia rẽ, quá trình này sẽ không thể đảo ngược được. Nói cách khác, cuộc đấu tranh cho sự sống còn của chính nó sẽ buộc giai cấp cầm quyền nói chung và các phe nhóm trong lòng nó nói riêng từ bỏ các phương tiện cũ cũng như từ bỏ chính mục đích không thực tế và thiếu tương lai.

Hi vọng sự xuất hiện một hoàn cảnh như thế chỉ có tính chất lí thuyết, chưa có nước cộng sản nào gợi ý cho ta thấy rằng hi vọng đó sẽ được hiện thực hoá trong một tương lai gần, Liên Xô sau Stalin lại càng không. Giai cấp cầm quyền ở đó vẫn là một lực lượng cố kết, còn việc lên án các biện pháp của Stalin lại được tiến hành nhằm bảo vệ chính giai cấp ấy khỏi những hành động chuyên quyền của nền độc tài cá nhân. Tại đại hội XX của Đảng Cộng sản Liên Xô, Chrushchev đã biện hộ cho cuộc “khủng bố cần thiết” chống kẻ thù và cho rằng nó khác xa với sự chuyên quyền của Stalin trong quan hệ với “các đồng chí tốt”. Ông ta không lên án các biện pháp như chúng vốn là, mà chỉ kết tội cách áp dụng có phần làm cho giới cầm quyền lo ngại. Những thay đổi nhãn tiền sau cái chết của Stalin diễn ra trong nội bộ giai cấp cầm quyền lúc này đã đủ mạnh, đủ sức ngăn chặn việc thiết lập quyền lực tuyệt đối của lãnh tụ và bộ máy cảnh sát. Còn chính giai cấp và các biện pháp thì vẫn chưa có thay đổi đáng kể, các vết rạn nứt và suy thoái đạo đức cũng chưa thấy rõ. Nhưng những dấu hiệu của sự rạn nứt thì đã có, đấy là cuộc khủng hoảng đạo đức như đã nói đến bên trên. Quá trình phân hoá về mặt đạo đức chỉ mới bắt đầu. Những điều kiện cho quá trình ấy đã bắt đầu hiện ra ngày càng rõ nét hơn.

Khi nhóm chóp bu tự cho mình đặc quyền chỉ trích việc Stalin o ép những người cộng sản thì câu chuyện đó nhất định sẽ tìm được tiếng vọng trong lòng những người còn bị o ép gấp trăm, gấp ngàn lần hơn thế. Giai cấp tư sản Pháp khi đã chán ngấy chiến tranh và chế độ chuyên chế, cũng đã nổi dậy chống lại hoàng đế Napoleon của mình. Nhân dân Pháp cuối cùng đã rút ra những bài học bổ ích. Các biện pháp của Stalin nhân danh xã hội tươi sáng trong tương lai không thể nào trở lại được nữa. Nhưng điều đó không có nghĩa là nhóm chóp bu hiện nay, dù không thể sử dụng bừa bãi mọi biện pháp được nữa, về nguyên tắc sẽ đoạn tuyệt với những biện pháp ấy. Điều đó cũng không có nghĩa rằng Liên Xô sẽ bất ngờ biến thành nhà nước dân chủ pháp quyền trong một tương lai gần.

Nhưng, rõ ràng là đã có một số thay đổi.

Trong tương lai, giai cấp cầm quyền không thể biện hộ, dù trong nội bộ, việc sử dụng bừa bãi các biện pháp nhân danh mục đích “lí tưởng”. Nó vẫn sẽ còn ba hoa về chủ nghĩa cộng sản như là mục đích cuối cùng; nếu không thế thì sự độc quyền cũng sẽ tiêu ma. Nhưng đấy có lẽ chỉ là thói quen sử dụng bừa bãi các phương tiện còn sót lại từ quá khứ mà thôi. Không phải lúc nào nó cũng dám liều như trước nữa. Một sức mạnh lớn hơn, đấy là nỗi sợ trước dư luận quốc tế, sợ làm ảnh hưởng đến hình ảnh của mình, đến quyền lực tuyệt đối của mình đã làm cho nó dao động, chùn tay. Cảm thấy mình đủ mạnh để có thể rỡ bỏ hiện tượng sùng bái cá nhân Stalin, sùng bái người sáng lập hệ thống, giai cấp mới đã đánh một đón chí mạng vào ngay lí tưởng của mình. Ngay khi đạt đến đỉnh cao của quyền lực, giai cấp mới bắt đầu tránh xa cái hệ tư tưởng, cái lí thuyết giáo điều đã góp phần dẫn nó đến quyền lực. Đã xuất hiện những vết rạn nứt, đã có dấu hiện rã đám. Trên bề mặt, dường như vẫn phẳng lặng, vẫn yên tĩnh, nhưng ở trong lòng, ở ngay trong hàng ngũ của nó bắt đầu xuất hiện những suy nghĩ mới, các tư tưởng mới đang cày xới nền đất, đang tung ra những hạt giống cho những trận cuồng phong trong tương lai.

Chính vì vậy mà giai cấp mới sau khi đã từ bỏ các biện pháp của Stalin cũng sẽ không thể giữ mãi được giáo điều Stalin nữa. Các biện pháp đó chỉ là sự thể hiện giáo lí đó trên thực tế.

Không phải là lương tâm, cũng không phải là lòng nhân đạo đã buộc các chiến hữu của Stalin công nhận tác hại của những biện pháp mà ông ta đã sử dụng. Chính quyền lợi của giai cấp cầm quyền đã buộc họ, dù hơi muộn, dù sau khi người thày của họ đã qua đời, phải quay lại với lương tri và nhận ra rằng họ có thể xử sự một cách nhân đạo hơn.

Từ bỏ những biện pháp man rợ cực đoan, nhóm chóp bu, dù không muốn, cũng đã gieo vào lòng giai cấp mình hạt giống nghi ngờ chính những mục tiêu của nó. Trước đây mục đích đã là tấm màn che đậy cho những phương tiện vô luân. Từ bỏ nguyên tắc “mục đích biện minh cho phương tiện” tạo ra sự ngờ vực vào ngay chính mục đích. Nếu đã chứng minh rằng các phương tiện phải đưa đến mục đích đó lại là những phương tiện độc ác, thì mục đích tự nó cũng là bất khả thi. Vì trong chính trị chỉ có phương tiện là thật còn mục đích, trên lời nói, thì lúc nào cũng là tốt đẹp cả. “Con đường đưa đến địa ngục được xây bằng các ý tưởng tốt” là như thế đấy.

5.

Lịch sử chưa hề thấy mục đích lí tưởng nào được xây dựng bằng những phương tiện vô nhân đạo, phản nhân tính; cũng như nó chưa từng thấy một xã hội tự do nào lại được xây dựng bởi những kẻ nô lệ. Không gì có thể phản ánh rõ thực chất của mục đích bằng chính các phương tiện để đạt mục đích ấy.

Nếu mục đích có trách nhiệm biện minh cho các phương tiện phản nhân tính thì phải nói mục đích có vấn đề. Trong thực tế, chính là phương tiện, sự hoàn thiện liên tục và nhân đạo hoá các phương tiện mới có thể biện minh cho mục đích, biện minh cho những cố gắng và hi sinh cho thắng lợi của nó.

Chủ nghĩa cộng sản hiện đại chưa bắt đầu quá trình này. Nó mới chỉ tạm dừng chân, lòng tràn đầy niềm tin vào sức mạnh của mình và đang suy nghĩ về các phương tiện đã được lựa chọn.

Trong lịch sử không có chế độ dân chủ (tương đối dân chủ thôi, phù hợp với hoàn cảnh) được xây dựng bằng ước vọng đạt đến mục đích lí tưởng, mà chế độ dân chủ được xây dựng bằng những cố gắng tuy nhỏ nhưng thấy được từng ngày với việc sử dụng các phương tiện phù hợp. Bằng cách đó, các chế độ ấy đã và đang đưa, với ít nhiều tính tự phát, nhân dân họ đến gần những mục đích lớn lao hơn. Trong khi đó các chế độ chuyên chế thường tự biện hộ bằng những mục đích lí tưởng. Không chế độ chuyên chế nào có thể dẫn người ta đến những mục đích cao thượng mà nó từng tuyên bố.

Chủ nghĩa cộng sản đương thời, bằng các biện pháp cách mạng, đã đập tan một hình thái xã hội này và bằng các biện pháp độc tài đã tạo ra một hình thái xã hội khác. Ban đầu, được cổ võ bởi ước mơ thánh thiện nhất, vĩ đại nhất, ước mơ tự ngàn đời của con người về bình đẳng và bác ái, sau đó, chính những ước mơ này đã trở thành tấm màn che địa vị thống trị được áp đặt và thực thi bằng mọi phương tiện, kể cả những phương tiện xấu xa, bỉ ổi nhất.

Giống như nhân vật Sigaliov trong tác phẩm “Lũ người quỉ ám” của Dostoevsky:

Hắn xếp đặt mọi chuyện đâu ra đấy trong một cuốn sổ ghi chú. Hắn vạch ra một mạng lưới do thám thật hay. Trong hệ thống đó, mỗi người của phong trào sẽ dò xét mọi người khác và báo cáo về họ. Mỗi người đều thuộc về tất cả và tất cả đều thuộc về mọi người. Tất cả đều là nô lệ và bình đẳng trong sự nô lệ. Trong những trường hợp hãn hữu mới cần đến vu khống và xử tử, còn chủ yếu là bình đẳng… Đám nô lệ phải được bình đẳng: không có sự chuyên chế thì chẳng bao giờ có tự do hay bình đẳng…”

Như vậy là, khi dùng mục đích để biện minh cho phương tiện thì mục đích ngày càng trở nên xa vời và phi thực tế. Còn phương tiện thì ngày càng khủng khiếp hơn và không thể nào chấp nhận được.

No comments:

Post a Comment